CÒN AI NHỚ NHÀ THƠ TRÀO PHÚNG NGUYỄN ĐÌNH?


LÂM BÍCH THỦY

NTT: Nhà thơ Nguyễn Đình được độc giả yêu thích qua những bài thơ trào phúng. Nên ông cũng là đối tượng để các nhà văn đùa tếu. Một lần, nhà văn Xuân Thiều ra một vế đối cho anh em bạn văn: “Nguyễn Đình thi với Nguyễn Đình Thi”. Mãi một thời gian dài, khi nhà thơ Thanh Tịnh biết chuyện, ông mới có vế đối thật sự hoàn thiện: “Trần Thanh địch cùng Trần Thanh Địch”. (Trần Thanh và Trần Thanh Địch đều là hai nhà văn nổi tiếng. Ai cũng khen Xuân Thiều và Thanh Tịnh đã có một câu đối để đời!). 

Nói đến chú Nguyễn Đình, hình như không gây sự chú ý với bạn đọc. Thế mà mới đây, có cậu thanh niên hỏi thăm chú. Cậu ấy nói “muốn tìm tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Đình mà chẳng biết tìm ở đâu!”. Tôi thử lên mạng, nhưng không có tên và tác phẩm nào của chú cả, thật đáng buồn!

Trong tôi, chú là người bạn thủy chung mà ba tôi (nhà thơ Yến Lan) có được từ hồi mới hình thành nhóm “Bàn Thành Tứ Hữu”.

Ngày chưa đi tập kết, chú dạy học tại thành phố Nha Trang. Chú hay tới nhà bác Quách Tấn – Đây là Điểm hẹn Văn hóa của trí thức trẻ, là nơi giao lưu, nghe vịnh thơ Đường; nơi gặp gỡ các khách yêu thơ …

Tại đây, ba tôi thường vào nghiên cứu thơ Đường, thơ Pháp với bác Quách Tấn, đã gặp và quen thân chú. Bác Tấn thấy chú Đình là người có học vấn, giản dị, dễ gần nên đã giới thiệu với các bạn trong nhóm.

Tuy không hiện diện trong “Tứ Linh” nhưng chú Đình có công không nhỏ trong việc quảng bá thơ Hàn Mặc Tử với khách thơ ở khu vực miền Trung. Hàn mất sớm, trách nhiệm nhóm cần quảng bá rộng rãi thơ ông ở Nha Trang và Qui Nhơn. Trong khi bác Tấn soạn về thân thế, sự nghiệp văn chương thì chú Nguyễn Đình được phân công đọc kỹ thơ Hàn để chuẩn bị diễn thuyết trước công chúng cho trôi chảy. Chú đã hoàn thành mỹ mản công việc. Kết quả rất khả quan, bác Tấn ưng bụng, nói:

 “Những bài của Chế, Lan và tôi đã soạn đều giao cho Đình để Đình thay chúng tôi nói về sự nghiệp của Tử, còn chúng tôi phân công nhau đọc thơ. Chế đọc thơ Pháp, Lan đọc thơ Việt, tôi đọc thơ chữ Hán, rồi truyền cho nhau những “cái hay” đã tìm được ở trong thơ Hàn, còn Đình đóng vai trò dự thính…Đình làm việc gì cũng chỉnh chu”.

Lúc nhỏ, trong Nam,tôi rất quí chú Đình, chú là kho chuyện cười của chị em chúng tôi. Với bạn của ba, chú chân thành và giúp đỡ vô điều kiện. Chú kể chuyện thì rôm rả, nói câu nào cũng làm người ta cười ra nước mắt, riêng với người lớn, chú toàn kể về ma quái; nghe dựng cả tóc gáy. Vậy mà tôi khoái nghe lõm thứ chuyện này mới lạ chứ. Nghe nhiều quá thành bệnh “sợ ma” mãn tính.

Tập kết ra Bắc, chú không dạy học mà làm Nhà thơ trào phúng. Tôi không thuộc câu thơ nào của chú, mà chú đã đi xa! Đời chú sao ngắn ngủi đến thế! hưởng dương đến tuổi 57 (1918-1975) là ngừng. Tôi mới biết chú mất .

Ngược lại thời gian ở trong Nam, xem hồi ký của bác Tấn, mới biết có lúc bác giận chú Đình vì không nghe lời bác khuyên, kết hôn với một phụ nữ, mà theo bác là “không được chính chuyên”. Cô chú có với nhau một người con trai. Tôi chỉ biết có vậy.

Với tôi, chú Nguyễn Đình là người sống trọng tình, trọng nghĩa, có trước có sau. Những năm tháng ở Hà Nội, vụ NVGP đã khiến không ít người sợ vạ lây, ít đến nhà ba chơi như xưa, còn chú đến với ba tôi vào ngày chủ nhật hay lễ tết.

