PHAN LẠC HOA QUA HỒI ỨC CỦA BÁC SĨ SAO HỒNG


Bút tích của Phan Lạc Hoa

NGUYỄN TRỌNG TẠO: Nhạc sĩ Phan Lạc Hoa (1947-1982), tác giả những ca khúc nổi tiếng “Tàu anh qua núi”, “Tình yêu bên dòng sông quan họ”. Anh là người chồng 10 năm của NSND Thanh Hoa (tên thật là Nguyễn Thị Thanh, khi lấy nhau ghép với tên chồng thành tên ca sĩ), sinh hạ 3 người con là Thư, Lữ, Nguyên, nhưng Nguyên mất lúc còn nhỏ. Người con gái đầu lòng hiện là nhà thơ nổi tiếng Phan Huyền Thư. Năm nay tròn 30 năm (19/ 09/2010 – 19/09/2012) anh ra đi bằng cái chết trong sợi dây thừng oan nghiệt, tôi vào mạng thấy có bài viết của bác sĩ biệt danh Sao Hồng, người đã từng là sinh viên thực tập tại giường bệnh của Phan Lạc Hoa ở bệnh viên Bạch Mai những ngày cuối cùng của anh. Bài viết tuy có một số thông tin thiếu chính xác, nhưng phần nào cũng đã “ghi lại” được sự thật về người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Phan Lạc Hoa, cánh hoa rơi lạc giữa bão táp cuộc đời

SAO HỒNG

Câu chuyện mình viết lên đây, chỉ là những ký ức và kỷ niệm một thời đói khổ và mộng mơ. Mình trực tiếp nghe, tiếp xúc, đọc được những gì về một nhạc sỹ tài hoa bạc mệnh. Có thể có những chi tiết chưa chính xác (30 năm rồi chứ ít đâu) nhưng mình vãn tự tin vào trí nhớ của mình.

Ngày nay, những tư liệu về ông rất ít. Thế hệ trẻ sau này chỉ biết về ông, nhìn nhận ông, đánh giá ông qua những tâm sự, phỏng vấn hiếm hoi với người thân của ông. Nhưng xuyên suốt trong các câu chuyện về ông, mình vẫn thấy người thân, bạn bè của  ông, vì nhiều lý do, chưa “bật mí” hết những khía cạnh chìm khuất của ông.

Có một thời, khi ông mới mất, người đời thương quý ông và nghe đồn thổi mà sinh ra ghét bỏ và lên án người vợ mà ông yêu hết mình. Cũng vì quá yêu vợ mà ông tìm đến cái chết oan uổng.

Mình viết bài này cách đây hai năm, 2010, khi còn chơi bên Yahoo. Mình ngắt quảng câu chuyện về ông thành các phần theo mạch lan man trong tư duy của mình. Và cũng có một phần chưa viết, theo dự kiến.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày ông từ giả “cõi tạm” (19/9/1982 – 19/9/2012), mình edited và post lại câu chuyện như một ký ức thời sinh viên để tưởng nhớ về ông, Nhạc sỹ Phan Lạc Hoa.

  1. I. HOÀI NIỆM VỀ SỐ PHẬN MỘT BỆNH NHÂN ĐẶC BIỆT.

Mỗi lần về quê hay có dịp xuôi tàu trên đường thiên lý Bắc – Nam, dòng suy tư lại đưa mình nhớ khôn nguôi về một con người tài hoa nhưng sớm rơi rụng, chìm lấp trong cõi hư vô và sự nổi tiếng của người thân. Đó là Nhạc sỹ Phan Lạc Hoa.

Mỗi khi qua đèo Hải Vân, cheo leo bên bờ biển Đông, nhà tàu lại phát bài ca “Tàu anh qua núi”. Giai điệu thiết tha trầm lắng của bài ca đã gợi lên nổi nhớ của mình. Một cuộc đời bầm dập, long đong và cách giải thoát bế tắc của ông dẫn dắt suy tư của mình “theo nhịp con tàu đi”.

Mình bắt đầu nghe tiếng Phan Lạc Hoa từ những bài hát nổi tiếng một thời qua làn sóng phát thanh: “Tàu Anh Qua Núi”, Tình Yêu Bên Dòng Sông Quan Họ”,… Về sau, mình trực tiếp nghe người vợ trẻ của ông, ca sỹ Thanh Hoa thể hiện những bài hát này tại sân trường đại học. Cứ mỗi cuối tuần, tháng một lần, Đoàn trường Đại học Y Hà Nội thường mời các ca sỹ Kiều Hưng, Thanh Hoa, Ngọc Bé, Ngọc Tân,… về biểu diễn cho sinh viên.

Tháng 9 năm 1981, mình là sinh viên năm thứ năm (Y5) đi học luân khoa ở Khoa Tâm thần, bệnh viện Bạch Mai (nay là Viện Sức khỏe Tâm thần). Nhạc sỹ Phan Lạc Hoa đang là một trong những “bệnh nhân nổi tiếng” ở Khoa này.

Thời đó, nhiều bệnh nhân nam của Khoa Tâm thần, bệnh viện Bạch Mai, có “lý lịch cuộc đời” rất ấn tượng với sinh viên như tụi mình. Đa số họ, có biệt tài, học giỏi, thông minh hoặc uyên bác một lĩnh vực nào đó. Họ nhập viện từ hầu hết ở các lĩnh vực trong đời sống. Thậm chí, có người từ “tầng lớp cung đình”.

