ANH ĐÃ YÊU NHƯ VẬY – BÀI THƠ TÌNH NHIỀU XÚC ĐỘNG


Trần Huyền Nhung và Nt Nguyễn Trọng Tạo

Trần Huyền Nhung và Nt Nguyễn Trọng Tạo

TRẦN HUYỀN NHUNG

ANH ĐÃ YÊU NHƯ VẬY

(Tặng các chiến sĩ trên đảo xa)

Chẳng lẽ anh yêu đất cằn và đá cỗi
nắng cháy da và rét buốt xương
gió xé rách áo quần
mưa ném nghiêng mũ cối
chẳng lẽ anh yêu sóng biển gào dữ dội
át cả tiếng em từ phía đất liền?

Công sự anh đào xuyên ngày, xuyên đêm
đào vào đá (lưỡi xẻng thay mấy bận)
những cánh tay kéo pháo hai ba tấn
lên điểm cao, dốc dựng lệch trời xanh
chẳng lẽ anh yêu đá cào tướp bàn chân
dày cao cổ rách rồi, tay con trai lại vá?

Sống giữa biển mà lắm khi thèm cá
luống rau trồng trong lưới ngăn chim
nước biển nhiều mà chẳng thể nấu cơm
(phuy nước ngọt để dành khi giặc giã)
chẳng lẽ anh yêu đêm liên hoan văn nghệ
có chàng trai sắm vai gái diễn chèo?

Chẳng lẽ anh yêu những đêm ngủ hầm kèo
báo đến chậm hai tuần vẫn gọi là “báo mới”
lá thư tình đọc chung cùng đồng đội
lúc nghe đài là lúc gặp quê hương
chẳng lẽ anh yêu những ngày tháng thẳng căng
đêm bật dậy mấy lần báo động?

Nhưng em ơi, giữa muôn trùng biển sóng
anh đã yêu như vậy ngày ngày
như yêu em đắm say
yêu giấc ngủ hằng mơ về bờ cát
bởi anh biết:
nếu lòng mình đổi khác
giặc sẽ tràn qua đảo của mình đây!…

Đảo Vạn Hoa, 1980
NGUYỄN TRỌNG TẠO

Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử chống xâm lăng. Ông cha ta đã mất đi và còn truyền lại cho con cháu thanh gươm báu in đậm dấu ấn của lịch sử oai hùng đó. Con người Việt Nam chúng ta đã trân trọng cầm thanh gươm ấy để anh dũng chống lại mọi thế lực hung bạo giành lại quyền sống cho dân tộc mình. Từ trong đêm đen “điêu tàn” của khổ đau, con người Việt Nam luôn luôn vươn tới, rũ bùn để đến với ngày mai chói lòa tươi đẹp. Hình ảnh con người Việt Nam với sức sống mãnh liệt tuyệt vời ấy đã được văn học phản ánh khá rõ nét và sáng tạo. Bài thơ “Anh đã yêu như vậy” của Nguyễn Trọng Tạo không chỉ nói lên nghị lực sống của con người, mà trong đó còn là một tình yêu em thủy chung, son sắt. Toàn bộ bài thơ toát lên hình ảnh đẹp của anh trong lời đặt giả thiết “chẳng lẽ anh yêu”, để rồi nhà thơ khẳng định được tình yêu vĩnh hằng cao đẹp dù là thời chiến hay thời bình.

“Anh đã yêu như vậy” như một nguồn nước giếng trong, khơi mãi vẫn không hết cái ngọt ngào sâu lắng của tình yêu con người, vẫn không vơi cạn nguồn sức mạnh truyền vào cuộc sống. Tình yêu trong thơ Nguyễn Trọng Tạo luôn luôn là sự thôi thúc nỗ lực tìm hiểu khám phá của người đọc. Ở trong “Anh đã yêu như vậy”, tác giả dẫn người đọc vào mạch khám phá qua sáu lần lời đặt nghi vấn “chẳng lẽ anh yêu”. Tựa đề bài thơ “Anh đã yêu như vậy” trả lời cho thể nghi vấn mà Nguyễn Trọng Tạo đưa ra. Có thể bao bạn đọc khác cũng như tôi đều phải tò mò, khám phá “Anh đã yêu như vậy” là yêu như thế nào? Cũng chính vì đi tìm câu trả lời cho mình mà bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo đã gây ấn tượng mạnh trong tôi. Trước hết, tôi cảm động vô bờ trước tình cảm Nguyễn Trọng Tạo giành cho các anh chiến sĩ trên đảo xa. Bài thơ không chỉ là tiếng lòng riêng của Nguyễn Trọng Tạo, mà còn là tiếng nói chung cho tất cả các anh lính đang canh giữ ngoài biên cương, hải đảo xa xôi. Sau là, tôi xúc động: Chẳng lẽ Nguyễn Trọng Tạo lại yêu từ những cái khó khăn, đói khát, khổ sở nhất… đó là những rào cản để tôi luyện tinh thần trong mỗi anh lính? Xét cho cùng, không yêu thì cũng phải yêu thôi, bởi không có sự lựa chọn nào khác. Tình yêu và bản lĩnh của người lính đã lên ngôi, không gì có thể làm lung lay ý chí của họ được.

