THƠ BẰNG VIỆT – THỜI ẤY VÀ NGÀY MAI


BÙI VĂN KHA

Nhà thơ Bằng Việt.

Nhà thơ Bằng Việt.

Một ngày cuối tháng Chạp năm Kỷ Sửu (2009), tôi được cầm trên tay cuốn “Bằng Việt – Tác Phẩm Chọn Lọc” – Một Tuyển tập thơ sáng tác và thơ dịch của ông ra mắt độc giả theo kế hoạch xuất bản của Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Ngay tối đó và những ngày tiếp sau khi bước sang xuân Canh Dần (2010), tôi đọc và thưởng thức một bữa tiệc lớn – Một thế giới thơ Bằng Việt mà trước đó, dù là một người yêu và thuộc nhiều thơ ông, nhưng tôi cũng không thể có đủ các tập thơ và các bài thơ hay của ông suốt một thời thơ với nhiều chặng đường sáng tác.

Từ lời tự bạch thay cho lời tựa ở đầu tập sách, với tên bài “Người của một thời, thơ của một người”, Bằng Việt đã viết về thời đại lịch sử mà mình nhập cuộc với một niềm trân trọng : Thời Kháng chiến chống Mỹ cứu nước của cả nước và xây dựng xã hội mới ở miền Bắc. Là một nhà thơ nổi tiếng từ thời kỳ ấy, ông cũng chỉ ra thơ của mình và thơ của thời ấy không chỉ là sự minh họa, hay tuyên truyền đơn thuần như là một vũ khí một công cụ đơn giản máy móc của Đảng, của lãnh đạo và nhà thơ không đơn thuần là con rối  là cái loa dù họ xác định một cách dứt khoát rằng đó cũng là một nhiệm vụ quan trọng của mình khi sát cánh cùng nhân dân cùng dân tộc tranh đấu và kiến thiết. Bằng Việt đã nói lên những nhận thức , cảm xúc, suy nghĩ và hành động của lớp người trẻ tuổi thế hệ mình. Ông cũng chỉ ra vai trò và tư cách Công dân – Trí thức – Chiến sĩ – Nhà thơ cùng sự sáng tạo vượt lên vươn cùng thời đại hào hùng, chiến thắng vẻ vang, hy sinh cao cả và cả những riêng tư sâu lắng. Có thể nói, Lời Tựa đó là một chuyên luận tuyên ngôn chân xác và trung thực của một nhà thơ thời chống Mỹ góp tiếng nói đại diện cho thơ chống Mỹ trả lời cho ngày qua, ngày nay và cả ngày mai về thời đại, con người và thơ. Bằng Việt trả lời ba phạm trù lớn trên không chỉ là một vài bài hay một vài tập mà cả một quá trình sáng tác bốn mươi năm của mình. Và không chỉ là thơ thời chống Mỹ mà là thơ Giai đoạn sau 1975 và thơ Thời kỳ Đổi mới. Từ tập đầu Hương cây – Bếp lửa in chung với Lưu Quang Vũ (1968), tiếp “ Những gương mặt, những khoảng trời” (1973); “Đất sau mưa” (1977); “Khoảng cách giữa lời” (1984); “Cát sáng” (in chung với Vũ Quần Phương, 1985); “Phía nửa mặt trăng chìm” (1995); “Thơ trữ tình” (2002); “Ném câu thơ vào gió” (2001); và “Nheo mắt nhìn thế giới” (2008).Ngoài phần thơ sáng tác, ông còn tuyển chọn 38 bài thơ dịch của 38 tác giả theo thứ tự năm sinh, dù ở mảng này, trước đó ông đã có hẳn một tuyển tập Thơ Trữ tình thế giới.

    Vậy là một hệ thống thơ Bằng Việt đã được tuyển chọn công phu. Nói là công phu vì chính tác giả – Một nhà biên tập lâu năm và có uy tín cân nhắc và lựa chọn từng bài, lại sắp xếp theo thứ tự tập và thời gian xuất hiện để hiểu được sự phát triển của nhà thơ và tác phẩm suốt chiều dài 40 năm.

