GẶP TRĂNG VÀ HỒN TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ


NGUYỄN XUÂN PHƯỚC

Mộ Hàn Mặc Tử

Mộ Hàn Mặc Tử

Tuy mới đi qua hơn Một phần tư cuộc đời, từ khi hớn hở ôm nỗi khổ đam mê văn chương, hậu sinh, nên tôi được hưởng trọn dòng Thơ mới cho đến hôm nay. Thơ Hàn Mặc Tử đã làm choáng váng nhận thức và luôn ngự trị trong tôi. Dường như tôi hòa tan trong thơ của Hàn để cảm nhận cuộc đời tài hoa, biết bao đau đớn, khao khát và cô đơn vì căn bệnh nan y lúc bấy giờ.

Tháng Quý Tỵ – Tân Tỵ trời Quy Hòa như đổ lửa, lần đầu tiên tôi đến thăm, viếng mộ Hàn mà cái gai lạnh chạy dọc sống lưng. Tôi nghe thảng thốt trong lòng khi mắt thấy, tai nghe, tay sờ những đồ vật lưu niệm còn lưu lại trên cõi đời này của Hàn. Tôi như thấy phảng phất bóng Hàn lướt dưới những rặng phi lao với ban trưa và mường tượng trong đêm trăng Quy Hòa thanh vắng, với tiếng nỉ non của biển, Trăng sóng soãi trên triền cát, thảm phi lao và Hồn của Hàn chới với trong đam mê và đau khổ, để những người hậu thế – như tôi – vừa thấy Hàn là máu thịt, gần gũi, vừa thấy như xa xăm…

Tôi không tham vọng bình thơ Hàn, vì tôi quá mê đắm thơ Hàn. Có bài thơ của tôi từ thuở tham gia Câu lạc bộ Thơ trường Đại học Văn hóa Hà Nội, được nhà thơ Vũ Quần Phương tạm chấp nhận, thì bài thơ đó viết về Hàn. Đến nỗi, sự ảnh hưởng của thơ Hàn Mạc Tử, sau này tôi không dám ti toe làm thơ nữa, bởi dường như tôi không thoát ra khỏi bàn tay của Hàn và luôn lấp ló sau lưng Hàn.

Giáo sư Hà Minh Đức đã từng viết: “Trong phong trào thơ mới Hàn Mặc Tử là một tài năng lạ. Hôm nay và…ngày mai rồi chúng ta sẽ thấu hiểu thế giới thi ca của tác giả”“Ngày mai” – ở đây đã hơn nửa thế kỷ; nhưng thơ của Hàn Mạc Tử vẵn còn rất nhiều bí ẩn chưa được khám phá, phải đợi đến… tương lai. Mặc dù chúng ta biết rõ thơ Hàn đi từ thơ Đường đến lãng mạng, tượng trưng rồi siêu thực. Có lần nhà thơ đã tự bộc lộ: “Giải nghĩa văn thơ thật là một vấn đề to lớn và phức tạp quá và cứ theo như lối thơ tôi làm đó thì phải giảng giải đến bao nhiêu trang giấy mà rốt cuộc chưa chắc người ta đã hiểu được tí gì”.

Sự thật, thơ Hàn Mạc Tử đã làm bừng sáng và thoát thai những ý nghĩ trầm uất trong tôi, bởi tôi là người hay chìm đắm, say xưa vì tình. Trong những đêm trăng sáng, một mình ngồi giữa lưng chừng trời tôi thả hồn tôi để chiêm nghiệm, mới cảm – trào ra được cuộc sống để đối thoại với Hàn, nghe rõ được hơi thở của Hàn: “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận hờn đến gần đứt sự sống” (Tựa thơ Điên).

Nói đến thơ Hàn Mạc Tử không thể không nhắc đến Trăng và Hồn. Gần như hai nguồn cảm hứng này được trải dài trong lòng thơ. Tôi cứ có cảm giác – mà tôi đã hình dung – trong những đêm trăng, Hàn không bao giờ ngủ. Khi thì ngồi một mình để ngẫm nghĩ “nhân tình thế thái”, trào ra những dòng tư tưởng tiên nghiệm về đời, về mình. Khi lại chạy dưới ánh trăng trong tuyệt cùng đau khổ, cô đơn. Chỉ có ai đặt vào hoàn cảnh ấy mới thấu hiểu được Hàn đã khao khát sự sống đến nhường nào, “Tôi là kết tinh của ánh trăng trong”(Tắm trăng).

Non sông bốn mặt ngủ mơ màng

Thức chỉ mình ta dạ chẳng an

Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối,

Gió thu lọt cửa cọ mài chăn.

(Đêm không ngủ).

Đọc câu thơ mà lạnh toát cả người, rưng rưng, cảm thương dâu bể đến nghẹn lời, một hoán dụ gợi một liên tưởng mạnh, thật là xuất thần. Hay cái nhìn phi tồn tại lại có thật:

Trăng mằm sóng soãi trên cành liễu,

Đợi gió đông về để lả lơi.

