NGÔ MINH
Bữa nay không chỉ có phê bình, xỉ vả, mạt sát nhau trên báo, trên blog về thơ, mà còn có cả hận thơ nữa. Vâng, tôi đang nói chuyện nghiêm túc. Nửa tháng 10-2012 vừa qua, ở tỉnh Quảng Bình đã diễn ra một sự cố hy hữu và đáng buồn, đáng giận. Đó là chuyện một số người làm thơ, không hiểu vì lý do gì kích động, đã rủ nhau đi mấy trăm cây số, mang theo cả chồng bài viết về bài thơ “Con chồn người”, phô tô tới hàng trăm bản, rồi băng đĩa, về khắp xó xỉnh địa phương tổ chức các cuộc “đấu tố” nói xấu, mạt sát, chửi tục đối với thơ đương đại của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật. Ở đó chỉ có người phê phán mà không có người nói lại. Rõ ràng đây không phải phê bình vì sự tiến lên của nền thơ, mà do thù hận gì đó nghiêm trọng lắm, mới dàn trận đánh quyết liệt như thế. Nhóm người này gồm Nguyễn Hoài Nhơn, Lê Anh Phong, những người làm thơ hội viên Hội văn nghệ tỉnh. Trước đó, ngày 15 tháng 10, tại Đại hội Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình, Nguyễn Hoài Nhơn đã phô tô hàng trăm bản bài viết nói trên (đã in trên mạng “Văn nghệ và cuộc sống” của “Trung tâm phát triển Văn học Nghệ Thuật” do nhà thơ Đỗ Hoàng phụ trách), mang đến phát tán tại Đại hội. Chưa hết, ngày 19 tháng 10, Lê Anh Phong, nhà báo sắp nghỉ hưu, lợi dung cơ quan cũ, trong lúc Giám đốc Đài PT-TH Quảng Bình đi công tác vắng, không thông qua trưởng phòng, đã vào phòng thu âm, trực tiếp đọc bài viết rất dung tục trên của Nguyễn Hoài Nhơn trên sóng phát thanh của tỉnh. Sau đó lại in ra đĩa đi mở nghe khắp nhiều nơi trong tỉnh. Trong những cuộc “đấu tố thơ” đó, họ đồng thời phê phán cả báo Nghệ Thuật Mới, phụ trương tháng của báo Người Hà Nội, Hội LHVHNT Hà Nội do nhà thơ Bùi Việt Mỹ làm Tổng biên tập và Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quyến tổ chức thực hiện, vì báo này đã dám in một lúc hai trang thơ và hai trang bài viết về thơ Hoàng Vũ Thuật. Chắc họ không biết báo này trả nhuận bút rất cao, mỗi bài thơ và lý luận phê bình đều vượt ngưỡng nhuận bút mà thông lệ đã trả!
Ở các hội thảo thơ như Hội thảo Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều do Viện Văn học tổ chức, toàn những GS, TS, nhà văn có tiếng, nghĩa là những người am tường lý luận văn học. Còn cuộc “hận thơ” này cả hai người tổ chức đều không mấy bạn đọc biết tiếng. Thế mà Nguyễn Hoài Nhơn và Lê Anh Phong đã kéo nhau lên Lệ Thủy, Mỹ Đức, về Quảng Ninh, Đồng Hới, ra Bố Trạch, Ba Đồn, Cao Mại (Quảng Trạch)… nghĩa là khắp các địa phương ở Quảng Bình, đến đâu cũng đọc bài viết, và vung tay chém gió, phán lung tung về các bài thơ cách tân của Hoàng Vũ Thuật “Chính ông cùng các đồ đệ của ông đang dương cao ngọn cờ thơ vô lối như một gã rồ mà không biết mình đang chà đạp lên những giá trị đích thực của thi ca.”. Họ phê phán bài thơ “Con chồn người” của Hoàng Vũ Thuật bằng sự mở đầu mỉa mai, tục tỉu xung quanh vần “ồn”.
Tất cả những trò bức bối như đánh trận đó buộc người chứng kiến phải đặt câu hỏi: Phê bình hay là ác cảm, tị hiềm, thù hận? Có phải đó là để bảo vệ “nền thơ truyền thống” hay là tự đề cao mình, hạ bệ một nhà thơ mà nhiều nhà phê bình và bạn đọc quý trọng? Làm phê bình theo cách “mở mặt trận” dồn dập như thế liệu có “chặn đứng” được lối thơ cách tân đang ngày càng thịnh hành ở Việt Nam mà báo Nghệ Thuật Mới đang cổ võ (trong đó Hoàng Vũ Thuật là một) không? Làm sao để ngăn ngừa việc phát tán tài liệu, nói xấu một nhà văn đàng hoàng một cách tự do ở các địa phương Quảng Bình như thế? Thơ đương đại ai không thích thì không đọc, thì tìm đọc loại thơ khác. Không đồng tình thì viết bài phân tích nhã nhặn trên báo là được rồi, sao lại nổi khùng đi khắp nhân gian xỉ vả người ta thậm tệ như thế ?.v.v..Thậm vô lý. Nghe mà rầu cả người. Rất nhiều bạn đọc, bạn viết ở các địa phương trên đã điện cho tôi bày tỏ sự phản đối và những bức xúc của họ. Tôi chỉ giải bày với họ rằng, đó là những biểu hiện của lối “phê bình” chợ búa, kém văn hóa nên tránh xa. Nhưng tôi lại nghĩ mình nên nói đôi điều với các anh Nguyễn Hoài Nhơn và Lê Anh Phong và những người đang đứng sau lưng kích động, hay hùa theo hai anh, rằng: Văn chương nghệ thuật là môi trường sáng tạo vô cùng nghiệt ngã, nó dài đằng đẵng suốt đời người, phải cẩn trọng khi đốt lên ngọn lửa tị hiềm.
Về thơ truyền thống và thơ đương đại. Từ gần hai chục năm nay trên văn đàn Việt xuất hiện một hiện tượng thơ mới, khác hẳn với thơ chống Mỹ hay thơ Việt trước đó, xin gọi là thơ đương đại. Cùng với trường phái thơ siêu thực, tượng trưng, tân hình thức nhập khẩu vào nước ta từ những năm 60 của thế kỷ XX . Đó là một lối tư duy khác, cấu trúc khác và điệu phức khác. Thơ đương đại là loại thơ hiện đại, loại thơ pha siêu thực, không vần, ý tứ ẩn kín, khoảng nghĩa giữa các câu thơ, chữ thơ rất rộng, nhiều chất chứa, nên nhiều người đọc khó hiểu. Có người cho đó là thơ thơ Tây dịch ra tiếng ta. Người ta gọi chung một chữ là “thơ khó”. Những nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Doãn Phương, Nguyễn Bình Phương, Văn Cầm Hải, Đinh Thị Như Thúy, Đỗ Hữu Dũng, Trương Đăng Dung, Lưu Mêlan, Nguyệt Phạm..v.v..là những nhà “thơ khó” như vậy. Một số nhà thơ U70 rồi, nhưng cũng đã tiếp nhận được lối thơ mới đó như Vũ Duy Thông, Hoàng Vũ Thuật…Thơ của họ làm nhiều bạn trẻ thích đọc. Nhiều nhà phê bình nghiêm túc cũng cho rằng “thơ ấy là thơ mà hiện thực cuộc sống được chắt lọc qua một lăng kính hoàn toàn mới, tạo ra những thi ảnh mới mà trước đó không có…”. Nhưng nhiều nhà thơ và bạn đọc lại cho rằng, đó là loại thơ phản lại thơ truyền thống, không thể chấp nhận được. Thậm chí đã có những người phản bác loại thơ mới này vô cùng quyết liệt như nhà văn Nguyễn Hiếu, nhà thơ Đỗ Hoàng, Trần Mạnh Hảo…. Nhà thơ Đỗ Hoàng gọi lối thơ đó là “thơ vô lối”. Anh đã làm hàng trăm bài thơ “dịch thơ Việt ra thơ Việt” đăng lên blog của mình, ngụ ý mỉa mai, khuyên các nhà thơ hãy trở về với thi ca truyền thống, nguồn cội. Những bài viết của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, Đỗ Hoàng, cả lối “dịch thơ Việt ra thơ Việt” là đáng trọng, vì họ bảo vệ lối thơ truyền thống, xét về mặt thừa kế, đã thấm vào máu thịt bạn yêu thơ Việt suốt từ năm 1933- 1945 đến nay?
Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến cuộc tranh luận về “thơ mới / thơ cũ” từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước. Nó không khác gì những cuộc tranh luận mới – cũ bây giờ. Thơ Việt lúc đó chỉ có lục bát, song thất lục bát, các bài phú, hát ca trù và thơ theo thể Đường luật . Còn Phong trào thơ Mới bắt nguồn từ thơ Pháp nhập vào ta. Đại diện đấu tranh cho Phong trào thơ Mới có Phan Khôi, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Nguyễn Thị Kiêm, Việt Sinh…Họ cho rằng: “Thơ mới phải được tự do, phải phá bỏ những niêm luật gò bó, chật chịa và khuôn sáo của Đường thi…”. Đại diện cho phái thơ cũ cũng có những tên tuổi lớn như: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Chất Hằng Dương Tự Quán, Văn Bằng, Tùng Lâm Lê Cương Phụng… Họ ra sức phản đối và công kích Thơ Mới. Rằng Thơ Mới chỉ là những tản văn “lủng củng lủng ca”, là “cho máy chạy thụt lùi”, “lập dị”, “chẳng có gì mới”… Chất Hằng Dương Tự Quán cho rằng :” Cái hình thức thơ chẳng phải đổi mới. Việc các nhà thơ nên làm ngay bây giờ là cứ theo cái hình thức thơ cổ và diễn những tư tưởng mới”. Cuộc tranh luận “thơ mới – thơ cũ” đầu thế kỷ XX diễn ra rất quyết liệt. Quyết liệt hơn cuộc tranh luận mới – cũ thế kỷ XXI này nhiều. Họ tranh luận sôi nổi, nhưng là tranh luận trên báo, trong các cuộc hội thảo, với ngôn ngữ của trí thức văn hóa cao, từ tốn, hiểu biết, chứ không như hai bạn Nhơn, Phong đi khắp nơi, dè bỉu, nguyền rủa thơ mới như đã nói ở trên cả.
Cuộc tranh luận Thơ Mới/ Thơ Cũ đầu thế kỷ XX kéo dài cho đến khi tượng đài phê bình thơ Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân ra đời, khẳng định sự chiến thắng hoàn toàn của phong trào Thơ Mới. Có nghĩa rằng, thơ Tây đã được các nhà thơ Việt Nam “Việt hóa” để trở thành thơ truyền thống hôm nay. Thơ mới rồi sẽ cũ, nên nhà thơ Trần Dần, cây đại thụ thơ Việt Nam hiện đại đã có lúc tuyên bố “chôn thơ Tiền chiến” (tức là chôn thơ Mới). Tiếc rằng do tai nạn nghề nghiệp nên ý nguyện của ông không nhen thành “phong trào”. Nhưng sáng tác của ông thì mẫu mực về sự đổi mới thơ Việt. Rồi thơ đương đại cách tân sẽ đến lúc cũng trở thành “thơ truyền thống”, thành thơ cũ, khi một trường phái thơ khác ra đời và được bạn đọc chấp nhận. Đó là quy luật của nhận thức. Có điều lạ mà rất đáng mừng là thơ đương đại ( thơ cách tân) và những bài phê bình về “trường phái” thơ đó mấy năm nay phần lớn lại được in trên báo chí do nhà nước quản lý, kể cả báo Văn Nghệ. Còn những bài viết hay ý kiến phản đối thơ đương đại đa phần chỉ in trên trang web, hay blog cá nhân , hay đọc chui trên sóng phát thanh của nhà nước, đi phát tán kiểu tờ rơi như trên. Chứng tỏ các cơ quan quản lý văn hóa văn nghệ đất nước rất tôn trọng sự tìm tòi đổi mới thơ.
Tôi là một nhà thơ không hoàn toàn cũ mà cũng không mới hẳn. Nhưng tôi không phản đối tất cả những cách tân về thơ. Tôi thích những bài thơ làm tôi xúc động, dù là loại thơ gì. Tôi đọc và thích rất nhiều giọng thơ in trên Nghệ Thuật Mới. Tôi nghĩ rằng có cách tân thơ Việt mới tiến về phía trước. Tìm những cách biểu hiện mới, dưới một lăng kính mới, để thơ ta đa diện, đa chiều hơn là một tất yếu. Mình không làm được thì vỗ tay cổ vũ người ta làm, sao lại dè bỉu, cản trở thậm chí thù hận? Rồi cũng có khi, có lúc trường phái “thơ khó” đó chiếm lĩnh hoàn toàn thi đàn Việt, vì nhà văn bao giờ cũng là người đi tiên phong trong đổi mới xã hội, đổi mới thể chế, đổi mới văn chương, để con người ngày càng được là người hơn. Với ý nghĩ đó, tôi hoàn toàn ủng hộ nội dung báoNghệ Thuật Mới do Nguyễn Quang Thiều chủ trương. Thực tế 9 số NTM vừa qua, tờ báo này đã có chỗ đứng của mình trong lòng bạn đọc. Nhà văn Nhất Lâm 75 tuổi, viết văn xuôi ở Huế số nào cũng mua NTM, đọc và khen : “Đúng là nghệ thuật mới. Truyện ngắn, văn xuôi hay. Chỉ riêng những ý kiến của Lê Kiên Thành về cha mình Lê Duẩn là rất mới và đáng đọc”. Tôi thăm dò ý kiến thì thấy, rất nhiều người đọc thích Nghệ thuật Mới. Tờ Nghệ Thuật Mới đang dần trở thành tờ báo chính thống riêng của các nhà cách tân nghệ thuật Việt Nam. Tất nhiên , trên Nghệ Thuật Mới không chỉ in “thơ khó” mà in các bài thơ, chùm thơ hay viết theo các giọng điệu khác của tác tác giả nổi tiếng như Thanh Thảo, Chế Lan Viên, Trần Nhuận Minh, Vũ Quần Phương, Ý Nhi….chứ không chỉ riêng một giọng thơ cách tân như Hoàng Vũ Thuật va nhiều người khác…Đó là thái độ trân trọng cái hay, cái đẹp của thơ ca, kể cả thơ ca truyền thống. Không phải cứ ủng hộ cái mới là đập phá cái cũ. Tháng nào tôi cũng ra sạp báo mua một số và đọc không sót một bài nào. Nên, khi tôi nghe nói các anh Nguyễn Hoài Nhơn, Lê Anh Phong phê phánNghệ Thuật Mới, gọi đây là “tờ báo do một nhóm người tổ chức ra để làm hại văn chương Việt” thì tôi vô cùng ngạc nhiên. Không biết câu nói đó chính xác đến mức nào. Phát ngôn như thế chứng tỏ họ chưa đọc Nghệ Thuật Mới. Hay là do họ ác cảm, tẩy chay loại “thơ khó” thường hay in trên báo này, nên nhận định cực đoan như thế. Một số tác giả (trong đó có Hoàng Vũ Thuật) có số được chọn in một lúc vài ba trang, 3 bài viết phê bình và 14 bài thơ của tác giả đó, làm họ khó chịu chăng? Đọc văn chương người khác với một lối nhìn thiếu cởi mở như thế, không nhận ra cái hay, cái đẹp là phải rồi.
Vì mấy nhà thơ Quảng Bình nói trên tổ chức dàn trận “đánh” thơ Hoàng Vũ Thuật, nên tôi phải nói đôi điều về thơ của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật. Hoàng Vũ Thuật là người mô phạm, lặng lẽ cần mẫn lao động thơ hơn 40 năm nay. Anh đặc biệt say thơ mới. Từ năm 2000, Hoàng Vũ Thuật bắt đầu đổi mới thơ quyết liệt với các tập thơ quan trọng: Đám mây lơ lửng (2000); Tháp nghiêng (2003); Ngôi nhà cỏ (2010), Màu (2010). Nhà phê bình thơ Thái Doãn Hiểu cảm nhận về thơ anh: “Hoàng Vũ Thuật với những câu thơ đẹp như nỗi buồn”: Nhưng sợi dây vẫn chờ lơ lửng / quanh cổ nhà thơ / thít dần thít dần/ chầm chậm// tiếng kèn vỡ vụn / máu trào sau nụ hôn (Viết dưới tượng Exnhin). Thơ Hoàng Vũ Thuật buồn, rất buồn, nhưng như nhà thơ Vũ Quần Phương, thì “nỗi buồn đến độ sẽ tạo nên những cảm xúc trong trẻo, làm trong lại hồn người” (Lời tụa tập thơ Cỏ Mùa Thu, HVT). Trong lời phát biểu tại Đại hội Chi hội NVNH tạị Quảng Bình ngày 15-10-2012, nhà văn Tô Nhuận Vỹ cho rằng: “Hoàng Vũ Thuật là một trong những nhà thơ hàng đầu của Việt Nam hiện nay”. Nhà phê bình Nguyễn Đức Tùng (Canada) thì viết :“Thơ đương đại của Hoàng Vũ Thuật “đầy những cảm thức lịch sử”. Anh có nhiều câu thơ tuyệt tác :
nằm dưới kia
một ông vua một hoàng hậu một người hầu
một thanh gươm một tuấn mã một mê nón
một lệnh truyền một trống giục một lời van
một trung thực một đớn hèn một điên loạn
(Nguyễn Đức Tùng Thơ đến từ đâu, NXB Lao động, 2009)
Cũng Nguyễn Đức Tùng sau khi dẫn câu thơ: Một ngọn lửa một đêm tối một chiều tà / một vận hạn một thức thời một nguyền rủa đã thốt lên: “Tu từ dày đặc mà vẫn là một trong những câu thơ hay nhất của thơ ca Việt Nam đương đại. Trên vai chúng, tôi rất vui mừng nhận ra gương mặt thơ của Hoàng Vũ Thuật tài hoa lộng lẫy” (Thơ đến từ đâu, tr. 447). Những nhận xét đó là rất khách quan, qua văn bản thơ, chứ lúc đó nhà phê bình Nguyễn Đức Tùng cách nửa vòng trái đất, chưa hề biết mặt mũi nhà thơ Hoàng Vũ Thuật vuông tròn như thế nào. Tôi là người chứng kiến điều đó.