Những tư duy, những suy nghĩ thầm kín của họ hoặc là quá cao siêu hoặc là lạc lõng giữa thời cuộc, làm cho họ luôn cảm thấy cuộc đời mình bế tắc. Cũng có người vì bị quy là “tâm thần” và bị buộc vào viện. Trường hợp như Nhạc sỹ Phan Lạc Hoa theo bệnh học tâm thần, được xếp vào nhóm “tâm căn” và “nhân cách yếu”. Nói một cách ví von là họ thuộc nhóm nhân cách nghệ sỹ.

Những lúc rảnh rỗi, sinh viên thường lấy cớ chăm sóc, thăm bệnh nhân để tiếp cận để nghe họ kể những câu chuyện hấp dẫn về cuộc đời họ. Thậm chí, khi sang học ở khoa Da liễu, hay Truyền nhiễm, thi thoảng mình vẫn còn la cà sang khoa Tâm thần hóng hớt. Bệnh nhân Phan Lạc Hoa một trong số bệnh nhân nổi bật được sinh viên quan tâm đặc biệt.

Trong trí nhớ của mình, Nhạc sỹ Phan Lạc Hoa thuộc diện xí trai. Mái tóc bờm lên những nếp xoăn màu nâu cháy nắng. Khuôn mặt gồ ghề khá sắc cạnh. Da mặt ngăm ngăm lại điểm xuyết vết rỗ. Dấu tích của bệnh đậu mùa thời ấu thơ nghèo khó (có lẽ, điều này giải thích vì sao hiếm có hình ảnh của ông trên phương tiện truyền thông hiện nay). Người ông tầm thước. Hai bàn tay đầy vết chai sạn như người công nhân quen cầm búa, cầm kìm. Nó tương phản với hình ảnh ông ôm đàn ghi ta với giọng khàn khàn cất lên những bài ca mà ông tâm đắc.

Đặc biệt, ông có biệt tài kể chuyện. Ông kể chuyện rất hấp dẫn và lôi cuốn như hút hồn người nghe. Chính những câu chuyện chắp nối giữa những khoảng tỉnh và mê đã vẽ nên cuộc đời bôn ba chìm nổi của ông. Từ chuyện cuộc đời, chuyện bạn bè đồng nghiệp, chuyện sáng tác, nghiệp và nghề đến chuyện tình yêu với vợ con và gia đình. Ông thường nói về vợ mình với một tình yêu  đau đớn. Khi đó, cuộc hôn nhân đang đi đến hồi kết mà tình yêu dành cho vợ nơi ông vẫn còn như xưa. Có lúc, câu chuyện kết thúc trong nước mắt làm những sinh viên trẻ như tụi mình cũng rưng rưng trong lòng.

Ông nói 10 năm hôn nhân thì thì hơn một nữa là hạnh phúc. Hai vợ chồng vẫn có với nhau 3 đứa con kháu khỉnh xinh đẹp. Phan Huyền Thư, Phan Thế Lữ và Phan Cao Nguyên. Đó là nhờ tình yêu của vợ ông. Đặc biệt, ông vẫn không nguôi được nỗi đau mất đứa con trai duy nhất. Cháu Phan Cao Nguyên.

Trong câu chuyện của ông, vợ ông là một người đàn bà có sức cuốn hút đàn ông, tuy không đẹp cho lắm. Hừng hực sống, khao khát yêu đương. Say mê ca hát. Cháy hết mình mỗi khi lên sân khấu cũng như khi yêu.

Cũng như bao người khác, với ông mỗi đứa con là một thiên thần bé nhỏ. Phan Cao Nguyên là niềm tự hào, hy vọng và là nguồn sống tinh thần của ông. Vì thế, khi cháu mất đi ông suy sụp hẳn. Cuộc đời coi như hết đối với ông.

Hơn một tuổi, Cao Nguyên bị bệnh tiêu chảy nhưng mức độ chưa trầm trọng. Khi vào Viện Nhi (hồi đó đang ở trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai) điều trị. Nằm chung phòng với một cháu trai cùng tuổi những bị bệnh nặng hơn. Hai đứa khá giống nhau.

Ytá điều trị đã sơ suất không “3 tra 3 chiếu” khi thực hiện chỉ định truyền dịch của bác sỹ. Thay vì thực hiện cho cháu bên cạnh, y tá đã truyền cho cháu Nguyên. Kết quả là cháu Nguyên bị phù phổi cấp không cứu được. Chuyện này, mình nghe các anh lớp trên đi học lâm sàng Nhi kể lại.

Cho đến bây giờ, mình vẫn nghĩ, nếu Cao Nguyên còn sống, chắc bệnh nhân Phan Lạc Hoa không tìm cách giải thoát bế tắc một cách bi thương như thế. Đó là khi tâm trạng của ông trở nên u uất. Những khi ông khỏe và tỉnh táo. Ông vẫn vui cười và vẫn đàn hát cho sinh viên và bệnh nhân bên cạnh nghe.

Mỗi chủ nhật, sáng hoặc chiều, ca sỹ Thanh Hoa và hai cô con gái cỡ 8, 9 tuổi vào thăm ông. May mắn cho sinh viên nào trực vào ngày chủ nhật là được nghe và chứng kiến những giây phút hạnh phúc hiếm hoi của một gia đình nghệ sỹ. Đôi khi, nhìn cảnh ấy, mình cũng ước ao được sống trong một gia đình nghệ sỹ như vậy.

