THÁI BÁ VÂN – MỘT TRÍ TUỆ MINH TRIẾT


NGUYỄN TRỌNG TẠO

thai ba van

Thái Bá Vân – Tranh: Đinh Quang Tỉnh

Tôi không thích cách nói của tờ tạp chí HERITAGE về Thái Bá Vân, dù là đề cao ông khi họ gọi ông “là một trong những nhà phê bình Mĩ thuật tinh tế nhất của Việt Nam”, nhưng tôi cảm thông bởi một lý do giản dị rằng, nếu nói thẳng ra “ông là nhà phê bình Mĩ thuật số một của Việt Nam” thì dễ bị bắt bẻ. Và sự thật là mơ sáng chủ nhật này, sau khi nghe cú điện thoại sét đánh báo tin Thái Bá Vân qua đời, tôi bàng hoàng cảm giác cái đỉnh núi của nghiên cứu phê bình Mĩ thuật đã sạt đổ, để lại một vòm trời trống rỗng khó lòng bù đắp nổi. 

Tôi chưa bao giờ là bạn của Thái Bá Vân, kể cả bạn vong niên. Với ông, tôi chỉ là một người yêu đơn phương vĩnh viễn, luôn đọc ông và đứng xa nhìn ngắm chiêm ngưỡng cái thân hình mong manh chứa đầy lịch lãm, uyên thâm và quả quyết trong nhận định và tranh luận thành văn. Lần đầu tiên tôi được gặp ông (1980) trong một cuộc rượu tại nhà họa sĩ Nguyễn Tấn Cứ, ông chưa uống xong chén rượu thì người nhà gọi “có việc” phải về. Gần chục họa sĩ, văn sĩ còn lại thở dài “tha thứ” cho ông, và cuộc rượu bỗng nhạt nhẽo như thiếu vắng linh hồn. Sau đó, thỉnh thoảng tôi gặp ông tại nhà Văn Cao, nhà Trịnh Công Sơn hay thấp thoáng trong một quán bar đâu đó dọc con đường xuyên Việt. Ông lặng lẽ như một người khép mình, một hiền triết câm lặng. Mãi đến gần đây, đầu năm 1998, tôi mới quyết định tìm ông để mời ông viết chân dung một số họa sĩ và lời tựa cho bộ sách “Trăm người của trăm năm” (sau này nxb Lao Động đề nghị đổi tên thành Những người lao động sáng tạo thế kỷ XX)  mà chúng tôi đang thực hiện. Thái Bá Vân rất vui, và chỉ vài tuần sau ông đã mang tới bài viết rất hay về họa sĩ Nguyễn Sáng. Riêng về bài tựa cho bộ sách mà chúng tôi mời ông viết, ông hết sức băn khoăn, cái sự băn khoăn thật khiêm nhường của một con người biết rõ mình hơn ai hết. Ông đề nghị chúng tôi mời một người khác tầm cỡ hơn ông. Quả là nước ta còn không ít những người “tầm cỡ”, nhưng viết ra những trang, những dòng, những chữ sang trọng, lịch lãm, uyên thâm, sắc sảo và quả quyết như ông kể cũng thật hiếm hoi.

