PHẠM TIẾN DUẬT VÀ CHUYỆN “VÒNG ĐEN – VÒNG TRẮNG”


BA TỈNH

Nhân việc nhà nước ta vừa trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho cố nhà thơ Phạm Tiến Duật, chúng tôi xin kể một giai thoại về ông, một chuyện cười ra nước mắt…

Hồi mới nhập ngũ, Phạm Tiến Duật được giao nhiệm vụ làm giáo viên văn hóa ở trung đoàn 225. Ngày ấy, theo “quân lệnh”, cứ khoảng 9 giờ tối khi có tiếng kẻng là lính trong đơn vị phải nhắm mắt ngủ, trừ trực ban. Tối nọ, chính trị viên đại đội đi tuần tra bắt “quả tang” Phạm Tiến Duật đang che ánh sáng đèn để đọc vụng cuốn Kinh Thánh dày cộp. Sự việc tưởng chừng đơn giản nhưng Duật bị “đánh” lên bờ xuống ruộng, nghĩ lại mà rùng mình. 

Rồi Trung đoàn 225 tách ra thành hai binh trạm vận tải, tương đương cấp tiểu đoàn, binh trạm 10 ở Miền Bắc, còn binh trạm 12 hoạt động ở địa bàn Quảng Bình, theo đường lên Cổng Trời sang Lào. Lúc này Quảng Bình, Vĩnh Linh đang bị đánh dữ dội, nhưng Phạm Tiến Duật đã dũng cảm xung phong vào công tác nơi tuyến lửa trong sự ngưỡng mộ của đồng đội.

Năm 1969, Binh trạm 12 sáp nhập vào Đoàn 559, do tướng Đồng Sĩ Nguyên, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần làm Tư lệnh. Ông Đồng Sĩ Nguyên rất thích thơ Phạm Tiến Duật, nên thường tán thưởng thay cho lời khen: “Thế mới là thơ Trường Sơn. Rất tình cảm, rất khí phách…”. Từ trong bom đạn, rất nhiều bài thơ nổi tiếng của Phạm Tiến Duật ra đời và năm 1970 anh đã đoạt giải nhất cuộc thi thơ của tuần báo Văn Nghệ; Cùng năm đó anh vinh dự trở thành Hội viên Hội Nhà Văn ViệtNam.

Tài năng của Phạm Tiến Duật được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt quan tâm. Mặc dù nơi tiền tuyến vô cùng khó khăn gian khổ, nhưng đơn vị đã làm cho anh một “căn nhà riêng” bằng gỗ, có bàn viết được mắc điện, cung cấp thuốc lá, thịt hộp và các nhu yếu phẩm khác đủ phục vụ cho nhà thơ thỏa sức sáng tác… Phạm Tiến Duật được Đoàn 559 chăm sóc như một “ông vua con”… Tên tuổi Phạm Tiến Duật cùng với những bài thơ Trường Sơn của anh đã trở thành nét son của thời đại, được tụng ca là “con chim Lửa của Trường Sơn huyền thoại”, “nhà thơ lớn nhất thời chống Mỹ”, “cây săng lẻ của rừng già” và thơ anh từng được đánh giá là “có sức mạnh của một sư đoàn”…

Cuối năm 1973, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên trực tiếp giao nhiệm vụ cho Phạm Tiến Duật ra Miền Bắc làm công tác sưu tầm tài liệu để chuẩn bị soạn thảo Văn bia Trường Sơn… vì vậy, Phạm Tiến Duật đã tận mắt chứng kiến hậu quả tàn khốc của chiến tranh hủy diệt do không lực Hoa Kỳ gây ra trên hậu phương lớn Xã hội chủ nghĩa, nhằm biến nơi đây trở về “thời đồ đá”. Anh xúc cảm làm bài thơ mang tên “Viết về số 0”, thường được gọi là “Vòng trắng” đăng trên Tạp chí Thanh Niên như một nén nhang viếng những người dân vô tội đã tử nạn vì bom B52 triệt phá phố Khâm Thiên, Hà Nội. Số báo dự kiến đăng tháng 12 năm 1973 nhưng bị lùi lại thành số Tháng Giêng năm 1974. Bài thơ tự do, vỏn vẹn chỉ có 8 dòng, không ngờ là một “tai họa” chứ không phải là “tai nạn nghề nghiệp” giáng xuống đầu nhà thơ, chiến sỹ Phạm Tiến Duật, bài như sau:

“Khói bom lên trời thành một cái vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn đi trong yên lặng
Cái yên lặng bình thường đến sau chiến tranh
Có mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang, vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi ở bên trong vòng trắng
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong”

Ngay sau khi bài thơ “Viết về số 0” của Phạm Tiến Duật được in trên Tạp chí Thanh nhiên, thì lập tức Tạp chí Học tập số 9 năm 1974 đã phê phán gay gắt rằng: “Giữa lúc cần nói to lên niềm sung sướng tự hào về cái được vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì nhà thơ lại chỉ thấy cái mất, chỉ thấy tang tóc đau thương và than thở…”. Có lẽ vì vậy mà bài thơ “Viết về số 0” không được in trong bất kỳ tập thơ nào của Phạm Tiến Duật sau này. Cho đến trước khi anh qua đời, Nhà văn Nguyễn Khắc Phục mới đưa vào tuyển tập Phạm Tiến Duật, bài “Viết về số 0” do nhà thơ Trần Nhương sưu tầm và giới thiệu. Tuyển tập Phạm Tiến Duật in xong ngày 17-11-2007, và chỉ chưa đầy 20 ngày sau (17/11/2007) nhà thơ Phạm Tiến Duật qua đời, may mắn thay, anh đã kịp nhìn thấy đứa con tinh thần của mình trước khi nhắm mắt.

Phải kể dông dài về tác giả Phạm Tiến Duật và nguồn cơn ra đời bài thơ “Vòng trắng” cùng với những lời đồn thổi, suy diễn oái oăm, quy chụp nặng nề khiến văn chương nước nhà suýt mất một tài năng thơ huyền thoại Phạm Tiến Duật, mà sau đây là một “ví dụ” rất khó tin nhưng nó lại là chuyện có thật đến tê tái lòng.

Chuyện rằng, từ đầu năm 1974, để chuẩn bị cho chiến dịch tổng tấn công giải phóng MiềnNam, thống nhất đất nước. Do đó, khắp Miền Bắc đâu đâu cũng nêu cao khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả cho MiềnNamruột thịt”… Một đợt chỉnh huấn tư tưởng được tổ chức học tập rất rốt ráo. Tuyên giáo Trung ương về tận tỉnh giảng bài, tỉnh giảng cho huyện, rồi huyện giảng cho xã… khí thế thật tưng bừng và háo hức.

Xã tôi bấy giờ có chị Đinh Thị Kiên, chồng đi B. Chị là một cán bộ phụ nữ cơ sở rất mẫn cán. Hôm ấy, cả buổi sáng chị Kiên đã dự và tranh luận rất quyết liệt tại hội nghị “sinh đẻ có kế hoạch”, trong đó có vấn đề rất mới, rất đặc biệt là “Đặt vòng tránh thai”, một phát minh đặc sắc của khoa học để hạn chế tăng dân số. Chị Kiên về nhà mới kịp ăn hết củ khoai tía(*) luộc chấm muối vừng, rồi tức tốc đạp xe lên hội trường huyện để nghe cán cán bộ tuyên giáo nói về tình hình và nhiệm vụ mới. Chị đến muộn, đồng chí cán bộ tuyên huấn đang phê phán gay gắt một nhà thơ trẻ thiếu ý chí cách mạng. “Giữa lúc cần nói to lên niềm sung sướng tự hào về cái được vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì nhà thơ lại chỉ thấy cái mất, chỉ thấy tang tóc đau thương và than thở…” rồi đọc bài thơ “Vòng trắng” để minh họa:

“Khói bom lên trời thành một cái vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng

Là cái đầu bốc lửa ở bên trong”

Chị Kiên nóng mắt đứng bật dậy nói đanh thép: Sáng nay tôi đã nói rõ quan điểm cá nhân trong hội nghị “sinh đẻ có kế hoạch” rồi. Tôi cứ tưởng hội nghị này có gì mới cố tranh thủ đạp xe về dự. Hóa ra nội dung vẫn thế. Nhưng tôi cũng xin được nói thẳng: “vòng đen”, “vòng trắng” hay “vòng i-nốc” đi nữa của cái anh nhà thơ “Trần Nhật Duật” nào đó cũng là thất đức tuốt. Chửa thì đẻ – đẻ thì nuôi, lớn lên chúng nó sẽ cầm súng đánh giặc chứ việc gì mà phải đặt vòng đặt vèo cho phức tạp thêm vấn đề. Thời buổi này làm đếch gì có “cái đầu” nào lại “bốc lửa ở bên trong” cái vòng? Các đồng chí ví von khó hiểu bỏ mẹ…

!!!!