    Thơ Bằng Việt đã đi vào văn học việt Nam, được giảng dạy và nghiên cứu trong nhà trường từ lâu, được công chúng đón đợi và yêu mến. Có những bài thơ như : Bếp lửa, Trở lại trái tim mình, Về Nghệ An thăm con, Beethoven và âm vang hai thế kỷ, Tình yêu và báo động, Hoa tường vi, Nghĩ lại về Pauxtôpxky, Ném câu thơ vào gió, Lục bát cầu may, Nheo mắt nhìn thế giới, Ngôn ngữ và chính trị, Thơ hay có cần phải chết, Rượu của Nguyễn Cao Kỳ, Đệ Nhất Tổ phái Trúc Lâm giảng thiền…đã ở trong tầm cao cùng với những bài thơ của những nhà thơ nổi tiếng khác 40 năm qua trong văn học Việt Nam.

    Mỗi thời đại, mỗi giai đoạn lịch sử đều có thơ ca của mình. Mỗi nhà thơ, nhất là những nhà thơ hàng đầu, trong tác phẩm của mình đều phản ánh hình ảnh, sức sống và tâm hồn của thời đại cũng như tư tưởng, diện mạo của chính mình. Ở thời kỳ chống Mỹ, trong tập Bếp Lửa (xin phép được rút ngắn tên gọi), cái Tôi – Chủ thể đứng trên mảnh đất chiến đấu và xây dựng với một sự nhập cuộc rõ ràng và quyết liệt. Nhà thơ là chiến sĩ; Đất là nơi giành dật vì một niềm thiêng liêng cao cả; Đồng bào đồng chí cùng những người thân yêu là nơi đùm bọc sẻ san; Đến cả từng con ong, cỏ cây, bầu trời, không khí, vầng trăng… cũng thấm đượm tinh thần đấu tranh quật cường và đứng lên cùng sự sống. Và cũng từ đây hình thành phong cách chủ thể trí tuệ trữ tình của Bằng Việt. Hãy xem bài Bếp Lửa: Từ một bếp lửa của bà nội với “Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn/ Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng” đến “Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,/ Có ngọn lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả” là cả một chuyển đổi nhận thức, nhưng cũng diễn ra tự nhiên không khiên cưỡng.

     Ở “Trở lại trái tim mình” là cả một vị thế của Thủ đô, của dân tộc trên tầm cao đánh Mỹ. Bài thơ thật hào hùng nhưng cũng thật tinh tế lắng đọng. Có những chữ, những câu thật tài hoa. Có thể nói chính năm tháng ấy, lý tưởng ấy, cuộc chiến đấu ấy đã tạo ra chất liệu cho bài thơ ấy. Và chất liệu ấy đã gặp được Bằng Việt để chúng ta hôm nay đọc những câu, không, đọc từ đầu đến cuối bài thơ thấy hết được cái hay mà ngẫm ngợi mà tin tưởng. “Tôi trở lại những bờ đường mùa xuân/ Cây già trắng lá/ Ôi thành phố tôi yêu kỳ lạ/ Cái sống như trăn trở ngày đêm/ Tôi lớn lên, lo nghĩ nhiều thêm/ Thành phố cũng như tôi đang lớn/ Những gác xép bộn bề hy vọng/ Những đầu hồi bóng nắng nhấp nhô…/  Tôi trở về những ngõ quen xưa/  Mỗi ngõ nhỏ dấu một lời tâm sự…” (Trở lại trái tim mình).

