VỀ VINH TƯỞNG NHỚ CHÍNH TÂM


LÊ HUY MẬU

Năm 1982, Hội nhà văn Việt nam mở trại sáng tác tại Vũng tàu. Bấy giờ Đặc khu Vũng tàu- Côn đảo chưa có Hội Văn nghệ, nhưng có nhóm sáng tác do bác Giang Tấn- Giám đốc thư viện Đặc khu làm chủ nhiệm. Cơ quan tôi ở bên cạnh thư viện nên có sinh hoạt gì thường được bác Giang Tấn mời tham dự. Nhờ thế mà tôi biết có trại viết này, và được diện kiến một số nhà văn tên tuổi như Nguyễn Xuân Sanh, Huy Phương, Hoàng Minh Châu.  Thoắt cái mà đã 30 năm trôi qua. Khi viết những dòng này, tôi không nhớ là các  nhà thơ, nhà văn mình vừa nhắc đến đó ai còn ai mất? Đã lâu cũng ít khi nghe nhắc đến họ cả trên diễn đàn cũng như trên văn đàn . Trại viết Vũng tàu quy tụ nhiều cây bút đang sung sức lúc bấy giờ như: Trần Mạnh Hảo, Dạ Ngân, Nguyễn Quang Thân, Chu Hồng Hải, Đinh Thị Thu Vân, Nguyễn Nhật Ánh… Và cũng chính từ trại viết này, tôi gặp rồi quen thân nhà văn Chính Tâm ở Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh.

Chính Tâm người cao, gầy gò, xương xẩu nhưng có gương mặt rất “tây”. Tùng Bách thường gọi đùa Chính Tâm là Pa-ven Coóc-sa-gin. Tôi nhớ mãi hình ảnh ngày đầu gặp ông tại trụ sở cơ quan tôi là Chi cục Hải quan Đặc khu Vũng tàu- Côn Đảo. Ông mặc chiếc áo bộ đội có túi chéo, nghĩa là áo của bộ đội gái, mấy cô nhân viên cơ quan tôi lấy làm lạ lắm. Khi ông về rồi, mấy cô cười mãi, bảo rằng: Eo ôi!  bạn anh Mậu  mặc đồ con gái! Ngày ấy, không cứ gì Chính Tâm, mà miền Bắc đầy. Năm 3 mét vải tem phiếu ai cũng  dành sắm đồ mới cho con, còn cha mẹ kiếm được gì mặc nấy, miễn là lành. Do cơ quan tôi, mỗi năm ngoài 3 mét vải tem phiếu, ngành còn cấp cho mỗi người hai bộ trang phục nữa nên nhiều người không biết, miền Bắc có thời đến chín mươi phần trăm người lớn mặc áo lính. Có những người mặc áo lính dài đến đầu gối, trông thành phố cứ như  gà rù sã cánh cả lượt.

ChínhTâm là một người trịnh trọng. Nói  cái gì cũng trịnh trọng và viết lách lại càng trịnh trọng. Bấy giờ, tôi chưa có sáng tác gì đáng kể, chỉ thích văn chương thôi. Với tôi, lúc bấy giờ, Chính Tâm là oách lắm rồi, là thần tượng rồi! Trong những ngày ở trại viết, Chính Tâm  đến thăm tôi nhiều lần và truyền cho tôi niềm đam mê văn chương. Tôi làm nghề Hải quan, suốt ngày chỉ có số liệu tiền hàng nhưng được ông thủ trưởng cũng yêu văn chương, thấy tôi chơi với anh em nhà văn, ông bảo tôi mời các nhà văn về giao lưu, đọc thơ văn tại cơ quan, rồi chiêu đãi, rồi cho mượn ca- nô đi biển chơi.. Thế là, của người công ta, nhờ thế mà tôi quen được với Chính Tâm, Chu Hồng Hải, Đinh thị Thu Vân…

Sau lần gặp nhau đó, mỗi lần về Vinh, tôi thường ghé nhà Chính Tâm. Ngày tôi tìm hiểu cô bác sỹ thú y, đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh ở Vinh, (là vợ tôi bây giờ) tôi đưa người yêu đến chơi nhà Chính Tâm, trông thấy cái giá sách của Chính Tâm, cô ta lác mắt. Ở  thời điểm đó, sưu tập được những cuốn sách danh tiếng của các tác giả kinh điển trong nền văn hoc thế giới là kinh lắm. Ngoài công phu, còn là sự chắt bóp chi tiêu ghê lắm mới sắm được. Chính Tâm may mắn có được người vợ vừa xinh đẹp, vừa hiền dịu, thương chồng và đảm đang. Mấy lần tôi ở chơi, đàm đạo văn chương với Chính Tâm quên cả giờ giấc, chị Huề vợ ông đều lo cho hai anh em một bữa cơm tươm tất.  Sự ân cần niềm nở với khách văn của chồng khiến tôi hết sức cảm động.  Sau này, nhiều lần qua lại, tôi thành khách của gia đình ông, mặc dầu có nhiều bà con, anh em ở Vinh, nhưng  nhà ông như là điểm dừng, gần như tôi không nghỉ qua đêm ở nhà ai khác ngoài nhà ông.

