THƠ HAY THẾ NÀO ĐỂ TỪ CHỐI BÁT CƠM


NGUYỄN TRỌNG TẠO

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Vi Thuỳ Linh, Văn Cầm Hải - Ảnh: Văn học quê nhà

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Vi Thuỳ Linh, Văn Cầm Hải – Ảnh: Văn học quê nhà

Khi thế hệ chúng tôi bước ra khỏi cuộc chiến tranh đằng đẵng, vô cùng ngỡ ngàng với thời bình, thì thế hệ sau 75 vừa sinh ra. Họ lớn lên trong những năm tháng thanh bình cùng với những biến động mới của xã hội hiện đại, như những trang giấy trắng mà ở đây sẽ được lấp đầy bằng những niềm vui nỗi buồn của thời đại mới. Thế hệ ấy chính là chủ nhân của hôm nay. Và họ ngày càng khẳng định mình trong những sáng tạo tràn đầy tính thanh xuân cho một thời văn học mới. 

Số báo Thơ của Hội Nhà văn VN kết thúc năm Giáp Thân (tháng 12.2004) đã giới thiệu chùm thơ của một nữ tác giả đang học lớp 12, đó là em Trương Quế Chi, sinh năm 1987. Mới 17 tuổi mà Chi đã có một thành tích đáng nể: Giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU 30, Giải thưởng nữ sinh VN 2003, đã xuất bản 7 tập truyện do em dịch từ tiếng Pháp, và trong “gia tài văn học” đầu đời đã xếp đầy những bài thơ có thể nói là độc đáo và sâu sắc. Thử đọc một trong số những bài thơ của Chi:

Sáng/ một cuốn thơ và một bát cơm/ thưa nghệ sĩ, anh sẽ chọn cái nào?/ tôi chọn cuốn thơ./ Trưa/ một cuốn thơ và một bát cơm/ thưa nghệ sĩ, anh sẽ chọn cái nào?/ tôi chọn cuốn thơ./ Tối/ một cuốn thơ và một bát cơm/ thưa nghệ sĩ, anh sẽ chọn cái nào?/ tôi cần cơ hội để biết:/ thơ hay đến mức nào để từ chối bát cơm!

Tôi khá bất ngờ sau khi đọc bài thơ Chọn (và nhiều bài thơ khác) của Chi. Hoá ra những người làm thơ trẻ hôm nay không chỉ làm thơ bằng bản năng, mà ngay từ khi cầm bút, họ đã ý thức được việc mình làm.

Trong bài viết này, tôi chỉ xin nói về những nhà thơ sinh ra từ đầu những năm 70 đến những năm 80 của thế kỷ trước. Họ đến với thơ sau thời kỳ đổi mới, thời bùng nổ thông tin trên toàn cầu và cũng là thời “hội nhập” cùng thế giới. Khi văn học phương Tây đang đầy xáo động với những chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại, thì các nhà thơ “thế hệ mới” cũng nỗ lực thoát khỏi cái bóng rậm rạp của cánh rừng thơ kháng chiến. Thơ của họ tuy vẫn viết bằng tiếng mẹ đẻ, mang sẵn truyền thống thơ ca của giống nòi, nhưng những “tư duy lập trình” đã làm thay đổi tư duy thơ ca của họ. Và một loạt những người làm thơ trẻ đã xuất hiện, làm quen tên tuổi mình với bạn đọc trong và ngoài nước.

Những tập Thơ trẻ chọn lọc do Ban Văn học Trẻ của Hội Nhà văn VN tuyển lựa nhân dịp những kỳ hội nghị những người viết văn trẻ đã nối dài những dòng tên khó mà đếm hết. Đó là Văn Cầm Hải, Vi Thuỳ Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư. Đó là Nguyễn Thu Hương, Dương Thu Hằng, Lê Mỹ Ý, Trần Kim Hoa, Nguyễn Quyến… Đó là Đào Phong Lan, Phạm Tường Vân, Phan Hoàng, Lê Thiếu Nhơn, Lê Tấn Quỳnh… và mấy năm gần đây là Lý Đợi, Bùi Chát, Trang Thanh, Lãng Thanh, Trương Quế Chi, Trần Hoàng Thiên Kim… Những cái tên mà tôi vừa nhớ một cách tuỳ tiện ấy cùng với rất nhiều tập thơ của họ đã xuất bản ở các NXB trong nước, hoặc tự photocopy, hoặc tung lên mạng hay giới thiệu trên báo giấy, báo hình, báo tiếng, phong phú về giọng điệu, phong cách, mở ra một tinh thần dân chủ trong sáng tạo.

Khi Văn Cầm Hải viết: “Trên da bụng em nườm nượp tiếng khóc”, “người dương cầm lên cơn tổng phổ” là khi anh tuyên ngôn cho thơ mình “Dù thời đại lưỡng tính/ anh không ăn bóng một thời đã qua“. Đúng là “hệ thơ chống Mỹ” không hề có một tư duy thơ như thế, và người thơ 20 tuổi ấy đã xuất hiện đúng với sự tự lựa chọn của mình khi cho xuất bản tập thơ Người đi chăn sóng biển (NXB Trẻ, 1994) và những bài thơ sau đó đang chuẩn bị được xuất bản dưới tựa đề Những giấc mơ của lưỡi. Thơ Văn Cầm Hải thoát khỏi lối viết tả thực mà tạo ra những ẩn dụ trừu tượng mới, chứng tỏ anh không hề bị “cớm bóng” dưới những đại thụ trước anh…

Vi Thuỳ Linh, cô bé 18 tuổi đã dõng dạc tuyên ngôn cho thơ mình “Tôi không bao giờ hoá trang để nhập vai kẻ khác”. Và cô đã làm được điều đó qua những tập thơ Khát (NXB Hội Nhà văn, 1999) và Linh (NXB Thanh Niên, 2000), cùng với tập thơ thứ ba là Vili chưa được cấp giấy phép xuất bản. Thơ Vi Thuỳ Linh trình bày “cái tôi không xấu hổ” trước những khuôn phép đầy dị nghị, cái khuôn phép đã từng bị Hồ Xuân Hương phá rào từ đầu thế kỷ XIX. Có lẽ nhờ cá tính mạnh như vậy mà thơ Vi Thuỳ Linh được tìm đọc trong cái thời đại “giải phóng tình dục” đầy hoang mang cần lựa chọn này.