    Khúc 1 là hồn cốt, là chất Hà Nội, là nét riêng của Hà Nội như một kỷ niệm không thể nào nguôi quên trong mỗi con người Hà Nội. Khúc 2 là nhịp sống của Hà Nội những năm chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ, Hà Nội là đại biểu, là trung tâm của hậu phương lớn miền Bắc với “Những chuyến hàng đi hoài không hết/ Mỗi chuyến xe mang một tấm lòng”. Dù vậy, khi đọc “Hà Nội thức bao đêm ròng/ Không ai nhớ nữa/ Nhưng mỗi sớm nhìn vào cửa chợ/ Lại thấy hoa bày trên lối đi” thì cái nét riêng ở khúc 1 lại được phát triển ở đây. Cái hào hoa thanh lịch dẫu trong mưa bom bão đạn của quân thù cũng không bao giờ xóa được một biểu tượng Thăng Long. Chính nhà thơ cũng đúc kết lại ở khúc 3 “Có phải bao nhiêu vui buồn thời đại/ Soi vào đây càng đậm sắc màu riêng?/ Tấm lòng Hà Nội thiêng liêng/ Vẫn nguyên vẹn sau rất nhiều từng trải” để “Bao hạt cát hạt vàng lịch sử/ Hà Nội kiên tâm gạn lọc công bằng/ Nghe tiếng Bác mỉm cười đôn hậu/ Nghe bước mình vững chãi tháng năm…”. Cái chất hào hoa lãng mạn ở khúc 4 “Gáy sách cũ xếp chồng kỷ niệm/ Lá thiếp mừng đám cưới mát trên tay”, “Hà Nội bận dẫu không hề phút nghỉ/ Vẫn còn nguyên phong thái hào hoa” đã dẫn đến một nét riêng nhưng vẫn chung cho những thanh niên thời ấy “Trong mỗi ba lô quàng vai/ Đều cất giữ kho tàng chưa mở hết/ Như Hà Nội mười năm tôi biết/ Sáng hôm nay vẫn lạ nét ban đầu”.

     Từ những riêng chung ấy của Hà Nội – Đất nước, hoa cây và con người Thủ đô dũng cảm trong chiến đấu, cần cù trong xây dựng, tinh tế hào hoa trong cuộc sống, nhà thơ Bằng Việt đã khái quát cái vị thế Trung tâm đánh Mỹ – Trái tim cả nước – Cũng là trái tim thân thiết của mình bằng khúc 6 kết lại như một bản hùng ca hào sảng: “Sông Hồng ơi! Dông bão chẳng thay màu/ Rùa thần thoại vẫn nhô lưng đội tháp/ Chùa Một Cột đổ trên đầu giặc pháp/ Lại nở xòe trọn vẹn đóa hoa sen/… Dù quân thù bắn phá cuồng điên/ Tim ta đó vẫn nguyên lành Hà Nội.

    Năm 1967 cũng là năm đỉnh điểm của cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ. Bài thơ này là đỉnh điểm của Bằng Việt với tư cách là một Nhà thơ – Chiến sĩ.

