NOBEL VĂN CHƯƠNG DÀNH CHO MẠC NGÔN?


TRẦN THỊ PHƯƠNG HOA

Mạc Ngôn trả lời nhà báo
Mạc Ngôn trả lời nhà báo

Nhân cơ hội người ta đang say sưa bàn tán về Mạc Ngôn, nhà văn Trung Quốc vừa đoạt giải Nobel văn chương 2012, tôi cũng bon chen viết vài dòng cảm nhận khi đọc tác giả này, từ góc độ của một người đọc văn, một người phụ nữ đọc văn.

Trên một trang mạng tôi có chia sẻ “Giải Nobel văn chương 2012 là một giải Nobel lấy thịt đè người”, có vẻ như không được mấy ai tán đồng vì trong suy nghĩ chung, Viện Hàn lâm Thuỵ Điển mà đã trao giải thì phải xứng đáng rồi, còn lăn tăn nỗi gì. Giải đã được trao cho một nhà văn, cũng như vương miện hoa hậu đã được đặt lên đầu một cô hoa hậu. Hội đồng chấm giải hẳn đã làm việc hết sức mình. Tuy nhiên, người ta vẫn có thể bình phẩm về sự thích hoặc không thích, tâm đắc hoặc không tâm đắc, say sưa hoặc không say sưa với cái đẹp của văn chương đó hoặc của cô hoa hậu đó.

Bản thân Mạc Ngôn nhận định giải Nobel được trao cho ông là vì ông đã viết về cuộc sống của người Trung Quốc. Trung Quốc là một đất nước rộng lớn với nền văn hoá đa dạng, trong đó Sơn Đông, nằm ở hạ lưu sông Hoàng Hà, quê hương Mạc Ngôn, cũng là quê Khổng Tử, là một trong những cái nôi của văn minh Trung Hoa. Văn hoá và con người vùng này khác hẳn với văn hoá và con người ở vùng phía nam Trung Quốc. “Cao lương đỏ” với những cánh đồng cao lương tít tắp (là chất liệu làm món bánh bao, mì vằn thắn) và những người nông dân cao lớn, lực lưỡng, ăn to nói lớn là hình ảnh điển hình ở đây, khác hẳn với hình ảnh ruộng lúa nước êm đềm với những con người có vóc dáng nhỏ nhắn ở miền nam. Mạc Ngôn có ưu thế khi được sinh ra và lớn lên ở cái gốc của văn minh Trung Hoa.

Mạc Ngôn đã mang toàn bộ sự vạm vỡ của văn hoá Sơn Đông vào các tác phẩm của mình. Thầm nghĩ, nếu không viết văn mà làm nông, hẳn mỗi ngày Mạc Ngôn phải cày được đến 5 sào ruộng hoặc chẻ được đến hàng mét khối củi. Với sức mạnh của mình, Mạc Ngôn đã cuốn người đọc vào dòng thác lũ của ngôn ngữ và hình tượng. Người ta bị cuốn đi mà không có cơ hội nghĩ ngợi phân vân vì người ta bị đặt vào những tình huống bạo liệt của sự sống và cái chết. Tình huống mở đầu cho “Báu vật của đời” là bối cảnh đầy kịch tính. Một người đàn bà Trung Hoa và một con lừa sinh nở trong cảnh chạy giặc. Người ta thì chạy thoát thân còn người đàn bà sinh nở thì chỉ có một cách duy nhất là nằm lại để…đẻ. Không có gì quan trọng hơn đối với người đàn bà ở giây phút sinh tử này cho bằng thấy được đứa con chào đời. Cái chết cũng chẳng còn mấy giá trị. Mạc Ngôn đã ra đòn phủ đầu thật ấn tượng, tiếng người la hét, hoảng loạn, tiếng chân chạy, tiếng súc vật, cứ như cả một dàn thanh la chũm choẹ đang cùng lên tiếng phụ hoạ cho cảnh máu me. Những cảnh loạn lạc, cảnh sát sinh, hỗn chiến, ngoại tình được lặp lại rất nhiều và mạnh bạo, dữ dằn, đôi khi thô lỗ, tục tĩu trong tác phẩm của Mạc Ngôn.

Mở đầu tác phẩm đã là một cao trào rồi thì phần tiếp sau lại trở nên trùng lặp, tẻ nhạt, mặc dù Mạc Ngôn luôn giữ được giọng văn mạnh mẽ, dữ dội. Đó là sự dữ dội của câu chữ, hình ảnh. Không có sự tinh tế của tư duy, tình cảm, sự chuyển biến của tâm lý, sự phức tạp của những mối quan hệ, sự sâu sắc của tri thức. Không có ưu tư và trăn trở, lòng trắc ẩn chỉ là sự xa xỉ. Trong “Báu vật của đời” Mạc Ngôn lần lượt kể về “nguồn gốc”  ra đời 8 cô con gái của một người đàn bà Trung Hoa có chồng bị bệnh bất lực và câu chuyện liên quan đến những cô gái và người con trai duy nhất của bà ta. Xem ra, nếu Mạc Ngôn gán cho bà ta 12 đứa con gái thì có lẽ bố cục truyện cũng chẳng có gì thay đổi, chỉ có số chương sẽ tăng thêm mà thôi. Có lẽ, hình ảnh những người đàn bà Trung Quốc dữ dội và không bao giờ mãn nguyện là thông điệp quan trọng trong tác phẩm của Mạc Ngôn.

Đặc biệt, Mạc Ngôn có tiểu thuyết “Ma chiến hữu” khiến nhiều người Việt Nam phải trải nghiệm những cung bậc cảm xúc phức tạp từ giận dữ tới không hài lòng  (Xem Nguyễn Khoa Điềm, Vũ Xuân Tửu, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Hưng Quốc,…). Mạc Ngôn đã “chuyển địa bàn sáng tác” từ vùng  Sơn Đông xuống miền nam Trung Quốc, vốn không phải là lãnh địa ưu thế của ông. Mặc dù không một chữ Việt Nam nào được nhắc đến trong tiểu thuyết này nhưng người Việt Nam nào khi đọc cũng nhận thấy Mạc Ngôn đang ám chỉ đến nỗi đau của dân tộc mình với một giọng văn “bảo kê” cho hình ảnh “người anh hùng” Trung Quốc trong chiến tranh biên giới. Chiến tranh là để giải quyết xung đột. Khi mà những giận dữ bực bội vẫn chưa được giải toả thì vẫn còn tiềm ẩn xung đột. Lại nhớ cách đây vài năm, người Trung Quốc vật mình vật mẩy vì sách giáo khoa Nhật xưng tụng tướng lĩnh và binh sĩ Nhật trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật như những anh hùng. Đại học Harvard  Mỹ phải đứng ra tổ chức  toạ đàm giữa các trí thức, đặc biệt là các nhà sử học Nhật, Hàn, Trung Quốc với mục tiêu hoà giải căng thẳng và tăng cường sự cảm thông, thấu hiểu giữa ba đất nước Đông Á này. Chẳng hiểu với cái nhìn về “người hùng” Trung Quốc trong chiến tranh biên giới của Mạc Ngôn, có ai đứng ra xoa dịu  nỗi đau cho người Việt hay không.

Bình luận về bài viết này