4 NĂM HÀ TÂY “TỬ NHẬT”


NGUYỄN THÁI SƠN: 1/10/2012, tròn 4 năm 2 tháng tỉnh Hà Tây bị “xoá sổ” (1.8.2010), gọi là KỈ NIÊM LẦN THỨ TƯ “TỬ NHẬT” (ngược lại với SINH NHẬT) cũng không sai. Không “chính chị chính anh” gì, chỉ thương nhớ một vùng đất “địa linh nhân kiệt” đã hơn 4 năm rồi không còn tên trên bản đồ. Bài thơ “Thôi thì chờ nữa đợi thêm” này NTS viết hai năm trước, ngày 31/7/2010. 

 

THÔI THÌ CHỜ NỮA ĐỢI THÊM…

Hai năm “Tử Nhật” Hà Tây
rồi ra, cứ đến tiết này lại đau
hội vui “bát nhất” nước Tầu
lại trùng với nỗi bể dâu Xứ Đoài (*)

 

Vẫn áo nhuộm, vẫn ngô khoai
Sài Sơn núi lở, Suối Hai nước tràn
còng lưng đá đẽo, mây đan
Bối Khê mẻ tượng, Trăm Gian xiêu chùa

 

Lụa tằm còn có ai mua ?
nón Chuông chắn nắng che mưa mấy người ?
bạc năm đánh đổi vàng mười
mẹ ta khóc khóc cười cười giữa đêm


Thôi thì đợi nữa chờ thêm

biết đâu chân cứng đá mềm. Biết đâu…
bể dâu ngóng đợi bể dâu
phượng hoàng rũ lửa, cất đầu, lại bay


Thôi đành ngóng tháng mong ngày

may ra lại có Chúa ngay, Tôi hiền
Sơn Thần về lại Tản Viên

lại vuông tròn, hết oan khiên Xứ Đoài !

NTS

 

4 bình luận

  1. Bài thơ này cũng như bài “Văn tế Hà Tây”:

    (http://hdhhataymn.vicongdong.vn/surveyor?cntab=nhatky&cnaction=xemnhatky&id=48655612)

    Đều là những áng văn hay.

    Sẽ còn nhiều áng văn hay nữa về chốn “tử địa” đau thương này.

  2. Cám ơn bác Tạo, không phải người xứ Đoài mà đau cái nỗi đau của xứ Đoài đến như vậy thì qủa là đạt tới bậc thượng thừa rồi!

    Lụa tằm còn có ai mua ?
    nón Chuông chắn nắng che mưa mấy người ?
    bạc năm đánh đổi vàng mười
    mẹ ta khóc khóc cười cười giữa đêm

    Là người xứ Đoài chính hiệu mà em cũng chưa chắc đã cảm được cái nỗi “âm đau” (đau sâu kín bên trong) như bác Tạo ở những vần thơ cảm động này…

    • Bác ơi, hãy đọc lại lịch sử và xem lại người Xứ Đoài là người vùng nào nhé ! Người Xứ Đoài tiếng nói không lẫn lộn được đâu ạ!

      Tỉnh Sơn Tây trước khi sát nhập với tỉnh Hà Đông ( thành tỉnh Hà Tây năm 1965) ngày xưa mới gọi là Xứ Đoài. Tỉnh Hà Đông gọi là xứ Sơn Nam không phải Xứ Đoài. Khi tái lập tỉnh năm 1991, em nghĩ các vị to đầu ngầm tung hê Xứ Đoài cho toàn tỉnh cũng là vì mục đích thống nhất chung cách gọi của một địa danh có tiếng trong sử sách là Xứ Đoài thôi.

      Thực tế cũng chứng minh, người dân Xứ Đoài ( bao gồm Sơn Tây, Ba Vì, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, một phần Quốc oai, một phần Chương Mỹ) và phần còn lại của Hà Tây có phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói ( chất giọng, âm điệu_ hơi khó nghe), cách cư xử..khác hẳn nhau.

      Đừng cố lôi trọn suy nghĩ của người chính gốc Xứ Đoài vào, thực tế người dân của Xứ Đoài ( tỉnh Sơn Tây cũ…) hoàn toàn mong muốn được trở lại với Hà Nội ( ít ra là như vậy).

      Nói đi cũng phải nói lại. Thực tế Hà Tây cũng chỉ tồn tài có 30 năm. Từ 1965 đến 1978 và từ 1991 đến 2008. Nên cũng không phải quá tỏ vẻ tiếc nuối như thế. Đó không phải là một tỉnh đặc thù giống các tỉnh khác ( dân cư, văn hóa, nếp sống….đồng điệu). Nên việc sát nhập vào là hoàn toàn hợp lý, chắc hẳn rằng cho tới nay thì những người có lương tri và suy nghĩ, họ phải thầm cảm ơn Quốc Hội, Chính Phủ đã có quyết định sáng suốt đó.

      Em là thế hệ đầu 8x. Vì thế giấy khai sinh của em thuộc Hà Nội ( Tỉnh Sơn Tây sát nhập vào Hà Nội từ năm 1978 đến 1991). Người dân mong mỏi được trở lại Hà Nội để còn phát triển, đúng như nhận định của ông Ngô Trung Hải, Phó viện trưởng viện quy hoạch đô thị…”Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng đã thông qua chủ trương Hà Nội sẽ mở rộng về phía tây và người dân cũng rất đồng tình với chủ trương này, nhất là những người dân ở Hà Tây hay Mê Linh (Vĩnh Phúc), bởi ngày xưa họ vốn đã là người Hà Nội. ” http://vneconomy.vn/61541P0C17/ha-tay-ve-voi-ha-noi-neu-quoc-hoi-dong-y-thi-chung-ta-thuc-hien.htm

  3. “Hà Tây cửa ngõ thủ đô” giờ đây không còn nữa. Nhưng cái tên “Hà Tây” vẫn gợi lên những cảm xúc đẹp không chỉ cho tác giả của “quá nửa đời phiêu bạt…” mà cho những ai yêu cuộc sống, yêu con người. Và mình cứ thắc mắc tại sao người ta không giữ lại cái tên đó bằng cách đặt tên cho một con trong những con đường lớn từ nội thành đi ra Hà Tây cũ như đường Láng – Hòa Lạc hay đường Lê Văn Lương kéo dài là đường Hà Tây?.

Bình luận về bài viết này