LÊ ĐẠI CANG (CƯƠNG) VỚI THĂNG LONG – HÀ NỘI


TS NGUYỄN HỮU TÂM
(Viện Sử học)

Có lẽ ít có nhân vật lịch sử nào được các sử thần triều Nguyễn ghi chép nhiều như Lê Đại Cang. Đại Nam thực lục từ triều vua Gia Long (1802-1820) đến triều vua Thiệu Trị (1841-1847) đều có chép về ông. Lê Đại Cang đã phụng sự trải qua 3 triều vua đầu tiên của vương triều Nguyễn. Theo thống kê: Đại Nam thực lục – bộ Quốc sử triều Nguyễn đã có tới 194 đoạn ghi chép khá đầy đủ những hoạt động của ông trong quá trình làm quan[1]. Đại Nam liệt truyện chính biên, trong Truyện các quan, Lê Đại Cang cũng được các sử quan triều Nguyễn dành cho một số trang để chép về tiểu sử, sự nghiệp của ông[2]

Nếu theo đoạn ghi chép đầu tiên của Đại Nam thực lục, chúng ta biết rằng Lê Đại Cang bước vào con đường hoạn lộ với chức quan Tri huyện huyện Tuy Viễn. Thư tịch đều không xác định rõ Lê Đại Cang giữ chức quan này vào năm nào. Lời dẫn (Tự dẫn) trong Gia phả họ Lê do chính ông chấp bút, lại viết năm Tân Dậu 1801, khi 31 tuổi Lê Đại Cang bắt đầu được các vị quan triều Nguyễn tiến cử ra làm quan: Năm Tân Dậu (1801), gặp lúc Thế tổ Cao Hoàng đế (vua Gia Long) đánh chiếm kinh thành, giao cho Hữu quân bình Tây tướng quân Quận công Nguyễn Huỳnh Đức và Hình bộ Tham tri Nguyễn Hoài Quỳnh trấn thủ thành Quy Nhơn. Hai ông hỏi thăm biết tôi có tiếng tăm (nhân thủ thời danh), chẳng nề là danh tiếng hão huyền, bèn tiến cử tôi với triều đình, lúc này tôi đã 31 tuổi[3].

Chúng tôi cho rằng khi viết Gia phả, Lê Đại Cang đã nhớ nhầm khi cho rằng mình được làm Tri huyện năm Tân Dậu. Chúng tôi tìm thấy một đoạn chép trong Đại Nam thực lục như sau:

Nhâm Tuất, năm Gia Long thứ nhất (1802), mùa hạ, tháng 5…sai Nguyễn Hoàng (Huỳnh) Đức làm án trấn trấn dinh Quy Nhơn, Nguyễn Hoài Quỳnh làm Hiệp trấn kiêm lãnh hai dinh Phú Yên và Quảng Ngãi…Bọn Hoàng (Huỳnh) Đức dâng sớ cử sáu người có thể bổ làm Huyện lệnh, xin bổ Tri huyện ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly (sau chia làm Phù Mỹ, Phù Cát) và Tuy Viễn (sau chia làm Tuy Viễn và Tuy Phước), Vua y cho [4].

Như vậy, căn cứ theo Quốc sử, có thể khẳng định vào mùa hè tháng 5 năm Nhâm Tuất, (vì tháng 5 Nhâm Tuất (âm lịch) là tháng đủ, tương ứng từ ngày 31 tháng 5 đến 29 tháng 6 năm 1802 (dương lịch), Lê Đại Cương là một trong sáu người được cử giữ chức Tri huyện huyện Tuy Viễn. Sau đó, do mắc phải khuyết điểm tham tang nên ông đã bị cách[5].

