VCPMC TRẢ LỜI VÀ LÀN SÓNG TÁC QUYỀN


 

VH- LTS: Sau khi Báo Văn Hóa số 2122 ngày 22.02.2012 đăng bài “Cơ quan quản lý không thu tác quyền thay các đơn vị tư nhân”, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) đã có phản hồi gửi Báo Văn Hóa. Để rộng đường dư luận chúng tôi xin trích đăng những nội dung có liên quan dưới đây.

“1. Về việc thu tiền bản quyền các chương trình vì cống hiến, miễn phí. 

Theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009), Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21.9.2006, Nghị định 85/2011/NĐ-CP ngày 20.9.2011 của Thủ Tướng Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ thì không có quy định nào miễn trừ nghĩa vụ bản quyền tác giả cho các chương trình phục vụ miễn phí. Tác phẩm âm nhạc thuộc tài sản cá nhân, do vậy dù muốn sử dụng vào mục đích gì (bán vé lấy tiền quyên góp từ thiện hay không bán vé) thì theo luật cũng phải xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Việc không thu tiền bản quyền và/hoặc quyên góp tiền bản quyền cho từ thiện cũng phải do chính tác giả thực hiện. Các tổ chức cá nhân không được tự lấy tài sản của các tác giả mang đi làm từ thiện.

2. Thu 4.000.000đ /ca khúc của Chế Linh khi ông chưa phải là thành viên (ý kiến của ông Nông Xuân Ái)

Không thể biến quan hệ dân sự thành quan hệ hành chính
Ngày 22.2 Cục NTBD đã nhận được đơn kiến nghị của VCPMC có chữ ký của gần 40 tác giả là nhạc sĩ, nhà thơ và những người có quyền liên quan đến tác phẩm âm nhạc. Nội dung đơn kiến nghị yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ cấp phép cho các cá nhân, tổ chức biểu diễn cũng như các tổ chức xuất bản băng đĩa đã xin phép và được sự đồng ý của họ đúng như những quy định của luật pháp. Sau khi đã xem xét đơn kiến nghị, ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục NTBD khẳng định: “Cục NTBD luôn ủng hộ việc bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng. Hiện tại, trong dự thảo Nghị định mới về tổ chức biểu diễn nghệ thuật có một nội dung rất quan trọng liên quan đến vấn đề này. Đó là nội dung của Điều 6: Những quy định cấm. Trong đó, chúng tôi đề xuất quy định “cấm vi phạm các quy định của pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan”. Quy định này sẽ hạn chế tối đa các hành vi vi phạm tác quyền trong tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn là chịu trách nhiệm quản lý về nội dung, chất lượng các chương trình nghệ thuật chứ không thể làm thay các chủ thể quyền và biến những quan hệ dân sự trở thành quan hệ hành chính. Vì thế, các chủ thể quyền, các tác giả cần chủ động hơn nữa trong việc yêu cầu các Tổ chức đại diện quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình khi uỷ quyền. Được biết, các Tổ chức đại diện quyền có trích, giữ lại phần trăm phí tác quyền của tác giả. Vì vậy các nhạc sĩ, các chủ sở hữu tác quyền cần phải hiểu rằng khi ủy quyền cho một tổ chức, cá nhân thu tiền tác quyền cho mình, tổ chức, cá nhân đó đã hưởng phần trăm phí thu được trên tác phẩm, họ phải có trách nhiệm bảo vệ các nhạc sĩ, các chủ sở hữu tác quyền chứ không thể yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước làm thay”.

Thứ nhất: Chế Linh đã thông qua con trai mình là Lưu Hoàng Phi (bút danh Lưu Hoàng Lê hay còn gọi là Chế Phi) thực hiện việc ủy thác quyền tác giả nên VCPMC hoàn toàn có quyền để thu, tuy nhiên VCPMC chưa khi nào thu số tiền đó, khi làm việc với nhà tổ chức VCPMC đã loại những bài hát của Chế Linh ra khỏi danh mục thu tiền.

VCPMC cũng không ấn định mức tiền bản quyền/bài hát/chương trình biểu diễn mà nhà tổ chức biểu diễn sẽ trả theo tỷ lệ % doanh thu của buổi diễn dựa trên số vé, giá vé phát hành.

Thứ hai: Người sử dụng có thể thỏa thuận với tác giả hoặc đại diện hợp pháp của họ, nếu thấy không hợp lý có thể không sử dụng, còn nếu đã sử dụng thì phải được sự đồng ý.

