ĐỌC “BÁC SỸ TRƯỞNG KHOA”


Nhà văn Trần Huy Quang

Nhà văn Trần Huy Quang

(Tiểu thuyết của Vũ Oanh, nxb Hội Nhà văn – 2013)

TRẦN HUY QUANG

Vũ Oanh viết Bác sĩ trưởng khoa (Bstk) mất một năm, sửa chữa mất hơn bốn năm. Trước khi có bản sách mà chúng ta có trong tay hôm nay, đã có nhiều bản thảo Bstk dày mỏng khác nhau, bản 700 tr, bản 600 tr, 650 tr, vân vân… Như vậy, ông đã tự cắt bỏ ít nhất cũng 40% văn bản ban đầu, cái việc mà người trong nghề mới biết là đau đớn như thế nào. Tác phẩm, vì thế, cấu trúc cũng như tính cách các nhân vật, cũng có những thay đổi, nhìn chung cuộc sống trong tác phẩm được tạo nên bề bộn hơn, rậm rạp hơn nhưng đã bớt độ khắc nghiệt rất nhiều…

Bối cảnh của Bstk là những năm đất nước bước sang giai đoạn đổi mới về kinh tế và kéo theo là những biến đổi về xã hội và về những giá trị văn hóa. Tuy nhiên, không gian và thời gian nghệ thuật của tiểu thuyết, qua điểm nhìn của nhân vật chính được kéo lùi đến tận những năm đầu kháng chiến chống Pháp, cải cách ruông đất, cải tạo tư bản tư doanh, và những năm cuối cùng của thời kỳ nhà nước lấy cơ chế bao cấp kế hoạch hóa để vận hành nền kinh tế. Và đồng thời không gian cũng được mở rộng đến những vùng rừng núi, những trạm phẫu thuật và bệnh viện dã chiến của chiến trường B3 thời chống Mỹ. Toàn bộ sự kiện lớn lao và khắc nghiệt của đât nước đều được phản ánh theo một cách riêng trong tiểu thuyết Bstk qua sự chứng kiến sự kiện hoặc đã trực tiếp tham gia vào những sự kiện lịch sử đó, qua con mắt và điểm nhìn của cá nhân Khang bằng thủ pháp hồi tưởng, liên tưởng… Hiện thực, cũng là lịch sử trong tiểu thuyết Bstk, không giống như lịch sử trong các tiểu thuyết hiện đại. Lịch sử trong Bstk hiện lên trong sương mờ ký ức, khi rõ ràng khi mung lung. Đó là những gì không thể quên, là những ấn tượng “sét đánh”, những kỷ niệm đẹp đẽ hay đau đớn được đóng đinh trong tâm khảm, trong vùng mờ tâm thức; nó trở đi trở lại trong tâm tưởng một người sống nội tâm như Khang. Có thể nói lịch sử trong tiểu thuyết Bstk được cá nhân hóa, mang nhiều màu sắc cá nhân, do vậy, nó rất thuyết phục và đáng tin cậy trong tiếp nhận. Những ngày tham gia kháng chiến chống Pháp của gia đình, sự hy sinh của cha, cuộc cái cách ruộng đất long trời lở đất đảo lộn tất cả các thang bậc giá trị, dưới con mắt nhìn của cậu bé Khang, là lịch sử cuộc sống mà cậu bé viết nên, nó mang màu sắc của cậu bé, nó chỉ bé nhỏ và đơn giản như giọt nước nhưng giọt nước ấy hàm chứa bản chất tự nhiên của một giòng sông. Đó là một thành công đáng ghi nhận của Vũ Oanh.

Bstk không phải là tiểu thuyết tự truyện, mà cũng không ai thật thà nghĩ rằng cuộc đời hay số phận nhân vật chính Khang là cuộc đời của Vũ Oanh nhưng quả thật, ai đã từng quen biết Vũ Oanh mới thấy khi xây dựng nhân vật Khang, ông đã dồn hết những lý tưởng cao đẹp mà ông tâm niệm để sống, chí hướng làm người mà ông theo đuổi, những giá trị văn hóa mà ông tôn thờ, kể cả chút ít riêng tư nào đó, đều dồn vào nhân vật chính này. Hoặc rộng ra, ông viết bằng trải nghiệm xương máu 40 năm cầm dao mổ của mình, bằng buồn vui, thành bại trong đời làm thầy thuốc của mình để đề xuất một lẽ sống, dù lẽ sống ấy ta có đồng tình hay không, có đi theo được hay không, có lẽ Vũ Oanh cũng không nghĩ đến. Vũ Oanh đưa Khang ra làm một “nhân vật mang vấn đề”, là người mang sứ mạng thể hiện lẽ sống mà mình gửi gắm.