Khoảng ít năm sau, Hậu quân Lê Chất làm Tổng trấn Bắc thành biết được Lê Đại Cương là “người có tài làm việc” đã dâng tâu lên vua Minh Mệnh xin đưa ông ra làm việc tại miền Bắc[6]. Cũng không rõ khi mới ra Bắc ông được giao chức vụ gì, có phải chức Tri huyện như Đại Nam liệt truyện chép hay không: Hậu quân là Lê Chất dâng sớ tiến cử Cang là người có tài làm việc nên được phục chức Tri huyện[7]. Chỉ biết rằng đến năm 1819, Lê Đại Cang được bổ chức Thiêm sự Binh bộ, làm việc tại Hộ tào và Binh tào, phụ trách việc từ chương, giấy tờ tại Bắc thành. Sử chép: Gia Long thứ 18 (1819), mùa hè, tháng 6, Cựu Tri huyện Lê Đại Cang làm Thiêm sự Binh bộ[8], sung biện Hộ tào và Binh tào Bắc thành…Đại Cang kiêm làm giấy tờ ở thành[9].

Sau lần đầu bị huyền chức, Lê Đại Cang được chuyển ra Bắc và bố trí làm việc tại Thăng Long với chức trách soạn thảo từ chương giấy tờ. Năm 1823, ông lại được điều về Quảng Nam trông coi việc đào sông Vĩnh Điện, đến năm 1825 bị xử tội về việc để sông bị sụt lở. Sau khi được giảm án về Kinh đô Huế, ông lần lượt giữ các chức trong bộ Hình.

Năm 1827, khi đương chức Hữu Tham tri Hình bộ, Minh Mệnh lệnh cho ông làm quan Khâm sai thay mặt nhà vua đem cờ bài và hai mươi người liêu thuộc đi Bắc thành thẩm tra, thanh lý việc xét xử hình ngục tại đây. Khi về Kinh báo cáo kết quả với nhà vua, Lê Đại Cang đã mạnh dạn chỉ rõ tình trạng tham nhũng phổ biến trong tầng lớp quan lại thuộc bộ Hình, có một số ít còn tương đối thanh liêm. Sử chép: Cương nhân tâu rằng: Viên dịch Hình tào nhiều người tham nhũng, thần xét ra được hơn mười người, có đủ thực trạng, còn người ngày đêm cần cù có ích cho Hình tào thì chỉ có vài ba người thôi[10].

Lần thứ hai Lê Đại Cang xuất hiện tại Thăng Long, đã hoàn thành chức trách xuất sắc dưới vai trò quan Khâm sai kiểm tra xét xử các án hình ngục tại Bắc thành trong thời gian bốn tháng (từ tháng 7 đến tháng 11 năm 1827). Vua Minh Mệnh khen ngợi lần công du Bắc kỳ này của ông như sau: Ngươi là người biết lẽ, trước kia (chỉ năm 1827) việc hình ngục người đến nơi là làm xong ngay[11].

Đến năm 1828, triều đình lại cử Lê Đại Cang đi phụ trách cơ quan Đê chính tại Thăng Long. Đồng thời, nhà vua còn cho phép ông được quyền xem xét, kiện toàn lại nhân sự trong tổ chức Đê chính. Thời gian phụ trách Đê chính từ tháng 9 năm 1828 đến 1830, Lê Đại Cang đã ở trong trị sở đóng tại Cửa Nam thành Thăng Long: Tháng 2, năm 1829, Dựng công đường Đê chính ở Bắc thành (ở Cửa Nam trong thành)[12]. Ông đã tận tâm, say sưa công việc phụ trách đào đắp đê, khơi thông dòng chảy với chức nhiệm nặng nề được giao và bằng cả nhiệt huyết của một vị quan chăm lo đến đời sống của dân chúng.

