VỀ THĂM MỘ BỐ – TƯỚNG TRẦN ĐỘ


TRẦN HẢI – KHÁNH TRÂM

Bia mộ Tướng Trần Độ (Tạ Ngọc Phách)

Một ngày đầu tuần tháng 6/2012 vợ chồng chúng tôi về thăm mộ ông ở Thái Bình. Sáng nay trời Hà Nội âm u, mưa từ đêm qua. Lúc 7h chúng tôi rời ngôi nhà 97 Trần Hưng Đạo mưa vẫn chưa ngớt nhưng cả hai vẫn thực hiện kế hoạch hôm nay về Thái Bình. May quá trên đường đi thì trời cứ sáng dần lên rồi mưa tạnh. Khoảng hơn 8h xe đến Phủ Lý. Nơi đây nổi tiếng hơn chục năm nay về một món ẩm thực được chế biến bằng thứ bột gạo mà ai đã đến Phủ Lý cũng sẽ dừng chân thưởng thức, đó là món “bánh cuốn thịt nướng”. Làm 2 xuất rồi gọi thêm 2 ly trà nóng là xong bữa sáng, chiếc bóp bớt đi 64.000 đ. No bụng xong là mắt bắt đầu làm việc. Vốn hay quan sát, thoáng nhìn tôi đã thấy công an Hà Nam đội mũ kê pi không giống như mũ của công an Hà Nội. Đi được một đoạn mà tôi vẫn còn nhớ bữa sáng. Ngồi ăn món bánh cuốn trên vỉa hè tôi lại chợt nhớ câu vè lưu truyền trong dân gian đã lâu:

«Vỉa hè là của nhân dân anh hùng».

Từ ngày được nhà nước chính thức công nhận «5 thành phần kinh tế » thì cái vỉa hè vốn là của chung, là «sở hữu tập thể» nay thoắt cái được trưng dụng thành của riêng ở rất nhiều nơi và nó được vinh dự mang cái tên cũng thật ấn tượng. Thoạt nghe đã thấy bóng dáng người chủ của nó: «Nhân dân anh hùng». Sáng nay tôi đã cảm ơn «ông chủ» này.

Theo chỉ dẫn của tấm bản đồ du lịch, khoảng cách từ Hà Nội đến thành phố Thái Bình là 110 km, từ đây về quê nội Tiền Hải khoảng 20km nữa. Xe cứ chạy bon bon. Đường xá bây giờ tốt thật. Tôi lại tiếp tục ngắm cảnh. Đi qua Nam Định đã thấy nhiều đặc sản như bánh gai, kẹo dồi (là những thứ quà quê sang trọng của thời thơ ấu). Chúng tôi chuyển vô Nam sinh sống đã lâu nên rất thích ngắm cảnh đồng bằng Bắc Bộ. Khi đi vào địa phận Thái Bình, nhìn thấy những cánh đồng lúa nơi đây, tôi lại nhớ về những câu thơ khi còn ngồi trên ghế nhà trường trong bài «Anh chủ nhiệm». Ngày ấy những đứa học trò như chúng tôi ai cũng thuộc lòng:

«Nắng chiều thấp thoáng ngọn cây tre

Sóng lúa mênh mông cuộn đổ về

Anh cùng tôi bước trên đê nhỏ

Áo nâu bạc mầu bay với gió

Anh giơ tay vẽ giữa trời xanh

Vẽ cả ngày mai thành bức tranh…»

Nghĩ về hai câu thơ cuối, tôi cho rằng nhà thơ Hoàng Trung Thông dùng hình ảnh “Anh chủ nhiệm” để nói lên cái tương lai XHCN mà miền Bắc đang cố gắng dựng xây. Cái ước muốn, cái mong ước này được bắt đầu từ những năm 60 của TK 20 thời chống Mỹ cho đến ngày thống nhất đất nước 1975, rồi hơn 37 năm hòa bình tưởng là sẽ vẽ xong thế nhưng đến tận hôm nay- sang thế kỷ 21 chúng ta vẫn chưa có bức tranh đó… và cũng không biết sẽ còn “vẽ” đến bao giờ?