Khang được tác giả chuẩn bị cho một lý lịch kỹ càng (sinh ra trong một gia đình giàu có, địa chủ trong cải cách ruộng đất, ông nội là một thầy thuốc, cha hy sinh trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp), được gia đình dạy bảo chu đáo và học hành đến nơi đến chốn, được thụ giáo những bác sĩ giáo sư hàng đầu ngành y Việt Nam, là một trong những con dao mổ được đào tạo bài bản để tung vào chiến trường ác liệt.

Kết thúc chiến tranh chống Mỹ, qua thời bao cấp Khang chuyển ngành với quân hàm đại úy, một bác sĩ chuyên khoa ngoại cấp một, mổ tốt hầu khắp các phẫu thuật vùng bụng, sinh dục và tiết niệu. Nhưng cuối cùng chịu một số phận hẩm hiu, ngậm ngùi trong thất bại. Vũ Oanh không làm một cuốn tiểu thuyết mô tả cuộc chiến giữa hai thế lực lạc hậu và tiến bộ, cơ chế và thực tế, chính và tà, tích cực và tiêu cực như nhiều tiểu thuyết khác, Vũ Oanh đặt Khang trong phòng mổ (nơi mạnh nhất của anh) hiên ngang, quyết đoán trên biên giới sống và chết của người bệnh và giữa cuộc đời (nơi yếu nhất của anh) cả tin và vị tha, để thử thách một lẽ sống của người trí thức mà mình tâm niệm. Đó là sự hết mình vì người bệnh, ông lấy việc cứu giúp đồng loại vượt qua bênh tật, vượt qua cái chết là hạnh phúc. Khang không ở trong chiến tuyến tiêu cực hay tich cực, Khang không khôn vặt, không thông minh vặt nên nhân vật Khang có vẻ không sắc sảo. Khang ở giữa những đồng nghiệp và hồn nhiên sống theo lẽ sống của mình, muốn hòa nhập vào lẽ sống khôn khéo của thời đại mới nhưng đã không được, bao giờ cũng bị bật ra.

Viên thiếu úy bác sĩ quân y mấy năm ở chiến trường được ra miền Bắc công tác, vượt qua bao nhiêu bom đạn chết chóc dọc đường, ghé về với vợ con, thì chạm ngay bộ mặt tráo trở của vợ; nàng ném cho anh một cái chăn mỏng và cái màn đơn vào một cái giường cá nhân ở góc phòng giống như cho người khách lỡ độ đường. Cuộc hôn nhân giữa một anh lính ở chiến trường sống chết không biết ra sao và một cô vợ bác sĩ trẻ đẹp giữa thủ đô có nguy cơ đổ vỡ và sự tất yếu ấy phải xảy ra. Khang ôm con đi ra khỏi nhà bố mẹ vợ trong một chiều chạng vạng, sau tiếng loa báo yên trận không kích của máy bay Mỹ xuống Hà Nội; gửi con về bà nội rồi trở lại chiến trường, vẫn không hiểu vì sao Hoàng Anh, vợ anh, lại thay đổi chóng vánh đến vậy. Nhiều năm sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, anh mới được biết đó là một vở kịch của sự tráo trở được khôn khéo dựng lên. Hóa ra hôn nhân của Hoàng Anh đã được sắp xếp với con trai của một cán bộ cao cấp khác nhưng Khang và Hà cương quyết yêu nhau, nên cuộc hôn nhân vì tình yêu của họ tạm thời được chấp nhận để vài năm sau phải tan vỡ.  Tác giả tìm cơ hội để hòa nhập hai lẽ sống đó, tưởng như cả hai đã chấp nhận nhau nhưng cuối cùng lẽ sống mà gia đình ông cán bộ cao cấp kia đại diện, đã không chấp nhận. Cái lẽ sống hám quyền, hám lợi có một thế năng mạnh mẽ dường nào, người đọc còn được chứng kiến nhiều nữa.

