HÀN MẶC TỬ THI SĨ ĐỒNG TRINH (chương 13, 14)


Tiểu thuyết chân dung của NGUYỄN THỤY KHA

13. Ra đời

…Một ngọn núi vô cùng
Mùa xuân đang chín lại

Nguyễn Thụy Kha

Tháng 6 năm 1939. Mùa hạ Quy Nhơn oi nồng. Mãi cuối chiều mới thấy gió mát từ biển tràn vào. Bệnh tật làm Trí gầy hẳn. Chỉ có đôi con mắt còn linh hoạt như chưa đau yếu gì. Lá thư của Trọng Miên từ Sài Gòn gửi ra khiến Trí nghĩ ngợi mấy bữa nay. Và chắc là còn hỏi mãi không thôi. Nhưng rõ ràng là mỗi người làm thơ đều có một quan niệm của mình. Trí lại nghĩ đến Baudelaire dù sao cái ảnh  hưởng của “Mặt trời thi ca” này quả là không nhỏ. Nhưng thi ca Pháp không thể làm mất bản sắc Việt Nam. Những mô phỏng kiểu vẹt lập tức bị đào thải. Riêng Trí, Trí cảm thấy mình đã vươn tới một cái gì khác lạ hơn. Một cái gì lấp lánh đằng sau thánh kinh. Trí quyết định viết thư trả lời Trọng Miên.

Quy Nhơn Juin 1939

Miên thân mến

Miên có hỏi Trí về quan niệm thơ. Đối với Trí quan niệm rất khác thường không giống Baudelaire làm. Theo Baudelaire thì va lấy passion làm hứng vị cho thơ. Trước kia nếu Miên lật tập thơ điên của Trí ra, Miên sẽ thấy nhiều bài thấm thía những tình cảm rất nồng và rất say sưa… Trí đã phát tiết hết tinh lực của hồn, của máu, bằng những câu thơ ngất đi vì khoái lạc. Chỗ ấy, hơi đồng một quan niệm với Baudelaire. Trí nói hơi đồng thôi vì trong khi làm thơ, Trí đã tận hưởng những phong vị của nhạc, của hoa, của trăng, của gái một cách vô tôi. Chứ đối với Baudelaire, va đã nói :  « la passion est chose naturelle … » nghĩa là va đã hiểu lầm chữ passion rồi vậy.

Tình cảm hay cảm hứng (enthonsiasme) với dục tình (passion) khác nhau nhiều. tình cảm là sự thanh bạch hồn nhiên, không có một chút gì bợn nhơ, tội lỗi, còn dục tình là cả một sự ham muốn phi thường ngoài điều răn của Đức Chúa Trời. Tất cả trong thế gian ấy (cõi hữu hình và cõi vô vi) đều là hình ảnh của thơ ca. Đức Chúa Trời đã tạo ra trăng, hoa, nhạc, hương là để cho người đời hưởng thụ (élements de la poésie) nhưng người đời u mê nhiều khi không biết tận hưởng một cách say sưa, và nhân đấy, chiêm nghiệm lẽ màu nhiệm phép tắc của Đấng Chí Tôn. Vì thế, trừ hai loài trọng vọng là « thiên thần và loài người ta », Đức Chúa Trời phải cho ra một loài thứ ba nữa : loài Thi Sĩ. Loài này là những bông hoa rất quý và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng : phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của Người và trút vào linh hồn người ta, những nguồn khoái lạc đê mê nhưng rất thơm tho rất tinh sạch (but de la poésie). Bởi muốn cho loài thi sĩ làm tròn nhiệm vụ ở thế gian này – nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu lưu danh lại muôn đời. Người bắt chúng phải mua bằng giá máu, luôn luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình.

Không rên siết là thơ vô nghĩa lý

Hay :

