TIỂU THUYẾT NƯỚC MẮT (Chương 5, 6)


ĐÀO THẮNG

Chương năm

Đội tiền trạm ngủ đỗ lại ở một làng phía nam sân bay Vinh. Sáng sớm Tham mưu trưởng Đoàn Cung dẫn cả đội đi trinh sát địa hình. Ông cắp tấm bản đồ Vinh – Bến Thủy bọc trong giấy bóng mới tinh, bước đi oai vệ. Giữa thanh niên bạch nhật Thái mới có điều kiện ngắm kỹ tham mưu trưởng trung đoàn mà theo cách gọi hơi quá lời của Lộc “một cái thùng ô tô đựng rượu và thịt chó”. Da Đoàn Cung hung hung đỏ, màu da bốc men thường thấy ở những người gắn vào mỗi bữa cơm vài chén rượu cuốc lủi khai vị. 

Tham mưu trưởng hay nhìn ngước lên, cố ý khoe vầng trán cao, đôi mày rậm có những sợi to dài hoặc xoăn bắt đầu lốm đốm bạc, đôi mắt to mí mọng như hơi sưng, khi ấy dữ và đầy vẻ thông tuệ, đầy quyền thế. Đoàn Cung cẩn thận trải tấm bản đồ xuống mặt cỏ, ấn khẽ những ngón tay to mập, khuyên một vòng tròn hẹp ở sát đầu phía nam đường băng. Ngón tay đi quá đà, chạy rộng ra, phác một cử chỉ vu vơ. Ông hỏi tốp trinh sát tiểu đoàn năm mới sát nhập vào trung đoàn pháo cao xạ chủ lực của ông, giọng hơi sẵng:

– Tốp các cậu do ai chỉ huy?

Thanh đặt một tay lên ống nhòm, tay kia vuốt đám tóc cho lộ vầng trán khổng lồ:

– Báo cáo Tham mưu trưởng, tiểu đoàn có cử đồng chí Thái A trưởng chỉ huy đại đội tám quản lý hành chính, còn về tác chiến và công việc chuyên môn hoàn toàn dưới quyền ban tham mưu.

– Cậu Thái đâu?- Cung to giọng đưa mắt tìm.

Thanh đập tay vào lưng Thái, mau miệng:

– Dạ đây- Cặp môi cậu ta loe quá cỡ. Người mẫu của chúng tôi đây. Đẹp trai nhất và là một trong số ít người có trình độ văn hóa cao nhất tiểu đoàn.

Giọng Thanh tưng tửng có phần xách mé vì thiếu hẳn thái độ vâng chịu và khúm núm, làm Đoàn Cung khó chịu. Ông nhìn nhanh Thái để nhận mặt, vầng trán hơi cất lên. Cái hất trán ấy hàm một nhận xét của người trên: thử xem cậu có xứng với lời giới thiệu ba hoa của thằng cha miệng vạc dầu kia không!

Thái nhìn lại Cung bằng đôi mắt trầm tĩnh. Đôi mắt to trong sáng và lộ ra những suy tư sâu kín. Đôi mắt ấy cũng nói với Cung: “Cậu ấy quá lời đấy ạ. Nhưng thưa Thủ trưởng, tổ chúng tôi toàn những thằng trẻ tuổi đẹp trai, sản phẩm của mái trường xã hội chủ nghĩa thập kỷ 60, Thủ trưởng nhìn kỹ mà xem”.

– Cậu Thái ở đại đội tám phải không?- Đoàn Cung hỏi với sự tinh ý đặc biệt của con người nhiều năm làm công tác tham mưu.

– Vâng- Thái đáp rắn rỏi.

– Đại đội cậu Lộc hả?

Chữ “cậu” Đoàn Cung ném văng ra khỏi miệng, bổng lên như trọng tài tung quả bóng qua lưới để chọn bên séc vít.

Thái chạm ý nhếch mép cười mỉm. Sau cái cười ấy Đoàn Cung ngầm hiểu rằng trong đầu cậu này dầy rẫy những tư tưởng chiến thuật còn rơi rớt kiểu du kích chiến của thằng cha Lộc. Ông đứng dậy, rung rung hai đùi, cái bụng to đẫy, phưỡn ra phía trước, lắc mạnh. Cánh tay Đoàn Cung đưa lên, khoát rộng về phía nam sân bay.

– Ở khu vực có ba trận địa, tiểu đoàn các cậu cụm vào, tựa lưng nhau mà đánh. Còn Sở chỉ huy tiểu đoàn thì kia – Cung rướn lên chỉ: kề đường tàu, chỗ có mấy bụi tre hoang và đám cây cộng sản ấy.

Đoàn Cung vừa nói dứt lời, Thái hỏi ngay:

– Thưa Tham mưu trưởng, sân bay Vinh máy bay ta còn hạ cánh, cất cánh không ạ?

– Còn. Vẫn có những chuyến lên xuống đột kích về ban đêm.

Thái chộp luôn ý đó:

– Máy bay lên xuống ban đêm, ba trận địa ôm sát đầu đường băng rất nguy hiểm. Không an toàn cho cả máy bay ta và cả cho chúng tôi.

Miệng Đoàn Cung ráo hoảnh:

– Lui ra một chút cũng được! Tôi cho phép.

Thái vẫn hỏi bằng giọng chất vấn:

– Báo cáo Tham mưu trưởng như vậy các đại đội phải cấu trúc trận địa mới!

– Ừ, đúng, phải.

Thái dấn thêm:

– Báo cáo, nghĩa là phải cho một bộ phận đơn vị từ nam Truông Bồn xuống đây trước, làm trận địa mới.

Giọng Đoàn Cung nẩy lên:

– Đúng! Phải!

Thái dằn lòng mới giữ được sự nhã nhặn phải lễ trước cách trả lời có vẻ đồng tình nhưng thật ra biểu lộ một thái độ rất coi thường những lập luận ấy. Cặp môi bóng đỏ như sẵn sàng trôi tuột vào họng hơi nhếch sang bên ra ý bảo: cậu toàn nói những điều người ta biết cả rồi. Nhẽ ra không nên hỏi. Tốp trưởng một nhóm trinh sát biết mùi đánh nhau với máy bay Mỹ không nên hỏi như vậy.

Lấy lại điềm tĩnh, cân nhắc một lát. Thái nói chậm rãi:

– Thưa Tham mưu trưởng. Đơn vị tôi quân số ít, như tình hình hiện nay san đội ra rất bất lợi. Chúng tôi đã tìm gặp Xã đội trưởng xã sở tại tìm hiểu tình hình địch và được biết, đoàn Vạn Kiếp pháo trung cao khi ở Hà Nội “chồm” vào A2, vọt qua Truông Bồn, dừng chân ở Nam Thái, bị địch chụp một mẻ. Đến Nam sân bay Vinh cụm lại ở ba trận địa trung đoàn giao cho chúng tôi, lại bị bồi thêm một trận nữa thua liểng xiểng. Đoàn Hàm Tử, Đoàn Chương Dương cũng rơi vào tình huống tương tự ở nam Truông Bồn. Chúng tôi thấy địch đã biết rõ các trung đoàn phòng không tinh nhuệ của ta vào tăng cường cho chiến trường A2 đều tập kết ở vùng đất đỏ Phủ Quỳ, rồi từ Phủ Quỳ qua thị trấn Đô Lương, vượt đèo Truông Bồn trước khi trời sáng phải dừng lại ở khu vực Nam Thái, nên chúng đã chuẩn bị để gặp các “quả đấm” của chúng ta ở đây. Thưa tham mưu trưởng, ta phải chớp thời cơ lật cánh khỏi những đồi đá ong trơ trọi ở Nam Thái, chiếm lĩnh ngay càng nhanh càng tốt các trận địa có sẵn tương đối kiên cố trong thành phố Vinh.

Đoàn Cung ngước cao hơn vầng trán. Khuôn mặt da hung đỏ, đánh rơi mất vẻ thông tuệ thường nhật, mà thoáng nhanh sự ngơ ngác, mồ hôi rịn ra lấm tấm trên cái sống mũi thấp, làn da quanh hai gò má chuyển sang mầu hung nhợt. Những thông tin và lý sẽ Thái đưa ra đều rất xác đáng. Làm công tác tham mưu lâu năm, ông thừa biết tốp trinh sát tiểu đoàn năm có tư duy sắc sảo, nhạy bén về tình hình địch, ta. Ông cũng biết rằng trung đoàn nằm ở Nam Thái hiện ở trong tình thế bất lợi cả về chiến dịch và chiến thuật. Tuy nhiên ở con người ông sự tự nhận ra điều mình sai bao giờ cũng chậm chạp. Ông có một lập luận quái gở, tự nói ra điều chưa hoàn thiện của mình trước cấp dưới là một cách đầu hàng. Và cách ngụy biện đầy “khí thế tiến công ấy” chuyển qua trạng thái tình cảm giống như cảm hứng về sự phủ nhận kẻ dưới quyền rõ cái đồ trứng khôn hơn vịt! Đoàn Cung vẫn bám vào hy vọng trung đoàn đang sung sức, đầy đủ người và xe pháo, cụm lại, tựa lưng vào nhau đánh một trận lớn làm nhụt nhuệ khí lực lượng phi công Mỹ đang ỷ thế đông máy bay bắt nạt các đơn vị pháo cao xạ. Ông gạt phắt những lý lẽ Thái đưa ra, vầng trán hói cau lại, nói một cách lạnh lùng:

– Các cậu có thể lùi ra xa đường băng nhưng chỉ được phép từ tám trăm mét trở  lại. Nguyên tắc chỉ đạo tác chiến, pháo 37 ly chỉ được phép như vậy.

Ông vội vàng quay đi để rớt lại cái giọng đầy quyền uy nhưng cũng đầy sự lừa dối và lấp liếm tội lỗi. Chân ông bước hấp tấp, mét mặt hầm hầm, vội vã đuổi theo một cái gì không thể nắm bắt được, nhưng lại sợ nó chạy mất.

