AI HÁT HAY NHÂT NHẠC TRỊNH CÔNG SƠN


NGUYỄN TRỌNG TẠO

Tôi nhiều lần được nghe Trịnh Công Sơn hát nhạc của anh. Có bài tình cờ được nghe anh hát khi chưa công bố, ví như bài “Dung Hòa ca” anh viết tặng một người con gái Hà Thành có tên là Dung Hòa sau chuyến ra Hà Nội dự sinh nhật Văn Cao 60 tuổi (1983) hay bài “Tiến thoái lưỡng nan” có lẽ là bài hát cuối cùng của đời anh. Anh thường hát trong cuộc rượu, giọng nghe như có men, nó chân thành, gần gũi như là trò chuyện, như là dan díu, giăng mắc lòng người. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, người thích âm nhac và đặc biệt thích ca từ của Trịnh đã có lần nói với tôi, Trịnh Công Sơn là người hát hay nhất về nhạc Trịnh. Tất nhiên rồi, khi tác giả hát là tác giả truyền đạt tất cả những xúc cảm và thông điệp của tác phẩm đến với người nghe.

Trịnh Công Sơn, 1998 - Ảnh Nguyễn Đình Toán

Trước khi gặp Trịnh, tôi đã nghe nhạc của anh qua giọng hát Khánh Ly từ chiếc đài Orionton của lính cọc cạch khi được khi mất, và không hiểu là Trịnh hay Khánh Ly đã chinh phục tôi. Mãi đến sau 1975, tôi mới được nghe trọn vẹn album “Sơn ca 7” tại nhà của Nguyễn Đình Thi cùng Nguyễn Đình Chính và Bích Việt. Chúng tôi cứ nghe đi nghe lại giọng hát Khánh Ly cho đến khuya. Một giọng hát đầy ma mị mà có người gọi là “giọng hát liêu trai”. Khánh Ly không hát theo kỹ thuật “cộng minh cộng hưởng” như các ca sĩ miền Bắc được đào tạo qua hàn lâm viện thời đó, mà chị hát nhẹ nhàng như đang thở. Chị hát như không. Ấy vậy mà sự truyền cảm thật lạ lùng. Giọng hát mà khi đã ngừng rồi, ta vẫn thấy như còn “vương một sợi Diễm xưa”.
Những người đã mê nhạc Trịnh qua giọng liêu trai Khánh Ly thật khó mà nghe những giọng hát khác. Như một sự mê tín đáng yêu. Như một đóng đinh giá trị.

, Ca nhạc - MTV, Trinh Cong Son, Nguyen Trong Tao, Anh Tuyet, Khanh Ly, Hong Nhung, Thanh lam, My Linh, nhac Trinh, tinh yeu, than phan, Van Cao, nha tho, nhac si

“Thậm chí có lúc hứng lên, anh mơ các ca khúc của mình có thể hát theo phong cách rock, rap”

Nhưng với Trịnh Công Sơn thì khác. Dù kết với Khánh Ly như một cặp đôi không thể rời, nhưng anh rất thích nghe lại mình trên nhiều cung bậc. Khi người ta bảo Hồng Nhung đã làm biến tướng nhạc Trịnh thì anh lại không nghĩ thế. Anh trân trọng và bảo vệ cách hát của Bống. Anh bảo nghe Bống hát, thấy mình trẻ lại, thấy mình đang đi cùng với thời đại. Anh khen cách phối mới cho những ca khúc của mình. Không chê chiếc guitare một thời nâng bổng những giai điệu tuyệt vời, nhưng anh luôn sung sướng khi nghe dàn nhạc điện tử hòa tấu hay đệm cho bài hát. Thậm chí có lúc hứng lên, anh mơ các ca khúc của mình có thể hát theo phong cách rock, rap. Rồi anh khen Thanh Lam, khen Mỹ Linh khi họ nhập cuộc vào nhạc Trịnh…

Có lúc Trịnh nghe Ánh Tuyết hát Văn Cao thật hay, liền gợi ý cho Ánh Tuyết “hát bài của Sơn đi”, nhưng mãi đến ngày anh ra đi vĩnh viễn, người ca sĩ này vẫn chưa dám hát nhạc của anh. Theo chị kể lại thì “Ngày anh mất, tôi đã ghi vào sổ tang mấy dòng ngậm ngùi: “Vậy là anh đã đi. Em hứa hoài mà vẫn chưa thực hiện được album. Em chắc chắn sẽ làm album nhạc của anh. Nhưng anh đi rồi đâu còn ai nghe em hát nữa…”. Cho mãi 10 năm sau ngày Trinh mất, Ánh Tuyết mới tổ chức được đêm nhạc tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa, cùng với việc phát hành 2 album Ánh Tuyết hát Trịnh Công Sơn 1&2 và coi đó vừa là lời tri ân, vừa là lời xin lỗi, vừa là để thực hiện lời hứa của mình với Trịnh.