Nếu như thơ dân gian chuộng vẻ đẹp chân chất, mộc mạc, những nét phác họa nhẹ nhàng về sinh hoạt, tâm tư người lao động, thì “Anh đã yêu như vậy” cũng bình dị như là lời nói chuyện tự nhiên của Nguyễn Trọng Tạo. Nếu để ý sẽ thấy, nhà thơ không hề muốn tìm kiếm những điều mới lạ trong bài thơ. Tác giả chỉ thuật lại cùng ta những gì đã nghe, đã thấy một cách giản dị, chân tình. Có thể qua những điều từng trải, Nguyễn Trọng Tạo đã nhìn thấy cả quá trình rèn luyện và chiến đấu gian khổ của người lính. Những giọt mồ hôi thầm lặng trên vai áo của những anh lính đã thấm mệt nhọc, gian nan, thế mà vẫn toát lên trong tâm hồn họ tình yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu người tha thiết. Nguyễn Trọng Tạo thấu hiểu một cách sâu sắc. Chẳng lẽ anh yêu như vậy sao :

Chẳng lẽ anh yêu đất cằn và đá cỗi
nắng cháy da và rét buốt xương
gió xé rách áo quần
mưa ném nghiêng mũ cối
chẳng lẽ anh yêu sóng biển gào dữ dội
át cả tiếng em từ phía đất liền?

Lời thơ mộc mạc, giản dị trên hình thức mà sâu thăm thẳm tính nhân văn của người cầm bút. Đúng như lời của Bác “Văn nghệ cũng là một mặt trận. Anh chị em là những người chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Ở đây, Nguyễn Trọng Tạo xứng đáng là một người chiến sĩ, bởi tôi cảm nhận được tiếng lòng đồng cảm của nhà thơ trên mặt trận của những anh lính. Lời giả thiết “Chẳng lẽ anh yêu” như là sự giải thích về hoàn cảnh gian khổ vô cùng của người lính. Con người Việt Nam ngay từ lúc sinh ra phải đương đầu với bao thế lực hung hãn: nào hạn hán, lũ lụt, nào thú dữ… gian khó, nguy nan, bao phen tưởng dân tộc này không thể tồn tại được. Nhưng, lạ thay, con người Việt Nam ấy lại là những con người chứa đựng một sức sống mãnh liệt chưa từng thấy. Dường như, những anh lính càng gặp bao khó khăn, gian khổ thì tình yêu dân tộc trong họ càng tỏa sáng. Nguyễn Trọng Tạo còn ngờ  vực ngay cả chính lòng mình. Những khó khăn gian khổ ở một nơi hải đảo: Đất cằn và đá cỗi, thời tiết thì thất thường “nắng cháy da và rét buốt xương”, những cơn cuồng phong dữ dội làm rách áo quần, mưa làm quăng cả “mũ cối”, sóng biển thì mạnh ghê gớm… Tất cả những điều đó “chẳng lẽ anh yêu” sao? Sóng biển còn “dữ dội” làm anh chẳng thể nghe được tiếng em ở phía “đất liền”.  Còn chưa kể đến nỗi khổ khó khăn, thiếu thốn về vật chất… Khổ thơ tiếp theo, Nguyễn Trọng Tạo đã làm tôi nhỏ những giọt nước mắt trên bàn phím:

Công sự anh đào xuyên ngày, xuyên đêm
đào vào đá (lưỡi xẻng thay mấy bận)
những cánh tay kéo pháo hai ba tấn
lên điểm cao, dốc dựng lệch trời xanh
chẳng lẽ anh yêu đá cào tướp bàn chân
dày cao cổ rách rồi, tay con trai lại vá?

Những hình ảnh về công việc ngày đêm của anh lính được Nguyễn Trọng Tạo khắc họa rất đẹp chẳng khác nào trái tim có ánh sáng soi đường cho mọi người hướng tới. Sự gian khổ của họ biết bao nhiêu những lời thơ, biết bao nhiêu tấm lòng của các nhà thơ, nhà văn không thể nào có thể ghi lại hết được.

