NHỮNG SUY TƯỞNG KHÔNG HỢP THỜI


Văn hào Nga Maxim Gorky

Văn hào Nga Maxim Gorky

“Những suy tưởng không hợp thời” là một tác phẩm vô cùng quan trọng của Maxim Gorky: cho dù văn hào luôn được ca tụng và tôn vinh như người đứng đầu nền văn hóa vô sản Xô-viết, nhưng cuốn sách vẫn bị liệt vào hàng “cấm kỵ” ở Liên Xô trong thời gian rất dài. Những ai quan tâm đến lịch sử, đặc biệt là lịch sử cuộc cách mạng Nga, có thể tham khảo. Đọc tác phẩm này của Gorky, có thể thấy được rõ ràng cốt lõi của thể chế bôn-sê-vích và hiểu thêm được, tại sao nó ắt phải cáo chung, mà thực ra không cần đến sự can thiệp của “các thế lực thù địch”. 

Cùng hồi ký “Những ngày đáng nguyền rủa” của Ivan Bunin (1870-1953) và “Tận thế của thời đại chúng ta” của Vasily Rozanov (1879-1919), “Những suy tưởng không hợp thời” được coi là những trang viết kinh điển về Cách mạng Tháng Mười, cũng như về nước Nga, tâm thức Nga sau biến cố 1917.

Cả ba tác phẩm lớn này đều chỉ được ra mắt độc giả Nga sau thời “cải tổ” ở Liên bang Xô-viết, tức là sau khi chúng ra đời chừng bảy thập kỷ! Tại Hungary, cả ba được dịch và do Nhà xuất bản Châu Âu Budapest ấn hành năm 1997, dưới tựa đề “Ngày tận thế – 1917: Các tác phẩm về cuộc cách mạng Nga” (Apokalipszis – 1917: Írások az orosz forradalomról).

Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 và những gì diễn ra sau đó, cho dù đã trôi qua gần một thế kỷ, vẫn để lại dấu ấn rất mạnh mẽ trong đời sống xã hội và tư tưởng nước Nga, cũng như, vẫn là đề tài của vô số sách vở, hội thảo, nghiên cứu khoa học…

Đọc lại Gorky dưới một ánh sáng khác, một góc nhìn khác với những gì chúng ta thường quen thuộc ở ông xưa nay tại Việt Nam, cũng là một cách để nhìn nhận đa chiều về bài học lịch sử và những hệ lụy của biến cố lớn này của thế kỷ XX.

Có thể xem thêm ở đây bài viết của nhà nghiên cứu văn học Hungary Szőke Katalin về “Những suy tưởng không hợp thời” – bài viết ấy đồng thời cũng là một phần “Lời bạt” bản dịch tiếng Hungary của cuốn sách trên:

http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1000

*

Bài viết sau đây trong loạt “Những suy tưởng không hợp thời” của Maxim Gorky cho thấy cái nhìn mang tính phê phán của nhà văn với những điều “tai nghe mắt thấy” sau chính biến tháng 11-1917, khi thay vì “nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa”, sự tàn bạo, nhẫn tâm và thú tính đã được mặc sức hoành hành…

*

MAXIM GORKY

BÀI 1: 

Giai cấp vô sản kiến tạo nên một nền văn hóa mới”: những lời lẽ này tiềm ẩn một mộng tưởng tuyệt vời về chiến thắng, về ý nghĩa, về cái đẹp của chân lý, về ước vọng – vượt lên trên loài cầm thú, súc sinh – của con người; và trong cuộc đấu tranh để thực hiện ước mơ đó, hàng ngàn người thuộc mọi tầng lớp xã hội đã bỏ mạng.

