“ĐI TÌM VÀNG” GẶP THĂM THẲM PHẬN NGƯỜI


NTT: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc vừa xuất bản tập thơ “Đi tìm vàng”, và sẽ ra mắt bạn đọc vào lúc 8h 30′ ngày 18.5.2012 Hội trường Hội Nhà Văn VN, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Nhân dịp này, một số nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình đã có bài viết về tập thơ của anh. NTT xin giới thiệu cùng bạn bài viết của nhà thơ Mai Liễu: 

“ĐI TÌM VÀNG” GẶP THĂM THẲM PHẬN NGƯỜI

(Đọc “Đi tìm vàng” của Lê Tuấn Lộc, NXB Lao Động, 2011)

MAI LIỄU

Đi tìm vàng” là tập thơ in riêng lần thứ 11 của nhà thơ Lê Tuấn Lộc. Thật ra,  nhiều bài thơ trong tập này đã in rải rác trên các báo chí. Tác giả chọn, cho in lại trong tập này theo chủ đề xuyên suốt: Thơ về người thợ mỏ và thơ về miền núi. Có lẽ, do đặc điểm nghề nghiệp, nghề khai mỏ gắn liền với miền núi, với đồng bào dân tộc, nên tác giả muốn dành sự tri ân cho thiên nhiên và con người miền núi! Trong thơ, thiên nhiên và con người miền núi cũng thân thiết với tác giả như nghề mỏ và thợ mỏ vậy. Tất cả làm nên duyên thơ Lê Tuấn Lộc và là vẻ đẹp trong thơ ông.

Lật qua vài trang thơ, ta bất chợt gặp một cô công nhân mỏ hiện ra giữa thiên nhiên miền núi huyền ảo; cô gái với vẻ đẹp tự nhiên, hồn nhiên như cô gái bản Tày, bản Dao vừa đi nương rẫy về trong buổi chiều vắng người, ở một quãng suối trong ngần: “Em đi đãi quặng một mình / Vô tư qua suối, làm anh nhỡ đường”. Chính cái phút “nhỡ đường” ấy, tác giả bật ra những câu thơ thật đẹp:

Suối trong như chẳng có gì

Níu lòng anh chẳng nhẽ vì suối trong.

Non tơ như búp mùa xuân

Hoang sơ như cỏ, trắng ngần như măng

Tác giả như đưa ta về với không gian thơ của Bạc Văn ùi, gặp lại cảnh « tắm tiên » của cô gái bản Thái năm nào để chiêm ngưỡng vẻ đẹp như tiên sa của cô gái Thái:  «Da của em ngần trắng / Da của ái, của êm » (Em tắm – Bạc Văn ùi), khi ông viết :

“Khỏa tay cho nước tung lên

Thả mình em tắm tự nhiên như đời”

(Bên suối)

Không biết cô gái là công nhân đãi quặng từ nơi xa đến hay đó là cô gái bản được tuyển làm công nhân mỏ mà tự tin, tự chủ, tự hào đến thế. Nơi em tắm phải là một không gian yên bình lắm, yên tĩnh lắm. Nơi xô bồ, bất trắc làm sao có cảnh thiếu nữ phô bày sự “hoang sơ như cỏ, trắng ngần như măng” giữa non nước mây trời như thế! Đó quả là những phút giây thần tiên, thơ mộng và hiếm gặp trên đời.

Với “Sương mù ở Phia Khao” lại là một tâm trạng khác, ở một hoàn cảnh khác. Cùng là cảnh sắc miền núi, cùng là sự hoang sơ nhưng là cái hoang sơ đến hoang vu, đến rợn người: Núi cao như tỏ như mờ/ Vực sâu trắng xóa mịt mờ liên miên … Trước cảnh núi cao, vực thẳm, sương dăng mịt mù trời đất, tác giả hình dung nỗi vất vả, cực nhọc của người thợ khai mỏ nơi cùng trời cuối đất này:

“Ai còn gùi quặng trên triền núi cao

Ai khai quặng kẽm lối nào

Chỉ dùm ta kẻo đường vào âm u ….”