Và con người thật là kỳ diệu biết bao, từ gian khổ họ vẫn vươn lên tươi đẹp và cao thượng. Họ sẵn sàng chịu đựng gian khổ “nhạt muối với cơm” nhưng “miệng vẫn cười” nụ cười chiến thắng. Ta dễ hiểu vì sao 19 con người trong hang Hòn (Hòn Đất- Anh Đức) đã từng chịu đựng và vượt qua gian khổ như những vần thơ của Nguyễn Trọng Tạo. Từ đây, tôi cũng dễ hiểu vì sao những chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ (Họ sống và chiến đấu– Nguyễn Khải), lại là những con người thép, trụ đảo, bảo vệ mảnh đất của Tổ quốc thân yêu. Vượt lên khó khăn để tồn tại và chiến thắng kẻ thù đó là nét nổi bật của những người chiến sĩ trung kiên ấy. “Công sự anh đào xuyên ngày, xuyên đêm”- cũng đủ cho ta thấy tình yêu đất nước trong anh lính xả thân, quên mình. Ấy thế mà “chẳng lẽ anh yêu” đá cào tướp bàn chân? rồi những khó khăn về vật chất “dày cao cổ rách rồi, tay con trai lại vá”? Phải là người hiểu rõ nỗi khổ của những anh lính hải đảo thì Nguyễn Trọng Tạo mới viết lên được những vần thơ cảm động như thế! Phải đi sâu cuộc sống của anh lính thì Nguyễn Trọng Tạo mới đồng cảm được:

Sống giữa biển mà lắm khi thèm cá
luống rau trồng trong lưới ngăn chim
nước biển nhiều mà chẳng thể nấu cơm
(phuy nước ngọt để dành khi giặc giã)
chẳng lẽ anh yêu đêm liên hoan văn nghệ
có chàng trai sắm vai gái diễn chèo?

Nguyễn Trọng Tạo đã thu vào cái bao la của biển, cái vô vàn của đất trời thiên nhiên để nhận về nỗi khổ thiếu thốn, thèm khát miếng ăn ngay giữa mênh mông biển trời. Điều đó chứng tỏ rằng thiên nhiên không hề ưu đãi đối với những người lính nơi hải đảo xa xôi. “Sống giữa biển mà lắm khi thèm cá”, rồi “luống rau trồng” cũng sợ chim ăn, “nước biển nhiều mà chẳng thể nấu cơm”… Thế mà cuộc sống của các anh lính không hề buồn tẻ, họ vẫn tạo cho mình một sân chơi văn nghệ, dù rằng: “Có chàng trai sắm vai gái diễn chèo”. Chẳng lẽ anh yêu tất cả những sự thiếu thốn đó sao? Phải chăng đó chính là biểu hiện rất đẹp của tình yêu Tổ quốc, của lòng yêu đời tha thiết trong mỗi anh lính.

Mắt chúng ta muốn đọc, đọc mãi những dòng thơ tươi xanh, những dòng thơ lửa cháy của Nguyễn Trọng Tạo với “Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa”. Tiếng ca lạc quan ấy vẫn vút lên từ hiện thực cuộc sống chiến đấu và xây dựng, vẫn vút lên tự trái tim của những anh lính thời chiến hay thời bình mang trong mình bầu máu nóng nhiệt tình không bao giờ nguôi cạn. Là đối tượng của văn học, hình ảnh những anh lính hải đảo được Nguyễn Trọng Tạo xây dựng với sức sống mãnh liệt rất đẹp, nhưng họ cũng từ tác phẩm bước ra ngoài đời thúc giục mọi người, có tác dụng thật sâu rộng đến trái tim quần chúng, đến trái tim người đọc. Như vậy Nguyễn Trọng Tạo đã làm tròn chức năng của văn học. Nói như thủ tướng Phạm Văn Đồng thì văn học của chúng ta xứng đáng là “một công cụ để khám phá, hiểu biết và sáng tạo thực tại xã hội, chủ yếu là con người và cuộc chiến đấu của con người”. “Chẳng lẽ anh yêu” tiếp tục được lặp lại:

Chẳng lẽ anh yêu những đêm ngủ hầm kèo
báo đến chậm hai tuần vẫn gọi là “báo mới”
lá thư tình đọc chung cùng đồng đội
lúc nghe đài là lúc gặp quê hương
chẳng lẽ anh yêu những ngày tháng thẳng căng
đêm bật dậy mấy lần báo động?