Nếu chứng kiến cảnh sum vầy ấy, nhiều người sẽ không ngờ chính trong thời gian này, tình yêu và hôn nhân của hai nghệ sỹ này đã rạn nứt và không có cơ hàn gắn như sự thừa nhận có vẽ buông xuôi của bệnh nhân Phan Lạc Hoa.

Chỉ đến khi tham dự buổi báo cáo tốt nghiệp Bác sỹ Nội trú của anh Kim Việt, một bác sỹ nội trú giỏi của Bộ môn Tâm thần học, mình mới hiểu thêm về cuộc đời và những khổ đau, dằn vặt dẫn đến căn bệnh của bệnh nhân Phan Lạc Hoa.

Mình đã khóc khi nghe anh Việt trình bày luận văn trước hội đồng. Bản luận văn như một tiểu thuyết cuộc đời chìm nổi của Phan Lạc Hoa thấm đẫm nước mắt và nhân tình thế thái. Mà không riêng gì mình, các bạn mình, các bác sỹ, y tá và hộ sinh đều rơi nước mắt.

Chính ấn tượng sấu sắc hồi đó làm mình nhớ mãi bệnh nhân Phan Lạc Hoa. Cuộc đời ông, tình yêu tuyệt vọng của ông như một cánh hoa tả tơi và ắt sớm rụng rơi trước dông bão cuộc đời.

II – BỆNH ÁN BỆNH NHÂN: cuốn tiểu thuyết một cuộc đời…

Mình đã khóc khi nghe anh Việt trình bày luận văn trước hội đồng. Bản luận văn như một tiểu thuyết cuộc đời chìm nổi của Phan Lạc Hoa thấm đẫm nước mắt và nhân tình thế thái.

Phan Lạc Hoa sinh ra khi nền cộng hòa dân quốc vừa hai tuổi. Dư âm trận đói năm Ất Dậu (1945) còn bao trùm đồng bằng thôn quê Bắc Bộ. Quê ông ở Hữu Bằng, Thạch Thất. Bố mất sớm, hai mẹ con dắt díu nhau lang bạt kiếm ăn xứ người. Từ quê hai mẹ con trôi dạt theo dòng di dân quen thuộc thời Pháp: Nam Định, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Ông học ở trường đời nhiều hơn trường lớp. Những công nhân, thợ lò vùng cảng, vùng mỏ tốt bụng đã cưu mang giúp đỡ mẹ con ông. Trong câu chuyện, ông vẫn ví von, tuổi thơ mình như cây cỏ dại mọc lên giữa cánh đồng hoang. Giữa cánh đồng hoang đó, có những cây chèn ép và lấn át mình, nhưng cũng có những cây tỏa bóng mát che chở cho mình.

Việc học hành chắp vá nhưng ông là người thông minh và nhạy cảm. Ông có “hoa tay” và năng khiếu văn nghệ gần như bẩm sinh. Vì thế, từ phong trào văn nghệ quần chúng ông được cử về học ở trường Nhạc Hà Nội. Ông được đào tạo cho phong trào văn nghệ vùng mỏ Quảng Ninh.

Tại trường Nhạc, ông gặp và yêu mê mệt cô nữ sinh năm thứ ba “bé choắt, có đôi mắt đẹp hút hồn và giọng hát đầy triển vọng”, Nguyễn Thị Thanh. Mối tình lãng mạn bay bổng đạt đến đỉnh của sự ngất ngây thì… cả hai phải đối diện với thực tại. Cô sinh viên có thai khi chưa kết thúc khóa học.

Việc có thai ngoài ý muốn mà chưa hôn thú, “chưa báo cáo tổ chức” là vấn đề rất nghiêm trọng bấy giờ. Chế độ tem phiếu có thể không chết đói với một người độc thân nhưng với một “gia đình sinh viên chưa có hộ khẩu” thì không còn là chuyện mộng mơ.

Như một cú sốc, ông mất thăng bằng một thời gian vì không biết sẽ tổ chức cuộc sống thế nào. Ông chạy trốn thực tại lang thang với bạn bè. Hồi tâm, ông quay về sống với Thanh mà không cưới hỏi.

Ra trường, ông có quyết định đi B khi người vợ trẻ đã mang thai tháng thứ bảy. Ông hoang mang tột độ. Ông đau đầu giữa việc đi chiến trường bỏ vợ ở nhà với bụng bầu hay từ chối quyết định. Ở lại với vợ con là sẽ bị kỷ luật vì đồng nghĩa với việc đào nhiệm.

Tình cảm lấn át lý trí, cuối cùng, ông liều mình ở lại chăm sóc vợ con. Nghiễm nhiên, ông bị kỷ luật và bị “vất ra lề đường”. Mất biên chế là trắng tay. Không sổ gạo không tem phiếu. Không nơi nào dám nhận ông “một thằng đào nhiệm”, như lời ông nói.

Như một người tỉnh lẻ “trôi dạt về thủ đô” mà phải gánh trên vai trách nhiệm làm cha làm chồng. Ông làm bất cứ công việc gì để tồn tại cùng vợ con. Cũng có khi, sáng đi tìm việc, chiều về với hai bàn tay trắng trong cơn say nửa tỉnh nửa mơ.