Bằng quyền lực, giai cấp vô sản đã giành được khả năng sáng tạo tự do. Một câu hỏi đúng chỗ và hợp thời: thử hỏi sự sáng tạo đó được biểu hiện như thế nào? Những sắc lệnh của “Hội đồng Dân ủy” (1) không khác gì các bài báo tiêu khiển. Thứ văn chương này như lời hét vào cõi hoang mạc, và mặc dù trong các sắc lệnh đó cũng có những ý tưởng giá trị, hiện trạng ngày nay không cho phép thực hiện chúng.

Vậy thì, cách mạng đã đem lại điều gì tốt lành, nó biến đổi được sự sinh tồn tàn bạo của dân Nga bằng cách nào, nó có mang ánh sáng đến đời sống tăm tối của nhân dân hay không?

Trong thời kỳ cách mạng, đã xảy ra gần mười ngàn vụ “tự báo thù”. Thử coi nền dân chủ phán xử những kẻ tội lỗi ra sao: cạnh chợ Aleksandre, người ta bắt được một tên trộm, đám đông lập tức tẩn cho y một trận và tiến hành trưng cầu dân ý xem nên giết y bằng cách nào: dìm nước hay bắn bỏ. Mọi người quyết định nên dìm chết và người ta quẳng tên trộm xuống mặt nước đóng băng. Nhưng bằng một cách nào đó, y vùng vẫy bơi và bò lổm ngổm lên bờ, và khi đó, một kẻ trong đám đông đến gần và bắn chết y.

Trong lịch sử chúng ta, Trung cổ là một thời kỳ vô cùng dã man, nhưng ngay trong giai đoạn ấy, nếu một tội nhân – bị quan tòa xử tử hình – rơi xuống từ giá treo cổ, người ta tha mạng sống cho y.

Tự báo thù ảnh hưởng như thế nào đến những thế hệ đang trưởng thành?

Binh lính kéo lê một tên trộm dở sống dở chết để dìm chết dưới sông Moyka, thân thể y đầm đìa máu, mặt bị đánh nát nhừ, một mắt bị lòi ra. Một toán trẻ con đi kèm: vài đứa, vừa từ sông Moyka về, vừa nhảy lò cò vừa vui vẻ hò reo:

– Nó chết đuối, nó chết đuối rồi!

Đó, đây chính là những đứa trẻ của chúng ta, những người xây dựng cuộc đời trong tương lai. Đối với chúng, mạng người sẽ rẻ rúng biết chừng nào, mặc dù con người – không được quên điều này! – là tác phẩm đẹp nhất và quý báu nhất của tự nhiên, là kiệt tác tuyệt vời nhất trên thế gian này. Trong thời chiến, con người chẳng có giá hơn miếng thịt lợn là bao, và anh ta có lý khi nổi dậy chống lại điều đó, kết tội “đế quốc” vì chuyện đó. Giờ đây, rồi chúng ta sẽ đổ lỗi cho ai vì việc bao con người bị thảm sát dã man mỗi ngày?

Vì hàng loạt bối cảnh, hầu như ngành in sách và ấn hành sách đã tuyệt diệt ở ta, và giữa chừng, những thư viện quý giá nhất của chúng ta cũng bị hủy hoại, theo đuôi nhau. Gần đây, nông dân cướp bóc nhà cửa của Khudekov, Obolensky và nhiều điền chủ khác. Họ mang đi mọi thứ có giá trị trong mắt của họ, nhưng các thư viện đều bị phóng hỏa, người ta dùng rìu bổ đôi những chiếc đàn dương cầm và xé tan tành tranh ảnh. Dưới con mắt người nông dân, những ban ngành của khoa học và nghệ thuật, cũng như nền văn hóa là thứ vô giá trị; và ta còn có thể nghi ngờ: chúng có giá hay không đối với quần chúng thành thị.

