HUYỆN DIỄN CHÂU QUÊ TÔI ĐÃ CÓ ĐỀN THỜ LIỆT SỸ


Khánh thành Đền thơ Liệt sĩ Diễn Châu

Khánh thành Đền thơ Liệt sĩ Diễn Châu

Năm 2008, theo yêu cầu của dân, huyện đã chủ trương xây dựng mới Đền thờ Liệt sỹ ngay cạnh trung tâm. Sau khi tham khảo một số Đền thờ Liệt sỹ trong Nam ngoài Bắc, bản quy hoạch và mẫu vẽ Đền thờ Liệt sỹ của huyện đã được hoàn thành vào năm 2009.

Bí thư Nguyễn Trung Tiếp và Chủ tịch Ngô Đình Nhậm đánh xe ra Hà Nội mời tôi và nhà thơ Võ Văn Trực đi tham khảo văn bia, câu đối ở Đền thờ Liệt sỹ huyện Trực Ninh để giúp viết văn bia cho Đền thờ Liệt sỹ huyện nhà, nhưng nhà thơ Võ Văn Trực bị đau không đi được. Tôi chụp mấy bài văn bia về đưa cho anh Trực xem tham khảo và động viên anh viết. Anh Trực nhận lời. Cuối cùng tôi viết bài văn bia chính “Tưởng nhớ Anh hùng Liệt sỹ”, anh Trực viết Bài văn vần “Hồn thiêng”, và tôi cùng anh viết chung bài “Tình Sông nghĩa Núi”. Còn phần câu đối thì các nhà thơ, nhà nho ở quê (Đặng Ngọc Liễn, Mạc Thực, Cảnh Nguyên, Cao Xuân Thưởng, Nguyễn Thị Phước…) viết. Sau một thời gian trưng cầu ý dân, và nhiều cuộc họp các bậc thức giả và lãnh đạo huyện nhà, 3 bài văn bia và 7 câu đối đã được chọn.

Thỉnh thoảng về quê, tôi ghé thăm công trường đang thi công Đền thờ Liệt sỹ và được biết nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã ủng hộ việc xây dựng đền bằng tiền và hiện vật. Có doanh nghiệp ủng hộ đến 2 tỷ đồng. Có người ủng hộ tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúc theo nguyễn mẫu Tượng Bác tại văn Phòng Thủ Tướng Chính phủ, cao 2,2m nặng 1,2 tấn bằng đồng nguyên chất. Có người ủng hộ bộ cánh cửa cồng Đền bằng gỗ lim chắc nịch…

Mặt sau tấm văn bia chính.

Đền thờ Liệt sĩ huyện Diễn Châu được khởi công xây dựng từ tháng 8/2009, và ngày 17/12/2011 đã long trọng tổ chức lễ cắt băng khánh thành. Trước đó, các nghi lễ đặt tượng Bác, lễ cầu siêu cho 100 Mẹ Việt Nam Anh hung đã mất và gần 5.000 liệt sĩ, những người con ưu tú của Diễn Châu đã ngã xuống trong 2 cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho dân tộc.

Với tấm lòng thành kính, Đảng bộ và nhân dân Diễn Châu đã dâng lên Bác và các các anh hùng liệt sĩ những nén hương, bó hoa tươi thắm. Đền thờ Liệt sĩ Diễn Châu, sẽ là nơi giáo dục truyền thống cho các lớp thế hệ trẻ mai sau và là điểm du lich tâm linh, nơi tri ân của nhân dân trong và ngoài huyện đối với các anh hùng liệt sĩ. Dự lễ có các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí Phó chủ tịch UBDN tỉnh: Thái Văn Hằng, Lê Xuân Đại, Đinh Viết Hồng và đại diện các sở, ban ngành cấp tỉnh, anh hùng lực lượng vũ trang, các đồng chí lãnh đạo cấp bộ ngành Trung ương là con em quê hương Diễn Châu và đông đảo nhân dân trong huyện. Thay mặt bà con Diễn Châu tại Hà Nội về dự có cựu Chủ tịch tỉnh Nghệ An, nguyên Thứ trưởng bộ Nông Nghiệp Chu Mạnh và nguyên Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc…

Công trình Đền thờ Liệt sỹ huyện Diễn Châu được đầu tư xây dựng trên cơ sở mở rộng, nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ huyện, có tổng diện tích hơn 2 ha, cạnh quốc lộ 7. Công trình được thiết kế gồm các hạng mục chính là Đền thờ Bác Hồ và Nhà Bia ghi công các anh hùng liệt sỹ, phần mộ cùng nhiều hạng mục khác, với tổng trị giá hơn 32 tỷ đồng.