Những năm tháng bị “tống ra lề đường”, bị hắt hủi ông mang tâm trạng mặc cảm tự ti. Ông bảo, làm thằng đàn ông thật là hèn khi phải ăn bám vợ.

Vợ ông, ca sỹ trẻ Nguyễn Thị Thanh được nhận về Đài Tiếng nói Việt Nam như một biên chế. Rồi trở nên nổi tiếng với nghệ danh Thanh Hoa. Nổi dày vò mặc cảm của ông ngày càng chồng chất, khi vợ ông càng khẳng định được chổ đứng trong lòng khán giả.

Qua bạn bè, ông được gặp vị cứu tinh, Tạ Đình Đề. Ông Tạ Đình Đề là một nhân vật huyền thoại của thời kháng Pháp. Ông có tài có tâm và biết nhìn người. Với bản tính nghĩa hiệp, giỏi thu phục nhân tâm, ông đã cưu mang những người có cá tính và thất cơ lỡ vận như Phan Lạc Hoa, Lưu Quang Vũ. Giao cho họ việc làm, cho họ môi trường để phát huy năng khiếu vốn có. Vì thế, thời đó, Tổng cục Đường sắt có phong trào văn thể rất sôi nổi. Họ có cả đoàn văn công, đội bóng đá, bóng chuyền nổi tiếng.

Ông Tạ Đình Đề bị bắt oan lần thứ nhất, đoàn văn công đường sắt cũng dần rã đám. Phan Lạc Hoa quay lại làm công nhân sắp chữ ở xưởng in. Lao động chân tay đối với ông, không có gì lạ. Nhưng tiếp xúc nhiều với bản kẽm bằng chì, cộng với thiếu cơm thừa rượu tạp, thuốc lá, thuốc lào rẻ tiền, đã dần dần tích lũy nên… bệnh tật của ông sau này.

Nước nhà thống nhất. Năm 1976, ông Tạ Đình Đề được giải oan và trở lại làm việc. Phan Lạc Hoa vẫn vừa làm công nhân vừa hoạt động văn nghệ. Những sáng tác của ông gắn liền với ngành đường sắt và mang tính phong trào. Những bài thơ, những ca khúc của ông thuộc về văn nghệ phong trào của ngành. Ông nói, qua giọng hát của vợ ông ca khúc của ông như có hồn hơn và lan tỏa xa hơn.

Có thể nói, chính giai đoạn ngắn ngủi làm “lính” của ông Tạ Đình Đề, Phan Lạc Hoa mới được “hồi sinh”, mới có ca khúc nổi tiếng. Vì thế, trong câu chuyện, ông Tạ Đình Đề không chỉ là thần tượng mà là một ân nhân của ông.

***

Dù đã được nhìn nhận trong đời sống văn nghệ, ông vẫn còn mặc cảm cho thân phận. Cuộc hôn nhân bắt đầu rạn nứt khi chổ đứng của hai người trong xã hội ngày càng xa nhau. Càng ngày họ không có cùng một hướng suy nghĩ và khó chia sẻ với nhau. Nó giống như câu ca quen thuộc “một người về đỉnh cao, một người về vực sâu”.

Sự khác biệt về tình cảnh và tâm tư, họ ly thân nhiều năm trước khi ông phát bệnh. Họ vẫn phải che dấu bớt tình cảnh của mình trước con cái và đồng nghiệp. Rồi khi bệnh tình thuyên giảm, ông quyết định chia tay trong đau đớn và cảm thấy tủi hổ. Sau gần mười năm cuộc hôn nhân của hai người kết thúc bằng một phiên tòa lặng lẽ.

Không có nhà riêng, nội ngoại ở xa, họ vẫn phải “ràng buộc nhau” bỡi con thơ và căn hộ tập thể chật chội. Căn hộ được ngăn cách bằng bức phên cót, nhưng vẫn chung bếp và khu vệ sinh. “Đường ai nấy đi” nhưng hằng ngày vẫn đụng nhau; vẫn phải “diễn” trước mặt con cái. Sống như vậy, có lúc ông cảm thấy căng thẳng quá sức chịu đựng.

Ca sỹ Thanh Hoa ngày càng thăng hoa dưới ánh đèn sân khấu và trên làn sóng phát thanh. Như một ngôi sao ca nhạc thời thượng, sự chúc tụng săn đón của khán giả, người hâm mộ cũng tăng lên. Có những người đàn ông hâm mộ nàng, kể cả những người từng là bạn bè chung của cả hai thời còn mặn nồng.

……

Cuộc đời lại bồi thêm cho ông một cú chí mạng. Đứa con trai kháu khỉnh mà ông yêu quý, Phan Cao Nguyên, bị bệnh vô bệnh viện và tử vong một cách tức tưởi. Cú đau đó, như giọt nước tràn ly, đã đánh gục sự cố gắng của ông về mặt tinh thần.

Tinh thần ông ngày càng hoảng loạn. Những ứng xử thất thường càng làm không khí căn hộ thêm bức bối và căng thẳng. Những cơn trầm cảm và hoảng loạn thất thường càng dày lên. Ông trở thành “bệnh nhân yêu mến” của Khoa Tâm – Thân kinh, bệnh viện Bạch Mai.