Hay bài thơ sau đây, viết tặng một người bạn ở Hội An, trong số 14 bài thơ của Hoàng Vũ Thuật in ở Nghệ Thuật Mới số 8, cũng là bài thơ rất hay . Mời bạn đọc tự cảm nhận toàn văn :
đêm và những ngọn đèn dầu
Gửi H
những ngọn đèn dầu đom đóm nhỏ xíu
dọc bờ sông Hoài
đủ soi nửa gương mặt mất ngủ
nửa kia
thao thức đợi ngày
que hương điểm chút sáng sau cùng
dật dờ
đôi bóng
cúi đầu dưới vòm cong chùa Cầu
nước nhiều quá vừa bơi vừa thở
chân gập
rồi lại duỗi
trong thẳm sâu anh đọc hết đường đi ngôn từ
và những ghi chú bên lề
sẽ có một ngày ta quay về nơi đó thắp ngọn dầu khuya
sen giấc hồ
thấm tận đáy ruột
Hội An, 5/12/2011
Hội Nhà văn Việt Nam đã ghi nhận sự dấn thân trong đổi mới thơ của Hoàng Vũ Thuật bằng tặng thưởng cho tập thơ Tháp nghiêng. Thật xứng đáng!
Về bài thơ Con chồn người mà Nguyễn Hoài Nhơn trong bài viết “ĐỌC BÀI THƠ “CON CHỒN NGƯỜI” -ÁC Ý CỦA NGƯỜI THƠ, HAY CON CHỒN ÁC ?” mang đi đọc khắp nơi, cho rằng: “Ta có thể coi đây là thứ thơ – phản thơ thì đúng hơn. Xác chữ thì nhiều mà hồn thơ thì mục ruỗng, khô tong”. Thật ra, bài thơ Con chồn người đã in VNQĐ tháng 7 năm 2012 cùng hai bài khác nữa. Đây là một tuyên ngôn sống, ý thức công dân của người viết đối với thứ người lươn lẹo như chồn đang nảy nòi nhan nhản hiện nay: chưa bao giờ thấy mi làm người/ biết xấu hổ/ biết ăn năn và biết/ kẻ lừa… Bài thơ không có gì là khó hiểu, “ác ý” cả. Nhà thơ Đỗ Hoàng đã “dịch thơ Hoàng Vũ Thuật sang tiếng Việt” nhiều bài, bài “Con chồn người” cũng được Nguyễn Hoài Nhơn dịch ra thơ lục bát truyền thống. Người “dịch” đã hiểu thơ đương đại của Hoàng Vũ Thuật để dịch ra thơ truyền thống, sao lại bảo thơ ấy không ai hiểu?
Chúng tôi (tôi, Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ, Mai Văn Hoan…) cùng quê, cùng một lứa bên trời lận đận với thơ. Rất thân nhau trong cuộc sống, nhưng thơ viết ra thì mỗi người một khác. Chúng tôi hoàn toàn trân trọng, cổ vũ những thành công mà bạn mình tạo được. Nếu làm thơ mà giống nhau thì cả Hội nhà văn Việt Nam gần 900 hội viên thơ chỉ cần một người làm thơ là đủ. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong một cuộc sinh hoạt thơ ở Huế hơn 20 năm trước đã cho rằng :” Thơ là phải mới. Chúng ta cứ nệ theo vần luật thì chẳng khác gì viết lời cho một làn điệu dân ca đã có sẵn”. Với suy nghĩ như thế, thơ Nguyễn Khoa Điềm ngày càng mới, ngày càng sâu sắc. Đó là điều tôi muốn gửi đến hai người làm thơ ở Quảng Bình, anh Nhơn và anh Phong, mong các anh hãy sống đẹp, viết ra cái của mình cho hay để mọi người tán thưởng, không nên mất thời gian và tâm sức vào sự “căm hận” vô lối loại thơ đương đại của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật và những người khác.
Huế, 10/2012
Filed under: Bài của bạn, Làng văn nghệ, Phê bình | Tagged: Ngô Minh |
Thưa anh NTT – chủ trang net và anh NM – tác giả bài viết: Tôi là LÊ ANH PHONG – người được NGÔ MINH nêu trong bài viết với những mô tả bịa đặt và những nhận định chủ quan, chụp mũ – là cán bộ biên tập Đài PT-TH Quảng Bình đã cho đọc bài viết “Đọc bài thơ “Con chồn người” – ác ý của người thơ hay con chồn ác” của tác giả NGUYỄN HOÀI NHƠN, mà NGÔ MINH bàn đến ở trên phát trong chương trình Văn Nghệ của Đài PT-TH QB, làm sôi động không khí văn chương trong cộng đồng dân cư ở Quảng Bình, và còn xao động ra toàn quốc. Xin mời những cây bút lý luận “sắc sảo” như NGÔ MINH cùng vào cuộc để bàn thêm về bài viết nói trên của tác giả NGUYỄN HOÀI NHƠN, chứ ai lại đi nói lảng sang chuyện khác bằng những lời lẽ vô căn cứ như bài viết của NGÔ MINH? Có phải thế không thưa anh TẠO – người lâu nay tôi vẫn tự lấy làm thần tượng của mình ? ? ! ! !
LÊ ANH PHONG
(Tel: 0915133452)
Chào Lê Anh Phong thân mến,
Lâu lắm không gặp nhau, nhưng tôi vẫn nhớ nhiều kỷ niệm vui giữa anh em mình, kể cả với Nguyễn Hoài Nhơn – người bạn thơ đã lâu…
Tôi không được biết cụ thể sự việc được nêu trong bài viết của Ngô Minh, nhưng Ngô Minh cũng là người bạn, và cả Hoàng Vũ Thuật nữa, thiết nghĩ cũng là tiếng nói bất đồng một cách tâm tình về văn nghệ mà thôi.
Tuy nhiên, mỗi quan niệm, ý kiến sẽ có cách thuyết phục (hoặc không thuyết phục), còn tùy theo cách nhìn nhận của người đọc nữa. Nếu có gì không nhất trí, Phong (và cả Nhơn nữa) có thể viết ra, tôi sẽ đăng lên cho rộng đường dư luận nhé.
Chúc Phong mạnh khỏe. Mong gặp lại…
Thân mến,
NGUYỄN TRỌNG TẠO
Trao đổi với nhà thơ Ngô Minh về bài viết “Hận thơ”
Lê Đình Ty có “meo” bài “Hận thơ” của Ngô Minh, thấy cần trao đổi lại đôi điều. Chiều đó, quên ngày mất rồi, Lê Anh Phong có điện cho tôi ở Quán Hàu nói anh muốn về chơi Quán Hàu (huyện Quảng Ninh) và đọc thơ cho vui. Anh em văn nghệ sĩ Quảng Ninh thường không từ chối khi gặp anh em bạn thơ bất kể Bố Trạch, Quảng Trạch, Lệ Thủy, Đồng Hới… muốn giao lưu.