Hình như Thái Bá Vân thương cái lối thuyết khách thô mộc và rắn đanh kiểu xứ Nghệ của người đồng hương, mấy ngày sau ông điện thoại nói mềm với tôi rằng, để mình suy nghĩ thêm. Cũng qua cú điện thoại này, ông biết được cuốn sách “Thái Bá Vân tiếp xúc với nghệ thuật” của ông đã được in ra. Ông hỏi tôi xem sách bán ở đâu để ông đến mua tặng bạn. Tuần sau, tôi đến cơ quan vào buổi chiều, nhận được mấy dòng ông nhắn lại: “Mình đã mua được 5 cuốn, mang sách đến tặng Tạo nhưng không gặp. Sáng mai Tạo đợi mình đến 10 giờ nhé”. Hóa ra ông đã mang sách đến mà không gửi lại qua tay ai cả. Ông cẩn thận quá! Sáng hôm sau đúng 10 giờ, ông lại đi xe ôm từ Thanh Xuân lên 51 Trần Hưng Đạo, đứng khép nép ngoài cửa phòng nhờ người văn thư nhắn tôi ra để ông đưa sách. Cuốn sách vuông (19 x 19cm), bìa đen, giấy trắng toát dày tới 500 trang do họa sĩ Thái Thị Mây (con gái ông) trình bày đẹp như sách ngoại, in 99 bài viết của ông cùng hai “lời cuối sách” của Lê Đạt và Trần Quốc Vượng. Ở trang đầu sách ông đã đề sẵn mấy chữ “Bản của Nguyễn Trọng Tạo – 6 – 1998” với chữ ký thật rõ ràng, sắc nét. Tôi đã đọc nhiều bài viết của ông đăng tải trên các sách, báo, tạp chí trong và ngoài nước, nhưng đến khi đọc cuốn sách này, tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi một tài năng trời ban hiếm có. Ông am tường về lịch sử Mĩ thuật đông – tây và Việt Nam đến nỗi những kiến thức uyên bác ấy không chỉ luôn phát sáng trong những bài nghiên cứu mà còn phát sáng trong những bài phê bình (thưởng thức). Ông tâm đắc với Đào Duy Anh về hai chữ thưởng thức với ý nghĩa “Có yêu mến mới thiệt là biết”, và đấy chính là cái tâm sáng xuyên suốt tất cả những bài phê bình Mĩ thuật của ông. Đọc Thái Bá Vân ta bắt gặp một thái độ nghiêm cẩn, một trí tuệ minh triết, một trái tim nhạy cảm chứa đựng nhiều đau khổ lo âu hơn người thường. Ông cũng có những thử nghiệm mang lại vinh quang hay bão tố, có những điều chỉnh khiêm nhường và cũng có những trầm tư “không thay đổi ý kiến”. Sau tất cả, dường như ông được sinh ra để dành riêng cho nghệ thuật. Những tác phẩm nghệ thuật được trái tim ông soi vào là chúng tỏa ra ý nghĩa và màu sắc rực rỡ. Ông đã làm đảo lộn lời khuyên của tiền nhân “đi tìm chân lý nghệ thuật chỉ hiểu ý chứ không thể nói ra”. Ông đã “nói ra” được những điều không thể nói. Chính vì vậy mà ông là một bậc kì tài trong lĩnh vực của ông – song hành cùng Cái Đẹp.

Đọc Thái Bá Vân, tôi nghĩ rằng, ông đồng thời là một nhà văn với ngôn ngữ kim cương không trộn lẫn. Hai mươi năm trước, tôi kinh ngạc về văn tài của ông khi đọc bài “Ăng-co, tâm hồn của đá”, có cảm giác là mỗi trang văn của ông chứa đựng cả ngàn trang sách cổ kim, mà lại vẫn là của một Thái Bá Vân hiện diện: súc tích, chân thành, tỏa sáng triết lý và khát vọng. Hình như Ăng-co và văn của Thái Bá Vân đã có một cuộc gặp gỡ trên cao. Mười năm sau (1989), tôi có dịp thăm Ăng-co, với chiếc trực thăng của M.479 (mặt trận 479) lượn 5 vòng từ rộng đến hẹp để thưởng thức ngôi đền 5 tháp từ trên trời, và cuối cùng là xuống đi bộ vào ruột tháp, tôi biết không thể nào viết hay bằng ông về kì quan siêu nhiên này. Nhưng nhờ có bài viết của ông mà tôi đã làm được những câu thơ: “Tôi đi từ Địa ngục tới Thiên đường/ Từ xác đá tới Linh hồn của đá/ Ôi Ăng-co thăng trầm bao thế kỷ/ Đỉnh máu xương hóa đá dựng lâu đài”. Và tôi như thấy Thái Bá Vân luôn Hiện hữu.

Tới đây, tôi bỗng nhớ những dòng ông viết khi Văn Cao qua đời: “Viết về một người như anh là khó. Một, là đừng nhờ dựa vào bóng anh để mọc lên như một thứ cỏ hoang. Hai, là đừng bình phẩm về anh với giọng điệu ngang hàng, hoặc trên anh. Vẫn biết sự dối trá trên đời này vẫn làm nên sự nghiệp”. Tôi xin mượn câu nói của chính ông để kết thúc mấy dòng tôi viết về ông. Và xin ông lượng thứ, vì không kịp nói với ông khi ông còn có thể mỉm cười. 

Hà Nội, đêm 25 – 2 – 1999 (âm lịch)

Một bình luận

  1. Bài viêt rất hay và xúc đông về ngườ con xứ Nghệ. Tôi đã về viêng con trai của Anh T.B.Vân vừa qua đời.Nhà quá nghèo, 16 met vuông có 5 người ,3 bàn thờ..điều quý giá nhất là bưc tranh của cố nhac sỹ Trịnh Công Sơn vẽ tăng Anh Vân treo trên tường….

Bình luận về bài viết này