***

Ngoài những triệu chứng kéo dài và tập hợp chuổi thành hội chứng để được chẩn đoán là bệnh nhân tâm thần. Ông còn mắc nhiều chứng bệnh thực thể khác. Viêm dạ dày – tá tràng. Viêm gan. Rối loạn tuần hoàn não, đưa đến những cơn nhức đầu kinh niên. Đó là hậu quả được tích lũy dần từ cuộc sống khổ ải, lao động nặng nhọc, độc hại và thiếu thốn từ thuở thiếu thời.

Những bế tắc trong cuộc sống cũng dẫn dắt ông đến với những thói quen rất có hại với sức khỏe. Những bữa rượu suông đói cơm triền miên; nghiện thuốc lào, thuốc lá,.. Bệnh tình của ông chỉ được phát hiện thêm trong các lần khám tổng quát và xét nghiệm khi đã vào điều trị tại bệnh viện.

Thời gian điều trị ở bệnh viện Bạch Mai ông được sự quan tâm và chăm sóc của vợ con, dù cuộc hôn nhân đã ở hồi kết. Ông được các thầy thuốc, sinh viên yêu quý. Cuộc đời và bệnh tật của ông được một bác sỹ nội trú quan tâm và chọn làm luận văn tốt nghiệp năm 1982.

Bản luận văn như tiểu thuyết viết về một cuộc đời long đong, bầm dập, thấm đẫm nước mắt và nhân tình thế thái. Mình ví bản luận văn đó như cuốn tiểu thuyết có hậu. Vì cái kết của nó đầy hi vọng: chẩn đoán cuối cùng của bệnh nhân Phan Lạc Hoa, theo luận văn là TÂM CĂN. Bệnh do căn nguyên tâm lý và sang chấn tinh thần gây rối loạn hành vi cảm xúc.

Tâm thần thể Tâm căn sẽ không có những hoang tưởng rồ dại để tự gây hại cho bệnh nhân và người khác. Trong chỉ định điều trị, có thể tái hòa nhập đời sống xã hội. Có nghĩa là không cần cách ly và thỉnh thoảng cho về sống cùng gia đình người thân.

Nhưng thực tế cuộc sống lại quá khắc nghiệt mà lý thuyết không lường hết được. Chỉ mấy tháng sau, sau một đêm diễn thành công của người vợ cũ, “bệnh nhân yêu mến” Phan Lạc Hoa đã tự giải thoát sự bế tắc của mình bằng một sợi dây thừng oan nghiệt ngay tại căn hộ có hai thế giới riêng biệt của hai người.

Cái kết bi thương nay đã chìm vào quên lãng của người đời. Nhưng khi đó, nó để lại bao hệ lụy cho người vợ cũ và những đứa con của ông.

Thương thay cũng một kiếp người.

III – Sự giải thoát bế tắc & hệ lụy với người ở lại.

Tâm thần thể Tâm căn sẽ không có những hoang tưởng rồ dại để tự gây hại cho bệnh nhân và người khác. Trong chỉ định điều trị, có thể tái hòa nhập đời sống xã hội. Có nghĩa là không cần cách ly và thỉnh thoảng cho về sống cùng gia đình người thân.

Về chuyên môn, để chẩn đoán và xác định đúng bệnh tình của một bệnh nhân tâm thần không dễ chút nào. Cần phải có thời gian theo dõi dài lâu. Phải tìm hiểu cặn kẽ tâm tư và cuộc sống quá khứ, hiện tại của bệnh nhân.

Phân loại bệnh tâm thần trước thập niên 1990s (khi chưa có hội nghị lần thứ 43 của WHO, 5-1990, và hệ thống phân loại bệnh ICD-10) có 3 thể: tâm thần thực thể mà điển hình là Tâm thần phân liệt; Rối loạn hành vi tâm lý; Tâm căn hay là rối loạn hành vi cảm xúc.

Bệnh nhân Phan Lạc Hoa, được chẩn đoán thể TÂM CĂN. Chẩn đoán cuối cùng này đã tránh cho ông khỏi phải đi điều trị lâu dài ở… Trâu Quỳ, Bệnh viện Tâm thần Trung ương.

Thực ra lúc đầu, các thầy nghiêng về thể tâm thần thực thể dạng TÂM THẦN PHÂN LIỆT. Đây là thể bệnh nặng cần theo dõi, giám sát và chăm sóc đặc biệt. Khi mắc tâm thần phân liệt, bệnh nhân có xu hướng rơi vào tình trạng hoang tưởng; có thể vô thức tự hủy hoại bản thân hay gây nguy hiểm cho người xung quanh. Họ cần được cách ly khỏi xã hội.

Bệnh nhân Phan Lạc Hoa cũng có những lúc rơi vào trạng thái trầm cảm. Nhưng thường thì ông rất tỉnh táo. Thỉnh thoảng ông vẫn sáng tác hay viết lách ngay tại bệnh viện như một người đang an dưỡng. Mặt khác, hình ảnh gia đình nghệ sỹ sum họp đầm ấm mỗi chủ nhật ở bệnh viện, đã làm các thầy thuốc lầm tưởng rằng cảnh đó cũng thường xảy ra ở nhà.

Họ đâu ngờ sau cánh cửa căn hộ chật chội là căn phòng có bức phên cót mỏng manh ngăn cách hai thế giới riêng biệt. Tiếng cười rộn rã bên kia là tiếng đau xé lòng của bên này. Bức ngăn mỏng manh nhưng là khoảng cách ngày càng dày lên giữa hai người. Nó chia cách thế giới riêng trong tâm hồn của hai nghệ sỹ.