Qua thực tiễn quản lý của bản thân cộng thêm kinh nghiệm được đúc rút trong lịch sử, Lê Đại Cang đã dâng bản tâu kiến nghị nhằm giải quyết thấu đáo việc phòng, đắp đê của các tỉnh Bắc kỳ[13]. Sau khi đọc xong bản tâu lên vua, chúng ta cảm nhận được Lê Đại Cang là một vị quan đầy tâm huyết và trách nhiệm đối với công tác thủy lợi quốc gia. Ông đã cùng triều thần đi thăm hỏi những bậc cao tuổi, dân chúng địa phương về các điều có lợi và thiệt hại trong thủy lợi và đưa ra kết luận phải tiến hành phòng hộ đê. Lê Đại Cang còn tìm hiểu quá trình đắp đê và đào sông trong lịch sử nước ta…Đặc biệt, ông đưa ra một bản thống kê cụ thể về lịch sử cùng hiện trạng toàn bộ hệ thống đê công và đê tư đến tận các xã, thôn của các trấn Sơn Tây, Sơn Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương và phủ Hoài Đức thuộc Bắc thành[14]. Vì những thành tích quản lý đê hữu hiệu trong lần thứ ba ra công cán tại Thăng Long, ông nhiều lần được triều đình ban thưởng tiền bạc và chức tước[15].

Cùng với nhiệm vụ quản lý cơ quan Đê chính tại Thăng Long, Lê Đại Cang còn được bổ làm Hình tào Bắc thành (tức phụ trách công việc luật pháp, hình pháp của các tỉnh phía Bắc): Minh Mệnh thứ 11 (1830), tháng 9, lại lấy Hữu tham tri Hình bộ là Lê Đại Cương lĩnh Hình tào Bắc thành vẫn kiêm lĩnh Đê chính[16]. Trong thời gian này, ông còn tham gia chủ trì khoa thi được tổ chức tại Thăng Long, tháng 9 năm 1831, Lê Đại Cang làm Chủ khảo trường thi hương Bắc Thành. Cần phải lưu ý, 61 người đỗ Cử nhân khoa thi này, đặc biệt trong số 20 người đỗ tại trường thi Bắc Thành có Cao Bá Quát người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, Bắc Ninh (nay thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cũng tham gia và thi đỗ[17].

Một tháng sau khi hoàn thành chức trách Chủ khảo, đến tháng 10 năm Minh Mệnh 11 (1830), Lê Đại Cang cùng với các Đại thần khác được giao quyền Tổng trấn Bắc thành: Triệu Đô thống thự Hậu quân ấn vụ, lĩnh Phó tổng trấn Bắc thành Phan Văn Thúy về Kinh cung chức. Sai bọn Chưởng cơ Lê Văn Quý, Hình tào Tham tri Lê Đại Cương…cùng nhau quyền giữ ấn triện Tổng trấn Bắc thành. Khi có việc tâu báo chuẩn cho đều hội hàm cùng ký vào tờ tâu[18].

Tháng 7, năm Minh Mệnh 13 (1832), Lê Đại Cang đương giữ chức Tổng đốc Sơn – Hưng – Tuyên lại được giao quyền kiêm lĩnh cả ấn Quan phòng Tổng đốc Hà –Ninh (tức Hà Nội và Ninh Bình). Đồng thời, ông được quyền quyết định những công việc trọng yếu của Hà Nội. Sử chép: …Bố chánh, Án sát Hà Nội đều chiếu theo chức vụ làm việc, nếu có việc trọng yếu, tức thì bẩm lên để Đại Cang (Cương) điều khiển[19]. Như vậy, cùng một lúc ông kiêm giữ chức Tổng đốc của 2 tỉnh lớn trong số 18 tỉnh miền Bắc đương thời. Khi đó, địa dư Hà Nội phía nam là huyện Bình Lục, huyện Nam Xang, kéo dài đến sát địa phận Ninh Bình.