    Tình yêu thương quê hương đất nước con người, tinh thần lạc quan với một lý tưởng yêu nước, một niềm tin son sắt vào nhân dân, dân tộc, tính chiến đấu không khoan nhượng với kẻ thù của tổ quốc đã tạo ra phong cách Nhân văn –  Trí tuệ – Trữ tình trong thơ Bằng Việt.Ngoài phần thơ hùng ca chiến đấu như đã nói ở trên, Bằng Việt còn có một mảng thơ với một vị trí quan trọng trong thơ chống Mỹ: Thơ Tình.Thơ Tình Bằng Việt ngay từ bài đầu tiên “Tình yêu và báo động” làm năm 1967 đã xác định mối quan hệ dứt khoát tình cảm lứa đôi gắn với hiện thực thời chiến. Nhưng ông không cường điệu hóa chiến tranh và lên gân cuộc sống. Và tình yêu cũng không chỉ hai người: “Anh nắm bàn tay em khi nói đến tương lai/ Thành phố đang cơn mưa ướt đẫm trong tiếng hát/ Chúng ta đi giữa bè bạn mỉm cười”. Ngày ấy, Hà Nội phố và làng xen nhau, chỉ có 4 khu phố nội thành và 4 huyện ngoại thành. Ngay ở Nội thành thì những làng Ngọc Hà, Cống Vị, Đại Yên, Vạn Phúc… của Ba Đình; Làng Láng, Tam Khương, Thái Hà của Đống Đa; Làng Quỳnh, Mơ, Ô Đống Mác, Thanh Nhàn…ở Hai Bà Trưng hầu như là đất nông nghiệp hoặc trồng hoa. Hà Nội một thời rộng rãi và nhiều vườn. Khi vào thơ Tình Bằng Việt vườn bỗng trở thành vườn Địa đàng: “Vườn vàng phơi lá thu/ Ánh sáng mênh mông đối mặt quân thù/ Ánh sáng tinh khôi như trong mắt trẻ/ Soi hạnh phúc tự hào, đơn giản thế/ Ngày xưa anh chưa nghĩ ra!”. Đã có rất nhiều lời bình của các nhà thơ, nhà phê bình nổi tiếng như Vũ Quần Phương, Vương Trí Nhàn về đoạn thơ này, nhất là cách đảo chữ để tạo hiệu quả hình ảnh. Câu: “Sông Hồng nước lên. Em đưa anh qua/ Tháng Tám cầu nhô hai nhịp gẫy” là bức ảnh chụp cấu Long Biên bị bom Mỹ ném trúng làm gẫy hai nhịp. Cảm động xiết bao trong cuộc chiến này tình yêu đã nâng cánh cho những người yêu để sức vóc họ bỗng trở thành mạnh mẽ, để “Ta khinh bỉ nhìn kẻ thù dậm dọa/ Không ai trở về thời đồ đá/ Khi tình yêu tới độ chín đang vừa”. Tôi rất tâm đắc với câu “Soi hạnh phúc tự hào, đơn giản thế/ Ngày xưa anh chưa nghĩ ra”. Chỉ có yêu nhau trong bão lửa và đối diện, không, phải là đứng trên đầu thù mới có thể thấu suốt được như thế. Và thế là tình yêu của Thời Bằng Việt đã khác hẳn thời Thơ Mới rồi. Xin trích nguyên một đoạn trong bài này đẻ thấy chữ Ta vừa là số đông, nhưng cũng rất Hà Nội, mà cũng rất riêng thơ:”Ta quen sống những giờ đột biến/ Bỗng sững sờ…trước một sớm không đâu/ Thành phố trong mưa. Hoa rắc trên đầu:/ Hoa mưa nở từng bông trên mái tóc/ Em tươi tắn như mùa xuân thứ nhất/ Nhưng thủy chung như một sắc mai già/ Đôi mắt mở to, dịu dàng thắm mát/ Sau rất nhiều gian khổ đi qua”. Còn trong bài lục bát” Về Huế, Đêm Rằm” thì tình yêu đan hòa vào tình thương làm câu thơ cứ nao nao:”Mùa trăng ấy, thật lâu rồi,/ Dáng em nhỏ xíu qua đồi sim mua/…Em đi… thuở ấy, vai gầy,/ Em là Huế – của đêm nay trăng tròn” cái tròn đầy của trăng với cái nhỏ xíu vai gầy của em thật ngậm ngùi tương phản.

     Nhà thơ Dương Kiều Minh có trao đổi với tôi về cái vạm vỡ sắc nét và gợi tả của tình yêu Bằng Việt nhất là ẩn trong những bài về Hải Phòng, hay cái mong manh thương cảm khi tiễn người yêu ra ga đi công tác xa trong ngày mưa gió. Những năm tháng mà tình người còn nguyên nghĩa nhường nhịn sẻ san ta gặp lại trong thơ làm một thời bỗng nhiên trong ta sống dậy.

    Có rất nhiều bài viết về “Nghĩ lại về Pauxtôpxky” và chính Bằng Việt cũng chú “Pauxtôpxky có phong cách lãng mạn cao thượng, có bút pháp phóng túng, tràn đầy lòng cảm thương và trân trọng con người, cũng như những khát vọng cháy bỏng về hạnh phúc con người”. Nhưng cuộc tranh đấu lúc này khốc liệt quá và tình yêu không chỉ là lãng mạn. Dẫu phải rất khó khăn nhưng cần phải đoạn tuyệt với thời ấy và khẳng định vị thế của mình.”Pauxtôpxky là dĩ vãng trong em/ Thành dĩ vãng hai ta. Bây giờ anh ngoảnh lại:/ Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu, anh hiểu rằng không phải,/ Như tuổi thơ, vừa đó đã xa vời!/ Đưa em đi…tất cả thế xong rồi/ Ta đã lớn. Và Pauxtôpxky đã chết!/ Anh vẫn khóc khi nghĩ về truyện “Tuyết”,/Dầu chẳng bao giờ mong đợi nữa đâu em!” Bài thơ làm năm 1969, một năm sau khi Pauxtôpxky mất.

