MỘT LẦN ĐẾN VỚI MƯỜNG PHĂNG


NTT: Chị Khánh Trâm, con dâu Tướng Trần Độ vừa gửi tới NTT bài viết về chuyến đi thăm di tích Mường Phăng, nơi Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đóng trụ sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 59 năm. Một bài viết thật xúc động. Xin giới thiệu cùng bạn:

Mẹ con Khánh Trâm và các em bé Mường Phăng - Ảnh: Trần Hải.

Mẹ con Khánh Trâm và các em bé Mường Phăng – Ảnh: Trần Hải.

MỘT LẦN ĐẾN VỚI MƯỜNG PHĂNG

KHÁNH TRÂM

Hè 2012 tôi mới có duyên đi thăm Điện Biên Phủ thời điểm chỉ còn 2 năm nữa là 60 năm chiến thắng Điện Biên. Hôm nay ngồi viết những dòng này lòng tôi ngập tràn xúc động vì sự ra đi của đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tổng tư lệnh và là người cuối cùng của của bộ chỉ huy chiến dịch từ biệt cõi trần.

Nhớ đến đại tướng, tôi nghĩ về chuyến đi Mường Phăng cùng với ông xã tôi năm ngoái. Đó là con đường rừng nhỏ, hẹp dài 23 km cách thành phố Điện Biên 40 cây số. Đây là khu rừng nguyên sinh nơi đặt Bộ chỉ huy chiến dịch. Đường vô chỉ đủ cho xe buýt nhỏ đi lọt. Trên đường chúng tôi  dừng ở thủy điện Thác Trắng, nước được lấy từ hồ Pá Khoang và gặp tốp bốn người đang đi ngắm địa hình, phác cỏ để mở đường cho lễ kỷ niệm sắp tới. Vô Mường Phăng hơi khó đi vì trời mưa, đường xấu nhưng chúng tôi phải quyết đến được bộ chỉ huy mới có ý nghĩa.

Hôm ấy suốt dọc đường  chúng tôi cứ nhớ về quá khứ. Đọc lại những dòng ghi chép trong cuốn sổ tay nhỏ của mình: “Người đời thường hay nói đến lòng tự hào dân tộc. Sử sách cũng thường ghi lại những chiến công thì Mường Phăng, đầu não, tổng hành dinh chiến dịch ĐBP đã làm nên chiến công ấy. Mình nhớ đến tướng Giáp, giờ này bác có khỏe không? Nhớ cả bác Hoàng Văn Thái, bác Lê Trọng Tấn đã mất, nhớ bố Độ nữa” tôi buồn trào nước mắt…

Hơn nửa thế kỷ trước, ngày có chiến dịch Điện Biên thì chúng tôi chưa chào đời. Hôm nay Mường Phăng đã trở thành khu di tích, trên đường đi có nhà nghỉ cho du khách, có trường tiểu học Bản Vang. Khi còn 7 km nữa là đến nơi chúng tôi dừng lại ngắm  ruộng bậc thang. Hai phụ nữ Thái đứng tuổi đang đi gieo mạ, tay vẩy hạt trông cứ như  múa. Đi thêm vài cây số nữa, có tượng đài liệt sỹ, trông hoang tàn chắc xây đã lâu không người trông coi. Đọc thấy 11 tên với các họ: Lò, Lường, Quàng, Cầm, Cà, Khiếu (toàn tên dân tộc). Đứng đây nhìn xuống khe núi thấy vài nóc nhà, có cái vẫn lợp mái tranh. Quanh nhà là ngô, chuối và ruộng lúa. Ruộng này lúa đang thì con gái, trông mơn mởn. Vẻ đẹp miền quê miền núi đã bao lâu rồi bây giờ chúng tôi mới được chiêm ngưỡng.

Khu rừng này có rất nhiều tre, phần lớn cây cao trên 10 mét. Đi đến ngã ba thì có biển chỉ dẫn: rẽ trái 2,6 km đến hầm đại tướng. Rẽ phải đi Điện Biên. Chỗ này bắt đầu thung lũng, rộng như đồng bằng. Hai bên lộ là lúa đang làm đòng. Nhà dân ở sát nhau. Có trường tiểu học Mường Phăng. Bên ngoài cổng Tượng đài Chiến thắng, các phụ nữ Thái xúm lại bán thuốc dân tộc. Chị bảo: “ Rượu sung sướng chồng uống vợ khen”. Tôi hơi  bất ngờ khi nghe được những lời tiếp thị khá hiện đại này từ chính miệng chị phụ nữ dân tộc. Bản này có khoảng vài chục ngôi nhà. Toàn nhà sàn. Khi xưa các cụ đóng quân ở đây thế là cũng gần dân (mới có thực phẩm và lương thực chăng?)

Cách tượng đài 200 mét là khu di tích. Vé tham quan : 5000 đ / người. Chúng tôi mua vé xong thì thấy ngay phía sau tiếng con nít tranh nhau nói. Quay lại thì đếm được cả chục em, vừa trai vừa gái khoảng trên dưới 10 tuổi. Tôi tủm tỉm cười vì hiểu rằng mình có 10 “hướng dẫn viên”. Đây là một bất ngờ thú vị nữa. Trẻ em kể chuyện: Từ đây vào rừng đi 800 mét, có 400 mét đường dốc, 400 mét đường bằng. Lối đi trải đá này là từ năm 2003 cô ạ. Đoạn đường dốc trước kia có 1,5 km giao thông hào nay đã sập. Chúng tôi  hỏi chuyện thì được biết các em không biết viết chữ Thái, cha mẹ cũng vậy. Ông bà thì còn biết viết. Tôi nhìn thấy một em hút thuốc lá, hỏi : “Cháu còn nhỏ sao lại hút thuốc, bao nhiêu tuổi rồi”? Cậu bé xem chừng bẽn lẽn nhưng vẫn đưa điếu thuốc lên miệng. Bé gái đi cạnh nhanh nhẩu nói: “Nó 11 tuổi cô ạ”.

