NGUYỄN KHẮC THẠCH – NHỊP THƠ ĐÁ VỠ


NGUYỄN TRỌNG TẠO

Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch

Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch

NTT: Cuối tháng 9.2012, BCH Hội Nhà Văn Việt Nam đã bàu Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch (nguyên Tổng biên tập tạp chí Sông Hương) bổ sung vào Hội đồng Thơ sau khi thành viên Dương Kiều Minh qua đời. Nguyễn Khắc Thạch là một nhà thơ “kiệm chữ” và quyết liệt hướng về hiện đại. Bạn bè gọi anh là “Thi sĩ trường chay” hoặc “Người đi chân trần trên lưỡi dao sự thật”. Nhân dịp này, NTT gửi tới bạn bài viết nhân dịp chúng tôi tặng anh “Giải thưởng thơ của tạp chí Cửa Việt 1991″.

Rắn như đá và lầm lì như đá. Đen như đá đen và rực rỡ như kim cương, hồng ngọc. Tôi đã gặp những núi đá khổng lồ sừng sững và những viên đá nhỏ nhoi rải dọc những con đường. Tôi đã thấy “nước chảy đá mòn” và tôi đã nghe âm thanh nổ tung đá vỡ. Và những âm thanh kì diệu ấy cứ vang vọng mãi, vang vọng mãi tạo thành một nhịp điệu lạ lùng chấn động trái tim tôi. Những ấn tượng về đá như vậy liệu có liên quan gì đến thơ của một người? Vậy mà khi đọc thơ Nguyễn Khắc Thạch, những ấn tượng về đá cứ hiện hữu trong tôi.

Như ý thức được ý nghĩa cái tên kí dưới mỗi bài thơ của mình, Nguyễn Khắc Thạch – phải chăng là tên một anh chàng họ Nguyễn làm nghề khắc đá, nên khi làm thơ, giấy trắng với anh cũng giống như là đá vậy, và anh phải khắc lên đấy từng con chữ. Không thể tẩy xóa được, buộc anh phải lựa chọn thận trọng từng chữ một. Không thể viết dông dài được, buộc anh phải kiệm lời. Nhờ thế mà thơ của anh chàng “khắc đá” thường đạt tới độ ngắn gọn và hàm súc. Ba mươi hai bài thơ in trong tập Dòng sông một bờ (Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, 1989) của Thạch chỉ vẻn vẹn bốn trăm dòng, mà có dòng chỉ một hai từ. Tình ý thơ bài thơ như được dồn nén trong từng chữ từng dòng. Như một nguyên lí của chất nổ, độ dồn nén càng cao thì sức công phá càng lớn, thơ Nguyễn Khắc Thạch bùng nổ ở từng con chữ, tạo nên nhịp điệu mạnh cùng với những vang vọng không lời.

Nhưng điều quan trọng hơn là những vấn đề được thơ anh đề cập tới. Nguyễn Khắc Thạch không quan tâm đến những gì nổi cộm lên ở bên ngoài, không tụng ca những chiến công vĩ đại, không tung hô niềm vui, nói chung, anh ít quan tâm đến những gì mà người ta dễ nhìn thấy bằng cặp mắt thường. Anh nhìn các vấn đề đời sống bằng “con mắt thứ ba”, con mắt của trái tim và khối óc. Đấy là con mắt phát hiện các vấn đề bằng sự cảm nhận ở chiều sâu của tư duy tình cảm, có chiều hướng chỉ ra và cảm thông với những căn bệnh đớn đau của con người và thời đại, trên cơ sở một quan niệm nghệ thuật khá độc đáo: “Với tôi, thơ là âm bản của nước mắt”.

Đấy chính là những giọt nước mắt ứa ra từ “con mắt thứ ba” của thi sĩ, những giọt nước mắt đau đớn báo những dòng “Tin buồn” cho những ai đang vô tình cười vui theo kiểu cười vui của người khác, những ai đang say mê “ngai vàng mọc trên máu xương” của quá khứ, những ai đang dùng phấn son để che lấp máu người… Nhờ thế mà thơ Nguyễn Khắc Thạch không chỉ là nước mắt đau thương mà đồng thời cũng là nước mắt cảnh tỉnh. Nói cách khác, thơ anh “còn một cái gì khác, dại ngộ và thấu suốt trong những trầm tư về cuộc đời” (Hoàng Phủ Ngọc Tường).

Đã có thời, ta phải cố giấu giếm cả nỗi đau buồn như là vẫn giấu giếm người mẹ cái tin đứa con trai tử trận. Nhưng mà làm sao có thể giấu giếm mãi được những vết thương nhức nhối nơi chính cơ thể mình. Chỉ ra những vết thương vật chất để chữa trị, đấy là việc của thầy thuốc. Chính các nhà thơ phải chỉ ra cho được những vết thương tinh thần rớm máu trong tâm hồn mỗi con người và xã hội, và chỉ có sự cảm thông sâu sắc mới có thể cứu giúp con người và xã hội qua khỏi những đau thương buồn lụy. Ngòi bút của Nguyễn Khắc Thạch luôn hướng tới điều đó, bởi anh là thi sĩ luôn khước từ nửa vời, nhằm đẩy tới tận cùng bản chất sự vật, dù đó là nỗi đau đớn buồn thảm nhất mà người ta không dễ có đủ can đảm để đối diện: “Anh còn đi có thể trắng cuộc đời” dù “mọi con đường đến tận cùng vẫn đất”. Nhưng không phải chỉ có vậy, đi tới tận cùng đường hầm của sự đau đớn, chính là sự mở ra cả một bầu trời khác: “Em có thấy những gì không mất – giống bầu trời xui mãi cánh diều lên”.

Có ai đã nói rằng: “Tới tận cùng niềm vui, ta sẽ gặp nỗi buồn”. Và tôi có thể nói về thơ Thạch: “Tới tận cùng nỗi buồn, ta sẽ gặp những bài thơ đích thực”. Đấy là trường hợp xảy ra những bài thơ tình giàu đam mê quyết liệt và cũng đầy đắng cay chua xót của anh. “Sao em không nói dối – để chiều nay chiều không yêu em – anh như xác vỏ chai lăn ra ngoài cuộc rượu”. Và “Ai chết mùa thu – cây lá chịu tang vàng – ai chết mùa thu – mây trắng chầu – liệm xác”. Và đây nữa: “Mùa thu ơi – ta nhớ đến cằn khô đáy mắt – Mùa thu còn trở lại – năm tháng đời người thì mãi mãi ra đi”… Ai bảo thơ buồn không thể hát vang lên? Các nhạc sĩ đã phổ nhạc trọn chục bài thơ tình buồn của Thạch, thơ đã được hát lên đây đó làm xúc động lòng người. (Nghe bài hát Ngày mai – thơ Nguyễn Khắc Thạch – nhạc Phú Quang – ca sĩ Quang Lý tại đây). Những bài thơ tình ca buồn rơi nước mắt ấy khiến người nghe như được tắm gội cho tâm hồn trở nên trong trẻo và thanh khiết biết chừng nào. Phải chăng, sự dồn nén tình cảm tận cùng vào con chữ đã tạo nên nhịp điệu mạnh và hàm súc, khiến thơ Nguyễn Khắc Thạch gần với âm nhạc hiện đại ngày nay? Có thể vì lẽ đó, giải thưởng thơ của tạp chí Cửa Việt 1991 đã dành riêng vinh dự này cho Nguyễn Khắc Thạch, một giọng thơ hiện đại, hàm súc, nén đầy chất nổ buồn đau và trách nhiệm.

Rồi Nguyễn Khắc Thạch còn vượt lên, hay chỉ có vậy? Không hiểu sao tôi cứ tin ở anh khi đọc lại một câu thơ anh viết: “Thảy vốn liếng đời ta nhóm lửa yêu thương”. Liệu ngọn lửa trong trái tim của  đá từ thuở hồng hoang loài người có gì liên quan với “ngọn lửa yêu thương” trong trái tim của Thạch, cái ngọn lửa yêu thương đã từng làm nổ tung ra những nhịp thơ đá vỡ?

1 – 1992

____

Nguyễn Khắc Thạch sinh năm 1948 tại Nghệ An. Ông sinh sống và làm việc ở Huế. Nguyễn Khắc Thạch  từng giữ nhiều chức vụ như Tổng thư ký Hội nhà văn Thừa Thiên huế, Phó Chủ tịch hội LHVHNT Thừa Thiên Huế, nguyên tổng biên tập Tạp chí Sông Hương…

Các tập thơ đã xuất bản: Dòng sông một bờ (1989), Nơi ta sẽ về (1993), Mưa hai mặt (2002)…

Bình luận về bài viết này