Qua bài viết của Ngô Minh tôi thấy mấy điều chưa xác đáng, sự việc xin được “tường thuật” như sau:
Hôm ấy có 5 anh chị em làm thơ Quảng Ninh tụ tập tại nhà một người bạn ven đường. Lê Anh Phong và Nguyễn Hoài Nhơn đi Lệ Thủy về. Ngồi uống nước và một số anh em nói có nghe bập bỏm qua truyền thanh huyện tiếp Đài PTTH Quảng bình nói về thơ HVT, của tác giả Nguyễn Hoài Nhơn. Nếu có văn bản thì cho anh em coi lại một tí- cũng để thẫm định xem hay dở như thế nào. Lê Anh Phong mở máy cho mọi người nghe. Phần lớn anh em cũng chưa có ý kiến gì (vì nghe có thể quên). Sau đó theo đề nghị của tôi và Nguyễn Hoài Nhơn, anh chị nào có thơ thì đọc một vài bài cho vui. Trừ tôi, 4 vị còn lại đọc mỗi người 2 bài, Hoài Nhơn đọc một chùm lục bát, Lê Anh Phong đọc mấy bài thơ mới sáng tác. Sau đấy tôi đưa mấy chai bia và ít mồi (khi nào gặp nhau chúng tôi vẫn “vui vẻ” với bạn bè như thế này) tôi mời anh chị em ngồi xuống chiếu chung vui. Trong cuộc vui, tôi vui vẻ hỏi Hoài Nhơn: “Ông nói thơ Hoàng Vũ Thuật “tắc tị” ông phải dịch, chứng tỏ vẫn có người hiểu được thơ Thuật”. Nhơn cãi lại: “Em không nói thơ “tắc tị” mà thơ “vô lối”. Anh em vui vẻ, không có bàn luận “đấu tố” thơ. Có một chi tiết trong bài Ngô Minh nói “Trong cuộc “đấu tố” thơ đó, họ đồng thời phê phán cả báo Nghệ thuật mới phụ trương của báo Hà Nội mới”. (Xin lỗi – Giả sử Nghệ thuật mới chẳng ra làm sao thì độc giả phê phán có được không ạ?). Nói “đấu tố” là không chuẩn rồi, vì chỉ nghe lại bài viết thôi, mà nghe cũng không rõ, không có bàn cãi làm gì có đấu tố (dẫu dùng từ “đấu tố” trong nháy). Thứ hai: Chả ai biết cái Nghệ thuật mới là cái gì, đầu cua tai nheo ra làm sao. Tờ báo này nghe cũng lạ lẫm với anh em Quảng Ninh lắm. Văn nghệ Quảng Ninh chẳng ai “kích động” (từ Ngô Minh) và cũng chẳng ai “hùa theo’ (từ Ngô Minh). Thậm chí anh em không đồng tình cái đoạn đọc vần ồn đầu bài viết.
Không biết các nơi khác (Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch…) tình hình “đấu tố” như thế nào, còn ở Quảng Ninh thì như trên tôi đã nói.
“Ai cấp phép cho những “diễn đàn” văn nghệ nói xấu người khác một cách tự do ở các địa phương Quảng Bình như thế ?”. Nghe câu hỏi này của Ngô Minh, tôi vô cùng “hoan hô” Ngô Minh đã quán triệt một cách sâu sắc “Nghị định số 38/2005/NĐ-CP” quy định tụ tập quá 5 người phải xin phép?
Thơ muôn màu muôn vẻ, cứ tung lên “thị trường” cho độc giả thẫm định. Thơ hay thì người ta thích, người ta thuộc, thở dở thì tự nhiên bị đào thải một cách không thương tiếc. Cũng đừng “khuyên các nhà thơ (cách tân-T.G) về với thi ca truyền thống, cội nguồn” (N.M) và cũng đừng chê bai những nhà thơ tôn trọng “thi ca truyền thống, cội nguồn”.
(ĐỖ DUY VĂN-Chi hội Văn nghệ huyện Quảng Ninh)
Xin các bác Ngô Minh , Anh Phong, Hoài Nhơn xác nhận đoạn sau đây là đúng hay sai sự thật?
“Trước đó, ngày 15 tháng 10, tại Đại hội Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình, Nguyễn Hoài Nhơn đã phô tô hàng trăm bản bài viết nói trên (đã in trên mạng “Văn nghệ và cuộc sống” của “Trung tâm phát triển Văn học Nghệ Thuật” do nhà thơ Đỗ Hoàng phụ trách), mang đến phát tán tại Đại hội. Chưa hết, ngày 19 tháng 10, Lê Anh Phong, nhà báo sắp nghỉ hưu, lợi dung cơ quan cũ, trong lúc Giám đốc Đài PT-TH Quảng Bình đi công tác vắng, không thông qua trưởng phòng, đã vào phòng thu âm, trực tiếp đọc bài viết rất dung tục trên của Nguyễn Hoài Nhơn trên sóng phát thanh của…”
Đa tạ,
Tiểu tử
À thì ra thế! Dù là người qua đường nhưng tôi xin được phép “ngứa mồm” mà mạo muội… góp vài thiển ý.
Mỗi người nhìn dưới một góc cạnh khác nhau nên từ đó nhận định vấn đề khác nhau, chứ chẳng có gì phải quan trọng hóa mà khệnh khạng kẻ cả! Chẳng lẽ tự… đánh bóng mình (PR)?
Cám ơn các vị liên quan và có lẽ đừng nên sa đà vào việc phân biệt và kỳ thị thơ tắc tỵ, thơ vô lối hay thơ hũ nút v.v… Vấn đề là thơ có làm lòng người xúc động,nhất là có tính sáng tạo hay không vì sáng tạo là yếu tố không thể thiếu hay là thuộc tính của văn chương!
Tranh luận với NGÔ MINH:
Xin lại được tiếp tục tranh luận với NM về một khái niệm “cách tân”:
“CÁCH TÂN”
LÊ ANH PHONG
Chẻ câu thơ đi tìm sự “cách tân”
Đem những kỹ nghệ phòng the, y thuật nhà hộ sinh ra rao bán
Câu thơ như con lật đật
Quay quắt muôn chiều không ra khỏi u mê
Nặng bụng
Rỗng đầu
Nhào xuống
Lộn lên
Ngất ngưỡng cái đầu bệnh tưởng bao la ngoài vũ trụ.
Nhạo báng lời ru
Đi tìm sự “tân tiến”
Quên đi sự thần diệu tuyệt vời của tiếng Việt muôn đời
Trong veo sâu lắng: “À ơi … ”
Lời ru đánh mất, vay lời ngoại lai !
Quên tiếng mẹ, dựng Thơ lên trình diễn
“Cách tân” mắt người “tiến hóa” kiểu mắt tôm
“Thơ cách tân” – mắt bò thỏa sức … dòm !
Con người cũ sao bằng trái đất ?
Bông cỏ dại nhú mầm mở huyền thoại cõi trường sinh
Hoang hóa tâm hồn
Đi kiếm tìm sự lạ
Cái mới ở đâu trong trống rỗng tim mình ? ? ! ! !
Ah, ông này đòi giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đã bị chính trị hóa .
Các bạn thử mổ xẻ xem montaukmosquito có bị hiếng mắt hay méo miệng không ? Cả bài thơ trên đâu có từ nào mang hơi hướng “chính chị – chính em” gì nhỉ ? !
Lê Anh Phong nói đúng, nhưng là cái đúng bậc một.
Câu của montaukmosquito có hai bậc.
Một trong văn cảnh, hai ngoài văn cảnh, thưa các bác.
Vui miệng.
“Nước nhiều quá vừa bơi vừa thở”
Thơ như vầy mà cũng khen hay được sao trời? Chẳng lẽ nước ít thì bơi không cần thở? hay là vừa bơi vừa thở là một cái gì đó rất độc đáo nên mới đem vào thơ?
Ai có lòng tốt chỉ cho tôi biết chổ nào có thể đọc được bài thơ “Con chồn người”, chứ không thì đọc bài này chẳng hiểu gì hết.
con chồn người
HOÀNG VŨ THUẬT
hãy chôn mi xuống đấy bởi mi
là một con chồn
chẳng thể khác
một con chồn biết khóc vờ và dấu dòng lệ
trong hóc cát ẩm
chưa bao giờ thấy mi làm người
biết xấu hổ
biết ăn năn và biết
kẻ lừa
lịch sử lấp mi thật sâu
như lấp đi sự bạo tàn
qua rồi những trận bom loạn lạc
cơn hồng thủy
lộ diện
mi không che được thân phận
đớn hèn
và cuồng tín
trong những nhát xẻng
mi cựa quậy đến bụi mù
nhưng cái bóng mi ai chẳng thấy
tiếng con chim và chú gà lôi
dưới cánh mi mỏi
chết
hãy đưa tay thật đều
lấp kín và chặt
mi
con chồn người
đầu tiên thế kỷ
Đồng Hới, chiều bạn bè, 11/4/2012
Đọc bài này mới thấy đúng là Lê Anh Phong đang giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đã được/bị lãnh tụ và chính trị hóa .
Tiếc LAP sinh bất phùng thời . Phải sinh trước chừng 50 năm, LAP đã chả cần phải dấu diếm kỹ thế . Ngành tuyên giáo đang cần những người như LAP.
Oh mà nghe nói báo lề Đảng cũng đang có những bài y như LẠP Đúng là LAP “nghĩ theo tầm nghĩ của Đảng”. Chúng mừng chúc mừng!
Trong khi chờ đợi anh NGÔ MINH và các nhà “ný nuận văn chương” tiếp tục lên tiếng thì qua trang của nhà thơ NGUYỄN TRỌNG TẠO, cho phép tôi gửi bức thư ngỏ này tới bác NGÔ MINH:
“HẬN THƠ” – HAY NGÔ MINH BỊA CHUYỆN RA ĐỂ HẬN AI ?