Lúc nào chú cũng hài hước một cách duyên dáng, thâm nho, vẫn tranh luận nhiều vấn đề như xưa.

Đến thăm bạn, làm ở Bộ Nội Vụ, thấy có 3-4 tập thơ “Giọt trăng” tác giả là Quách Tấn, gửi cho em là Quách Tạo. Dấu Bưu điện Sài Gòn qua Paris và từ Paris đến Hà Nội, song vẫn còn nằm ở đây? Sao chưa đến được tay anh Tạo? Chú thoáng nhận ra “sách của Quách Tấn – nhà thơ đang phục vụ cho “chế độ Ngụy… ”. Chú bèn năn nỉ mượn bạn đem về nhà xem. Và ngay đêm đó, chú đã thức trắng đêm để vẻ, chép tay, sao y bản chính. Rồi mang tặng lại cho bác Quách Tạo. Bác lại mang cho ba tôi cùng xem. Hai người cầm tập thơ giấu diếm rất tội nghiệp, chui vào buồng, thận trọng lật từng trang xem, vì nghe nói tập thơ có 7 bài khóc con chết trận. Sợ nội dung bôi nhọ chế độ XHCN Miền Bắc, làm liên lụy đến người đang sống tại Hà Nội. Song le, đọc đến trang cuối, hai người thở phào nhẹ nhõm. Bài thơ nào trong đó, cũng toát lên lòng yêu nước, yêu dân tộc. Bác Tấn chỉ diễn tả tâm trạng của người cha mất con:

Ân hận vì đã trót sinh con trai trong thời vô đạo
Cầm súng không biết phục vụ cho ai… 

Ngày tôi lấy chồng, ba mượn Hội Trường Hội Nhà Văn Việt Nam, 51 Trần Hưng Đạo tổ chức. Bạn của ba đến dự có: chú Nguyễn Đình, Trinh Đường, Tế Hanh, vợ chồng chú Nguyễn Thành Long, chú Phạm Hổ, vợ chồng chú Vương Linh, bác Khương Hữu Dụng, vợ chồng bác Minh Vĩ… và một số nhà thơ trẻ cơ quan đến chia vui

Bạn bè, cơ quan tôi ở xa nên chỉ cử đại diện. Họ ngại vì nghe trong tiệc cưới của tôi toàn nhà văn, nhà thơ, và có mặt 2 vị Anh Hùng Lao Động (một là Hồ Giáo) nên không ai dám “múa rìu qua mắt thợ” phát biểu. Vì vậy, tôi phải tự hát tặng cho ngày vui của mình bài hát “Mẹ ơi con muốn lấy chồng” nhạc, lời Indonesia. Bài hát có đoạn “Em đã yêu một anh chàng trong cuộc vui này. Chàng thật xinh trai, nước da chàng ngâm ngâm đen. Càng nhìn càng yêu, nhưng cố nén trong lòng … Em nói với mẹ chính con cũng muốn lấy chồng, để dự đám cưới thấy vui là vui trong lòng. Mẹ ơi! thế đến bao giờ con lấy chồng, chỉ sợ có ai đón biết mình muốn lấy chồng!”

Mấy hôm sau chú Đình đến nhà, thấy tôi còn ở đó, chú nhìn tôi vẻ hóm hỉnh, rồi như reo lên: “A! nhà Yến Lan có cô con gái rất dũng cảm trên phương diện tình yêu mà bấy lâu nay chẳng ai ngờ!” Sau câu nói đùa của chú, không những chỉ tôi mà những ai có mặt trong nhà, lúc ấy, đều đớ người, nghệch mặt ra, chẳng hiểu mô tê chi. Chú tiếp: “Con Bích nhà anh khá thật! khá dũng cảm! khá mạnh mẽ, khá kiên cường! Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, có lẽ lần đầu tiên tôi thấy cô dâu tự hát tặng cho mình. Mà dũng cảm hơn là dám tuyên bố với cả hội trường của Hội Nhà Văn Việt Nam, rằng “Mẹ ơi! con muốn lấy chồng”. Chà chà! quá dũng cảm!” Chú vừa nhìn tôi, vừa tặc tặc lưỡi ra điều khâm phục. Tới lúc này mọi người mới vỡ nhẽ ra!. Ba má tôi cười hịch hịch, còn tôi thẹn nóng cả mặt.

Mà chuyện hát tặng cho ngày vui của mình chỉ hiếm ở thời đó, chứ giờ thì không còn lạ với ai cả rồi!

