TẢN MẠN QUANH HÌNH TƯỢNG THÁNH GIÓNG


TS. TRẦN THU DUNG

Thánh Gióng - Trang: Nguyễn Tư Nghiêm

Thánh Gióng – Trang: Nguyễn Tư Nghiêm

Thánh Gióng một anh hùng trong truyền thuyết Việt Nam. Khi nhỏ Gióng không biết nói, biết đi. Gióng chỉ lớn lên như thổi và biết nói khi giặc ngoại xâm đến.

Sự câm lặng của Thánh Gióng có nhiều ý nghĩa.

Con người sinh ra không ai hoàn hảo. Hạnh phúc vĩnh cửu không tồn tại. Hạnh phúc rất quý báu và mong manh như pha lê. Chỉ một sự va chạm nhỏ có thể làm nó xây xước và mạnh thêm chút xíu có thể làm tan vỡ nó. Mỗi cá nhân đều có điểm yếu, đều có gót chân Achille. Achille khi sinh ra mẹ là vị tiên nữ đã nhúng con xuống dòng sông bất tử, nhưng bàn tay bà phải giữ gót chân để Achille khỏi rớt xuống. Đó cũng là điểm yếu của người mẹ. Tình thương bao la của mẹ vì con đã tạo nên sức mạnh vô biên của Achille, nhưng đôi khi lại là trở thành điểm yếu của con ra đời. Đứa con nhiều khi vì tình mẹ mà đôi chút xao xuyến. Toàn thân người anh hùng nổi tiếng trong chiến tranh thành Troie bất tử, Achille chỉ có điểm yếu là gót chân. Anh tung hoành ngang dọc trong chiến trận, mũi tên không thể giết được anh. Phải thiện nghệ vô cùng mới có thể bắn tên trúng được gót chân lúc nào cùng di động liên tục nhanh như con sóc. Dường như vị anh hùng được coi là bất tử. Nhưng cuối cùng cũng phải chết vì một mũi tên như bao chiến binh khác.

Thánh Gióng giỏi trên trận mạc, nhưng lại kém trên mặt trận kinh tế và hùng biện. Tức là Thánh Gióng không có tài trong hòa bình. Ba tuổi không biết nói, không biết đi, làm mẹ rất buồn. Đó là cách nói ẩn dụ để nói sự không hoàn hảo của con người. Không ai có thể bách khoa toàn thư. Mỗi người có điểm mạnh, điểm yếu, nếu biết khai thác điểm mạnh, người đó sẽ thành công. Thánh Gióng không biết cày ruộng, không biết làm quản lý, làm chính trị. Thánh Gióng không biết nói, biết đi thể hiện người bất tài trong hòa bình. Chiến tranh đã khai thác được sức mạnh tiềm ẩn của chàng Phù Đổng. Thánh Gióng đã lớn lên như thổi, và nhổ trăm ngàn cây tre quật vào quân giặc. Vì những chiến công của mình, Gióng xứng đáng được phong làm thánh. Người biết điểm yếu và điểm mạnh của mình bao giờ cũng được xã hội thừa nhận và tôn vinh. Chiến tranh chấm dứt, Gióng có thể trở về cùng binh sĩ hưởng vinh quang, và được vua cấp đất, cấp sắc để đền ơn, thậm trí có thể làm vua. Nhưng Gióng đã từ bỏ, và lên núi ra đi. Ai không thích mang vinh quang về cho cha mẹ, ai không thích hưởng vinh quang. Nhưng Gióng hiểu trở về mình sẽ lại là kẻ bất lực như thằng câm điếc, sẽ trở thành gánh nặng xã hội, anh lặng lẽ ra đi. Đó chính là hình ảnh cao đẹp của người anh hùng thực sự biết được điểm yếu của mình và không tham quyền chức. Gióng đã hoàn thành sứ mệnh bảo vệ quê hương, đuổi giặc ngoại xâm. Gióng lên núi và bay lên Trời. Gióng đúng là vị Thánh. Gióng không hề tham quyền chức, tham danh vọng. Chiến thắng của Gióng là chiến thắng của cả dân làng, là sự hy sinh của mẹ, của quê hương, là sức mạnh và lòng yêu nước của toàn dân. Tất cả mọi người góp gạo để cho Gióng lớn nhanh như Phù Đổng. Chiến thắng rồi, phải chăng Gióng lên núi sống ẩn như các vị sư rồi mới quy tiên. Gióng thể hiện một tư tưởng lớn trong đạo Phật, đạo Lão không màng danh vọng. Sống mà không giữ của, làm mà chẳng ỷ công, dù lớn cũng không đứng làm chủ tể, đó mới là đức nguyên vẹn. Vì thế truyền thuyết Thánh Gióng sống mãi trong tiềm thức người Việt Nam.