Chính Tâm là một người viết văn hết mình với trang viết, tôn quý sách vở nhưng lại không mấy thành công trong sáng tác. Ngoài một tập truyện ngắn in chung , ông còn có cuốn tiểu thuyết “Nước mắt đoàn viên”. Gần như ông dốc hết tâm lực cho nó, nhưng số phận cuốn tiểu thuyết của ông cũng long đong như đường văn của tác giả.  Không biết vì lí do gì, nhưng mãi không lấy được giấy phép xuất bản. Ông nhờ tôi, tôi nhờ bạn tôi, là nhà văn Lê Đăng Kháng ở nhà xuất bản Đồng nai xuất bản tập tiểu thuyết đầu tay của ông. Tôi và Lê Đăng Kháng trao đổi với nhau mãi, không phải tập tiểu thuyết có gì cấn cái về nội dung, mà  cuốn sách còn phải bàn thêm với tác giả về bố cục, về văn phong. Tôi cảm giác như văn ông viết chậm quá, ông viết cầu kỳ quá, nhiều khi rơi vào kể tả dài dòng, đọc rất mệt. Bấy giờ giấy in rất hiếm, cuốn tiểu thuyết phải in giấy gia công, giấy xấu, lại thiếu PR nên hình như cuốn sách không bán được và trở thành  một ám ảnh buồn của Chính Tâm. Sau này, vì sức khỏe một phần, một phần vì tính ông hay cầu toàn, lại không bắt kịp với trào lưu văn học đổi mới, ông dành thời gian cho đọc, và, hơn hết cả là ông truyền lửa đam mê sáng tạo cho các con. Từ Huy, Thiệu Huy là tác phẩm, là niềm tự hào, là niềm an ủi  lớn nhất của ông.  Tiến sỹ văn học Nguyễn Từ Huy và tiến sỹ toán học Nguyễn Thiệu Huy đã kế thừa, phát huy một cách xuất sắc người cha đam mê tri thức, văn chương nhưng không mấy thành đạt của mình.  Thiệu Huy và Từ Huy đã làm được những gì mà cha mình hằng mơ ước.

Khi nghĩ về Chính Tâm, tôi thường nghĩ về một người anh đạo đức, mô phạm, có tấm lòng và niềm say mê cao cả. Thời mà Liên xô sụp đổ, mở ra một chương mới trong đời sống chính trị của nhân loại, có những đêm tôi ngủ ở nhà ông, ông đi đi lại lại trong nhà, nghĩ ngợi và thỉnh thoảng lại hỏi: Cậu ngủ rồi à? Chà,  tình hình thế giới thế này mà cậu ngủ được thì tài quá! Mình không sao ngủ được cậu ạ! Cậu nghĩ thế nào về tay Goocbachop?  Cậu bảo tay này có công hay có tội? Cứ thế,  ông thao thức, nghĩ ngợi về tình hình thế giới, về tương lai của đất nước. Trong căn nhà tre mộc của ông, ngoài sách, tôi không thấy ông có tiện nghi, vật dụng gì đắt tiền cả. Cái sang trọng của ông là những lo toan trăn trở của bậc quân tử, của kẻ sỹ. Của nả lớn nhất của ông là hai đứa con thông minh và ngoan ngoãn. Niềm hạnh phúc lớn lao nhất của ông là người vợ hết mực thủy chung, hiền dịu, là chỗ dựa cả tinh thần và đời sống của ông.  Ông là người chịu khó thu thập các thông tin. Gần như ông có đủ bộ những tài liệu, những cuốn sách thuộc hàng “quốc cấm” lúc bấy giờ như: Đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ của Hà Sỹ Phu; Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên; Chuyện kể năm hai ngàn của Bùi Ngọc Tấn; Thiên đường mù của Dương Thu Hương; Thiên sứ của Phạm Thị Hoài và nhiều bài viết, cuốn sách đang có vấn đề khác. Chúng ta  có thể hiểu được, trong không khí đổi mới, không phải chỉ trong kinh tế, mà trong quan điểm tư tưởng, văn hóa cũng đã thông thoáng cởi mở hơn. Nhiều bài viết, nhiều cuốn sách thẳng thắn nêu lên những vấn đề, những  hiện thực mà trước nay được coi là vấn đề cấm kỵ. Một cách hết sức rụt rè, cẩn trọng nhưng ông tỏ ra hồ hởi, phấn khích trước những dấu hiệu mới của dân chủ, của tự do tư tưởng mà các tác phẩm đó mang đến. Các nhà văn từ xưa đến nay, từ đông sang tây đều là những người tích cực cổ súy cho các cuộc cách mạng. Khi mối quan hệ quyền lợi giữa thống trị và bị trị mâu thuẫn nhau, độc tài và bất công thường châm ngòi cho những cuộc cách mạng nổ ra, và bao giờ cũng vậy, các nhà văn thường cổ súy cho tầng lớp bị áp bức đứng lên đấu tranh đòi quyền sống. Thiên chức cao cả đó của nhà văn  thường hệ lụy đến quyền lợi và đời sống của họ. Chính Tâm khâm phục tài năng và lòng quả cảm của họ, nhưng ông luôn giữ một thái độ ứng xử đúng mực.

