SỬ HỌC VÀ HỌC SỬ


 VĂN CẦM HẢI

Nhà thơ Văn Cầm Hải (giữa), Tây Tạng.

Nhân đọc bài Đim Thi Môn S Thp Không Ng trên báo Tuổi Trẻ, tôi không bất ngờ về thực trạng có trên 90% bài thi môn sử dưới điểm mức trung bình trong kỳ thi tuyển đại học năm nay.[1] Người ta lý giải rằng, vì môn sử khó học do phải nhớ nhiều sự kiện, mốc thời gian hoặc khi không công bố là môn thi tốt nghiệp thì việc học lẫn dạy bị xem nhẹ. Theo tôi, điều này chỉ đúng một phần.

Nhớ lại thời kỳ học sinh, dù là người yêu thích các môn học khoa học xã hội, nhưng tôi cũng ngán học môn sử bởi cách thức học và dạy thô cứng. Sử học, như muôn đời qui luật hấp dẫn của nó là luôn chứa đựng sự bí ẩn để nó không ngừng được khám và đồng hành cùng thời đại. Tuy nhiên, môn sử mà tôi học dường như chẳng có gì mới, chẳng có gì gọi khám phá vì tất cả đều có sẵn một công thức: ta thng đch thua. Trong lớp học không có sự phản biện, nhất loạt đều nói và nghe một chiều nhàm chán. Phản biện ư? Không khéo lại bị quy chụp là phản động hoặc bôi nhọ dân tộc, nghi ngờ sự lãnh đạo tài tình của Đảng. Có lần, tôi hỏi một thầy giáo dạy sử, tại sao ta luôn thắng mà cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ phải kéo dài đến mấy mươi năm máu lửa? Sao các lãnh tụ của ta, cũng là người như bao nhiêu lãnh tụ có sai có đúng trên thế giới, nhưng luôn luôn sáng suốt, không bao giờ mắc sai lầm? Không lẽ, lãnh đạo của ta là các bậc thánh? Chúng ta học sử để thấu hiểu những thăng trầm của dân tộc, lĩnh hội những kinh nghiệm bao hàm cả kinh nghiệm thành công lẫn thất bại. Thầy nghiêm giọng bảo tôi đừng lặp lại câu hỏi đó, nếu không cả thầy lẫn trò đều có nguy cơ rời trường ra đường! Học sử, dạy sử mà sợ sự thật lịch sử đến như vậy, thử hỏi làm sao học sinh và giáo viên có được niềm đam mê đích thực với một trong những môn học quan trọng nhất của nhân loại.

Khác với cách dạy và học sử ở Việt Nam, tôi bất ngờ về cách thức giảng dạy lịch sử rất linh hoạt và hấp dẫn ở Mỹ. Có lần tôi thấy cậu con trai mới học lớp 5 say sưa trên máy tính mãi đến khuya quên cả ngủ. Hỏi ra mới biết là cu cậu đang “nghiên cứu” chiến tranh lạnh và hậu quả của nó! Tôi choáng người khi đọc những câu hỏi về các sự kiện và nhận định cơ bản, quan điểm khác biệt chủ yếu giữa các nước cộng sản và không cộng sản. Con tôi giải thích đó là một dự án nghiên cứu-bài tập cô giáo đặt ra cho học sinh. Tôi bảo con có hiểu gì đâu mà cô giáo bảo nghiên cứu. Cậu con trai tôi liền cho tôi một bài học: Sao cái gì ba cũng bắt phải hiểu mà không hỏi có thích thú hay không, nếu không thích làm sao hiểu được! Chương trình lớp 5, lịch sử được xếp vào bộ môn khoa học xã hội là một một trong các môn học cả lớp thích nhất vì cả lớp được xem phim tài liệu, hình ảnh và các bạn  thuyết trình từng chủ đề rất sôi động.  Đặc biệt cô giáo rất khuyến khích bạn nào đưa ra những câu hỏi hay ý tưởng mới, đi ngược lại với những điều trên phim hay trong sách đã viết. Tôi có dự thính một lớp học về chiến tranh Việt Nam của ông giáo sư từng là cựu binh Mỹ ở Playcu năm 1971 và rất lấy làm hứng khởi bởi cách dạy và học sinh động như là một cuộc du ngoạn vào quá khứ hơn đang ngồi bó cứng trong giảng đường chứa đến hàng trăm sinh viên trong và ngoài khoa sử dự học. Tất cả các bài giảng đều có trích đoạn những thước phim tài liệu, phim truyện, âm nhạc phản chiến minh họa cực kỳ sinh động. Một tiết học hơn một tiếng rưỡi nhưng giáo sư chỉ giảng bài chừng 20 đến 30 phút, phần còn lại là xem sử liệu minh họa và tranh luận, thuyết trình theo nhóm về các chủ đề. Nội dung giáo trình do giáo sư tự biên soạn rất phong phú, không bị ràng buộc theo công thức“ta thắng địch thua” nên những cái được cái mất của chính phủ Mỹ, sự thất bại cay đắng của quân đội Mỹ, tinh thần chiến đấu của người lính cộng sản ví như bác sỹ Đặng Thùy Trâm trong cuốn nhật ký chiến trường của cô hay Ni Bun Chiến Tranh của Bảo Ninh đều được khảo xét kỹ càng.

