CẢM THỨC 42 NĂM TÌNH ĐOẠN TUYỆT


Nhà báo Lê Quang Vinh

Nhà báo Lê Quang Vinh

LÊ QUANG VINH

Thật quá bất ngờ, đúng vào thời điểm một năm tròn xa cách – Người yêu dấu nhất, như Mẹ trên cõi đời – Hoàng Bích H.; sau những cố gắng vô vọng – viết, gửi về hàng trăm bức “Huyết lệ tình thư” cho người yêu; thì “đùng” một cái, nhận được lá thư “đoạn tuyệt” củaB.H. – như viên đạn bắn vào đầu!

Anh đã chết lặng. Sau hồi tỉnh thì điên loạn, đau khổ vô cùng.

Đọc đi đọc lại hàng trăm – hàng nghìn lần – cả ngày lẫn đêm, suốt năm này sang năm khác; cho tới nay, chưa một lần anh tin là chính đầu óc – trái tim B.H.nghĩ suy, nung nấu viết ra những dòng “tuyệt tình” như vậy.

Không, không bao giờ cả!

Làm sao có thể hiểu nổi một người con gái vốn có trái tim yêu đương hết mình; luôn mong muốn và thực tế đã “Gửi tới anh những gì anh mong mỏi” ấy, giờ đây lại là “thủ bút” của bức “Nỗi lòng” kỳ lạ đến vậy. “Những gì anh mong mỏi” chính là tình yêu, hạnh phúc trọn đời của hai chúng ta. Với anh và em, điều này đã thành hiện thực sống động, như được “ông Trời” sắp đặt rồi(!). Lời lẽ trong bức thư thật “nghịch nghĩa” với mặt sau của bài thơ “Nỗi lòng” (Thế Lữ), ẩn chứ bao điều trong trái tim em (phải hiểu “Nỗi lòng” là “không đoạn tuyệt”, bởi tình ý của nó)!

Ngay từ thời đó, anh đã nhận thức được sự vô lý của kết cục mà B.H. “lựa chọn”. Gọi là “lựa chọn”, nhưng chắc gì phải thế. B.H. không thể căn cứ vào một sự đồn thổi vu vơ là người yêu (còn hơn thế nữa!) hạ nhục mình trước “thiên hạ”: “Yêu vì vật chất”(?). Làm sao có thể tin vào điều đó, vào “thiên hạ” nào, để giết đi tình yêu mà trong mỗi cuộc đời của con người ta, chỉ có một lần duy nhất – “Mối tình đầu”!

Vào thời điểm ấy, hoàn cảnh của anh và em vô cùng nghèo ngặt. Chúng ta còn ít tuổi quá để không một ai tin về “tính hiện thực” của mối tình này. Điều không may nữa, anh thì đang trải qua những chấn động sức khỏe do tai nạn lao động…chắc chắn tác động không nhỏ tới mọi người thân. Do vậy, cách can thiệp của gia đình nhằm duy trì con đường tiếp tục học hành, cùng mong muốn bảo đảm “tuyệt đối an toàn” cho tương lai em, là điều dễ hiểu. Nhưng động thái này cũng không thể (đến mức) tiêu diệt được tình yêu của chúng ta – Một mối tình đầu (“Ngàn năm chưa dễ để ai quên”) đã đạt tới “tột đỉnh” trong đời anh và em!

Trên đời, có biết bao cuộc tình duyên phải vượt qua vô vàn những gian nan thử thách để nảy mầm, đơm hoa kết trái; một phần là nhờ ở sự che chở, dìu dắt của gia đình. Không một gia đình nào “khuất phục” được tình yêu đã trở thành “Bất tử” rồi của con cái. Thực tế là từ năm 1966 – từ đêm trăng huyền diệu: “H. đấy ư em – tiếng gọi bất ngờ, Giữa đêm trăng làm em quay lại. Dạ! tiếng trả lời làm anh nhớ mãi. Ôi ngọt ngào, tình tứ như thơ…”tựa như cổ tích ấy – đến nay và nếu có kiếp sau, tình yêu này vẫn là “Bất tử” !

Cuộc tình chúng ta hiển nhiên đóng góp thêm cho thế gian này một “mẫu hình” về “Tình yêu bất tử”. Tình yêu bất tử không bao giờ chịu sự ràng buộc của hôn nhân; nó luôn làm giàu thêm giá trị cũng như chất lượng của hôn nhân. Do đó, người ta thường ví tình yêu là “ánh hào quang của buổi bình minh đời người”, còn hôn nhân là “ánh chiều tà của cuộc đời” đó sao. Cho nên, mấy chục năm lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, dù “hạnh phúc” đến mấy; đã có phút giây nào ta không yêu thương nhau. Những khi gặp phải gian khó, ta luôn mơ về miền quê dịu ngọt chan chứa bao ký ức của tuổi thanh xuân: “Thi sĩ trộn tiều phu một nữa”, “Mái tóc dài thơm mát, Của những ngày xinh xắn biết bao nhiêu”, “Đôi mắt huyền xa thẳm, lấp lánh như vì sao”:

“Mắt ơi, sao mắt long lanh ?
Xa xăm giọt ngọc, mong manh nét ngài.
Mắt ơi, mắt sáng sao mai,
Mắt là “sợi nhớ” buộc ai trọn đời…”

Sau này, càng hiểu thêm, mối tình của chúng ta thật điển hình cho tình yêu trai gái (hiếm hoi vào thời đó); có thể nó đã làm cho nhiều kẻ cảm thấy thật quá lạ lùng, bởi bản thân bọn họ làm sao có được sự “thăng hoa” của một tình yêu “sét đánh” như anh và em để yêu đương vô tư, hồn nhiên. Chính những kẻ này(có người vốn từng là bạn), từ cái nhìn méo mó về tình yêu vô cùng thơ trẻ của chúng ta, thêu dệt ra không biết bao nhiêu điều tiếng cho anh và cho em.

Tất cả mọi rác rưởi dư luận vô cùng độc ác ấy tạo ra cái mặt trận – “Miệng thế gian như làn sóng biển” – tấn công em và gia đình; khiến ý chí người con gái vốn vững vàng, tâm hồn thuần khiết, trong ngọc trắng ngà nhường thế, đã phải cảm thấy tình yêu của mình lâm vào tình thế “lê thê, rách nát” thật rồi. Và cuối cùng thì ngã gục: “Một năm qua, yêu đã chết trong lòng em tất cả” !

Chúng ta không có tội gì cả! Ngàn lần không!!!Chúng ta chỉ có tình yêu trong sáng, thơ ngây, cuồng nhiệt như tình yêu của loài người thuở ban đầu. Tình yêu ấy khác gì trong các thiên tiểu thuyết diễm tình ngợi ca những mối tình thánh thiện, trong mơ…

Sau gần nữa thế kỷ rồi, cuộc đời anh và em dẫu đã thay đổi, từ tuổi tác, quan niệm sống; đặc biệt đã đủ độ chín chắn để chiêm nghiệm về tình yêu đôi lứa, hạnh phúc – hôn nhân và nhiều điều nữa…; ta có thể quả quyết, rất tự tin rằng: trên đời, phải tới hàng triệu đôi nam nữ khát vọng tự do yêu đương, may ra mới có một đôi như V. – H. !

Nếu không như vậy, sao sau bao bão tố cùng thời gian đằng đẵng hơn nửa đời người – khi hai chúng ta mỗi người đã “an bài” ở một “bờ riêng” cuộc sống – tình yêu ấy vẫn y nguyên sự nồng thắm như những ngày đầu tiên! Chất lượng và mức dộ da diết của mối tình đó là thế; liệu nó có thể bị “thiên hạ” – cụ thể là lũ “bạn bè” xấu xa – đặt điều biến Em – Anh, là hai người yêu thương nhau tột bực, vô cùng đau đớn trở thành dại khờ, đến nỗi tự biến mình thành “nạn nhân” của “miệng tiếng” để rồi làm chết tình yêu cả cuộc đời mình:

“Em không muốn để cho tình cảm của chúng ta kéo dài lê thê, rách nát mãi thế này được. Gửi “Nỗi lòng” trong bài thơ của Thế Lữ. Em không muốn viết dài dòng. Mà cũng chẳng biết viết gì ngoài bài thơ ấy nữa. Mong muốn anh hãy hiểu hết sự thật”.

“Sự thật” mà em muốn anh “hãy hiểu” liệu có đúng là nỗi đau đớn vô cùng của em khi phải cầm bút để viết “Bức thư cuối cùng giọt lệ đắng cay”; là những điều anh chiêm nghiệm, giải bày sau hơn 40 năm suy ngẫm? Là gì nữa, là tình yêu mãi mãi luôn ở trong mỗi trái tim chúng ta ?

Lẽ ra anh phải gạt phăng “sĩ diện non nớt đầu đời” khi đối diện “Nỗi lòng” của người yêu – rất đau khổ đã thành nạn nhân của miệng tiếng “thiên hạ” – để dũng cảm đứng lên bảo vệ tình yêu. Nhưng sự thật là đã có không biết bao lần anh đi tìm kiếm em, những mong hàn gắn vết thương lòng… Nói thế nào bây giờ, “số phận” đã chặn đứng tình yêu của anh và em…

Hà Nội, 25-7-2010

9 bình luận

  1. Cứ yêu đi, nhưng đừng gặp lại người xưa!
    Hôm nay 6/4/2015 vào lúc 1:27 PM
    Vinh thân mến, đọc bài của Vinh rồi. Ừ, bái phục thực đó. Một mối tình, là mối tình đầu rất đẹp. Giống như anh. Lớn lên, gặp một cô gái, có nét riêng, thế là mê tít, yêu chí chết, rồi hình như thằng con trai nào cũng bị, một cú tan vỡ bất ngờ, đau khổ tưởng muốn chết. Nhưng rồi vẫn sống nhăn răng và dần dần hiểu ra, yêu là gì… Rồi cũng quên đi, đời còn bao tao loạn.
    Thế mà đọc bài của Vinh, thấy thật tuyệt, yêu cho đến chết. Sao trên đời này có người đàn ông yêu dai dẳng thế nhỉ? Cứ yêu đi, nhưng đừng gặp lại người xưa, hãy cứ để cô H cứ là cô H mãi mãi, Nhé.
    Trần Huy Quang

  2. Tôi vô cùng xúc động và đã rơi nước mắt khi đọc đến đoạn văn này: “Sau gần nữa thế kỷ rồi, cuộc đời anh và em dẫu đã thay đổi, từ tuổi tác, quan niệm sống; đặc biệt đã đủ độ chín chắn để chiêm nghiệm về tình yêu đôi lứa, hạnh phúc – hôn nhân và nhiều điều nữa…; ta có thể quả quyết, rất tự tin rằng: trên đời, phải tới hàng triệu đôi nam nữ khát vọng tự do yêu đương, may ra mới có một đôi như V – H ! Nếu không như vậy, sao sau bao bão tố cùng thời gian đằng đẵng hơn nửa đời người – khi hai chúng ta mỗi người đã “an bài” ở một “bờ riêng” cuộc sống – tình yêu ấy vẫn y nguyên sự nồng thắm như những ngày đầu tiên!”. Thật quá thương, thông cảm cho mối tình anh chị.
    Nguyễn Thị Bích Lài – Đồng hương của hai người hiện ở TP. Pleiku – tỉnh Gialai – Pleiku.

  3. Chúc mừng anh Lê Quang Vinh có một bài viết thấu đến lòng dạ bạn bè và người đọc!
    Tác giả “Linh nghiệm” – Trần Huy Quang, có mấy nhận xét rất tinh tế: “Ừ, bái phục thực đó. Một mối tình, là mối tình đầu rất đẹp. Giống như anh. Lớn lên, gặp một cô gái, có nét riêng, thế là mê tít, yêu chí chết…”; “Nhưng rồi vẫn sống nhăn răng và dần dần hiểu ra, yêu là gì. Ngu quá. Rồi cũng quên đi, đời còn bao tao loạn”; “Thế mà đọc bài của chú, thấy thật tuyệt, yêu cho đến chết. Sao trên đời này có người đàn ông yêu dai dẳng thế nhỉ? Cứ yêu đi, nhưng đừng gặp lại người xưa, hãy cứ để cô H cứ là cô H mãi mãi, Nhé”. Tôi hiểu Nhà văn Trần Huy Quang muốn gửi đến anh Lê Quang Vinh không chỉ sự “bái phục thực đó” mà còn cả tấm lòng trân trọng, ngạc nhiên đến kỳ lạ “Sao trên đời này có người đàn ông yêu dai dẳng thế nhỉ?”! Cuối cùng, Nhà văn thực sự mong vẻ đẹp “thánh thiện” của mối tình V – H phải “vĩnh hằng” theo thời gian qua lời khuyên rất chi… “tiểu thuyết”: “Cứ yêu đi, nhưng đừng gặp lại người xưa, hãy cứ để cô H cứ là cô H mãi mãi, Nhé (viết hoa)”.
    Anh Lê Quang Vinh ơi, em phải viện dẫn mấy ý kiến trên của Nhà văn Trần Huy Quang mà em luôn kính nể, là nhằm chia sẻ cùng anh điều đặc biệt như anh đã giải bày với chị HBH: “Thực tế là từ năm 1966 – từ đêm trăng huyền diệu: “H. đấy ư em – tiếng gọi bất ngờ, Giữa đêm trăng làm em quay lại. Dạ! tiếng trả lời làm anh nhớ mãi. Ôi ngọt ngào, tình tứ như thơ…”tựa như cổ tích ấy – đến nay và nếu có kiếp sau, tình yêu này vẫn là “Bất tử” !”. Nhiều bạn đọc đã thật sự xúc động viết các comments, em cũng cùng chung tâm trạng đó khi được đọc những dòng chất chứa nỗi lòng nơi anh: “Cuộc tình chúng ta hiển nhiên đóng góp thêm cho thế gian này một “mẫu hình” về “Tình yêu bất tử”. Tình yêu bất tử không bao giờ chịu sự ràng buộc của hôn nhân; nó luôn làm giàu thêm giá trị cũng như chất lượng của hôn nhân. Do đó, người ta thường ví tình yêu là “ánh hào quang của buổi bình minh đời người”, còn hôn nhân là “ánh chiều tà của cuộc đời” đó sao. Cho nên, mấy chục năm lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, dù “hạnh phúc” đến mấy; đã có phút giây nào ta không yêu thương nhau. Những khi gặp phải gian khó, ta luôn mơ về miền quê dịu ngọt chan chứa bao ký ức của tuổi thanh xuân…”. Chúc mừng anh có bài viết thấu đến lòng dạ mọi người!
    Lê Anh Phong – TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình

  4. ] Gửi bác Lê Quang Vinh
    Đọc xong, tự nhiên tôi cảm thấy ghen tỵ với anh. Ở tuổi ngót 70 mà trái tim anh vẫn còn thổn thức được như thế này ư? Tôi kém anh 5 tuổi, ở cùng một Tòa soạn với anh nhiều năm, có nhiều kỷ niệm không thể nào quên với nhau, vậy mà trái tim của tôi sao đã già nua đến thế! Có lẽ bởi anh đang sở hữu một tài sản vô giá, một nguồn nước trong vắt, tinh khôi, bất diệt trước không gian và thời gian, khiến cho mọi con tim không có tuổi, luôn tươi mát, trẻ trung, nóng bỏng…
    Chúc mừng anh!
    Nguyễn Hoàng Linh

  5. Đọc tình yêu của anh chị, tôi cũng đang được… “hóa thành trẻ thơ!”.
    Tôi rất thích đoạn văn sau của anh Lê Quang Vinh: “Trên đời, có biết bao cuộc tình duyên phải vượt qua vô vàn những gian nan thử thách để nảy mầm, đơm hoa kết trái; một phần là nhờ ở sự che chở, dìu dắt của gia đình. Không một gia đình nào “khuất phục” được tình yêu đã trở thành “Bất tử” rồi của con cái. Thực tế là từ năm 1966 – từ đêm trăng huyền diệu: “H. đấy ư em – tiếng gọi bất ngờ/ Giữa đêm trăng làm em quay lại/ Dạ! tiếng trả lời làm anh nhớ mãi/ Ôi ngọt ngào, tình tứ như thơ…” tựa như cổ tích ấy – đến nay và nếu có kiếp sau, tình yêu này vẫn là “Bất tử” !
    Cuộc tình chúng ta hiển nhiên đóng góp thêm cho thế gian này một “mẫu hình” về “Tình yêu bất tử”. Tình yêu bất tử không bao giờ chịu sự ràng buộc của hôn nhân; nó luôn làm giàu thêm giá trị cũng như chất lượng của hôn nhân. Do đó, người ta thường ví tình yêu là “ánh hào quang của buổi bình minh đời người”, còn hôn nhân là “ánh chiều tà của cuộc đời” đó sao.”.
    Vì thế, tôi không nghĩ giữa hai người đã không còn yêu nhau nữa. Họ không “sum họp” cùng nhau trong một “ngôi nhà” hữu hình thôi. Điều này chẳng nghĩa lý gì cả. Giống như một nhà văn đã viết: “Tình yêu có những cái trẻ con. Mọi loại dục vọng làm con người nhỏ lại. Vinh dự thay, tình ái làm cho con người hóa thành trẻ thơ!”. Đọc tình yêu của anh chị, tôi cũng như đang được… “hóa thành trẻ thơ!”.
    Quỳnh Minh

  6. Kính Anh Lê Q Vinh!
    Đọc một lần, rồi hai lần…mới cảm nhận hết một thời đáng nhớ trong đời chàng trai trẻ đẹp năm ấy!…Đó là mối tình thuở đầu của Nhà báo Lê Quang Vinh!
    Quá khứ Anh đã có một tình yêu “bất tử” có thể nói hơn mọi…bài ca. Vì vậy, dù thời gian có phũ phàng qua năm tháng thì vẫn không thể làm lu mờ được mối tình sâu nặng ấy!
    Em mạo muội đôi chút với anh.
    Chúc Anh luôn vui khoẻ!
    Lê Kinh Thắng
    Đã gửi từ iPhone cá nhân

  7. Vào lúc 10:46 – Thứ Sáu, ngày 17 tháng 4 2015, nguyenthithanh

    Thân gửi bạn Lê Quang Vinh!
    Sau 42 năm, câu chuyện tình V – H đã trở thành “tác phẩm nghệ thuật” về một mối tình đầu mê đắm, thủy chung. Dầu biết bây giờ đó chỉ là “Cảm thức”, nhưng tôi ghen với H quá. H vẫn được V yêu trọn đời bằng một tình yêu “DUY NHẤT”. Tôi không là gì của V, chỉ là người bạn gái đồng học, thi thoảng “lấp ló” trong cuộc đời V với tình cảm trong vắt, nhưng tôi ghen! Tôi ghen và cảm thấy như bị mất mát một thứ gì lớn lao lắm trong cõi lòng!

  8. Ôi Thanh ơi!
    Nên nhớ, bạn là cô gái từng đứng trên “đỉnh điểm” của muôn vẻ tráng lệ ở một người con gái “lý tưởng” những năm cuối thập niên 60-đầu 70 thế kỷ trước!
    Tất cả bọn con trai “đồng môn” trang lứa, không một ai, không một kẻ nào dám tơ tưởng – dù chỉ trong giấc mơ – sẽ là người “được” yêu Thanh! Nghĩa là, bạn như một “nàng tiên” không nơi trần thế mà ở cõi xa xăm trong hồn muôn chúng bạn…Có đứa từng đưa vẻ kiêu sa của Thanh ra để hù dọa nhau. Nghĩ lại, thật dại dột và “tiếc” vô cùng! Đấy là lỗi lớn nhất trong cuộc đời đã “mặc định” và “hiển thị” nơi bạn, đương nhiên điều đó bạn chưa bao giờ “có ý” tạo ra.
    Trong số những bạn gái được giữ lại để Khoa Văn – ĐHSP HÀ Nội I đào tạo nâng cao (năm thứ 4), nào 2 – 3 cô con gái các thầy trong khoa; rồi mấy đứa “dây mơ rễ má” vv… đều “có lý do” ngoài khả năng học tập. Duy chỉ có Thanh – tuy dính đến thành phần giai cấp bóc lột là con cháu “địa chủ”, chả có một mối quan hệ “ưu thế” nào khác; đã đàng hoàng có mặt trong lớp “Văn 4” đầy danh giá, đầy khát vọng. Thanh “giành” được điều này, là không ngoài khả năng học tập giỏi dang cùng sự mê hoặc của giọng ca trời phú và sự kiêu sa của sắc đẹp ở nơi người con gái Hà Tịnh độc đáo… khiến “tổ chức” thời đó phải “chấm” để “ví dụ” cho sự “vô tư” của mình! Rồi Thanh tốt nghiệp đại học chuyên ngành “Văn học” đầy đủ 4 năm (chuẩn) trong mơ của muôn người…
    Đó là vài nét của người bạn gái cùng học với tôi những năm cuối thập niên 60 trong trường Đại học.
    Gia đình hiện nay của Thanh rất hạnh phúc: hai đứa con trai học giỏi, trong đó một cháu đang làm việc tại Hoa Kỳ. Chồng Thanh tên là Tiến Anh, đẹp trai gấp hai lần Lê Quang Vinh, trong một đêm đã “học thuộc lòng” bài thơ “Theo chân Bác” của Tố Hữu để sáng sớm hôm sau “có chuyện” đến trình diện mới “cưa đổ” bạn tôi.
    Cảm ơn Thanh rất nhiều!

  9. Tôi rất hiểu tình yêu của nhà báo Lê Quang Vinh với bóng hồng thời ấy. Chị là người cùng làng với tôi bây giờ đang ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày xưa chị đẹp lắm. Đẹp đến mê hồn đến nỗi khó có chàng trai nào dứt áo ra đi được. Nay tuổi đã xế chiều đọc lại những dòng trên chắc chị thổn thức nhiều lắm. Chồng chị đã mất mấy năm rồi đang cô đơn. Nếu còn day dứt sao anh không đến với chị đi, những ngày còn lại trên cõi đời này…

Bình luận về bài viết này