Thánh Gióng không chỉ là biểu tượng thuần túy tinh thần anh hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc như bao nhiêu truyền thuyết trên thế giới mà còn ấn chứa nhiều ý nghĩa lớn lao khác. Sự im lặng của Gióng tượng trưng cho hình ảnh dân tộc Việt Nam hiền lành, biết nhẫn nhịn và yêu hòa bình. Hãy để tôi nằm yên, đừng động đến chúng tôi. Chúng tôi là một dân tộc khao khát và yêu chuộng hòa bình. Việt Nam, đất nước nhỏ bé nằm cạnh một nước Trung Quốc hùng mạnh, luôn luôn bị nhòm ngó, muốn thôn tính, muốn biến Việt Nam cùng các nước nhỏ bé xung quanh thành chư hầu. Việt Nam đã bao lần bị phương Bắc Trung Hoa tràn xuống, và cả nghìn năm bị Trung Hoa độ hộ, gần nghìn năm cống hầu và phải cử sứ giả sang thương thuyết hòa bình. Khát vọng hòa bình độc lập là khát vọng nuôi từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Gióng tượng trưng cho đất nước Việt Nam chịu nhẫn nhịn bao nhiêu năm nay vì một sự hòa bình yên ổn của muôn dân. Con giun xéo mãi cũng quằn. Sự im lặng của Gióng đã đến lúc cần phải chấm dứt, và con người bất động cần phải vùng lên. Tiếng loa tìm hiền tài cứu nước, chính là tiếng gọi chung đối với những người ái quốc. Sự câm lặng của Gióng vừa thể hiện sự khát khao hòa bình với các nước láng giềng, vừa nói lên sự thức tỉnh. Đến thằng câm như Gióng cũng không thể chịu được kẻ nào xâm lăng đất nước. Đứng lên! Phải đứng dậy. Người ta lớn vì ta quỳ xuống, im lặng là chết, nên Gióng đã thức tỉnh. Đã đến lúc, những người im lặng mãi phải lên tiếng. Gióng bỗng nhiên cất tiếng nói và đòi xung trận. Tổ quốc lâm nguy, nhún nhường mãi không được. Hình ảnh Gióng lớn vụt lên, biết nói tượng trưng cho sức mạnh tinh thần bùng nổ, thức tỉnh. Giống như văn chương thời phục hưng bên châu Âu, nhiều nhân vật khổng lồ về mọi phương diện bỗng xuất hiện. Gargantua của Rabelais với tầm vóc to lớn vĩ đại, vừa mới sinh ra Gargantua đã có cơn khát khủng khiếp. Sau này Gargantua đã chiến thắng kẻ thù xâm lăng để bảo vệ đất nước. Gióng là biểu tượng khát khao hòa bình của dân tộc Việt Nam, một dân tộc không muốn chiến tranh, và chỉ muốn bình yên. Nằm yên không có nghĩa là chịu nhục. Gióng nằm yên vì Gióng vốn khát vọng hòa bình. Nhưng kẻ xâm lược nhầm tưởng dân tộc Gióng nhu nhược, câm điếc. Sự im lặng biểu tượng những con người hiền lành khát vọng hòa bình. Gióng bỗng lớn lên thành Phù Đổng. Gióng được dân làng chăm lo cho ăn nên lớn nhanh như thổi. Đấy chính là sức mạnh và lòng yêu nước toàn dân đã bùng nổ khi không thể nằm yên mãi nhìn giặc ngoại xâm đang dày xéo quê hương. Chiến thắng của Gióng cũng là bài học cho mọi kẻ thù xâm lược biết sức mạnh tiềm ẩn bên trong của những người dân hiền lành. Sức mạnh đó xuất phát từ lòng yêu nước đã ngấm từ lâu trong cơ thể Gióng. Tinh thần yêu nước của Gióng đã thức tỉnh chú Gióng câm lặng.

Hình ảnh Gióng bốn tuổi câm chỉ nằm cũng chính là hình ảnh tượng trưng cho nhận thức ấu trí về sự ngây thơ trong tư tưởng của những người chủ trương bất phản kháng. Yêu nước, phải đấu tranh và phải bảo vệ cái mình yêu. Im lặng bất phản kháng chấp nhận sự dày xéo là trở thành kẻ hèn yếu. Gióng đã hết ngây thơ, Gióng đã thức tỉnh và Gióng đã chiến đấu vì quê hương của mình. Hết chiến tranh Gióng lại lặng lẽ ra đi chính là dấu hiệu để kẻ xâm lăng biết là đất nước tôi chỉ khát vọng hòa bình, như Lê Lợi sau khi chiến thắng đã mang gươm ra hồ để trả thần Kim Quy. Việc trả gươm chính là hành động để báo cho kẻ thù biết đất nước tôi chỉ mong bình an sinh sống, nhưng kẻ nào động đến đất nước tôi, tôi sẽ lại cầm gươm bảo vệ đất nước tôi.