Nằm trong vựa lúa của đồng bằng Bắc Bộ, Thái Bình từ xưa nổi tiếng với danh hiệu “quê hương 5 tấn”. Cũng từ đây ra đời bài hát “Bài ca 5 tấn” : “Trong tiếng súng cả nước cùng đánh Mỹ, ruộng đất hôm nay không muốn nghỉ lấy một ngày…”. Bao nhiêu hồi ức của quá khứ lại hiện về. Với 5 tấn thóc/ ha ngày ấy để có được những khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, và “Tất cả cho tiền tuyến”. Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý sáng tác bài này, không phải người quê Thái Bình mà là quê Nghệ Tĩnh. Khi bài hát chào đời thì bố tôi, một người con của Thái Bình lại đang chỉ huy chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ (B2). Ông đi Nam từ 1964 đến 1974 mới trở về Bắc. Trong 10 năm ở chiến trường B2, ông mang quân hàm thiếu tướng, phó chính ủy quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Cùng chiến đấu với ông còn có tướng Hoàng Văn Thái cũng là con dân Thái Bình.

Tôi cứ chìm trong những nghĩ suy. Đến gần trưa thì đến nghĩa trang làng.

Đây là làng Thư Điền, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải nơi ông yên nghỉ từ ngày 15/8/2002 (tức 7/7 AL). Ông mất đúng ngày đầu tháng Bảy âm lịch: 1/7/2002. Sau 6 ngày mới tổ chức được tang lễ. Một đám tang có “tiếng vỗ tay” và nhiều sự kiện. Thi hài được hỏa táng. Hôm sau gia đình nhận cốt và đưa ông về đây. Năm nay là vừa tròn 10 năm ngày mất. Là người gắn bó với quê hương, ông có ước nguyện khi qua đời sẽ về nằm tại quê nhà. Lúc còn sống, bố tôi cũng đặt tên con trai theo tên quê hương để nhớ về nơi “chôn rau cắt rốn”: Trần Điền, Trần Hải.

Nghĩa trang làng tôi không lớn lắm nhưng đường rất khó đi. Chúng tôi phải đi lòng vòng trên các khu mộ để vào phần mộ của gia đình. Ở đây dân làng không chừa lối đi chung, thế là chúng tôi phải trèo lên bờ tường, dẫm từ mộ nọ đến mộ kia. Ai không giữ được thăng bằng thì chỉ có ngã. Năm ngoái về đây chúng tôi cũng đã gặp tình cảnh này. Những năm trước nữa thì đi dễ dàng hơn, càng về sau càng nhiều người mất và mạnh ai nấy chôn không có quy hoạch gì nên những ngôi mộ lâu đời sẽ bị bịt kín lối vào.

Tôi bước lò dò chênh vênh trên bờ tường, vừa đưa mắt xem hướng phần mộ của bố nằm ở đâu. Cái mốc để nhớ là chiếc cột điện. Từ đây cách mộ 50,60 mét nhưng rất khó vào. Lúc thì lội bùn, lúc lên bờ tường. Cứ thế trèo lên, lội xuống, rồi thì nhẩy từ bờ nọ sang bờ kia… Đi vài mươi phút thì cũng đến nơi.

Trần Hải bên mộ bố

Khuôn viên của gia đình rất nhỏ, chưa tới 20 m2, nơi yên nghỉ của 7 con người: Bà nội tôi (cụ Tô Thị Phủng), các bác, các chú, bố tôi. Trừ bà nội ra mỗi người chỉ có một tấm bia ghi tên họ, ngày sinh, ngày mất nhưng không có ảnh. Trên mặt đất cỏ mọc cao ngút. Có cả hoa dại. Loại hoa cúc trắng rất đẹp. Khi tôi đang thắp hương thì có một chú bướm vàng bay đến. Không biết có phải bố ra đón không? Chú bướm vàng này lại hơi bé. Nhiều khi tôi cũng thật khó giải thích bởi hai lần về thăm mộ bố trước đây, trên đường đi mưa tầm tã. Tôi cứ lo khi đến nơi mưa như thế có trèo được vào mộ không, ấy vậy mà thật kỳ lạ, khi xe bắt đầu rẽ vào làng mưa cứ ngớt dần. Lúc ra đến mộ thì tạnh hẳn.