Đền thờ Liệt sỹ Diễn Châu là một địa chỉ văn hóa Tâm Linh giữa quê nhà. Khánh thành Đền thờ Liệt sỹ là dịp để cán bộ và nhân dân Diễn Châu ôn lại quá khứ hào hùng của quê hương, đây là địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ con em huyện nhà hiểu thêm sự hi sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước – những người con ưu tú của quê hương đã ngã xuống cho đất nước nở hoa độc lập. Với giá trị truyền thống và linh thiêng, cùng với di tích lịch sử Đền Cuông, Đền thờ liệt sỹ Diễn Châu tiếp tục làm tỏa sáng nét đẹp tâm linh trong đời sống văn hóa của người dân Diễn Châu anh hùng.

.

VIẾT VĂN BIA, CÂU ĐỐI ĐỀN THỜ ANH HÙNG LIỆT SĨ

NGUYỄN TRỌNG TẠO

Nơi đâu nhiều cảnh đẹp, miếu thiêng ắt nơi đó tụ quần tứ xứ. Diễn Châu có lèn Hai Vai (còn gọi là Di Lặc Sơn) ngọn núi đá nhô lên giữa đồng bằng mênh mông, có sông Bùng (Phùng Giang) uốn lượn hiền hòa xuôi ra biển cả như biểu tượng sông núi quê hương; lại có đền Cuông thờ An Dương Vương uy nghi trên núi Mộ Dạ mang chứa nhiều bí ẩn lịch sử và truyền thuyết Rùa thần hay Mỵ Châu – Trọng Thủy. Khi nhắc về đất Diễn Châu, những con người sinh ra ở đây hay khách thập phương không ai không nhớ đến những cảnh đẹp, miếu thiêng ấy.

Trải qua nhiều thời kỳ biến thiên của lịch sử, mảnh đất và con người Diễn Châu để lại nhiều chiến tích và chiến công. Nhiều Anh hùng, Liệt sĩ Diễn Châu đã xây đắp quê hương đất nước bằng trí tuệ, lòng dũng cảm và cả xương máu của mình. Sự hy sinh cho Tổ quốc luôn được các thế hệ nối tiếp thượng tôn kính trọng, luôn được tôn thờ trong tâm khảm. Cũng đã có nghĩa trang Liệt sĩ ghi công những bậc tiền bối cách mạng trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Cũng đã có nhiều nghĩa trang Liệt sĩ được xây dựng khắp xã thôn. Nhưng việc xây dựng một đền thờ các Anh hùng, Liệt sĩ là nguyện vọng của con dân, và nguyện vọng ấy đã thành chủ trương của Huyện. Đền thờ các Anh hùng, Liệt sĩ Diễn Châu không chỉ là đền thờ của lòng biết ơn mà còn là một đền thờ tâm linh, một đền thờ mang tinh thần văn hóa tâm linh mới.

Khi đền thờ các Anh hùng, Liệt sĩ Diễn Châu được khởi công xây dựng (2009), anh Nguyễn Trung Tiếp và anh Ngô Đình Nhậm, hai vị lãnh đạo huyện đã thân chinh ra thủ đô Hà Nội tìm người viết Văn bia, Câu đối cho đền. Nhiều người thông thạo đã giới thiệu cho huyện những bậc túc nho hay giáo sư, tiến sĩ thủ đô, nhưng các anh lại muốn Văn bia, Câu đối ở đền thờ các Anh hùng, Liệt sĩ Diễn Châu phải được chính những người con Diễn Châu làm nên. Cuối cùng các anh mời tôi và nhà thơ Võ Văn Trực tham gia. Tuy biết “khôn Văn ai dại Câu đối”, nhưng cũng vì cái tinh thần quê hương đó mà tôi và anh Võ Văn Trực đã lấy làm vinh dự nhận lời, nhưng chúng tôi cũng đề nghị huyện thông báo để nhiều người cùng tham gia.