    Tôi muốn dành những suy nghĩ của mình về thơ Bằng Việt ở phần Thế sự – Công dân.Ở ông, tư cách Trí thức – Công dân bộc lộ từ rất sớm mà điển hình là những bài “Tột cùng gian truân tột cùng hạnh phúc”, “Trở lại Thái Bình”, “Về Nghệ An thăm con”, “Em hãy đến cánh đồng Mường Thanh”, “Đất trẻ”, “Hòn Khoai”…”Ôi cánh đồng rất mực bình yên/ Đã gieo giống ngay trên nền bão tố/ Thái Bình ơi, Thái Bình!/ Loa hát lớn sau buổi chiều phẫn nộ/ Cây cứ thế tưng bừng búp trổ/ Cái chết qua đi như phút trở trời” (Trở lại Thái Bình), “Em hãy đến cánh đồng Mường Thanh/ Để hiểu hết đời mình vào tuổi lớn/ Giành đất với quân thù, dẫu nhiều năm nhiều tháng/ Nhưng nuôi đất sinh sôi, là trận đánh đời đời!”. Về sau, ở tập “Ném câu thơ vào gió”, nhất là tập “Nheo mắt nhìn thế giới”, Bằng Việt viết với trách nhiệm này như một vị thế chính của thơ ông. Các Bài thơ: Cầu vượt, Sự kiện tày đình, Du lịch sinh thái, Ngôn ngữ và chính trị, Thơ hay có cần phải chết, Phim về Lý Công Uẩn, Rượu của Nguyễn Cao Kỳ, Vợ thời @, Bánh chưng bánh dày, Mưa cao nguyên,…Một loạt những bài mà tính thế sự công dân ở mức cao nhất không khỏi làm ta cảm phục trước tấm lòng cao cả ơn dân ơn nước trong thơ ông. Chỉ là một lời hứa cách đây 30 năm. Vào lúc hứa có sức nặng “Nhất ngôn cửu đỉnh” nhưng khi thời gian trôi đi không gian khác đi thì lời hứa cũng chỉ là mưa cao nguyên thoáng đến thoáng đi. Đến thì như biển nước trút xuống ào ào thác đổ, đi thì thoáng chốc sạch bách nhẹ như không. Mà cứ day dứt trong lòng người hứa, mà day dứt cũng chỉ như mưa cao nguyên. Thế mới biết cuộc đời không dễ chút nào.

    Bằng Việt rất ghét thói ăn xổi ở thì mắt không nhìn qua mày. Xin trích bài Sự Tạm Bợ: “Cái bàn gỗ tạp, cái ghế long chân,/ Ý nghĩ và việc làm đều vá víu…/ Chỗ ở cứ khất lần tạm bợ,/ Chúng ta tưởng thời thanh xuân chỉ mới bắt đầu!/ Nhưng thời gian cứ trôi/ Thời gian thẳng thừng dễ sợ…/ Cái tạm bợ đã thành một đời/ Cái tạm bợ đã thành vĩnh cửu!”. Hoặc sự ru ngủ của một thời cũng dễ làm mê đắm bao thế hệ mà quên đi rằng có một cái gì lung lay sụp đổ đến rồi sao mãi không chịu tỉnh thức: “Tôi thức ngủ giữa rất nhiều truyền thuyết…/Bà tôi chỉ thích việc đời có hậu/ Suốt đời cả tin chuyện thuở Lang Liêu…/ Có nhiều lúc tôi muốn tin là thật/ Muốn tắc lưỡi cho việc đời đơn giản!/…Tôi mất nửa đời để thoát ra truyền thuyết/ Tấm bánh mang nhiều suy tưởng hơn xưa!”. Bài thơ Bánh Chưng Bánh Dày làm năm 1989 – Bức tường Béc lin sụp đổ và tôi nghĩ cũng là lúc báo hiệu chủ nghĩa xã hội Đông Âu tan vỡ. Quá khứ dẫu đẹp – Truyền thuyết dẫu đẹp ta tôn vinh trân trọng nhưng không được sống trong đó với ảo ảnh huy hoàng. Ngày hôm nay có những vấn đề của hôm nay. Cái tứ của nhà thơ đã mượn cái tứ của bài thơ để nói về một việc không chỉ là bánh chưng bánh dày ca dao cổ tích.