Về quê bao giờ tôi cũng chuẩn bị hai sắp lễ, một đem ra mộ, một thắp tại nhà thờ tổ của dòng họ. Trái cây cúng các cụ và bố có táo Mỹ, xoài Nam Bộ, và vải đầu mùa. Thêm bó hoa cúc vàng tươi, rực rỡ. Trong khói hương nghi ngút, tôi bần thần nhớ bà nội, nhớ bố tôi, nhớ người thân… Năm ngoái tôi đưa con gái nhỏ đến thăm và thắp hương cho ông. Năm nay cháu ở nhà vì nhớ cảnh bế cháu chật vật mãi mới tìm được mộ. Cháu nhờ tôi nói với ông nội: “Ông ơi, cháu thương ông lắm. Năm nay cháu đã 10 tuổi rồi ông ạ”. Suy nghĩ của trẻ thơ là vậy vì cháu nhớ mãi câu chuyện tôi kể cho cháu nghe, khi ông mất cháu mới được 11 tháng tuổi. Lần nào đến đây tôi cũng vẫn nghiệm thấy rằng cái kết nối âm dương thật kỳ diệu. Khi thì thầm với bố về những lời dặn của con gái, nước mắt tôi lại trào ra. Có lẽ bố tôi đọc được suy nghĩ của người thân đó. Tôi đã từng đứng trước mộ bố nhiều lần, đã cúi lậy ông, đã kể cho ông nghe về thời cuộc nhưng chưa bao giờ tôi nói rành mạch như ngày hôm nay. Tôi buồn rầu kể về cái ác đang hàng ngày diễn ra ở khắp ba miền Trung-Nam-Bắc, những cái ác còn rùng rợn kinh tởm hơn 10 năm trước đúng như tâm sự của ông ở bài thơ:

Những mơ xóa ác ở trên đời

Ta phó thân ta với đất trời

Ác xóa đi thay bằng cực thiện

Tháng ngày biến hóa ác luân hồi ».

Người dân thời nay chịu biết bao đau đớn vì những cái ác cứ công khai, cứ ngang nhiên lộng hành không cần che đậy. Một thờicái ác lên ngôi.

Nhưng tôi cũng vui mừng báo tin với bố về một xã hội dân sự đang hình thành.

Tôi vẫn tin là những lời từ trong tim tôi sẽ vượt qua cách biệt âm dương để đến tai ông.

Nhà thờ dòng họ

Tôi quỳ sát đất và nghĩ rằng bố đang nghe mình. Tôi cũng vui vì âm – dương hòa quyện, lòng người bên nhau. Khi thầm thì tôi cứ nhìn vào tấm bia. Lúc mới đến tấm bia bị cỏ che khuất, tôi phải nhổ bớt vài cụm thì cái tảng đá nho nhỏ mầu xám mới hiện ra. Hai chúng tôi cũng thắp hương cho các ngôi mộ xung quanh nữa. Những người anh em và hàng xóm của bố.

Hôm nay là thứ sáu. Toàn cảnh khu nghĩa trang vắng lặng quá. Lần nào cũng vậy chúng tôi ở chơi với các cụ và bố cho hết tuần hương rồi mới hóa vàng. Sau khi xong hết việc nhang khói, tôi ngồi ghi chép và nhìn ra xung quanh. Đã hơn 11 giờ trưa. Nắng hanh hanh. Gió nhè nhẹ. Chú bướm vàng cứ quanh quẩn bên trang viết của tôi. Nghĩa trang này khi 10 năm trước đưa bố về đây còn vắng vẻ, ra vào rất dễ. Bây giờ thì khó vô cùng. Tôi nhìn các ngôi mộ hàng xóm, mỗi cái một vẻ. Màu sắc cũng vậy. Chỗ nào cỏ cũng mọc rất cao. Có nhiều chỗ cỏ mọc che hết các ngôi mộ và bia người mất. Trong khuôn viên gia đình tôi, cô tôi phải lát gạch để hạn chế cỏ mọc. Lúc này đang vào mùa mưa, cỏ mọc xanh quá. Phong tục ở làng là không nhổ cỏ. Một năm chỉ làm cỏ vào dịp đông chí trước tết Nguyên đán.

Cỏ xanh, cúc trắng, thật thanh bình, còn mâm trái cây lại vừa tươi vừa đẹp. Nhìn những trái táo Mỹ tôi lại liên tưởng đến chuyến thăm vịnh Cam Ranh của vị bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lion Panetta đầu tuần. Nếu bây giờ bố còn sống thì bố sẽ thấy người đứng đầu quân đội Mỹ này rất bình dị. Ông mặc dân sự, chuyện trò thân thiện với các quân nhân và vui vẻ trả lời những câu hỏi của các nhà báo. Sự kiện này đánh dấu gần 40 năm sau ngày người Mỹ từ bỏ Nam Việt Nam nay đã trở lại quân cảng chiến lược này. Biển Thái Bình Dương luôn là lời mời gọi mọi công dân trái đất, chẳng của riêng ai, chẳng cấm cửa ngăn chân ai được. Vài năm trở lại đây, nhà cầm quyền Bắc Kinh có nhiều gây hấn trên Biển Đông nhằm biến nơi đây thành ao nhà của riêng mình. Tự do hàng hải (cũng như mọi sự tự do khác trong khuôn khổ nhân bản) là vĩnh hằng bố nhỉ? Tuần hương cháy đến sát chân. Hóa vàng xong, chúng tôi tần ngần chia tay với bố và người thân. Nắng vẫn nhẹ, gió hiu hiu. Có tiếng mèo kêu meo meo vẳng lại rất gần đây. Lúc ra cũng gian khó như lúc vào chỉ khác là không phải tìm đường nữa. Lộc mang ra chúng tôi chia hết cho trẻ chăn trâu.