*

*    *

Thái dẫn tổ trinh sát xộc vào nhà Xã đội trưởng. Chả lẽ Đoàn Cung bỏ đi vội không nhắn lại tin tức gì.

Người Xã đội trưởng, một cựu chiến binh thời chín năm, dáng điệu và phong thái đặc biệt xứ Nghệ, có đem đi trộn vào đâu cũng chẳng lẫn được. Người anh thấp đậm, to bè, cái đầu vuông húi cua, tóc dựng đứng trước trán, khuôn miệng rộng ngoác được khuyên vòng lại bằng căp môi thẫm vì nghiện thuốc lào. Cặp môi ấy luôn mấp máy, như lúc nào cũng sẵn sàng tuôn ra những câu chuyện trạng cười rung cả nhà. Anh mời cả tốp uống nước chè xanh gọi là “nác mới” rồi cố lấy bộ mặt quan trọng mở túi áo ngực lấy ra một tờ giấy nhỏ đưa Thái. Luật uống nước ừng ực, lé mắt nhìn tờ giấy. Hóa đặt bát nước xuống, đưa cặp mắt lửa chiếu quanh căn nhà. Còn Thanh đứng sát Thái, nghển cổ, nhanh như mắt chim cắt. Cung viết vắn tắt: “Ở nhà xảy ra tác chiến lớn. Xe tiềm trạm đi về phía làng Đỏ. Tổ trinh sát D5 không được phép quay về Nam Thái, tìm mọi cách đi sâu xuống Bến Thủy nhận ngay trận địa. Trung đoàn sẽ thay đoàn 12A pháo địa phương  Nghệ An, chốt giữ trọng điểm quan trọng này!…

Thái gấp tờ giấy ngược chiều gấp cũ, cho vào túi áo, ngồi thừ mặt ra một lúc. Xã đội trưởng cho biết thêm, ban chiều tham mưu trưởng Đoàn Cung có hỏi anh rất kỹ về tình hình hoạt động và cách đánh phá của máy bay Mỹ ở khu vực Vinh – Bến Thủy. Ông còn căn vặn có phải một cậu trinh sát đã hỏi tôi về tình hình địch  ở đây không? Hỏi về cách đánh của máy bay hải quân Mỹ. Hỏi cách phòng tránh bom bi, bom từ trường…Tôi đáp răng “có”. Sau đó cả đoàn chộn rộn cả lên, giữa tham mưu trưởng và chủ nhiệm trinh sát xảy ra va chạm, họ tranh luật gay gắt một lúc lâu.

Đồng chí liên lạc trên Nam Thái xuống báo tin, đại đội một pháo 57 ly bị địch tập trung lực lượng công kích dữ đội suốt ngày, bị trúng cả bom sát thương, bom pigiăng (nổ trên không), cả rốc-két và bom bi…bị mất sức chiến đấu. Các đại đội trực thuộc trung đoàn khác máy bay địch rải bom bị nổ chậm dày đặc, bộ đội không có cơm ăn đến tận đêm vì anh nuôi không thể nào gánh cơm lên đồi.

Thái loạng choạng đứng lên, lòng bối rối. Nỗi lo lắng lơ lửng trong đầu từ hôm anh gánh cơm ra trận địa gặp hai chiếc F8 bay thấp, trinh sát dọc đội hình trung đoàn, đến hôm nay đã thành một sự thật bi thảm và tàn khốc. Ai sẽ chịu trách nhiệm về những trận đánh thất thiệt lớn, đổ nhiều máu như thế này trong chiến tranh.

Tại sao Tham mưu trưởng không đợi tổ trinh sát tiểu đoàn năm về đủ rồi hẵng đi. Vội thì vội thật nhưng không phải không thể đợi thêm nửa tiếng đồng hồ. Có lẽ Chủ nhiệm trinh sát và Đoàn Cung va chạm vì chuyện này chăng? Hay anh ấy cũng phản đối Đoàn Cung về cách bố trí đội hình chiến đấu có phần giễu võ giương oai ở Nam Thái đến nay được lập lại ở khu sân bay Vinh.

Dù sao tổ Thái cũng không nên gặp Đoàn Cung vào lúc này. Trong căn nhà nhỏ bỗng trĩu nặng không khí dè dặt. Ai cũng ngại nói ra điều gì không phải với đồng đội vừa nằm xuống trong một trận tao ngộ có phần bốc đồng và nhẹ dạ, không đáng có và dễ dàng tránh được.

Trước mắt tổ của họ còn một gánh nặng hơn, là phải đơn độc hành quân bộ ban đêm trên con đường xa ngái, ở một thành phố lạ, lúc nào  máy bay cũng  rập rình ào vào ném bom tọa độ.

Cuối cùng Thanh vẫn không giữ được cho miệng mình nghỉ lâu, thứ ngôn từ liên liến Thanh xổ ra kéo ý nghĩ mọi người về đơn vị đang rối tinh, rồi mù vì hàng trăm công việc sau trận đánh:

– Ngoài “xê” một pháo 57 ly bị đánh rất nặng ra, các đại đội trực thuộc khác đều bị sứt mẻ. Đã đành rằng pháo 57 dễ lộ hơn nhưng ở đây lại là cái khôn, sự mưu lược và từng trải. Các Đại đội trưởng pháo 37 ly đã từng phải giữ bí mật trận địa cơ động thần diệu, tránh những cơn mưa pháo ở vùng bờ biển Thanh Hóa nên chả bố nào dại phơi mình ra theo chiến thuật “quả đấm thép” của ông Cung.  Phen này nhà trí thức Lộc thắng thế, phạt đền ông Cung trong hội nghị quân chính ra trò đây. Đúng, phải đập cho nứt cái thùng tô nô chứa thức ăn ấy ra!

Luật đứng ở góc nhà tức tối, đôi mắt dài nhìn xói xuống chân, miệng làu bàu tiếc rẻ cái trận địa cậu cùng hai cô dân quân đào dở. Hai bên đã cắn với nhau đến độ ghi địa chỉ, chép thơ tặng nhau. Luật đã nhanh tay vuốt mái tóc dầy và dài của con gái vùng Vinh. Thẳng cha còn lập mưu lừa cho một cô quay lại rồi hôn đúng vào môi cô rất nhanh khiến cô gái thẫn thờ. Hắn thở dài, cằn nhằn riếc Đoàn Cung là gà tồ. Thái phải gắt lên cậu ta mới giúp Hóa mở bản đồ, rồi đo độ dài đường hành quân. Hóa dùng địa bàn năm tác dụng đo đi, đo lại rồi quả quyết tuyên bố hơn mười cây số. Cẩn thận hơn cậu ta đặt địa bàn, quay lại hướng Bắc, rồi cùng Thái dự kiến địa điểm Đoàn Cung đổ quân xuống.

Trước khi tổ trinh sát lên đường, anh Xã đội trưởng bê ra một rổ khoai, đặt phịch giữa nhà. Anh chọn những củ không bị toét vỏ nhét vào túi quần từng người. Khoai đất cát da mềm, mới luộc đang còn nóng, xiết vào đùi khiến Luật nhảy lên thích thú.

Tốp trinh sát đi lặng lẽ. Tiếng vỏ ống nhòm va vào hông lịch kịch. Ai nấy đều lấy khoai trong túi lặng lẽ bóc ăn, không người nào lên tiếng, mỗi người đuổi theo một ý nghĩ riêng. Thái đi trước, dáng cao bước nhanh, Thanh cúi cái trán gồ về phía trước. Luật bước phăn phắt vẫn ngoái nhìn lại phía sau. Hóa nhỏ con, bước dài chắc chắn luôn dướn lên cho kịp cả tổ.

Đang đi bỗng Luật ú ớ không nói được. Thái quay phắt lại, thấy cổ Luật cứ ngắc lên.

– Thái ơi…tôi bị…-cậu ấy nghển lên thở.

Thái ngoắt người, đỡ Luật, tay chạm phải cái vật mềm mềm cậu ta vẫn nắm trong tay. À, khoai lang, Thái vỡ lẽ, cậu chàng bị nghẹn vì ăn phải củ khoai bở quá, lại không có nước.

Luật ngửa cổ, ngực dô lên. Trời tối như bưng lấy mắt không biết chỗ nào có nước. Đi liều ra xa lỡ gặp bom từ trường, trong người có sắp thép nó nổ thì bay cả tổ. Thanh cuống lên quát Luật:

– Đồ tham ăn, vẫn còn ngậm khoai trong mồm. Nhổ ra!

Luật lè ra bàn tay miếng khoai to tướng, không chịu bỏ đi, cổ vẫn rướn lên vì chưa hết nghẹn. Thanh giục Hóa:

– Cậu cho nó một tí nước đái. Giá có cô dân quân đào công sự với nó ở đây áp cái ấy vào miệng xòe xoáy họng thì hết nghẹn ngay tắp lự.

Luật ú ớ:

– Tớ không chịu được nước đái. Nôn hết!

Thanh chửi:

– Cho nó thốc mẹ nó ra hết đi,giữ cái của khỉ ấy làm gì!

Hóa nói vội:

– Thằng này háu ăn. Không có gì trong bụng nó lăn kềnh ra, không đi dược đâu.

Thái vuốt cổ, vuốt ngực cho Luật. Cậu ấy ợ ra tay miếng khoai nữa, bụng hóp lại, giục:

– Nhổ – vào – mồm – tớ…ít nước bọt!

Thanh ôm lấy đầu Luật:

– Từ thuở bé tao có mớm ai bao giờ đâu.

Thái gắt:

– Mớm đi!

Mồm Luật há ra cho Thanh dồn nước miếng sang. Cậu nuốt ực ngon lành như trẻ con. Thái bỗng thấy mình khát, khát bỏng họng và đói nhũn cả tay chân. Củ khoai bóc chưa sạch vỏ, đút túi quần cứu nghẹn cho Luật, giờ anh lấy ra tống bừa vào mồm.

