TÙY BÚT NHỮNG TRĂN TRỞ MÙA XUÂN


Tùy bút của VÕ KHẮC NGHIÊM

Sau một năm làm ăn vất vả, nhọc nhằn, mọi người náo nức chào đón mùa xuân, bất kể giàu nghèo đều chúc tụng nhau những lời tốt đẹp nhất. Thiên nhiên dành cho mùa xuân sự ưu ái đặc biệt, truyền thêm năng lượng cho muôn loài để cây cối đâm chồi nảy lộc, nở hoa, khoe sắc; để con người xích lại gần nhau hơn, đồng cảm với nhau hơn, tha thứ nhiều hơn, nhân hậu nhiều hơn trong từng suy nghĩ, từng việc làm với mong muốn năm mới có nhiều may mắn. Sau những bữa cơm đầm ấm của ngày tết đoàn tụ gia đình, dù không ai muốn nhắc đến những nỗi buồn vừa trải qua năm cũ đầy khốc liệt thì mỗi người đều cảm nhận được những trăn trở của cả dân tộc trước chặng đường mới đầy gian nan khi mà tình hình thế giới đang biến động phức tạp, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang tác động dữ dội vào mọi quốc gia, Việt Nam ta sẽ thế nào?

MÙA XUÂN, XIN ĐỪNG CHE KHUẤT NHAU

Sáng đầu xuân tôi may mắn gặp nhà thơ Hải Như – người có hàng chục bài thơ nổi tiếng về Bác Hồ. Dù đã bước vào tuổi 90 ông vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn, vừa bay từ Sài Gòn ra vì “nhớ cái rét Hà Nội”. Nghe tôi hỏi: “Mùa xuân này ông trăn trở điều gì?”.nhà thơ Hải Như nhíu mày, cười, đọc ngay 4 câu thơ:

“ – Bác Hồ đứng

người sau không bị khuất

Ta đừng thường quên

che lấp … bạn mình”.

Sợ tôi chưa hiểu, ông giải thích:-Từ ngày làm chủ tịch nước, mùa xuân nào Bác Hồ cũng trăn trở nhiều đêm để có thơ chúc tết đồng bào, để lo cho dân giàu, nước mạnh. Ngay từ mùa xuân đầu thành lập nước Bác Hồ trăn trở thâu đêm tìm mọi kế sách để “Chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm… nhưng chưa bao giờ Người che khuất ai, chưa bao giờ Người chắn lối ai… Lúc nào tấm lòng Bác cũng mở rộng.

Tôi biết, có người thích phong Thánh Bác hồ, còn Hải Như luôn tìm thấy ở Bác sự bình dị sâu sắc mà ai cũng có thể học được. Ông đặt Bác vào giữa lòng nhân dân. Bốn câu thơ của Hải Như gợi mở cho tôi nhiều điều mới mẻ về hiện tình của đất nước mà xin hãy bắt đầu bằng cái thế đứng của quốc gia, của mỗi con người, đứng sao cho vững bằng đôi chân của mình, đừng cố nhón lên thật cao, che khuất mọi người.

Ngừng lại nhấp một ngụm bia, nhà thơ lão thành bỗng nhớ đến những chiều đông, xếp hàng uống bia hơi sau những trận bom B52 để điểm mặt bạn bè xem “ai còn, ai mất’, ông trầm ngâm: – Nói gì thì cũng phải biết thừa nhận… mùa xuân năm nay rét sớm, các em gái Hà Nội tha hồ ăn diện đẹp. Nhiều người xài hàng hiệu, sang chẳng kém gì Paris. Dường như mọi nhà không quá bận tâm vào cái ăn, cái mặc ngày tết vì cuộc sống thường nhật đã no đủ. Dù phân hóa giàu – nghèo lớn hơn, nhưng người nghèo đã giảm rất nhiều. Nhìn toàn xã hội thì có nhiều sự rất đáng mừng. Nhưng cũng còn không ít nhiều đáng lo. Lo nhất là đạo lý suy đồi, tham nhũng như bệnh dịch tràn lan, làm mất niềm tin mà suy cho cùng là cái chỗ đứng, cái thế đứng của mỗi con người. Sao cứ thích đứng cao, ngồi ghế cao, che khuất cả bạn mình. Suy rộng ra là lấy hết của mọi người. Chỉ tay về những luống hoa đang nở rộ, Hải Như hạ giọng: – Anh thấy không, có hàng vạn loài hoa đua nhau khoe sắc giữa mùa xuân, mỗi hoa một vẻ đẹp, có hoa nào che lấp nổi hoa nào đâu. Mà có muốn che lấp cũng không thể được. Con người cũng như cây cối, biết tự vươn lên đón ánh nắng mặt trời. Quy luật của cuộc sống dạy chúng ta phải biết điều trong mọi sự. Chức càng cao sự biết điều càng phải lớn, phải biết tôn trọng mọi trí tuệ và vẻ đẹp của mọi người và phải biết lắng nghe cả những tiếng thở dài của nhân dânvà của cả thiên nhiên.