            Thánh Gióng câm điếc khi còn nhỏ, vì hoàn cảnh sức mạnh quân sự chưa cho phép. Thánh Gióng chỉ lớn lên khi sức mạnh quân sự và kinh tế phát triển đủ đến chống giặc ngoại xâm. Ngựa sắt, áo giáp sắt chính là sức mạnh về quân sự đã đủ để một thiên tài quân sự Thánh Gióng phát huy. Gióng im lặng ban đầu không chỉ thuần túy về sự ngây thơ cầu hòa bằng bằng con đường không bạo động, một phần vì khả năng quân sự kinh tế chưa cho phép. Nhưng khi đã đủ sức mạnh và con giun xéo mãi cũng quằn. Gióng ra đứng dậy xin đi cứu nước.

            Trong thời kỳ Pháp thuộc, những trí thức Việt Nam như thánh Gióng, đã tỉnh dậy và họ khát khao giành độc lập. Tinh thần yêu nước của hầu hết trí thức Việt Nam đã bừng tỉnh, họ tụ nhau để tìm con đường đòi lại độc lập dân tộc. Con đường đi tìm cứu nước của nhiều trí thức rất khác nhau, nhưng đại đa số đều xuất phát từ lòng ái quốc. Nhưng hoàn cảnh khi sức mạnh về kinh tế, quân sự không có. Nên lòng ái quốc được thể hiện rất đa dạng và phong phú hơn bao giờ hết ở thời kỳ đất nước Việt Nam bị Pháp đô hộ. Tham gia hội Tam Điểm, mở đạo, mở hội cũng là một hình thức đấu tranh nhân quyền của trí thức Việt Nam thời kỳ này. Một con đường đấu tranh hòa bình khôn khéo, và để lôi kéo những người bạn Pháp dân chủ tiến bộ chân chính ủng hộ trong việc đòi độc lập và bình đẳng dân chủ. Vì bạo động lúc này đất nước có thể bị xóa sổ hoàn toàn như Inca và thổ dân Úc, Mỹ. Im lặng hòa hoãn chờ thời cơ cũng là một hình thức để không đổ máu vô ích. Gương của Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Trung Trực Nguyễn Thái Học và bao nhiêu người khác đã bị Pháp tử hình, giết chết đã cho nhiều người yêu nước thấy được cơ hội đòi độc lập chưa đến. Lần theo dấu vết Tam Điểm ở Việt Nam, giúp chúng ta hiểu được một con đường đấu tranh khôn khéo của ông cha chúng ta thời Pháp thuộc và hiểu rõ thêm về hội Tam Điểm. Ông cha chúng ta đã tương kế tựu kế để chống thực dân Pháp. Họ đã khuyến khích học tiếng Việt, bảo vệ văn hóa. Ngôn ngữ và văn hóa là dấu vết tồn tại của một dân tộc. Phạm Quỳnh thành viên hội Tam Điểm nói một câu chí lý  « Chuyện Kiều còn là tiếng ta còn, Tiếng ta còn là nước ta còn ». Thỏa hiệp không đồng nghĩa là chấp nhận, là đầu hàng và không yêu nước. Gióng nằm yên không đồng nghĩa là Gióng không yêu nước. Hoàn cảnh không cho phép, sức yếu buộc một số người đã phải tìm con đường đi sâu vào lòng địch đề cứu dân bằng cách giáo dục dân trí và âm thầm nuôi tư tưởng dân chủ tự do, đòi tự trị bằng con đường không bạo động.

            Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh đã biết khai thác lòng yêu nước tiềm ẩn trong mỗi con người và tình huynh đệ bác ái của con người để thu hút một số thành viên Tam Điểm Việt Nam đầu tiên tham gia Việt Minh như Hoàng Minh Giám, Cao Triều Phát, Phạm Ngọc Thạch…và tranh thủ những người Pháp tiến bộ trong hội này ủng hộ Việt Minh giành độc lập. Võ Nguyên Giáp đã biết sử dụng mọi lực lượng, kể cả địch vận và đặc biệt là khơi dậy lòng ái quốc của nhân dân. Đó chính là thiên tài quân sự của VNG.

Vũ khí mạnh nhất để làm nên chiến thắng giành độc lập đó chính là lòng yêu nước.

Đất nước Việt Nam ở bất kỳ một thời đại nào cũng luôn luôn xuất hiện những Thánh Gióng để bảo vệ biên cương, giành tự chủ giang sơn như Lý Công Uẩn, Đinh Bộ Lĩnh, Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo,  Lý Thường Kiệt, Võ Nguyên Giáp…

Đất nước Việt Nam hễ còn ngoại xâm là còn xuất hiện Thánh Gióng.

TTD

2 bình luận

  1. Ngủ ngon A” CAY” ơi!??????

  2. Thánh Gióng VN đánh giặc rồi mới câm miệng .

Bình luận về bài viết này