Luật lại vỗ miếng khoai giữ ở tay vào mồm ăn ngon lành như chưa hề có chuyện nghẹn tí nữa tắc thở vừa rồi. Cậu ta rập rình chờ chỗ nào có ánh lửa ló ra là xộc vào xin nước uống. Song tuyệt nhiên không hề có một ánh lửa nhỏ nào. Thành phố chìm trong hoang lặng, bầu trời, mặt đất trong đêm có gì thật cổ sơ. Không một tiếng trẻ u ơ khóc. Không có tiếng con chuột chù rúc rích chạy qua đường. Cả tiếng côn trùng cũng không có, hay là vì họ đang bộn bề những ý nghĩ trái ngược nhau nên không nghe thấy. Một vài cây phi lao, cây bạch đàn bị phạt cụt ngọn, đoạn thân gốc lá xù ra, đứng chơ vơ trong đêm như những người không đầu. Một ngôi sao băng bay xéo qua rồi tắt ngấm như không có thật về sự tồn tại. Thành phố bị san bằng, giá có một ngôi nhà bị cháy,còn trơ lại bức tường đổ, chắc lòng họ đỡ lo âu hơn. Hoang rợn quá.

Lê bước tới ngã sáu, họ vấp vào cái ba-ri-e. Thấy bên trong chìm dưới sâu có ánh đèn le lói. Luật rú lên. Cậu ta chồm tới như vồ lấy ngọn đèn phòng không được bảo vệ bởi khúc bương lớn đục ra một lỗ vuông nhỏ bằng bao diêm.

Luật chui tọt vào trong nhà hầm. Vách nhà được xếp bằng đá hộc để tránh mảnh bom, mảnh pháo biển. Trạm trưởng, một người đàn ông đứng tuổi tưởng Luật hỏi đường, mỉm cười chờ sẵn. Nhưng anh bị bất ngờ, đứng bật dậy vì thấy Luật sờ tay vào chiếc bi đông anh đeo lủng lẳng bên sườn , xin nước. Phì cười vì tác phong trợn trạo của người lính trẻ, ngừơi đàn ông gỡ chiếc bi đông đựng nước chè xanh đã gần ráo đưa cho cậu ta. Chỉ còn một ngụm  để giải cơn nghẹn vẫn âm ỉ hành hạ cậu ta một cách khốn khổ.

Họ lại đi hàng một , không ai tạt ra mép đường.Ngọn đèn phòng không ở ngã sáu đã khuất, bầu trời thành phố lại tối đen như thời hồng hoang.Song Thái không còn cảm giác hoang vắng nữa, họ đã gặp một ngọn đèn đứng gác và một con người.

Đang cắm  cúi đi, ngẩng đầu lên Thái nhìn thấy một vệt đen dài. vệt đen ấy ngày càng rõ ra, sừng sững như ở đó bầu trời được phết màu đen đặc hơn. Và Thái đã nhận ra ngọn núi Quyết ghi trên bản đồ địa hình. Thoáng hiện trong đầu anh những trận đánh đẫm máu trên đỉnh ngọn núi anh đọc trong một quyển sách. Nhưng những nhận thức về ngọn núi cứ xa dần, xa vời không thể nắm bắt được.

Cái hiện thực đang sôi réo trong người anh lúc này là cơn đói đang cào cấu giữ dội dạ dày và khắp cả ổ bụng. Người Thái mê mụ, cơn đói ngủ cũng vào hùa với cái đói ăn, muốn kéo anh lăn kềnh ra vệ cỏ. Thái chỉ cần thốt ra một câu “nghỉ”, cả tổ sẽ thụp xuống, không ai đứng dậy nữa.

Bây giờ nếu được ngủ ngồi Thái đã thấy sung sướng lắm rồi. Mấy thằng tựa lưng vào nhau quay mặt ra các phía, ngồi mà ngủ, máy bay đến đánh thế nào cũng có đứa nghe thấy. Ngủ đi, mặc kệ trời đất, mặc kệ tất cả, trên đời chẳng còn gì hết, chỉ có cơn đói ngủ và sự chống lại nó giày vò. Ừ, sự chống lại mới đáng kể, nếu sáng mai các đơn vị bị đánh tơi tả kéo tới thì sao? Không! Không thể như thế được? Con người làm sao lại có thể coi thường sinh mạng ngưòi khác. Lấy cái chết của người khác làm vinh quang cho mình? Làm sao lại nỡ nhẫn tâm lấy thân xác đồng đội  làm bậc thang tiến trên con đường danh vọng, thoả mãn lòng khát khao vươn tới quyền lực. Căn bệnh quyền lực, hiểm hoạ lớn với con người.

Có lúc Thái cảm thấy rõ ràng đang bước đi, cũng đồng thời anh thấy mình đang nằm bên cạnh vợ trên chiếc giường còn mới. Chiếc giường đóng có rẻ quạt như mặt trời mọc, cứ rung lên và đu đưa theo bước chân. Hà nằm hơi nghiêng gối đầu lên cánh tay anh ngủ say. Vầng trán hơi lộ, đôi lông mày dài, đen đậm, hơi nhíu lại lo lắng. Cánh mũi thanh tú khẽ rung theo nhịp thở. Cặp vú đã to, không mặc áo nịt làm kênh cúc chiếc áo cánh. Cái bụng ấm nóng tròn lùm lùm, uốn vồng lên. Ở bên trong ấy đứa con anh đang hình thành, nó đang máy, đang giao tiếp với anh bằng thứ ngôn ngữ kỳ diệu và bí hiểm của sự sống.

Thái mở choàng mắt, cố cho mình tỉnh mà vẫn không sao tỉnh được. Anh choài lên, nắm mạnh tay Hoá, hỏi xem đã đến ngã ba rẽ vào làng chưa. Cố mà tỉnh táo, nếu đi quá ngã ba, cả tốp sẽ mở cuộc diễu hành hàng một, như mấy lộ tiêu tới xuống phà Bến Thuỷ, giơ đầu ra hứng bom toạ độ.

Vẫn chưa tới chỗ rẽ, con đường đêm vẫn dài hun hút.

Thái lại trôi đi trong cơn mơ thức – ngủ êm dịu. Anh vẫn choáng váng nhớ lại lúc Hà lảo đảo, lao theo xe kéo pháo. Có lẽ vì thế mà anh thấy yêu Hà hơn chăng. Tình yêu của anh đối với Hà thật lạ. Chắc chắn tình yêu ấy ít bay bổng nhưng nó trần thế hơn, đậm tình hơn nhiều. Anh hầu như chưa mơ thấy những cái hôn rạo rực, mềm người song lại hay nghĩ tới một cách êm dịu cánh tay trần nuột nà Hà gối đầu cho mình. Anh mơ thấy cái đêm trong ngôi nhà thờ cũ anh kê mấy cái bàn học sinh sát vào bệ thờ đặt tượng chúa đã bỏ không, làm giường nằm cho hai người.

Tình yêu kỳ lạ và những đứa trẻ sinh ra cũng kỳ lạ như vậy. Chúng là kết quả những lần gặp nhau vội vàng giữa những người chưa được hưởng tình yêu. Chúng hình thành, ra đời và lại phải gánh vác những cuộc chiến tranh ngày một khốc liệt hơn.

Thái bừng tỉnh khi lao vào một hầm pháo trồng toàn cây dứa dại để nguỵ trang. Anh không biết rõ ràng tổ đã gặp ngã ba từ khi nào, hoặc là Hoá đã dắt anh tới đây. Thái vội vàng gỡ những chiếc gai cong, móc vào da thịt. Bất ngờ một người chồm lên hỏi:

– Ai rứa? Đứng im!

Cả bốn người đứng im như trời trồng. Thanh cướp lời:

– Chúng tôi là trinh sát đoàn pháo cao xạ Sông Châu đi tiền trạm.

Ngưòi gác lại hỏi bằng giọng Nghệ An bỗ bã:

– Đơn vị nớ đến thay chúng tớ hè?

Thái đáp từ tốn:

– Trên mới phái chúng tôi đi nắm địa hình và nắm địch ở khu vực Vinh – Bến Thuỷ. Còn thay hay chưa thì cũng phải tuỳ trên đồng chí ạ.

Vẫn cái giọng bộc bạch thật ấm:

– Trên đếch gì? Các đồng chí là dân trinh sát phải biết chớ, hè? Răng mà đi khuya rứa? Mà răng đi tiền trạm lại không có xe? Ở gần hả? Thanh dấn lên chóp chép cặp môi dày, chắc cậu ta định nhân dịp này tố Đoàn Cung đã bỏ tổ ở dọc đường. Thái phải bấm mạnh vào cổ tay, Thanh mới chịu im. Thái cười nhẹ:

– Có phải đây là trận địa của “Dê” 12A không đồng chí?

– Trúng rồi đó!

Thái ôm chầm lấy Thanh:

– Ôi chao. Giữa đêm tối mịt mùng mấy ông tướng cướp đã mò được đến đúng nơi cần tìm.

Người gác cũng choàng ôm lấy Thái:

– May gặp tôi chớ anh em pháo thủ gác thấy các đồng chí im im thốc lên hầm pháo, tưởng biệt kích từ sông Lam mò lên, xiết một băng AK thì khiêng nhọc, tôi là A trưởng.

Thái nghĩ tẩn mẩn, trinh sát đâu lại vừa đi vừa ngủ, cả tổ cứ mê mụ không còn đủ tỉnh táo để nhận đưòng. Họ đi như là đi trong tiềm thức. Có lẽ ngoài các trận đánh phải dồn mọi tinh lực để tính táo ra, từ ngày đơn vị đi vào vùng khói bom mênh mông, lính cao xạ, nhất là cánh trinh sát luôn sống trong tình trạng nửa ngủ, nửa thức. Ôi chao, mê man khói. Ngột ngạt khói. Sặc sụa khói. Thỉnh thoảng một cơn gió lành thổi từ sông Lam lên, hít sâu vào mới biết cuống họng lúc thường ướp trong cảm giác xót đắng vì khói.