Anh Tiếp và anh Nhậm mời chúng tôi về thăm đền thờ Liệt sĩ huyện Trực Ninh (Nam Định) nhưng anh Trực bị ốm không đi được. Đền thờ Liệt sĩ Trực Ninh mới xây dựng, mái ngói còn đỏ tươi, nhưng bước vào cổng Tam quan bỗng thấy một không khí linh thiêng tràn ngập. Hàng nghìn dòng tên các liệt sĩ ghi trên bia của các xã khiến tôi xúc động thật sự. Tôi nhớ những đồng đội của tôi đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tôi nhớ những bậc đàn anh đã xả thân trong kháng chiến chống Pháp. Và tôi nhớ  những người lính đã nằm xuống dọc biên cương, hải đảo của Tổ quốc… Nhưng việc quan trọng hơn của tôi khi đến đây là xem Văn bia, Câu đối để học tập. 3 bài văn bia và câu đối trang trọng ở Đền thờ Liệt sĩ Trực Ninh đều do Anh hùng lao động Vũ Khiêu, một giáo sư nổi tiếng chữ nghĩa của đất nước viết. Tuy vậy, tôi đọc thì thấy chữ nghĩa của ông khá mộc mạc, bình dân. Tôi chụp lại tất cả, rồi về Hà Nội chuyển lại cho nhà thơ Võ Văn Trực nghiên cứu tham khảo. Sau khi đọc văn bia và câu đối Đền thờ Liệt sĩ Trực Ninh, anh Trực nói với tôi: “Cụ Vũ Khiêu viết hơi bình dân, còn Văn bia, Câu đối ở đền thờ các Anh hùng, Liệt sĩ Diễn Châu phải mang đậm được tinh thần của Diễn Châu, đó là tinh thần của đất và người Diễn Châu, đất và người xứ Nghệ”. Với tinh thần đó, anh Trực đã viết 2 bài văn bia theo các thể thơ dân gian phổ biến ở quê hương.

Tôi được giao viết bài Văn bia chính cho đền thờ. Sau khi nghiên cứu các bài Văn bia nổi tiếng của các thời và đặc biệt là các bài Văn bia viết về Anh hùng, Liệt sĩ  của đất nước, tôi lựa chọn lối viết phóng khoáng kết hợp thể phú và văn xuôi. Nhưng mấy lần đặt bút mà không viết nổi. Mãi đến hôm anh Tiếp gọi điện hỏi, tôi vẫn bảo là chưa viết được. Nhưng ngay tối hôm đó có người cho tôi một ít trầm hương, tôi đốt trầm đặt lên bàn thờ khấn vái rồi mở máy tính ra viết, và thật linh nghiệm, câu đầu tiên đã hiện lên trên màn hình, và cứ thế, tôi viết một mạch cho đến khi kết thúc. Sáng hôm sau tôi xem lại, sửa chữa kỹ hơn rồi gửi qua Email cho anh Tiếp. Không ngờ bài Văn bia đã làm cho vị Bí thư từng là lính cùng ngày nhập ngũ với tôi trong kháng chiến chống Mỹ đã không cầm được nước mắt. Anh Tiếp nói qua điện thoại với tôi sau khi đọc bài Văn bia đó, giọng vẫn còn run run xúc động.

Thú thực là khi viết bài Văn bia cho đền thờ Anh hùng, Liệt sĩ quê nhà, tôi cũng đã nhớ lại cả một thời chiến tranh oanh liệt mà thế hệ chúng tôi nếm trải. Tôi muốn nhìn lịch sử bằng con mắt của hậu thế và cả con mắt của người trong cuộc. Ngay cả truyền thuyết An Dương Vương và Mỵ Châu – Trọng Thủy tôi cũng không muốn đề cao chuyện cha chém con hay tình yêu mù quáng, mà muốn nhấn mạnh tinh thần chống xâm lược của dân tộc ta, và coi sự thua trận của An Dương Vương là một mối hận lớn gửi lại cho đời sau: “An Dương Vương ôm hận loài xâm lược, chọn đất này kết Ngọc long lanh”.

Cũng với tinh thần đó, tôi bàn với anh Trực sửa lại 2 bài Văn bia của anh, nhưng anh Trực chỉ sửa được 1 bài, còn một bài anh nhờ tôi sửa chữa và viết thêm đứng tên đồng tác giả.

Các “nhà câu đối” của Huyện cũng đã viết được hơn hai chục câu đối cho đền thờ. Thế là 3 bài Văn bia và 20 Câu đối đã được Huyện tổ chức trưng cầu dân ý. Sau 2 tháng, Huyện nhận được nhiều ý kiến góp ý vô cùng sâu sắc. Và một cuộc họp được triệu tập bao gồm đại diện Thường trực huyện ủy, Ủy ban, HĐND, ban Tuyên giáo, các nhà văn, nhà giáo và các tác giả… do Bí thư Nguyễn Trung Tiếp chủ trì. Trong cuộc họp này, nhiều ý kiến đóng góp của cuộc trưng cầu dân ý đã được tiếp thu. Cả hội đồng cùng tham gia sửa chữa cụ thể đến từng chữ để chọn ra một văn bản cuối cùng. Có thể nói, đây là một cuộc họp tập trung trí tuệ của những người con Diễn Châu cùng vì sự sáng danh của lòng tri ân với các Anh hùng, Liệt sĩ và văn hóa quê nhà.

Dưới đây là văn bản chính thức Văn bia, Câu đối  đền thờ Anh hùng, Liệt sĩ Diễn Châu đã được Hội đồng thông qua:

TƯỞNG NHỚ ANH HÙNG LIỆT SĨ

Núi Hai Vai gánh trời xanh vĩnh cửu. Dòng dông Bùng tuôn mực vẽ thành tranh. Tên Diễn Châu không chỉ một địa danh, đây xứ sở “Địa linh Nhân kiệt”. An Dương Vương ôm hận loài xâm lược, chọn đất này kết ngọc long lanh. Lớp lớp cháu con rừng núi đến biển xanh, nguyện tô đẹp quê hương như Ngọc sáng.

Thời giặc giã bao anh hùng kháng chiến, nguyện một lòng vì nước quên thân. Con cháu theo cha ông đánh giặc; bao tiến sĩ, trạng nguyên vung bút, giáo đuổi thù, bao người dân hiền lành đã làm nên Xô viết, cả quê hương lấy máu vẽ nên cờ… 

“Không có gì quý hơn độc lập tự do!” – Lời Bác gọi là lời sông, lời núi. Kháng chiến trường kỳ người đi như sông suối, đất Diễn Châu là vựa thóc nuôi quân, người Diễn Châu ai cũng là chiến sĩ. Tiền tuyến đạn bom, hậu phương cũng đạn bom. Thề không đội trời chung cùng giặc nước. Bám biển, bám đồng, lòng theo hướng quân đi… 

Những người lính Diễn Châu vào nam ra bắc, chiến công dâng sáng trang sử quê nhà, người trước ngã làm cầu người sau tiến. Người hy sinh công lao như trời biển. Mẹ anh hùng gương sáng mãi chung soi. Những hy sinh cho hòa bình hạnh phúc, những đau thương nuốt nước mắt nở cười.   

Giờ tất cả về đây những anh hùng hào kiệt, những bô lão, thanh niên, nhi đồng đã vì nước xả thân. Những linh hồn sống mãi với nhân dân, với hương khói muôn đời còn thơm mãi. Cây ươm trồng đã tươi hoa ngọt trái, cành xum xuê che chở những linh hồn.  

Đất nước trường tồn
Quê hương giàu đẹp
Máu cha anh thắp lửa  muôn đời
Truyền ánh sáng soi đường về chân lý
Đốt nén hương lòng, nhớ ơn Liệt sĩ
Khắc đá làm bia dựng giữa tim người
Đất Mẹ Diễn Châu vinh hiển đời đời!…

Ngày…. Tháng…. Năm 2010

ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN DIỄN CHÂU XÂY ĐỀN DỰNG BIA
Nhà thơ NGUYỄN TRỌNG TẠO viết lời văn.

.

Tình sông nghĩa núi

TÌNH SÔNG NGHĨA NÚI

Núi Hai Vai oai phong huyền thoại

Dòng sông Bùng lụa trải dân ca

Đất kiêu hùng bao thuở ông cha

Giờ con cháu thêu hoa dệt gấm

Hội đền Cuông ngày xuân nổi trống

Biển quê hương vào lộng ra khơi

Cửa Vạn, cửa Hiền rộng mở chân trời

Đồng Bút đồng Nghiên cánh cò bay sải

Đất cấy gặt núi mang hình Lưỡi Hái

Mỗi làng quê thanh lịch mỗi nét duyên

Truyền thống Đại Khoa: Tiến Sĩ, Trạng Nguyên…

Thắp ngọn lửa muôn đời hiếu học

Chốn quê nghèo nhà cao tầng đã mọc

Phố huyện nay thành đô thị rạng ngời

Biển Diễn Thành vẫy gọi khách muôn nơi

Đường Thiên Lý thênh thang ngày mới

Hồ Xuân Dương lắng tình sông nghĩa núi

Câu dặm vè chấp chới cánh diều bay

Quê hương văn hiến là đây

Địa linh nhân kiệt đất này hiển vinh…

Nhà thơ Võ Văn Trực và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết lời văn

.