3. Bản quyền là quan hệ dân sự, các cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp, không hành chính hóa quan hệ dân sự (ý kiến của ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục NTBD)

Lập luận này đang mâu thuẫn với Luật Xuất bản năm 2004 khi điều 19 quy định “Việc xuất bản tác phẩm, tái bản xuất bản phẩm chỉ được thực hiện sau khi có hợp đồng với tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm theo quy định của pháp luật”. Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng được ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 6.11.2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định tại mục a khoản 3 điều 5 rằng tổ chức, cá nhân khi làm thủ tục xin cấp phép lưu hành băng đĩa nhạc phải cung cấp “Giấy tờ chứng minh chủ sở hữu bản quyền sản phẩm”.

5. VCPMC đang khai thác tùy tiện (ý kiến của nhạc sĩ Quốc Trung)

Khai thác hay thu tiền bản quyền cũng chỉ là một động thái. Ngay tại hợp đồng ủy quyền mà tác giả ký với VCPMC cũng đã ghi rất rõ là nhằm “Quản lý và khai thác quyền tác giả âm nhạc”. Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng VCPMC tùy tiện ký hợp đồng với các nhà mạng để thu tiền bản quyền… điều này cũng không đúng vì trong hợp đồng ủy quyền các tác giả đã ủy quyền cho VCPMC thực hiện việc đó.

6. VCPMC thu 2 – 4 triệu đồng/bài, trả 300.000đ (ý kiến của nhạc sĩ Phú Quang)

Trước hết xin khẳng định đây là ý kiến của nhạc sĩ Phú Quang.

Về việc ông nói chương trình biểu diễn tại Hải Phòng họ trả ông 20 triệu đồng, nhưng VCPMC chỉ trả ông 10 triệu đồng: Ý kiến này của NS Phú Quang đã được VCPMC giải thích cặn kẽ ngay khi nhận tiền bản quyền, ông đã vui vẻ ký nhận và bức xức với chế độ thuế của Nhà nước.

7. Làm sao để chia hết 41 tỷ tiền bản quyền năm 2011.

Năm 2011 theo thống kê tại sổ kế toán của VCPMC số tác giả nhận được số tiền bản quyền trên 100 triệu đồng là 40 tác giả, trong đó có 05 tác giả nhận trên 200 triệu đến trên 300 triệu đồng như nhạc sĩ TCS, NHT, VĐHA, MK, NVC.

Ngoài việc chi trả cho các tác giả trong nước, VCPMC còn chi trả cho các tác giả của 42 tổ chức tương ứng trên thế giới mà VCPMC đã ký ủy thác song phương. Số tiền bản quyền cho các tác  giả quốc tế chiếm 20% của tổng doanh thu.

Ca sĩ Thái Thùy Linh khẳng định: VCPMC không bảo vệ đến cùng quyền lợi của cô xung quanh CD “Bộ đội” và đồng tình với ý kiến của nhạc sĩ Quốc Trung: Đây là Trung tâm khai thác chứ chưa hẳn là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN

8. VCPMC không trả tiền bản quyền cho các tác giả thơ

VCPMC đã và đang chi trả và tìm tác giả thơ để chi trả tiền bản quyền. Tuy nhiên nhiều tác giả thơ đã mất hoặc không có địa chỉ VCPMC đã phải đăng thông báo trên nhiều báo và tại website của VCPMC.VCPMC khẳng định không có việc quỵt tiền bản quyền của tác giả thơ như nhạc sĩ Phú Quang đã phát biểu.

9. Công tác thu chi của VCPMC

Công tác tài chính của VCPMC luôn được kiểm toán bởi Công ty kiểm toán của Anh quốc là Grant Thornton (Grant Thornton Việt Nam có địa chỉ tại tầng 8 tòa nhà Vinaplast – Tài Tâm số 39 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hiện nay nhóm kiểm toán gồm 4 người của Grant Thornton đang thực hiện việc kiểm toán sổ sách năm 2011 của VCPMC).

Hằng năm VCPMC thực hiện chế độ báo cáo hoạt động với cơ quan chủ quản là Hội Nhạc sĩ, Bộ VHTTDL, Cục Bản quyền, Liên minh Hiệp hội các tổ chức bản quyền nhạc và lời quốc tế CISAC. Thực hiện chế độ báo cáo thuế, báo cáo tài chính theo quy định pháp luật hiện hành.

