NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG: TRÍ THỨC


Nguyễn Đình Đăng

NTT – Sa Hoàng Nikolai Đệ Nhị từng căm ghét trí thức đến nỗi muốn loại bỏ từ “trí thức” khỏi từ vựng của tiếng Nga: “Trí thức là một từ ghê tởm”. Lenin gọi trí thức là cứt. Mao bảo trí thức là cục phân. Ngô Bảo Châu nói trí thức là người lao động trí óc. Ai đó nói trí thức là dấn thân. Phải chăng trí thức là tất cả những thứ ấy cộng lại? Mời bạn đọc dưới đây bài viết của NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

Hồi còn là sinh viên năm thứ nhất (1976 – 1977) tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Maxcơva [1], một lần ngay trong giảng đường vào giờ nghỉ, chúng tôi được yêu cầu khai lý lịch để nộp cho giáo vụ trường. Đến mục thành phần giai cấp của gia đình, tôi viết “trí thức” (интеллигенция), lại còn “trầm trọng” ghi chú “cha: thầy giáo, mẹ: bác sĩ” (отец – учителъ, мать – врач). Petya, cậu bạn Nga của tôi, thấy vậy bảo: “Ê, tiểu tư sản! Xoá đi mày! Ghi như tất cả chúng tao đây này: рабочий (lao động, công nhân).” Thấy tôi có vẻ băn khoăn, cậu ta giải thích: “Chúng tao gọi thầy giáo và bác sĩ là những người lao động trí óc (работники умственного труда).”

*

Phải nói thẳng một cách sòng phẳng như thế này. Trong lịch sử nhân loại chưa có một chế độ độc tài nào lại tôn trọng trí thức. Độc tài và trí thức không khác gì lửa và nước. Tần Thủy Hoàng từng ra lệnh đốt Kinh Thi và Kinh Thư, chôn sống hơn 460 Nho sĩ. Sa Hoàng Nikolai Đệ Nhị từng căm ghét trí thức đến nỗi muốn loại bỏ từ “trí thức” khỏi từ vựng của tiếng Nga: “Trí thức là một từ ghê tởm,” ông ta nói. Nhà độc tài kế tiếp ông, lãnh tụ cộng sản Lenin còn tiến một bước xa hơn khi đã không ngần ngại sử dụng một trong những từ thiếu sạch sẽ nhất để gán cho trí thức: Lenin gọi trí thức là cứt. Trong thư gửi Maxim Gorky ngày 15/9/1919, Lenin viết: “Các lực lượng trí tuệ của công nông đang trưởng thành vững mạnh trong cuộc đấu tranh lật đổ tư sản và bọn đồng lõa, lũ trí thức – đầy tớ của tư bản, những kẻ tưởng mình là bộ não của quốc gia. Trên thực tế, bọn chúng không phải là bộ não mà là cứt.[2].

Khác với từ intellectuals trong tiếng Anh, thường được dùng chủ yếu để chỉ những người có nghề nghiệp chuyên môn trong các lĩnh vực lao động trí tuệ nhằm phân biệt họ với những người lao động chân tay, khái niệm trí thức (интеллигенция) trong tiếng Nga được dùng cho tầng lớp của những người không đơn thuần chỉ có học và lao động trí óc, mà còn phải có tư duy phê phán, phải gánh vác những lý tưởng cao cả. Các tính năng chính của trí thức Nga trước cách mạng tháng 10 mang đặc thù của những cứu tinh trong xã hội, bao gồm: 1) sự quan tâm tới số phận của đất nước (trách nhiệm dân sự), 2) thái độ và hành động hướng tới phê bình xã hội, tới cuộc đấu tranh với tất cả những gì cản trở sự phát triển quốc gia (vai trò của những người gánh vác lương tâm xã hội), và 3) khả năng đồng cảm với những ai “bị xúc phạm và bị xỉ nhục” (cảm giác đồng cảm về đạo đức).

Vốn có truyền thống tự chịu trách nhiệm về tương lai của đất nước như vậy, nên một số trí thức Nga đã có ảo tưởng ngây thơ rằng họ có thể hợp tác với chính thể độc tài, thuyết phục những người cầm đầu để họ cải tổ theo chiều hướng tự do dân chủ. Họ chưa bao giờ thành công. Sau cách mạng tháng 10 Nga, các văn hào như Maxim Gorky và Vladimir Korolenko đã đích thân tới gặp Lenin với hy vọng thuyết phục ông ngừng khủng bố, nhưng họ đã thất bại.