Người khẩu đội trưởng báo đại đội rồi dẫn tổ trinh sát vào chỗ đặt  bếp trong làng. Một bà mẹ tay cầm cây đèn pin bọc vải cẩn thận ra đón họ ở cái cổng có bậc lát đá. Khẩu đội trưởng thì thầm:

– Bà mẹ đấy?

– Bà mẹ nào cơ? Luật ngơ ngác hỏi.

– Rồi đồng chí sẽ biết.

Khẩu đội trưởng đến sát bà mẹ nói nhỏ:

– Có mấy đồng chí ở đơn vị mới, vừa đến trận địa, nhờ mẹ trông nom giúp.

Bà mẹ mừng rỡ:

– Pháo vô thêm à con? Ô, mừng quá hè? Không hiểu răng dạo ni hắn bay nhiều rứa không biết. Nhiều đếm không xuể.

Thanh liến láu:

– Nó ném bom hạn chế đấy mẹ ạ.

Bà mẹ chớp chớp cặp mắt ướt:

– Hạn chế là răng con?

– Là tất cả máy bay nó dồn lại để đánh khu Bốn, đánh Vinh -Bến Thuỷ mẹ ạ.

Bà mẹ cười rõ to:

– Mẹ cha hắn. Hèn chi hắn bay nhiều rứa. Bom hắn ném cũng nhiều rứa. Suốt cả ngày bom nổ. Suốt ngày lửa. Suốt ngày khói. Khói bom hắn làm mình ngợp thở.

Bà mẹ bỗng ho sặc sụa. Loạt bom toạ độ chiếc A6 rải dọc đường xuống phà khói thuốc thốc vào chỗ họ đứng. Bà mẹ nén cơn ho, hỏi thật ấm áp:

– Các cơn ăn cơm chưa, để mẹ đi nấu?

Thái thấy lòng rưng rưng:

– Dạ chúng con ăn rồi ạ!

Họ cùng nói dối. Nói dối mà không thấy xấu hổ bởi vì bây giờ ai nỡ để bà mẹ đi nấu cơm. Cũng không còn cảm giác thèm ăn tuy bụng vẫn sôi ùng ục.

Bà mẹ rũ lại giường chiếc cho tổ trinh sát nằm nhưng bốn anh em từ chối. Thái mượn bà chiếc chiếu rải xuống nền nhà phía cửa hầm rồi cả mấy cậu lăn đùng ngay ra đất. Thái dặn bà mẹ:

– Nếu có máy bay vào mẹ cũng đừng đánh thức chúng con mẹ nhé.

Bà mẹ lại ho. Thái cũng ngửi thấy phảng phất mùi khói bom. Cái mùi ấy của hung thần không thể nấp lẫn vào với mùi gì khác. Có dễ con người đã ghi nhận vào bản năng cảm giác ghê sợ, lợm mửa trước cái mùi của sự chết. Cơn ngủ đã đè nặng lên mí mắt song tâm trí vẫn còn ở trạng thái nửa thức, nửa ngủ. Thái cố xua đi cảm giác ngột ngạt. Cả vùng đất rộng lớn bị dìm trong cái bể khói đen mênh mông. Khói che lấp bầu trời, ngập tràn mặt đất, khói nấp trong căn nhà, khói lùa vào căn hầm vừa để trú ẩn vừa để ngủ. Khói đặc sệt đen đúa: tất cả, cả con người, súc vật và cây cỏ, cả mặt trời, bị dìm xuống và bị che trong khói.

Nhưng kìa, còn có vầng trăng ở đâu lại hiện ra lồ lộ, không hề bị che khuất. Vầng trăng hiện ra sau tấm màn che. Thái giật mình choàng tỉnh. Anh nhận ra khuôn mặt cô gái chắc là con bà mẹ, từ nãy vẫn lấp ló phía trong giờ vén tấm màn che màu xanh lơ, nhìn trộm mấy anh lính trinh sát đầu gối lên hộp ống nhóm, ngủ lăn quay trên nền đất.

 

Chương sáu

Thái với chiếc quần đùi phơi ở lán đã khô cong, cuộn vào lòng bàn tay rồi đi ra giếng tắm. Cái giếng cổ ở cửa miếu Thành hoàng, gần hầm pháo khẩu đội một, lúc nào nước cũng đầy ứ và trong vắt như nước mưa. Lòng giếng không đổ khuôn trong lòng như các giếng khác, mà từ dưới đáy lên miệng xếp bằng đá hộc. Từ mặt cát lên người ta mới xây bằng những tảng đá to. Cây lưỡi rắn mọc từ khe đá, cố vươn cái ngọn cong như lưỡi câu lên hứng nắng. Chúng mầu mỡ, xanh bóng, đặt tay lên mát rười rượi.

Cánh pháo thủ đi tắm cũng chỉ đánh mỗi chiếc quần đùi như Thái. Họ mặc đơn sơ như vậy để khi có báo động máy bay chạy cho nhanh. Mang theo nhiều quần áo, máy bay đến lúng túng quơ tìm, rồi ôm một mớ lòng thòng chạy về đến trận địa máy bay đã bổ nhào cắt bom. Chi bằng cứ cởi trần, nhẩy lên mâm pháo, đánh nhau cũng cởi trần, nếu bị thương cũng còn mảnh quần cộc che thân. Tốp pháo thủ tắm ào ào, cốt dội cho mát, không có thì giờ kỳ cọ cho kỹ những chỗ lâu không đụng tới trên thân thể. Đôi khi nhìn quanh không thấy ai, dù cái giếng ở ngay bên con ngõ nhỏ, họ cởi nốt manh quần chăng nó lên bụi cây hoa tứ thời cho đỡ mất công giặt, vả lại đời lính được tắm tiên thì sung sướng nhất trần đời.

Về đêm cái giếng ấy lại có những người bạn thân thiết khác. Các cô dân quân đi làm công sự pháo về, đêm khuya vắng vẻ, cậy thế đông, nhiều khi họ cũng cởi hết xiêm áo, dội nước ì ũm, rồi vừa kỳ lưng cho nhau vừa cười rinh rích.

Viên đang hí húi giặt quần áo. Cậu ta vẫn giữ được chiếc bàn chải bằng dây móc, miếng gỗ đã nhẵn lì, mòn lõm ở chỗ tay cầm. Rải chiếc áo bờ lu dông ra nền giếng cọ soàn soạt, cậu chàng nhấp nhổm lưng trông rất buồn cười.Thái đến sát lưng, hích nhẹ cho Viên một cái. Viên đứng dậy quơ chiếc gầu, khom người  tung nó xuống giếng, bên vai dày, chắc nình nịch u lên trước mặt Thái. Viên rút phăng cái gầu nước to tướng quay người lại hỏi:

– Anh Thái hôm nay cũng “làm lông” kia à?

– Nóng quá. Có lẽ tớ cũng phải tắm bài hai cho nhanh.

– Cởi phăng ra, giải phóng cho bộ khung thoát khỏi bị giam hãm trong mớ vải dày cạu, khắm khú.

Thái thấy thú vị nghe Viên nói nhưng cũng hơi hoảng.

– Nhỡ có cô nào đi qua thì bỏ bố. Chui xuống đất không được.

– Ôi dào. Ngồi đại xuống, gục đầu vào thành giếng, thế là khuất.

Thái đưa mắt nhìn quanh định làm theo lời khuyên của Viên, nghĩ sao, lại kéo cao quần, mặt thoáng nóng lên. Thái bật cười, nói nhanh:

– Thôi cứ tắm cả quần đùi. Tắm xong mặc nguyên quần ướt đi từ đây về trận địa là khô ngay. Gió nóng thế này khoác cả cái chăn chiên ướt lên người cũng chỉ một loáng là bay hết nước.

Viên vẫn cọ chiếc áo soạn soạt, không ngẩng lên, hỏi Thái:

– Anh Thái đã bao giờ khoác chăn chiên lên lưng để chống nóng chưa?

Thái ngừng kỳ, nhìn Viên:

– Bọn tớ chỉ nhúng ướt chăn căng ở hai đầu lán cho đỡ khô nóng thôi. Học tập khẩu đội các cậu, tớ thấy từ hồi ở Nam Thái kia, mà sao cậu giặt lâu thế?

Viên ngẩng nhìn Thái đăm đăm:

– Anh Thái ạ, gần đây không hiểu sao tôi sinh chứng để ý chăm chút cho những gì thuộc về tôi. Tôi vốn sinh ra ở vùng mà quần áo chỉ là thứ tạm bợ che thân. Rồi tôi kể cho anh nghe, vào lính mình được rèn giũa cẩn thận, từ cách gấp cái chăn, bộ quần áo, đến cách gấp cái màn, cách xỏ dây đôi giày cao cổ. Rồi khi về lính pháo những khi đánh nhau ít, nghiễm nhiên thành lệnh cậu. Gần đây đánh nhau ác liệt tôi tranh thủ lúc rỗi tự chữa lại quần áo, khâu lại những chỗ rách tự nhiên đâm khó tính, thích sống sạch sẽ, đàng hoàng. Anh Thái này, có lẽ trong ý nghĩ của tôi, tôi đã chuẩn bị nếu có chết thì cũng chết cho nó đàng hoàng sạch sẽ, để khi chết rồi người ta khỏi cười mình.

– Cậu nghĩ vớ vẩn…Thái ngắt nhanh lời Viên. Bom đạn nó tránh mình, nó ném nhiều bom nhưng chắc gì đã trúng. Mà trúng chưa chắc đã chết. Cứ sống bơ đi cho nó tươi đời.

Viên cho áo vào gầu rũ xà phòng, giọng vẫn đều đều, thoảng một chút buồn:

– Nói thật với anh Thái, từ ngày đơn vị vào A2 tới giờ tôi chưa viết thư về cho bố mẹ. Sống trong cái lò bom, lúc nào cũng ngột ngụa khói này thật chả biết sống chết thế nào. Không viết thư về các cụ lo mình có thể chết, để các cụ quen dần với ý nghĩ đó đi, anh Thái ạ. Để nếu mình có chết thật bố mẹ cũng đỡ đau khổ hơn chăng. Đỡ thì không đỡ đâu, tôi biết thế nhưng nỗi đau nó không đổ sụp xuống đầu một lúc, mà nó từ từ thì quen dần và cũng đỡ hơn chứ anh Thái nhỉ!