Xu hướng này làm cho người đọc phập phồng lo sợ, nó báo hiệu một cái gì phi luân, phi đạo hơn nữa và nó sẽ làm cho cuộc đời của một trí thức, một thầy thuốc tử tế, trở nên khốn khổ và bất hạnh.

Quả nhiên, khi Khang ở bệnh viện 101, với tài năng ngoại khoa như Khang mà anh chỉ được lãnh đạo coi như một thứ công cụ lao động (Tôi giữ là giữ đôi bàn tay cậu. Chỉ giữ hai bàn tay cậu, tôi không giữ con người cậu! – tr 26).  Tại bệnh viện Hồng Phúc, mặc dù trưởng phó khoa, chánh phó giám đôc đều có danh hiệu và học vị cao nhưng không một ai biết mổ hoặc có mổ thì làm tai biến, chết người, thì Khang vẫn bị giám đốc cho ngồi chơi xơi nước mấy năm liền vì, như giám đốc Cường nói với Quân: …không phải có cái tài vặt mổ xẻ… mà đã đủ đâu. Lãnh đạo chúng tôi yêu cầu ở các ông nhiều thứ, toàn diện, về mọi mặt. – tr 295. Chỉ vì Khang không chấp nhận sự tha hóa con người nên bị giám đốc nhất định “… cứ để anh ta ra đứng vào ngồi… như một kẻ không biết gì.”(trr379). Với con mắt nghề nghiệp của một bác sĩ, tác giả dẫn dắt người đọc vào tận trong phòng mổ, chứng kiến những ca phẩu thuật sai sót mới ngộ ra bên dưới những danh hiệu giáo sư tiến sĩ, chuyên khoa này nọ…là một sự ngụy tạo, là lỗ thủng rất lớn về kiến thức, về lương tâm người thầy thuốc và về nhân cách làm người.

Thói chuộng hư danh, giả trá, muốn thăng quan tiến chức bằng thành tích ngụy tạo, làm việc vô trách nhiệm, giành giật quyền lợi đã dẫn đến nhiều ca, trưởng khoa, phó giám đốc, kể cả giám đốc bệnh viện mổ vì cắt nhầm, nối nhầm… gây tai biến, khi tính mạng người bệnh thập tử nhất sinh, lúc ấy họ mới cầu cứu đến Khang, nhờ Khang “chữa cháy”. Và Khang, trong những ca như vậy, đã cứu được nhiều người bệnh (cũng là cứu giám đốc, cứu trưởng khoa, tiến sĩ, giáo sư), thoát hiểm. Sau ca mỗi ca như vậy, trưởng khoa Quân dù không biết làm gì nhưng ra ghi ngay vào bệnh án anh ta là mổ chính.   Từ đó, khi mỗi cuộc mổ sắp kết thúc, không phải làm gì  nhưng vẫn ghi vào bênh án và sổ mổ: Phẫu thuật viên chính, bác sĩ  Lã Hồng Quân; người  phụ mổ thứ nhất, bác sĩ Khang; người  phụ mổ thứ hai, bác sĩ … – (tr 354)….  Lối lèo lá, gian trá này của trưởng khoa không biết mổ, không bao giờ cầm dao mổ nhưng họ tên trong không biết bao nhiêu bệnh án phẫu thuật lại là bác sĩ mổ chính, đã đưa ông lên chức phó giám đốc,… và cũng đã tạo nên cho ông những danh hiệu vàng son: thầy thuốc ưu tú, bác sĩ cao cấp…

Khang sống giữa những đồng nghiệp và cấp trên mình nhưng ngoài người bệnh ra, anh như sống ở ngoài rìa. Khang không thể hòa hợp với Cường, Quân, Trịnh, Ngân Hà… Họ là người tốt hay xấu? Không thể nói họ xấu vì họ đều là những người có chức quyền trong chính quyền cũng như trong đảng. Họ thuộc về xã hội, người của xã hội, của đám đông, lẽ sống của họ thuộc vê xu hướng mới, ngược lại với lẽ sống mà ông nội dạy của Khang nhưng lại rất phổ biến. Có cái gì sai lệch hay thay đổi về giá trị văn hóa ở đây chăng?