Những người cầm đầu trong bộ máy quyền lực của chính thể cộng sản đã không bao giờ tha thứ thái độ “phản động” hay “phản cách mạng” của giới trí thức và đã nhanh chóng đàn áp họ. Thi sĩ nổi tiếng Nikolai Gumilev là nạn nhân đầu tiên. Năm 1921 ông đã bị buộc tội âm mưu chống lại chế độ Xô Viết và đã bị xử bắn. Cuộc đàn áp trí thức của chính quyền Xô Viết đã đẩy hàng loạt trí thức Nga di tản ra nước ngoài sau cách mạng tháng 10. Những đại diện xuất sắc của giới trí thức Nga thời đó, kể cả các triết gia và các văn hào lớn như Nikolai Berdyaev [3] – chủ bút tờ Vekhi (Вехи: Những cột mốc), cũng bị chính quyền trục xuất ra khỏi đất nước vào cuối năm 1922. Sự đàn áp này còn tiếp tục cho tới khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, với nhiều văn nghệ sĩ và trí thức bị tống giam, trục xuất, đày ải, trong đó có những cá nhân kiệt xuất như nhà vật lý Lev Landau (Nobel vật lý năm 1962, bị bắt giam 1 năm trong đợt thanh trừng 1936 – 1938), nhà thơ Iosif Brodsky (Nobel văn chương năm 1987, bị trục xuất năm 1972), nhà văn Alexandr Solzhenitsyn (Nobel văn chương năm 1970, bị bắt giam 11 năm tù 1945 – 1956, bị trục xuất năm 1974), nhà vật lý Andrei Sakharov (Nobel hoà bình năm 1975, bị bắt và bị quản thúc 6 năm 1980 – 1986),  v.v.

Dưới chính thể cộng sản, Đảng cộng sản cai trị toàn xã hội, không cho phép bất cứ đảng phái đối lập nào khác tồn tại, chưa nói cạnh tranh quyền lực, và thẳng tay trừng trị mọi tư tưởng khác quan điểm do đảng áp đặt, chứ chưa nói tới hành động, mà những người cộng sản cho rằng có thể đe doạ địa vị thống trị của họ. Chỉ riêng chế độ Stalin – người kế thừa Lenin – đã hành quyết và đầy ải đến chết hơn 20 triệu người [4], gấp đôi số nạn nhân đã chết trong các lò thiêu người và trại tập trung của phát-xít Hitler. Chính thể cộng sản quả thật là chính thể độc tài tàn bạo nhất trong thế kỷ thứ 20.

*

Bài học đau xót của trí thức dưới chính thể cộng sản đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã được lặp lại tại Việt Nam. Vào năm 1956, khi một số văn nghệ sĩ, luật sư, triết gia, bác sĩ, nhà giáo tại Hà Nội như Hoàng Cầm, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Phan Khôi, Tử Phác, Phùng Quán, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, v.v. lên tiếng đề nghị Đảng cộng sản (lúc đó lấy tên là Đảng Lao Động Việt Nam) tôn trọng tự do sáng tạo, hành xử theo luật pháp v.v., họ đã bị đàn áp thẳng tay trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và vụ Nhân Văn Giai Phẩm là những đòn trí mạng giáng vào giới trí thức Việt Nam, và kết quả là đã “đào tận gốc trốc tận rễ” tầng lớp này trên miền Bắc. Còn sau năm 1975, Việt Nam là đất nước đã sinh ra cuộc di tản khổng lồ bằng thuyền khủng khiếp nhất trong lịch sử hiện đại [5] với hơn 1.6 triệu người bỏ quê hương di tản ra ngoại quốc, trong đó có hàng ngàn trí thức miền Nam [6].

Trên thực tế, nếu hiểu giới trí thức như khái niệm интеллигенция, thì Việt Nam từ đó không còn giới trí thức nữa. Thay vào đó, cụm từ “trí thức xã hội chủ nghĩa (XHCN)” đã ra đời tại miền Bắc XHCN, và sau đó cụm từ này đã chết yểu. Nó cũng tương tự như việc thay thế chủ nghĩa hiện thực trong văn học nghệ thuật bằng “hiện thực XHCN” tại Liên Xô trước đây mà nhiều nước trong khối cộng sản đã bắt chước. “Hiện thực XHCN” đã hoàn toàn phá sản sau khi Liên Xô sụp đổ. Câu chuyện tiếu lâm dưới đây, mà tôi từng được nghe trong thời sinh viên tại Liên Xô, đã nêu rõ thực chất của thứ “hiện thực” này.

Thành Cát Tư Hãn sau khi chinh phạt thế giới, đã trở thành bá chủ một đế quốc mênh mông trải dài từ bờ biển Đông tới lưu vực sông Danube. Tuy nhiên, trong một lần chinh chiến, ông ta đã bị mất một mắt. Có lần vị hoàng đế nhà Nguyên này ban lệnh tìm hoạ sĩ giỏi để vẽ chân dung cho mình. Hoạ sĩ thứ nhất được tiến cử tới yết kiến Thành Cát Tư Hãn, và đã vẽ hoàng đế nhà Nguyên với đầy đủ cả hai mắt tinh. Sau khi bức tranh được hoàn thành và được đem trình hoàng đế xem, Thành Cát Tư Hãn khinh bỉ nói: “Sao lại có cái thứ lãng mạn chủ nghĩa đồi bại thế này?”, rồi ra lệnh chém đầu hoạ sĩ. Hoạ sĩ thứ hai được vời tới. Rút kinh nghiệm thảm khốc từ hoạ sĩ trước, hoạ sĩ này đã vẽ Thành Cát Tư Hãn giống y như thực, tức là với một mắt tinh và một mắt chột. Thành Cát Tư Hãn liếc nhình bức tranh rồi phán: “Tự nhiên chủ nghĩa tục tằn!” Hoạ sĩ thứ hai cũng bị bay đầu. Hoạ sĩ thứ ba đã vẽ chân dung Thành Cát Tư Hãn en profil (chân dung nhìn nghiêng), chỉ thấy con mắt tinh, còn con mắt chột được che khuất trong nửa không nhìn thấy của khuôn mặt. Hoàng đế nhà Nguyên xem tranh và khen: “Đây mới thực sự là hiện thực xã hội chủ nghĩa!”, rồi truyền ban thưởng cho hoạ sĩ.

Trong tác phẩm “Trí thức và vai trò của nó trong quá trình văn hoá”, Vitaly Tepikin đã tổng hợp và đề xuất 10 dấu hiệu của giới trí thức hiện đại là [7]

1 – có lý tưởng đi trước thời đại, nhạy cảm với người xung quanh, lịch sự nhũn nhặn trong biểu hiện;

2 – tích cực lao động trí óc và liên tục tự học;

3 – ái quốc dựa trên niềm tin vào nhân dân và có tình yêu quê hương sâu sắc;

4 – sáng tạo không mệt mỏi và có lối sống giản dị đến khổ hạnh;

5 – độc lập, có khát vọng đạt tới tự do biểu hiện, và tìm thấy mình trong khát vọng đó;

6 –  có quan hệ phê phán đối với chính quyền, lên án mọi biểu hiện của bất công, vô nhân đạo, phản nhân văn, phản dân chủ;

7-  trung thành với niềm tin do lương tâm mình mách bảo, ngay cả trong những điều kiện khó khăn nhất, kể cả phải hy sinh quyền lợi bản thân;

8 – nhận thức thực tế một cách mơ hồ, dẫn đến dao động về chính trị và đôi khi có biểu hiện bảo thủ;

9 – Có niềm oán hận lớn trước những gì không thực hiện được trên thực tế hoặc trong tưởng tượng, kết quả là đôi khi trở nên hoàn toàn khép kín tự cô lập mình;

10 – Các nhà hoạt động chuyên môn trong các lĩnh vực khác nhau, và ngay cả trong cùng một lĩnh vực, thường hiểu lầm nhau, hậu quả là đôi khi nổi cơn ích kỷ hoặc bốc đồng.

Tepikin cho rằng một cá nhân có ít nhất một nửa số dấu hiệu trên đây có thể được gọi là “trí thức theo nghĩa đại khái của từ đó”. Chuyển sang ngôn ngữ Việt Nam đương đại, có thể tạm gọi những người thoả mãn 5/10 biểu hiện nêu trên là các “trí thức dự khuyết”.

Trong giới những người (thực sự) có học vấn của Việt Nam, đại đa số chắc hội đủ ba dấu hiệu cuối (8 – 10). Những người khoa bảng mà lúc đầu từng hoạt động chuyên môn nhưng sau bỏ để ra làm quan thì khó có thể giữ được các dấu hiệu 2, 4 – 10, nếu không nói rằng hai dấu  hiệu còn lại (1 và 3) đối với những người này không phải lúc nào cũng đáng tin cậy.

*

Tương truyền, trong một lần thuyết giảng, triết gia cổ Hy Lạp Plato đã định nghĩa “con người là một động vật đi bằng hai chân và không có lông vũ.” Diogenes – một triết gia cổ Hy Lạp khác –  nghe vậy bèn bắt một con gà, vặt sạch lông, thả vào giảng đường, rồi nói: “Các người hãy nhìn kìa, đó là Con Người theo định nghĩa của Plato!” Nghe nói Plato sau đó đã phải thêm “có móng rộng và bẹt” vào định nghĩa “Con Người” của mình.

Gẩn đây có một vài ý kiến của một số “Plato Việt Nam” muốn xác định lại các tiêu chí thế nào là trí thức. Ngay lập tức họ được các “Diogenes Việt Nam” lên tiếng sửa gáy. Đội quân các “Diogenes Việt Nam” rất hùng hậu, có tới cả ngàn. Thay vì sống trong thùng tô nô, họ sống trong các blog. Họ cũng không xách đèn đi tìm người lương thiện giữa ban ngày [8], bởi dường như đã biết trước câu trả lời. Họ lại càng không có cơ hội để làm như Diogenes khi gặp Alexander Đại Đế. Theo sử gia Plutarch, khi Alexander Đại Đế tới Corinth, những người đứng đầu thành phố và các triết gia đã lũ lượt kéo nhau tới yết kiến Alexander, chỉ riêng Diogenes vắng mặt. Alexander bèn đích thân đi tìm Diogenes, và thấy ông này đang nằm dài sưởi nắng bên cái thùng ông dùng làm chỗ ngủ. Khi Alexander Đại Đế hỏi: “Hỡi nhà hiền triết, ngươi có muốn ta làm gì giúp ngươi không?”, Diogenes đã trả lời: “Ngài hãy đứng tránh sang một bên để khỏi che lấp ánh mặt trời của tôi.” Các triết gia và đám tùy tùng của Alexander Đại Đế nghe vậy cười phá lên, trong khi chính Alexander Đại Đế nói: “Nếu ta không phải là Alexander thì ta đã là Diogenes.”

Giovanni Battista Tiepolo, “Alexander Đại Đế và Diogenes”, sơn dầu, 47 x 60 cm (1770). Bảo tàng Cung điện Yusupov tại Saint Petersburg.

Tới đây tôi chợt nhớ tới ca từ trong một bài hát của nhóm hip hop Dead Brez:

Bạn muốn có một chiếc Lexus hay Công Lý?

Một ước mơ hay của cải?

Một chiếc BMW, một chuỗi hạt xoàn, hay Tự Do? [9]

Ca từ này đúng hơn bao giờ hết tại Việt Nam đương đại. Rõ ràng bạn không thể vừa được người ta cấp xe sang (hay tặng nhà to) lại vừa có Tự Do (hay Công Lý). Bạn chỉ có thể chọn một trong hai thứ đó. Lập luận rằng cưỡi xe BMW mới tiến được hoặc tiến nhanh hơn tới Công Lý (hay Tự Do) là ngụy biện, tự dối mình và lừa dối người khác. Đặc biệt, nếu bạn là một người lao động trí óc theo một chuyên môn nào đó, việc bạn chọn cái gì sẽ tự động xếp bạn vào hàng ngũ những “trí thức dự khuyết”, hay vào đám học giả xu thời đang ngày càng lạm phát trên đất nước này.

Tokyo, 25/1/2012


[1] Tên đầy đủ Đại học Tổng hợp Quốc gia Maxcơva mang tên M.V. Lomonosov (Московский Государственный Университет имени М.В. Ломоносова), viết tắt là MGU (МГУ).

[2] Nguyên văn tiếng Nga: “Интеллектуальные силы рабочих и крестьян растут и крепнут в борьбе за свержение буржуазии и ее пособников, интеллигентиков, лакеев капитала, мнящих себя мозгом нации. На деле это не мозг, а говно”. Trích từ V.I. Lenin, Thư gửi A.M. Gorky ngày 15/9/1919, Toàn tập, Tái bản lần thứ 5, NXB Văn học Chính trị, 1978, tập 51, trang 48-49 (В.И. Ленин, Из письма А.М. Горькому от 15 сентября 1919 года, Полное собрание сочинений, издание пятое Изд-во политической литературы, 1978 г. т. 51, стр. 48-49) (Xem bản tiếng Anh tại đây)

[3] Nikolai Alexandrovich Berdyaev (Николaй Алексaндрович Бердяев) (1874 – 1948) – triết gia Nga; thời Sa Hoàng, do tham gia nhóm Marxist nên từng bị bắt năm 20 tuổi và bị đày biệt xứ; năm 29 tuổi do chỉ trích Nhà Thờ Chính thống Nga nên bị kết tội báng bổ và bị đày đi Siberia; dưới thời Xô Viết do không chịu chấp nhận chính thể của đảng Bolshevik áp đặt sự thống trị của nhà nước độc tài lên tự do cá nhân, nên đã bị chính quyền Xô Viết trục xuất cùng hơn 160 nhà văn và học giả danh tiếng khác sang Đức bằng tàu thủy vào tháng 9/1922 (từ một danh sách gồm 280 người bị bắt trong đó có 32 sinh viên).

[4] New World Encyclopedia, http://www.newworldencyclopedia.org/entry/Great_Purges;

Heroes & Killers of 20the Century: Joseph Stalin: http://www.moreorless.au.com/killers/stalin.html

[5] Theo báo cáo của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, 1/3 số thuyền nhân  (boat people)  Việt Nam đã chết trên biển vì bị giết, bão, bệnh tật, đói. Thống kê của Cao ủy này cho biết chỉ riêng năm 1981 có 15095 thuyền nhân  Việt Nam đã vượt biên từ Việt Nam tới được Thái Lan trên 455 thuyền. Trong số đó có 352 thuyền (77%) bị bọn hải tặc tấn công. Số vụ tấn công là 1149 tức trung bình mỗi chiếc thuyền bị hải tặc tấn công hơn 3 lần. 571 người Việt Nam đã bị hải tặc giết. 599 phụ nữ Việt Nam đã bị hải tặc hãm hiếp. 243 người Việt Nam đã bị bắt cóc.

[6] Postwar Vietnam: Dynamics of a transforming society, Ed. Hy V. Luong, (Rowman & Littlefield Publishers Inc., 2003).

[7] Виталий Тепикин, Интеллигенция, ее роль в культурном процессе. Vitaly Tepikin là tiến sĩ lịch sử, chuyên gia về lý thuyết và lịch sử trí thức, giáo sư thuộc viện Tri thức khoa học tự nhiên Nga (Российская академия естествознания).

[8] Diogenes từng xách đèn đi ngoài phố giữa ban ngày. Khi được hỏi làm gì đấy, ông trả lời: “Tôi đi tìm một người lương thiện.” Tương truyền ông chỉ gặp toàn bọn bất lương và vô lại.

[9] Nguyên văn: You would rather have a Lexus or Justice? A dream or some substance? A Beamer, a necklace or Freedom?

Nguyễn Đình Đăng sinh năm 1958 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Nhà nướcMoscowvào năm 1982. Tiến sĩ khoa học vật lý và toán học năm 1990 tại cùng một trường đại học. Ông đã đến Nhật Bản trong năm 1994 như là một nhà nghiên cứu của Nishina Memorial Foundation và tham gia RIKEN vào năm 1995. Hiện nay, ông nghiên cứu khoa học của Phòng thí nghiệm Vật lý hạt nhân tại Nhật Bản, đồng thời phục vụ như một nhà khoa học cấp cao tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, nơi ông đã nhận vị trí cố định của mình vào năm 1982. Hội viên của hội Mỹ thuật Việt Nam và Hiệp hội Cá nhân-Artist Nhật Bản. Ông cũng nói thành thạo tiếng Việt, tiếng Anh, Nga, và tiếng Pháp.

11 bình luận

  1. Bài viết hay !

  2. anh ĐĂNG viết văn cũng hay

  3. “Trí thức Việt nam như con c. (dương vật) buồn thiu” PTH

  4. Sao lại là 25/2/2012 Bác ơi? “Tokyo, 25/2/2012”

    ________

    Cám ơn bạn. Phải nói là bạn đọc rất kỹ. Đây là lỗi của tác giả. Phụ Tá đã sửa lại 25/1/2012.

    PT

  5. Đoạn Nguyễn Đình Đăng trích dịch và phân tích câu nói của Lenin và cho rằng “Lenin gọi trí thức là cứt” rất có vấn đề. Chỉ xin nói (khẳng định) ngắn gọn: không phải Lenin gọi “trí thức” là cứt, mà chỉ gọi “trí thức tư sản” (буржуазные интеллигенты) mà thôi. Đoạn dịch của NĐĐ không chuẩn, bỏ sót chữ, sai từ, vô tình (hay có ý?) gây hiểu nhầm.
    Xin gửi đoạn văn bản phân tích sau đây, người nào biết tiếng Nga có thể đọc hiểu, hoặc bạn nào giúp dịch chuẩn sang tiếng Việt thì càng hay.

    «На деле это не мозг, а говно» (о буржуазных интеллигентах)

    Известна фраза Ленина о буржуазных интеллигентах: «На деле это не мозг, а говно».
    Она встречается в его письме А. М. Горькому, отправленном 15 сентября 1919 года в Петроград[9], которое автор начинает сообщением о заседании Политбюро ЦК РКП(б) 11 сентября 1919 года: «мы решили в Цека назначить Каменева и Бухарина для проверки ареста буржуазных интеллигентов околокадетского типа и для освобождения кого можно. Ибо для нас ясно, что и тут ошибки были».[10])
    И разъясняет:
    «„Интеллектуальные силы“ народа смешивать с „силами“ буржуазных интеллигентов неправильно. За образец их возьму Короленко: я недавно прочел его, писанную в августе 1917 г., брошюру „Война, отечество и человечество“. Короленко ведь лучший из „околокадетских“, почти меньшевик. А какая гнусная, подлая, мерзкая защита империалистской войны, прикрытая слащавыми фразами! Жалкий мещанин, плененный буржуазными предрассудками! Для таких господ 10 000 000 убитых на империалистской войне — дело, заслуживающее поддержки (делами, при слащавых фразах „против“ войны), а гибель сотен тысяч в справедливой гражданской войне против помещиков и капиталистов вызывает ахи, охи, вздохи, истерики.
    Нет. Таким „талантам“ не грех посидеть недельки в тюрьме, если это надо сделать для предупреждения заговоров (вроде Красной Горки) и гибели десятков тысяч. А мы эти заговоры кадетов и „околокадетов“ открыли. И мы знаем, что околокадетские профессора дают сплошь да рядом заговорщикам помощь. Это факт.
    Интеллектуальные силы рабочих и крестьян растут и крепнут в борьбе за свержение буржуазии и ее пособников, интеллигентиков, лакеев капитала, мнящих себя мозгом нации. На деле это не мозг, а г…
    „Интеллектуальным силам“, желающим нести науку народу (а не прислужничать капиталу), мы платим жалованье выше среднего. Это факт. Мы их бережем».

    http://ru.wikipedia.org/wiki/%D0%9B%D0%B5%D0%BD%D0%B8%D0%BD%D1%81%D0%BA%D0%B8%D0%B5_%D1%84%D1%80%D0%B0%D0%B7%D1%8B

  6. Viết về “trí thức”
    .
    Xin trích dịch 1 đoạn lời giới thiệu tập 44, Lênin Toàn tập (t. Anh):
    http://www.marxists.org/archive/lenin/works/cw/prfv44pp.htm
    ”Lenin chỉ ra rằng các nhà khoa học phải đi đầu trong việc áp dụng các tri thức khoa học vào nền kinh tế quốc gia và ứng dụng các thành tựu khoa học. Tập 44 công bố lá thư Lenin gửi Gorki ngày 15 tháng Chín 1919 trong đó ông nói rằng chính quyền Sowjet đánh giá cao các nhà khoa học đã quyết tâm đóng góp trí tuệ và công lao cùng nhân dân. Lenin viết: “Đối với ‘thành phần trí thức’ đem khoa học đến với nhân dân (mà không phải là để phục vụ cho tư bản), chúng ta đã trả lương cao hơn mức bình thường – Đó là sự thật; Chúng ta quan tâm đến họ – Đó là sự thật.” (trang 285). Đồng thời, Lenin cũng giải thích cho Gorki rằng chính quyền Sowjet buộc phải có những biện pháp nặng nề đối với những người tham dự vào những âm mưu phản cách mạng đe dọa cuộc sống hàng vạn công nhân và nông dân.”
    .
    Về câu nói của ông Mao, xin dẫn một phiên bản khác (tiếng Đức):
    Das Dogma ist weniger wert als ein Kuhfladen.
    và dịch là:
    Giáo điều kém giá trị hơn là một bãi phân bò.
    Nếu cho rằng thâm ý của ông Mao là chửi rủa tất cả những người viện dẫn sách vở để „phản biện“ lại ông ta thì cũng có thể chấp nhận cách diễn đạt ý và bản chất „cục súc“ của „nguyên tác (giả)“!
    .
    Vấn đề „trí thức và chính trị“ lại là chuyện dài khác.
    .
    Trân trọng.
    [PS.: Có thể tham khảo thêm trường hợp „dùng“ nhà khoa học về „tên lửa“ người Mỹ gốc Tàu tham gia phát triển nghành vũ trụ và tên lửa đạn đạo của TQ.]

  7. 28/01/2012 lúc 18:22

    Theo tôi, trí thức là một khái niệm chung, còn “trí thức tư sản” và “trí thức XHCN” chỉ là sản phẩm của Lenin và các nhà tư tưởng của những chế độ toàn trị khởi nguồn từ Lenin mà ngay trên quê hương ông người ta đã cho vào sọt rác. Đối tượng những lời nguyền rủa của Lenin trong đoạn trích dẫn trên là V.G.Korolenko (1853-1921), nhà văn và người bảo vệ nhân quyền mà 90 năm ngày mất vừa được giới yêu văn chương Nga và Ucraina kỷ niệm tháng trước. V.Korolenko từng là người tố giác không khoan nhượng sự chuyên quyền cả của chế độ Nga hoàng lẫn “bạo lực đỏ” của những người bolshevik. Cùng với A.P.Chekov, năm 1902 ông đã từ chức viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Nga để phản đối việc Maxim Gorky không được bầu vào Viện do hoạt động cách mạng. Mời các bạn Phụ tá, Vietboy và bà con xem thêm về nhà văn từng được nhiều người cùng thời gọi là “vĩ nhân đạo đức” (“нравственный гений”) trên trang

    http://en.wikipedia.org/wiki/Vladimir_Korolenko

    Xin phép quay lại với khái niệm “trí thức”, intelligentsia, với nghĩa xã hội có nguồn gốc Nga,
    en.wikipedia.org/wiki/Intelligentsia
    ru.wikipedia.org/wiki/Интеллигенция

    Từ интеллигенция bắt đầu được sử dụng trong văn hóa Nga vào những năm 60 thế kỷ 19. Nhà báo P. Boborykin (1836-1921), người đầu tiên dùng từ này, đưa ra định nghĩa: trí thức là những người có văn hoá trí tuệ và đạo đức cao (nguyên văn: “лица c высокой умственной и этической культуры”, chứ không phải đơn thuần là những người lao động trí óc. Gần chúng ta hơn về thời gian, viện sĩ (viện hàn lâm khoa học Nga) D.S.Likhachov (1906-1999), người từng được coi là “lương tâm nước Nga” (xem http://en.wikipedia.org/wiki/Dmitry_Likhachov), đã chia sẻ những suy nghĩ của ông trong bức thư với tiêu đề “Về trí thức Nga” đăng trên tạp chí “Thế giới mới” tháng 9 năm 1993. Sau khi viết “trí thức là đại diện của một nghề lao động trí óc và là người có trí tuệ đoan chính (lương thiện)”, ông viết tiếp:

    “Trí thức là người tự do trong thế giới quan của mình, không phụ thuộc vào những áp lực kinh tế, đảng phái hay nhà nước và không chịu ràng buộc về tư tưởng”
    (Câu nói nổi tiếng này nay được treo trên trang nhất Quỹ văn học Likhachov tại địa chỉ: http://likhachev.lfond.spb.ru/)

    Liên quan đến cuộc thảo luận về trí thức của chúng ta, xin trích dẫn thêm hai đoạn nữa trong bức thư nói trên của người sinh thời là chuyên gia số 1 trên thế giới về tiếng Nga cổ và văn học Nga. Thứ nhất, ông cho rằng: “Tất cả trí thức ít nhiều đều là người sáng tạo. Mặt khác, người viết, người dạy học hay người sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật theo đơn đặt hàng hoặc theo yêu cầu của đảng phái, nhà nước hay một chủ thể với khuynh hướng tư tưởng nào đó, không thể gọi là trí thức mà là người làm thuê.”

    “không phải bao giờ các nhà bác học cũng là trí thức. Họ không phải là trí thức nếu quá khép kín trong chuyên môn của mình mà quên đi việc là các thành quả lao động của họ có thể được sử dụng như thế nào.”

    Theo những lời này của D.S.Likhachov thì ở Việt Nam ta hiện nay trí thức rất hiếm!

  8. „Trí thức“ là TỰ TRI, TỰ THỨC“
    .
    Lời dẫn:
    Thưa bác Trang chủ cùng quý vị,
    Đọc ý kiến cuối cùng, tôi đã nghĩ phải quay trở lại những lời của người xưa thì mới sáng ra chăng: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia.” (Thân Nhân Trung). [Coi qua tiêu đề về cụ Nguyễn Du, càng tâm đắc với câu: Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI.] Khảo “mạng”, đọc được bài hay của bác Tô Hải (http://danluan.org/node/11467#comment-50912) thì càng yên tâm là mình không “lung bung, lang bang” lắm.
    Vậy xin post lại cảm nhận như sự “định luận” của bản thân về chủ đề này.
    Kính bút.