Là người đi tìm mỏ, tác giả từng đặt chân đến nơi thực dân Pháp xưa kia tuyển phu khai mỏ để vơ vét tài nguyên khoáng sản của đất nước ta, ông không khỏi chạnh lòng nhớ đến thân phận của kiếp phu mỏ ngày xưa: Đã sương, đã gía lại mù/ Kiếp phu xưa, kiếp ngục tù Phia Khao.

Chỉ với hai trích đoạn thơ (Bên suối và Sương mù ở Phia Khao) tác giả hướng cảm nhận của ta về hai thời đại, hai vị thế của người thợ: phu mỏ – ngục tù và người thợ – người chủ! Cảm xúc thời đại ít nhiều được tác giả đề cập đến trong một số bài thơ khác: Ca ba vùng mỏ, Đi trên đường ống, Thung lũng trong mưa, Bác Thực về hưu, Chị Sàng, Đưa con về mỏ, Thợ mỏ gặp nhau …

Thợ mỏ ở đâu cũng vậy, ồn ào, tếu táo, dễ thích nghi và lạc quan yêu đời. Dù làm nghề gì, hễ liên quan đến nghề mỏ là phẩm chất ấy lại bộc lộ; con người dễ cảm thông, gần gũi, hồn hậu yêu thương và sẵn lòng chia sẻ:

“Người thiếc gặp người than

Cười ran như pháo nổ

Mặc kệ đời gian khổ

Ngang mày trăm phần trăm …”

(Thợ mỏ gặp nhau)

Cái tình của người thợ mỏ đãi nhau cũng thật là “đã”:

“Buồn vui này một chén này

Lòng ta như chén rượu đầy người ơi

Ngổn ngang núi, ngổn ngang đồi

Phút giây với bạn đất trời bung biêng

Nền nhà không phẳng thì nghiêng

Trần nhà chao đảo chung chiêng trần nhà …”

(Uống rượu ở mỏ thiếc Sơn Dương)

Tác giả không mượn rượu để giãi bày tâm sự nhưng quả thật rượu làm cho thế giới quanh ta náo nhiệt, linh hoạt, có hồn và có tình hơn nhiều lắm!

“Chén mừng bạn, chén mừng ta

Chén này mình uống, còn ta chén này

Như quên mưa nắng Khuôn Phầy

Ngòi Chò lũ chẳng dâng đầy người ơi …”

(Bài dẫn ở trên)

Với người thợ, rượu như cái cớ kết nối tình bạn, kết giao tri âm, tri kỷ, đồng thời cũng là sự an ủi, động viên nhau vượt lên gian lao, khó nhọc của nghề khai mỏ giữa núi rừng heo hút …

Trên đường Đi tìm vàng, tác giả gặp gỡ nhiều người, chứng kiến nhiều cảnh huống rất thực, rất đời ẩn chứa những số phận mang tính nghề nghiệp. Ông ghi lại đôi nét như là sự chấm phá vào bức phác họa nghề thợ mỏ tươi rói cảm xúc và thấm đẫm tình người. Dự một đám cưới của đôi vợ chồng công nhân mỏ, ông có những quan sát tinh tế: Nếu nhìn cô dâu chú rể thì khó biết họ làm nghề gì, ở đâu. Nhưng nhìn thực khách đến dự, biết đây là đám cưới của làng mỏ, ở thung lũng xa:

“Anh đi làm ca ba

Diện cả ủng đi vào đám cưới

Không ai chê rách rưới

Rượu tràn

Cười nói vọng thung xa …”

(Đám cưới trong làng mỏ)

“Diện cả ủng đi vào đám cưới” là chi tiết của văn xuôi được nhà thơ ghi lại làm cho giọng kể có hồn hơn, không gian thơ vì thế mà lắng đọng hơn về tâm trạng và cảm xúc.