Sách vở là môi trường trung gian chính yếu của nền văn hóa và muốn nhân dân nhận được những cuốn sách đích thực, có ý nghĩa, những nhân viên ngành phát hành sách cần hy sinh chút đỉnh, bởi lẽ hơn ai hết, họ là người phải quan tâm đến việc thành lập quanh họ một môi trường tư tưởng, có khả năng xúc tiến việc thực hiện những lý tưởng của họ. Những người thày của chúng ta, những Radishchev, Chernyshevsky, Marx, những người sáng tạo tinh thần của sách vở đã hy sinh đời họ vì những tác phẩm của họ. Giờ đây, những kẻ sản xuất sách vở trong thực tiễn sẽ làm gì để thúc đẩy sự phát triển của ngành phát hành sách?

Đã gần hai tuần nay, tối nào cũng vậy, đám đông lại cướp bóc các hầm rượu (2). Họ uống đến say xỉn, lấy vỏ chai đập vào đầu nhau, dùng những mảnh thủy tinh cào cấu tay nhau, cứ thế, như một lũ lợn, người ta lăn lộn trong bùn, trong máu. Trong những ngày này, một lượng rượu trị giá vài chục triệu rúp đi đời nhà ma, và cố nhiên, còn hàng trăm triệu nữa cũng sẽ thất thoát.

Giả thử chúng ta bán thứ hàng quý báu này cho Thụy Điển, hẳn ta đã nhận được vàng ròng, hoặc những sản phẩm quan trọng đối với đất nước, như quần áo, thuốc men, máy móc.

Ở điện Smolny, người ta nhận ra vấn đề khá muộn, họ dùng hình phạt nặng nề để đe dọa những kẻ say xỉn, nhưng những người này đâu có sợ sự dọa dẫm, và họ vẫn tiếp tục tàn phá thứ hàng hóa lẽ ra đã phải tịch thu từ lâu, tuyên bố nó là tài sản quốc dân và bán nó đi một cách có lợi cho mọi người.

Trong thời kỳ diễn ra những vụ tấn công các hầm rượu, người bị bắn chết hàng loạt như những con sói dại, và con người từng bước học cách diệt trừ đồng chủng của mình một cách thản nhiên.

Người ta viết về những vụ khủng bố tại các hầm rượu trên tờ “Pravda” rằng đó là “những vụ khiêu khích của lũ tư sản”; cố nhiên đây là sự láo dối, một thứ “nói vòng vo đỏ”, chỉ làm tăng sự đổ máu.

*

Tệ trộm cắp lan rộng, cướp bóc ngày càng tăng, những phần tử vô liêm sỉ cũng hoành hành dễ dàng trong cái mê lộ của sự đồi bại, hệt như các viên chức chính quyền Nga hoàng thuở trước; quanh điện Smolny, những phần tử mờ ám tống tiền, bắt bí các tiểu thị dân hoảng hốt. Sự thô bạo của những con người đại diện cho “Hội đồng Dân ủy” đã gây nên sự công phẫn chung, và chính đáng. Những kẻ vô loài ngây ngất vì quyền lực đối xử với người dân như với kẻ thù chiến bại, nghĩa là hệt như cách thức mà cảnh binh Nga hoàng đã cư xử với họ. Chúng hò hét, quát nạt với họ, giống hệt như lũ lính gác ở Konotop hay Chukhloma. Tất cả những điều này diễn ra dưới danh nghĩa “giai cấp vô sản” và “cách mạng xã hội chủ nghĩa”, nhưng thực tế nó không khác gì sự đắc thắng của thứ bản năng sinh tồn bị thú vật hóa; vết loét của tinh thần Á châu đã hoàn toàn bao phủ chúng ta.

Thử hỏi thứ “chủ nghĩa duy tâm của cần lao Nga” mà Karl Kautsky đã viết với vẻ khâm phục trông thấy (3), bây giờ ở đâu, được thể hiện như thế nào?

Thử hỏi thứ đạo đức của chế độ xã hội chủ nghĩa – đạo đức “mới” – nay ở đâu, và nó được thực hiện như thế nào trong cuộc sống?