Giọng hát Ánh Tuyết thuở ban đầu khiến tôi nhớ đến Thái Thanh lừng lẫy một thời. Đó là giọng sơn ca véo von bay bổng đến nức nở. Một “Suối mơ”, một “Thiên Thai” hay một “Trương Chi” huyền ảo chơi vơi như có như không. Nhưng Ánh Tuyết lại còn có cả một sức sống nội tâm đầy kịch tính mãnh liệt khi thể hiện “Trường ca sông Lô” của Văn Cao. Với nhạc Trịnh thì khác. Theo tự nhận của Trịnh thì nhạc Văn Cao như núi, còn nhạc Trịnh như đồng bằng. Có lẽ vì sự khác biệt đó mà Ánh Tuyết lưỡng lự khá lâu trước khi quyết định hát nhạc Trịnh? Đúng vậy, sau này chị đã thổ lộ: “Nhạc anh Sơn có bao nhiêu là chiếc bóng quá lớn phủ lên, bao nhiêu người chen chúc hát. Tôi thấy mình không đủ tự tin dù được anh đề nghị. Mãi đến khi hát Trịnh cho NSND Tường Vy nghe, cô đã mua tặng tôi một tuyển tập Trịnh Công Sơn Những bài ca không năm tháng và ghi: “Chúc em đã hát hay nhạc Văn Cao bây giờ còn hát hay nhạc của Trịnh Công Sơn. Hai tâm hồn lớn sẽ che chở cho em thành công hơn nữa trên đường đời đầy gian nan…”. Những lời nhận xét chân tình này khiến tôi tự tin”.

, Ca nhạc - MTV, Trinh Cong Son, Nguyen Trong Tao, Anh Tuyet, Khanh Ly, Hong Nhung, Thanh lam, My Linh, nhac Trinh, tinh yeu, than phan, Van Cao, nha tho, nhac si

Cái hay nhất của nhạc Trịnh là ai cũng thấy một chút mình trong đó…

Ai cũng biết nhạc Trịnh là âm nhạc của phận người. Phận người có vui và có buồn, có tuyệt vọng và hy vọng. Nhạc Trịnh chia sẻ tất cả tình yêu của mình với con người như là đôi cánh nâng đỡ cho những thân phận nhỏ nhoi trong vũ trụ. Nó thấm đẫm tinh thần triết học của nhà Phật lẫn triết học hiện sinh. Đau mà sáng. Buồn mà sang. Ánh Tuyết khi ngộ ra điều đó, chị đã lựa chọn cho mình một cách hát nhạc Trịnh riêng. Không thét gào, quằn quoại, không sướt mướt, nỉ non mà nhẹ nhàng, thanh tao như sẻ chia, trò chuyện… Ánh Tuyết đã hớp hồn công chúng ngay đêm nhạc đầu tiên của mình tưởng nhớ Trịnh. Tôi đã nghe Tuyết hát Gọi tên bốn mùa, Như cánh vạc bay, Còn tuổi nào cho em, Cuối cùng cho một tình yêu, Tình xa, Ướt mi, Rừng xưa đã khép, Phúc âm buồn, Ru ta ngậm ngùi… với một tâm thức nhẹ nhõm và quyến rũ.