Sử học và học sử ở Mỹ, không chỉ đắm chìm vào quá khứ mà còn nghiên cứu những vấn đề sử học đương đại, cập nhật với đời sống đang diễn ra trên thế giới. Trong khi cuộc chiến Iraq hay Afghanistan đang diễn ra nóng bỏng thì ở Mỹ, không ít công trình nghiên cứu liên quan đến những trận chiến này đã xuất hiện kịp thời, giúp cho việc giảng dạy và học sử về chiến tranh hiện đại trong nhà trường có được cái nhìn cận cảnh và nóng hổi của thời đại. Sử học, có thể không phải là một trong những chuyên ngành lựa chọn hàng đầu của sinh viên nhưng thực sự nó không phải là môn học buồn tẻ ở các cấp học nhờ vào phương pháp truyền thụ và lĩnh hội sinh động như vậy.

Nhìn lại bối cảnh dạy và học sử ở Việt Nam, lòng dân không quên nhưng các sự kiện lịch sử đương đại quan trọng của đất nước lại bị lờ đi. Tại sao trận hải chiến Hoàng Sa 1974, chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, hải chiến Trường Sa 1988 với những tài liệu và nhân chứng sống là điều kiện thuận lợi giúp các nhà nghiên cứu một cách công phu và chân thực. vắng bóng trong các chương trình giảng dạy? Khi lịch sử được dựng lên bởi sự không minh bạch sẽ để lại những di họa khôn lường.  Giả dối và bóp mép lịch sử không chỉ làm cho một dân tộc bị khủng khoảng niềm tin mà còn gây ra lòng căm thù, không có sự cảm thông giữa các dân tộc mỗi khi sự giả dối bị bóc trần. Lâu nay chúng ta thường cho rằng thái độ thù ghét của người dân các nước Đông Âu đối với Liên Xô và chế độ cộng sản từng được ngơi ca trên chính quê hương của họ là quá thái, thậm chí bị xem là “bắn đại bác vào quá khứ”. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết rằng chỉ ngay sau khi đánh bại chủ nghĩa phát xít Đức, hồng quân Liên Xô tái hiện hình ảnh tàn bạo của kẻ thù mà họ vừa đánh bại- đơn cử, tại Đông Đức từ 1945-1947, ngoài việc người dân bị chiếm đoạt tài sản, hồng quân Liên Xô đã hãm hiếp khoảng 2 triệu phụ nữ [2]-chúng ta sẽ dễ dàng nhận biết một trong những lý do tại sao Liên Xô sụo đổ, tại sao người cộng sản bị thù ghét ở Đông Âu đến như vậy.

Lịch sử của đất nước, dù có đau thương hay tủi nhục biết bao cũng cần phải học, huống hồ một đất nước có truyền thống lịch sử đáng tự hào như Việt nam. Nhưng tại sao, môn sử trở nên một môn học miễn cưỡng? Đành rằng giữa Mỹ và Việt Nam có nhiều điều khác biệt, nhưng chúng ta không thể vin vào nhiều lý do, chẳng hạn như khác biệt về cấu trúc chính trị xã hội để giải thích cho sự khác biệt về mặt truyền bá kiến thức. Lịch sử hay bất kỳ ngành khoa học nào cũng hướng đến một chân lý tối thượng: khám phá và phản ánh sự thật.

