HỔ TRUNG QUỐC


Tiểu thuyết của Lý Khắc Uy – Người dịch: Lê Thanh Dũng – Nhà xuất bản Công An Nhân Dân (Sách đã phát hành 2-2012)

LÊ THANH DŨNG 

Cuộc sống được tác giả quan sát và mô tả từ nhiều góc độ, màu sắc xã hội, tâm lý con người và thiên nhiên hoang dã – chỉ trong một cuốn sách. Điều kỳ lạ và thú vị là tất cả tình tiết câu chuyện đều diễn ra trên một bối cảnh núi non rừng rú với vô vàn động vật và trung tâm là con hổ, một con hổ cụ thể, có tính cách có cuộc đời. 

Một cuốn tiểu thuyết lạ. Càng đọc càng thấy cuốn hút, càng không muốn rời cuốn sách.

Bạn đọc sẽ được thấy cuộc sống sinh động trong rừng già, những cuộc tàn sát không thương tiếc trong giới động vật để tranh mồi và chiếm đất.

 

“…Đó là luật của rừng: Thịt kẻ yếu nuôi béo kẻ mạnh.”

 

Bạn sẽ thấy thiên nhiên hoang dã đầy hung hiểm nhưng cũng đầy cuốn hút, những hình ảnh đẹp trữ tình về con người với thiên nhiên.

“…Bên kia tảng đá, mặt suối rộng hơn, nước tràn xuống tạo nên một cái thác nước cao hai mét và một quầng sương mù.

Gia Nhi cởi quần áo ngoài và giày, đôi bàn chân dài mỏng và trắng muốt như chiếc bánh kem đặt trên lớp sỏi, nước sâu đến đầu gối, mấy con tôm trong suốt tụ lại chọc nhẹ vào bắp chân, cảm giác nhồn nhột rất dễ chịu.

Cô lội đến dưới thác để cho nước xối từ trên đầu xuống, có thể là hưng phấn quá hoặc cũng có thể là chiếc quần lót màu sữa mỏng tang dán vào cơ thể như trong suốt gây thêm khó chịu thế là cô cởi phăng hết ra, cô rũ tóc cho nước xối vào mọi chỗ trên cơ thể, quay lưng lại ngọn núi mờ mịt hơi sương và cánh rừng xanh đen, da dẻ cô gái tươi rói như trái đào chín mọng, dòng nước trên thân thể cô gái hòa lẫn dòng thác, trong khoảnh khắc thời gian như chạy ngược, quay trở về vườn địa đàng.

Trên mặt suối xanh ngắt, con hổ vằn đang bơi về phía Gia Nhi, sóng đánh thành vệt lớn cắt ngang dòng nước. Không mảnh vải trên người, cô đứng ngây dại dưới thác nước, theo bản năng hai tay chắp lại ôm lấy cổ nhìn chằm vào con hổ đang bơi lại phía mình, cô đứng như trời trồng, mấy giây bằng cả thế kỷ.

Khi bơi qua chỗ Gia Nhi, con hổ không nhìn cô, nó nhảy lên bờ, rũ lông bụi nước bắn tóe ra như bong bóng rồi thong dong đi vào rừng…”

Đó là con hổ hoang dã, con vật đứng đầu trong mười động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Sự phát hiện nó quan trọng không kém việc bắt được quái vật hồ Nice hoặc dã nhân Thần Nông Giá hay UFO. Con hổ quí giá được phát hiện sau mấy chục năm tưởng đã tuyệt chủng, con hổ mà Quỹ Bảo Hộ Động Vật Hoang Dã Thế Giới (WWF) đang mong chờ trong tuyệt vọng.

Nhóm khảo sát trèo đèo lội suối bao ngày trời để tìm hổ mà không gặp. Họ mệt mỏi, dừng chân bên dòng suối, có người muốn xuống tắm. Một anh chàng cầm máy ảnh len lỏi trong lau lách để chụp trộm cô bạn đồng nghiệp xinh đẹp. Và đúng lúc đó anh ta đụng con hổ, gần như chạm vào nó. Con hổ trong tâm tưởng trong hy vọng của các chuyên gia quốc tế đang đứng lù lù trước mắt!

Con hổ đủng đỉnh lội xuống suối, vị giáo sư già chụp vội được hơn mười kiểu ảnh.

Chỉ mấy phút sau, tin và ảnh đã bay sang Trụ sở WWF tại Thụy Sĩ.

“… Tấm ảnh biết đâu sẽ đoạt giải Pulitzer về ảnh thời sự, trở thành một trong những bức ảnh gây xúc động lớn nhất thế kỷ 21.”

Có thể bạn nghĩ rằng: Đâu chẳng có hổ, nhiều nhất là ở Ấn Độ, ở Việt nam cũng còn không ít và người ta còn săn hổ để lấy da, để nấu cao, lại còn bao nhiêu hổ ở các vườn thú. Tại sao phải “quan trọng hóa” một con hổ đến thế? Một tổ chức quốc tế như WWF cử chuyên gia sang phối hợp với cả bộ máy chính quyền từ trung ương đến một tỉnh của Trung Quốc theo dõi nó và liên tục gửi báo cáo về đại bản doanh ở Thụy Sĩ? Tổ chức tội phạm quốc tế cũng ráo riết hoạt động nhằm vào con hổ đó?  

Đọc xong, bạn sẽ có câu trả lời.

Hà nội 2-2012

Bình luận về bài viết này