Thái thấy mình bị cuốn vào cái tâm tư rất thật có phần bi đát kia. Anh hỏi giọng ngùi ngùi:

– Quê Viên ở đâu nhỉ?

– Tôi ở Vĩnh Phú, ở cái làng ngay dưới chân đền Hùng.

Thái cười to, hy vọng Viên cũng sẽ cười theo:

– Ái chà, trai đất tổ Hùng Vương dựng nước. Có khi cậu là con thần con thánh liên quan gì đến bà chúa Tiên Dung và ông Chử Đồng Tử cũng nên.

– Không phải đâu anh Thái. Nhưng nhà tôi cũng hiếm, được ba chị em có mình tôi là trai. Nếu tôi chết mẹ tôi chắc cũng không sống được.

Viên nhìn Thái đôi mắt vời vợi. Đôi mắt ấy con người chỉ có thể nhìn thấy ở những người lính xa nhà, sống lăn lộn giữa sự sống và cái chết. Dường như chỉ những người lính không có nhiều hy vọng trở về quê hương mới thấu hiểu nỗi niềm ở cái nhìn con mắt ấy.

Hai anh lính đang đứng nói chuỵên, chợt một cô gái bất ngờ xuất hiện ở đầu ngõ. Thái liếc rất nhanh và nhận ra cô thanh niên xung phong vẫn ra chơi ở trận địa. Đơn vị các cô dừng trong làng, chờ qua nhà đi sâu về phía Nam. Cô gái nhìn quanh định tìm một lối tránh nhưng con ngõ dài, hai bên rậm rịt. Cô cúi mặt rồi cứ nhằm thẳng giếng mà đi tới.

Viên mặc chiếc quần đùi vải trắng, mỏng, may rất khít nên cậu ta ngượng vội ngội thụp xuống bờ giếng. Thái hỏi to:

– O đi mô về rứa?

Cô gái đỏ mặt, không hiểu do Thái nhại tiếng miền Trung hay thấy hai anh con trai tắm gần như khoả thân. Cô lắc người, chạy té vào cái ngõ nở đầy những bông me đất màu tím sáng. Chạy về tới cái cổng cáo, cô đứng trên bậc cao nhất quay người nhìn xem hai chàng trai có nhìn theo không. Rồi cô chạy tọt vào sân nhà. Thái thầm nghĩ “Đúng là một cô bé con”.

Viên đứng lên, múc nước dội lên đầu, dội liên tục như thể dồn nước vào người. Cậu ta hầu như không để ý đến việc cô gái đi qua đây là vì cớ gì. Cậu hỏi Thái:

–                                  Chị Hà có biên thư cho anh không?

–                                  “Bà ấy” chả thư từ gì. Tớ sốt ruột quá.

Viên vẫn kỳ người bằng tay, da tay cọ vào người rin rít:

– Tôi chưa thấy người phụ nữ nào yêu chồng như chị ấy. Yêu một cách bạo liệt, dũng cảm.

– Chuyện. Đàn bà ở đâu chả vậy, đầy tự tin, đúng như người vợ lính thực thụ, ở cái đất nước nhiều chiến tranh, người đàn ông chưa kịp để lại một đứa con, người đàn bà sớm goá bụa. Anh đàn ông nào rơi vào tay các bà ấy rồi, thì các bà ấy giữ  gìn, khống chế, đe nẹt, be bít ghê lắm.

Viên nhìn Thái nghiêm khắc đầy vẻ trách móc. Anh thấy gai người vì cái nhìn ấy.

– Không phải. Các bà ấy đi săn tìm sự sống. Săn tìm những đứa con. Còn tôi, anh Thái ạ, nhiều lúc tôi cảm thấy mình bị săn đuổi. Thằng phi công ở trên kia nó biết có tôi và nó săn đuổi tôi. Mà thật ra cũng không phải thằng phi công, đúng là chiến tranh đang săn đuổi. Làng tôi có từ thời vua Hùng dựng nước, cũng có nghĩa là nó tồn tại đến 4000 năm rồi. Nó đã trải qua cả ngàn cuộc chiến tranh. Tại làm sao đất nước này, chiến tranh như món nợ truyền kiếp, như một định mệnh. Đã mất đi người đàn bà đi tìm chồng, đợi chồng, đợi chờ đến hoá thành đá. Còn chiến tranh vẫn cứ truy đuổi, săn tìm chúng ta.

Thái ngạc nhiên, thằng cha này là một nghệ sĩ thực thụ, một nghệ sĩ dân gian. Khi những nhà nghệ sĩ trí thức bác học tốn cơm, tốn vải tha lôi những lý thuyết gà mờ tận đâu về nói những chuyện tận đẩu tận đâu thì đất nước biết cách sinh ra những nghệ sĩ dân gian để nói lên những điều nằm ở tầng sâu dự cảm cho sự tồn vong của dân tộc, của quốc gia.

Thái thấy trong lòng dâng lên, ngập trên một nỗi xúc động. Anh chạnh nghĩ tới Hà. Hoá ra những người vợ lính đi thăm chồng trong những hoàn cảnh hết sức éo le có sự thôi thúc của tiềm thức cá nhân còn có tiềm thức của cả cộng đồng.

Viên chuyển giọng nói vui:

– Anh vừa đi vừa về, nhờ ngừơi mai mối, rồi tìm hiểu, lại ăn cơm trước kẻng nữa, hết có đúng mười ngày. Mà bà ấy kịp to bụng. Chao ôi, lính! Nhậy thật.

Thái nhìn Viên tò mò, cái thằng này sao hôm nay nói chuyện tỉ mẩn, hiền như một con bê. Từ trước tới nay anh em trong đơn vị vẫn gọi Viên là con chồn già. Viên có hai con mắt bé hơi hiếng, sáng lấp lánh, nó nhìn con gái  nhà người ta cứ như nhìn con gà mái. Cậu ta cao lớn, đẹp trai một cách dữ dội. Được trời phú cho giọng hát cao vút, vang thánh thót, Viên là cây hò số một của đơn vị. Ngày đơn vị còn bảo vệ pháo bờ biển ở Tĩnh Gia, Thanh Hoá, Viên một mình đứng trên thành hầm pháo hò tới nửa đêm. Các cô gái Thanh Hoá đa tình bạo dạn đến phát khiếp xắn quần, lộ cả đùi non đứng ở đầu làng hò với ra. Cậu Thanh, trinh sát đoàn bộ có hôm xuống chơi với Thái, ra đứng đằng sau vận câu hò giúp Viên, thế mà vẫn bị thua chỏng vó. Các cô đi hàng ba quần xắn tới bắp vế trắng nõn, lội qua ruộng lúa cát, tiến vào sát công sự, chĩa mũi nhọn vào cái anh gà câu hò, đứng đằng sau, làm Thanh cuống lên phải tụt vào trong lán. Sau này Thanh đã nghĩ ra một vế đối, thành câu nói cửa miệng lính cả tiểu đoàn “con gái xứ Thanh, đi thanh niên xung phong, không có nam thanh niên, vẫn có con bồng bế”.

Viên đứng ngay trước mặt Thái thay quần, cậu ta tồng ngồng như vậy nói với Thái:

– Anh Thái này, bây giờ nghĩ chúng mình có đứa con cũng hay nhỉ? Vừa ngượng, vừa xấu hổ lại thấy mê ly!

– Cậu thì xấu hổ cái gì?

Tôi nói thật, mình biết người con gái nhưng chưa biết đứa con như thế nào. Chả nhẽ sự sống đến mình thì chấm dứt, đứa con nó nối dài đời mình ra không được sao?

Thái vắt bớt nước ở quần đùi:

–                                  Sao đằng ấy giặt lâu thế? Tớ về đây.

*

*      *

Buổi tối cậu Đăng ti toe đứng giữa trận địa tung ra một câu hò ghẹo mấy cô thanh niên xung phong quê Thanh Hoá đóng quân trong xóm Đình. Đang nằm chờ qua phà tù cẳng, buồn mồm, các cô túa ra đầu làng, các cỗ súng miệng thi nhau phát hoả. Đăng chui vào hầm thông tin không dám ló ra nữa, mấy cô túm tụm ngoài đường hò trêu tức. Đứng ở sở chỉ huy, dùng ống nhòm quan sát Thái nhìn thấy cô bé ban chiều đi qua giếng tắm, đứng trên đầu đang vươn cổ ra hò. Thái liền gọi Viên,cậu ta đang nằm ngủ trong hầm nghe tiếng Thái, nhảy phắt ra công sự. Không đợi Thái giục, Viên tung ra các câu  hò đối chan chát. Giọng cao, trường, tha thiết, nhiều khi bông lơn, nghịch ngợm, cậu chàng đã làm cho các cô đối lại rất vất vả.

Các cô  cay cú, càng khuya càng tiến sát trận địa. Các cô gái vùng ven biển xứ Thanh có cặp vú to bó chặt trong những chiếc áo xẻ tà xanh lá cây. Bực bội, họ cởi luôn áo ngoài, mặc áo dệt kim đông xuân trắng, xô tới hò đối.

Tiếng hò của Viên bay vút vào cơn gió mát lành từ sông Lam thổi tới. Ngọn gió ngây ngất.

Thuyền than mà đậu bến than

Thấy em vất vả cơ hàn anh thương.

Viên định lỉnh vào hầm ngủ, để sáng mai còn phải dậy ngồi trực số hai trên mâm pháo thì các cô gái đã móc cho một câu:

Mẹ anh ăn dở phải gừng

Nên anh hò hát nửa chừng anh thôi

Viên lại nhảy bổ lên thành hầm, hai tay chống vào hông, thả ra một câu tán sát sạt:

“Anh nghe em nhức đầu chưa đã, anh băng ngàn bẻ lá về xông, rồi mai em vợ anh chồng, khi đổ mồ hôi anh quạt, khi trận gió lồng anh che ơ hò”.

