NHÀ THƠ YẾN LAN GỬI TRỨNG CHO ÁC?


LÂM BÍCH THỦY

Con người là sự kết hợp giữa phần Con và phần Người. Cuộc sống là sự đấu tranh giữa hai nửa ấy. Nếu một lúc nào đó xảy ra cuộc chiến giữa hai nửa ấy trong con người chúng ta, ví dụ giết người, cướp của, tham nhũng, trù dập đối phương, bon chen tìm danh vọng… mà phần con thắng thì lúc ấy ta là con, và ngược lại, ta sẽ là người.

Thế kỷ XXI, con người được sống trong đầy đủ, hiện đại và sành điệu mà sao hiện nay, những ngày vừa qua, ở thành phố mang tên Bác, nơi trước đây được vinh danh là hòn ngọc Viễn Đông, lại mỗi ngày bọn kẻ cướp càng lộng hành, giết người cướp của một cách dã man, lạnh lùng hơn. Điều này cho thấy phần con đang ngày càng lấn át phần người trong chúng ta.  Ai đó hãy làm gì để cho phần người trở lại với chúng ta! Nếu tình trạng cứ kéo dài con người sẽ mất niềm tin…

Tôi không biết câu chuyện mà tôi kể sau đây còn có tác dụng ở thế kỷ này nữa không ? Kể lại chuyện này để bạn đọc thấy, ở chế độ nào cũng có kẻ cướp. Và thuở ấy kẻ cướp cũng đã có lúc chiến thắng cái phần con của mình để thành người :

Vào năm 1939-1940 thi sĩ Xuân Khai đi Sài Gòn thăm ký giả Lê Tràng Kiều. Sau đó cùng ông này lên Hà Tiên thăm vợ chồng nhà thơ Đông Hồ – Mộng Tuyết…

Ngày ấy, tình bạn của họ trong sáng, đậm tính nhân văn. Các bạn văn sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ người cùng cảnh ngộ. Lâu mới có dịp gặp nhau, hai vợ chồng nhà thơ Đông Hồ Mộng Tuyết muốn giữ chàng ở lâu để bầu bạn, nhưng chàng từ chối, vì ở nhà còn cha già đau yếu. Chàng ra ga xe lửa, cạnh chợ Bến Thành để mua vé. Trong tay với chiếc va ly chứa nhiều quà của bạn và sách quí hiếm chỉ mua được ở tại Hòn ngọc Viễn Đông mới có.

Trên sân ga, người đi lại như mắc cửi. Chỗ quày bán vé đông nghịt. Người chen chúc, xô đẩy, cải nhau inh ỏi. Thi sĩ nho nhã, trí thức, không chen được, bị đẩy lùi dần ra sau; chàng nhìn quanh tìm nơi gửi va-ly. Loay hoay chưa biết thế nào, thì thấy anh cảnh sát đang đến gần. Chàng liền tới năn nỉ : “Tôi có thể nhờ anh thỉnh để ý dùm tới chiếc va ly này, tôi vào mua chiếc vé là ra ngay?” Vừa dứt lời, anh cảnh sát dãy nãy như đĩa phải vôi: “Chịu thôi, tôi không thể giúp anh được ; đây là nơi tụ tập bọn trộm cắp, lơ đễnh một tí là va ly anh đi tong, lúc đó cười trừ, anh chịu không?” Chữ trộm cắp vừa bật ra, trong đầu thi sĩ bỗng nhớ đến chuyện ngụ ngôn của La Fontaine và muốn cơ hội này, vận dụng để chứng minh cái bản năng gốc của “Con người”.

Nếu biết cách có thể biến phần “con” thành phần “người” trong tên cắp. Chính giây phút đó gợi mở ý tưởng táo bạo trong tâm hồn thi sĩ diễn ra “mình sẽ gửi va-ly cho kẻ cắp giữ dùm”. Nghĩ là làm. Một lần nữa, thi sĩ lại nhờ anh cảnh sát, chỉ dùm tên kẻ cắp chuyên nghiệp nhất, đang có mặt ở sân ga.