***

Có thể ít người còn nhớ cái đêm mà Phan Lạc Hoa tự vẫn. Nhưng mình vẫn còn nhớ như in sự kiện đó. Đó là đêm chủ nhật 19/9/1982. Trước đó một tháng, họ đã hoàn thất thủ tục ly hôn. Đó là một đêm diễn xuất thần của ca sỹ Thanh Hoa.

Đêm định mệnh để “một người ở đỉnh cao, một người về vực sâu”.

Kiếm một giấy mời hay vé vào cửa của đêm diễn một ca sỹ đang nổi tiếng mà mình hâm mộ không khó. Có được giấy mời của ông chú là quyền Tổng biên tập báo Lao Động, đêm đó mình là khán giả tại rạp Công Nhân.

Như thường lệ, “bệnh nhân đặc biệt” Pha Lạc Hoa được “tại ngoại” và vẫn thường đứng bên cánh gà của sân khấu.

Đã bao lần ông kể, sau khi ly thân, mỗi lần Thanh Hoa đi hát, là ông tự nhủ mình hãy ở nhà. Nhưng rồi, khi thì vì bạn bè, khi thì vì con cái mà ông đến nghe “người đàn bà hát”, từng là của ông. Cũng có lúc ông đến với đêm diễn của vợ mình như người… mộng du. Những khi giọng hát của Thanh Hoa càng vút cao; những tiếng vỗ tay không dứt yêu cầu ca sỹ hát lại, thì ông cảm thấy như ngực mình nhói đau và đầu óc quay cuồng.

Cùng hai con và bạn bè thân thiết đi “cổ vũ” cho vợ mình, nhưng ông thường bỏ về trước với con hoặc một mình theo các “chiến hữu” đi cuốc lủi. Thanh Hoa thì có nhiều người đưa đón và thường về sau với bạn bè.

Rạp Công Nhân lúc 20 giờ 30, khi xong phần của mình, ca sỹ Thanh Hoa “bay” sang Nhà Hát Lớn ngay đầu đường Tràng Tiền.  Ông, con gái và bạn bè tất nhiên cũng theo sang. Tại Nhà hát Lớn, ba bài hát của “người đàn bà hát”: Tàu anh qua núi, Vì sao anh ra đi, Em vẫn đợi anh về, như giọi nước cuối cùng làm tràn căng cái hộp sọ đã chất chứa bao nhiêu ẩn ức, bất công như muốn “nổ tung”. Nó đẩy bệnh nhân đến tận cùng tuyệt vọng.

***

Sáng hôm sau, sinh viên trường Y đã kháo nhau tin ông mất. Bệnh viện Bạch Mai được báo tin “bệnh nhân đặc biệt” mãi mãi sẽ không đến nữa.

Xung quanh cái chết của ông có rất nhiều lời đồn đoán và thêu dệt. Mình cũng nghe có người kể lại, y như là chính họ chứng kiến cái chết của ông từ đầu đến cuối.

Rằng, từ Nhà Hát lớn ông về, ông ngồi đốt thuốc lá trên chiếc ghế tựa và trong tay với sợi dây thừng như có ý chờ Thanh Hoa về. Chắc ông muốn nói lời vĩnh biệt cuối cùng.

Như mọi lần, ca sỹ Thanh Hoa chỉ muốn đi nằm và tránh “đối đầu” với “bệnh nhân tâm thần”. Đốt hết điếu thuốc cuối cùng, khi vợ con đã yên giấc, ông đứng lên chiếc ghế đầu lòn qua sợi dây treo từ chiếc quạt trần giữa phòng khách, đồng thời là phòng ngủ và không gian riêng của ông. Bên kia tấm phên cót, chắc vợ ông đã chìm vào giấc ngủ sau hai sô diễn cháy hết mình.

Người ta cũng đồn rằng, khi bạn bè và hàng xóm đầu tiên bước vào căn hộ, người ta thấy ca sỹ Thanh Hoa ngồi bất động câm lặng. Dưới sàn nhà tàn thuốc lá, ly tách chỏng chơ  vương vãi. Giữa trần nhà là cái quạt và ông vẫn treo lơ lững trong chiếc thòng lọng làm từ sợi dây kéo cánh phông màn. Câu chuyện với hình ảnh này, người ta nghĩ rằng ca sỹ Thanh Hoa không làm gì kịp thời để cứu người chồng cũ. Nhiều người đời tin thế. Nó đã để lại tai tiếng và hệ lụy cho Thanh Hoa một thời gian dài. (1)

***

Đám tang ông mình không tham gia đưa tiễn, bạn bè đi về kể lại, những chiến hữu văn nghệ tâm giao với ông, trước lúc ném cho ông nắm đất đã tưới lên quan tài những ly rượu trắng uống dở và thề sẽ trả thù. Nói thế thôi, chứ lúc đó họ cũng không hiểu họ sẽ trả thù ai và vì cái gì.

Trong vòng một trăm ngày tang, Thanh Hoa vắng bóng trên sân khấu ca nhạc. Cô ca sỹ rơi vào cơn lốc xoáy nghi kỵ và dèm pha của dư luận. Những đồn thổi về cái chết của Phan Lạc Hoa được bàn tán và thêu dệt khắp nơi.