Các cô gái rú lên cười. Họ ríu vào nhau, thi nhau cốc vào trán cô gái đầu đàn Viên đã gặp lúc tắm, bắt cô này nghĩ một câu vận lại.

Về khuya, trận địa đã đánh kẻng nghỉ. Để kết thúc đêm hò hai bên bắt đầu giở giọng cay nghiệt. Viên giở bài tủ lếu láo ra.

Chém cha con ngựa tía tô

Một trăm thằng cưỡi thằng mô cũng vừa.

Nghe dứt câu hò các cô gái vùng chạy, vừa chạy vừa đấm nhau chí choé. Trên đầu họ một đám mây ẩm ướt mát lành, vượt ra khỏi vùng khói, giạt về phía làng.

Tan cuộc hò, trong người bức bối, Viên lại tranh thủ ra giếng dội mấy gầu nước cho dễ ngủ. Đêm cuối tháng tối đen, cậu chàng định cởi quần đùi tắm tiên thì nghe thấy phía bên kia giếng có gầu va vào thành đá. Cái giếng rộng. Viên phải căng mắt ra nhìn mới thấy một cái đầu người thấp nhô. Cậu hồi hộp hỏi:

– Ai mà tắm khuya thế?

– Em đây! Tiếng con gái trả lời hấp tấp.

Viên ra vẻ nạt nộ:

– Cô ở đâu ra đây. Giếng này dành cho đơn vị chúng tôi tắm đêm, sao cô gan to thế, dám ra đây tắm trộm!

Tiếng cô gái trở nên cứng cỏi:

– Ai dành riêng cho các anh, giếng này của chung. Chúng em cũng ra tắm đấy.

Chàng trai chuyển giọng, nghe đã ngọt như mía lùi:

– Cô à ai? Chúng em sao lại có một mình?

Cô gái bạo dạn:

– Em hò đối với anh chứ còn gì nữa. Anh lui ra cho em tắm đã. Không em kêu lên bây giờ.

Đúng là con gái xứ Thanh. Viên thầm nghĩ, cô gái này mình với anh Thái nhìn thấy đi qua đây ban chiều. chắc lúc bấy giờ cô nàng đi qua trinh sát cái giếng để tối các nàng rủ nhau ra tắm tiên. Mà sao cô nàng lại đi ăn mảnh thế này. Cô ta bảo hò đối với mình. Nhớ lại cô gái đã hò với anh bằng giọng hò nồng nàn, với những câu tha thiết như lời tỏ tình, người Viên cồn cào. Anh chàng muốn nhìn cho tỏ mặt cô ta. Viên tiến sát bên giếng, nói chắc như đanh:

– Tôi không lùi đâu. Ta tắm chung vậy.

– Ơ cái nhà anh này! Em kêu lên bây giờ. Em kêu lên đây này ơ ô ơ…ối.

– Ơ gì cơ…tôi nghe cô hò Thanh Hoá hay thế, nghe ngọt lịm mà bây giờ tiếng cô dữ như cái chuông sành.

Cô gái cười giọng đã mềm:

–                                  Em đanh đá lắm phải không?

–                                  Lại chả đanh!

Viên cũng ngồi xuống dội ào ào. Im một lúc cậu lựa lời hỏi:

– Tối mai các cô có hò nữa không? Không hò thì nhớ qua mất thôi. Bao giờ các cô đi?

Cô gái dừng tay dội, khẽ thở dài:

– Các ông chỉ huy bí mật lắm. Nhưng em nghe bọn bạn em chúng nó rỉ tai nhau tối mai vượt phà. Máy bay nó đánh dữ lắm phải không anh? Mấy con bạn em nói mười người đi qua chỉ sống được một hai thôi.

Cô buông một tiếng thở dài hút hơi.

Viên nói như nói thầm, như sợ ai nghe tiếng:

– Bao giờ anh với em lại được hò đối với nhau nhỉ? Mà biết có còn gặp nhau nữa không

Cô gái mắng yêu chàng trai:

– Anh ni toàn gở mồm. Nhất định phải gặp lại. Bao giờ Mỹ ngừng ném bom, ở trong kia quay ra em đến tìm anh nhé! Thôi, anh quay mặt đi cho em về đây.

Cô đứng lên định bước đi. Bây giờ Viên mới nhìn thấy cô gái chỉ mặc coocxê với quần lót. Cậu chàng đứng lên gọi giật giọng

– Cô gì ơi, tôi chưa biết tên

– Tên em là Minh -Cô định chạy.

– Minh ơi – Viên gọi giọng lạc đi. Khi em quay ra biết anh có còn sống không, hay anh đã nằm yên dưới đất rồi.

Cô gái dừng lại. Có lẽ những lời buông ra từ miệng anh thành thật một cách đau đớn, khiến cô không bước đi nổi. Viên không biết mình đi đến gần cô gái từ lúc nào. Cô đi giật lùi, rồi lưng cô bỗng vấp vào bờ tường ngôi miếu thờ Thành hoàng. Ngôi miếu bị bom xô tung mái trơ ra bộ rui trần.

– Anh xin em…!- Giọng chàng trai run lên.

Anh ôm lấy đôi vai tròn trắng nuột nà. Cô gái run lẩy bẩy:

– Anh ơi, anh làm thế này nhỡ có ai biết thì chết!

Anh ôm chặt lấy cô gái như sợ cô chạy mất. Hai cánh tay thừa sức lực siết chặt cảm thấy như xương trong người cô kêu rau ráu.Cô  gái đứng ngây người, anh hôn cô tới tấp. Anh sắp phải chạy về ngồi vào mâm pháo trực ban, đối mặt với cái chết đang rình rập giáng xuống.

Tất cả sức lực cường tráng trong con người anh trỗi dậy, không thể kìm nổi mình nữa, anh luồn tay lật chiếc coocxê lên đặt bàn tay lên cặp vú tròn nhỏ, tinh khiết, giọng khàn trong cái cổ họng khô khốc:

– Anh xin em! Anh xin em một đứa con! Nếu anh chết em gắng nuôi nó cho anh, cho nó nên người. Anh lạy em trăm lạy. Anh xin em đừng cho anh là thằng đểu giả thèm khát thấp hèn. Anh quỳ xuống anh lạy em!

Viên quỳ xuống mặt cát trước ngôi miếu bật khóc mặt gục vào bụng cô gái. Cô ôm lấy mái đầu anh đang còn ướt đẫm nước. Rồi, bất ngờ, bằng một sức mạnh lạ lùng, cô nâng xốc anh dậy, ôm ghì lấy anh.

– Anh đừng khinh em! Chỉ có một  mình anh được…

Cô bình tĩnh tụt chiếc quần lót và vẫn cầm nó ở tay. Nhưng rồi cô vứt toẹt nó xuống nền giếng, hai cánh tay siết chặt tấm lưng chắc như gỗ lim.

Chàng trai cảm nhận được hai đầu vú to và cứng cọ vào tảng ngực mình. Người ta bảo đàn bà có đầu vú to nuôi con khéo. Ôi trời ơi, tôi sẽ có một đứa con ư? Bằng sức mạnh tưởng phải làm đổ xiêu ngôi miếu Thành hoàng, anh hiến dâng sự trong sáng của người con trai cho cô. Và cô gái, mê trong tình yêu say đắm, trong niềm hoan lạc không bờ bến, trao gửi sự trinh trắng của cô cho anh.

*

*     *

            Buổi tối Lộc cho gọi Thái lên ban chỉ huy, anh nhìn kỹ lưỡng như người Tiểu đội trưởng mất đi đâu bây giờ mới lại hiện lên. Anh cố nén, cái ác cảm bám dai dẳng trong đầu, nhoẻn cười. Thái ngồi xa phía cuối lán, Lộc vẫy lại gần, nói tóm tắt những ý Đoàn Cung dặn khi sáng, chuẩn bị cho Thái đi dự hội nghị trinh sát toàn trung đoàn. Thái phải chuẩn bị ý kiến để phát biểu.

Đã lâu Lộc mới có một lần nói chuyện kỹ lưỡng, nói một cách tâm tình với Thái. Đôi mắt Lộc nhìn thẳng vào Thái và anh nhận biết người tiểu đội trưởng chỉ huy đang xúc động. Lộc nhắc:

– Chuẩn bị tóm tắt nội dung phát biểu trong hội nghị, đưa tôi xem trước. Anh đưa mắt quan sát Thái rồi nói thêm có ý tiếc rẻ.

– Sao tay Cung không mời cả Đại đội trưởng nhỉ?

Thái đáp nhỏ, cốt để Lộc yên lòng:

–  Máy bay địch nhiều, tác chiến phức tạp. Đại đội trưởng đi sợ không có người chỉ huy vững ở trận địa. Tôi nghĩ thế.

– Ừ, có lẽ vậy…

Thái về lán, mắc màn đi nằm sớm vì anh đoán chắc đêm nay máy bay Mỹ quần dữ. Còn đang lơ mơ, chưa ngủ hẳn, Thái thấy Đăng gỡ kẻng báo động. Anh định bụng nằm gan vì ngoài hầm chỉ huy đã có trinh sát, ban đêm cần một người thôi, nhưng Xương đã gọi:

– Thái đã ra hầm chưa đấy?

Thái lao người ra ngoài lán, đứng ngay ở cửa hầm tránh bom bi vì nghe tiếng máy bay A7 rít lên rất gần.

Chiếc máy bay bổ nhào giả thăm dò hỏa lực. Xương cho đại đội bắn một điểm xạ ngắn.

Hai chiếc A7 lượn vòng hẹp ở trên đầu, máy bay A7 có hệ thống lái tự động, bay chậm, khéo léo như một con cá chuối, rất thích hợp với việc đánh mục tiêu lẻ ban đêm. Thái nói nhỏ:

– Bọn này chủ tâm lùng trận địa gây phiền toái cho chúng bấy lâu nay. Nó chuẩn bị đấu với ta đấy anh Xương ạ.