Tôi chờ một người nào đó trong số những “chính khách thực tiễn”, sẽ kêu lên, vẻ coi thường, về vấn đề trên:

– Ông muốn gì? Đây là cuộc cách mạng xã hội cơ mà!

Không! Tôi không thấy những biểu hiện rõ ràng của một cuộc cách mạng xã hội trong sự đập vỡ của các bản năng thú vật này. Đây là thứ nổi loạn đặc thù Nga tính, trong nó, tôi không cảm nhận được tinh thần xã hội và sự hiện diện của tâm lý xã hội.

“Novaya Zhizni” (Đời Mới) số 195, ngày 7-12-1917 (20-12-1917 theo lịch mới)

Bài liên quan:

MAXIM GORKY VÀ “NHỮNG SUY TƯỞNG KHÔNG HỢP THỜI” (1)

Ghi chú (của ND):

(1) Chính phủ Xô-viết, tương đương với Hội đồng Bộ trưởng thời gian sau này.

(2) Ở Petrograd, có rất nhiều hầm rượu với một trữ lượng rượu quý lớn. Những vụ tấn công những hầm rượu diễn ra ngay sau cách mạng tháng Mười. Antonov-Ovseyenko, thời đó là Tư lệnh Quân khu Petrograd, hồi tưởng: “Vấn đề tấn công [các hầm rượu] được đặt ra một cách đặc biệt gay gắt trong Cung điện Mùa đông. Trời vừa chập tối là người ta lao vào nốc rượu, không thể kìm hãm nổi. ‘Hãy uống những gì dòng họ Romanov để lại cho chúng ta!’ – cái khẩu hiệu vang dội đó lôi cuốn lấy đám đông.

Chúng tôi tìm cách chặn các cửa ra vào, đám đông tràn vào qua các cửa sổ, dứt đứt các chấn song sắt và cướp bóc trữ lượng rượu. Chúng tôi lại thử thả nước ngập các hầm rượu, nhưng những người cứu hỏa, khi làm công việc này, cũng lại nốc đến say xỉn.” (V. Antonov-Ovseyenko: “Ghi chép về cuộc nội chiến”. Moscow 1924, tập 1, trang 19-20).

Antonov-Ovseyenko nhận xét: trong “cuộc đấu tranh khổng lồ” chống những kẻ say xỉn và cướp bóc, các thủy thủ Baltique và các trung đoàn từng tham gia cách mạng đã đóng một vai trò xuất sắc, họ tuyên bố “bắn bỏ tại chỗ bọn cướp bóc, và chôn vùi những hầm rượu”.

Trotsky, người chỉ đạo thực sự cuộc khởi nghĩa tháng Mười, khi ca ngợi một người lính (Markin) mà ông coi là tiêu biểu, đã viết những dòng như sau về nạn cướp bóc hầm rượu: “Bỗng nhiên, lũ đạo tặc cặn bã bắt đầu cướp bóc các hầm rượu giàu có của thủ đô và các dinh thự. Ai đó chỉ huy cái phong trào nguy hiểm này, mưu toan đốt cách mạng thành tro bụi trong ngọn lửa rượu cồn. Markin lập tức đánh hơi thấy nguy cơ và lao ngay vào trận chiến. Anh tổ chức bảo vệ các hầm rượu, ở nơi nào không thể được, anh cho phá hủy các kho.

Đi ủng cao, anh dẫm lún đến tận đầu gối vào dòng rượu vang đắt đỏ trộn lẫn những mảnh chai. Rượu chảy ri rỉ qua cống rãnh xuống sông Neva, thấm cả vào tuyết. Những kẻ say xỉn nốc ngay thứ rượu đó từ rãnh. Với khẩu súng lục trong tay, Markin chiến đấu cho một tháng Mười tỉnh táo. Ướt như chuột lột và ngấm hương vị những thứ rượu hảo hạng nhất, anh trở về nhà, nơi hai đứa con trai đang thắt tim chờ cha. Lấy rượu làm phương tiện, Markin đẩy lùi cuộc tấn công của bè lũ phản cách mạng.” (L. Trotsky: “Đời tôi”, quyển 2).