Sau ngày giỗ trăm ngày, Thanh Hoa gắng đi hát trở lại. Vẫn những bài hát ruột quen thuộc ngày nào. Cũng chính giọng hát đó. Tiếng hát vút lên có lúc như nghẹn lại và đầm đìa nước mắt. Khán giả vẫn lắng nghe và có những cảm nhận khác trước. Cảm nhận này là lẽ tự nhiên. Nó tùy theo tâm trạng và mức độ tin cậy của họ đối với những lời đồn thổi về nguyên nhân cái chết của nhạc sỹ Pha Lạc Hoa.

Phần lớn khán giả vẫn đón đợi và chia sẻ sự cảm thông với ca sỹ Thanh Hoa. Nhưng không phải buổi diễn nào cũng êm thấm. Xen lẫn tiếng vỗ tay là tiếng la hét: “đồ sát chồng”, “xuống đi”,… Buổi diễn tại sân ký túc xá trường Y sau cái chết của Phan Lạc Hoa cũng có tiếng vỗ tay hòa lẫn tiếng la hét như thế. Những lúc đó, ca sỹ Thanh Hoa rời sân khấu với vị nước mắt đắng chát.

Chỉ những sinh viên, bác sỹ đã từng tiếp xúc với bệnh nhân Phan Lạc Hoa, mới hiểu và cảm thông với chị. Khán giả yêu mến chị chiếm số đông nên Thanh Hoa vẫn được mời đi hát như ngày nào. Giống như ca sỹ Ngọc Tân, sau sự cố vượt biên không thành và bị cấm hát. Các bệnh viện vẫn âm thần mời về hát cho cán bộ nhân viên, sinh viên nghe.

Dù thù lao ít ỏi, nhưng tình cảm của người hâm mộ chính là nguồn động viên và vực dậy tinh thần để những người như Thanh Hoa, Ngọc Tân còn trụ lại với nghề hát bạc bẽo của mình.

Ba mươi năm là quảng thời gian đã có đủ độ lùi, để nhìn nhận một sự kiện gắn liền với hệ lụy của nó. Giờ nhìn lại, như đa số bạn bè mình ngày xưa ở trường Y, mình vẫn thấy thương cảm và tiếc cho một con người tài hoa sớm từ giã cõi trần.

Và mỗi lần theo tàu xuôi ngược Bắc – Nam mình lại lẩm nhẫm bài thơ “NHỤY LỬA HOA ĐÈN”, mà cố Nhạc sỹ Phan Lạc Hoa đã tặng sinh viên khi đang điều trị tại Bạch Mai cách nay hơn 30 năm.

Anh thắp cây đèn xòe cánh nhớ cánh thương

Màu tín hiệu: đỏ vàng xanh tím lục

Trong xa cách ta vẫn gần hạnh phúc

Khi trái tim rung nhịp với con tàu !”

9/2010 – 9/2012
SH

___________

(1) Chú thích của Nguyễn Trọng Tạo: Theo lời kể của NSND Thanh Hoa thì sau đêm diễn về, khi các con đã ngủ, PLH pha cafe “thương lượng” với Thanh Hoa hủy giấy ly hôn, nhưng không được, anh tuyên bố cả hai sẽ “đi tàu suốt” (nghĩa là cùng chết). TH sợ quá chạy sang nhà cô gái bên cạnh. Một lát, nghe tiếng đạp tường vọng sang, TH có linh tính không ổn, chạy về nhà từ cửa sau, không thấy PLH ở trong nhà, còn cửa trước đã bị khóa ngoài. Sợ quá, TH chạy vòng dãy nhà A4 gõ cửa nhạc sĩ Lê Đình Lực. Khi TH và LĐL đến hiên trước cửa nhà thì thấy PLH đã treo cổ, liền kêu cứu. Mọi người đưa được PLH xuống, rồi đưa anh sang bệnh xá khu tập thể Đài TNVN cấp cứu, nhưng đã muộn, vì trước đó anh uống café pha rượu…

Vậy thì không phải PLH treo cổ ở trong phòng mà ở trước hiên nhà. Còn sợi dây thòng lọng lại là một đoạn “dây an toàn” của rạp xiếc, chứ không phải là “chiếc thòng lọng làm từ sợi dây kéo cánh phông màn”.

– Cũng theo Thanh Hoa kể lại thì sau khi PLH chết, thấy trong túi áo sơmi của anh có một mảnh giấy với dòng chữ: “Vĩnh biệt các con! Vĩnh biệt gia đình! Vĩnh biệt bạn bè! Ôi Thanh Hoa! Ôi tình yêu!”.

http://www.who.int/classifications/icd/en/HistoryOfICD.pdf

http://www.who.int/patientsafety/taxonomy/WHOFICFamily.pdf

.