Và đến khi nghe chị hát “Tiến thoái lưỡng nan” thì tôi như thấy có Sơn bên cạnh. Đây là một bài hát nhịp một trì tục như những bước chân không nhanh không chậm. “Tiến/ thoái/ lưỡng/ nan/ đi/ về/ lận/ đận/ Ngày/ xưa/ lận/ đận/ không/ biết/ về/ đâu…”. Tôi cũng đã nghe mấy “sao” hát bài này, nhưng hình như là họ hát lòng họ chứ không phải hát lòng Sơn. Họ gồng lên. Họ dằn xuống… Và họ đã lạc khỏi Sơn mà không hề hay biết. Còn Ánh Tuyết thì hòa nhập với tâm trạng bảng lảng, bâng khuâng mà kiên trì của người nhạc sĩ đã nhìn thấu phận mình. Đó cũng là ấn tượng mà ca sĩ đã gieo vào lòng người nghe thật khó phai nhạt…

Nhiều người hát nhạc Trịnh cho chính mình nghe. Họ không phải là ca sĩ, và cũng không mong thành ca sĩ. Già trẻ, gái trai… Họ hát nhạc Trịnh là bởi nhạc Trịnh đã nhập vào họ. Vậy thôi. Thỉnh thoảng tôi cũng được nghe những người như vậy hát. Và tôi nhận ra rằng, không chỉ ca sĩ chuyên nghiệp mới hát nhạc Trịnh hay. Cái hay nhất của nhạc Trịnh là ai cũng thấy một chút mình trong đó…

Trịnh Công Sơn, 1998 -Ảnh Nguyễn Đình Toán

Card của TCS

Lưu bút của TCS

Trái sang> Vĩnh Nguyên, Việt Đức, Trịnh Công Sơn, Nguyến Trọng Tạo - Huế 1992

16 bình luận

  1. Tới bây giờ em vẫn chưa hiểu tại sao người ta thích Thái Thanh, nhưng con của Thái Thanh thì em thích .

    Về nhạc Trịnh, em thấy thế này, không biết các bác phối âm nghĩ sao, nhưng để phối khí cho cả 1 dàn nhạc, cả hòa âm và giai điệu phải phức tạp hơn 1 tẹo, và người viết ca khúc (song writers) phải có tư duy dàn nhạc . TCS không có cả 2. Lời TCS đúng là phức tạp và đôi lúc cũng mang hình ảnh của một cái gì đó đa dạng hơn cây guitar, nhưng nhạc thì đúng là lực bất tòng tâm . Vì vậy, cho tới bây giờ, mọi thể nghiệm phối âm phối khí cho nhạc TCS hơn một ban nhạc đơn giản (trống, bass, guitar điện, keyboards), theo em, nói chung là thất bại . Lời của TCS đòi hỏi quá nhiều từ giàn nhạc, nhưng cấu trúc nhạc của TCS lại quá đơn giản nên giàn nhạc đâm ra lúng túng, không biết phải làm gì. Chỉ có 2 cách giải quyết, hoặc giảm thiểu phần nhạc đệm thành tối thiểu để cho tiếng hát làm chủ đạo, cách thứ 2 là lấy ý tưởng của TCS để viết thành một bản nhạc nghệ thuật riêng rẽ .

    • Vậy bạn có biết vì sao người ta thích Đàm Vĩnh Hưng không, hihi. Vừa rồi tôi mua cái smart TV của Sony, vào mục nhạc TCS trên zing toàn thấy nhạc Trịnh do Đàm Vĩnh Hưng hát.
      Theo tôi biết thì TCS chưa chê ai hát nhạc của ông dở, chưa chê ai phá nhạc của ông có lẽ đó là cái bao dung của TCS chứ không phải ông đồng cảm, đồng ý, đồng tình với những giọng ca đó. Đàm Vĩnh Hưng là một ví dụ

      • Tớ không phải fan của Mr. Đàm nhưng trân trọng tư duy độc lập đến bướng bỉnh của anh ta . Đôi khi trong nhạc phổ thông (pop), không có kiến thức vững chắc về âm nhạc cũng không phải là điều xấu . Nhạc Blues là một ví dụ .

        Tớ đồng ý với mọi người Khánh Ly là bà hoàng của tập Ca Khúc Da Vàng, chắc tại vì ca sĩ trong nước không dám hát bài nào trong tập đó . Nhưng có một số ca sĩ, theo tớ, thành công ở bài này bài nọ . Hồi về vn có nghe Quang Dũng (ca sĩ) hát “Tuổi Đá Buồn” ở M(ờ)&Tôi, cầu chục năm rồi vẫn còn nhớ .

        Về thái độ của các sáng tác gia, từ cực này đến cực kia, và cũng thay đổi theo thời gian nên cũng không biết được, nhất là ở nhạc phổ thông, với cả tá người viết đi viết lại phần phối khí . Nếu tớ là người viết ca khúc, hễ họ không băm vằm bài nhạc của tớ (hát sai lời, lạc nốt) chắc tớ cũng cho qua .