(Bẽn lẽn).

Ta thích len vào trong đám lau

Núp chờ trăng xuống để quàng nhau

(Mơ)

Chả vậy, trong tạp bút “Bất chợt về thơ” Nguyễn Trọng Tạo có viết: “Hàn Mặc Tử là nhà thơ tuyệt kỳ độc đáo, chính vì ông đã sáng tạo ra những giấc mơ huyền duyệu thấm đầy nước mắt…

Tôi xin vái cụ Nguyễn Du ba vái để nói rằng, ngôn ngữ thơ Hàn Mặc Tử làm bàng hoàng tư duy thơ ca của tôi… Không phải vì Hàn Mặc Tử sống gần với chúng tôi hơn, mà chính vì Tử đã xây nên một thành trì ngôn ngữ mà thế hệ sau anh không dễ gì phá vỡ”.

Sự giải hóa trăng trong thơ Hàn Mặc Tử là CON NGƯỜI, hơn thế nữa, là một NGƯỜI BẠN của Hàn trong những lúc vui, buồn để tâm tình. Vì vậy Hàn Mặc Tử có những cái nhìn táo bạo, mê mẩn và phi phàm, cho chúng ta đọc cứ lịm cả người: “Trăng chết đuối…”, “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/Có chở trăng về kịp tối nay”, “Khua ánh trăng xanh động khí trời”, “Anh nhìn trăng lỏn lẻn đậu cành cao”, “Hồn như điên, sặc sụa cả mùi trăng”, “Tôi đi dưới áng sương mờ/Tìm con trăng lạc ngoài bờ bến kia”, “Ai mua trăng tôi bán trăng cho”, “Một miệng trăng…”… Người và trăng như hòa tan làm một, thì không ai hiểu Trăng bằng Hàn và chỉ có Trăng mới hiểu hết Hàn mà thôi. Người đã say giấc ngàn thu, còn Trăng ở lại vỗ về:“Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ/Đầy mình lốm đốm những hào quang” (Ngủ với trăng), phải chăng Hàn Mặc Tử đã nhìn ra sự bất tử của chính mình trước phút lâm chung?

Và Hàn có quan niệm thoát xác, thân xác là bất lực trước vạn vật cuộc đời, chỉ có hồn mới tồn tại vĩnh hằng, để được sống: “Tôi không thở bằng phổi nữa, tôi thở bằng hơi thở tinh sạch của hồn tôi, tôi hứng lấy và nhận lấy ở trong hồn muôn ý tứ và muôn thanh sắc của trời mộng xa xưa”.

Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút,

Mỗi hồn thơ đều dính não cân ta

Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt,

Như mê man chết điếng cả làn da

(Rướm máu)

Hồn đâu có thể giải nghĩa, nhưng qua thơ Hàn, chúng ta đã đi đến tận cùng của sự sống, như rót những giọt sống cuối cùng, dâng hiến trọn vẹn. Điều này làm tôi nhớ đến câu nói của Pôn ÊLuya: “Chưa phải lý trí sáng tạo mà lý trí đang xem ta sáng tạo”, vận vào Hàn Mạc Tử hiển hiện chân dung thậm rõ nét, vượt ra ngoài cuộc sống thực tại, quả là trí tưởng tượng mạnh, có lúc Hàn đã “Khạc hồn ra ngoài cửa miệng”, mà vẫn như thấy Hàn bực bội và bất lực không nắm được hồn.

Hồn là ai? Là ai? Tôi chẳng biết

Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi.

(Hồn là ai)

Và Hàn đã đi về chốn hư không đầy mộng ước:

Kéo mền ủ kín toàn thân lại

Để thả hồn bay gửi mộng về.

(Hãy đón hồn anh)

Ta trút linh hồn giữa lúc đây

Gió sầu vô hạn nuối trong cây.

(Trút linh hồn)

Linh hồn Hàn chơi vơi trong không gian vô định, cuộc đời Hàn muốn xây lên bao lâu đài hạnh phúc nguy nga của trí tưởng tượng, song tiếng nói của Hàn rơi vào khoảng không rồi dường như chỉ có Hàn nghe thấy “Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu/Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu” vừa nghèn nghẹn, rưng rưng vừa tủi hận mà đau đớn, làm cho tôi cứ ám ảnh và hình dung như thấy hình bóng Hàn vẫn phiêu du đi trong những đêm trăng sáng cô đơn miên man nghĩ về cuộc đời siêu thoát. Tôi lại nhớ đến Chế Lan Viên đã có lời nhận xét như tiên tri: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử”. Quả đúng vậy, vũ trụ thi ca của Hàn, miền Trăng và Hồn của Hàn luôn hiện hữu bên chúng ta hàng ngày, một thứ mà ta không có, rất quý giá và ở trong ta lại không bao giờ mất…

Quy Hòa/Pleiku

Bình luận về bài viết này