(3) Lãnh tụ Xã hội Karl Kautsky luận về “chủ nghĩa duy tâm của cần lao Nga” trong các bài viết nhan đề “Con đường của cuộc cách mạng xã hội” và “Cuộc cách mạng xã hội”.

BÀI 2:

Một hành khách trên đường trở về nhà từ Siberia, kể: “Tôi ngồi trong phòng đợi tàu của một ga xa hỏa, cách Omsk chừng một trăm dặm (1). Cạnh tôi là một người nông dân già, vạm vỡ, miệng ngậm tẩu. Tôi hỏi: “Cụ đi xa à?”. Ông cụ đáp, cân nhắc và trịnh trọng: “Tôi đi Omsk mua đèn. Ở làng chúng tôi, người ta đã mắc điện, anh biết không, cái thứ chạy trong đường dây ấy…”. “Từ lâu rồi ư?”. “Không, mới đây thôi.” Rồi ông cụ hỏi tôi có muốn nghe cụ kể làm sao họ tiến tới cái ý định đó không. Và đây là lời ông cụ nông dân, tôi trích lại đúng từng câu từng chữ:

*

Khi chúng tôi được biết từ [ngày cách mạng] tháng Mười trở đi, ở Omsk có một cơ quan cao cấp đóng trụ sở, cái mà người ta gọi là “chính phủ của các hội đồng” (2), và rằng nó đưa chủ nghĩa xã hội đến, chúng tôi hội họp và quyết định phải biết cái trò này là ra sao và nó có thể mang đến thứ lời khuyên (3) gì cho dân. Chúng tôi lựa chọn ông cụ Levontiy – đó là người thông thái nhất – và bảo ông ta: “Có ba chục rúp đây, ông đến Omsk đi và thử xem cái chính phủ của các hội đồng là thứ gì, những người bôn-se-vích ấy là ai, họ có đông không và ‘chủ nghĩa xã hội’ có nghĩa là gì. Thử hỏi người ta xem.”

Levontiy trở về sau hai tuần cùng một người lính. Chúng tôi tề tựu đông đủ và mọi người kiệu Levontiy đứng lên một cái bàn: “Nào, chúng tôi nghe đây!”. “Nói đi!”. Và ông ta cũng nói thật. “Thế này, thế nọ, mọi việc cũng không đến nỗi tồi lắm, nhưng hãy để anh lính này nói tiếp, anh ta thạo hơn tôi.” Thế là chúng tôi lôi người lính ra. “Anh là ai?”. “Tôi – anh ta nói, – là người cộng sản và bôn-se-vích, và tôi sẽ ở lại với cô bác nếu tôi được bầu làm chính ủy.” Thoạt tiên, chúng tôi ngẫm nghĩ điều này, nhưng sau đó cũng chấp thuận: “Thôi được, cậu làm chính ủy đi.” “ Rất cám ơn cô bác – anh nói. – Thưa các anh chị em, trước hết tôi phải xem xét đôi chút ở đây đã…”. Một tuần sau, chúng tôi thành lập Xô-viết, – tôi cũng được bầu làm thành viên. Giữa chừng, Levontiy đã học hỏi xong mọi thứ, ông ta bảo: “Bây giờ, chúng ta đã tiến đến mức được mọi người gọi là bôn-se-vích, chúng ta phải phá và xây.”

– Quả là ở làng chúng tôi, không có gì mấy để phá phách. Nhưng khi đó, anh lính lên tiếng: “Tại sao lại không! Nếu chúng ta đích thực là những người cộng sản, thì chúng ta phải trưng dụng! Chỗ các anh có giai cấp tư sản không?”. “Xin lỗi – chúng tôi nói -, tư sản là cái quái gì?”. “Thôi đi, cái gì là thế nào! – anh ta nổi cáu -, chả lẽ các anh không tự biết mình à? Rồi tôi sẽ tìm ra chúng. Cho tôi một vài người.”