Viếng mộ xong, chúng tôi về nhà cô Xuyến em ruột bố để thăm cô và  thắp hương cho các cụ ở nhà thờ tổ. Nơi đây trước là ngôi nhà tuổi thơ của bố. Nhà mái tranh, vách đất, sau này bà nội làm lại xây bằng tường gạch. Cũng trên cái thổ này năm 2004, cô Xuyến và các bác xây một nhà thờ tổ. Phong tục ở đây còn đậm nét «đất lề quê thói» : Trên bàn thờ tổ đặt bài vị của dòng họ, quanh năm phủ tấm vải đỏ, chỉ lấy ra vào ngày 30 tết để đón các cụ về với con cháu. Đến ngày 3 tết tiễn ông bà xong, đem phủ lại. Ảnh bố tôi được đặt ở bàn thờ nhỏ ngay bên trái bàn thờ chính. Trên tường có treo một vài bức trướng từ buổi tang lễ. Đọc những dòng chữ của đồng đội, đồng chí, những người bạn, người lính cùng vào sinh ra tử với ông ở các chiến trường khiến tôi nhớ cụ vô cùng. Đây là bức trướng thêu những tấm lòng đồng đội trên nền đỏ chữ vàng của Ban liên lạc truyền thống báo QĐND: «Trọn nghĩa nước non/ vẹn tình đồng đội. Kính viếng nhà báo lão thành Trung tướng Trần Độ ». Bức trướng của đoàn cựu chiến binh Ban ký sự lịch sử Quân đội mang dòng chữ : «Thương tiếc nhà văn Trung tướng Trần Độ». Hay bức «Tuệ mục tuệ tâm. Văn nhân võ tướng» đã nói lên tất cả tình người với sự kính trọng và yêu quý dành cho ông. Tôi nghĩ con người ta sống trên đời này khi mất đi được mọi người dành cho tình yêu thương đến như vậy cũng là mãn nguyện.

Thoắt cái đã 10 năm trôi qua. Cô Xuyến chỉ vào bụi mẫu đơn bố tôi trồng ngay sau khi từ Nam ra nay đang trổ bông. Bụi khá to, cây cũng đã già. Lá mầu xanh sẫm làm nổi bật những chùm hoa màu đỏ thật đẹp. Bụi hoa nằm ở cuối sân thỉnh thoảng cô tôi vẫn hái để dâng lên các cụ. Bố tôi cũng được thưởng thức thứ hoa cây nhà lá vườn này do chính tay em gái chăm sóc, chắc ông vui lắm. Tôi cũng được biết trong số các anh chị em, bố dành nhiều tình thương cho cô Xuyến nhất.

Sau bữa trưa, chúng tôi chia tay với ngôi nhà của họ nội. Cũng mảnh đất và ngôi nhà này (tôi hình dung trước đây là vách đất) bố tôi đã chào đời để 16 tuổi chia tay với bà nội đi hoạt động cách mạng. 17 tuổi bị bắt vô tù, bị tra tấn dã man ở nhà lao Thái Bình, Hỏa Lò. Năm 18 tuổi vào Đảng và cũng năm này bố tôi bị đầy đi nhà tù Sơn La (1941), nơi rừng thiêng nước độc «nước Sơn La, ma Hòa Bình». Kể từ đó bố vượt ngục, gắn bó với cuộc đời đi làm cách mạng.Trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chống Pháp, chống Mỹ ông là một vị tướng của nhân dân, «từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu». Tôi sẽ còn nhớ mãi lời ông tâm sự với tướng Lê Trọng Tấn: «Chúng mình làm tướng để đánh giặc chứ không phải đánh giặc để làm tướng». Khi tổ quốc hòa bình, ông buông tay súng để cầm lấy cây bút. Những dòng tâm huyết của ông không nằm ngoài ý tưởng của Bác Hồ: «Nước nhà được độc lập mà người dân không được tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa gì» và «đến ngày thắng lợi, chúng ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn to đẹp hơn». Ông đã sống đẹp, đã «vì nhân dân quên mình». Từ mảnh đất nơi làng Thư Điền rợp sóng lúa, bóng tre bố tôi đã ra đi, nay ông lại trở về với quê hương yêu dấu: Làng Thư Điền, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Sài Gòn 18/7/2012

37 bình luận

  1. Bác viết thật giản dị, chân tình mà làm em cứ ứa nước mắt. Nhìn nấm mộ cụ mà phẫn uất. Chúng nó ác quá, không còn là người …

    Kính mong cụ yên giấc.