4 bình luận

  1. Trước năm 1975 tôi cũng có biết có bài thơ Vòng trắng, vòng đen gì đó của PTD bị cấm. Hôm nay đọc lại nhớ lại một thời nặng nề.
    Ngày đó nghe nói câu này bị phê phán gay gắt “Khăn tang trên đầu, vòng một số không”.

  2. Thôi đừng nói gì ngày xưa. Ngày nay thì Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng bị đánh lên bờ xuống ruộng vì truyện ” Cánh đồng bất tận ” để rồi cuối cùng lại được giải thưởng lớn, lên phim…Cái kiểu lý luận lú lẫn ở ta đã có quá nhiều. Bác nào muốn thông suốt thì tìm Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật TW của Ông Vinh, Ông Quát mà nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo in danh sách ở trên mà học tập cho thông suốt. Riêng Em. Về quê nghe đài xóm cho nó lành.He he

  3. Lứa chúng tôi rất nhớ vụ này. Sẽ rất có ích nếu tác giả cung cấp thêm tên tuổi, chức vụ của kẻ đã viết trên tạp chí “Học tập” phê phán ‘Vòng trắng’ để thêm ‘trải nghiệm’ về phúc – họa trên thiên đường XHCN, để nhận rõ, đạo đức xã hội băng hoại, dối trá là do đâu. .

  4. Chia sẻ
    .
    Anh Đinh Quang Tỉnh ơi,
    Lâu nay, lang bạt đọc „các tin nóng về Biển, Đảo“ nên cũng ít thăm Nhà bác Tạo; Dù vẫn biết và trân trọng cái Tâm của nhà thơ về Đất nước, Con người, Thời đại. Chuyện về Phạm Tiến Duật cũng là một điều nên nhớ để suy nghĩ thêm (kể cả câu „những cái đầu bốc lửa“).
    Xin kể cùng anh một chuyện:
    .
    Khoảng 1979, tôi làm việc trong tổ kỹ thuật ở một nhà máy. Một đồng nghiệp vốn là chiến sỹ nằm rừng nhiều năm (thương binh) đã kể lại về những ngày gian khó rồi tâm sự rằng cái thân con người như „tấm áo mưa“ lúc được dùng, khi thì bỏ xó. Suy ngẫm và nghĩ về một bà cô bên ngoại gian khó hy sinh mà cuối đời vẫn tự mình chống chọi bệnh tật, tôi viết bài „Chiếc Áo Mưa“:

    .
    Thủng chút ư? Thì vá lại thôi mà,
    Rách một góc? Thì thêm vào một miếng;
    Cái giá trị là cái còn cần đến.
    Áo mưa là áo mưa lúc trời mưa.
    .
    Rất tầm thường và rất đơn sơ.
    Rất vĩ đại và rất là cao cả.
    – Tất cả là do miệng đời sấp ngửa,
    Mình chỉ biết mình là chiếc-áo-mưa thôi!

    .
    Đưa cho một người thân xem thì thị phán xanh rờn: „Đây là bài thơ phản động“!
    Tôi không phải người viết được thơ nên khi được xác nhận „đây là bài thơ“ thì cũng khoái; Có điều chữ „phản động“ dùng hơi … bị phí. (Một anh bạn người Nghệ An kể chuyện CCRĐ, một nông dân nói: Tôi cảm ơn bà con đã bình tôi lên „địa chủ“, nhưng tôi không có ruộng nên xin kiếu ạ! Sau đó, hình như ông này còn xin thêm: Án „treo“ thì tôi sợ không chịu nổi, xin cho hưởng án „ngồi“; Ông nghĩ „án treo“ là bị treo lủng lẳng trong nhà giam – :-)!) – Tôi viết „phí“ theo ý này.)
    .
    Hình như có một thời, nghĩ sâu về con người và thân phận thì được „đôn lên“ thành „phản động“; Bây giờ không biết có còn như thế hay không?
    .
    Thân mến.

Bình luận về bài viết này