Càng đọc những dòng thơ, ta càng thấu hiểu được cuộc sống “đồng cam cộng khổ” của những anh lính. Đêm đêm họ phải ngủ dưới “hầm kèo”, thông tin về tới hải đảo thì chậm trễ. Họ sẵn sàng sẻ chia tình cảm qua “lá thư tình” trong lúc ai ai cũng đang sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm từ gia đình, quê hương, người yêu…Phương tiện để họ gặp được quê hương mình chính là cái “đài”. Trong tôi rung lên những tần số của sự xúc động khi tìm thấy trong vần thơ của Nguyễn Trọng Tạo một phần sự đồng cảm của tôi gửi đến các anh lính. Những ngày tháng căng thẳng của họ, đêm thì “bật dậy mấy lần báo động” cho thấy ngay cả giấc ngủ của các anh cũng không được trọn vẹn. Đã ngủ “hầm kèo”, lại còn phải ngủ gà, ngủ gật, lo lắng nơm nớp về sứ mệnh gìn giữ và bảo vệ Tổ quốc. Chẳng lẽ anh yêu những ngày tháng thẳng căng như vậy sao?

Đã qua rồi thuở bài thơ “Thần” của Lý Thường Kiệt(?) sang sảng vang lên trên trận tuyến sông Như Nguyệt. Đã qua rồi cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ gian khổ, hy sinh anh hùng, dũng cảm… Nhưng ngày nay, với những anh lính Hải đảo, Nguyễn Trọng Tạo đã kịp thời vẽ lên chân dung họ như những bản tình ca muôn thuở. Tình yêu riêng, chung trong họ đã cất lên đôi cánh thiên thần bay cao, bay xa trong mọi thời đại. Bài thơ “Anh đã yêu như vậy” với lối kết thúc khẳng định, đã vẽ nên chân dung tình yêu cao đẹp của những anh lính Hải đảo:

Nhưng em ơi, giữa muôn trùng biển sóng
anh đã yêu như vậy ngày ngày
như yêu em đắm say
yêu giấc ngủ hằng mơ về bờ cát
bởi anh biết:
nếu lòng mình đổi khác
giặc sẽ tràn qua đảo của mình đây!…

Nếu như ở trên Nguyễn Trọng Tạo đặt ra sáu câu nghi vấn “chẳng lẽ anh yêu” và kèm theo những lời giải thích cùng với dẫn chứng trong quá trình lao động gian khổ miệt mài của các anh lính, thì bài thơ được khép lại giữ thế khẳng định “Anh đã yêu như vậy ngày ngày”. Tình yêu đất nước được đặt ngang với tình yêu “Em” đắm say, da diết. Đó là sự kết nối ôn hòa giữa hậu phương và tiền tuyến mà các anh lính tự đặt ra cho mình. Lối kết thúc của Nguyễn Trọng Tạo đọng lại trong lòng người đọc một cách chắc chắn về tình yêu, không còn nghi hoặc: chẳng lẽ anh yêu hay không yêu nữa. Người đọc cũng phải công nhận rằng: Anh đã yêu… và còn “yêu như vậy ngày ngày”. Bởi Nguyễn Trọng Tạo đã xác định rõ ràng giữa tình yêu Tổ quốc và tình yêu “Em”, không thể thiên về bên nào được. Tôi nhận thấy hai tình yêu đã hòa làm một, tạo thành một nền tảng vững chắc trong tình cảm của các anh lính hải đảo. Lối so sánh “như yêu em đắm say” chẳng qua cũng chỉ làm nổi bật con người, phẩm chất của người lính trong mọi thời đại. Ngày đêm họ phải canh giữ đất trời, nếu không có tình yêu Tổ quốc thấm đẫm vào máu thịt, thì sao họ hy sinh được như thế. Đó là sự hy sinh thầm lặng lớn lao rất đáng được trân trọng. Lòng người lính không thể đổi thay vì sứ mệnh được giao, vì “nếu lòng mình đổi khác/ giặc sẽ tràn qua đảo của mình đây!…”.  Phải chăng Nguyễn Trọng Tạo từ một thời điểm vô hạn đã thấm thía cái giá phải trả cho Độc lập- Tự do, đã muốn tôn cao hơn vẻ đẹp của những hy sinh cao cả, vẻ đẹp của một thế hệ trẻ Việt Nam.

Đọc và tìm hiểu “Anh đã yêu như vậy” của Nguyễn Trọng Tạo, ta muôn ngàn lần cảm ơn tác giả bài thơ đã cho người đọc hiểu rõ về bức chân dung của người lính nơi biên cương hải đảo.

Sài Gòn, 12h, ngày 18/6/2011

Một bình luận

  1. Bài thơ ni thật hay.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: