NHỮNG DAY TRỞ VỀ THẾ PHẬN VÀ CÁC GIÁ TRỊ TRONG THƠ NGUYỄN HƯNG HẢI


TRẦN QUANG QUÝ 

logovietTôi biết Nguyễn Hưng Hải sau cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1983 – 1984, khi chúng tôi cùng được giải thưởng ở cuộc thi đó. Nguyễn Hưng Hải được tặng giải ba với bài Trở lại Trường Sơn, đồng hạng với Lưu Quang Vũ, Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Đạo. Đây là bài thơ hồi nhớ con đường ra trận, như là một dấu hiệu của con mắt luôn muốn “nhìn lại”, soi lại những gì đã đi qua mà sẽ nói về thơ ông sau đây. Tất nhiên, thơ lúc đó vẫn là thơ “đuôi chống Mỹ”,

thơ thời chiến tranh biên giới với Tàu, và nó vẫn chủ yếu là những câu thơ đèm đẹp, ngợi ca, điệu ca về một thời. Nhưng nó đã ở ngưỡng cửa của Đổi mới, cuộc Đổi mới làm thay đổi quan trọng sự vận hành xã hội, kể cả văn học, chỉ sau đó rất ngắn. Nói như vậy để ghi nhận sự xuất hiện, thời điểm xuất hiện của Nguyễn Hưng Hải. Nói cách khác, tôi biết và đọc Nguyễn Hưng Hải từ đó.

Đây là một hành trình, cũng có thể nói là một đời thơ của một nhà thơ đã ngũ thập chi thiên mệnh, sinh ra ở vùng trung du đồi sỏi cằn nghèo khó, nhọc nhằn và lam lũ ở miền Tây Phú Thọ, huyện Tam Nông. Có lẽ vì thế, dấu ấn về làng quê: Dòng sông, cánh đồng, lũy tre xanh, củ sắn, xôi vò, đá trống, đá chiêng, bến Gành, bãi sỏi, sông Thao, rặng vải, ngọn gạo, cất chũm, búi đũm, tu hú kêu, làng cười, kể cả tổ chức chính trị – xã hội như “Chi bộ xóm tôi”…là hàng loạt thi ảnh về quê làng thân thuộc, có những ngôn ngữ mang đậm dấu ấn thổ ngữ vùng trung du Phú Thọ này, ấy là chưa thống kê hàng loạt tên bài thơ có địa danh, hoặc không gian nông thôn. Nó không chỉ bày lộ gốc gác chính hiệu nông thôn, một nông thôn thấm đẫm hồn quê Nguyễn Hưng Hải mà còn khẳng định đây là mối quan tâm sâu sắc nhất, máu thịt nhất, trong đời thơ khá đa diện những mối quan tâm của ông. Đây là điều vô cùng quan trọng đối với nhà nghệ sĩ, nhà thơ, bởi nếu không lập được “căn cước” văn hóa nguồn cội, căn cước nghệ thuật của mình, anh ta sẽ chỉ là người vô gia cư, không “quê hương”, kể cả phong cách nghệ thuật của chủ thể sáng tạo.

Đọc 3 tập thơ tiêu biểu trong số các tập thơ của Nguyễn Hưng Hải: Ban mai chóng mặt (Hội VHNT Vĩnh Phú, 1990), Viết cho con gái (Nxb. QĐND, 2006), Chiều mưa hai đứa đợi tàu (Nxb. QĐND, 2013), gồm những bài thơ sáng tác trải dài trong khoảng hơn 30 năm cầm bút (có một số bài thơ in lại trong cả ba tập). Có thể nói, Nguyễn Hưng Hải quan tâm đến nhiều thể loại, nhiều đề tài phản ánh, nhưng không khó để nhận ra, mạch thơ chủ đạo, để lại dấu ấn sâu đậm nhất của Nguyễn Hưng Hải vẫn là những ám ảnh, day trở, suy tư về thế phận người, về những giá trị của đời sống, đặc biệt là trong thơ viết về quê hương, gia đình, những người thân ở vùng trung du thăm thẳm nỗi đời, nỗi người của ông.

Ngay trong tập thơ Ban mai chóng mặt, gồm những sáng tác đầu tiên, có thể coi là giai đoạn mà hồn thơ Nguyễn Hưng Hải còn trẻ trung, trong sáng, hòa cùng điệu thơ trữ tình lãng mạng là huyết mạch chính của thơ ca Việt, thì Nguyễn Hưng Hải đã có những bài thơ nhiều suy tư, lật soi những giá trị của một thời với rất nhiều câu nghi vấn, giả định, chất vấn nội tâm, đã trở thành mạch quen trong lập ý, lập tứ của thơ ông về sau này. Ông giống như người “hậu kiểm” những giá trị: “Vẫn là quả thị ngày xưa/mà cô Tấm của bây giờ ở đâu/nếu không có cô Thị Mầu/tôi tin chú Tiểu ăn trầu chẳng cay…/cái còn lại bị đánh đau/cái bỏ đi được bắc cầu cho lên” (Giá trị của một thời). Cái bỏ đi, tức cái lạc hậu lỗi thời, cái khiếm khuyết, cái xấu…lại được bắc cầu, nâng đỡ cho lên có quá nhiều và thời sự trong đời sống đương đại.  Nó là búi chỉ bùng nhùng không đầu không cuối thật khó gỡ và là nguyên nhân phái sinh từ những chuyện “đi đêm” cánh hẩu và lợi ích nhóm. Con mắt nhìn lại những giá trị của Nguyễn Hưng Hải là thế.

Nhưng trước hết, đó là một Nguyễn Hưng Hải của vùng đất mà ông thuộc về nó. Nó luôn như tiếng gọi thảng thốt, từ trong cõi nhớ thương chắt ra: “Nếu có về nhớ gọi những hừng đông/bến đã rủ con thuyền lên bãi sỏi/sông Thao chảy quãng này như lầm lụi/mẹ một đời cất chũm ngõ không trăng…”. Ngay cả lúc ấy, ông cũng không phải là con người hạnh phúc được tuyệt đối trong cảm xúc thăng hoa, bởi đâu đó lại vẳng lên nghi ngại: “Bao mất còn, thật giả ở trong nhau/thương mến nhất là quãng đời đi học/con đường đất không mưa mà vẫn trượt/sắn và người ngã cạn mấy nghìn năm” (Tam Nông). Sắn và người ngã cạn, một cách nói lạ, có vẻ hơi ngoa ngôn nhưng ta có thể cảm được. Ở đó, cái vùng đất, nơi tuổi thơ men gốc rạ, nơi một thời chiến tranh “chiếc mũ rơm bện cả cánh đồng”, những trang sách cháy, chú dế mèn phiêu lưu trong bao diêm đầy ắp kỷ niệm. Và hình ảnh trung tâm là người mẹ, người mẹ đại diện cho thân phận người phụ nữ nông thôn những năm tháng cực nhọc, cơ hàn dai dẳng rất điển hình của nông thôn Bắc bộ: “Ngày cùng tháng tận bao năm/còn lo manh áo, cái ăn xuân về/bao người như mẹ ở quê/chiều ba mươi tết nón mê ra đồng…/cả đời cúi mặt chưa xong/mẹ đi lui đến lưng còng còn lui…” (Chiều ba mươi tết). Chiều ba mươi tết là chiều cúng tất niên, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên; chiều xum họp gia đình. Những ai đi đâu, làm đâu, dù gian khó và thiếu thốn, thì giây phút năm cùng tháng tận này là giây phút xum vầy, hạnh phúc, con cháu nhìn lại một năm làm lụng, sinh cơ và hồi hộp hy vọng vào mùa xuân mới. Thế mà mẹ vẫn nón mê ra đồng cấy lúa trong cái giá rét thì cơ hàn, buồn thảm, cám cảnh thân phận nhường nào.

Cho đến một ngày, khi đã trở thành người cha, nhìn thấy tổ ong Bò Vẽ đã tách đàn, chỉ còn là một cái tổ sáp rỗng mà chạnh lòng nhớ đến gia đình, nhớ cái cấu trúc tổ ấm tình thương, bỗng một ngày nào đó trở nên xa vắng: “Ta đứng nhìn Bò Vẽ nhớ quê/nhớ những đứa em ta trong mái nhà lợp cọ/ngày chúng ta lấy vợ lấy chồng cũng như ong vỡ tổ/chẳng mấy khi còn có dịp cùng nhau/ăn một bữa cơm với mẹ cha dưới bếp” (Trước tổ ong Bò Vẽ). Những câu thơ dung dị mà làm ta rưng rưng. Cảm hứng suy tư ấy, khi nhìn các con lại áy náy lo xa sợ một ngày như cái tổ ong kia, mà trống vắng khi chỉ còn là xác tổ. Ong chia đàn tách tổ là quy luật tự nhiên, cũng như con người, lớn lên, sẽ đến lúc anh em mỗi người một phận, mà sao vẫn buồn, sao chua xót!

Dường như bất kỳ trước một hiện tượng đời sống, một mối quan hệ nào cũng có thể làm cho Nguyễn Hưng Hải “động lòng trắc ẩn”. Đến nỗi nó thường đặt ông vào trạng thái phân tâm, tự mâu thuẫn với chính mình, hay là thái độ lưỡng lự, không rành mạch, muốn thế này lại e thế kia, rất điển hình: “Tháng ngày trong nỗi mung lung/muốn mong con lớn lại mong từ từ”. Ấy là viết cho con gái, mong con mau lớn, nhưng con lớn rồi sẽ đi lấy chồng, sẽ sang nhà người mà hoang mang về sự xa cách, sự “tách tổ” một ngày nào đó. Viết về tình yêu, trong một “Chiều mưa hai đứa đợi tàu” cũng vậy: “Sao em cứ nghĩ mung lung/Muốn tàu đến sớm lại mong muộn tàu”. Trạng thái “lưỡng cư” tinh thần, là một phần giải mã cho sự dùng dằng, có thể làm lỡ cả những chuyến tàu cuộc đời của những chàng thi sĩ đa cảm, đa mang lắm thay!

Típ tình cảm, sự mẫn cảm và trạng huống tinh thần trên như một đường dẫn cột Nguyễn Hưng Hải vào những ngờ vực ở mọi hiện tượng, các mối quan hệ, kể cả những huyền thoại, thần tượng một thời, cho đến cả thần thánh, đền chùa…Đó là cái nhìn săm soi, lật lại những giá trị, tưởng như không có vùng cấm nào cản trở ông. Ấy là cách tư duy khám phá, trải nghiệm: “Vào chùa mới biết sân chùa lắm rêu” (Đêm Thị Màu). Ông cũng không nề hà hỏi cả tượng người vệ sĩ đứng canh đền: “Lúc trao gươm Vua đã nói câu gì/người đang đứng ở đâu trong đói khát/sao vệ sĩ ngàn năm không đổi gác/nét mặt nhìn không một chút ưu tư”.

Nguyễn Hưng Hải riết róng với những mối quan tâm, những câu hỏi về thật giả, và có lẽ vì thế mà ông hay tự đày ải tinh thần mình – nỗi khổ của một tâm thế luôn bất bình với những ngang trái, những thói đời, những tâm sự thời cuộc, những thế sự người. Từ một thực tại: “Chất xám của làng có mặt khắp muôn nơi/nhưng chất xám không về/những mảnh vườn tạp mãi/…Làng có những đứa con thiết kế trăm cây cầu hiện đại bắc qua sông/không làm nổi cái cầu ao cho mẹ/không biết lối ra đồng bao sấp té…” (Trí thức làng). Cùng với bài thơ Tri thức làng vừa trích dẫn, Chi bộ xóm tôi là một thực tế bi hài, chua xót, rất phổ biến đang đặt ra trong nông thôn: “Chi bộ xóm toàn anh em, chú bác/dễ cho qua nguyên tắc, dễ xuôi chiều/cuộc họp nào cũng kiểm điểm, cũng nêu/sao chưa hết đói nghèo, con thất học/ Tuổi thơ tôi dưới bóng tre còi cọc/nấp sau nhà nghe họp cứ buồn theo…/ Tranh nhau nói mà không ai chịu hiểu/ chi bộ xóm họp trong hơi men rượu/nói đâu toàn chuyện ở trên giời/trong mái nhà lợp cọ có cha tôi/từng chạy chỗ vì mưa rơi ướt mặt/chân lấm đất mà lơ mơ về đất/cây con gì ai nói cũng chung chung/nghị quyết được mùa mà đồng trắng, nước trong…”. Đọc bài thơ này, giọng thơ tưng tửng, dễ tuột, không có cái níu giữ của kỹ năng, thi pháp nhưng cứ thấy buồn của tả thực, thấy hiện về một thời mà trên tivi, báo chí người ta ngày ngày cứ nhắc đi nhắc lại “Trồng cây gì, nuôi con gì?”. Đến nỗi, câu hỏi như một công thức xuất ngôn của kinh tế nông nghiệp đã trở thành tiếu lâm xã hội (Trồng cây vàng, nuôi con cave). Đây là một bức tranh điển hình của sự chung chung, dựa dẫm, luẩn quẩn bởi câu hỏi “cây gì, con gì” và sự giả dối, bệnh thành tích một cách bệnh hoạn. Cái níu giữ người đọc ở đây có lẽ là cái tâm của người viết và sự trung thực của những vấn đề nổi cộm trong xã hội nông thôn. Nếu không có thuốc chữa cho căn bệnh ấy, nghèo đói và lạc hậu không biết sẽ còn “chuyên nghiệp” trong xã hội quê làng đến bao giờ?!

Có lẽ những chuyện đời nghèo khó, những hệ lụy của lối sống, môi trường sống…rất may là còn có những Làng cười. Nghĩa là còn cái lạc quan, còn cái “làm trò” nên con người ở đây có thể vượt qua được chính mình, hay ít ra buộc phải an phận thế: “Cười cho tạnh nỗi lo toan sũng nước/cười cho hết những cơn mưa trọc đất/cười cho mềm sỏi đá để trồng hoa/cười cho đầy trống vắng những ngày qua…/những câu chuyện nuôi cả thời ta sống/khuếch khoác cả làng mà không ai lừa nhau” (Làng cười). Câu chuyện ở đây có lẽ là của làng cười Văn Lang, cái cười “khuếch khoác”, phóng đại và phải được kể bằng thổ ngữ mới hấp dẫn, trở nên nổi tiếng khắp nước (có nhiều làng cười ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang, Quảng Trị…), và người ta từng so sánh với một làng cười nổi tiếng khác ở nước ngoài, làng Gabrovo ở Bulgaria, đã một phần giải thích về sự thích nghi đời sống của con người ở vùng sỏi đá cằn khô Phú Thọ.

*

Có một điều ghi nhận, tôi cho là rất quan trọng đối với thơ Nguyễn Hưng Hải là ông thường thành công trong những đổi mới về tư duy soi chiếu, sự cảm nhận, nội hàm phản ánh chứ không phải bằng những quẫy cựa của ngôn ngữ, của cấu trúc, hay những câu thơ tự do dài ngắn, gồ ghề về nhịp điệu (gần đây Nguyễn Hưng Hải có vẻ định chuyển hướng)… như một số nhà thơ cùng thế hệ hoặc một bộ không ít lớp các nhà thơ trẻ 7 X, 8 X ưa dùng. Những bài thơ để lại nhiều ngẫm ngợi, gợi những ám ảnh ký ức, ẩn ức và day dứt nỗi người lại là những bài thơ viết tự nhiên, không rậm lời, còn bịn rịn âm hưởng truyền thống, đặc biệt là ở trong khá nhiều bài thơ lục bát, như là một thế mạnh của ông như: Giá trị một thời, Đêm Thị Màu, Chiều ba mươi tết, Tôi đi, Viết cho con gái, Mưa Thành Cổ, Phơi áo, Dặn con, Khi con lớn khôn…Đây chưa hẳn là những bài thơ điêu luyện, xuất sắc của thể loại lục bát nhưng là những bài thơ khá nhuần nhuyễn, thành công của Nguyễn Hưng Hải.

Ông viết về thân phận người phụ nữ thời hậu chiến: “Chân trời bia mộ vòng quanh/lưng còng đổ xuống mà thành mái tăng/che làm sao được tháng năm/cứ mưa như chỉ sống bằng cơn mưa…” (Mưa Thành Cổ). Một bài thơ khác về hậu chiến cũng khá xúc động, bài Phơi áo, ông viết: “Ướt đâu mà áo mang phơi/phơi là phơi lại cái thời Trường Sơn/phơi là phơi nỗi cô đơn/bao năm ai mất, ai còn ở đâu/….”. Ấy là cách hong lại ký ức về một thời gian lao, quá nhiều đau thương, mất mát. Hong lại nghĩa tình, nhắc nhớ sự ứng sử, tri ân của những người trở về với đồng đội, của hậu thế với lớp cha anh trong chiến tranh giải phóng đất nước.

Một trong những bài thơ lục bát hay của Nguyễn Hưng Hải, bài “Tôi đi”. Đây là bài thơ dù ý thơ khá tản mạn, ngẫu hứng, câu nọ gọi câu kia, đang nói ý này nhảy sang tâm sự khác, nhưng liên kết nhau bằng cảm xúc, bằng những nỗi niềm đắng đót kéo nhau. “Tôi đi” như là biểu trưng tổng quát hành trình sống, hành trình thơ, con đường định mệnh Nguyễn Hưng Hải. Cuộc bộ hành trên con đường thơ ấy như là xâu chuỗi những tình huống, những nỗi niềm, những thế phận, những xưa nay, những tâm sự, những mẹ và em…vốn hay dùng dằng, mắc míu, luôn yếm thế, phân vân nửa nọ nửa kia: “Tôi đi về phía mặt trời/gặp cơn mưa vỡ một thời dạt xô/nửa lòng tôi đắp cho thơ/nửa lòng tôi giữa cơn mưa bọt bèo/ Khổ vì cây có dây leo/tơ hồng buông mãi cái nghèo vào em/giật mình đêm thẫm màu men/xòe bàn tay mốc nhặt lên nghĩa tình/ Dọc đường những cây trúc xinh/biết đâu gió mượn lòng mình vi vu/Ai đi từ phí Nguyễn Du/Sông Tiền Đường ở ao tù nhà tôi/ Cỏ may đan chéo chân trời/tôi đi mỗi bước người ngồi ngóng theo/chân tôi toạc móng lưng đèo/máu như lông ngỗng còn gieo khắp rừng/ Con đường dẫn tới mông lung/tôi đi người khóc sau lưng người cười/tháng năm lặng lẽ mẹ tôi/lá đa quét mãi đến chồi rễ đa…”. Nói không ngoa, chỉ đọc bài thơ này có thể thấy hết hành tung và nỗi niềm giăng mắc thơ Nguyễn Hưng Hải. Cảm thông, yêu mến ông chính là ở những “nỗi người” này.Điều đó cũng hiển nhiên chứng tỏ, sự “thuộc” nhất, thành công đáng ghi nhận nhất trong thơ Nguyễn Hưng Hải là ông đã biết “tựa” vào truyền thống. Ngoài lục bát, ông cũng có nhiều bài thơ ngũ ngôn, các bài thơ với ngữ điệu truyền thống quen thuộc khác. Truyền thống là dây dẫn, là lối kể hợp với tạng thơ, niềm thơ đau đáu của ông hơn. Và nhân tố truyền thống vẫn là mạch chủ đạo, xuyên suốt hành trình thơ Nguyễn Hưng Hải.

                                                                        *

Con mắt nghệ thuật và mối quan tâm về thế phận của Nguyễn Hưng Hải như đã trình bày, là cái nhìn có hệ thống khá tập trung. Bắt đầu từ những hình ảnh, hiện tượng, hành động…trong đời sống tự nhiên hoặc xã hội để gửi gắm tâm sự, niềm day trở, soi chiếu lại những giá trị đạo đức, giá trị của đời sống.  Có thể đó là lối sống “tầm gửi”, sống “ký sinh” trên cơ thể khác, giá trị khác: “Cây tầm gửi không chịu làm tầm gửi/thản nhiên trèo lên cổ, lên vai/…cứ tươi tốt trong hao mòn kẻ khác…”. Hay sống bằng sự lươn lẹo, cơ hội, leo cao của thời nhiều bon chen, bằng cách mượn lưỡi của loài ốc sên để vẽ một con đường, một loại tiến thân.