Cái lẽ sống ấy không những hiện ra dưới những danh hiệu kêu như chuông mà nó còn hiện ra dưới những nhan sắc thị thành khao khát tình dục vô bờ bến, nhưng lại luôn luôn nhận mình là sinh ra trong gia đình cán bộ cao cấp danh giá, Những mối tình nhục dục nhiều hơn tình yêu này đưa Khang đến tận cùng khốn khổ.

 

Mối tình của Khang và Hà kéo dài đến 10 năm mà vẫn không thành, cuối cùng tan vỡ và Khang bị người tình sỉ nhục vì bất lực. Đây là một minh chứng nữa cho thấy sự yếu thế của Khang, mặc dù bằng tài năng của mình, Khang vẫn lên trưởng khoa nhưng mãi mãi anh vẫn là số ít, anh sẽ bị đẩy ra không thể cưỡng lại. Sự bất lực của Khang không đơn thuần là bất lực sinh học mà là bất lực trên bình diện văn hóa, là bất lực của con người cá nhân trước cái sự tha hóa cường quyền. Là lẽ sống mà Khang đại diện không còn sức sống. Nền tảng và chỗ dựa đạo đức truyền thống của Khang là bà mẹ thì đã già; chỉ ít câu “mách đểu” của Ngân Hà cũng đủ để đưa sang thế giới bên kia cái nền tảng mà Khang gìn giữ và tự hào. Cái lẽ sống mà tác giả đưa ra, tác giả cũng không quyết liệt bảo vệ nó, không cho nó một sức sống mạnh mẽ, không nồng nhiệt ca ngợi nó, cuối cùng thì nó èo ợt, thui chột, tiếng kêu chơi vơi Ơi các thầy ơi ở cuối tác phẩm nghe càng xa mờ, chỉ còn như một dấu than để lại giữa hư vô.

Tuy nhiên, viết về những hoạt động khoa học của những bác sĩ trong một bệnh viện ở Hà Nội, nhưng ta cũng thấy được, bên cạnh rất nhiều những tính toán thấp hèn, những lừa gạt trơ tráo, thì vẫn còn những tài năng đích thực..

Chỉ là những câu chuyện tình giữa những người thầy thuốc, khi hợp khi tan, nhưng đọc xong, ta không thể không tự hỏi cái gì, thực sự là cái gì, làm cho họ tha hóa đến mức như vậy.

Tiểu thuyết Bác sĩ trưởng khoa, mặc dù lối thể hiện chưa được linh hoạt, văn đôi chỗ còn xốp, hoặc diễn giải quá đầy đủ, đối thoại giống như sách vở nhưng với một đời sống bề bôn, đầy phức tạp trong đó, nó đưa đến cho người đọc nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ. Đây là một thành công đáng ghi nhận của Vũ Oanh. Ta còn nhớ năm 1960, Nguyễn Khải phải lên tận mảnh đất chiến trường Điện Biên Phủ oanh liệt xưa để đi tìm con người mới, một mẫu người xã hội chủ nghĩa. Sáu mươi năm sau, Vũ Oanh đưa ra một mẫu người trí thức vừa nhân vừa trí, không giống những trí thức đương thời, đặt nó trong một thử thách khắc nghiệt giữa các giá trị mà nội hàm của nó có ít nhiều biến đổi. Thắng hay bại của nhân vật đều là thái độ của tác giả. Trước đây, ta thấy Nguyễn Khải dễ dàng nồng nhiệt khẳng định nhân vật bao nhiêu thì Vũ Oanh dè dặt, thiếu tự tin vễ nhân vật Khang bấy nhiêu.  Bác sĩ trưởng khoa không còn là chuyện ngành Y, nó là một hiện thực hôm nay với những  vấn đề của ngày hôm nay../.

T. H. Q

 

2 bình luận

  1. Cảm ơn tac giả vì đã cho tôi biết được chan ly cua cuộc đời

  2. Đọc Bstk của nv Vũ Oanh tôi hết sức kính phục ở ông một con người có tầm nhìn sâu sắc và tấm lòng nhân hậu cao cả .

Bình luận về bài viết này