VCPMC nên rạch ròi chuyện thu, chi

 “Đây chỉ là đơn vị tư nhân, phương thức hoạt động chưa rõ ràng”

VCPMC đề nghị tôi kí hợp đồng ủy thác quyền nhưng tôi chưa đồng ý. Bởi đây chỉ là một đơn vị tư nhân, phương thức hoạt động chưa rõ ràng, họ không đại diện cho cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ quyền của tác giả. Hơn nữa, vẫn còn nhiều điều nghi vấn, khúc mắc từ các nhạc sĩ đối với việc chi trả của VCPMC. Với một nhạc sĩ có nhiều bài hát được sử dụng thì số tiền tác quyền chỉ 40-50 triệu/năm là quá ít. Nhạc sĩ đâu phải là nhà kinh doanh hay làm kinh tế. VCPMC chi trả bao nhiêu thì chỉ biết nhận bấy nhiêu. Tôi nghĩ rằng, đã là nhà kinh doanh thì phải có sự rạch ròi, VCPMC đã đứng ra đại diện cho các nhạc sĩ để thu tác quyền thì cũng cần phải có sự minh bạch. Đằng này, nhạc sĩ chỉ biết kí và nhận tiền. Còn những khoản khác thì bó tay, vì chả bao giờ VCPMC công khai những bản chi thu mà họ đã thực hiện. Nhiều nhạc sĩ rất băn khoăn về vấn đề này, chúng tôi cần có sự rạch ròi trong việc đã thu tác quyền ở những đâu. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà nó còn là sự thôi thúc, động lực để nhạc sĩ có thêm sáng tạo. Tôi nghĩ nhất thiết nên có một Trung tâm tác quyền của nhà nước tham gia vào lĩnh vực này. Hằng năm bộ phận kiểm toán tiến hành một cách minh bạch thì việc trích 10 thậm chí 40 % chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng nếu đảm bảo tính công bằng, thống nhất trong việc chi thu”. (Nhạc sĩ Lã Văn Cường)

Việc VCPMC tự đặt giá tác quyền cao buộc các đơn vị tổ chức phải thỏa thuận trực tiếp với các nhạc sĩ

“Nhà hát Ca múa nhạc VN và nhiều đơn vị nghệ thuật làm ăn nghiêm túc không hề trốn tác quyền như cáo buộc của VCPMC. Việc VCPMC tự đặt giá “trên trời”, bất chấp hoạt động thực tế của các đơn vị nghệ thuật đã khiến chúng tôi phải thỏa thuận trực tiếp với các nhạc sĩ.

Đơn cử như trường hợp các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được trả tác quyền cho bà Trịnh Vĩnh Trinh, hay ca khúc Đường cong sử dụng trong chương trình Hoa cúc vàng tháng 3 tới đây tại Nhà hát Lớn đã được nhạc sĩ Hải Phong đồng ý với mức giá 500.000đ x 3 đêm diễn.

Trong khi đó, VCPMC đòi giá cao ngất ngưởng, thấp nhất cũng khoảng 700.000đ/ ca khúc, còn trung bình là 1.000.000đ – 2.000.000đ/ ca khúc, cao nhất đã lên đến 4.000.000đ. Một giao dịch dân sự có tính thỏa thuận theo luật định mà người thu tác quyền không cho phép người sử dụng nhạc được thỏa thuận, việc làm có tính áp đặt, ép buộc như vậy khiến các đơn vị nghệ thuật vô cùng bức xúc.

Mặt khác, tuy thu tác quyền giá cao nhưng VCPMC lại trả cho các nhạc sĩ rất thấp, cao nhất cũng chỉ 300.000đ/ ca khúc. Nếu các đơn vị sử dụng nhạc trả tác quyền cho nhạc sĩ theo chương trình, nói nôm na là “tiền tươi, thóc thật”, không bị trừ phí và trả ngay lập tức thì VCPMC lại “om” tiền của các tác giả từ 3 – 6 tháng (?).

Cũng có nhiều thông tin cho rằng lương của người đứng đầu VCPMC – nhạc sĩ Phó Đức Phương lên đến 45.000.000đ/ tháng (?). Nếu đúng thế thì đúng là “giật mình”. Bởi một người lăn lộn với nghệ thuật 46 năm như tôi, là giám đốc Nhà hát, đang ở bậc cuối của ngạch đạo diễn chính vậy mà lương cũng chỉ chưa đến 7 triệu.