    Ở Bằng Việt, đề tài quốc tế đã trở thành thân thuộc từ thời thanh niên. 19 tuổi ông sang Liên Xô học luật ở Kiep. Bài thơ Bếp Lửa làm lúc ấy. Ông giao lưu và thắt chặt quan hệ anh em với các bạn nước ngoài trong mái nhà chung Xô Viết. Cái thuở ấy in đậm trong ông và cách đánh giá của ông về Lê nin, về Che Gevara,về Gacxia Loocca, về Pablô Neruda…Những con người cống hiến đời mình cho hạnh phúc con người và tiến bộ loài người là niềm tin yêu không thay đổi. Ông hiểu rõ vị thế của họ, tư tưởng của họ, đóng góp và vinh quang của họ trên trái đất này. Ông cũng rất coi trọng dịch thuật: Dịch thơ của các nhà thơ các nước Nga, Tây ban nha, Pháp, Ấn độ, Nhật bản, Đức, Bỉ, Thổ nhĩ kỳ…sang tiếng Việt. Ông còn dịch thơ Việt sang tiếng Nga mà ông thông thuộc như tiếng mẹ đẻ, và tiếng Anh, Pháp là 2 ngoại ngữ mà ông sử dụng thành thạo. Thời bộ đội và sinh viên trong sổ tay của tôi chép những bài thơ của Onga Becgon do ông dịch cùng với bài thơ Nghĩ Lại Về Pauxtopxky nổi tiếng do truyền tay nhau. Nói như nhà thơ Phạm Tiến Duật khi còn nơi dương thế “thơ dịch với Bằng Việt như một gác xép – Nhưng với người khác thì gác xép ấy là cả một lâu đài”. Sự đóng góp của Bằng Việt trong dịch thuật như một Đại sứ thiện chí của Việt Nam về thơ ca với bạn bè năm châu bốn biển.

    Bằng Việt là thi sĩ – Là thi sĩ nên Bằng Việt mang trong mình một nỗi buồn muôn thuở. Nhưng cái buồn của Bằng Việt là cái buồn của người Trí thức – Một nhà thơ – Một Kẻ sĩ Thăng Long trước Thế và thời, trước nhân gian. “Một chút buồn trong vắt và mong manh/ Như dĩ vãng xa xưa thức dậy/ Bỗng phấp phỏng yêu đời biết mấy/ Trong nỗi bồn chồn ao ước bâng quơ!”(Đọc lại “Dế mèn phiêu lưu ký” – Ông còn ghi thêm đề dẫn: Chia sẻ với bác Tô Hoài chút cảm nhận của tuổi thơ. Bài thơ này làm năm 1961, sửa lại năm 1973); “Có nỗi buồn bay qua lỗ kim/ Có nỗi buồn lướt trên miệng vực/ Có nỗi buồn không hiểu được người/ Có nỗi buồn tìm ra mình không được” (Buồn – Làm năm 2003), “Người đàn ông đã đến tuổi buồn/ Đã đến tuổi không còn gì để nói/ Sao ngoảnh lại vẫn còn nhiều bối rối/ Vẫn còn nhiều duyên nợ ở trần gian?” (Mất Ngủ – Làm năm 2008). Ở bài thơ này, tác giả chú thích câu thơ của Tú Xương: “Khăn khăn áo áo thêm rày chuyện/ Bút bút, nghiên nghiên khéo vẽ tuồng/ Ngủ quách sự đời thây kẻ thức/ Bên chùa, chú trọc đã khua chuông!”.Có thể thấy nỗi buồn qua nhiều bài nữa – Một nỗi ngậm ngùi trong Lục Bát Cầu May, một câu chuyện xác thực nhưng đắng đót trong Bán Thuốc Ở Nam Ninh, một sâu lắng hoài niệm ở Trong Rừng. “Trong rừng…như có tuổi thơ/ Ban mai nắng thắm đón chờ bao năm/ Trong rừng…như có vầng trăng/ Tròn xoe vụng dại…đêm rằm quê xưa/ Trong rừng…như có sim mua/ Ăn không biết chát, buồn chưa biết buồn!… ” – Sầu buồn ngậm ngùi vận vào Bằng Việt “từ ngày còn không”!