LÊ ANH PHONG
Thưa anh Ngô Minh !
Phải thừa nhận anh là nhà thơ nổi tiếng của “Quảng Bình quê choa”, đến bây giờ anh vẫn cố giữ được phong độ nổi tiếng của mình bởi thơ anh làm ra, tôi thẩm thấu được cái hay của nó liền. Còn cái tình của anh đối với anh em văn nghệ sỹ như Phùng Quán, Hải Kì, Hoàng Bình Trọng ..; thì ai cũng quí. Từ thơ, ta nghĩ đến con người, cũng từ thơ nó làm toát lên cái giá trị cao cả nhân văn của con người. Thơ hay nó kì diệu lắm, như anh biết đấy, chỉ cần đọc một lần là hiểu ngay, ba lần là có thể thuộc. Tôi thuộc gần như hết các tập PHÍA NẮNG LÊN, tập CHÂN DUNG TỰ HỌA. Có lẽ tài hoa thơ anh nó được phát tiết ra hết ở hai tập này, còn rải rác ở những tập khác thì cũng thường thôi. Còn kỹ thuật viết báo mạng của anh thì cẩu thả quá, thiếu điều tra, thiếu xác minh, anh chỉ ngồi một chỗ chờ nghe điện thoại, rồi cứ thế viết bừa, viết ẩu ra, rồi tự tay phát tán lên nhiều trang mạng khác nhau, đẩy thơ lên trở thành “HẬN THƠ”, làm như thế là rất nguy hiểm cho tôi và Nguyễn Hoài Nhơn quá, những chi tiết của anh thêu dệt có phần hơi ác mà bản tính xưa nay ở anh vốn không có như thế, đẩy những hành vi ấy lên quá mức khiến bạn đọc hiểu lầm hết sức nặng nề, nó không mang tính học thuật mà chỉ nhằm mạt sát nhau cho bõ ghét, còn chúng tôi trở thành những nạn nhân của một thế lực ngầm, đen tối khác. Họ cố tình gài bẫy chúng tôi, cố tình đưa chúng tôi vào tròng nhưng họ không làm được điều đó, bởi chúng tôi chỉ đi đọc thơ truyền thống cho nhau nghe, chẳng làm điều gì sai trái cả, mới hay, phía sau thơ còn có nhiều điều kinh tởm lắm, nó có thể kìm hãm và giết chết tức tưởi những ngòi bút chân chính. Cũng từ tai họa này, tôi và Nguyễn Hoài Nhơn mới vỡ lẽ ra nhiều điều ở Văn Nghệ Quảng Bình, thơ cũng phân hóa nặng nề trở thành các thái cực, nó cũng có phân tuyến, nó cũng có hai phía TA – MÌNH thiệt rồi mà “hiện tượng” thơ Hoàng Vũ Thuật cũng là một ví dụ đau lòng.
Trong bài viết “Hận thơ”, anh có nói rằng thừa lúc giám đốc Đài đi vắng, tôi vào phòng thu để đọc bài bình “Đọc bài thơ CON CHỒN NGƯỜI, ác ý của người thơ hay con chồn ác” của Nguyễn Hoài Nhơn là hoàn toàn vu khống, bịa đặt. Dù ở một đài tỉnh hay bất cứ đài nào, khi phát thanh viên vào phòng thu nó có những qui định cực kì nghiêm ngặt, bài vở được xem xét, cân nhắc hết sức kĩ lưỡng, sau đó trình lên giám đốc Đài phê duyệt mới được phát sóng. Nó không giống như cái loa công cộng, ai muốn chõ mồm vào thì chõ đâu anh Ngô Minh ạ ! Nếu anh không tin thì cứ hỏi ông giám đốc Đài tôi thì biết. Cho đến giờ này, bài viết ấy của Nguyễn Hoài Nhơn, qua dư luận cộng đồng, đã nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi rất tốt, nó thu hút sự chú ý của khán thính giả trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là anh em văn nghệ Quảng Bình. Đã thế anh còn chụp mũ cho tôi và Nguyễn Hoài Nhơn đi nói chuyện lung tung tìm mọi cách hạ bệ, làm nhục nhà thơ Hoàng Vũ Thuật ở 5 địa điểm khác nhau. Kì thực chúng tôi được anh em văn nghệ Quảng Bình mời đi đọc thơ rất nhiều nơi, có 3 nơi họ nghe không rõ bài “Đọc Con chồn người…” trên sóng phát thanh thì tôi mở lại qua máy tính cho họ nghe, xong rồi thì thôi chứ tôi và Nguyễn Hoài Nhơn không hề nhắc gì đến Hoàng Vũ Thuật. Anh viết vậy là quá mức, tự anh đẩy thơ lên “Hận thơ” thì kinh khủng quá. Những anh em văn nghệ Quảng Bình còn đó, nhân chứng còn đây, sự việc còn nóng bỏng lắm, anh thử ra quê một chuyến mà thẩm tra xem, muốn viết cho thật sự khách quan thì nên phải đi thực tế, ai đời chỉ cầm nghe điện thoại của một số người, rồi anh tự đẩy nó lên thành một sự kiện động trời chưa từng có như thế thì khốc hại ghê gớm, anh không sợ phản ứng gì ư, thưa anh ? Vì nể tài thơ anh, mà tôi chưa kiện anh ra tòa về tội vu khống đấy, anh Ngô Minh ạ ! Còn qua việc này, nhân cách của anh trong tôi đã có phần sứt mẻ …
Sự việc thứ hai, tôi và Nguyễn Hoài Nhơn chưa bao giờ đọc tờ Nghệ Thuật mới, thế thì lấy chứng cứ gì để chê ? Thú thực tôi có nghe nói có tờ báo này vừa mới ra đời do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chủ biên, như thế thì quí hóa lắm, riêng ở Quảng Bình chưa phát hành nên làm sao mà chê người ta được.
Sự việc thứ ba, là nhà thơ Nguyễn Hoài Nhơn có mang theo hơn một chục bài kí và ba bài bình thơ tặng cho anh em đọc chơi, anh còn mang ra hơn 100 tập thơ vừa in xong cũng tặng cho anh em nốt, nghĩa cử ấy thật sự đáng yêu chứ sao lại là phát tán tài liệu lung tung để bôi nhọ nhà thơ Hoàng Vũ Thuật được. Khách quan mà nói rằng những bài kí và bình thơ của Nhơn viết rất tốt, rất sâu sắc, thơ viết khá hay, anh em ở Quảng Bình rất nể, thế là họ chuyền tay nhau đọc, họ còn phô tô rất nhiều bản để lưu giữ, điều này cũng hợp lẽ thôi anh Ngô Minh ạ. Đáng lẽ ra anh phải lấy làm mừng cho đồng nghiệp chớ? Anh nâng tầm Nguyễn Hoài Nhơn lên như là kẻ tội đồ thế này thì nguy hiểm và nhẫn tâm đối với Nguyễn Hoài Nhơn quá.
Anh Ngô Minh ơi, cái tâm người thơ cũng trắc ẩn, bí hiểm đến mức kì quái. Cuộc sống đã quá ngột ngạt bởi bao thứ cơm áo, thơ còn ngột ngạt, tù mù hơn. Ai là kẻ gieo ra cái thứ thơ cách tân thái quá ấy, chắc anh biết kĩ hơn chúng tôi ? Nhưng xét về tính chuyên nghiệp để thẩm định thơ hay, đối với trường hợp thơ Hoàng Vũ Thuật thì xem ra anh còn non tay lắm, chưa đủ tính thuyết phục, thể hiện trong “Hận thơ” mà anh nêu ra. Tôi sẵn sàng tranh luận với anh sau, nếu anh đưa ra được bằng chứng – thơ Hoàng Vũ Thuật là hay, Hoàng Vũ Thuật là nhà cách tân vĩ đại …, thì tôi phong anh thành “thánh phê”. Nếu không tôi sẽ chọn 30 bài thơ dở nhất, vô lối nhất, phản thơ nhất, tù mù nhất, tậm tịt nhất, thứ thơ chập chập cheng cheng của Hoàng Vũ Thuật – tóm lại là thứ thơ kém phẩm được in quá nhiều trên một số tờ báo lớn để cho bạn đọc đánh giá. Tôi dám chắc họ sẽ cười đến sái quai hàm ra mà không chữa hết cái bệnh cười điên thì ông anh tính sao ? Thưa anh Ngô Minh, tôi xin giả dụ thôi nhé, phần sau bài viết này, tôi chọn hai bài thơ của anh đặt cạnh hai bài thơ cách tân của Hoàng Vũ Thuật thì cũng đã thấy độ chênh của hai nhà thơ này đã cách xa nhau cả một trời một vực, một bên là con – khủng – long – thơ – Ngô Minh, còn một bên là con – kiến – thơ Hoàng Vũ Thuật. Từ đấy, thiên hạ mới biết “Ngô thi sỹ” là ai, còn “Hoàng cách tân” xứ Bắc vong bản ấy là ai?
Thưa anh Ngô Minh, tôi cũng xin phép giả dụ thêm chút nữa, làm thơ được như anh quả thậm khó, để đạt được những câu thậm hay, cái thằng thơ không chuyên như Lê Anh Phong tôi đây cũng đành botay.com. Xin trích dẫn: “Dưới chân cỏ chân dung ta tự họa/Bằng nỗi u hoài của triệu đêm mưa” hoặc “Nghe trang thơm mực nhòe câu/ Nghe run như thể lần đầu tặng thơ”. Tôi cũng xin trích thêm hai bài thơ lục bát thuộc vào loại “thơ thần” của anh mà tôi đã thuộc nằm lòng từ mấy chục năm nay, mỗi khi buồn tình lại đem ra ngâm ngợi:
Mình về làm dấu cát khuya
Nghe ngờm ngợp gió, nghe chia bước mình
Nửa xa, triều cuốn, nửa gần
Hai lăm tuổi biển khát vần tìm gieo
Em là đau khổ buông neo
Bốn mươi tuổi biển gầy theo bóng thuyền
Mai rồi đời cát vùi quên
Biển còn hột muối nhặt lên, thưa rằng.
Hay:
Ta về đêm cỏ kiếm tìm
Non tây khuyết chén, đàn chìm nốt sương
Uống đi mấy kiếp đoạn trường
Rượu suông nhấm với tình suông ơ hờ
Nát nhau vần cũ tờ thơ
Trăng treo phú phiếm, gió chờ phù vân
Uống đi nghe vỡ tiếng đàn
Nghe ta nằm với muôn vàn nín câm.
(Vần cũ-Ngô Minh)
Thật là hay đến khoái ngất, hay hơn cả làm tình nữa Ngô Minh ơi ? Thế mà sao khi đọc thơ Hoàng Vũ Thuật, Lê Anh Phong tôi không đến nỗi ngu lắm, cũng theo sự hướng dẫn của anh, tôi cũng bới thơ anh Thuật như đào mồ cha kẻ khác, như thái thịt bò dai, như nhai bã mía mà sao không thấy chút gì hay, chút gì đọng lại, hay tại cái khẩu mồm tôi không khạc ra được khi đọc những văn bản thơ này của Hoàng Vũ Thuật ? Còn theo Nguyễn Đức Tùng (nhà văn Canada) thì “Tôi rất vui mừng nhận ra gương mặt thơ Hoàng Vũ Thuật tài hoa lộng lẫy”, Nhà phê bình Thái Doãn Hiểu thì “Hòang Vũ Thuật với những câu thơ đẹp như nỗi buồn”. Còn theo nhà văn Tô Nhuận Vĩ thì “Hòang Vũ Thuật là một trong những nhà thơ hàng đầu của Việt Nam hiện nay”. Theo Ngô Minh liệt kê nhận định của nhiều nhà văn về Hòang Vũ Thuật thì tôi chóang, nể thật, nhưng dẫu thế, tôi vẫn quá nghi ngờ về cái hiện tượng thơ này? Thưa nhà thơ Ngô Minh?
Tôi cũng xin thêm một giả dụ cuối thế này, nếu được đọc ngay thơ Ngô Minh cho Ngô Minh nghe hàng chục bài thơ trong PHÍA NẮNG LÊN, CHÂN DUNG TỰ HỌA (đặc biệt trong CDTH) qua điện thoại, chắc chắn là Ngô Minh rất sướng vì thơ anh đã đi vào trái tim tôi và nhiều bạn đọc khác, một thứ thơ có tính nhạc rất dễ hiểu và rất dễ nhập tâm. Lê Anh Phong cũng “sướng” theo bởi thơ đã “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” rồi Ngô Minh ạ! Và thưa anh, tôi không bốc đồng chút nào, nếu làm thơ cách tân như Nguyễn Quang Thiều thì quá tài hoa, còn thơ cách tân của Hoàng Vũ Thuật thì dở hơi quá độ, Lê Anh Phong đây cũng có thể làm một lúc cả chục bài như chơi mà không cần động não, không cần tới cảm xúc, nó còn hay hơn cả thơ Hoàng Vũ Thuật nữa cơ… ? !
van hay that
Thử ghép 5 khổ thơ của nhà thơ đi tiên phong trong nền thi ca Việt Nam đương đại Hoàng Vũ Thuật bài thơ “con chồn người” thành 5 câu văn xuôi để bạn đọc xem xét bình giải ra sao
HOÀNG VŨ THUẬT
CON CHỒN NGƯỜI
hãy chôn mi xuống đấy bởi mi là một con chồn chẳng thể khác
một con chồn biết khóc vờ và dấu dòng lệ trong hóc cát ẩm
chưa bao giờ thấy mi làm người biết xấu hổ biết ăn năn và biết
kẻ lừa lịch sử lấp mi thật sâu như lấp đi sự bạo tàn
qua rồi những trận bom loạn lạc cơn hồng thủy lộ diện mi không
che được thân phận đớn hèn và cuồng tín
trong những nhát xẻng mi cựa quậy đến bụi mù nhưng cái bóng
mi ai chẳng thấy tiếng con chim và chú gà lô dưới cánh mi mỏi chết
hãy đưa tay thật đều lấp kín và chặt mi con chồn người
đầu tiên thế kỷ
Cảm ơn bạn Phụ Tá đã đăng bài thơ này.
@Các bác trong cuộc, các bác có thể nào đăng bài phê bình thơ gì đó mà bác NM đề cập trong topic này, cũng như bác LAP đã viết một bài dài tranh luận và biện hộ hay không? Có vậy thì người ngoài như tôi mới hiểu được và mới rộng đường dư luận để đánh giá cái nào đúng cái nào sai.
Để thỏa mãn nguyện vọng của Sailam Blog, xin nhờ trang NGUYỄN TRỌNG TẠO đăng lại bài: ĐỌC “CON CHỒN THƠ” – ÁC Ý CỦA NGƯỜI THƠ HAY CHỒN ÁC của tác giả NGUYỄN HOÀI NHƠN, đã được đăng trên báo nói thuộc Đài PT-TH Quảng Bình ngày 19/10/2012 và một số trang mạng khác.
Lê Anh Phong đã cho đọc bài: “Đọc “Con chồn người” – ác ý của người thơ hay con chồn ác” của Nguyễn Hoài Nhơn trên sóng Đài PT-TH QB – nơi có thể phục vụ cả triệu người nghe – và đã nhận được rất nhiều phản hồi đồng tình, nhiều đóng góp tích cực trong việc định hướng thơ thật và thơ phản cảm …; âm nhạc thăng hoa và âm nhạc dật gân…; thì nỗi gì mà LAP lại không đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Sailam Blog ? Chỉ hiềm một nỗi là LAP chưa có trang riêng. Không biết rằng anh NGUYỄN TRỌNG TẠO có vui lòng cho mượn đất không thôi ? !
Đây là bài của NGUYỄN HOÀI NHƠN đã làm xôn xao dư luận:
Nhà thơ Ngô Minh đã “lăng xê” HVT hết mức, ông còn dùng “hàng ngoại’ để ru ngủ anh em.”Nhà phê bình Nguyễn Đức Tùng (Canada) thì viết :“Thơ đương đại của Hoàng Vũ Thuật “đầy những cảm thức lịch sử”. Anh có nhiều câu thơ tuyệt tác :
nằm dưới kia
một ông vua một hoàng hậu một người hầu
một thanh gươm một tuấn mã một mê nón
một lệnh truyền một trống giục một lời van
một trung thực một đớn hèn một điên loạn”.
Thưa nhà “ný nuận” ở tận bên Ca-na-đa thấy thơ HVT có: ông vua, hoàng hậu, người hầu, rồi: thanh gươm, tuấn mã, nón mê, rồi: lệnh truyền, trống giục, lời van, trung thực,…đến: “đớn hèn” “điên loạn” mà cho thơ HVT “cảm thức lịch sử” thì quá ghê, không ai sánh kịp. Mời độc giả đọc lại đoạn văn xuôi một mớ từ được HVT cắt khúc xuống dòng như sau:
“nằm dưới kia,một ông vua một hoàng hậu một người hầu, một thanh gươm một tuấn mã một mê nón, một lệnh truyền một trống giục một lời van, một trung thực một đớn hèn một điên loạn”(tôi thêm dấu phẩy).
Còn một nhà “ný nuận” ở VN có một câu “sắc sảo” dễ sợ: Nhà phê bình Thái Doãn Hiểu thì “Hòang Vũ Thuật với những câu thơ đẹp như nỗi buồn”. Chưa hết:
Còn theo Nguyễn Đức Tùng (nhà văn Canada) thì “Tôi rất vui mừng nhận ra gương mặt thơ Hoàng Vũ Thuật tài hoa lộng lẫy”, Nhà phê bình Thái Doãn Hiểu thì “Hòang Vũ Thuật với những câu thơ đẹp như nỗi buồn”. (Chắc vui lại xấu mất rồi??). Còn theo nhà văn Tô Nhuận Vĩ thì “Hòang Vũ Thuật là một trong những nhà thơ hàng đầu của Việt Nam hiện nay”.
Sướng nhỉ? Bái phục, bái phục!
Theo tôi, sự việc chả có gì mà phải “hận thơ”. Nhà thơ Ngô Minh nên có ý kiến sau ý kiến “thanh minh” của Lê Anh Phong để anh em hiểu thêm. Qua đó cái tình “văn nghệ quê choa”, không bị sứt mẻ. Và, nếu được, chúng ta có thể chấm dứt về chuyện “hận thơ”; còn tranh cãi về “học thuật thơ” cứ tiếp tục cũng chả sao.
ĐỌC BÀI THƠ “CON CHỒN NGƯỜI”
ÁC Ý CỦA NGƯỜI THƠ, HAY CON CHỒN ÁC ?
NGUYỄN HOÀI NHƠN
Ta vẫn thường có thói quen làm thơ có âm “ồn” – vần bằng. Chữ “ồn” trong ngôn ngữ Việt nó vừa ngọt ngào, tinh tế, vừa đỏng đảnh và quái quỉ xiết bao. Nghĩ hay thì cũng nên hay, nghĩ xiên xẹo, méo mó thì cũng chẳng sao. Ví như thơ viết về lĩnh vực tâm hồn, về quốc hồn quốc túy, về sự tồn vong quốc thổ, nòi giống. Còn những địa danh, những động từ, tính từ, trạng từ, đại từ nhân xưng “ăn theo” âm “ồn” thì vô thiên lủng. Thơ về cái Truông Bồn, Cồn Giữa, trấn thủ lưu đồn, anh ấy ôn tồn, cô ấy mất hồn, mẹ muớp đẻ sồn sồn, buổi họp quá ồn, sông kia Thu Bồn, đảo nọ Sinh Tồn.v.v.và v.v…Riêng ở Quảng Trạch, Quảng Bình có cái chợ Đồn không bé nên tôi có thơ ứng khẩu ngay :
Hồi hôm đi chợ Ba Đồn
Thấy bà bán trứng vịt… lộn rất to.
Âm “ồn” trở thành phổ quát, tôi đồ rằng các nhà thơ bé lớn xứ ta đều sử dụng âm “ồn” quá thành thục, xách mé đến tuyệt chiêu mà không cậy từ điển. Với nhà thơ Hoàng Vũ Thuật thì khác, ông cũng sử dụng âm “ồn” với hai kí tự hẳn hoi dùng cho thể thơ nói bộ, không vần. Theo quan niệm của ông thì đây mới là thơ cách tân, thơ thế kỉ XXI. Chính ông cùng các đồ đệ của ông đang dương cao ngọn cờ thơ vô lối như một gã rồ mà không biết mình đang chà đạp lên những giá trị đích thực của thi ca. Nguyên bản thơ Hoàng Vũ Thuật thế này :
CON CHỒN NGƯỜI
hãy chôn mi xuống đấy bởi mi
là một con chồn
chẳng thể khác
một con chồn biết khóc vờ và dấu dòng lệ
trong hóc cát ẩm
chưa bao giờ thấy mi làm người
biết xấu hổ
biết ăn năn và biết
kẻ lừa
lịch sử lấp mi thật sâu
như lấp đi sự bạo tàn
qua rồi những trận bom loạn lạc
cơn hồng thủy
lộ diện
mi không che được thân phận
đớn hèn
và cuồng tín
trong những nhát xẻng
mi cựa quậy đến bụi mù
nhưng cái bóng mi ai chẳng thấy
tiếng con chim và chú gà lôi
dưới cánh mi mỏi
chết
hãy đưa tay thật đều
lấp kín và chặt
mi
con chồn người
đầu tiên thế kỉ.
Và đây là một đoạn văn hơi dài, quá rườm rà, câu chữ trùng lặp, lộn xộn, không có dấu chấm, phẩy và không viết hoa, đọc còn chưa… xuôi. Chất thơ nằm ở đâu trong mớ chữ hỗ lốn này ?
CON CHỒN NGƯỜI
Hãy chôn mi xuống đấy bởi mi là một con chồn chẳng thể khác một con chồn biết khóc vờ và dấu dòng lệ trong hóc cát ẩm chưa bao giờ thấy mi làm người biết xấu hổ biết ăn năn và biết kẻ lừa lịch sử lấp mi thật sâu như lấp đi sự bạo tàn qua rồi những trận bom loạn lạc cơn hồng thủy lộ diện không che được thân phận đớn hèn và cuồng tín trong những nhát xẻng mi cựa quậy đến bụi mù nhưng cái bóng mi ai chẳng thấy tiếng con chim và chú gà lôi dưới cánh mi mỏi chết hãy đưa tay thật đều lấp kín và chặt mi con chồn người đầu tiên thế kỉ.
Và đây, tác giả Nguyễn Hoài Nhơn tạm dịch bài thơ CON CHỒN NGƯỜI qua thể lục bát cho nó sát nghĩa và dể hiểu hơn, từ đó ta mới có cách cảm nhận bài thơ này của Hoàng Vũ Thuật có hay- giả sử không hay thì đã sao nào ? Dù rất cực kì khó khăn, kính thưa bạn đọc :
CON CHỒN NGƯỜI
Hãy chôn mi xuống – con chồn
Cho xong cái thứ âm hồn, khác chi
Vừa khóc rứa, lệ ra ri
Chưa bao giờ được thấy mi làm người
Trong hóc cát ẩm chồn ơi
Không biết xấu, ăn năn rồi cũng tiêu…
Bạo tàn – lịch sử lấp siêu
Đớn hèn thân phận ra chiều khó che
Lộ cơn hồng thủy đỏ hoe
Trận bom loạn lạc lại đè lên ngay
Tao vung cái nhát xẻng này
Lấp, mi cựa quậy, bụi bay mù trời
Con chim và chú gà lôi
Cánh mi mỏi chết thật rồi, hãy đưa
Lấp chặt và kín mi chưa
Con chồn người, thế kỉ vừa nặn ra.
Không biết nhà thơ Hoàng Vũ Thuật nằm mơ hay đang xem phim thế giới động vật hoang dã, có lẽ mơ thì đúng hơn bởi phim thế giới động vật hoang dã nó kì thú hấp dẫn chứ không rùng rợn, kinh hãi thế này ! Ông đang mơ thấy một con chồn người trời ạ, nó không thoát kiếp nên nửa người, nửa thú. Những chi tiết hình sự của thơ tuy khô cứng, ít sống động nhưng gợi trí tò mò. Nếu ai yếu bóng vía thì đừng nên đọc. Con chồn người ấy không có trong sách đỏ của thế giới mà có ngay trong những ý nghĩ bấn loạn của nhà thơ.Một con chồn lạc loài chưa rõ tội, sa chân vào tử huyệt cát, nó bị lăm le chôn sống theo lối trung cổ.