Phan Huyền Thư lại “Nằm nghiêng” trường kỳ trong ký hiệu những con chữ và tuyên bố: “Có lúc/ chữ nghĩa/ tôi cũng nhai nát trong miệng/ rịt vào vết thương người làm tôi đau”. Những cảm thức văn hoá đã bị những khinh mạn chua cay pha chút đanh đá của một Thị Mầu đời mới đã khiến thơ Phan Huyền Thư ngả sang một chiều hướng khác với các giọng điệu cùng thời, và gây được ấn tượng nhoi nhói đáng kể.

Nguyễn Hữu Hồng Minh là người công khai thú nhận chịu ảnh hưởng của các nhà thơ thần tượng trong và ngoài nước ngay từ thuở ban đầu bước chân vào làng thơ, nhưng anh cũng là người quyết liệt trong sự bứt thoát ra khỏi sự trung tính biếng lười của chữ nghĩa. Anh cho rằng: “Những con chữ thường ngủ là chính, và nhà thơ phải đánh thức những vỉa từ”. Và Minh đã đi từ “Giọng nói mơ hồ” đến “Chất trụ”, từ hiện thực đến siêu hình. Thực ra thì anh đang nhìn hiện thực trên một tâm thức mới, bạo liệt và riết ráo.

Đầu thế kỷ XXI làng thơ trẻ đau đớn mất đi đột ngột một ngôi sao 25 tuổi, đó là Lãng Thanh. Bên cạnh những bài thơ dị thường thi sĩ, Thanh còn là một tay thi pháp tài hoa, đã từng mở ra một triển lãm ấn tượng tại Thư Quán (Việt Trì) kéo dài 3 tháng liền trước lúc qua đời trong tai hoạ. Một tập thơ Hoa để lại được bạn bè trong nhóm Chí Tâm đưa đến NXB Thanh Niên và ra mắt bạn đọc vào đầu năm 2003 khiến độc giả thảng thốt trong luyến tiếc.

Những người viết trẻ thăm Tân Trào

Hầu hết những người làm thơ trẻ đã biết tự ý thức lựa chọn con đường riêng để đến với thơ ca. Đây là thế hệ các nhà thơ – trí thức, có học vấn cao và lớn lên trong giai đoạn lịch sử đề cao cá nhân hơn là tập thể. Những thuận lợi ấy đã dành cho các nhà thơ trẻ như một đặc ân sau những triền miên đồng ca văn học một thời. Nhưng không phải tất cả những con sóng đều tới bờ, không phải tất cả những người làm thơ đều trở thành thi sĩ. Sau “những đố kỵ tài năng” của người viết, sau những thị phi của người đọc, sau những nhầm lẫn hay roi đòn của những kẻ “chăn thơ”, những nhà thơ thực sự có tài và đam mê sáng tạo sẽ tự khẳng định mình bằng chính tác phẩm. Điều đó là sự thật, bởi nhiều người làm thơ đã bỏ thơ ngay sau khi họ vừa xuất hiện. Có thể họ nhận ra sáng tạo thơ không thuộc về họ, hoặc họ còn có những nhu cầu khác khẩn thiết hơn thơ, như làm giàu chẳng hạn. Vẫn còn không ít người tiếp tục “u mê thơ ca”, càng đeo đuổi càng không nhận ra sự vô vọng, ruồng bỏ của thơ với chính họ. Mỗi ngày, họ lại bị cái đống xác chữ đè nặng tâm hồn cho đến lúc họ không thể thoát ra được nữa…

30 năm đã đi qua. Thời gian vẫn chỉ là thời gian. Trương Quế Chi 17 tuổi hay Văn Cầm Hải 32 tuổi đều có thể mang tới cho thơ những hạt ngọc hay những hạt sạn, những hạt chắc hay những hạt lép. Vấn đề của thế hệ các nhà thơ trẻ là cần phải bước qua bức tường thơ mà các thế hệ trước họ và cả chính họ đã dựng lên. Và tôi vẫn phải nhắc lại rằng, tôi luôn tin yêu và hy vọng vào những người trẻ, vì thanh xuân đang ngập tràn trong hồn họ, trong cây bút của họ.

2005

3 bình luận

  1. Anh Tạo cho hỏi những nhà thơ hiện nay có ai có thể tạo nên tên tuổi như Hàn Mạc Tử, Nguyễn Bính, Vũ Đình Chương, Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên …. (vài ví dụ của các thế hệ khác nhau). Có những câu thơ nào đi vào lòng người, hay đọc lên ai cũng biết là của nhà thơ nào hay không anh Tạo?

  2. Kính mong Bác Tạo chọn ra một đến ba bài thơ của các bạn trẻ mà Bác tâm đắc nhất cho chúng em thưởng thức bác nhá (thể loại, đề tài nào cũng được Bác ạ). Cảm ơn Bác nhiều nhiều.

  3. CÓ AI BIẾT
    DÙNG CÁN BÚT LAM ĐÒN XOAY CHẾ ĐỘ
    MỖI VẦN THƠ BOM ĐẠN PHÁ CƯỜNG QUYỀN ????????????????

Bình luận về bài viết này