Ta hiểu chi trong áng gió nhiệm màu

Những hạt lệ của trích tiên đày đọa

Cho nên thơ là một tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ, ước ao trở lại trời, là nơi đã sống ngàn kiếp vô thỉ vô chung, với những hạnh phúc bất tuyệt. Thi sĩ rơi xuống cõi đời, bơ vơ, bỡ ngỡ và lạ lùng. Không có lấy một người hiểu mình. Thi sĩ đã ngất ngư trong khi nuốt hết khí vị thanh tao của mùa xuân ấm, của tất cả những lương thực ngon ngọt mĩ vị làm bằng hương báu, làm bằng nhạc thiêng, làm bằng rượu say, làm bằng châu lệ… (genèse d’un froème). Song miệng lưỡi của thi sĩ vẫn nóng ran, vẫn còn khát khao thèm thuồng những vật lạ muôn đời (génie crésteur, ai mant tonjónrs le non veau) của thế gian nếm mãi, chưa bưa, chưa ớn, chưa hả hê chút nào. Thi sĩ vẫn đi tìm mãi vẫn còn kêu rên thảm thiết, để đi đến cõi ước muốn hoàn toàn. Trong đời thi sĩ, thi sĩ đã sống cô độc , những người con gái rất xinh đẹp cũng không làm cho thi sĩ vui đặng, vì thi sĩ nhận thấy ở người con trai cũng như ở người con gái, đều có một tâm thuật nhỏ nhoi tầm thường, không hợp với tánh tình thanh cao của thi sĩ. Vì thế, thi sĩ cứ kêu rên thảm thiết là để tìm một người tri kỷ. Mà than ôi, không bao giờ thi sĩ tìm tặng. Người tri kỷ của thi sĩ phải là một bậc cao quý, toàn tài, toàn năng, một đấng mà thi sĩ nhận lấy như là hết cả mọi sự – đấng ấy là Đức Chúa Trời – Thi sĩ chỉ có thể trút hết hận tình với Đức Chúa Trời, kể lể hết niềm đau thương với Người, dâng cho Người những bài thơ sáng láng của anh hoa, thế mới là mãn nguyện. Vì Đức Chúa Trời đã tạo ra thơ ở thế gian này, nhưng thi sĩ là người khát khao vô tận, cứ nhất định muốn hưởng cái thơ trên cái thơ khác nữa. Chỉ có Đức Chúa Trời mới làm vừa lòng thi sĩ.

Cho nên tất cả thi sĩ ở trong đời phải quy tụ, phải khơi mạch thơ ở Đức Chúa Trời. Thi sĩ không phải  là một người thường. Với một sứ mệnh của trời, thi sĩ phải biết đem tài năng ra ca ngợi Đấng Chí Tôn, và làm cho người đời thấy rõ vẻ đẹp của thơ, để đua nhau nhìn nhận và tận hưởng. Những thi sĩ nào không biết đem tài ứng dụng vào chỗ tốt đẹp thì sẽ bị Đức Chúa Trời lấy tài lại một cách nhãn tiền !

Miên ơi, như thế, thì Miên đã hiểu thế nào là quan niệm của Trí về thơ. Thơ là sự ham muốn vô biên những nguồn khoái lạc trong trắng của một cõi trời cách biệt. Câu này ăn ý với câu : Thơ là những tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ cảnh chiêm bao giải thích bằng hai mặt : lạc quan và bi quan.

Trí đã tóm tắt những gì ý đã nói. Có điều này nữa, Trí khác với Baudelaire. Baudelaire nói : thơ văn không thể dung hòa với khoa học hay luân lý (hoặc tôn giáo cũng thế) và thơ văn không thể lấy chân lý làm chủ đích được, thơ chỉ là thơ (La poésie ne peat pas sons peine de mort on de dé chessance, s’assimiler à la scienne on à la morale. Ellen’a pas la vérité pour objet, elle n’a qu’e llemênu). Baudelaire nói trái nghịch với lẽ tự nhiên. Sở dĩ thơ văn được phong phú dồi dào, phát triễn hết cả anh hoa huyền bí, và vượt lên những tầng biên giới tân kỳ mới lạ cũng nhờ khoa học điểm chuyết cả. Còn luân lý, là tiêu chuẩn cho văn thơ, không có nó thơ văn chẳng có ra cái mùi mẫn gì nữa. Nếu để thơ trơ trọi một mình, thơ sẽ lạc lẽo vô duyên, Không có phong vị nữa. Baudelaire thuộc về phái vô thần, nên không tin có chân lý, không nhận chân lý làm tiêu chuẩn cho thơ văn. Còn Trí phải lấy Đức Chúa Trời làm chân lý, làm tiêu chuẩn cho văn thơ. Văn thơ bởi không mà có…

Ngày Nô-en của năm 1939 đi qua. Dư âm bài thánh ca còn văng vẳng đâu đây ! « Auciel, auciel,…auciel…. ». Chú Hành kiếm đâu về xị Bầu Đá. Hôm nay, sao tự nhiên Trí thấy thèm rượu. Rót đã sang ly thứ ba, Trí bắt đầu nóng mặt. Sự ám ảnh của bài « Ave Maria » từ đâu lại trở về lởn vởn trong đầu. Trí lẩm nhẩm :