    .
    Trước bậc trưởng thượng, xin không dám nhiều lời! (Mà cũng chưa dám „nhiều lời“ nơi topic này). Xin ghi nhớ lời bác Tô Hải với lòng trân trọng bằng ít lời sau:
    Mỹ tửu một bầu, xin kính Cụ:
    Nói điều mình nghĩ, khó mà hay!
    – „Trí thức“ là TỰ TRI, TỰ THỨC,
    Là để CON kia sống đúng NGƯỜI.

    (Nói mãi để rồi quay trở lại:
    Với chữ ông cha gọi: HIỀN TÀI.)

    .
    [PS.: Vì là “lời cuối” nên xin bàn thêm:
    “Trí thức” làm việc trên lĩnh vực “tri và thức”, nghĩa là “văn hóa” trong khi các nhà chính trị làm việc trong phạm vi “quản trị” xã hội cần “tri thức quản trị”. Văn hóa là nền tảng cuộc sống con người (nên rất buồn cười khi đọc một bài mà người viết bàn về “cái chết của văn hóa”?! :-() trong khi “quản trị” là kỹ năng. Việc muốn lấy “kỹ năng” để điều hành “nền tảng” làm nhớ đến câu “cái đuôi muốn điều khiển cái đầu”. Nghiã là có những cái tồn tại song song, dù ràng buộc với nhau, mà sự xâm lấn của cái này trên cái khác đều làm tổn hại cho cả đôi bên. (“Giới hạn tự do vung tay của người này là cái mũi của người kia” cũng là một câu nói hay của một luật sư người Mỹ.) :-)]

  9. 1 bài viết rất hay và vô tư của tác giả Nguyễn Đình Đăng cho tôi hiểu thêm thế nào là 1 trí thức. Thế mới biết làm 1 trí thức thật khó, nhất là điểm số 6 theo Vitaly Tepikin : “có quan hệ phê phán đối với chính quyền, lên án mọi biểu hiện của bất công, vô nhân đạo, phản nhân văn, phản dân chủ;”.
    Không phải chỉ có trí thức mới cần phải có đặc tính này mà chỉ đơn giản là 1 người có lương tri cũng phải có đặc tính này.
    Thảo nào trí thức thời nay rất khó tìm, còn những người có bằng cấp tốt nghiệp đại học trở lên (thật và mua) thì có vẻ hơi nhiều.
    Mà không riêng gì thời nay trí thức khó tìm, người có lương tri tìm cũng không dễ. Để những cuộc biểu tình của 1 nhúm người có lương tri trở thành “muốn khóc”.

  10. Anh và tôi, và „trí thức“
    Viết để góp vui.
    .
    „Trí thức?“ – „Thật là đơn giản“ (nhái tiêu đề sách „Radio: thật là …“ – :-)!):
    Như anh mà cũng như tôi;
    Khi con tim còn biết CẢM (emotion),
    Đầu còn biết (TRI), hiểu (THỨC) rạch ròi.
    .
    Muốn “biết” phải nhìn cuộc sống,
    “Hiểu” đời thì khó khăn hơn:
    Có thể theo đường “thiền định”,
    Tàn thân, chí vẫn chẳng sờn…
    .
    Có thể thử dùng “biện chứng” (dialectique, Trần Đức Thảo),
    Coi xem “Mác” đẹp đến thế nào? (Phạm Xuân Ẩn: cn Mác chỉ là giấc mơ đẹp! …)
    Xét thấu lòng người, thế nước,
    Tính thông biển rộng, trời cao. (Nguyễn Bỉnh Khiêm: “…, – Vạn đại dung thân.”)
    .

    .
    Con người nếu không “tri thức”,
    Làm sao sống được với đời?
    Cầm quyền nếu khinh “trí thức”,
    Chỉ làm nát Nước mà thôi!
    .
    “Trí thức” là “HIỀN TÀI” vậy,
    Trước/sau: Đức, Trí rạch ròi.

    .
    Kính thưa bác Nguyễn Trọng Tạo,
    Em thử “đơn giản hóa” để góp vui. Có dẫn mấy tích của Đức Phật và mấy vị người Việt xưa nay để “tự trấn an” mình. [Việc giáo dục (giáo hóa) của Phật cũng đáng nghĩ: “Tùy duyên thuyết pháp” cũng là “cung theo cầu”, không “duy ý chí” bắt chép và học thuộc lòng theo “định hướng”. – Không có Tư do Tư tưởng thì không có Trí thức.]
    .
    Thân kính.

  11. Minh tuệ, khâm phục, tri ân.

Bình luận về bài viết này