LÊ ĐÌNH CHINH, TÔI ĐÃ GẶP ANH


Liệt sĩ Lê Đình Chinh

NTT: Sáng 6.1.2013, hài cốt của Anh hùng Liệt sĩ Lê Đình Chinh đã được đưa từ biên giới phía bắc về an táng tại quê hương Thanh Hóa, sau 35 năm nằm xuống khi đang chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược. Nhân dịp này, NTT xin đưa lại entry từ tháng 2.2012:

NTT: Tháng 8.1978 tôi cùng nhà văn Khuất Quang Thụy từ Hà Nội đi lên biên giới Lao Cai, nơi lính Trung Quốc thường xuyên lấn chiếm các cột mốc biên giới Việt- Trung, thì nghe tin thượng sĩ Lê Đình Chinh đã hi sinh anh dũng ở biên giới Lạng Sơn đúng ngày sinh nhật của tôi: 25/8. Gương hi sinh anh dũng của Chinh khiến tôi vô cùng xúc động, liền viết một bài thơ gửi về báo Quân Đội Nhân Dân. Bài thơ ấy được đăng số nào tôi cũng không rõ. Mãi tới sáng nay, Mai Thanh Hải gọi điện cho tôi nói vừa tìm được bài thơ đó của tôi in trong tập sách “Lê Đình Chinh – Con người và cuộc sống chiến đấu” (Biên tập: Đặng Chí Thành. Do Nhà Xuất bản Thanh Niên, ấn hành tháng 12/1978). Tôi rất bất ngờ, bởi chính tôi cũng không còn nhớ bài thơ ấy nữa.

Khi đọc lại bài thơ, tôi mới nhớ ra là lúc đõ tôi đã nghĩ rằng, khi đất nước bị xâm lăng, thì bất cứ nơi đâu cũng có Lê Đình Chinh đã, đang và sẽ anh dũng bảo vệ Tổ quốc và nhân dân của mình.
Mai lại là ngày 17.2, ngày 33 năm trước tôi và nhà văn Chu Lai cùng mang ba lô đi lên mặt trận Cao Bằng sau khi cuộc chiến tranh biên giới phía bắc vừa nổ ra còn nóng bỏng lửa đạn và chết chóc. Nhớ lại vô vàn sự hi sinh của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh “chống bành trướng Bắc Kinh” đó, tôi xin đăng lại bài thơ này, và cám ơn Mai Thanh Hải đã đưa bài thơ này lên blog của anh sáng nay.
Bìa cuốn sách “Lê Đình Chinh – Con người và cuộc sống chiến đấu”
NGUYỄN TRỌNG TẠO

LÊ ĐÌNH CHINH, TÔI ĐÃ GẶP ANH

Hình như tôi đã gặp anh
buổi sớm đồng quê bình minh trong mát
Nông trường Sông Âm say mê khúc hát
tuổi lên đường màu áo lá tươi nguyên
người lính trẻ nói tình yêu Tổ quốc
bằng sự ra đi tự nguyện của mình

Hình như tôi đã gặp anh
bình minh rừng – mắt lá nhìn cảnh giác
vai áo xước qua đêm truy kích giặc
đường tuần tra biên giới phía Tây nam
người lính trẻ nói tình yêu Tổ quốc:
Trước mũi súng của mình
                                  cúi mặt những tù binh !

Hình như tôi đã gặp anh
đêm đơn vị hành quân lên phương Bắc
chuyện anh kể ngắn dần con đường dốc
nghe dập dồn vó ngựa thuở Quang Trung
người lính trẻ nói tình yêu Tổ quốc
bằng tình yêu từng trang sử anh hùng

Lê Đình Chinh
khi tôi biết tên anh, tôi tìm đến
chỉ gặp đồng đội của anh bồng súng chào nén lặng
trước nấm mộ biên thùy cỏ đắp còn tươi
tuổi hai mươi! Anh đem tuổi hai mươi
chặn lũ giặc điên cuồng qua biên giới
anh ngã xuống – hạt gieo vào đất ấy
hóa cây rừng xanh mãi tuổi hai mươi…

Tôi đi dọc rừng cây
                          đi dọc đất đai mình
đâu cũng gặp những người đi giữ nước
những người nói tình yêu Tổ quốc
như là đang trò chuyện cùng tôi!. 

1978

Bên thi hài Ls Lê Đình Chinh

15 bình luận

  1. có những người sinh ra….đã Bất tử…..Nhân dân -Tổ quốc không bao giờ Quên Anh…..

  2. Bác Tạo ơi, Có phải Lê Đình Chinh bị giặc Tàu ném đá vào đầu rồi dùng kiếm chém không bác? Sao lúc đó mình và Tàu đều ko chiến đấu bằng súng hả bác?
    Em ở gần nhà Lê Đình Chinh ( Nông trường Sông Âm- Thanh Hóa), ở quê em đồn là Lê Đình Chinh trên đường trả phép thì ghé đơn vị bạn chơi và gặp bọn Trung Quốc xông tới, rồi hai bên đánh nhau….