Giọng Xương khàn khàn:

– Thái lại gần đây, nghe tinh vào nhé.

Tiếng máy bay bỗng lặng đi, rất đột nhiên từ khoảng đêm đen đặc chọc ra tiếng rít o…o nhọn sắc. Tiếng rít to dần, nhói lên, đanh buốt màng nhĩ. Đăng hô:

– Máy bay bổ nhào vào trận địa!

Xương gõ kẻng cho đanh hai điểm xạ liên. Tiếng máy bay xuống rất thấp, rú ghê rợn.

Không thấy bom nổ. Có thể chiếc máy bay bổ nhào giả lừa ta bắn. Cũng có thể nó xuống thấp định cho chắc ăn mới cắt bom, thấy pháo bắn mạnh vội là lên, tên phi công chưa kịp ấn nút nhả cái khối gang chết người ấy ra.

– Nó có cắt bom không đấy, hở ông Thái? -Toài đứng trong hầm pháo hỏi vọng lên.

– Thưa, nó chưa cắt bom.

 Thái đùa:

– Nút cắt bom bị hỏng, bom hóc không chịu rời giá máy bay.

Vẫn tiếng Toài oang oác:

– Mẹ nó, hai thằng mù quờ nhau. Chơi thì chơi luôn đi, vờn mãi hại thần kinh lắm Mèo ơi!

Tiếng máy bay lại rồ lên ở phía Hồng Lĩnh. Toài quát lạc giọng:

– Quay pháo theo tiếng động cơ! Vật chuẩn 3 góc bắn 450.

Khẩu pháo quay chậm phát ra tiếng kêu “rèo rèo”. Đánh ban đêm, người pháo thủ lúc nào cũng sống trong tình trạng tâm lý phấp phỏng. Họ không biết bom rơi xuống lúc nào. Nếu ban ngày, qua kính ngắm họ có thể nhìn thấy cái chết từ khi nó rời máy bay, bé tí xíu, mảnh mai như đám hạt  người ta đem vãi. Cái đám hạt ấy lao xuống với tốc độ chóng mặt, to lên trong khoảnh khắc, dài thượt nhọn hoắt đen sì khủng khiếp. “Đám hạt” hiện nguyên hình móng vuốt của thần chết. Mặc dù vậy người lính pháo còn khả năng dận cò cho viên đạn ra khỏi nòng. Viên đạn có thể gieo cái chết cho kẻ thù và điều đó tăng thêm dũng khí, giúp họ bình tĩnh đánh trả máy bay địch. Còn ban đem nghe tiếng bom rít là một nỗi ghê sợ, chỉ khi nào nhận ra ánh chớp chói lòa, không phải phát ra từ chỗ mình, mới biết chắc rằng mình còn sống.

Tiếng rít sắc nhọn ẩn đi trong màn đêm đầy ngờ vực, giờ bật ra, xoáy thẳng xuống trên đầu. Xương cho bắn một điểm xạ và anh cười nhỏ khi không thấy bom nổ. Hình như tiếng cười ấy cốt để sở chỉ huy ấm áp, thêm bình tĩnh.

Xương nói nhỏ với Thái:

– Thái này, lần sau máy bay bổ nhào vào trận địa hô nhỏ thôi, để pháo thủ không nghe thấy, bình tĩnh mà đánh nhé.

Bỗng Lộc từ vị trí cố vấn nhảy sang hầm chỉ huy, giật lấy chiếc dùi kẻng từ tay Xương:

– Cậu đánh nhiều quá! Phải lắng xem các trận địa khác nữa chớ.

Hai “con quỷ biển” (tên người Mỹ đặt cho máy bay A7) lảng ra phía bến phà.

– Con giời bay ra chăng?- Xương nói, tiếng anh vang vang như ở sở chỉ huy vừa rồi không có chuyện gì xảy ra. Không có chuyện Lộc gọi anh là “cậu” và chiếc dùi kẻng chỉ huy bị giật thô bạo ra khỏi tay anh.

Thái cựa mình trong hầm cá nhân. Đột nhên đất dưới chân anh rung lên như người rùng mình. Tiếng không khí bị dồn nén ở độ cao cực thấp ào ào như bão. Thái kêu to, thảng thốt:

– Máy bay cường kích. Anh Xương!

Xương nhào ra:

– Cường kích! (máy bay đi rất thấp hất bom vào trận địa).

Chỉ kịp kêu lên, hình như chưa ai kịp nghe tiếng Thái và Xương, kể cả Lộc đứng trong hầm chỉ huy. Cái khoảnh khắc ghê rợn ấy tất cả đều bàng hoàng. Trận địa đã bị hai chiếc A7 thu hút đánh lừa, chiếc A6 từ hướng Cửa Hội ào đến, tiếng động cơ phản lực gầm át đi tất cả. Ánh chớp bom chói lòa. Đất thành hầm hất vào ngực làm Thái không thở được.

– Có khẩu nào bắn không? Lộc hỏi run run.

Không có tiếng trả lời. Khói bom đặc sệt trùm lên sở chỉ huy.

Có cảm giác bức tường khói ngăn cách tất cả mọi người không cho thông tin với nhau. Xương nhảy lên mặt hầm xua khói, ráng sức hỏi vọng xuống các khẩu đội.

– Có khẩu nào việc gì không? Khẩu đội trưởng báo cáo về sở chỉ huy. Khẩu một!…Khẩu hai!…

Tiếng Toài ngàn ngạt:

– Khẩu đội một bom sát thương nổ trên thành công sự. Hầm ngủ bị sập.

Chính trị viên phó giọng hốt hoảng:

– Ai ngủ ở trong ấy?

– Cậu Viên!

– Trời, đánh nhau thế mà không ra hầm pháo?

– Cậu ấy vừa thay ca trực, vào nghỉ trong hầm.

Phía nhà bà mẹ lửa bùng lên. Cháy bếp rồi. Trong ánh lửa nhìn rõ những đám khói bom trắng hếu vẫn bốc lên cuồn cuộn. Một nửa trận địa cây cỏ bị hơi bom phạt bằng. Hầm pháo khẩu đội một bị vạt hẳn một bên, khẩu pháo đứng trơ trọi.

Thái nhảy mấy bước về phía đoàn người đang bới hầm cứu Viên. Nhưng Lộc gọi giật lại:

– Dưới ấy đông người rồi. Cậu cho người vào bếp dập lửa không thì máy bay nó bâu đến bây giờ.

Ngọn lửa bốc cháy đùng đùng. Cái cổng cao từ từ rụm xuống. Tàn than từ cái khối lửa hừng hực bay tóa lên đỏ rực. Thái nhảy vào trong sân, gọi toáng lên.

– Chư ơi! Chư rỗ đâu rồi?

Cô thanh niên xung phong Thái với Viên gặp ở bờ giếng hôm trước từ sau đám lửa bùng bùng chạy ra.

– Anh ơi, anh Chư bị ù tai vì bom nổ gần đang ngồi trong hầm.

Cô gái quay ngoắt đi, mái tóc dài kẹp gấp lên đánh ngang lưng bay loáng như một lưỡi búa đen. Chiếc áo quân phục bị rách toạc từ gấu áo lên tới cổ làm lộ cả dây chiếc áo nịt. Khuôn mặt cô trong ánh lửa trông như phồng to, mồ hôi chảy thành vệt dài, dính bết bụi than. Một vết xước ở dọc trán máu đang tứa ra. Cô gái cùng các bạn cứu bếp cho bộ đội. Gió quạt thốc hơi nóng vào người làm bay xòa hai mảnh áo, làm lộ cả tấm lưng đỏ hồng như được nung trong lửa. Bất ngờ, cô bổ đến nắm lấy hai tay Thái, khiến anh ngớ ra:

– Anh ơi, anh Viên có việc gì không anh?

Thái sững người, rút khăn mùi xoa thấm máu ở trán cô gái.

– Cô là thế nào với Viên?

– Anh ơi, em van anh, em là bạn, em như vợ của anh ấy. Anh ơi! Em vừa nhìn thấy hầm pháo của anh ấy bị trúng bom rồi.

Thái ứa nước mắt:

– Hầm bị sập nó còn ở trong ấy, chưa bơi ra được.

– Trời ơi! Cô gái đổ sụp xuống chân Thái. Nhưng chỉ chớp mắt cô lại vụt đứng lên vùng chạy.

Các bạn cô đuổi theo giữ cô lại. Họ giằng co nhau, người ôm, người níu chặt tay. Minh ngồi thụp xuống, thoát khỏi tay một người bạn, rồi cô đứng bật lên, bứt mạnh. Bàn tay hai cô gái đang ngoắc nhau co kéo bỗng tuột ra. Minh bổ nhào vào bóng đêm, ngã lăn lóc. Cô lồm cồm bò dậy, loạng choạng chạy trong con ngõ hẹp rậm dài, thăm thẳm. Một chếc A6 bay cực thấp, xé màn đêm. Tất cả mọi thứ như vỡ vụn ra. Mấy chục quả bom hất xuống, bùng lên một dây chớp chói lòa. Thái nằm vật xuống bên đống tàn than âm ỉ, khóe miệng rỉ máu. Còn cô gái do quả bom hơi nổ quá gần, quần áo bị thổi bay sạch. Thân người cô không còn thứ gì che đậy. Mái tóc dài, rất dầy xổ tung, che kín vai và lưng, cô nặng nhọc hất nó về phía trước che lấp ngực, rồi thụp xuống, bàn tay cào cấu khắp người như muốn bới cái gì đó ra mà che đậy. Cô bật khóc. Đứng lên. Lại ngồi xuống, hai tay ôm gối, che ngực, đôi mắt thất thần nhìn lên ngơ ngác, bất lực.