  2. Đưa về quê, mộ nhỏ nhưng gần người thân.
    Ở Mai Dịch bây giờ lo lắm, trước sau gì cũng phải dời thôi. Nếu được di dời êm ả thì may.

  3. Tôi đã đọc văn của bác Trần Độ từ những ngày còn là học sinh cấp I ở quê Thái Bình. Cảm ơn anh Trần Hải và anh Nguyễn Trọng Tạo đã gợi cho tôi nhớ lại Ông Tướng đức độ của quê lúa Thái Bình chúng tôi

  4. Cành Hoa Nguyệt Quế
    ================

    Kỷ niệm 30 ngày từ trần của Nhà Dân Chủ và Lão Tướng TRẦN ĐỘ

    Anh về yên nghỉ gần ba Mẹ (1)
    Ngọc thể hóa thân hàng dương che
    Hơn nằm Mai Dịch (2) hồn ân hận
    Một lần sống thác đâu ngựa xe

    Trường chinh Anh nguyện theo vận nước
    Chung thủy một lòng Anh lắng nghe
    Ngàn sao vĩnh cửu trời lấp lánh
    Hồn thiêng Sông Núi Nguyệt Quế che .. ..

    TRIỆU LƯƠNG DÂN

    —————————-

    (1) : ba Mẹ : Ba người Mẹ của Anh Trần Độ:
    1. Mẹ : Mẹ Quê Hương Thái Bình — Việt Nam
    2. Mẹ : Mẹ ruột sinh ra
    3. Mẹ : Mẹ nuôi thời hoạt động Cách Mạng

    (2) Mai Dịch: nghĩa trang gần Hà Nội dành cho “các cụ”.

  5. Tôi đọc bài viết mà cứ thấy cay cay nơi khóe mắt. Là một người lính , đã từng đặt cuốn sách “Tu dưỡng lý tưởng cộng sản”_ một cuốn sách rất hay thời đó (những năm 60 của tk 20) của CỤ nơi đầu giường .
    Tôi chỉ có thể nói hai từ: “CĂM UÂT”

  6. Một đất nước đã không còn chỗ đứng cho người Tử tế!

  7. Tôi trân trọng và cảm ơn Trần Hải-Khánh Trâm và nhà văn Nguyễn Trọng Tạo đã có bài viết làm cho người đọc hiểu sâu sắc hơn về cuộc sống anh hùng & Giản dị của một vị tướng quân mà cuộc sống, chiến đấu của ông là tấm gương sáng hết lòng “Vì Nhân Dân quên mình” để các tầng lớp ND, mà đặc biệt là lớp trẻ suốt đời học tập !
    Hy vọng rằng sẽ được tiếp cận nhiều hơn thông tin về vị Tướng Anh hùng – Văn võ song toàn : Trần Độ.

  8. Bố tôi cũng là một người lính, thời ấu thơ tôi được biết đến cái tên tướng Trần Độ là qua bố mình, sau 30/4/75 anh cả tôi từ Miền Nam trở về, những câu chuyện chiến trường cũng nói rất nhiều đến cái tên trung tướng Trần Độ.

    Tôi ko theo đời binh nghiệp, nhưng tôi quan tâm đến sự phát triển của xã hội, những năm đổi mới, trong cung cấm có rất nhiều chuyện, mà những người lỡ mang cái nghiệp; giữa đường gặp chuyện bất bằng chẳng tha” luôn dày vò và rồi phải tìm hiểu nó. . .. và tôi biết Bác Trần Độ, quan điểm và tinh thần của bác đã củng cố cho biết bao nhiêu người, bỏ lên án mà tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng – phát triển xã hội và bảo vệ Tổ Quốc, và sự thật phũ phàng, khi nghe những thông báo nội bộ về bác Trần Độ, bọn họ đã qúa hèn mạt và gian ác, vu khống – đàn áp bác Độ.