Chúng tôi cho anh ta sáu mươi người. Họ đi cùng anh đến một làng cách chúng tôi bốn mươi dặm rồi trở về vào ngày hôm sau với mười hai nông dân khá giả và hàng chục ngàn đồng, tiền Nga hoàng. Anh lính tuyên bố:

– Đây, có tư sản đây này!

Chúng tôi hỏi những người mới tới:

– Có thực các anh là tư sản không?

– Đúng đấy – họ đáp.

– Còn chúng tôi là cộng sản – chúng tôi nói -, và chúng tôi muốn trưng thu ở chỗ các anh.

– Bao nhiêu? – họ hỏi.

Chúng tôi lui ra một góc và bàn bạc.

– Ba ngàn rúp mỗi người – sau đó, chúng tôi nói.

– Nhiều thế! – họ gào lên. – Hai ngàn thôi!

– Chúng tôi có đòi chục ngàn đâu mà nhiều! Còn hà tiện gì nữa, đồ gàn!

Lũ tư sản đồng ý: “Các anh có lý – họ nói -, đúng ra các anh có thể đòi mười ngàn mỗi đầu người thật.”

Họ để lại vài con tin và về lấy tiền. Hôm sau, họ gửi đến bốn mươi hai ngàn, như vậy chúng tôi đã có năm mươi hai ngàn rúp. Chúng tôi lại hộp họp, ông cụ Levontiy làm chủ tọa. “Chúng ta vừa trưng dụng xong – ông ta nói. – Dùng tiền làm gì bây giờ?”. Một người đề nghị hãy xây trường học, người khác bảo mua một chiếc xe hơi cho cả làng thay nhau đi. Nhưng như thế thì trước tiên phải làm lại đường xá đã, thành thử chúng tôi bác bỏ ý kiến đó. Anh lính giúp chúng tôi thoát khỏi cơn bối rối:

– Ở thành phố – anh nói – có điện, vì thế ít hỏa hoạn. Việc này đơn giản vô cùng: nếu người ta để một bánh xe xuống nước, cho nó quay và nối nó với một cái máy, rồi buộc dây dẫn điện vào máy và treo đèn lên dây, là đèn sẽ sáng. Các anh đã hiểu chửa?

– Vâng – chúng tôi nói -, hiểu cả rồi.

Chúng tôi cử anh lính đi Omsk, nhưng không đưa tiền cho anh ta, mà cho Levontiy. Anh ta là lính đấy, nhưng vẫn là người xa lạ. Còn ông cụ Levontiy thì chúng tôi đã biết rõ. Phải chờ khá lâu mới thấy họ về. Cuối cùng, họ trở về làng, mang theo một cái gì đó và những người lạ cũng đi cùng họ.

“Các anh là ai?”. “Thợ máy” – họ trả lời.

– Được, chúng tôi nói. – Gọi là gì cũng xong, miễn là các anh được việc. – Họ mở gói và dỡ chiếc máy ra, chúng tôi thấy là dù không hiểu về máy móc, song trông nó có vẻ đáng tiền. Người ta làm một bánh xe lớn, đặt xuống sông – con sông chúng tôi chảy xiết, qua giữa làng và hòa vào dòng sông Obi (4) -, chiếc máy được nối vào bánh xe, nó bắt đầu quay đến tóe lửa! Trông thật ghê sợ. Chúng tôi quyết định thoạt đầu sẽ dẫn điện vào nhà tay cha cố. Levontiy nghe người ta nói ở đâu đó rằng giáo hội đã xa rời đất nước chúng ta. Thế là ông ta cho gọi tay cha cố đến.