Tôi hỏi: – Ở tuổi 90, mùa xuân này ông ước điều gì? Một điều thôi!

Hải Như lặng im hồi lâu rồi ngửa mặt độc thoại:

– Ước gì một mùa xuân không có tham nhũng, bắt đầu bằng một cuộc vận động “không quà tết”. Nước ta đã từng thành công với “Tết không nổ pháo”. Sao cứ để cho “quà tết” biến tướng thành thứ “hối lộ hợp pháp” mãi vậy?

MÙA XUÂN BIẾT SỢ

Hẳn không có một vị thánh thần nào cho ta phép màu để diệt hết ngay tham nhũng, nhưng điều ước của nhà thơ Hải Như đúng là mong muốn của toàn dân Việt Nam khi bước vào mùa xuân Quý Tỵ. Tham nhũng nói nôm na là ăn cắp, ăn cướp một cách hợp pháp, ở quốc gia nào cũng có, thời nào cũng có mà khi luật pháp không nghiêm minh, đạo đức suy đồi thì nó biến thành thứ dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm.Cơ chế thị trường khuyến khích cạnh tranh lành mạnh,nhưng cũng là khuyến khich tham nhũng lúc không lành mạnh. Có tham nhũng lớn, tham nhũng vặt, tập trung vào những nhóm người có chức có quyền liên quan đến tài chính, kinh tế, đến đời sống của nhân dân. Nước ta đang chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường, đang từ nước chậm phát triển tiến lên nước phát triển, luật pháp chưa hoàn thiện, còn nhiều kẽ hở, cuộc sống khó khăn, lương quá thấp, dẫn đến những tiêu cực “để tồn tại”. Có khi chỉ vì lo tết cho gia đình mà nhiều người phải “nhắm mắt” nhận những khoản “quà tết” hậu hĩnh mà làm sai. Vì thương nhân viên mà nhiều giám đốc cũng quay mặt làm ngơ. Thậm chí còn “bầy vẽ” cho nhân viên gây phiền hà, khai khống “coi như thưởng tết”… Lâu dần thành thói quen mà “tham nhũng lương thiện” nhất là giờ giác, để làm thêm “chân trong chân ngoài. “

Cô bạn tôi là một bác sĩ sinh trưởng trong một gia đình sùng đạo, vốn thật thà, ngay thẳng, không dám nghĩ đến điều xấu, không dám làm bất cứ việc gì khiến người khác phải phiền lòng. Vậy mà chỉ vài năm về một bệnh viện đã biến thành một con người khác hẳn. Túi xách lúc nào cũng chật cứng phong bì. Nàng thở dài, tâm sự: “Nhiều lúc cũng thấy xấu hổ lắm! Nhưng mình không nhận cũng không được, thậm chí bị đào thải ngay. Thời buổi này muốn sống tử tế, lương thiện cũng khó lắm thay”.