    Đọc bài này, tôi thật cảm ôộng, và qủa quyết rằng, những người đảng viên chân chính, ai ai cũng tin yêu và kính trọng bác Độ. Công lao của tướng Trần Độ đã đi vào tâm tư và tình cảm của nhiều thế hệ người Việt Nam, và tôi tin rằng, bọn bán nước sẽ có ngày phải đền tội.

  9. Đọc xong và rất buồn. Buồn cho mình thì ít, buồn cho những người đã khuất thì quá nhiều!

  10. Noi chung nhung nguoi co Tam huyet voi dat nuoc truoc day cung nhu hien nay bi lam dung .kho ngo .noi ra that dau xot. ko biet lop nguoi tre sau ho co nhan thuc kha hon .Co nghi gi hien tai va tuong lai nhu nhung lop nguoi da trai nghiem qua

  11. Xin nghiêng mình trước vong linh của tương Trần Độ , một người cộng sàn Việt nam chân chính.
    Hài ơi , thắp giùm bạn một nén nhang cho Cụ nhé .

  12. Thú thật,trong các tướng lĩnh miền Bắc của VN.tôi kính
    phục nhất là tướng Trần Độ,một ông tướng không phải
    loại “hữu dũng vô mưu” như đa số tướng lĩnh khác,nhất
    là sự can đảm dám nói và nhân cách của ông !

  13. Đọc bài “VỀ THĂM MỘ BỐ – TRẦN ĐỘ”, thấy có đoạn trích trong bài “Anh chủ nhiệm”. Em học bài này năm lớp 6, rất thích, nhưng giờ chỉ nhớ lõm bõm câu được câu chăng. Giá mà bác N.T.Tạo hay anh Trần Hải post cả bài thơ đó thì tuyệt quá. Nếu không, gửi riêng cho em cũng được. Xin cám ơn nhiều.
    Địa chỉ: tranthiem1990@yahoo.com

  14. ANH CHỦ NHIỆM

    Nắng chiều thấp thoáng ngọn cây tre
    Sóng lúa mênh mông cuộn đổ về
    Anh cùng tôi bước trên đê nhỏ
    Áo nâu bạc màu bay với gió

    Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh
    Vẽ cả ngày mai thành bức tranh
    Kìa dòng mương chảy cầu đương bắc
    Lò gạch xây cao, đường thẳng tắp

    Nơi đây kho thóc nhà chăn nuôi
    Tiền đã lo xong đất cắm rồi
    Chân vẫn bước đều miệng vẫn nói
    Phơi phới lòng anh như gió thổi

    Anh làm chủ nhiệm đã ba năm
    Ba năm vật lộn cùng khó khăn
    Có mùa mạ cháy đồng khô cạn
    Mười bậc nước leo lên ruộng hạn

    Có mùa lúa chín lụt tràn qua
    Lại phải nghiêng đồng hắt nước ra
    Người nhiều, ruộng ít trâu bò ít
    Chạy ngược chạy xuôi lo rối rít

    Ngoài ba mươi tuổi máu đương sôi
    Không chịu khoanh tay đứng ngó trời
    Xoay mùa, chuyển vụ, tăng năng suất
    Thiếu đất lên rừng tay vỡ đất

    Còn nhiều nếp cũ thói riêng tây
    Trăm miệng, trăm người, trăm cái gay
    Hõm mắt thâu đêm lo việc xã
    Gió rét đường trơn, chân bấm đá

    Hết làng, hết ruộng thôi đi về
    Miệng nói, tay làm, tai lắng nghe
    Cùng bao đồng chí, anh đi trước
    Đứng mũi chịu sào đầu gió ngược

    Có đêm nằm nghĩ cảnh gieo neo
    Vợ yếu, con đông, chưa hết nghèo
    Nhưng rồi thấy rõ đường đi tới
    Nước nổi lo chi bèo chẳng nổi

    Lại lao vào việc lòng say sưa
    Hết sớm thôi chiều nắng lại mưa
    “Ơi anh củ nhiệm! Anh chủ nhiệm”
    Bao tiếng thân thương, lời cảm mến

    Tay anh nắm chặt tay xã viên
    Xốc cả phong trào vững tiến lên
    Anh cùng tôi bước trên đê nhỏ
    Áo nâu bạc màu bay với gió

    Mắt tôi ôm hết cả đồng xanh
    Cả dáng hình anh thành bức tranh

    4-1962

  15. Trung tướng Trần Độ một lòng vì nước, vì dân, đến khi nằm xuống cũng vô cùng bình dị như chính cuộc đời ông. Bao giờ các quan cộng sản mới hiểu những gì ông nói? Chắc lâu lắm, nhưng tôi tin rồi sẽ đến ngày đó!