NHỤY LỬA HOA ĐÈN

PHAN LẠC HOA

Khi mặt trời xoay nắng sang chiều sau quả đất
Là lúc cây hoa ghi đươm trổ trái tim đèn

Trái tim đèn anh thắp gửi về em
Chùm sao mọc trên đỉnh đèo Khe Nét
Chùm hoa đêm với sắc mà tha thiết
Là những ngọn đèn ghi thao thức dọc con đường

Hoa phong lan tắm gió đỉnh Trường Sơn
Hoa lúa hoa ngô nặng tình nghĩa đất
Hoa đèn ghi nở sáng đường thống nhất
Soi tàu đi xao xuyến nhịp trăm miền

Ơi những ngọn đèn như đáy mắt em
Khoảng tím cứ lung linh như hẹn hò nhắn nhủ
Tàu qua núi qua sông gió chuyển mùa suối lũ
Vẫn mang trọn nét cười câu hát giử gìn nhau

Đêm dịu dàng buông nỗi nhớ thẳm sâu
Ngỡ dừng lại trước khoảng đèn sáng xanh tiếng hát
Ai đếm được những ngọ đèn rải quân trên đường sắt
Đứng gác non sông vĩnh viễn một con đường

Anh thắp cây đèn xòe cánh nhớ cánh thương
Màu tín hiệu: đỏ vàng xanh tím lục
Trong xa cách ta vẫn gần hạnh phúc
Khi trái tim rung nhịp với con tàu !

1980

(Bài thơ này được in trong một tbướm hai trang cùng với bài hát “TÀU ANH QUA NÚI”, mà mỗi sinh viên lớp mình đều được Nhạc sỹ Phan Lạc Hoa tặng 1982).

7 bình luận

  1. Tôi đã rơi lệ khi đọc bài này. Mỗi khi đi tàu qua Hải Vân là tôi nhớ NS Phan Lạc Hoa. Tôi nhớ mấy năm trước NS Pham Tuyên, Mạnh Đạt và CS Thanh Hoa có vào báo Và Đài Truyền hình BRVT chơi và hát cho anh em nghe. Mình được ăn cơm chung 1 bữa. Qua quan sát những gì mình thấy…! phần nào hiểu được nổi đau của NS PLH. Có nỗi đau nào khủng khiếp hơn khi người đàn ông nghe, thấy vơ yêu của mình đang reo cười với người đàn ông khác ngay trong nhà mình. Tôi thương quý NS PLH và tôi yêu quý những người con của anh ấy. Với TH tôi chỉ yêu tiếng hát mà thôi chị Hoa ạ.

  2. Anh Tạo ơi. Chúng tôi ở báo Bảo vệ pháp luật cuối tuần muốn đăng lại bài này trên báo. Muốn xin phép anh và tác giả. Xin anh số đt liên lạc. Mong anh liên lạc sớm. ĐT liên lac 0924067870. Xin cảm ơn trước

  3. Bài viết hay quá, cám ơn Nhà thơ NTT, cám ơn các bác sĩ đã lưu lại những ghi chép về nhạc sĩ tài hoa PLH. Một câu chuyện thật là buồn, mỗi câu chữ như lưỡi dao đâm vào trái tim người đọc vậy. Nhạc sĩ đã đi xa nhưng những bài hát của anh vẫn sống mãi và như vậy, anh sống mãi trong tình yêu của người yêu âm nhạc.

  4. Báo NguoiViet.de xin phép đăng lại tại đây:

    http://nguoiviet.de/nv/modules.php?name=News&op=viewst&sid=24021

    Chúc bác Nguyễn Trọng Tạo vui khỏe và thành công

    NguoiViet.de

  5. “Năm nay tròn 30 năm (19/ 09/2010 – 19/09/2012” anh ra đi bằng cái chết trong sợi dây thừng oan nghiệt ??? Có phải bác Tạo cho đăng lại bài này: https://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2012/02/10/cu%E1%BB%99c-d%E1%BB%9Di-r%C6%A1i-l%E1%BB%87-c%E1%BB%A7a-nh%E1%BA%A1c-si-phan-l%E1%BA%A1c-hoa/
    Kính chúc bác sức khỏe.

  6. Bài viết của bác sĩ Sao Hồng đã bị thằng nhà báo láo toét Phùng Nguyên (?) này chế lại đăng trên báo Tiền Phong:
    http://www.tienphong.vn/xa-hoi/phong-su/595470/Tac-gia-Tau-anh-qua-nui–tai-nang-bac-menh-tpp.html

    • Tuấn Nguyễn:
      Phùng Nguyên (PN) bảo, có hỏi bác Nguyễn Trọng Tạo hiện Sao Hồng ở đâu. Qua FB, PN có nhắn tin xin số mobile của mình và gọi hỏi về một số thông tin cá nhân và bối cảnh ra đời bài viết.
      Mình có hỏi để làm gì? Nếu cần thì xin phép rồi đăng lại thôi. PN cho biết là TBT Tiền Phong giao nhiệm vụ tiếp xúc mình viết bài về cố nhạc sỹ Phan Lạc Hoa.
      Mình có nói là đã qua ngày giỗ rồi, đăng làm chi. Hôm qua, bạn bè nhắn tin báo mới biết PN đăng trên báo TP (mình không đọc báo TP). Vào đọc lại thấy bài đã xáo xào lại và đưa tin không chính xác. Nhất là in lại bản chép tay bài thơ (Nhụy lữa hoa đèn) mà bẩu là “Bút tích của Phan Lạc Hoa”.
      Qua đó, mình thấy PN làm việc thiếu nghiêm túc. Mình cũng hơi bị dễ dãi khi tin người của Tiền Phong.
      Cố Nhạc sỹ Phan Lạc Hoa đã ra đi 30 năm rồi, nhưng người thân vẫn còn đó. Viết gì cũng cần thận trọng chứ không thể cẩu thả và lập lờ như thế được !
      Mình thấy những bài viết xáo xào như PN rất phổ biến trong giới truyền thông nước nhà hiện nay!
      Buồn !

Bình luận về bài viết này