Hồn thiêng

HỒN THIÊNG

Thênh thênh sông núi quê nhà

Kia là Di Lĩnh, nọ là Phùng Giang

Xuân về mượt cỏ nghĩa trang

Hồn thiêng thuở trước nay càng linh thiêng

Làng mở hội tháng Giêng

Người như sông như núi

Thùng thùng hồi trống nổi

Boong boong tiếng chuông rền

Con cháu đã xây đền

Thờ Anh hùng, Liệt sĩ

Các anh linh yên nghỉ

Êm ấm tựa lòng nôi

Tổ Tiên đang mỉm cười

Cùng các anh kiêu hãnh

Dưới cờ hồng lấp lánh

Sáng chói những tên người

Từ đền Cuông nghìn đời

Đến Động Thờ rạng rỡ

Nguyễn Xuân Ôn còn đó

Phùng Chí Kiên còn đây

Đài Xô Viết ngang mây

Mãi rạng ngời truyền thống

Trên con đường vạn dặm

Chung tay dựng cơ đồ

Con cháu lại phất cờ

Nhớ ơn người thuở trước…

Nhà thơ Võ Văn Trực viết lời văn

.

CÂU ĐỐI

(Đặt theo thứ tự từ ngoài cổng vào)

 

1.
Mộ Dạ cao sơn lưu cổ miếu
Diễn Châu thắng địa toạ linh từ.

Dịch nghĩa: 
Mộ Dạ non cao lưu miếu cổ.
Diễn Châu cảnh đẹp vững Đền thiêng

 

2.
Công lớn anh hùng non cao khó sánh
Ơn sâu liệt sĩ biển cả nào bằng

 

3.
Thể phách gửi núi sông, mãi mãi tuổi xanh cùng đất nước
Linh hồn quy đất mẹ, đời đời gương sáng với nhân dân

    

4.
Con liệt sĩ ơn sâu, Tổ quốc ghi công muôn thuở
Mẹ anh hùng nghĩa nặng, nhân dân tạc dạ nghìn thu

 

5.
Trăng nước Phùng Giang in bóng anh hùng, dòng thêm biếc
Trời mây Di Lĩnh ru hồn liệt sĩ, nắng càng trong

 

6.
Chính khí tự Di Sơn thiên thu vĩnh tại
Tinh thần như Phùng thủy vạn đại trường lưu

 Dịch nghĩa:
Khí mạnh tựa núi Di nghìn năm còn mãi
Tinh thần như sông Bùng muôn thuở sinh sôi

 

7.
Lấy độc lập tự do làm quý
Coi sơn hà xã tắc là thiêng

2 bình luận

  1. Diễn Châu quê mình tài giỏi đúng ko bác

  2. Diễn Châu là đất văn hiến? Nhiều văn nghệ sĩ và các ông lãnh đạo, lại có cả Hoa hậu thế giới người Việt (Ngô Phương Lan). Nghe nói có đến 24 người DC là hội viên hội Nhà văn VN mà có bác Sơn Tùng được phong Anh hùng lao động. Một huyện mà nhiều nhà văn rứa thì đúng là văn hiến rồi. Nửa thế kỷ nay lãnh đạo cao nhất của Nghệ An cũng là người DC, nhiều đến nỗi người ta nói “muốn làm dân Nghệ An phải học tiếng DC”!!! Ngày xưa có xã Diễn Hồng chuyên làm giả xe đạp “Thống Nhất” như thật. Ngày nay có em gì đó làm giả rượu Tây hàng nghìn chai chở vô Sài Gòn, bị bắt. Tôi đến DC vào quán nhậu gọi bia, chị chủ quán hỏi “chú uống bia chi để chị dán nhãn?”… he he…
    Cám ơn bác Tạo.

Bình luận về bài viết này