    Sức mạnh trong ngòi bút Bằng Việt là trân trọng quá khứ (hay lịch sử, cũng chỉ là một cách nói) và luôn luôn cách tân. Một đề tài có thể trước đó ông đã viết nhưng với thời gian ông thấy cần phải nâng cao lên cho đúng với nhận thức của mình ông sẵn sàng viết tiếp dù chỉ nói được một ý, một tình cảm trân trọng. Như bài Bếp lửa – 1963 với bài Đôi dòng tiễn đưa bà nội – 1974; Bài Tột cùng gian truân tột cùng hạnh phúc – 1968 với bài Trở lại Thái Bình – 1971/1973; Bài Tình yêu và báo động – 1967 với bài Những đoạn thơ tình giữa hai cuộc chiến tranh phá hoại – 1969/1970…Đặc biệt ở ông luôn có một trực giác tinh tế và khả năng nắm bắt cấu tứ đến kỳ lạ như là một tài năng thiên phú.  Một hôm, Bằng Việt kinh kệ đêm mơ thấy Phật hoàng Trần Nhân Tông. Một tứ thơ lớn lao chợt đến. Nó xuất hiện vào 1000 năm văn hiến Thăng Long như là một tinh tuyển của thi pháp Bằng Việt. Đó là bài thơ “Đệ nhất tổ phái Trúc Lâm giảng thiền!” Nói như nhà thơ Hoàng Vũ Thuật thì bài thơ này đã đúc kết ba cái phận: Phận Đời, phận Người và phận Thơ. Tôi còn thêm một ý nữa: Đó còn là phận Niệm. Niệm ở đây là thức nhận, đốn ngộ, suy tư và phương pháp nữa. Nó là chủ thuyết cách tân vào khoảng những năm này. “Chấp theo lối cũ là không đúng!” – Lời Phật hoàng dạy đệ tử 700 năm trước về Tam bảo Phật – Pháp – Tăng đã nối tứ cho Bằng Việt đặt ra ba văn cảnh (tạm gọi là Tam văn):”Việc đời – Hạnh phúc trần ai – Thơ”. Chữ “Chấp” thiền tự của Phật hoàng được Bằng Việt giữ nguyên thực ra vô cùng biến hóa. Là đơn nhất nhưng cũng lại đa nguyên, là thế nhưng thực ra không phải thế. không phải thế mới chính là như thế! Chao ôi là tiếng Việt!

Trở lại với lời Tựa, lúc đầu Bằng Việt định đặt là “Người của một thời, thơ của một thời”. Nhưng  nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo góp ý nên đặt là “Người của một thời – Thơ của một người”. Tự bản thân tiêu đề này đã nói được rất nhiều.

   Nói về nhà thơ Bằng Việt, tác giả và tác phẩm thì không thể chỉ một người, một bài, một thời. Nhất là Thơ Tình Bằng Việt có nói hoài cũng chưa chắc hết. Tôi viết về ông và tuyển tập thơ ông như một món quà xuân – Như ông lúc nào cũng xuân – Không “Chấp”!