Hội Văn Nghệ Nghệ Tĩnh là một trong những hội được thành lập từ rất sớm. Nó kế thừa từ Hội Văn Nghệ Nghệ an có mặt từ sau hòa bình lập lại. Lực lượng sáng tác ngày ấy thật hùng hậu: Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Xuân Hoài, Đức Ban, Thạch Quỳ, Đặng Văn Ký, Chính Tâm, Hồng Nhu, Quang Huy, Quốc Anh, Nguyễn Xuân Phầu, Tùng Bách…Ngày ấy, các nhà văn sáng tác có lương như công chức nên các vị bình chân như vại, mặc cho các bà vợ xoay xở, bươn chải, còn các vị được quyền hút thuốc lào, uống nước chè và tán dóc hết ngày nọ đến ngày kia, và tác phẩm của các vị cũng chỉ đủ để hoàn thành nghĩa vụ sau những chuyến đi thực tế. Nghèo nhưng địa vị xã hội của các vị thì oách không thể tả. Ngày ấy, ở quê, cứ được đi thoáy ly, được ăn cơm nhà nước, không phải chân lấm tay bùn là sướng rồi, huống nữa đi làm nhà văn. Chỉ sau giải phóng, chỉ tới khi kinh tế thị trường nó dồn các vị đến chân tường, các vị mới thấm chuyện cơm áo không đùa với khách thơ. Chính Tâm biết mình không có khả năng bươn chải kiếm tiền được, ngoài đồng lương đưa vợ, ông sống tùng tiệm, khiêm nhường đến tội. Có hôm ông đưa tôi đi ăn sáng, ăn cháo lươn ở cổng thành, ông giành tôi trả tiền. Tôi thấy ông lấy xấp tiền năm trăm đồng, cái dây lạt buộc tiền vẫn còn nhưng đã lỏng, ra trả. Ông bảo : Đây là tiền “Mụ Huề” vẫn dành cho mình để trà thuốc và ăn sáng, tôi đồ rằng ông đã giữ  nó từ rất lâu rồi, hôm nay tiếp tôi mới dùng đến. Nghĩ thế tôi cảm động muốn ứa nước mắt.

Mỗi lần ra sách, tôi đều có gửi tặng ông. Không biết ông có đọc không, không thấy ông khen chê gì. Hôm tôi tặng ông tập truyện ngắn “Giá người” vừa in xong, ông bảo để đọc xem, văn của cậu có ngửi được không?

Hôm sau gặp tôi, ông bảo: Mình đọc hết rồi,  hay cậu ạ ! Chỉ có vậy thôi mà tôi cũng vui râm ran cả ngày.

*

Chính Tâm cũng có lần muốn xê dịch, muốn chuyển vào Vũng tàu. Chị Huề đã đặt vấn đề với công ty nhiếp ảnh Vũng tàu để chuyển công tác và được họ đồng ý rồi. Bấy giờ đời sống trong này cũng dễ thở hơn ngoài Vinh, tôi cũng ủng hộ và sẵn sàng làm trạm tiền tiêu cho ông, nhưng rồi ông thiếu quyết tâm, thiếu can đảm đương đầu với những lo toan cho sự thiên di đó, nên thôi. Theo thời gian, những khó khăn túng thiếu rồi cũng qua. Từ Huy, rồi Thiệu Huy con ông tốt nghiệp đại học và có việc làm ngay, vợ chồng ông cũng bớt phần gánh nặng cơm áo. Rồi Thiệu Huy đi làm nghiên cứu sinh ở Đức. Rồi Từ Huy đi làm nghiên cứu sinh ở Pháp. Về tinh thần là nhất ông. Chỉ về kinh tế cho đến những ngày ngã bệnh, ông vẫn sống trong ngôi nhà tre mộc trong khu tập thể của Hội Văn nghệ được phân từ hồi còn bao cấp. Được cái đất đai cũng rộng lại yên tĩnh, thành ra, từ cái sự không có điều kiện để chuyển đổi,  nơi ông ở về sau lại trở nên quá lý tưởng. Trong tâm trí tôi, đến bây giờ, ngôi nhà Chính Tâm vẫn trầm mặc trong cái lạnh của mùa đông, với hình bóng ông co ro, thút thít trong chiếc áo bông tuổi tác và bụi bặm. Ở đấy, ở căn nhà không số của ông giữa thành phố Vinh, tôi luôn tìm được sự ấm áp mỗi lần ghé qua. Ngày nhà thơ Ngọc Cương- chánh văn phòng Hội Văn nghệ Nghệ an mất, ông đưa tôi sang thắp hương cho Ngọc Cương, tôi đùa ông: Nhưng không chết chàng Chính Tâm lẻo khoẻo/ Mà chết chàng to béo Ngọc Cương. Ông cười bảo, bây giờ phải đổi lại cậu ạ, phải đổi từ “béo tốt” thành “gầy tốt” mới đúng!