Cuộc chiến chống tham nhũng ở nước cũng phức tạp, gian truân. Nhiều vụ án tham nhũng lớn ở Pháp, Mỹ, Úc… xét xử kéo dài cả chục năm không xong vì thiếu chứng cứ. Có mấy ai nhận tiền tham nhũng mà ký tên hay để lộ dấu vết đâu. Đừng quá hy vọng vào sự trừng trị của pháp luật với loại tội danh được người xưa gọi là “cướp ngày”. Mấy anh bạn Việt kiều ở Mỹ, ở Pháp về quê ăn tết nói với tôi rằng: “Chống tham nhũng đang trở thành một cuộc cách mạng mới của toàn cầu chứ không riêng gì ở Việt Nam. Có điều với nước ta tham nhũng vặt nhiều bắt nguồn từ chế độ tiền lương quá thấp, nếu không dũng cảm xây dựng chế độ trả lương thật khoa học, hợp lý thì rất khó chống. Còn với tham nhũng lớn thì không quá khó nếu phẩm chất cán bộ lãnh đạo thực chất tốt, luật pháp chặt chẽ, nghiêm minh. Ở các nước phát triển việc truy tố Tổng thống, Thủ tướng liên quan đến tham nhũng là điều rất bình thường. Ở nước ta, rất nhiều dự án, công trình lớn, ai cũng biết là có tham nhũng mà không thể điều tra ra những vị tai to mặt lớn có liên quan vì họ giỏi che chắn hay các cơ quan luật pháp còn e ngại, sợ sệt động chạm?

Quốc hội vừa thông qua luật phòng chống tham nhũng và Đảng cũng đã thành lập Ban phòng chống tham nhũng với một vị trưởng ban được coi là “dám nói, dám làm”. Cuộc vận động “tự phê bình và phê bình” đang được triển khai rộng kháp với nhiều cách làm thiết thực… Nhưng xem ra việc “Công khai khuyết điểm”, “Công khai tài sản” vẫn mang hình thức chiếu lệ như những bông hoa cắm ngày tết cho đẹp mắt chứ chưa thực sự “đào tận gốc loài cỏ độc”.

Tham nhũng đang trở thành “quốc nạn” thật đáng sợ, nhưng sao người ta cứ nhắm mắt lao vào những góc tối kiếm chác như một thói quen vui thú?

Sự quyết liệt của toàn đảng, toàn dân Việt Nam trong công cuộc phòng chống tham nhũng chỉ mới bắt đầu như những tín hiệu tốt đẹp của mùa xuân mới, chúng ta có quyền hy vọng. Dù sao, mùa xuân này nhiều quan tham đã bắt đầu biết sợ, đã phải trằn trọc tự chiêm nghiệm lại mình, tự lục vấn lương tâm và tội trạng của mình để dừng lại trước khi lao tiếp xuống vực sâu.

TĂNG TRƯỞNG VÀ HIỆU QUẢ

Một chuyên gia kinh tế Pháp tỏ ra hiểu biết khá sâu sắc về tình hình Việt Nam có cách nhìn khá thực tiễn nói : – Năm 2012 là một năm khốc liệt của kinh tế toàn cầu. Nhiều nước phát triển phải điêu đứng, nợ công tăng vọt khiến một nước như Italia còn oằn lưng, Việt Nam đạt mức tăng trưởng đến 5,03% và lạm phát ở mức dưới 7% có thể coi là một thành công đáng ghi nhận. Sau nhiều năm tăng trưởng cao vọt, Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia Châu Á phải chấp nhận mức tăng trưởng hợp lý.(Năm2013 dự kiên 6-7%). Với thế giới tăng trưởng 5% đã là cao.

Năm qua Việt Nam xuất khẩu khá thành công, tăng 18%, trong đó có xuất khẩu gạo đạt mức kỷ lục gần7, 7 triệu tấn, giảm được nhập siêu. Nhưng cần phải bàn kỹ hơn về hiệu quả của xuất khẩu – nhất là những mặt hàng mang tính lắp ghép gia công phải nhập hầu hết nguyên liệu của nước ngoài – thực chất là xuất khẩu họ cho họ, Việt Nam chỉ thu được khoảng 20-30%, chủ yếu là tạo được việc làm thôi. Với xuất khẩu gạo cũng vậy, giá gạo phẩm cấp cao của Việt Nam vẫn thấp hơn giá gạo Thái Lan 100USD/tấn, thậm chí thấp hơn cả Ấn Độ đến 20USD/tấn.