Nghiên cứu sử học là một con đường tìm thấy tương lai từ quá khứ! Đã đến lúc, sử học cũng cần có một chính sách “cởi trói” như văn học dưới thời tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Khởi sự cho chính sách này, trước hết chính phủ cần phải đuổi việc những ông quan vô trách nhiệm, vô cảm như ông bộ trưởng bộ giáo dục khi thớ lợ tuyên bố việc hàng ngàn thí sinh bị điểm O môn sử là chuyện bình thường. Nếu không chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy một tương lai tươi sáng từ quá khứ giàu có nhưng bị dạy, học và lãnh đạo rất nghèo nàn.

26.7.2011.VCH


[1] Minh Giảng, “Điểm Thi Môn Sử Thấp Không Ngờ,” http://tuoitre.vn/Tuyensinh/Tuyen-sinh/448241/Diem-thi-mon-su-thap-khong-ngo.htm.

[2] John Lewis Gaddis, the Cold War: A New History (Penguin Book, 2005), 24.

17 bình luận

  1. Bài viết tốt. Rất có trách nhiệm. Ông Luận, bộ trưởng giáo dục nên đọc và nghẫm cho kỹ, đừng ăn nói hồ đồ.

    • Dất trí với bác Ngô Minh, xin thêm là cả Nguyễn thiện Nhân, Đinh thế Huynh cũng nên đọc kỹ. Ai lại nói lịch sử nước ta chưa từng có đa đảng nhỉ ?
      các vị là chóp bu mà nói bậy thì chính trị hóa sử học, chính trị hóa giáo dục để mần cái chi ?

    • Thay đổi cách dạy và nghiên cứu lịch sử thì tầm ông Luận có muốn cũng không đủ. Ít ra mấy ông ban tuyên giáo TW may ra…

  2. Xưa nay cứ có việc gì khó người ta cứ đổ thừa cho dân trí thấp, rồi là do ” lịch sử để lại “…vv
    Nay ông quan đứng đầu Bộ giáo dục và đào tạo đã phát biểu như vậy thì dân chúng đã hiểu rõ vì sao nền giáo dục VN be bét đến vậy và ” quan trí ” của ông cao đến cỡ nào!
    Không hiểu ” quan trí ” của ông Luận có phải do ” lịch sử để lại ” không???!!!

  3. Sử học, cốt lổi của nó đã là sự kiện, sự việc mang tính hình tượng, cảm xúc khơi gợi biểu tượng và hình ảnh. Chất sư phạm cho môn học này rất cần sự truyền đạt khác với những môn khác.
    Trong mõi con người căn cơ của Dân Tộc đã có sẳn, sự có sẳn đó bắt nguồn từ gia tộc của mõi người. Sư phạm sử học phải thấy rõ điều đó để khơi gợi trong tiềm thức họ mới có thể truyền đạt được. Bản lĩnh của nhà sư phạm về lịch sữ là tạo ra được cái không gian, không khí hào hùng hay bi kịch của Dân Tộc như chỉ mới ngày hôm qua thôi và như thế sẽ gợi mở trong mõi người một sự hình dung, hình tượng, không khí của lịch sữ theo cách của họ, sự truyền đạt đó mới hấp dẫn người nghe.
    Bản thân nhà sư phạm về sử hảy nghĩ rằng anh đang truyền đạt kiến thức, sự nhìn nhận tôn vinh tổ tiên, cha ông như đang cho thấy lại, khơi gợi lại cảm xúc của gia tộc chung, từ đó sẽ đi vào tâm hồn sẽ tự họ đánh thức lòng tự hào dân tộc tiềm ẩn trong con người mình.
    Học lịch sử là môn học hấp dẫn nếu các nhà sư phạm tạo được không khí học tập, kích thích hình ảnh bằng lời cho người được truyền đạt.
    Đó mới là nghệ thuật sư phạm về lịch sử.

