KHOẢNG RIÊNG VỚI NHÀ THƠ LÊ THÁI SƠN


ĐỨC BAN

Lê Thái Sơn, 2008 - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Lê Thái Sơn, 2008 – Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Hôm qua ra Vinh mỗi việc thăm Lê Thái Sơn, người bạn cùng ngày sinh, tháng sinh, năm sinh (10-1-1949), từng thức với nhau thâu đêm suốt sáng uống rượu và đọc thơ, cười và khóc. Nay thì Sơn không uống rượu được nữa rồi. Căn bệnh ung thư quái ác đến kỳ di căn hành hạ anh từng giây, từng giây một. Ba năm Sơn vừa lo cho mình vừa lo cho vợ con, họ hàng, bè bạn. Cứ đau đáu sợ người khác buồn vì mình. Tôi vừa bước lên bậc thềm Sơn đã  từ trong nhà đi ra choàng tay ôm vai tôi, thì thào nói, không sao, mình không sao… Ấy là anh sợ tôi buồn. Hơn thế, anh an ủi tôi, trời ạ. Lát sau, chúng tôi ngồi bên cái bàn gỗ và lặng lẽ nhìn nhau, có đến ba phút, hoặc hơn. Sơn gầy đi nhiều, bộ râu quai nón một thời cắt xén cẩn thận viền quanh khuôn miệng lúc không cười cũng như cười, nay vẫn thế, khác chăng là thêm nhiều sợi bạc và khóe môi trễ xuống một chút, một chút trễ  buồn đến nao lòng. Bỗng tôi nhớ câu thơ của Sơn : “Mất còn… mặc kệ ngày xưa/  Trẻ trung hoang phí già nua lần tìm”.

      Sơn cựa quậy trên ghế, mặt nhăn lại trong một cơn đau âm thầm nào đấy. Lát sau, anh hỏi:

      – Ông Thái Kim Đỉnh có khỏe không?

      Ông Đỉnh là nhà nghiên cứu văn hóa ở Hà Tĩnh, bạn vong niên với Sơn từ thuở  Sơn mới rời ghế Trường Đại học Tổng hợp Văn về làm văn nghệ dân gian ở Sở Văn hóa Nghệ An. Sơn say mê, cần mẫn đi điền dã, sưu tầm ghi lại những phong tục, tập quán, lễ hội cổ truyền, những truyền thuyết, cổ tích, truyện trạng và thuộc nhiều  ca dao, tục ngữ thành ngữ, ví giặm…Có lẽ nhờ thế mà có lần ông Đỉnh nói với tôi : “Thơ,  văn thằng Sơn có hồn cốt dân gian”. Bất chợt tôi nhìn thấy ánh mắt hóm hỉnh và thâm thúy quen thuộc của anh ngày nào.

     Tôi vội nói:

     – Ông Đỉnh khỏe. Tám sáu tuổi, vẫn làm việc đều.

     – Ông ấy là một nhà văn hóa lớn – Sơn nói.

     – Bao nhiêu năm nữa Xứ Nghệ có thêm một người như ông ấy – Tôi nói.

   – Khó lắm, khó lắm – Sơn nói – Xưa, cụ Trần Hữu Thung với cụ Đỉnh chơi với nhau thật tri âm. Cụ Thung thì đi xa hơn chục năm rồi – Lặng một lúc lâu, anh nói – Thành phố Vinh có một con đường mang tên nhà thơ Trần Hữu Thung đấy.

      Tôi nhớ lần tôi và Nhà thơ Bùi Quang Thanh ra thăm nhà thơ Trần Hữu Thung, lúc ông đang chống chọi với cơn bạo bệnh. Ngồi trên giường, tựa đôi vai gầy vào chị Phương, vợ ông, ông hỏi về Hội văn nghệ, về đội ngũ những người viết văn, làm thơ ở Hà Tĩnh, rồi thì chăm chú nghe tôi trả lời, cứ như đấy là mối quan tâm thường trực trong lòng ông vậy.

      Tôi nhắc chuyện ấy, Lê Thái Sơn nói, các cụ lớn lắm, tấm lòng rộng mở, bao dung, tâm huyết, say mê với đời, với văn chương đến lúc chết… Bọn ta may được sống một thời gian với họ, học hỏi được dăm ba điều. Anh im bặt, đầu hơi cúi xuống. Tôi thấy mi mắt anh rung rung.

     – Nay không nhiều người như vậy – Tôi nói.

     – Điều ấy thật đáng buồn – Sơn nói.

     – Nhưng không phải là rồi không có – Tôi nói – Đất Xứ Nghệ này thời nào cũng có người khổng lồ…

    – Nhưng đừng ngồi chờ – Sơn nói và thở dài.