Thái Lan là nước đã cho tăng giá thu mua gạo của nông dân lên từ 20-30%. Họ không chịu hạ giá xuất khẩu, trong khi Việt Nam lại chủ động hạ giá đầu năm, cuối năm lên giá, nông dân bị thiệt, hiệu quả xuất khẩu lại thấp nên Nhà nước cũng thiệt, chỉ được mỗi cái xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới thôi. Bộ phim tài liệu “Đất giàu mà dân nghèo”chính vì những mục tiêu mang tính hình thưc,không hiệu quả dẫn đến nhiều hệ luy nặng nề như nợ xấu khổng lồ,bất động sản đóng băng….

Chính phủ đã có nhiều biện pháp xử lý nợ xấu, giảm lãi suất cho vay để cứu các doanh nghiệp, nhưng việc cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước chưa đem lại hiệu quả.Năm qua có trên 55.000 doanh nghiệp phá sản , đã có ngay 65000 doanh nghiệp mới hình thành từ mùa xuân này. Nhưng dường như ngành Tài chính – Ngân hàng vẫn còn lúng túng, quá bận tâm đến bề nổi, đến thị trường vàng, ngoại tệ mà quên mất phải làm gì để đồng vốn thực sự tác động vào sản xuất đang bị “khô hạn” nặng đáng để chúng ta suy ngẫm . Vì sao đất giàu mà dân cứ nghèo là câu hỏi cần phải có cách giải thông minh hơn,khoa học hơn đồng bộ hơn.

Ngành ngân hàng lấy làm hãnh diện vì đã giảm được lãi suất, quản lý vàng miếng chặt chẽ mà chẳng hề biết xấu hổ về những khoản nợ xấu khổng lồ đã làm hại nền kinh tế quá lớn. Nợ xấu trước đây được gọi là “nợ khó đòi”. Ai dám bảo đảm đòi được hết nợ xấu thì nên phong thánh. Đó là ý kiến của một chuyên gia lâu năm của ngành ngân hàng. Ông này nói tiếp: – Tội để nợ xấu nghiêm trọng cũng cần bị xử lý như tham nhũng. Nhưng chăng quy trach nhiệm cho ai được.

Trong tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đừng quá hi vọng vào sự đầu tư của nước ngoài sẽ chớp thời cơ đến “thay thế” chỗ đứng của các doanh nghiệp Việt Nam bị phá sản khi mà sức tiêu thụ của người Việt Nam cũng đang giảm sút nghiêm trọng.Nhiều quốc gia phát triển đang kêu gọi “thắt lưng buộc bụng” vì họ đã quá dư thừa vật chất. Với người Việt Nam, tiện nghi sinh hoạt còn rất đơn sơ, việc kích cầu giống như khơi dòng chảy tự thân để lấy tiêu thụ nội địa làm quốc sách ngang với xuất khẩu.Cuộc vận động: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang có tác động mạnh mẽ từ người tiêu dùng đến nhà sản xuất. Hơn 70% người Việt Nam khẳng định thích dùng hàng Việt Nam. Có rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã được bán rộng rãi hơn tại trong nước, dù giá cao nhưng người tiêu dùng có thể tự hào so sánh chẳng kém gì hàng nhập ngoại.

Điều quan trọng là ý thức của một bộ phận người Việt Nam nghèo nhưng lại thích xài sang. Có rất nhiều hàng cao cấp, xa xỉ phẩm đã được nhập khẩu quá dễ dàng tạo cho lớp trẻ sự đua đòi quá quắt, thậm chí có kẻ đã đi ăn cướp chỉ để mua một chiếc điện thoại sành điệu. Sao không cấm nhập khẩu những thứ Việt Nam đã sản xuất tốt?

Năm Quý Tỵ 2013, dù tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa sáng sủa hơn thì với vị thế mới của Việt Nam, sức tăng trưởng vẫn được các tổ chức quốc tế nhận định có thể đạt từ 5,5% trở lên và hy vọng chỉ số tiêu dùng sẽ tiếp tục giảm.Mong sao hiệu quả kinh tế phải cao hơn năm cũ.