Ngoại trừ yếu tố mê sảng ra, ông khẳng định rằng đây là con-chồn-người, chí ít cũng đội lốt người nên không thấy có lông lá, móng vuốt gì, nó “biết khóc vờ và dấu dòng lệ” chứ không phải bằng nước mắt. Đọc đến cuối khổ thơ thứ nhất thì nỗi sợ hãi của tôi biến dần, tính li kì giảm xuống. Bởi đây là bài thơ có tứ : con chồn, tâm địa không được tốt, chất hình sự át cả chất thơ, chất điều tra xét hỏi làm mụ mất dần tri giác của người đọc. Ngôn ngữ đối thoại rất điêu toa, sặc mùi đấu tố : “ chưa bao giờ thấy mi làm người/biết xấu hổ/biết ăn năn và biết/kẻ lừa”(HVT). Thơ đổ bậc thang theo kiểu Mai-a, câu dài, chữ ít,, ngắt khúc tùy tiện, ngôn ngữ đầy chất miệt thị, vu vạ, rất khó cảm, khó tiêu, kết cấu thả lỏng, không hề biết dùng đến dấu chấm, phẩy…Nếu gom lại thì đây là một đoạn văn hơi dài thì đúng hơn là một bài thơ ngắn. Tác giả kết tội con chồn chẳng khác gì kết tội kẻ thù chống nhân loại : “lịch sử lấp mi thật sâu” nhưng chưa thành án, về mặt tư pháp thì đây là án trắng, con-chồn-người vô can nhưng đã lỡ “tuyên” thì phải “xử” ngay cho nó phải phép. Đau đớn thay, kẻ cầm cán cân công lí lại là một nhà thơ vừa thiếu công minh lại quá ngơ ngáo về mặt luật pháp. Con chồn người đáng thương kia vẫn kiên nhẫn chấp hành án tử mà không hề hé lời kêu oan, không trốn chạy. Thực ra cái ác ở đây được hình thành từ ý nghĩ đen tối, nghi kị của con người nên mới ra nông nỗi này. Cũng như trong truyện Tấm Cám, hành vi của cái ác được bộc lộ theo những trình tự hoàn cảnh khác nhau. Mẹ con Cám là chủ thể đại diện cho cái ác. Nhưng đến khi cô Tấm thảo hiền đứng lên phản kháng trả thù bằng cách luộc chín em gái làm mắm biếu mụ dì ghẻ thì hành động tàn ác này – ai ác hơn ai ? Bài thơ CON CHỒN NGƯỜI, tình tiết tuy có khác hơn, nhưng những cảm giác ghê sợ, oan khốc bao trùm cả không gian lẫn thời gian thơ vừa đen tối, vừa uất nghẹn. Con chồn người hiền lành đến mức không thấy phản ứng gì. Từ đó ta có thể suy đoán ra được ngay – tâm thế của nhà thơ quá vẹo vọ, xiêu lệch, lòng nhân đã đến lúc cạn tàu, khiến cho tâm thức bất bình thường đến độ không kiểm soát được tâm lượng. Một nhà thơ có năng lực thực sự, họ ít khi bị cuốn vào những đề tài nhỏ nhen, ti tiện kiểu này. Vô hình chung nó sẽ làm mất đi phẩm chất lẫn phẩm cấp nhà thơ trong con người họ. Ngay từ câu mở đầu, ông quyết chôn sống con chồn người cho bằng được và “sứ mệnh lịch sử” ấy của nhà thơ hoàn thành một cách hả hê khi câu cuối cùng của bài thơ khép lại. Ở đây không hề có tòa án lương tâm, không có phản biện mà chỉ có án tử theo kiểu cải cách ruộng đất, cứ thế mà tự “tuyên”, cư thế mà tự “xử” : “ hãy chôn mi xuống đấy bởi mi/là một con chồn/chẳng thể khác”.Khốn thay chôn mãi vẫn không lèn được, từng xẻng cát điên cuồng hắt lên rồi hạ xuống chẳng khác gì nước đổ đầu vịt. Con chồn người có tâm địa không trong sáng kia cứ thế mà tha hồ tẩy trần, tắm cát. Hành động ngô nghê, tức cười đến sái quai hàm này vẫn chưa hóa kiếp kẻ thù trong hoang tưởng. Cuối cùng nhà thơ đành phải chùn tay vì quá mệt hay mủi lòng vì : “một con chồn biết khóc vờ và dấu dòng lệ”. Trên cái pháp trường trắng cát kia, con chồn người vẫn đứng yên bất động, qua khổ thứ ba thì kẻ “thi hành án” không thấy tăm hơi đâu nữa ?
Có vẻ như cơn mê mụ đã dần tan, tri giác bớt mu mơ, nhà thơ mới té ngửa ra, đây là con thú đồng hiện – chưa bao giờ thấy mi làm người ! (HVT). Họ nhà chồn lúc ấy mới vỡ lẽ – ngươi đã trả ta về với bản năng gốc của chính ta rồi, cứ mắng nhiếc đi cho thỏa tâm địa ác độc của loài người, còn ta đâu có ác. Xứ sở của ta ở trên rừng xanh, núi cao kia, ta sống bằng nhờ vả thiên nhiên như đi kiếm hạt dẻ rừng, ăn củ quả, ta ăn ốc ăn cá, ăn lộc vả lộc sung, ta ăn toàn những thứ ngon bổ của đại ngàn phóng khoáng ban tặng ta.Cứ mỗi mùa xuân về, ta lại đào hang làm tổ, ta sinh con đẻ cái, ta sống hòa thuận với muôn loài, sao nhà thơ nỡ chụp mũ kết tội ta, còn đòi chôn sống ta ?
Chôn-không chôn nổi, lấp-không lấp nổi. Tài hoa thơ không phát tiết, sự điên rồ trong ý nghĩ của nhà thơ phát sinh. Bất lực mất rồi, thôi đành trao quyền cho “lịch sử lấp mi thật sâu/như lấp đi sự bạo tàn”(HVT). Con chồn đã đến hồi mạt phận, thơ cũng mạt vận theo bởi nó thiếu đi sự trong sáng cần thiết của hồn người còn căn cốt của hồn thơ ấy là lòng nhân. Thiên phú dành cho nhà thơ là ở sức nghĩ, sức cảm, chỉ cần một khoảnh khắc nhỏ thôi, câu chữ vụt hiện, bừng lóe như chớp đêm, như ánh đèn pha rọi đường cho cái đích thơ sắp xong hồi kết. Đọc đến cuối bài thơ vẫn thấy toàn khốc hại, tổn thương, suy vong cảm xúc.Con chồn người được một phen “sống mà nhớ lấy” (Valentin Raxputin). Từng nhát xẻng bạo tàn hắt lên rồi hạ xuống. Tiếc thay, con chồn người ấy từng qua “trận bom loan lạc” qua “cơn hồng thủy” nhưng không qua được đớn hèn của cái chết. Giữa cát trắng thế này lấy đâu ra “tiếng con chim với chú gà lôi”. Hình ảnh thiên nhiên được tác giả “bê” vào ở gần cuối bài thơ trở thành khiên cưỡng, giả tạo, phi lí thiếu cả tư duy sơ đẳng về môi trường sống.
Ta có thể coi đây là thứ thơ – phản thơ thì đúng hơn. Xác chữ thì nhiều mà hồn thơ thì mục ruỗng, khô tong. Tác giả muốn đề cao cái ác như là một biểu tượng của khoái cảm chứ không phải xúc cảm sáng tạo, mãnh lực của câu chữ được lùa ra như một thứ binh khí chỉ nhằm phục vụ cho cuộc hành quyết đầy khoái lạc mà không hề có một chút giày vò, ân hận của lương tâm. Giá mà ông trả con chồn bé nhỏ tội nghiệp kia về lại với thiên nhiên hoang dại của nó, chắc chắn bài thơ phải hay đến bất ngờ, nó mở ra cho con người và vạn vật một cái nhìn hướng thiện mới mẽ, ý nghĩa nhân văn sẽ cao cả biết nhường bao ? Tiếc thay, lại chẳng ai ngoài ông, thêm một lần đem thơ vào ngõ cụt tăm tối, tắc tị : “hãy đưa tay thật đều/lấp kín và chặt/mi/con chồn người/đầu tiên thế kỉ”. Cái chết của một con chồn mà cũng lắm bi-hài thế sao ? Thái độ cư xử của nhà thơ thiếu thiện căn truớc đồng loại (con chồn người), trước môi trường sống (con chồn thú). Xét về mặt logic hình thức chắc chắn con chồn phải chết. Nhà thơ không chôn sống được bèn đổ vấy cho “lịch sử lấp mi thật sâu”. Đã rơi vào tình cảnh nghiệt ngã thế này chưa biết chừng ai đào mồ chôn ai ? Con chồn có thể lao vào cắn người để phá vây (bản năng sống). Còn bổn phận lịch sử là ghi chép hoặc xoá nhòa đi những di biến lịch sử không đúng với chức năng của nó, hoặc đào thải nó qua thời gian. Ai đời lịch sử lại đi làm cái công việc tầm phào – đào mồ chôn một con chồn đáng thương hơn đáng tội. Thứ thơ luẩn quẩn, ngô nghe, thuật ngữ sáo rỗng, bịa đặt trơ trẻn, kết thúc vô hậu thế này mà cũng được gọi là thơ ư?
Đồng Nai 24.9.2012
Thơ ơi, thơ hỡi là thơ
Răng mà tăm tối
Mịt mờ
Dở hơi!?
Nhân qua đây đọc bài tranh luận này, tôi xin gửi vào đây ý kiến của tôi thông qua một bài viết để các bạn tham khảo thêm. Bài viết đuộc viết sau khi tôi đọc tập Hoan ca và một số bài thơ tân hình thức rất phản cảm khác đuộc một số nhà “Ný Nuận” văn chương ca tụng.
____
Mời đọc bài viết tại đây:
https://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2012/11/09/tan-hinh-thuc-dac-san-hay-mon-mi-an-lien/#more-9498
nhin vao da thay buon ngu , nhung luc doc xong lai cam thay hay và tỉnh. xin cam on , nha tho ngo minh .
Môt bên đung môt bên sai.môt nguoi hay môt nguoi không . Nguoi co tôi la N T T cho vo nha minh đanh nhau