Chúng ta sống những năm hậu chiến, cả một quá trình dài cho đến tận hôm nay, sự thật là đời sống xã hội còn khá lộn xộn, pha tạp nhiều thói xấu, thói đạo đức giả, những băng hoại về đạo đức, lối sống, đặc biệt là sự vô cảm đáng sợ của người với người. Thời mà Nguyễn Hưng Hải cảnh tỉnh “Của thật dễ ngờ hơn của giả” (Đi từng bước chợ), và cái lẽ đời hiển nhiên của những cuộc “đi đêm”, phe cánh, lợi ích nhóm…có thể làm thui chột mọi chính kiến, sáng tạo, kiểu như: “Khi cây đã gật đầu/lá và gió cãi nhau vô tích sự” (Thơ hai câu). Còn làm được gì khi có những thế lực đã thông đồng nhau?

Nhưng trước vô vàn nghiệm chứng, cả những thiệt thòi, yếm thế, Nguyễn Hưng Hải vẫn chọn cho mình một thái độ sống, để vượt lên con đường ông tuyên thệ “Tôi đi”: “Tự nguyện làm cây nến nhỏ mong góp một đốm lửa nhỏ nhoi liệu có đi đến đâu/dù có thế nào cũng vẫn tự đốt lên từng giọt đời ánh sáng” và không quên ngoặc thêm: “Đề phòng lời nói của kẻ xấu như hòn than đen/nếu không cháy thì cũng đừng đồng lõa với bóng đêm làm bẩn nhọ mọi người” (Cây nến). Với lối suy tư này, tôi tin suốt đời thơ Nguyễn Hưng Hải, ông sẽ còn khổ sở, còn dằn vặt về những gì ông trải nghiệm. Lo xa trước những gì sẽ đến, dù vậy, Nguyễn Hưng Hải vẫn thống nhất trong sự lựa chọn cách sống, nó bộc bạch trong những lời dặn ân cần, tâm huyết với đứa con yêu dấu, trong hành trình “Tôi đi” của ông về phía trước: “Đừng mong ai gọi ai mời/sống bằng tâm não, mồ hôi của mình/đói nghèo đừng để ai khinh/giàu sang đừng để nghĩa tình bay đi/đã từng chơi đáo chơi bi/chắc con hiểu nỗi lăn vì tay ai/đừng làm ngơ trước cái sai/lắc đầu khi bạn vỗ vai chân tình/…Núi cao trước mặt đừng ghê/sông sâu biết lội, gốc quê biết tìm/đừng mang hết cả quả tim/trao cho ai lúc nửa tin nửa ngờ” (Dặn con).

Rõ ràng, có một Nguyễn Hưng Hải đầy mẫn cảm và cảnh giác, cảnh giác mà vẫn ngu ngơ, lại phân tâm, luôn soi chiếu những góc cạnh về thế phận, về nhân cách, sự cảm thông, để dạy con làm người, để chia sẻ và bảo vệ những giá trị nhân bản. Sự thức tỉnh và cảnh giác ấy được chưng cất từ chính những đổ vỡ, những cả tin, những va đập của một tâm hồn thơ đa cảm, đa thanh. Và vì vậy, ta càng thấy rõ hơn, sáng hơn một Nguyễn Hưng Hải âm thầm, bền bỉ mang ngọn nến cuộc đời mình soi chiếu trên hành trình “Tôi đi” của thơ ông. Sự đóng góp ấy không chỉ có giá trị làm phì nhiêu nội hạt đời sống văn học ở vùng đất cội nguồn Phú Thọ. Nó đã vượt ra ngoài những nỗi niềm quê đau đáu của ông để vươn xa.

Hà Nội, tháng Ngâu, 2013
T.Q.Q

Bình luận về bài viết này