    • Le dinh Chnh d9úng là bị giết như vậy đó nhưng bây giờ nhà nước cấm không cho noi là TQ xâm lược giết mà là bị bọn côn đồ giết hại

  3. Quá căm thù quân Trung quốc xâm lược. Chúng ta ghi sâu mối thù này và nhắc con cháu chúng ta phải luôn ghi nhớ: Trung quốc là kẻ thù truyền kiếp của nhân dân Việt nam.

  4. Chắc Lê Đình Chinh ơn đảng,ơn chính phủ lúc này…lắm!

  5. Người Liệt sĩ ấy đã hai lần hi sinh.
    34 năm trước anh hi sinh vì chống quân xâm lược.
    Hôm nay, anh hi sinh thêm lần nữa vi bàn tay của bọn côn đồ!?

  6. Người Liệt sỹ – Anh hùng Lê Đình Chinh đang bị báo Dân Trí online ném đá, hy sinh lại lần nữa như ngày xưa bọn xâm lược Trung Quốc ném đá rồi dùng mã tấu chém chết. Báo này gọi bọn chém chết thượng sỹ Lê Đình Chinh là “lũ côn đồ bên kia biên giới” vì họ có thể nghĩ giùm ai đó vì mười sáu chữ cùm vàng và đúng logich: Chỉ có cầm súng mới gọi là xâm lược, còn ném đá, dùng mã tấu chỉ là côn đồ như lũ côn đồ đã lôi xềnh xệch, đá vào người yêu nước biểu tình chống Trung Quốc gây hấn Biển Đông lên xe buýt ở Hà Nội chăng? chỉ có Thanh Niên online là dũng cảm viết thẳng căng: “quân xâm lược Trung Quốc” khi đưa tin về Lễ di chuyển hài cốt Lê Đình Chinh từ NTLS Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn) về NTLS Hàm Rồng (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) quê hương anh

  7. Thanh niên thời đó thật trong sáng, vô tư và rất anh hùng. Thật cảm phục tấm gương hi sinh anh dũng của liệt sĩ Lê Đình Chinh giữa tuổi đời còn quá trẻ. 18 tuổi xuân và tôi tin anh sẽ là một vị Thánh anh hùng. Thanks very very good.

  8. Vâng, tôi cũng là một người lính cũ. Không ai muốn hy sinh rồi được truy phong Anh hùng hay phong Thánh cả. Lê Đình Chinh là tượng đài đầu tiên trong cuộc chống giặc xâm lược phương Bắc sau 200 trăm năm kể từ Nguyễn Huệ Quang Trung. Tổ Quốc nên dựng tượng Anh

  9. Ngày bé cháu nghe các anh lớn tuổi hơn hát bài “Dậy mau đi” tố cáo quân xâm lược bành trướng dã man thế này;”Dậy mau đi hãy dậy mau đi,dậy mau đi hỡi đồng bào ơi,thằng trung quốc nó sang Việt Nam cầm dao díp giết Lê Đình Chinh,Lê Đình Chinh đứt dây thần kinh”

  10. Đừng đưa ra những phản hồi như vậy, cháu ạ. Không thần thánh hóa, nhưng cũng không nên vì những trò đồng dao xuyên tạc, tưởng chừng vô hại đó mà làm tổn thương vong linh người đã khuất. Những câu đồng dao ác ý đó đã gieo rắc vào tâm hồn còn non bấy của các cháu những nhận thức mơ hồ, lệch lạc. Nếu là người Việt, hay có là taukhua đi chăng nữa thì vẫn còn một góc yêu, nơi mình đã sinh ra và đã sống. Nếu cháu là người mang dòng máu Trung Hoa, chú không ghét. Chú yêu Đỗ Phủ, Lý Bạch, Lỗ Tấn, yêu Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy Hử, Tây du ký, …, yêu văn hóa Trung Hoa, nhân dân Trung Hoa. Chú cũng được học tiếng Hán từ ngày còn học cấp 3. Nhưng những nhà cầm quyền Trung Hoa thời nào cũng thế, luôn luôn muốn đô hộ dân tộc Việt, muốn dải đất hình chữ S này chỉ là một quận như quận Giao Chỉ thời Hán, Đường. Do vậy, họ luôn gây hấn, đã hơn hai ngàn năm qua. Vậy cái chết của Lê Đình Chinh là cái chết có thật trong chiến đấu, là người Anh hùng đã hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc.
    Chú hy vọng những phản hồi hay từ cháu

  11. Hãy nghe lại ca khúc “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh”!

    http://nhacso.net/nghe-nhac/chung-toi-la-dong-doi-cua-le-dinh-chinh.V15YUUBc.html

  12. Quả tình tôi không hiểu, là tại sao đ/c Lê Đình Chinh bị bọn “côn đồ” giết hại lại được phong là anh hùng liệt sĩ hả các bác? Nhà nước ta nhầm chăng? Ôi, Chinh ơi. Anh và đồng đội xin được khóc em thêm lần nữa để vong linh em đỡ tủi.

Bình luận về bài viết này