  4. Ngài Bộ Trưởng Giáo Dục là hình ảnh và hậu quả nhỡn tiền , thậm chí còn lâu dài… của cái chính sách giáo dục 1 thời :
    ” Con bò đưa sang LX cũng thành tiến sĩ “

  5. 1/ Lỗi đầu tiên là của các đồng chí làm công tác nghiên cứu lịch sử, không phải là nhà sử học, vì họ đã viết sử theo ý thức hệ, chính trị hoá lịch sử. Bằng chứng là Trẻ em nói: học sử thì trong các trận đánh, ta luôn yếu, địch thì mạnh, nhưng kết cục ta thắng địch thua; địch thua có số chết, số bị thương, số bị bắt hẳn hoi, còn ta thì không chết ai. Nhưng khi đi thăm các nghĩa trang liệt sĩ thì bạt ngàn là bia mộ. Vậy những bia mộ ấy không phải là lịch sử sao? Học sử mà như vậy học trò chán là phải. Lịch sử là quá khứ, nhưng cái vừa mới hôm qua trong thực tế còn sinh động nhãn tiền, sờ sờ ra đấy đã chứa đựng những điều không đúng với sách sử thì làm sao thuyết phục được ai, chứ đừng nói đến hứng thú hay đòi hỏi sự yêu thích. 2/ Trong 1 bài gần đây, 1 GS sử học nói là sử ta nặng về sử đảng cũng là 1 nguyên nhân nữa. Tại sao lịch sử đảng chỉ mấy chục năm lại viết nhiều hơn lịch sử dân tộc mấy nghìn năm? 3/ Cho nên, cần đổi mới cách viết sử theo hướng tôn trọng hiện thực lịch sử (người ta có thể bóp méo, xuyên tạc lịch sử nhưng xuyên tạc được hiện thực); và đổi mới phương pháp dạy sử bằng cách nghệ thuật hoá môn lịch sử theo cách của người Trung Quốc. Tức là văn học hoá, điện ảnh hoá… lịc sử. Lịch sử qua nghệ thuật sẽ dễ nhớ, dễ gây được hứng thú và chất lượng sẽ cao hơn. Một phần trong các giờ học lịch sử nên thay vì chỉ nghe rao giảng và ghi chép thì cho học sinh xem phim, xem triển lãm, bảo tàng; thi vẽ tranh, chụp ảnh về lịch sử qua các chuyến đi thực tế đến những địa danh lịch sử….có kế hoạch cho từng lớp, từng cấp để tránh chồng lấp, trùng lặp… Một buổi học nghe thuyết minh ở bến Bạch Đằng sẽ sinh động, hấp dẫn và được ghi nhớ tốt hơn là ngồi nghe nhồi nhét tràng giang về những chiến công hiển hách, huy hoàng trên bục giảng.

  6. Nội dung bạn viết rất công phu và xác đáng, tôi rất tán thành mọi ý kiến của bạn.
    Nhưng ước muốn của bạn ở đoạn kết là “bất khả thi” . Theo tôi thì không chỉ đuổi cổ tên BT bất tài vô tướng PVL kia mà nhân dân ( chứ không phải CP ) cần cách chức nhiều tên khác nữa bạn ạ. Bạn đã từng nghe PTT. NSH tuyên bố rồi chứ nhỉ ?
    Giáo viên THPT cũng chỉ là một công chức quèn, làm công ăn lương vậy thôi. Thay vì làm việc trong một nhà máy, xí nghiệp, họ làm việc trong nhà trường XHCN, từ lâu CP cũng đã xem như một ” nhà máy sản xuất con người”. Đọc và chép và trả bài mà không cần có suy luận gì gì cả ( đôi khi suy luận trái với SGK còn phải làm việc với CA văn hóa đấy chứ, cả thầy lẫn trò ! ). Cứ đúng như SGK là có điểm thôi. Mà học thuộc lòng làm sao nổi cả một quyển sách dày cộp ( suy cho cùng, HS nào được điểm cao môn Sử, cũng tội nghiệp cho cái não vô cùng mệt mỏi của nó. Mà lại chỉ chứa toàn cái thứ ” Ta thắng tuyệt đối, còn địch thì thất bại liên hồi !! ).
    Các môn xã hội trong đó có Văn lẫn Sử ( kể cả Địa, GDCD…), từ Ban Giám hiệu đến HS, rồi cha mẹ HS đã xem là môn chẳng đáng học từ sau thời kì đổi mới đến nay. Các môn tự nhiên và tiếng Anh càng ngày càng lên ngôi và chiếm ưu thế tuyệt đối. Môn văn, HS còn quan tâm chút ít vì năm nàm cũng có thi, nhưng HS đã ngán tới óc ( kết quả thi ĐH khối C năm nay thế nào, dư luận đã biết cả rồi ! ).
    Còn môn Sử thì, ô hô ! Năm nào không thi tốt nghiệp là HS tung hê tất cả. Mà hễ nghe có thi là HS bị choáng nặng.Vì vậy mà GV cũng nhân đấy “ra đòn”: Học tuốt luốt các em yêu quý ! ( phần nào Bộ thương tình hạn chế thì bỏ, đương nhiên ).
    Bạn có biết, GV Văn, Sử ( và cả các môn xã hội khác ) thường mang mặc cảm nặng nề không ?( và cả tự ái nữa ) vì môn của mình dạy bị ” HS thân yêu” coi thường. Học sinh cảm thấy học các môn nầy như một sự cưỡng bức vậy ! Mà cho các em nhiều điểm yếu ư ? Chớ dạy!
    Nhưng có một sự thật ( sự thật cay đắng, sự thật não lòng, sự thật dối trá), gần như năm nào điểm thi tốt nghiệp của môn Văn và môn Sử ( nếu có thi môn Sử ) cũng cao ngất ngưỡng ( thường là trên 80 cho đến trên 95% điểm trung bình trở lên). Nói không ngoa chút nào, chính môn Văn và Sử đã cứu tỉ lệ tốt nghiệp chung cho các môn tự nhiên khác. Ở các môn tự nhiên: 2+2 = 4, còn ở các môn Văn, Sử :2+2 = bao nhiêu tùy bạn !!!!
    Còn nhiều sự thật khác nữa không thể chứa hết trong một phản hồi.
    Cảm ơn bạn đã có bài viết hay ( và đã đọc bài viết về TQ rất hay của bạn trên boxitvn ).

  7. 1/ Lỗi đầu tiên là của các đồng chí làm công tác nghiên cứu lịch sử, không phải là nhà sử học, vì họ đã viết sử theo ý thức hệ, chính trị hoá lịch sử. Bằng chứng là Trẻ em nói: học sử thì trong các trận đánh, ta luôn yếu, địch thì mạnh, nhưng kết cục ta thắng địch thua; địch thua có số chết, số bị thương, số bị bắt hẳn hoi, còn ta thì không chết ai. Nhưng khi đi thăm các nghĩa trang liệt sĩ thì bạt ngàn là bia mộ. Vậy những bia mộ ấy không phải là lịch sử sao? Học sử mà như vậy học trò chán là phải. Lịch sử là quá khứ, nhưng cái vừa mới hôm qua trong thực tế hôm nay còn sinh động nhãn tiền, sờ sờ ra đấy đã chứa đựng những điều không đúng với sách sử thì làm sao thuyết phục được đám học trò kia, chứ đừng nói đến hứng thú hay đòi hỏi sự yêu thích.
    2/ Trong 1 bài gần đây, 1 GS sử học nói là sử ta nặng về sử đảng cũng là 1 nguyên nhân nữa. Tại sao lịch sử đảng chỉ mấy chục năm lại viết nhiều hơn lịch sử dân tộc mấy nghìn năm?
    3/ Cho nên, cần đổi mới cách viết sử theo hướng tôn trọng hiện thực lịch sử (người ta có thể bóp méo, xuyên tạc lịch sử nhưng xuyên tạc được hiện thực); và đổi mới phương pháp dạy sử bằng cách nghệ thuật hoá môn lịch sử theo cách của người Trung Quốc. Tức là văn học hoá, điện ảnh hoá… lịc sử. Lịch sử qua nghệ thuật sẽ dễ nhớ, dễ gây được hứng thú và chất lượng sẽ cao hơn. Một phần trong các giờ học lịch sử nên thay vì chỉ nghe rao giảng và ghi chép thì cho học sinh xem phim, xem triển lãm, bảo tàng; thi vẽ tranh, chụp ảnh về lịch sử qua các chuyến đi thực tế đến những địa danh lịch sử….có kế hoạch cho từng lớp, từng cấp để tránh chồng lấp, trùng lặp… Một buổi học nghe thuyết minh ở bến Bạch Đằng sẽ sinh động, hấp dẫn và được ghi nhớ tốt hơn nghe nhồi nhét tràng giang về những chiến công hiển hách, huy hoàng trên bục giảng.