                                                       Trại sáng tác Tam Đảo

                                                                  B.V.K

 

6 bình luận

  1. Thơ như ri:
    “Chùa Một Cột đổ trên đầu giặc pháp/ Lại nở xòe trọn vẹn đóa hoa sen… Dù quân thù bắn phá cuồng điên/ Tim ta đó vẫn nguyên lành Hà Nội”
    Cháu xin bác Bùi Văn Kha chỉ cho Chùa Một Cột (viết hoa) làm răng mà có thể đổ lên đầu giặc pháp ( không viết hoa) ?
    Rồi “Thơ Bằng Việt đã đi vào văn học việt Nam, được giảng dạy và nghiên cứu trong nhà trường từ lâu, được công chúng đón đợi và yêu mến”
    Là nhà trường xã hội chủ nghĩa trước đây thui chớ bác? Cháu ở trong xa đâu có biết vụ nầy?

    Thanh Minh

    • Hỏi như vậy thì đọc thơ làm gì? Đọc có đến Tết Kampuchea sẽ vẫn còn mơ màng. Phải học thêm thôi. Không hiểu không biết thì cứ trau giồi mãi thì sẽ có lúc “sáng mắt sáng lòng”. Hehehe…

  2. Còn nhớ, dạo 1984-1985, Bằng Việt làm phiên dịch cho nhà văn Liên Xô – Viện sĩ thông tấn Siđôrốp, giám đốc Viện Văn học Goorky, nói chuyện về văn học xô viết cùng văn nghệ sĩ, giáo viên chính trị tỉnh Phú Khánh ở Rạp xi nê Tân Tân (Nha Trang).
    Trong cuộc nói chuyện, Siđôrốp tập trung nói về nhà văn người dân tộc thiểu số Kiếc Ghê Zia là Aimatop và tiểu thuyết “Một ngày dài hơn thế kỷ” của ông (khi đó chưa được dịch sang tiếng Việt). Đó là nhà văn và tác phẩm xô viết tiêu biểu khi ấy, nổi tiếng trong đời sống văn chương toàn thế giới. Aimatop chính là đại biểu Xô Viết tối cao đã giới thiệu Goocbachop làm ứng viên Tổng thống Liên Bang xô viết sau đó. Ông cũng là tác giả của “Người thày đầu tiên”, “Cây thông non quàng khăn đỏ”… khá quen thuộc với độc giả VN.
    Theo Siđôrốp, với “Một ngày dài hơn thế kỷ”, Aimatop muốn gióng lên tiếng chuông cảnh báo về khuynh hướng khai thác bừa bãi tài nguyên, phá hoại thiên nhiên, sẽ phải trả giá khốc liệt, về sự lãng quên cội nguồn quá khứ và quê hương của lớp trẻ, và đặc biệt, nhân loại hãy nhận rõ bản chất của giới chóp bu, dù TBCN hay XHCN, bao giờ cũng chỉ mưu cầu lợi ích ích kỷ và đặc quyền đặc lợi ăn trên ngồi chốc của chúng.
    Qua đó để thấy, giới chức cầm quyền hủ bại bao giờ cũng xem văn nghệ sĩ chân chính là kẻ thù nguy hiểm không đội trời chung. Vụ Nhân văn – Giai phẩm ở VN là bằng chứng không thể phủ nhận. Dập tắt được tự do tư tưởng ở văn nghệ sĩ, người ta dễ dàng tuyên truyền ngu dân, nô dịch lâu dài cả xã hội.

    • Tôi rất đôngý với nhận định này, nhưng có điều khó cho những người chân chính là bọn hủ bại đó lại có trong bạo lực, nhà tù và cả bon bồi bút a tòng nữa. Biết làm sao bây giờ???

  3. Vì thành tựu thơ ca trác việt, Trung Quốc được gọi là “Thi Quốc”, và thơ của Thi Quốc cũng không khước từ đề tài muôn thuở ấy.

  4. Chúng ta cần ghi nhớ : …giới chức cầm quyền hủ bại bao giờ cũng xem văn nghệ sĩ chân chính là kẻ thù nguy hiểm không đội trời chung ! ” Tuy nhiên, bọn hủ bại chỉ có thất bại mà thôi !

Bình luận về bài viết này