NHÀ BÁO LÊ KHẮC SỸ QUA ĐỜI – MỘT THỜI NHỚ MÃI


Nhà báo Lê Khắc Sỹ (1932-2014)

Nhà báo Lê Khắc Sỹ
(1932-2014)

NTT: Gia đình kính báo tin buồn: “Nhà báo LÊ KHẮC SỸ, Thiếu tá đã nghỉ hưu, nguyên phóng viên Chương trình Phát thanh QĐND, nay là Trung tâm PT-TH Quân đội (Tổng cục chính trị), Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đã từ trần lúc 9 giờ 45′ ngày 1/3/2014 tại nhà riêng – số 15, ngõ 62, phố Ngọc Hà, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội, hưởng thọ 83 tuổi. Lễ viếng bắt đầu lúc 9 giơ 30′ ngày 7/3/2014 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ di quan về xã Hoằng Hà, Hoằng Hoá, Thanh Hoá lúc 11 giờ cùng ngày“. Các con: Lê Thanh Hà – Lê Thanh Huyền – Lê Khắc Vinh kính báo. 

Sau khi được tin ông Lê Khắc Sỹ từ trần, Nhà báo Khánh Toàn đã gửi tới NTT bài viết về ông, người đồng đội, đồng nghiệp thân thiết của anh. Xin trân trọng giới thiệu bài viết này như một nén tâm nhang vĩnh biệt nhà báo Lê Khắc Sỹ:

Nhà báo LKS và con gái, 2012

Nhà báo LKS và con gái, 2012

LÊ KHẮC SỸ, MỘT THỜI NHỚ MÃI

KHÁNH TOÀN

Sau 20 năm rời bút nghiên trên cương vị phóng viên Chương trình Phát thanh QĐND, mấy năm rồi, do mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe suy kiệt, nhà báo Lê Khắc Sỹ đã vĩnh viễn đi xa ở tuổi 83 tại nhà riêng: số nhà 15, ngõ 62, phố Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội, lúc 9 giờ 45 phút ngày 1-3-2014 (tức ngày 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ).

Lúc ra đi anh chỉ để lại một trang giấy A4, đánh chữ điện tử, có chữ ký và ghi rõ họ, tên. Trang giấy có ghi: Tên thường gọi Lê Khắc Sỹ; bút danh: Lê Khắc Sỹ; quê quán: Xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa; sinh tháng 5- 1932; nhập ngũ: Tháng 6 năm 1950, là chiến sỹ Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 trong kháng chiến chống Thực dân Pháp. Tháng 3- 1960, về công tác ở Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Tháng 4- 1984 về nghỉ hưu tại Hà Nội. Như vậy, trong 33 năm 11 tháng tham gia quân ngũ, Lê Khắc Sỹ đã công tác ở Phát thanh Quân đội tới 23 năm.

Thuở sinh thời, trong những năm tháng công tác ở Phát thanh Quân đội nhân dân, anh thường trò chuyện với anh em: một con nhà nông dân nghèo, vào bộ đội, đi đánh giặc, góp phần giải phóng dân tộc là một vinh dự lớn. Nghĩ vậy nên bao giờ mình cũng cố gắng hết sức để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ngày ở Đại đoàn 304, được giao nhiệm vụ truyền tin qua máy vô tuyến điện, anh đã chứng kiến biết bao những chiến công của Đại đoàn trong chiến dịch Hòa Bình (1951), chiến dịch Tây Bắc (1952), chiến dịch Thượng Lào và Điện Biên Phủ (Đông- Xuân 1953- 1954). Cũng từ máy thông tin vô tuyến điện, biết bao tin tức về đồng chí, đồng đội ngã xuống trên các ngả chiến trường anh càng hiểu rõ cái giá của Độc lập, Tự do mà dân tộc mình phải trả. Vì vậy, cái tình, cái nghĩa sâu xa ấy anh thường gửi gắm vào từng trang viết khi về công tác ở Phát thanh Quân đội nhân dân.