Tôi nhận được tin Chính Tâm mất từ nhà thơ Tùng Bách. Đúng lý phải về thắp hương cho ông. Nhưng đường sá xa xôi, lại không dư dả gì để đi máy bay ra, đành nhờ cô em vợ ở Vinh đến thắp nhang phúng viếng giúp. Sau này mới biết, ông lâm trọng bệnh từ mấy năm trước nhưng gia đình cố giấu, thành ra, lúc tôi về Vinh, vợ chồng Thiệu Huy thuê một chiếc tax-xi đi Cửa lò chơi, nhưng bấy giờ tôi hoàn toàn không biết, đấy là những giây phút cuối cùng tôi gặp ông trên cõi trần thế.

Tôi chưa một lần sang Can lộc quê ông, nhưng hai lần tôi đưa ông về thăm nhà mình ở Thanh chương. Lúc bà mẹ tôi còn sống, bà quý Chính Tâm lắm. Mẹ tôi cũng đã mấy lần vào nhà ông ở Vinh. Chị Huề chụp cho bà nhiều tấm ảnh đẹp. Mẹ tôi lúc vào sống với con ở Vũng tàu, có ai về Vinh đều nhắn lời thăm vợ chồng bác Chính Tâm. Lạ thế, có những con người ta chỉ gặp họ tình cờ, đi lại thăm nhau vài lần mà bỗng trở nên thân thiết như ruột thịt.

Tôi đến thành phố Vinh từ lúc còn là một chú nhóc đá banh bưởi. Bấy giờ, tôi có bà chị làm đường sắt ở Vinh, nghỉ hè chị đón em xuống Vinh chơi mấy ngày. Từ Thanh chương xuống Vinh chỉ hơn bốn mươi cây số mà sao lúc ấy mình vinh dự thế. Trẻ con cả xóm xúm xít hỏi han, còn tôi thì được dịp khoác lác. Nhờ quả banh cao su chị gái mua cho, mà nhiều đứa trước nay ghét mình cũng lân la làm quen để được chơi đá banh cao su thay vì đá banh bưởi. Chỉ đến khi Bá Canh, bạn chăn trâu thời nhỏ, đá banh bị té gãy tay, bà Nghi- mẹ Bá Canh đến chửi cho tôi một chặp, mẹ tôi mới giấu biến quả banh đi, bảo, thôi từ  nay trở đi không banh bót gì hết, lo mà học, mới thôi.  Trong ký ức tôi, thành Vinh bấy giờ quá rộng lớn nên tôi không nhớ nổi điều gì. Chỉ nhớ trưa mùa hè gió Lào cồn cột thổi, bụi cát bay mù mịt, những cây phi lao trơ trọi không đủ bóng râm che nắng, tôi từ trong thành phố về lán trại công nhân của chị gái giữa đồng, đầu trần nắng cháy cả tóc. Bẵng đi cho đến sau giải phóng tôi mới gặp lại thành Vinh, nhưng vẫn là khách ghé qua, với vài  kỷ niệm ít ỏi mà Chính Tâm là người can dự vào những kỷ niệm đó nhiều nhất.  Bây giờ ông đã thành người thiên cổ. Tôi đã có thêm nhiều bạn bè mới, và mỗi lần về đó, tôi phải chia đều mình ra cho tất cả họ bằng cách tổ chức tụ tập rượu bia um xùm, nhưng trong phần tĩnh lặng của tâm hồn mình, thành Vinh với tôi vẫn thấp thoáng hình bóng của Chính Tâm và ngôi nhà trầm mặc giữa năm tháng xưa xa, đầy diệu vợi…

Vũng Tàu, ngày 14/9/2012

LHM

Bình luận về bài viết này