Đến một đám tang người Nùng đào quặng thiếc bị nạn, lòng ông ngập tràn nỗi đau quặn thắt. Nạn nhân vốn là một nông dân không có nghề khai thác mỏ, hoàn cảnh sống buộc người ta phải đánh đu với số phận, với sự may rủi:

“Lúa nương sâu hại hết

Vợ chồng Nùng thiếu ăn

Chồng đi đào quặng thiếc

Vợ dệt chàm quay tơ …”

Khi tai họa ập xuống thì:

“Đất sập hầm chồng chết

Vợ không tiền làm ma …

… Cả nhà không kêu la

Chỉ cúi đầu im lặng …”

Chứng kiến cảnh thương tâm đó, một người xa lạ còn biết làm gì hơn: Tôi người Kinh ở xa/ Phong tục Nùng không biết/ Cảm thương người đã khuất/ Cắm hương thơm khắp nhà

Cảnh thật, tình thật làm cho bài thơ đọng lại sự xót xa, thương cảm cho phận người đoản mệnh.

Đây lại là một ghi chép chân thực về một làng thợ mỏ ở miền núi:

“Gà chạy đỏ sân, ao bơi đầy cá

Quăng mẻ vó trắm giương vây trắng xóa”

… “Vừa mới nghe có khách đến thăm nhà

Chị bế con sang, anh mang chè đến

Cứ như khách về thăm cả xóm …”

(Làng thợ mỏ)

Tôi không biết trên thế giới này có xóm thợ mỏ nào như các xóm thợ mỏ miền núi nước ta không? Thợ mỏ vốn là nông dân chân truyền, đi làm mỏ, lập gia đình lại tự dựng nhà ở khu mỏ, quần tụ thành làng bên khe suối, cũng tranh thủ cuốc đất làm vườn, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, đào ao thả cá … cũng mô hình V.A.C như nông dân. Giản đơn vì lương công nhân mỏ cũng thất thường, nhiều khi không đủ sống và nuôi con ăn học. Cuộc sống như thế phải dựa vào nhau, tình làng nghĩa xóm lại được phát huy ở làng mỏ. Công nghiệp hóa đấy mà vẫn là nông thôn, nông thôn hóa cả vùng đất mỏ. Cũng xin nói thêm, đấy là làng mỏ thời kỳ đổi mới, thời bung ra “tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”. (Thời bao cấp mà làm thế là mất lập trường quan điểm giai cấp vô sản, là tư hữu hóa, mà tư hữu hóa thì “từng giờ từng phút đẻ ra chủ nghĩa tư bản”! …)

Đi tìm vàng, một bài thơ được lấy làm tên cả tập thơ, là những kiếp người lang thang, vì nghèo khó mà đi tìm vàng, tìm giàu sang. Nhưng giàu sang đâu dễ kiếm tìm:

“Sông Gâm nước nổi mây chìm

Vàng chôn dưới đất biết tìm nơi đâu?

Tàu đãi vàng nối đuôi nhau

Ai run, ai rủi, ai giàu, ai may

Vàng còn mãi tận chân mây

Cửu vạn kẻ đói kẻ gầy giơ xương …”

(Đi tìm vàng)

Vài nét phác họa cảnh khai thác lậu vàng sa khoáng trên sông Gâm một thời chưa xa cho ta hình dung phần nào cái thế giới xô bồ, náo loạn, vô kỷ cương, vô nhân tính của cuộc đi tìm vàng. Chủ của những Tàu đãi vàng nối đuôi nhau trên sông Gâm là của những cai, những bưởng vàng máu lạnh; kẻ đào vàng là những cửu vạn – những nông dân nghèo đói đi làm thuê mong tìm vận may để đổi đời. Nơi nào có đào đãi vàng, nơi đó phải nhận lấy những hậu quả nặng nề về môi sinh, tệ nạn cờ bạc, nghiện hút, mại dâm, cướp giết … tất cả bủa vây lấy những cửu vạn nghèo đói, có khi mạng sống còn khó giữ, nói gì đến đổi đời từ bãi vàng …

Tìm vàng chưa thấy vàng đâu

Sông Gâm thăm thẳm một màu xanh xanh …

Câu thơ thì hiền lành mà ẩn chứa đằng sau con chữ là thực tế nhức buốt, tàn lụi. Dòng sông Gâm vốn xanh thăm thẳm nhưng vì vàng sa khoáng mà cồn lên đục ngầu quanh năm, cuốn trôi đi biền biệt bao nhiêu giấc mộng vàng. Đi tìm vàng lại gặp thăm thẳm phận người đau khổ …

Tiễn bạn về quê lại là một phận người “bé mọn” bị “tổn thương nghề nghiệp”:

“Về hưu tuổi đã đến đâu

Đừng gọi mất sức mà đau lòng mình”

Về nghỉ hưu chưa đến tuổi hưu trí có nhiều cách gọi: hưu non, hưu mất sức, thực ra là mất việc làm. Phụ cấp mất sức lao động tất nhiên chỉ có tính an ủi, không đủ trang trải cuộc sống và nuôi con. Ai lâm vào cảnh đó cũng phải vắt óc tính toán xem làm gì để có thêm thu nhập. Người thợ mỏ cả đời gắn với công việc khai mỏ nay hết việc thì xoay sở kiểu gì? Nghề làm mỏ thật lao đao/ Nay còn mai hết, nay hao mai đầy … Nghề mỏ là thế, còn quặng thì còn việc, hết quặng thì hết việc, là thất nghiệp. Không dưới một lần, tác giả phải thốt lên:

“Đời còn gì nữa đâu

Ngoài búa, choòng, mỏ lết

Hết quặng là đi tất

Chia tay người một phương”

(Thợ mỏ gặp nhau)

Làm nghề nông cũng bấp bênh, muôn nỗi vất vả nhưng ít nhiều nhà nông còn có đất mà thâm canh, còn hy vọng năm thời tiết mưa thuận gió hòa, vụ sau bù vụ trước! Làm nghề mỏ “hết quặng là đi tất”. Từ làng quê ra đi, nay mất việc lại tính con đường trở về quê nhà. Quê thì có đấy nhưng việc đời đâu có thuận thế:

“Về quê thì chẳng ruộng cày

Bán buôn chạy chợ lâu ngày không quen”

Xem ra cái hiu hắt của người thợ mỏ tuổi đang xế bóng sao mà xót xa, chua chát làm vậy:

“Về quê còn chút lực điền

Cái nghề làm mỏ biết truyền cho ai?”

Thời buổi kinh tế thị trường, nghề gì cũng treo biển “gia truyền”, vậy nghề thợ mỏ “biết truyền cho ai?”. Một câu hỏi buông ra tưởng nhẹ như một tiếng thở dài mà có sức xuyên thấu của những mũi tên vào tâm can người đọc. Đó là một câu hỏi lớn – một câu hỏi không lời đáp của nghề khai mỏ. Mà nghề đó ở đâu cũng thế, mỏ gì cũng thế!

Thơ Lê Tuấn Lộc mộc mạc, giản dị, chân tình, thẳng băng như lời ăn lối nói của người thợ, của người miền núi (ở bài viết này tôi chưa có điều kiện đề cập đến mảng thơ viết về miền núi của ông). Thơ ông trực diện mà không cao ngạo, nhiều bài thơ thấm thía mà không rao giảng, thuyết lý. Thơ ông mạnh về cảm xúc, nặng về tình. Cái chân  thật trong thơ ông là cái chân thật về hoàn cảnh, về số phận, về cảm xúc. Mất cái đó, câu thơ trở nên thô vụng, tầm thường. Thơ Lê Tuấn Lộc được nhiều bạn đọc yêu mến tôi nghĩ chính là ông đã để hồn thơ mình đụng đến phận người thăm thẳm, để đồng cảm, sẻ chia và yêu thương thật lòng./.

Hà Nội, tháng 4/2012

Bình luận về bài viết này