GIỌT NƯỚC TRÀN LY


Sổ Tay Thường Dân TƯỞNG NĂNG TIẾN 

Ai khủng bố ai ngoài trái đất.
Tôi nép bóng tôi sát chân tường.
Con ong cái kiến co mình lại.
Còn sống mà như đã tử thương.

 Nguyễn Trọng Tạo (“Khủng Bố”) 

Những trại cải tạo lao động, ở ViệtNam, thường không có điện.

Sinh hoạt, do đó, được phân chia rõ rệt: từ lúc mặt trời mọc cho đến khi lặn là thời gian dành cho “công tác.” Giữa khoảng thời gian đó, trại viên được “tùy nghi.”

Phải sống trong cảnh tối tăm mới thấy đêm dài, nhất là những đêm đông.  Có đêm, tôi khều thằng bạn nằm bên – hỏi nhỏ:

– Theo mày thì lúc nào, hay nơi nào, được coi là hạnh phúc nhất trên đời này?

– Bắc Mỹ Thuận.

Nó đáp nhẹ nhàng, và lẹ làng, không một giây do dự. Tôi ngớ người ra một lát – và chỉ một lát thôi – rồi nhớ ngay đến sông Tiền Giang, với những đám lục bình lơ lửng trên dòng nước đẫm màu phù sa, đang cuồn cuộn trôi nhanh trong nắng chiều vàng rực, giữa bến bờ xanh um – xa ngút mắt.

 

Trong lúc cả đoàn xe xếp hàng dài, chờ đến luợt xuống phà, người ta tấp nập ra vào những quán ăn nằm san sát bên đường. Không khí thơm lừng mùi gà nuớng, tôm nướng, heo nướng, bò nướng, cá nướng, chuột nướng…Không gian rực rỡ màu sắc của đủ loại trái cây quen thuộc, của miềnNam: khóm, mận, ổi, nhãn, soài, măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, cam, quýt … 

Duới phà chen lẫn với hành khách là những em bé bán hàng rong: xôi vị, cốm dẹp, nước dừa, bánh tằm bì, chuối nướng, chè đậu, gỏi gà, cháo vịt, nem nướng, chả chiên, mía hấp, bì cuốn, bún mắm, chả giò, đậu phụng, cà rem, trà đá, ốc gạo hấp lá gừng, ốc leng xào dừa, chim mía rô ti…

 

Tôi nuốt nước miếng cùng với ý nghĩ rằng: thằng em này … đang đói, và đói lắm. Nói tình ngay, vào thời điểm đó (những năm đầu sau ngày “giải phóng,” và gần cả hai thập niên sau nữa) cả nước đều đói cả – và đói lả-chứ chả riêng gì mấy đứa chúng tôi.

Thời đó, may quá, đã qua rồi. Cái đói, cùng với miếng ăn, không còn là điều ám ảnh thường trực đối với – phần lớn –  những người dân Việt.

 

Bắc Mỹ Thuận cũng không còn nữa. Thay vào đó là cây cầu Mỹ Thuận, tân kỳ và tráng lệ, một món quà tặng qúi báu và mắc giá của người dân Úc, đã lạnh lùng đưa những chuyến “đò ngang” đi vào…  lịch sử!

 

Đêm khác, tôi quay qua khều một thằng bạn khác, và cũng hỏi (nhỏ) một câu tương tự:

– Theo mày thì lúc nào hay nơi nào được coi là hạnh phúc nhất trên đời này?

– Đó là lúc giữa khuya. Đang nằm ngủ bỗng ghe tiếng tiếng xe thắng gấp, tiếng súng đạn lách cách, tiếng chân người rầm rập xông vào đập cửa nhà… bên cạnh! Nằm co rúm người lại, chờ đến khi thằng cha hàng xóm bị lôi đi. Sau đó là tiếng thở phào nhẹ nhõm, không chỉ của riêng mình mà (có lẽ) của cả hàng trăm người khác nữa, đang trú ngụ trong cùng khu phố.  Rồi không khí yên ắng trở lại. Cứ y như thể là chưa hề có chuyện gì (đáng tiếc) xẩy ra, cho bất cứ ai. Thiệt là hú vía!

– Đ… mẹ, sao hạnh phúc của mày nghe kỳ cục và… thất đức dữ vậy? 

Tôi chửi thề theo thói quen, và lên giọng đạo đức cho nó đã miệng, chớ

thiệt tình khó chối được rằng hạnh phúc (theo như cách nói của thằng này) tuy có hơi …bất nhơn nhưng thực tế, và vừa trong tầm tay của mọi công dân – tại Việt Nam.