Từ đó, mỗi lần gặp tôi là chú lại trêu “Cô gái dũng cảm nhất nước ta trong lĩnh vực tình yêu đây rồi!”. Đấy, chú Nguyễn Đình là người như thế, sao tôi lại có thể quên chú được nhỉ.

4 bình luận

  1. (Trích của LƯU KHÁNH THƠ)

    Nhiều năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ điệp khúc: nhà 96 các cháu rất ngoan/ mỗi khi lên cầu thang thì đi nhẹ bước/ khi xuống bếp lấy nước thì không làm bẩn nhà/ ấy thế mới gọi là/ là các cháu ngoan/ ấy thế mới gọi là/ là các cháu ngoan. Bài hát này khi đi biểu diễn văn nghệ ở khu phố đã giành được giải nhất. Bọn trẻ trong khu nhà tập thể hễ đứa nào có chút năng khiếu ca nhạc đều trở thành hạt nhân văn nghệ của trường, của lớp vì được toàn các nhạc sĩ tên tuổi “hòa âm luyện giọng”.

    Nhà thơ trào phúng Nguyễn Đình, tác giả nhiều bài thơ châm biếm đả kích cũng là người rất tâm lý. Văn nghệ sĩ thường làm việc đêm, ban ngày muốn nghỉ ngơi thì trẻ con lại thường đùa nghịch ồn ào. Bảo thế nào bọn chúng cũng không nghe, càng mắng mỏ, dọa nạt chúng càng làm ồn. Nhiều khi chuyện trẻ con đã làm mất lòng người lớn. Nhà thơ Nguyễn Đình đã nghĩ ra cách giáo dục bằng “văn học nghệ thuật”.

    Ông viết lên tấm bảng to trên tường nhà mình, câu chuyện Bác Hồ đã quỳ xuống nhấc cái chuông treo trên cầu thang để giữ giấc ngủ cho người cần vụ. Kết thúc chuyện ông làm mấy câu thơ: Quỳ gối nâng chuông cho khỏi động/ Tấm gương cao cả vạn đời soi/ Cháu ngoan của Bác Hồ ơi/ Nhẹ chân khẽ tiếng cho người nghỉ trưa/ Mồm la chân cứ nhảy bừa/ Làm người rức óc Bác ưa không nào?

    Vậy là lũ trẻ con trở nên ngoan hiền đến bất ngờ! Nhà thơ Nguyễn Đình rất tài làm thơ ứng khẩu kiểu “Bút tre”. Mỗi khi làm bích báo nộp ở lớp, khi nào bí quá chúng tôi lại phải nhờ đến ông, thù lao trả bằng cách… nhổ tóc bạc. Ông cũng hay bị/ được trở thành nhân vật chính trong các bài thơ sáng tác tập thể truyền miệng theo kiểu văn học dân gian. Mọi người trong khu nhà vẫn nhớ bài thơ vui do nhà thơ Vĩnh Mai và Xuân Quỳnh “tức cảnh” sáng tác trong một vài phút.

    Trong nhiều bài thơ châm biếm đả kích chế độ ngụy quyền Sài Gòn, nhà thơ Nguyễn Đình thường gọi Thiệu – Kỳ là Thẹo – Cầy. Nên có thơ rằng: Cuộc đời sao khéo phất phơ/ Ăn cơm tập thể ngâm thơ Nguyễn Đình/ Cơm tập thể thiu thiu, thiếu thiếu/ Thơ Nguyễn Đình Thẹo Thẹo, Cầy Cầy/ Cơm kia cùng với thơ này/ Cuộc đời như thể đi đày Côn Lôn! Nghe Xuân Quỳnh đọc bài thơ kèm theo tiếng cười tinh nghịch, ông không giận mà còn cười khoái trí và khen: “Khá đấy”.

  2. em vẫn còn nhớ đấy ạ 😀

  3. Bác Lưu Khánh Thơ có phải cán bộ tuyên truyền trước đây không mà còn viết “chế độ ngụy quyền Sài Gòn” như thế này ?
    Hoá ra việc hoà giải dân tộc khó thật,ngay cả lời nói và chữ viết !

  4. Cảm ơn bạn Phụ Tá đã cho biết thêm về chú Nguyễn Đình-người mà cả nhà tôi yêu quí. Những điều bạn viết trên như chất xúc tác càng tăng thêm tình cảm của tôi đối với chú Nguyễn Đình.
    Còn bạn Nhật Lệ đừng suy nghĩ bận lòng về những chữ mà nhà thơ Lưu Khánh Thơ viết, đây là nhắc lại những gì xảy ra hồi bấy giờ thôi mà bạn.

Bình luận về bài viết này