Nghe chàng trai nói, đưa va ly cho kẻ cắp giữ, anh cảnh sát há hốc miệng, trố mắt vẻ kinh ngạc. Anh cảnh sát nghi ngờ đưa mắt lướt khắp người chàng trai, để xác định – kẻ đang nói với mình có vấn đề gì về thần kinh hay không. Sau giây lát, anh ta thấy chàng trai không những không bị bệnh tâm thần mà rất tỉnh táo đang nhìn vào mắt anh chờ đợi. Anh miễn cưởng đưa tay chỉ một thanh niên, đầu tóc bùm xum, bẩn thỉu, mặt bặm trợn khó coi, đứng gần quày vé vẻ thách đố, nói:  “Người mà cậu cần đang đứng đằng kia kìa”

Cảm ơn anh cảnh sát, chàng thi sĩ tiến đến chỗ tên kẻ cắp. Tên này đang đưa đôi mắt gian xảo đảo quanh tìm con mồi. Bỗng giật mình, quay phắt lại, hung hăng định cự nự ai đã vỗ vai mình. Cùng lúc, anh ta nghe “Bạn gì ơi, tôi nhờ bạn giữ dùm chiếc valy, để vào mua chiếc vé tàu. Được anh cảnh sát cho biết là, ở đây chỉ có anh mới giúp được tôi việc này!

Hai từ “cảnh sát” có tác dụng với tên cắp và những từ như “trông dùm, giúp đỡ” thật mới lạ với anh làm sao!? Bởi, từ trước đến giờ, chưa một ai dám nhờ anh ta làm cái việc trái với nghề cướp mà anh ta hành nghề ”. Chẳng nói chẳng rằng, hai tay anh khoanh trước ngực, không gật, không lắc, đưa đôi mắt mệt mỏi,  thiếu ngủ nhìn ra phía trước, để chàng trai hiểu thế nào thì hiểu.

Bà con  quanh đó, quá quen tài khoắn của anh; nay nghe có người nhờ giữ dùm của nả, cho là quái lạ, đưa mắt nhìn nhau, cười hô hố vẻ mỉa mai: “Trời Phật ơi! Cha này quả là điên, đem trứng giao cho ác”.

Còn thi sĩ và tên cắp, nghe nói vậy nhưng lờ đi.

Và người ta càng ngạc nhiên hơn, thi sĩ đã mua được vé; quay lại, tên cắp vẫn đứng tại chỗ, chiếc valy bên cạnh, không hề bị suy chuyển một milimét !?.

Bấy giờ, trong tâm trí thi sĩ có hai điều, làm chàng vui:

– Mua được vé mà không bị mất của.

– Sự phán đoán của chàng thật logic về gốc “Con người”. Có nghĩa là, lúc bấy giờ, tên kẻ cắp đã sắp xếp cho bản năng phần “Người” thắng phần “Con” trong anh ta.

Thi sĩ lịch sự nhận lại chiếc vali và biếu số tiền lẻ còn lại, rồi vội vã lên tàu đẻ về quê

*

Kể lại chuyện này, nhà thơ ba tôi thường trầm tư nói:

Nếu nhận xét  không đúng về một con người, sẽ hại một đời người trong tương lai”. Chẳng phải ở nước ta cũng có câu luận ngữ “Đem thử lửa mới biết vàng tốt xấu, đem tiền của mới biết sang hèn”.

Tin ở con người – là lẽ sống ở đời của ba tôi – nhà thơ Yến Lan.

3 bình luận

  1. Thi sĩ và kẻ cắp

    Một ngày thi sĩ tới sân ga
    Mấy lượt xếp hàng bị bật ra
    Trời hỡi làm chi đây có vé
    Than ôi cứ thế sao về nhà
    Đành nhờ kẻ cắp thương hàng giữ
    Bởi lẽ công an ngại trộm lia
    Bạc lẻ mấy đồng ơn trả nghĩa
    Người đi người ở nhớ chiều ga.

    6.12.2012/Trần Kim Lan
    @Cảm ơn anh NTT và tác giả bài viết “Nhà thơ Yến Lan gửi trứng cho ác” cho TKL có cảm xúc viết bài thơ trên. Chúc chủ trang vui khỏe!

  2. Haha, ông sống trong một xã hội đầy nghịch lý nên ông xử dụng nghịch lý làm lẽ sống thì sẽ thành công ngay thôi .

    Có ai nhận ra một loạt nghịch lý ở đây không nhỉ ?

    Nghịch lý xoay quanh anh chàng công an: 1- Anh ta đại diện cho luật pháp nhưng hoàn toàn bất lực trước nhiễu nhương

    2- Nhiệm vụ của anh ta là phục vụ nhân dân nhưng hoàn toàn không làm + luật pháp bất lực, anh ta không muốn và không dám cả giữ hộ cái valise.

    3- Anh chàng công an chọn anh chàng canh giữ cũng lại sinh ra nghịch lý: 3a- Là cánh tay của luật pháp, anh biết mặt tên trộm khét tiếng nhất nhưng lại không bắt . 3b- Và có thể anh công an nhìn sai .

    Anh nhà thơ hú vía vụ này có thể vì 1) anh công an nhìn sai, người này có thể đàng hoàng . 2) công an ngày xưa là hung thần ác sát, anh nhà thơ sai khiến cả công an làm tên trộm nghĩ anh nhà thơ là kễnh . 3) công an đứng đó nên ăn trộm không dám giở trò . 4) thường ăn trộm có công an bảo kê nên hắn nghĩ đây là một “favor” hắn phải làm để có thể hành nghề .

    Anh nhà thơ thoát nạn không phải vì “con người”, nhất là “con người xhcn” đáng tin, mà anh đã lợi dụng được chỗ giao thoa của tất cả các nghịch lý nên thoát hiểm . Thường những điểm giao thoa này phụ thuộc vào nhiều yếu tố và rất hiếm khi xảy ra . Anh nhà thơ nên cảm ơn ông bà tổ tiên đã phù hộ mình .

  3. “Kẻ cướp“ là người!

    Có câu nói như mắng nhiếc: „Đĩ điếm, trộm cắp/cướp!
    Nhưng cũng có câu như nhắc nhủ:
    Con ơi, nhớ lấy lời này: / Cướp đêm là GIẶC, cướp ngày là QUAN.
    Nên coi người „đánh đĩ“ (bán cái „tự có“), „ăn cướp“ („tự lấy“ cái không phải của mình) và „làm quan“ (bắt người khác đưa cái họ có cho mình chiếm đoạt) đều LÀ NGƯỜI thì vấn đề đơn giản hơn nhiều mà có khi ta lại thấy sống thoải mái một cách „người“ hơn; nghĩa là thấy mình có trách nhiệm cụ thể giúp những người làm „nghề“ kia phân biệt được xấu, tốt và … „người“ trở lại.
    Đọc, thì nhớ lại chuyện kể về Victor Hugo: Để những trang viết về các tầng lớp dân chúng bần cùng được „sống động“, ông đã sưu tầm các câu nói của „xã hội anh chị“ vào một cuốn sổ. Không may, ông bị mất chiếc ví tiền cùng cuốn sổ kia. Một thời gian sau, Hugo bỗng nhiên nhận lại được cuốn sổ và một tờ giấy ghi ít dòng, đại ý: Tôi đã „thó“ của ông chiếc ví và cuốn sổ; Đọc, thấy ông viết thiếu những chữ dùng trong „ngành“ của chúng tôi. Tôi đã bổ xung và giữ lại số tiền của ông như để tính công. … (đọc đã lâu, nhớ không chính xác; nhưng tôi tin câu chuyện).

    Đạo Phật dạy cách làm người cần đủ ba thứ: BI, TRÍ, DŨNG trong đó BI (thương người) là đầu tiên. 3 hạng người kể trên, chẳng qua bị khiếm khuyết 1 hay cả 3 yếu tố „Bi, Trí, Dũng (từ bỏ lòng tham)“ mà phải làm nghề xấu xa đó.
    Nhìn nhận được cái XẤU cũng là bắt đầu cho sự tốt và đẹp hơn của đời chăng?
    Mong thay!

    Cảm ơn Tác giả và bác Trang chủ;
    Thân mến.

Bình luận về bài viết này