Lần thứ ba Lê Đại Cang ra Thăng Long 4 năm (1828-1832), thời gian này có lẽ là một trong những thời kỳ đẹp nhất cuộc đời làm quan của ông. Để phục vụ cho công cuộc cải tổ cơ cấu hành chính do Minh Mệnh thực hiện ở miền Bắc, Lê Đại Cang đã đảm nhiệm nhiều trọng trách tại Bắc thành gồm Tổng đốc Sơn-Hưng-Tuyên, quyền Tổng đốc Hà Nội-Ninh Bình…Phong cách làm việc của ông rất dứt khoát, hiệu quả, vua Minh Mệnh đã phải công nhận: Người (chỉ Lê Đại Cang) làm việc nhanh nhẹn, giỏi giang, (trẫm) đã hiểu biết rất rõ[20]. Chính vị vua nổi tiếng triều Nguyễn này, từng sai bộ Hình truyền chỉ rửa oan cho Lê Đại Cang khi có đơn kiện vu khống, đổ vấy việc tham tang thời kỳ giữ chức Hiệp trấn Sơn Tây. Nhà vua có niềm tin vào vị “lương thần” có năng lực và thanh liêm như sau: Trước đây, có đơn tiểu dân kiện bậy, ta cũng tin rằng chắc ngươi không có việc ấy…Nay đã xét ra đơn ấy là vu khống, tâm tính ngươi của ngươi đã tỏ rõ[21].

Chúng ta đều hiểu một vị triều quan, mà lại dành được sự tin tưởng cao như vậy của đương kim hoàng đế, chắc phải có những phẩm chất, đạo đức cùng năng lực làm việc xuất sắc. Điều này đã được thể hiện rõ trong các lời ngợi khen cùng việc thăng bổ nhiều chức vụ cao tại những địa phương trọng yếu hay cử làm quan Khâm sai thay mặt nhà vua ra Bắc giải quyết công vụ của hai vua Minh Mệnh và Thiệu Trị đối với Lê Đại Cang.

Sau 9 năm (1832-1841) làm việc tại các vùng đất nam Trung bộ, miền Nam và Chân Lạp, thăng trải nhiều trọng chức và cũng hai phen bị giáng hết quyền lực, bị kết tội trảm giam hậu, bắt làm lính ở nơi quân ngũ, Lê Đại Cang được dịp trở lại Thăng Long- Hà Nội. Nếu như ba lần trước Lê Đại Cang xuất hiện tại Thăng Long – Hà Nội đã đem lại cho ông rất nhiều hiệu quả trong công việc và đời tư, thì lần thứ tư Lê Đại Cang “tái hồi”, cũng chứng tỏ ông rất “có duyên” với vùng đất cổ nghìn năm tuổi này

Tháng 10 năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), triều đình sai Lang trung bộ Binh biện lý công việc của bộ là Lê Đại Cang phụng mạng mang cờ biển đi đến các nơi hành cung, sứ quán ở Hà Nội, Bắc Ninh và Lạng Sơn, xem xét công việc đã làm[22]. Sách Đại Nam liệt truyện có chép hơi khác như sau: Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), khởi phục (Lê Đại Cang) làm Viên ngoại lang, Khâm sai Bắc kỳ Biện lý bang giao sứ vụ, sau thăng lên Lang trung[23]. Theo Đại Nam liệt truyện Lê Đại Cang ra Bắc lần này để đảm đương chức nhiệm xử lý công việc bang giao (ngoại giao) và được bổ chức Viên ngoại lang, sau đó mới thăng lên Lang trung. Mặc dù có sự xuất nhập nhỏ trong ghi chép, nhưng cả hai sách đều chép thống nhất: Ông được cử đi với chức trách của một vị Khâm sai thay mặt nhà vua giải quyết công việc trọng đại quốc gia, bởi xuất phát từ lý do được bộ Quốc sử ghi lại: Vì Cang (Lê Đại Cang) trước ở Bắc thành, hiểu rõ điển lệ cũ, cho nên có việc sai đi này[24].