  16. BÀI CA NĂM TẤN – Nguyễn Văn Tý – Bích Liên

  17. Tôi ngồi ngẫm nghĩ và nhớ tới câu thơ ( Anh đã chết để rồi sống mãi )

  18. Hồi đó tôi cũng chỉ được nghe phong thanh: Cụ giỏi lắm, đức độ lắm nhưng …. Trải qua bao nhiêu năm chúng ta mới được hiểu hơn về vị tướng Trần Độ. Giá như hồi ấy… tư tưởng của cụ được truyền bá thì đâu đến nỗi nược Việt ngày nay lại rơi vào thảm cảnh thế này… Chỉ còn biết kêu trời!

  19. Tôi không nhớ Hải hay Thắng đã từng là lính Sư 312. Hồi đó, tôi là lính thông tin, làm máy 2W phục vụ Sư trưởng Nguyễn Chuông nên biết bác Trần Độ có một con trai ở C trinh sát hay C Cảnh vệ của F thì phải. Dịp kỷ niệm 25 năm thành lập F (27/12/1975,bác Độ có về ở lại mấy hôm nên tôi đã có may mắn gặp và trò chuyện với Bác. Ấn tượng sâu đậm nhất là bác rất dân dã, vui tính. Tôi đã tặng Bác một chiếc điếu cày thửa ở thị xã Thanh Hóa để Bác mang về Hà Nội. Hải hay Thắng có nhớ không? Sau này, về HN học đại học, đến Thư viện QĐ mượn sách lại đôi lần gặp Bác và biết thêm Bác rất mê truyện chưởng Kim Dung. Nay đọc bài này của Hải, nhớ Bác Độ, tự dựng nước mắt lại ứa ra. Chao ơi, hơn 600 năm trước, cụ Ức Trai đã phải chua chát thốt lên rằng” Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi”…Nhưng, Hải ơi, rồi sẽ có ngày Bác Độ sẽ được chiêu tuyết, đúng với hình ảnh đẹp đã vốn có của Bác.(Một người lính cũ của Bác Độ)

    • Thật cảm động, lời nhắn gửi của người lĩnh cũ tới vị tướng già hơn ngàn vạn lần những tụng ca và hư từ sáo rỗng. Trân trọng.

  20. Cảm ơn con trai tướng Trần Độ. Đọc bài anh viết rất cảm động. Buồn đau thương tiếc cụ vô cùng. Kính Cụ sống khôn, thác thiêng hãy phù hộ cho đất nước sớm yên bình, không còn kẻ ác.

  21. Ngày xưa theo Đảng chống Pháp chống Mỹ là cầm chắc cái án tử hình vắng mặt, bởi vậy mới có những con người vì dân vì nước quên thân. Bây giờ “đa phần” vào Đảng để được thăng quan tiến chức, cùng nhau hưởng lộc, cho nên con người ác đi nhiều. Kẻ có lòng mà không có tâm thì im lặng mặc cho cái ác hoành hành !

  22. Cách đây gần nửa thế kỷ, hồi học lớp 8 hay lớp 9 gì đó, trong Văn Tuyển (Trích giảng Văn học) có học bài của tướng Trần Độ, hình như là bài MỤC ĐÍCH VÀ ƯỚC MƠ. Đọc văn cụ trong lòng cứ rạo rực, bừng bừng khí thế. Thật là một thời kỳ mà những người thanh niên tràn đầy lý tưởng và nhiều hoài bão…

  23. PHỤ TÁ xin chuyển giùm bác Trần Hải comment dưới đây tới bác Đỗ Phú Quốc:

    Xin chào Đỗ Phú Quốc. Tôi là Trần Hải, lúc bấy giờ ở C20 (trinh sát) sư đoàn 312 đây. Đọc phản hồi này của bác tôi được biết thêm một người bạn đã từng khoác áo lính như tôi cùng F312. Chúc bác nhiều sức khỏe, và tôi cũng chúc cho những người lính ( và những người một thời khoác áo lính) tình yêu tổ quốc đúng như lời mong muốn của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Hơn lúc nào hết mệnh lệnh của Bác Hồ luôn luôn phải được đồng hành cùng dân tộc bác nhỉ (nhất là trong lúc này).