    • Theo tôi, không phải ai cũng nghe được Thái Thanh hát, về kỹ thuật điêu luyện chắc chưa ai qua nổi.
      Về nhạc TCS, sẽ là sai lầm nếu hát với một ban nhạc hoành tráng đủ các nhạc cụ, cứ hồng hộc lên như Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng chính là đang “hiếp dâm” nhạc Trịnh. Chỉ cần 1 cây đàn guitare và ca sỹ “hát nhẹ nhàng như đang thở” là đủ. Theo tôi, chính TCS hát nhạc Trịnh hay nhất.

      • – Thái Thanh hát hay nhất là nhạc Phạm Duy. Có lần tôi nghe người nhạc sĩ này nhận: không có Thái Thanh thì không có Phạm Duy. Có thể là một lời nói hơi quá, kiểu hơi “nịnh đầm” một chút, nhưng thực sự ai nghe Thái Thanh hát “Tóc mai sợi vắn sợi dài”, “Giọt mưa trên lá” hay “Nghìn trùng xa cách” của ông mới thấy khó ai vượt qua được bà. Tôi còn mê khi nghe bà hát “The blue Danube”.
        – Một cái “vote” ủng hộ hoàn toàn cho ý kiến : không ai hát nhạc Trịnh hay bằng chính Trịnh Công Sơn. Giọng mộc mạc, tiếng guitar thùng bập bùng, qua đó, người nghệ sĩ làm bật lên toàn bộ cái hay, cái đẹp và ý nghĩa của bài hát.
        Tôi cũng mê anh Đỗ hát nhạc Trịnh nữa!

  2. sang trang của anh tạo bởi mình rất thích những cái tít của bài. nó nhẹ nhàng, và rất chi là thơ ca. chỉ mấy nét chấm phá thôi mà đã lột hết cái thần thái của ca sĩ hát nhạc trịnh. và cũng chừng ấy nét thôi đã hiện về một trịnh công sơn tài hoa. nhất trí với anh về khánh li hát nhạc trịnh như đóng đinh giá trị, như một sự mê tín đáng yêu. phải công nhận và cố bỏ qua định kiến hết sức bất công và phi lý. nhận thấy rằng: khánh ly một con chim sơn ca sinh ra để hát nhạc trịnh. và hình như trịnh viết để cho khánh ly hát mà thôi. tiền bối đi rồi, chỉ còn lại một con chim cô đơn lạc loài trên đất khách.

  3. Công bình mà nói,không ai hát nhạc Trịnh hay hơn Khánh Ly.
    Tôi từng nghe TCS.hát ở Tổng Hội Sinh viên Huế hay Hội Trí thức
    YN.nhưng hát giọng truyền cảm một cách dung dị theo kiểu riêng
    của ông,thậm chí không đủ sức diễn đạt trọn vẹn,chứ không phải
    nhạc sĩ họ Trịnh cố tình hát như thế thì phải ?
    Sau này,giọng nam có Thanh Hải hát cũng rất đạt nhưng lại…vượt biên qua sống ở Đức.

  4. Sinh sau đẻ muộn cháu cũng mê muội với những ca từ trong những bài hát của TCS, mặc dù nghe nhiều ca sỹ hát nhạc TCS khá lâu nhưng có lẽ cái thế hệ của cháu không dễ gì cảm nhận được từng câu chuyện, từng giai thoại trong từng bài hát mà nói như bác Tạo cháu mê vì cháu thấy có mình trong đó…. đến một lần tình cờ cháu được thưởng thức trọn vẹn Album sơn ca 7 từ cuốn băng cối của một anh bạn(Hiện tại giá khoảng 15 triệu VNĐ cho một băng gốc chất lượng khá), từ đó cháu mới thực sự cảm nhận được tại sao người ta lại ví khánh ly nhưng chim sơn ca sinh ra để hát nhạc trịnh.

    Thời gian gần đây nhất cháu được Anh bạn tặng Album CHÌM DƯỚI CƠN MƯA do Yoshi Imamura – Liz Kinon(Japan) phối âm, đc nghe lại chính chất mộc mạc trầm ấm đầy chất thơ …của chính tác giả cháu lại có thêm một suy nghĩ thứ 2, TCS mới là người cho cháu nhiều cảm xúc nhất…

    Có vô số ca sỹ sau này đã hát nhạc trịnh, Thái Hòa, hồng nhung, Quan Văn, Tuấn Ngọc, Nam sơn …..nhưng có lẽ vì cháu lỡ nghe và thích tác giả và Khánh Ly mất rồi.