Nhưng rồi tiếng máy bay lại gầm lên, pháo sáng bung ra. Bom lại nổ ở phía trận địa. Cô gái như đã hóa thân, vùng đứng lên, như bay vào màn đêm. Cô lao tới chỗ hầm pháo của Viên, rơi vút vào cái hố bom sâu thăm thẳm. Thứ nước ngầu đỏ, nóng sực bắt đầu ngấm ra. Bọt nước như bọt máu bám vào đôi chân dài, trắng muốt của cô  thanh niên xung phong. Cô nhoài lên, tụt xuống lại nhoài lên. Thân hình đẹp đẽ, thanh xuân hằn lên trong đám sắt thép.

Giấu thân mình đi, đầu cô gái ngẩng cao, hai bàn tay cào vào đất.

Thái bổ về trận địa, thấy tốp chiến sĩ do Chính trị viên phó chỉ huy vẫn chưa bới được Viên. Chiếc hầm cũ do đơn vị bạn để lại trên nóc lát tà vẹt và mấy lần gạch chống bom bi nên bới rất khó, lưỡi xẻng chạm vào chỗ nào cũng thấy lủng củng. Thái gò lưng cùng cậu pháo thủ khiêng được thanh tà vẹt gỗ ra, thì lưỡi xẻng của Chính trị viên cũng xúc phải chân Viên.

– Nhanh lên các đồng chí. Cậu ấy ngạt rồi còn gì! Thái thởi hồng hộc.

Thái vục hai bàn tay bới đất. Đầu ngón tay móc sâu vào cát lẫn mảnh gang và Thái bỗng bủn rủn tay chân, người bàng hoàng như có luồng điện chạy ngược từ đầu ngón tay lên óc, anh đã chạm vào mái tóc Viên.

“Đây rồi, mau lên”. Đỗ khỉ, sao cậu run thế?”. “Tôi sợ quá! Từ nhỏ tôi chưa chạm vào người chết bao giờ”. “Đồ nhát gan. Đồ thỏ đế gở mồm. Chết đâu mà chết. Bới nhanh cho hở mũi, hở mồm ra đã”.

Đầu Viên lộ ra giữa đám gạch và đất, cái cổ ngoẹo sang một bên, mềm nhũn.

Một chiếc A6 lại rẹt qua trên đầu, cắt bom vào đầu con đường rẽ đưa pháo vào trận địa.

Thái cùng Đăng khom lưng khiêng Viên về sở chỉ huy, Lộc gắt:

-Làm sao lại đưa về đây?

Thái nói như rên:

– Để cậu ấy nằm giữa mấy cái hầm cá nhân. Máy bay có đánh nữa, còn tránh được.

– Y tá đâu?

– Vào bếp cứu mấy người bị sức ép hơi bom trong nhà bếp.

– Ai xử trí ca này?

– Tôi ạ!

Viên vẫn chỉ mặc độc một chiếc quần đùi Thái nhìn thấy ở giếng buổi sáng. Thái sờ vào bộ ngực rộng bụi cát dính ram ráp. Người Viên vẫn còn ấm.

Lộc không nói gì nữa, anh liếc qua chỗ Viên nằm trên cáng và lại bận tâm theo dõi tốp A7 đang vòng trở lại.

Thái quì xổm bên Viên ,lấy ngón tay móc đất trong  mồm ra. Anh dùng bàn tay lau bớt đất bám vào cặp môi dày rồi ngậm miệng vào cặp môi ấy hô hấp trực tiếp.

Một vị lạ mặn mặn và mùi thức ăn  đã hoai ngấm vào miệng Thái, nước miếng trào ra buốt chân răng. Anh dùng hết sức thổi thật mạnh, một tay bịt mũi Viên. Khuôn ngực Viên từ từ  vồng lên. Dùng bàn tay xoa nhẹ vùng tim, đầu Thái hơi ngẩng lên, ngừng thổi. Thái mong có luồng hơi từ từ qua miệng, mũi người pháo thủ số hai nổi tiếng gan góc và tài hoa phả nhẹ ra.

Thái lại mở rộng gối, lưng võng xuống, dồn hơi thổi, luồng hơi mang sinh khí truyền sang Viên nặng nhọc và anh làm công việc ấy chật vật đau đớn, có gì gần giống người đàn bà trong cơn đau sinh nở.

Hai chiếc A7 đã vòng lại, lần này xuống rất thấp thả pháo sáng. Thỉnh thoảng có thể nhìn thấy chiếc máy bay lóa lên trong ánh sáng nhờn nhợt. Chúng tăng tốc tỏ rõ quyết không tha cái trận địa bé con hàng tháng nay quần nhau với chúng gan góc và mê muội, vừa tỉnh táo thiên biến vạn hóa, vừa lỳ trơ trong vùng kim cô xiềng xích vô hình. Bây giờ cái trận địa pháo ấy đã bị các đám lửa cháy làm thành lộ tiêu hiện lên rõ ràng trước mắt mấy tên phi công.

Lộc ngửa cổ nhìn chiếc máy bay loáng qua rồi lại nghiêng tai xem nó đã bổ nhào chưa. Hình như anh không còn giữ được bình tĩnh nữa.

Thái kiên nhẫn làm hô hấp nhân tạo cho Viên. Có thể đã được một tiếng hoặc hơn một tiếng đồng hồ rồi. Thái không còn khái niệm về thời gian. Anh nghĩ tới buổi nói chuyện với Viên sáng nay và bỗng rùng mình khi nghĩ rằng đã có một linh cảm nào mách bảo với Viên chăng. Rồi anh nghĩ đến lúc Viên đỡ lưng Hà. Nó tinh lắm, có lẽ chạm vào Hà nó biết cô ấy có mang nên nó nâng niu cái sự sống bé nhỏ trong người. Nghĩ vậy Thái lại ráng sức thổi, mong truyền sinh khí sang người Viên.

Có một lúc làn da ở ngực Viên ấm lên. Hay đó chỉ là do cảm giác của Thái chăng. Anh luống cuống dùng gan bàn tay lau bụi ở trán, ở hai mu mắt, hai gò má, trên sống mũi, chóp mũi, chỗ hy vọng cảm được hơi nóng đầu tiên. Rồi Thái lại dùng hết sức thổi một hơi thật dài.

Luồng hơi phì ra nhanh như từ trong một quả bóng, không có chút sinh khí của sự sống. Tất cả hình như đã chết. Con người Viên trong một thế giới khác, một thế giới khác, một thế giới vô tri,vô giác, không còn ước mơ, thèm khát, không ham muốn và đau khổ nữa…

Nhưng mà này, có một hơi thở nhỏ nhoi, bỗng nhiên xuất hiện sau luồng hơi dài bị đẩy ra. Thái nhổm hẳn người dậy nói nhanh như khóc “Viên ơi, sống lại đi. Sống lại đi Viên! Mình sẵn sàng san sẻ một nửa sự sống của mình sang cho cậu. Viên. Viên ơi!”.

Hơi thở tiếp theo đã ấm hơn. Ơ này, hình như cái đầu Viên khẽ cựa, rồi lật khẽ sang một bên.

Một chiếc A7 sà xuống rất thấp, tiếng động cơ làm tê lạnh sống lưng Thái. Anh chồm lên. À, thằng phi công, cái thằng người kia. Cái thằng người máy con đẻ của chiến tranh bấm nút hủy diệt vẫn lằng nhằng, tàn độc, vẫn truy đuổi Viên. Cái chết vẫn truy đuổi ráo riết nghiệt ngã không buông tha. Thái hoảng hốt cuống cuồng, gần như nằm che lên người Viên và vẫn thở vào ngực bạn điên cuồng.

Có một cuộc chạy đua không hề nhân nhượng.

Hơi thở dài làm Viên bị ngợp, người pháo thủ số hai lắc đầu, một bàn tay khẽ động đậy, rồi toàn thân ấm nóng. Hơi ấm sự sống lan sang Thái rân rân, như ngược chiều chạy thẳng vào tim, vào óc Thái. Anh muốn gào lên vì sung sướng.

Chiếc A7 thả thêm pháo sáng và tăng lực gào thét lao xuống. Các trận địa trong trung đoàn chia lửa bắn mạnh thu hút bọn phi công. Hỏa lực mạnh mẽ tập trung nhằm hất mấy chiếc máy bay lên cao. Nhưng bọn A7 quỷ quyệt không chịu rời những đám cháy chưa tắt hẳn.

Tiếng động cơ chiếc sau nhỏ dần rồi bỗng tắt lặng đi. Chừng một giây sau nói bắt đầu rít lên o…o…ro…ro

– Nó bổ nhào rồi đấy Đại đội trưởng ạ! – Đăng nhắc Lộc nhỏ nhẹ, không dám nói to.

– Không, tớ phải nghe đã. Giọng Lộc run run.

Thái bỏ dở chừng hơi thở cho Viên, hét lên:

– Máy bay bổ nhào thẳng vào trận địa. Đánh đi anh!

Lộc ghè hụt chiếc dùi kẻng. Anh vội vã vụt mạnh nhát tiếp theo.

Không kịp nữa. Vài luồng đạn ngắn bay lên. Chiếc A7 vẫn cứ lao xuống.

Trời đất bỗng chao đi, đen đặc lại rồi chói lòa trong mắt Thái. Sóng chấn động và luồng hơi cực mạnh, bỏng rát, hất tung Thái ra xa Viên. Anh quờ tay sang hai bên theo bản năng, mắt không nhìn thấy, lồm cồm bò về chỗ Viên nằm. Tay Thái lập cập sờ thân thể người pháo thủ. Đất phủ kín người Viên. Một tảng đất củ to bằng chiếc thúng cái từ đáy hố bom ném lên đè kín ngực và cổ Viên. Đầu người pháo thủ bị đẩy thõng ra ngoài thành chiếc cáng. Thái bật khóc rưng rức:

– Viên ơi! Thôi rồi. Viên!

Anh hất tảng đất ra, gục xuống ngực người lính trẻ.

– Viên ơi, tôi không cứu được cậu. Viên ơi?

Thái lảo đảo đứng lên, tay quờ quờ trước mặt như hóa dại. Phía khẩu đội một tiếng Toài gào xé ruột:

– Ối giời ơi! Ối mẹ ơi! Cứu chúng tôi với…

Bình luận về bài viết này