  8. “Lịch sử hay bất kỳ ngành khoa học nào cũng hướng đến một chân lý tối thượng: khám phá và phản ánh sự thật”- Quả đúng là ngôn ngữ rất triết học của Văn Cầm Hải. Lâu lâu đọc được bài của chú như thể được nhậu một bữa hải sâm vậy! he he

  9. Dan ta ko biet su ta. Co le day la cach tiep can cua mot nen giao duc xo viet truoc day. Chung quy lai ho muon bien mot lop nguoi thuan chung giong nhu nhung con roi hoan toan phi ca tinh.

  10. Nè , tôi được tin bộ GD sắp cải cách thi cử :
    -Ngành Y sẽ thi đạo đức ,thi viết chữ đẹp ,thi sinh vật (trong đó đạo đức hệ số 2 ,viết chữ đẹp 1,5 )
    -Sư phạm Sử và các khoa Sử của các trường sẽ thi noí thật ,viết đúng ;thi tư duy hoài nghi ; thi lịch sử (2 môn đầu đều hệ sồ 2)
    -Riêng các trường Luật thí sinh Quảng Nam được cộng thêm điểm.

  11. trên 90% bài thi môn sử dưới điểm mức trung bình trong kỳ thi tuyển đại học năm nay thì bộ trưởng giáo dục và đào tạo nếu cps chút liêm sỉ nên từ chức vì quá nhục nhã và vô trách nhiệm với tương lai đát nước

  12. ngày xua TU MA THIEN bi thien cung khong viet su sai. Ngay nay cac chau da thay cac bac cu giang su sai voi su that nen cac chau phan ung la khong hoc su bi xuyen tac. Vi the moi co nhieu diem o ve su? Phai vay khong BAN TUYEN GIAO TƯ?

  13. Rất khó để tìm lý do và quy trách nhiệm về kết quả thi ĐH môn sử. Từ mấy năm trước đã xãy ra rồi, bây giờ còn tệ hơn nhiều! Người viết sách GK theo chỉ đạo của ban VHTTTW, ban này tùy theo mỗi nhiệm kỳ BCT hoặc BCHTW đảng vậy nên chung quanh cái luận cương chính trị 1930(TP) và luận cương CMTSDQ (NAQ)mà SGK cũ mới khác nhau do việc vai trò NAQ và TP khác nhau, vậy thì giáo viên dạy thế nào? Học sinh 12 năm sách cũ nghe khác, lưu ban học sách mới nghe khác và chính thày nó cũng không biết đúng sai thì làm sao bảo học trò tin được?
    Chương trình hai năm cuối cấp là đảng sử hơn là quốc sử, sử thế giới cũng chỉ là thắng lợi của LX và phe XHCN, khi khối CS sụp đổ thì cắt xén, vá víu và làm sao mà học sinh tin được “CNTB là đêm trước của CM vô sản”. Láo tóet đến thế là cùng!

  14. Có mấy lý do để chất lượng môn lịch sử ở trường phổ thông không cao:
    1. Nội dung chương trình quá nặng những nhận định đánh giá theo tư tưởng chính thống bắt học sinh phải học phải nhớ. Học sinh không có quyền của mình trong môn học lịch sử;
    2. Các sự kiện lịch sử được chọn lọc nhằm phục vụ cho mục đích chính trị nên các sự kiện đưa ra thiên lệch thiếu minh bạch;
    3.Phương pháp dạy học môn lịch sử quá lỗi thời chủ yếu vẫn đọc chép, chương trình ngoại khóa chưa có hoặc có cũng không đáng kể;
    4.Điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ dạy môn lịch sử quá yếu kém;
    5. Môn lịch sử chưa được coi trọng đúng mức, thời lượng trong chương trình chưa đáp ứng yêu cầu nội dung chương trình;Quan niêm xã hội cũng như trường học coi thường, cho là môn phụ mặc dầu vẫn được thi đại học và tốt nghiệp

Bình luận về bài viết này