Phượng Trì, Phượng Trì, Phượng Trì, Phượng Trì

Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu

Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu

Trên triền thiên ngời chói vạn hào quang

Một tập thơ mới lại hình thành. Trí sẽ lấy tên là Xuân-như-ý. Một ước muốn thánh thiện. Bài « Ave Maria » như chỗ tựa vững chãi cho toàn tập thơ. Hồi đó uống rượu cùi của ông Đoàn Phong. Một đêm nằm ở đường Khải Định, Trí mơ thấy đức mẹ Maria. Và thế là bài thơ tạ ơn ra đời trong một trạng thái xuất thần. Nó đưa Trí đi xa trong cõi đời mênh mông mơ ước ở đó giữa nửa mộng nửa thực trong tiếng lần tràng hạt Ave, Ave, Ave không dứt … Những ngôn từ thế tục được nâng cao và thánh hóa.

Men Bầu Đá ngấm dần. Trí thấy trong mình sao rất say, rất dại lại rất nhớ, rất thương. Không có gì rõ rệt mà sao nồng nàn, mà sao da diết. Những câu thơ chập chờn như hoài thai một sinh linh. Có cái gì cựa đạp của sự chuẩn bị ra đời. Và lời tựa đã trào ra.

« Cho mau lên ! dồn ánh nguyệt vào đây… Lời thơ ta sẽ sáng trưng như thất bảo. tình cảm ta sẽ nóng ran như mặt trời. Ý tứ ta sẽ cao cường hơn ngọn núi.

Lạy Chúa Trời tôi ! Hãy ban cho tôi hằng hà sa số là ơn lành, ơn cả … Thơ tôi sẽ rất no, rất ớn, rất nư, trọng vọng như tài hoa, cao sang như nhân đức, chói chan vô vàn phước lộc …

Ôi ! Trời hạo nhiên đây không phải là công trình châu báu của Người sao !

Lòng vô lượng đây không cho phép tắc mầu nhiệm của đấng vô thỉ vô chung ?

Đưa ra, nào là nhạc thơm, hương gấm, mộng ngọc và hoa trinh bạch, đàn ly tao, tranh tuyệt phẩm….

Đưa ra, nào là gió chia biệt, trăng đoàn viên, chim tứ chiếng, mây giang hồ, và nào là trời thanh sắc, lòng nhũ hương, niềm mộc dược.

Vẫn là chưa bưa, chưa đã, chưa nguôi được trí muôn sao !…

Phải mời cho được Xuân – Thiên ra đời…

Bình an cả vì thiên hạ

Vì chưng muôn xuân là lương thực ngon ngọt mĩ vị, ánh xuân là nguồn tơ tưởng thơm tho, tinh khiết, khí xuân là mạch trường sinh bất tử, tình xuân là cung cầm nguyệt mê ly, tuổi xuân là Ngọc – như – ý, tên xuân là Dạ – lan – hương.

Và xuân là phong vị thái hòa của năm muôn năm trời muôn trời, châu lưu trên thượng tầng không khí, bàng bạc cả giải Hà – Sa, chen lấn vô tận hồn tạo vật…

Loài người hãy tận hưởng một hơi cho đã ngán và cao rao danh cha cả sáng.

Và loài người hãy cám ơn Thi nhân đã đổ hết bao nhiêu nguồn máu lệ, đã từng uống mật đắng cay trong khi miệng vẫn tươi cười sốt sắng…

Hãy cầu nguyện bằng trăm kinh mây gió

Hãy dâng cho một tràng chuỗi trăng sao…

Thi nhân sẽ vừa say sưa, vừa điên cuồng, ọc ra từng lúng thơ sáng láng, phương phi như một mùa Xuân – như – ý”

14. Thương thương

Anh đang mất mà không sao cưỡng được
Một tình yêu sáng đến nhường kia

Nguyễn Thụy Kha

Hóa ra mọi chuyện chỉ là trò đùa. May mà mọi chuyện chỉ là trò đùa. Nhưng dù sao, mình cũng đã có được về căn bản một tác phẩm mới lạ. Trí thở dài. Trong đáy lòng, khi nhận được thư của Trần Tài Phùng, Trí cũng đã thấy hồn mình trùng lại. Chàng không muốn nhìn, không muốn biết Thương Thương là ai nữa. Dù có là cô nữ sinh 12 tuổi hoặc 18 tuổi hay 22 tuổi cũng như nhau. Vì Thương Thương đối với tâm tưởng của Trí là một khát vọng về một mối tình nguyên hương trinh bạch, là chiều thứ tư để Trí thoát khỏi xác thân tật nguyền bước vào cõi giới khác – cõi giới bốn mùa xuân. Nhờ có Thương Thương, Trí đã cảm thấy mình có thể dễ ra đi qua một mặt phẳng hai chiều, một khối không gian ba chiều để bay tới một chân trời của một cõi mà Trí sẽ phải bay tới. Một đường bay tuyệt vời mà ở đó chỉ có tình yêu trong trắng, run rảy trong ánh sáng nhiệm mầu của mộng mị:

Đâu gió lên tầng mây che mát lạ

Ta muôn năm len lỏi ở Đào Nguyên

Nước trong sáng lòng ta thơm vô giá

Sao không ai đi lạc tới non tiên

Để ta dâng, ta mời ai giải khát

Nếm cho bưa mùi vị nước trường sinh

Ồ tiếng tiêu đâu bay ra man mác

Khiến nao nao nguồn thanh tịnh quanh mình

Thương Thương của Trí không còn là cô gái Huế nữa, trong tưởng tượng “Vàng bay theo vàng đuổi theo vàng bay” như âm nhạc của tiếng tiêu giao hòa tiếng suối, phức điệu cùng ríu rít tiếng chim, Thương Thương quê ở bến Tầm Dương đi tới Tương tư xứ để tìm chàng thi sĩ trong pho sách Kim Cương. Bông hoa mười phương có tên là Thương Thương được làm ra bằng tất cả trân châu vô giá, kết tinh ở bao thanh sắc lạ, một tòa thiên nhiên đúc sẵn còn hơn cả “trong ngọc trắng ngà”, một vẽ đài cát còn nguyên trong gương lược. Và Thương Thương này mới tạo ra được tình yêu của Trí:

Thương Thương em trời cho ta kỳ ngộ

Nói cho ra thần diệu của vàng bay

Đôi nhụy thắm in trên mầu rực rỡ

Đây đôi chim gù gật với niềm say

Anh van em cho anh quỳ san sát

Cho mùa xuân ngầm ngấm tận hồn anh

Thơ anh sẽ như trầm hương ngào ngạt

Tỏa lên cao lồng lộng giữa trời xanh

Thương Thương của Trí là một mùa xuân rất nhiều hoa bướm. Mùa xuân ấy đã làm Trí thốt lên những câu mê sướng, những câu làm khờ dại cả lòng người:

Chỉ có em làm thơ anh mãnh liệt

Tình anh vang như luồng gió van lơn

Chỉ có em, lòng anh yêu tha thiết

Yêu điên cuồng không một phút nào hơn

…..

Hỡi Thương Thương người ngọc của lòng anh

Và cũng chính trong cái duyên kỳ ngộ này, Trí đã dường như đoán trước được cái chết đang đón đợi mình ở một cảnh ngộ hư hư thực thực:

Một mai kia ở bên khe nước ngọc

Với sao sương anh nằm chết như trăng

Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc

Đến hôn anh và rửa vết thương tâm

Nhưng cũng nhờ có Thương Thương, tưởng tượng của Trí vượt qua cái chết. Chết là bước vào một đời sống mới. Các sinh lực lúc sống hướng ra ngoài thì lúc chết quay vào trong, linh hồn lìa khỏi xác. Trong khi linh hồn từ từ lìa khỏi xác nó khơi động các ký ức, các mảnh sống trong một hồi quang phản chiếu. Và thế là Trí cùng Thương Thương lại tiếp tục đi du ngoạn trên cõi tiên như hai nàng tiên: Quỳnh Tiên và Huyền Tiên (tức là Trí giả làm tiên gái) trong một quần tiên hội.

Nhưng lá thư Trần Tài Phùng đã như một nhát chém cắt đứt trí tưởng tượng của Trí. Trí ghi thư cho Trần Thanh Địch và nói rõ ý cái đoạn không được viết ra ở Quần Tiên Hội:

“Ba đoạn sau mà tôi tính viết nó như thế này: Bọn tiên xúm lại vây hai người (Quỳnh Tiên và Huyền Tiên) Trong vòng vây mà bảo rằng “người con trai” ấy là của trời cho.

Thế là bọn tiên nổi máu ghen lên. Hai người ấy phải rủ nhau đi trốn. Bọn tiên hay được liền hè nhau đang đem hạ san tìm bắt cho được cặp uyên ương ấy, nghĩa là bọn tiên chạy theo tình yêu, trở về thế gian, bỏ lại những động mây bây giờ thành ra hoang vu cô độc.”

Bình luận về bài viết này