  5. Những ca khúc da vàng là “lãnh địa” riêng của Khánh Ly, nhưng mà đối với những người trẻ, theo thiển ý của cháu họ chưa cảm được nhạc Trịnh, hay Khánh Ly, chỉ biết được “sỏi đá cũng cần có nhau” là lẽ sống ở đời nhưng tuổi đời chưa nhiều nên không thể biết được “nhìn lại mình đời đã xanh rêu”.
    Có cái gì đó rất mới ở Hồng Nhung, cho nên nghe những bài hát như “Như cánh vạc bay”, “Đoản khúc thu Hà Nội”, “Tuổi đá buồn”… vẫn rất đi vào lòng người.

  6. Theo tôi, Khánh Ly không hát mà Khánh Ly nói , Khánh Ly kể chuyện tình của mình cho mọi người nghe ,vì thế nên rất vào lòng người , Khánh Ly kể chuyện bằng nốt nhạc , lại thêm như Nguyễn Trọng Tạo nói :”Khánh Ly hát nhẹ nhàng như đang thở ” một nhận xét tuyệt vời . Tôi không chê kỹ thuật “cộng minh” của phương tây , nhưng cách hát ấy chỉ phù hợp với những ca khúc của chính họ , hoặc ca khúc cách mạng , opera …còn với những bài dân ca , tình ca của ta thì kiểu hát ấy bóp chết bài hát mà họ đang hát . Vì sao ư ? vì cách nói, cách thổ lộ tình yêu của ta khác người phương tây , vì ngôn ngữ Việt Nam tận cùng bằng nhiều “âm đóng” chứ không phải “âm mở” như của họ , Điều ấy lý giải vì sao nhiều ca sĩ “có học” lại thua ca sĩ “tự học” là như vậy .

  7. 01
    tháng bốn
    hai ngàn mười một
    (Tặng chị Khánh Ly,
    qua chị gửi tới ông Trịnh Công Sơn một nỗi nhớ biết ơn)

    Nhớ người nơi tượng đá
    nhớ người nơi mộ sâu
    xác gầy nương bóng núi
    âm u lạnh một trời

    Gom hy vọng về nhốt ngục
    Gọi dỗi hờn về đốt tan
    Chia lời ru đi ngàn hướng
    Rồi ngủ ngon không thở than
    Giờ có nhớ anh không hỡi biển
    Giờ có nhớ anh không nắng vàng
    Giờ có nhớ anh không thác lũ
    Giờ có nhớ anh không hỡi nàng

    Xin một lời của lá, xin một lời của cây
    Xin một lời của gió, xin một lời của mây
    Xin một lời của chim, xin một lời của biển
    Và một lời của ta, cùng ru anh giấc này
    Ngủ ngon nơi ấy người ơi. tháng tư, nhớ quá thế này!

    Cái ngày mùa xuân mộng mị, nhớ vào khói cuộn bắc thang
    Đá lạnh và hầm mộ địa, nếu buồn thì hãy thở than
    Cho thấy một lời rêu buông, cho thấy một lời cỏ dướn
    Thêm lời ca dao hò hẹn, đi theo giọt nước hai hàng
    Giọt nước hai hàng bắc thang. Giọt nước hai hàng hò hẹn.

    Rượu này cho tượng đá, rượu này cho mộ sâu
    Và rượu này dành đợi – cái ngày mình gặp nhau
    Sẽ tựa vào lưng nhau hát bên ghềnh bãi sáng
    Bao nhiêu hầm hố vùi, bao nhiêu mộ bia son, bao nhiêu hồn du mục.
    về ca khúc hân hoan, về ca lời cởi oán, về nói câu bầu bạn, về hát tiếng thương nhau.

    Rượu này xin dành đợi – cái ngày mình gặp nhau
    Ngồi tựa lưng vào nhau. Viết những bài nhạc mới.
    Không còn giận hờn nữa,
    không còn ngại ngùng thêm
    không súng đạn cuồng điên
    và không đời lưu lạc.
    Rượu này rồi cùng hát. Bản nhạc tình đầu tiên. Và yêu thật cuồng điên.

    28/03/2011

    (Nhớ người, nhớ những con người[nhạc sĩ TCS , ca sĩ Khánh Ly – đều chưa từng gặp]. Nhớ quá trong cuộc đời này!)

  8. Thân gửi anh Tạo,

    Đọc bài viết của anh về TCS, quá hay, súc tích, cô đọng. Giản dị như lời tâm sự vậy thôi. Một tiểu luận khảo cứu về học thuật dày công cũng chỉ đến thế, mà sẽ khô cứng, thiếu hẳn cái hồn.

    Một nhạc sĩ, họa sĩ nói về người bạn tâm giao nhạc sĩ họa sĩ thì còn gì đúng hơn chân thực hơn!

    Đau mà sáng. Buồn mà sang. Chỉ có NTTạo mới viết được thế.

    Mình kể chuyện Tạo nghe. Lâu lắm rồi, sau chuyến đi học xa về mình nghe một giọng của cô gái Nhật hát trên đài. Trong lòng tự nhủ, sao mà có bài dân ca Nhật hay thế, không hiểu lời nhưng nó tươi thắm, da diết, thì thầm mà bay bổng… Mãi sau mới biết đó là …Diễm xưa!

    Cũng lâu rồi, ở Hungari có bạn ra chợ giời mua được cái máy quay băng cũ (hồi đó còn nghèo lắm) mua về rồi lấy cassett ra thử, cậu ta mang đi có mỗi 1 băng để thử máy. Hát suốt ngày. Mà lạ! một người hát các bài của một nhạc sĩ, hòa âm (nói đúng hơn là đệm đàn) đơn giản. Vậy mà cả ngày nghe đi nghe lại mãi không chán. Mình hỏi mới biết là TCS và Khánh Ly! Lần đầu tiên được nghe và may mắn từ đó thuộc khá nhiều bài của TCS.

    Mình đọc đâu đó viết rằng: Người ta hỏi ai hát nhạc Trịnh hay nhất? chính TCS trả lời: đó là Sơn.

    Lại có người định nghĩa: Hạnh phúc là gì? Là uống cà phê nghe nhạc Trịnh.

    Giải thưởng nhà nước có sánh được với một câu đó không?
    Lại kể, chuyện này mình đã kể cho Tạo nghe rồi. Một lần đi TQ (2007), lần đầu tiên biết “Khúc hát sông quê” là nghe qua “dàn” đồng ca của hơn hai chục anh em (cán bộ kỹ thuật!) ngồi trên xe du lịch! Nói thực nhé, chưa chắc Tạo đã được nghe đồng ca Khúc hát sông quê đâu! Nếu có nghe chắc cảm giác khác hẳn với khi nghe Anh Thơ hát. Hai cách “thể hiện” hoàn toàn khác nhau, và đều thú vị, phải không?

    Đấy các bài hát đến với mình “hay” thế đó

    (Lê Thanh Dũng, 1-3-2012)

    • Gởi bác Dũng,
      Bác đọc ở đâu đó “Mình đọc đâu đó viết rằng: Người ta hỏi ai hát nhạc Trịnh hay nhất? chính TCS trả lời: đó là Sơn” là không chính xác nhé. TCS không bao giờ nói vậy. Tôi cũng có đọc mấy bài báo nhưng do các nhà báo bạn của TCS nhận xét như vậy chứ không phải TCS tự nhận đâu.

  9. Mình mê nhất giọng Khánh Ly hát nhạc Trịnh trong những lần ở trường Đại học Văn Khoa trước 75. Đơn giản chỉ là 1 tiếng ghi ta thùng được đệm dưới một bàn tay không chuyên. Vậy mà vẫn chuyển tải được nét đẹp âm nhạc của Trịnh. Không cần micro xịn hay giàn âm thanh khủng. Cũng không cần những hú hét phá cách hay kỹ thuật thanh nhạc hàn lâm. Mộc mạc thôi, đơn giản thôi mà thấm vào từng mạch máu. Mình lỡ yêu cái cách hát đơn sơ đó của Khánh Ly mất rồi

  10. Trần Thái Hòa và Nguyên Khang cũng tuyệt vời.

  11. Mọi người đã nghe Nguyễn Đình Toàn hát nhạc TCS chưa? mình thấy thích giọng hát của ông.
    http://mp3.zing.vn/album/11-Ca-Khuc-Trinh-Cong-Son-Nguyen-Dinh-Toan/ZWZ9ZWWO.html?st=1

Bình luận về bài viết này