Ở xứ sở này – hơn nửa thế kỷ qua – mấy thế hệ kế tiếp nhau, đã sống dở (và chết dở) trong cái thứ niềm vui và hạnh phúc “đơn sơ” và « giản dị » như thế. Người Việt không còn ai dám ước ao được sống an lành, hay sung sướng nữa. Tất cả chỉ cầu mong được tạm yên thân, và đỡ khổ hơn tha nhân, là đã đủ lấy làm mãn nguyện lắm rồi.

Đau khổ hay hạnh phúc, nghĩ cho cùng, vẫn thường tuỳ vào nhận thức (rất chủ quan và tương đối) của từng cá thể. Người ta có thể sống chui rúc trong một căn phòng mỗi bề 3 thước mà cả nhà vẫn thấy thoải mái và no đủ chỉ vì những người sống kề bên (cũng chừng đó nhân khẩu) nhưng chỉ đuợc phân cho có 2 mét ruỡi thôi, và tiêu chuẩn – thịt, mỡ, mắm, muối, gạo đường – của họ cũng ít hơn gia đình mình, chút xíu!

Đó là chuẩn tắc sinh hoạt, theo mô hình của một cái thang lật ngược, vào Thời Đại Hồ Chí Minh Quang Vinh. Cái thời đại thổ tả này, may thay, cũng đã qua luôn.

Nó qua đúng vào ngày 12 tháng 5 năm 2008. Hôm đó hai công dân ViệtNam(ông Nguyễn Việt Chiến và ông Nguyễn Văn Hải) bị công an đến lục nhà, rồi mang vào trại giam.

 Trong một xã hội mà bất cứ ai cũng đều có thể là một tù nhân dự khuyết thì một thường dân (khi khổng khi không) bị nhốt vô tù là chuyện bình thường – như vẫn xẩy ra hàng ngày, ở huyện – từ hơn nửa thế kỷ qua. Chỉ có điều đáng nói là diễn biến của vụ bắt bớ, vào ngày 12 tháng 5 năm 2008, đã xẩy ra (hoàn toàn) khác trước.

Khi hai ông Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị lôi ra xe – tuyệt nhiên – không có ông (hay bà) hàng xóm nào cảm thấy … hạnh phúc, chỉ vì nạn nhân không phải là chính họ. Cũng không có người bạn đồng nghiệp nào – của hai nhân vật này – đã co rúm người lại vì sợ hãi, rồi thở phào nhẹ nhõm vì thấy mình vẫn còn được yên thân. Và mọi người đã không chịu sống  “yên ắng”, cứ như thể là không có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra, y như trước nữa.

Sụ hoang mang, sợ hãi cố hữu đã – đột ngột- biến mất. Đồng loạt, người dân – thuộc nhiều thành phần khác nhau – đều công khai bầy tỏ sự bất bình và giận dữ vì sự bạo ngược của nhà đương cuộc Việt Nam.

Báo Thanh Niên, số ra ngày 14 tháng 5 năm 2008, có bài “Phải Trả Tự Do Cho Các Nhà Báo Chân Chính”, xin được trích dẫn nhập đoạn mở đầu:

“Đã có hàng ngàn bạn đọc gửi thư về tịa soạn Thanh Niên phản đối việc bắt giam hai phóng viên Nguyễn Việt Chiến của Báo Thanh Niên, Nguyễn Văn Hải của Báo Tuổi Trẻ. Các đường điện thoại của Báo Thanh Niên tại Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác trên cả nước gần như bị nghẽn liên tục bởi ‘cơn bão’ điện thoại của bạn đọc bức xúc gọi tới. Tất cả đều toát lên một đòi hỏi: việc khởi tố, bắt tạm giam hai nhà báo là không có đầy đủ căn cứ xác đáng, không có lợi cho sự nghiệp chung, và cần trả lại tự do cho các anh càng sớm càng tốt…”

Cùng lúc, báo Tuổi Trẻ – số ra ngày 17 tháng 5 năm 2008 – cũng ngỏ lời “Cảm Ơn Bạn Đọc”, như sau:

“Bạn đọc thân mến, chúng tôi, những người làm báo Tuổi Trẻ, rất xúc động trước sự quan tâm của bạn đọc trước sự việc liên quan tới nhà báo Nguyễn Văn Hải. Hơn 2.000 cuộc điện thoại và mail tiếp tục gửi tới tòa soạn Tuổi Trẻ vào hai ngày 15 và 16-5 đã nói lên điều đó…”

“Và ngoài sự quan tâm chia sẻ, nhiều bạn đọc đã đến tòa soạn và các văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ đề nghị góp tiền để giúp gia đình nhà báo Nguyễn Văn Hải. Thay mặt những người làm báo Tuổi Trẻ và gia đình nhà báo Nguyễn Văn Hải, chúng tôi chân thành cảm ơn tấm lòng bạn đọc. Nhưng, chúng tôi xin phép được từ chối các khoản quyên góp của bạn đọc. Tập thể cán bộ, phóng viên báo Tuổi Trẻ đã, đang và sẽ có trách nhiệm hỗ trợ gia đình nhà báo Nguyễn Văn Hải một cách chu đáo nhất…”

Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên, giới luật sư – những người tưởng như đã “tuyệt chủng” ở Viêt Nam – bỗng hồi sinh. Báo Thanh Niên, đã tường thuật như sau:

“… luật sư Phan Trung Hồi (Đoàn Luật sư TP.HCM); luật sư Nguyễn Bảo Trâm, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sài Gòn Luật và Luật sư Hồng Huy Được, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cùng cho biết rất quan tâm đến trường hợp của nhà báo Nguyễn Việt Chiến. Cả 3 luật sư đều sẵn sàng tham gia tố tụng vụ án này ngay từ giai đoạn điều tra để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo Nguyễn Việt Chiến không lấy thù lao…”

……

Con giun xéo mãi cũng oằn. Giọt nước cuối cùng đã tràn ly. Dân Việt đã thẳng thắn lên tiếng đòi hỏi được sống một cuộc đời bình thường, trong một xã hội (cũng) bình thường – như đa phần nhân loại. Cái kiểu sống theo mô hình cái thang chổng ngược, từ đây, sẽ bị khước từ (vĩnh viễn) ở Việt Nam.

 

11 bình luận

  1. Ban muon hieu tan cung cua ngo ngach cuoc song cua mot xa hoi toan tri, ban hay doc kapka nha van tien tri. Xuyen suot trong tu tuong tac pham cua ong, tha nhan la dia nguc. Nhan vat cua ong vat vo nhu nhung con roi hoan toan phi ca tinh…

  2. […] GIỌT NƯỚC TRÀN LY (Blog Nguyentrongtao). “Con giun xéo mãi cũng oằn. Giọt nước cuối cùng đã tràn […]

  3. BẤT HẠNH VÀ khốn khổ cho dân tộc VIỆT khi toàn gặp những kẻ, những cái khốn nạn nhât của nhân loại. Tại sao vậy??????

  4. Tận cùng đau khổ sẽ là gì ? tận cùng bế tắc sẽ là gì ?
    Bản năng sinh tồn của con người rất mạnh mẽ, khi đứng trước bờ vực thì họ có thể bật nhảy, bay lên để thoát khỏi hiểm nguy, nhất là khi họ có đức tin vào một ngày mai tất cả những gì tốt đẹp sẽ đến với họ.

  5. Bác Tạo ơi vui lòng cho hỏi thăm.Bây giờ số phận hai nhà báo ấy ra sao rồi?

    ***
    Tốt cả rồi bạn ơi.
    Phụ Tá

  6. Nghe qua mà não lòng cho “nhân tình thế thái”. Hoàn chia sẽ suy nghỉ với tác giả và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

  7. Trong các traa tạm giam còn tệ hơn trại giam, mặc dầu họ chưa bị luật pháp kết tội. Mỗi lần đến đó tôi cứ nghĩ đây là cách để làm người ta căm thù chế độ hơn.

  8. Cái ngày mà hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến bị bắt vào tù cũng là thời khắc làm thay đổi nhận thức của bản thân tôi với xã hội. Tôi đã tìm cách để vượt qua bức tường bưng bít để hiểu phía bên kia bức màn nhung là gì. Đến bây giờ, tôi ko biết phải nói lời cám ơn ai vì những gì mà tôi đã hiểu được trong cái đất nước nhỏ bé này đã hoàn toàn thay đổi, hoàn toàn khác so với trước đây. Tôi, một con cóc ngồi dưới đáy giếng đã lên bờ và nhìn ra thế giới đầy màu nhiệm.Tôi, một con người đã nhìn thấy tự do mặc dù nó còn xa xăm tít mù khơi. Xin nhắn gửi tới các nhà báo một lời chia sẻ, chúng tôi hiểu nỗi khổ mà các anh đang phải chịu đựng với một niềm tin là cái bản ngã nhân văn của con người nơi các anh vẫn hiện hữu, Hãy tin ở ngày mai! Ngày mai, trời lại sáng phải ko, thưa các anh!

  9. Họ ( chúng nó) lại muốn giữ cái chân thang vĩnh viễn.

  10. Phản động là phản đối chống lại đặc quyền đặc lợi của giai cấp lãnh đạo.
    Ai phản đối chống lại đặc quyền đặc lợi của giai cấp lãnh đạo?
    Dân tộc!
    Dân tộc là phản động? Có ai giải thích được điều khó hiểu này không?

Bình luận về bài viết này