    Qua đây tôi cũng xin cảm ơn tất cả những phản hồi của mọi người.
    Trân trọng,
    Trần Hải

  24. Quan niệm “chính trị là thống soái” “Văn nghệ phải phục vụ chính trị, văn nghệ là vũ khí, là công cụ của Đảng” đã một thời trói buộc, cấm đoán, đe dọa, làm cho văn nghệ sĩ luôn luôn lo sợ cho ngòi bút của mình! đã cản trở bước đường tiến lên của văn học. Nhưng đại hội Đảng lần thứ VI đã cử bác Trần Độ phụ trách Ban Văn Hóa Văn Nghệ và bác đã kiên quyết đổi mới. Nhờ đó đã có được những cây bút mới, dám nói thật, và văn hóa văn nghệ đã lấy được lòng tin của yêu của giới văn nghệ sĩ và đông đảo bạn đọc trong cả nước. Tôi rất ngưỡng mộ Bác Độ từ hồi ấy.
    Cảm ơn anh Hải và anh Tạo đã cho tôi biết thêm về bác ngoài những gì tôi đã biết về bác.

  25. diem phuc cho toi qua , hoa ra toi cung la nguoi co the la co ho hang voii tuong Tran Do , vi toi la ho To nguoi thai binh va co ba con voi tien si To van Truong cua vien thuy loi mien nam

  26. Với lòng thành kính, xin được nói lời cảm phục tướng Trần Độ, một con người CHÂN CHÍNH. Ông đã ra khỏi Đảng để đi vào lòng nhân dân Việt Nam.

    • Tưởng nhớ 10 năm ngày mất của tướng Trần Độ tôi bày tỏ lòng thành kính đối với ông và chia sẽ sâu sắc cùng gia đình về những sự kiện xảy ra từ khi ông mất trở về trước. Năm ông mất cũng là năm thúc đẩy tôi quan tâm đến cụm từ ” đỉnh cao trí tuệ”, ” ngôi sao sáng nhất trong muôn vì sao” … Và tôi cũng bắt đầu suy ngẫm ra cái lý luận vô lý cho sự tồn tại vô lý của cái được gọi là ” đỉnh cao trí tuệ ” … Tôi mới thấy cái “đỉnh cao trí tuệ” ấy nó bọc cái bên trong là sự đen tối, lừa đảo, độc ác, bỉ hèn, khốn nạn đến đỉnh điểm.

  27. Xin tuong Nho toi bac Tran Do – 1 vi tuong tai cua dat Viet .Nhan tron 10 nam Ngay mat cua bac

  28. thật đau đớn cho dân tộc Việt Nam,những người tài giỏi như Hoàng Minh Chính,Trần Độ,Trần Bạch Đằng,Võ Nguyên Giáp,Trần Đại Nghĩa,Tôn Thất Tùng,Võ Văn Kiệt…tại sao gần mấy mươi năm sống trong sai lầm mà không có cách lái bánh xe lịch sử,để bọn vô học,u mê,tham nhũng đi theo con đường xã hội chủ nghĩa không tưởng…để thế giới người ta bay vào vũ trụ còn Việt Nam vẫn còn sống trong độc tài,độc đảng…người trí thức sống trong lay lức,tủi nhục thế này!!!

  29. kính mong cụ trung tướng an nghỉ an lành,

  30. Nhìn lại mộ mà thương ông quá, mong ông được an nghỉ. Lịch sử sẽ lưu danh ông một vị tướng đức độ, trí dũng.

  31. Danh tiết là nhân cách của con người tốt . Phàm kẻ bất hảo sẽ không coi trọng danh tiết mà sống . Là người lính có tư tưởng vì dân , “ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ “. Các vị tướng đa số là giỏi và sống có tình. Dẫn đầu là tướng Gíap …tương Lê Trọng Tấn … tướng Trần Độ . Tư tưởng nhân cách của các cụ mãi sống trong tâm trí người Việt nam………….

  32. Tôi khâm phục Tướng Trần Độ Ông đã hi sinh để nói thẳng ra những điều mà bao nhiêu anh hùng không dám nói. đền thờ Ông sẽ được nhân dân lập trong tương lai. Cảm ơn Ông và gia đình.

  33. Cam dong va quy trong Bac qua!
    Chau xin gui Bac dong chu: Vo Cung Thuong Tiec Trung Tuong Tran Do! Nam Bac mat chau la sinh vien vua ra truong, van con ngay ngo qua. Chau that tiec vi nha ngay o Ha Noi nay ma k he biet gi ve dam tang cua Bac! Gio doc bai viet Tieng vo tay ma chau cu tu hoi: Sao the nay?!

Gửi phản hồi cho minh tam Hủy trả lời