Dọc lối đi vài trăm mét đất đường rừng này người dân cũng đem hàng ra đây bán, những thứ “cây nhà lá vườn”. Tôi nhìn thấy trái vả rừng to hơn thứ thường gặp dưới xuôi đặc biệt là những chiếc thớt mầu vàng nhạt không to lắm được giới thiệu làm bằng cây mật nhân. Thứ cây này bây giờ tôi mới nghe tên. Một em kéo tay tôi nhờ mua hàng cho mẹ mình. Tôi hỏi thì được biết bạn tên Lò Văn Trường. Tôi mua cho mẹ bạn chiếc thớt để làm kỷ niệm, món quà nhỏ từ Mường Phăng sẽ theo tôi về phương Nam.

Đến nơi chúng tôi lần lượt tham quan:

  1. Nơi làm việc của Ban Thông tin: Có 24 người làm việc trước đây. Có lán ngủ của điện báo viên, có hầm tổng đài điện thoại.
  2. Hầm của trưởng ban thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy, dài 2m.
  3. Lán ở của tướng Giáp thông với lán của tướng Thái bằng con đường hầm dài 69 m;  cao 1,8m; rộng 1,3 m. Trong hầm có phòng làm việc của tướng Giáp và 5 ngách thông tin liên lạc. Điểm kết thúc nối với lán ở của tướng Thái.
  4. Hầm chuyên gia Trung Quốc: cách 200m từ nhà tướng Thái về phía bên phải

Trong suốt cả tiếng đồng hồ trong rừng các “hướng dẫn viên” nhí luôn đồng hành cùng chúng tôi. Tôi rất vui khi thấy các em thuộc lịch sử của cha ông mình. Một em nói làu làu: “ Mẹ cháu bảo cụ Giáp đóng quân ở khu rừng này ba tháng rưỡi. Khi chiến thắng cụ cho mổ một con trâu ăn mừng. Ngày trước khi cụ đóng quân ở đây, dân không được biết, trừ ông Lò văn Bóng năm nay 91 tuổi…”. Các em cũng biết sự tích cây bưởi trước cửa hầm tướng Giáp được mọc từ hạt  trái  bưởi Đoan Hùng của nhân dân Phú Thọ gửi tặng. Tôi cũng chụp mấy tấm  ảnh cây bưởi trên nửa thế kỷ, một “nhân chứng” còn đây nay vẫn đang ra trái . Những trái vừa bằng quả cam. Lúc đứng trong căn hầm đại tướng, tôi cố hình dung lại quá khứ và cố tưởng tượng xem ông đã vui mừng như thế nào khi nhận được tin báo sư đoàn 312 đã bắt sống được tướng De Castries như hồi ký của tướng Trần Độ: “ Chiều hôm 7 tháng 5, đang theo dõi diễn biến trận đánh thì được tin là một số đơn vị của chúng tôi đã vượt qua sông Nậm Rốn vào đến sở chỉ huy của địch rồi. Lát sau, trung đoàn báo cáo lên. E 209 bắt sống được De Castries. Nhận thấy tin này rất quan trọng, tôi và anh Tấn năm lần bẩy lượt điện xuống chỗ anh Hoàng Cầm kiểm tra đi, kiểm tra lại xem có thật không. Anh Hoàng Cầm trả lời “bắt được rồi, đúng rồi”. Đúng lúc anh Văn ở Bộ Tư lệnh gọi điện hỏi chúng tôi tin đó thế nào? Anh Văn còn nói thêm: Anh Tấn và anh Độ chịu trách nhiệm về tin này nhé. Phải lập tức kiểm tra kỹ lại xem có thật đúng mới được báo cáo. Chớ có báo cáo láo. Bộ Tổng Tư lệnh sẽ phái người mang ảnh De Castries xuống và các anh so ảnh xem đã chính xác chưa, hay đã bắt nhầm. Nhận được tin này, chúng tôi lập tức  gọi lại anh Hoàng Cầm, yêu cầu thuật tỉ mỉ, thì nghe trả lời rất hỉ hả: Nó đang đi trước mặt tôi đây. Tôi cho anh em giải lên chỗ các anh đấy. Chúng tôi mừng quá gọi dây nói cho anh Văn. Bấy giờ anh Văn mới yên tâm, yên trí tin đó là đúng sự thật. De Castries đến chỗ chúng tôi, đầu đội mũ nồi, lon ngù vẫn mang đủ…”

Đến với Mường Phăng ngày ấy đối với chúng tôi vừa là mong mỏi, vừa là kỷ niệm. Tôi sẽ mãi mãi không quên những tấm hình chụp bên các em nhỏ, hay hình tấm bia đá nổi bật dòng chữ “Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ bằng hai thứ tiếng Việt-Anh”, những căn hầm nơi nhận những tin vui buồn của chiến dịch “ 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ máu trộn bùn non/gan không núng/chí không mòn/những đồng chí thân chôn làm giá súng/ đầu bịt lỗ châu mai/băng mình qua núi thép gai/ào ào vũ bão…” để “ Chín năm làm một Điện Biên/nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.

SG 10/2013
KT

Bình luận về bài viết này