    – Ông vẫn giữ tính cách của người tuổi Kỷ sửu, đa mang – Tôi nói – Bớt lo chuyện thiên hạ đi cho lòng nó thanh thoát.

    – Đã tính cách thì thay thế nào được – Sơn nói và nở một nụ cười khó nhọc -Thơ, văn là nghiệp, là mệnh ông ạ.

      Tôi thấy nhói đau trong lòng khi bỗng nhớ mấy câu thơ anh vừa viết trên giường bệnh, con gái anh, cô Lê Thị Lam gửi cho tôi qua Email:

Gom lại thơ một đời

Cuốn sách thành ngôi mộ

Các con ơi, từng trang

Gói ghém hồn cốt Bố

      Là viết thế, nhưng Sơn vẫn bình tĩnh đến lạnh lùng khi nhận biết bằng tất cả thân thể là mình sắp về nơi cuối cùng:

Mùa không gió

Không xanh, không ngà ngọc

 Xem như anh đã có địa chỉ cuối cùng.

      Tôi không dám đọc những câu thơ ấy. Nhưng rồi tôi nhận ra mình đã chưa hiểu hết bạn khi nghe Sơn nói là sẽ đọc cho tôi nghe những bài thơ mới viết. Rồi nói thêm rằng, nghe nhưng đừng khóc. Phải rồi, không khóc, khi anh đã bước trên bệnh tật trọn ba năm và đang bước trên con bệnh bằng nghị lực của chàng trai Diễn Châu có cuộc đời lấm láp với nhiều trải biết cùng “những vui buồn, khát khao hạnh phúc nho nhỏ của kiếp người…” (Nguyễn Trọng Tạo)

     Lê Thái Sơn là thế. Vừa dặn con lấy thơ gói Hồn cốt cho mình xong đã mạnh mẽ trên thuyền ngược sông Hiếu cùng những người dân lầm lụi.

Sông Hiếu thân trần

Những người đào vàng man dại

Qua đêm

Mưa trắng núi

Chuyến đò ngang định mệnh

Lật hất tôi vào lỗi lầm sông

Những người đào vàng vô tình vớt được tôi lên

Cùng với cát

Tôi bắt đầu cuộc đời lấm láp

Theo sông ngược ngàn…

      Vừa lúc ấy chị Hồng, vợ Sơn đưa thuốc lên cho anh uống. Tôi cầm cốc nước trao vào tay anh. Nước trong cốc sóng sánh. Tôi nhận biết tay tôi run chứ không phải tay Sơn.

         Ngày trước, trong trại sáng tác Văn học ở Cửa Lò, tôi đã từng đặt vào tay Sơn một bát rượu đầy và ngã người nhìn anh uống, uống đến “Vỏ chai lăn lóc cả rồi/ Chỉ còn mấy đứa bạn ngồi uống nhau…”. Nay thì không phải rượu mà là nước và thuốc. Còn Sơn thì sâu thẳm và thâm trầm…

Nguyễn Trọng Tạo, Lê Thái Sơn, Lạc Thủy, Phạm Văn Thìn, 2003 - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nguyễn Trọng Tạo, Lê Thái Sơn, Lạc Thủy, Phạm Văn Thìn, 2003 – Ảnh: Nguyễn Đình Toán

       Dù gì đi nữa, trong tôi và bè bạn vẫn có một Lê Thái Sơn to lớn, uống rượu và đọc thơ, một  Sơn ngang ngang, hiền lành và mềm yếu, tinh tế và  đa cảm, một Lê Thái Sơn sâu rộng trong văn hóa dân gian, trong veo trong truyện thiếu nhi và nhạy cảm, đằm thắm trong thơ. Một Lê Thái Sơn từng làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, đã xuất bản gần 10 tập sách, nhận đến 10 giải thưởng ở Trung ương và địa phương, nhưng cứ nhận đời mình là một “điệp khúc số không”. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, bạn chăn trâu cắt cỏ với Sơn đã phải thốt lên: Lúc đầu tôi ngạc nhiên về điều ấy, vì tôi biết anh cũng trọn vẹn nhiều bề với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, riêng-chung. Anh nhận mình là “điệp khúc số không”, có khe khắt quá chăng? Nhưng ngẫm kỹ, tôi thấy anh thật chân thành, đấy là sự day dứt cầu toàn của con người anh. Anh muốn tốt rồi còn phải tốt hơn nữa. Tốt hơn nữa vẫn chưa đủ…”

       Chần chừ mãi rồi tôi cũng đành phải chia tay Sơn.  Sơn đi cùng tôi ra tận cổng. Lúc này đâu như gần trưa.   Đang tiết tiểu thử, nắng và gió lào cồn cột còn không gian thì trắng đến nhức nhối.

Ngày 22 – 7 -2013

ĐB.

Một bình luận

  1. Cảm ơn bài viết của bạn rất hay

Bình luận về bài viết này