Cũng chỉ với 2 tháng trong vai trò Khâm sai, ông quan Lê Đại Cang lúc này đang ở độ tuổi “xưa nay hiếm” (tròn 70) bằng nhiệt tình, trách nhiệm cao cùng kinh nghiệm điều hành công việc hiệu quả đã được các bạn đồng liêu tiến cử và vua Thiệu Trị ban cho giữ chức Thự Bố chính sứ Hà Nội vào tháng 12 năm 1841. Sau một năm đảm nhiệm chức trách này, Lê Đại Cang xin về hưu tại vùng đất Thăng Long-Hà Nội, nơi ông gắn bó với nhiều kỷ niệm đẹp.

Thời gian cả 4 lần Lê Đại Cang được điều ra làm việc và sinh sống tại Thăng Long – Hà Nội (trong khoảng từ năm 1819 đến 1842) ước tính chỉ độ 10 năm. Mười năm này đã để lại cho Lê Đại Cương nhiều ấn tượng sâu sắc, đường thăng quan tiến chức khá “thuận buồm xuôi gió”. Ông đã nhiều năm làm quan trên kinh đô của các triều đại Lý-Trần-Lê, lại là một người có ý thức chịu khó quan sát, tìm hiểu vùng đất cổ hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc, cho nên đã tích lũy được một khối kiến thức sâu sắc về phong tục tập quán cùng đặc điểm tâm lý của người dân nơi đây. Vì vậy, khi giải quyết những vấn đề có liên quan đến địa phương, khá hợp lý, hợp tình được dân chúng cùng triều thần vị nể, đương thời ông “có tiếng là chính sự giỏi”[25].

Mặt khác, Lê Đại Cang được nhiều bạn đồng liêu yêu mến, kính trọng bởi tính cách thẳng thắn, nghiêm khắc trong giải quyết công việc của một vị quan xuất thân từ một nhà Nho quê gốc Bình Định. Có lần Lê Đại Cang đã từ chối không nhận toàn bộ tiền thưởng của nhà vua ban cho với lý do quê hương xa xôi, lại mới bị phạt.

Sử chép: Mùa đông, tháng 12 năm Minh Mệnh 9 (1828) Thưởng quản lý Đê chính là Lê Đại Cương 100 quan tiền. Nhà vua thấy việc bận nhiều …duy một mình Cương làm, kể cũng khó nhọc, nên thưởng cho, Cương nhân đó tâu rằng: quê nhà xa xôi, trước bị phạt bổng, nay xin lĩnh một nửa để chi dung. Vua bảo bộ Hộ: Cương xin là muốn tỏ cho Trẫm biết là thanh bạch thôi[26].

Trong cuộc đời làm quan, có một lần Lê Đại Cang thực hiện quyền “tiền trảm hậu tấu” (chém trước tâu sau) của một đại thần. Khi giữ quyền ấn triện Tổng trấn Bắc Thành, Lê Đại Cương đã xử lý một vụ cố tình đốt cháy nhà trong khu vực dân cư của Thăng Long. Sử chép về sự kiện này: Nguyên quyền giữ ấn triện Bắc Thành là bọn Lê Đại Cương, bắt được kẻ phóng hỏa đốt nhà cửa người ta, lập tức sai chém rồi mới tâu lên[27]. Vua Minh Mệnh nhằm tránh cho Lê Đại Cang bị xử tội nặng, giải thích rằng: cách giải quyết của ông là việc làm tùy tiện, vì đương thời có bọn côn đồ vô lại, nhân cơ hội gây rối, chứ không phải do tự tiện chuyên quyền.[28]

  Vùng đất cổ Thăng Long – Hà Nội có lẽ là nơi “đất lành” đối với một con dân nam Trung bộ như ông. Lê Đại Cang tìm được niềm vui trong thời gian sinh sống và làm việc ở đây. Các vua Minh Mệnh, Thiệu Trị đều tỏ ra tin tưởng, giao cho ông nhiều trọng chức tại Thăng Long – Hà Nội.