HÃY CÔNG KHAI KHUYẾT ĐIỂM

Chúng ta đã phải trả giá đắt cho những sai lầm trong quản lý đất đai, phát triển bất động sản , phát triển ngân hàng… Bài học khủng hoảng tài chính từ Hoa Kỳ mấy năm trước đã không thức tỉnh được các nhà điều hành hay vì cái gọi là “nhóm lợi ích” mà họ cố tình buông lỏng? Điều này lịch sử sẽ có lời phán xét công bằng nhưng rõ ràng “nợ xấu” đang làm cho mùa xuân năm nay kém đi sự tươi sáng. Những nỗ lực của Chính phủ đã bước đầu có hiệu quả bình ổn thị trường, khôi phục sức sống cho một số doanh nghiệp lớn, nhưng rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn mong đợi những giọt mưa xuân của các ngân hàng mà xem ra vẫn mịt mờ lắm !

Có hàng vạn giám đốc trăn trở suốt đêm xuân để lo giữ thợ, lo thêm việc làm, chạy vạy khắp nơi để có đủ tiền lương cho công nhân ăn tết mà dường như các ông chủ ngân hàng chẳng mấy bận tâm? Sự vô cảm, chai lỳ của nhiều cán bộ công chức đang làm cho sắc xuân trở nên khô cằn, con người trở nên tệ bạc thì có nền kinh tế nào phát triển mạnh mẽ được.

Ông Đại tá về hưu ở cạnh nhà tôi dạo này thường dậy sớm tập thể dục, đi bộ lên tận Lăng Bắc. Dường như ông muốn chuyện trò với Bác cho thanh thản tâm hồn. Hỏi ông :- “Mùa xuân này trăn trở điều gì ?”, ông vuốt râu, khề khà : – Cuộc vận động “Tự phê bình và phê bình” dù rầm rộ, quyết liệt vẫn mang tính hình thức, chưa thể thuyết phục được đông đảo nhân dân vì “cán bộ nói thì hay lắm, nhưng mùa xuân qua đi, hội họp kiểm điểm xong rồi, mọi việc lại “vẫn như cũ”. Việc “công khai khuyết điểm” của mấy ông cán bộ phường “tham nhũng đã bị lộ” chỉ làm vui lòng được vài bà nội trợ trong phường chứ chưa thể củng cố được lòng tin của nhân dân. Bác Hồ từng nói : “Người tự biết mình dốt là người thông minh. Người biết tự nhận khuyết điểm để sửa chữa là người luôn tiến bộ”. Công cuộc chỉnh đốn Đảng đã được Tổng Bí thư lần đầu tiên công khai nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân. Chúng ta từng sửa chữa nhiều sai lầm đẻ có được thành công đổi mới như hôm nay, nhưng chảng thấy vị cán bộ cao cấp nào tự nhận mình sai,mình dốt và chẳng thấy ai chịu từ chức, đến một lời xin lỗi nhân dân cũng hà tiện không dám nói. . Họ giỏi ngụy biện đổ lỗi cho khách quan, cho người tiền nhiêm, cho cấp dưới.Họ cao giọng phê phán – thực chất là nhón chân, tự đề cao mình. Người có phẩm chất, có lương tâm, cần gì phải lấy phiếu tín nhiệm. Thế kỷ 21 rồi mà ta còn bàn đến “văn hóa từ chức” thì hơi buồn cười.

Hồi còn cầm súng, tôi nhớ có nhà thơ viết thế này: “…Một lời trách móc, một ngày xót xa. Một đêm thở dài, trằn trọc nát nhầu chiếu hoa”. Ấy là người ta nói một cô bán hàng thời bao cấp. Bây giờ… đơn từ chất đống, bao lời trách móc… chẳng ai trăn trở, trằn trọc sao ?

Chống tham nhũng là cuộc chiến đầy gian truân, không thể nôn nóng, không thể vạch mặt chỉ tên dễ dàng. Nhưng chống lãng phí thì đâu có khó, xin hãy bắt đầu từ nhưng lãng phi giờ giấc, hội họp, ăn uống, mua sắm, lễ hội… cũng có thể xóa đói, giảm nghèo cho rất nhiều người…

Nghe nhiều chuyện to lớn, tôi lại nhớ việc nhỏ của Bác Hồ trong mấy câu thơ của Hải Như. Xin hãy xuất hành mùa xuân năm nay trong thế đi, thế đứng của mỗi con người, sao cho thật tử tế, thật nhân ái, công bằng, xin đừng cố nhón chân cao, che khuất hết mọi người./.

Hà Nội, xuân Quý Tỵ 2013

VKN

Bình luận về bài viết này