– Cha cố, cút ngay khỏi nhà! – ông cụ thét lớn. Chúng tôi cũng gào lên như thế. Anh thợ cả cũng hò hét cùng chúng tôi, tay lăm lăm một sợi dây điện. Chúng tôi tống cổ tay cha cố và tụ tập trong nhà hắn ta. Anh thợ cả mắc dây, giữa chừng chúng tôi phát biểu. Cứ ai có hứng là nói. Anh thợ kêu lên: “Các bác hãy thả rèm cửa xuống!”. Chúng tôi làm theo lời anh và lập tức, bóng tối bao phủ một cách khó chịu. Ai nấy đều im lặng. Đột nhiên, căn phòng bừng sáng khiến chúng tôi nhức cả mắt: bóng đèn cháy bừng. Chúng tôi nói: “Phải treo những cái đèn như thế này ở mọi căn nhà!”. Và như thế, chúng tôi dẫn điện vào từng nhà.

Sau đó, tin này lan nhanh sang làng bên. Nông dân đến hỏi han: “Có thể làm điều đó ở chỗ chúng tôi không?”. Anh lính khuyên chúng tôi đừng mắc điện cho những kẻ không cộng sản. Chúng tôi bảo họ: “Nếu muốn có điện, các anh hãy tuyên bố là người cộng sản đi!”. Thế là họ cũng làm theo vì có khó khăn gì đâu, họ cũng tống cổ tay cha cố và biến nhà hắn thành một phòng đọc sách.

Người thợ máy bảo chúng tôi: “Rồi ta sẽ mắc điện cho họ bằng loại dây điện dày hơn và sẽ bắt họ trả tiền.” Chúng tôi cũng làm như thế. Hàng xóm tự tìm cho họ bọn tư sản thích hợp, họ trưng dụng sáu chục ngàn rúp, dùng tiền xây trường học, mời một thày giáo giỏi và treo bốn bóng đèn trong nhà trường. Chúng tôi luôn cắt cử ai đó đến trông coi các bóng đèn, lấy cớ vào trường để học nhưng kỳ thực anh ta bỏ đồng hồ trong túi và để ý sao cho các bóng điện không bị để cháy quá thời hạn cho phép. Việc đó diễn ra vô cùng trôi chảy, chúng tôi cũng kiếm được kha khá vì bây giờ nông dân trong cả vùng đều muốn mắc thứ lửa lạnh, chỉ có độc một tội là nếu dùng thứ bóng nhỏ chết tiệt thì châm một que diêm cũng không xong.

*

Tất cả những điều này nghe cứ như bịa, cho dù đây là sự thật trần trụi nhất, đáng tin cậy nhất (5).

“Novaya Zhizni” (Ðời Mới), Petrograd ngày 6-6-1918

Ghi chú (của ND):

(1) Dặm Nga (verst): đơn vị đo chiều dài ở Nga thời xưa, chừng 1,067 km.

(2) Tức “chính phủ của các Xô-viết”.

(3) Trong tiếng Nga, từ “hội đồng” (soviet) cũng có nghĩa là “lời khuyên”.

(4) Con sông lớn ở miền Tây Siberia.

(5) Không hiểu vì lý do gì, bài viết trên đây không có mặt trong bản tiếng Nga (sđd) của cuốn “Những suy tưởng không hợp thời”. Bản tiếng Hung đăng tại cuốn “Esztendő” (tháng 1-1919, trang 128-132).

***

Một bình luận

  1. Marxim Gorky là một nhà văn vĩ đại. Ông sinh ra trong lòng nhân dân nhưng ông có trái tim một nghệ sĩ và trí tuệ của một trí thức. Lo sợ Gorky đi theo “tiếng gọi” của lương tâm trí thức nên Stalin đã tìm mọi cách mua chuộc ông để tạo ra một tấm gương trí thức vô sản hướng tới sự xuề xoà, dễ dãi trong văn chương nhưng tàn bạo trong đối nhân xử thế. Chuyên chính vô sản cần phải được áp dụng trong nghệ thuật.

Bình luận về bài viết này