Chính vì thế nhiều nhạc sĩ rất bức xúc, đặc biệt là các nhạc sĩ trẻ có tác phẩm được sử dụng với tần suất cao. Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, VCPMC đã thuê Công ty kiểm toán Grant Thornton kiểm toán sổ sách hằng năm nhưng trước những bức xúc của chính những người đã ủy thác quyền cho VCPMC, thiết nghĩ kiểm toán nhà nước cần vào cuộc”. (NSND Trần Bình)

“Nhạc sĩ Quốc Trung chính xác khi nói VCPMC là trung tâm khai thác…” 

Ngay sau khi CD Bộ đội bị nhiều trang web vi phạm bản quyền, tôi đã tìm đến Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) ủy thác quyền xử lý, đòi bồi thường thiệt hại… VCPMC đã thụ lý hồ sơ, giúp tôi thu thập chứng cứ, gửi công văn đến các đơn vị vi phạm bản quyền. VCPMC khẳng định có căn cứ xác định việc vi phạm bản quyền CD Bộ đội… Nhưng 6 tháng qua vụ việc vẫn chỉ mới dừng lại ở tiến trình công văn đi, công văn lại. Thú thật, tôi tin tưởng vào VCPMC nhưng VCPMC không bảo vệ được đến cùng quyền lợi của tôi xung quanh CD Bộ đội. Trước thái độ chây ì, muốn lờ đi cho qua chuyện của các đơn vị vi phạm bản quyền thì dường như VCPMC cũng dần đầu hàng, thiếu quyết tâm theo đuổi vụ việc. Tôi thấy nhạc sĩ Quốc Trung chính xác khi nhìn nhận đây là Trung tâm khai thác chứ chưa hẳn là Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN. Đã bảo vệ là bảo vệ đến cùng và phải bảo vệ được quyền lợi của những người đã ủy thác quyền lợi của họ cho Trung tâm. Có lẽ sắp tới tôi phải thuê luật sư để khởi kiện vụ việc cho đến nơi đến chốn. (Ca sĩ Thái Thùy Linh)

Chúng tôi chỉ biết những khoản VCPMC ấn định trả

Đối với nhạc sĩ mà nói việc có trung tâm đứng ra thu tác quyền là việc rất tốt. Tuy nhiên, việc chi, thu tiền tác quyền giữa VCPMC với các đơn vị sử dụng và nhạc sĩ như thế nào vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn. Chúng tôi chỉ biết đến kí nhận số tiền mà trung tâm ấn định, còn các khoản khác không thể nắm hết được. (Nhạc sĩ Sỹ Luân)

Nên rạch ròi chuyện thu, chi với những người đã ủy thác quyền

Nói ra thì có vẻ hơi mất lòng, nhưng nếu đã là nhà kinh doanh thì những khoản chi thu phải thật minh bạch, rõ ràng. Họ tiến hành thu ở đâu, bao nhiêu phải cụ thể. Từ trước đến nay, chúng tôi không nắm được những việc thu cũng như chi của VCPMC như thế nào. Khi đến kí nhận, tôi có hỏi chi khoản gì, thu ra sao họ có nói đâu. Chúng tôi rất cần được xem bảng chi tiết về việc chi thu thế nào chứ. Bởi vì, nếu thu ở các quán karaoke, đơn vị biểu diễn, đơn vị sản xuất thì đã rạch ròi ra đấy. Không riêng tôi, mà còn rất nhiều anh chị em nghệ sĩ cũng có những khúc mắc khó giãi bày. Nhất là khoản thuế thu nhập, bảo là đã trừ rồi nhưng lại không hề thấy họ xuất hoá đơn, hay giấy chứng nhận gì cả. Chúng tôi là nhạc sĩ khi làm ra những tác phẩm có trung tâm tác quyền thu giùm là điều rất tốt. Nhưng khi chi trả cho nhạc sĩ thì VCPMC cũng nên rạch ròi khoản nào ra khoản đấy (Nhạc sĩ Quốc Nguyên)

Một bình luận

  1. Nhạc sỹ Nhà nước, Dân đóng thuế trả lương, cấp nhà, bồi dưỡng đi trại sáng tác, tem phiếu cao, vợ cũng do dân đóng thuế cưới cho, bệnh đi bệnh viện khỏi đóng tiền, có lế tết là ngồi mâm nhất…. giờ sao nói chuyện tác quyên hoài

Bình luận về bài viết này