Thăng Long-Hà Nội không chỉ để lại cho Lê Đại Cang những năm tháng vinh quang của cuộc đời hoạn lộ, mà còn ghi nhận một thiên tình sử nồng nàn của ông với một vị Quận chúa xinh đẹp xứ kinh Bắc. Bà Quận chúa có tên là Lê Ngọc Phiên, cháu nội của vua Lê Hiển tông, cháu của Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, người làng Nành (nay là xã Ninh Hiệp, Hà Nội). Bà Ngọc Phiên là vợ thứ của Lê Đại Cang, xuất thân dòng dõi hoàng tộc, được học tập chu đáo từ nhỏ, cho nên rất hiền thục, chăm chỉ, giỏi nội trợ, yêu thích văn chương[29]. Bà đã cùng ông vào Nam ra Bắc, chịu mọi gian truân khổ ải, đầy sóng gió hiểm nguy của con đường làm quan cay cực như Lê Đại Cang đã viết[30].

Nhân dịp kỷ niệm 165 năm ngày Lê Đại Cang giã từ dương thế (1847-2012), hậu học xin được dâng nén tâm hương để tưởng nhớ tới bậc tiền nhân – người đã cống hiến cho sự nghiệp dựng xây của triều Nguyễn và góp phần vào công cuộc phát triển Thăng Long-Hà Nội trong thế kỷ XIX.

                                                                 Nhâm Thìn, Mạnh đông (11/2012)

                                                                 Viết tại Hà Thành, Quan Nhân thư trai.

 


[1] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.Một, Nxb.Giáo dục, H, 2002. Đại Nam thực lục, T.Hai, T.Ba, Nxb.Giáo dục, H, 2004.  Đại Nam thực lục, T. Bốn, T. Năm, T.Sáu, Nxb.Giáo dục, H, 2007.

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam liệt truyện, Tập 3: Chính biên-nhị tập, Viện Sử học, Nxb.Thuận Hóa, Huế, 2005, tr.385-387.

[3] Lê Đại Cang và Lê Thị gia phả, Nxb.Dân trí, 2011.

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.Một, Sđd, tr.493.

[5] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T. Một, Sđd, tr.820.

[6] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T. Một, Sđd, tr.820.

[7] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam liệt truyện, Tập 3: Chính biên-nhị tập, Sđd, tr.386.

[8] Bản dịch Gia phả họ Lê đã dịch nhầm từ Thiêm sự 簽事sang thành Kiểm sự 檢事, chúng tôi đã xem bản chữ Hán trang 101 cũng chép là Thiêm sự 簽事. Lê Đại Cang và Lê Thị gia phả, Sđd, tr.73.

[9]Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T. Một, Sđd, tr.992.

[10] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.Hai, Sđd, tr.680.

[11] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.Hai, Sđd, tr.774.

[12] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.Hai, Sđd, tr.829.

[13] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.Hai, Sđd, tr.892-893.

[14] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.Hai, Sđd, tr.899-900.

[15] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.Hai, Sđd, tr.804, 829, 887.

[16] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.Ba, Sđd, tr.103.

[17] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.Ba, Sđd, tr.211.

[18] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.Ba, Sđd, tr.221.

[19] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.Ba, Sđd, tr.348.

[20] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.Ba, Sđd, tr.426.

[21] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.Ba, Sđd, tr.426.

[22] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.Sáu, Sđd, tr.234.

[23] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam liệt truyện, Tập 3: Chính biên-nhị tập, Sđd, tr.387.

[24] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.Sáu, Sđd, tr.235.

[25] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam liệt truyện, Tập 3: Chính biên-nhị tập, Sđd, tr.386.

[26] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.Hai, Sđd, tr.804.

[27] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.Ba, Sđd, tr.254.

[28] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.Ba, Sđd, tr.254-255.

[29] Lê Đại Cang và Lê Thị gia phả, Sđd, tr.25, 46-47.

[30] Lê Đại Cang và Lê Thị gia phả, Sđd, tr.74.

Bình luận về bài viết này