Về công tác ở Phát thanh Quân đội nhân dân 23 năm, Lê Khắc Sỹ chuyên làm công tác kỹ thuật âm thanh tới 6 năm từ 1960 đến 1966. Đây là thời kỳ anh vừa làm công tác kỹ thuật âm thanh vừa học hỏi nghiệp vụ qua các bạn đồng nghiệp trên các nẻo đường công tác. Đến đầu năm 1967, anh mới chính thức được phân công làm công tác phóng viên, biên tập viên, theo dõi và viết về mảng quân sự địa phương, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân. Anh giản dị, chân chất nên rất dễ hòa mình với cán bộ quân sự địa phương và dân quân tự vệ. Đến đâu, anh cũng mở đầu câu chuyện bằng việc vớ lấy cái điếu cày, vo tròn điếu thuốc lào, châm lửa, rít một hơi rồi từ từ nhả khói. Dân quân tự vệ thấy anh nhà báo mang dáng dấp một nông dân, xởi lởi, dễ gần nên mọi chuyện thầm kín trong lòng cứ cởi tung trong giao tiếp. Chính từ sự chan hòa đó của các nhân vật đã giúp Lê Khắc Sỹ tích lũy được khá nhiều chi tiết cụ thể về con người và sự việc để làm nên những phóng sự thu thanh, ghi chép thu thanh gây ấn tượng trên sóng phát thanh, góp phần cổ vũ phong trào quân sự địa phương trên các trận địa chiến tranh nhân dân “Đất đối không”, “Đất đối biển”, “Đánh Mỹ trên đồng đất 5 tấn”, trong các mùa tuyển quân và gửi thóc, gạo ra tiền tuyến.

Nhà báo LKS và cháu ngoại, 2004

Nhà báo LKS và cháu ngoại, 2004

Cùng với các phóng viên Phát thanh Quân đội nhân dân, Lê Khắc Sỹ đã có mặt ở mọi miền đất nước, từ Lũng Cú (Hà Giang), cửa Tây Trang (Điện Biên Phủ), Châu Yên (Sơn La) đến tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh trong những năm miền Bắc ngẩng cao đầu, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ. Các bài viết về chiến tranh nhân dân của Lê Khắc Sỹ hòa cùng bình luận quân sự của Ngô Trung Sơn, Ngô Bình Lâm và Cao Nham; Tiết mục “Tin chiến sự” của cao Nham, Đào Lộc Bình; ghi nhanh thu thanh của Hải Tân, Ngọc Bảo… đã làm nên bản sắc rất riêng của Phát thanh Quân đội nhân dân trên làn sóng xung kích của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Mùa xuân 1975, một mùa xuân cả nước hướng ra tiền tuyến miền Nam để vào trận cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lê Khắc Sỹ vai mang ba lô, tay súng, tay bút, xách máy ghi âm đi theo các cánh quân trong chiến dịch Huế – Đà Nẵng rồi theo cánh quân duyên hải, tiến vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiều 30-4-1975, cùng với nhà báo Hải Tân, Lê Khắc Sỹ đã có mặt ở Dinh Độc lập, cùng các nhà báo trong nước và quốc tế phỏng vấn cán bộ, chiến sỹ đang có mặt ở Dinh Độc lập, phỏng vấn Thượng tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam và nội các ngụy quyền Sài Gòn.

Tuy nhiên, ngày đó, phương tiện chuyển phát âm thanh về Hà Nội chưa có, những đoạn băng lịch sử không gửi về kịp. Anh và anh Hải Tân phải gửi bài viết đó qua Tê-lê-típ của Thông tân xã Việt Nam để Ban Biên tập phát trên sóng, kịp phản ảnh quang cảnh Sài Gòn khi quân ta vào tiếp quản thành phố. Nhắc lại chuyện này, Lê Khắc Sỹ thương tâm sự: “Đó là vinh quang lớn nhất trong cuộc đời làm báo ở Phát thanh Quân đội nhân dân”.

Hoatang

Trong xã hội thị trường hối hả bây giờ, những người thuộc thế hệ đánh Pháp, đánh Mỹ chắc hẳn còn nhớ những khó khăn của thời bao cấp trong những năm cuối của thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Đó là thời kỳ bo bo, gạo tấm, bánh mỳ bán theo gạo sổ trong cảnh thiếu lương thực của cả nước. Nhà 5 miệng ăn, chị Trà, vợ anh Lê Khắc Sỹ lại không có việc làm thường xuyên. Gia đình anh là một hoàn cảnh khó khăn nhất trong các gia đình phóng viên Phát thanh Quân đội nhân dân. Vậy mà, ít khi thấy anh kêu ca, thổ lộ. Cứ nhận nhiệm vụ là anh vào biên giới Tây Nam, lên biên cương phía Bắc, khi về là có bài nộp cho Ban Biên tập, đầy ắp tư liệu và băng ghi âm. Sự say sưa nghề nghiệp của anh đã vượt lên cả cái khó của một gia đình triền miên chật vật.

Năm 1984, khi được về nghỉ hưu trong căn nhà nhỏ ở phố Ngọc Hà, Lê Khắc Sỹ vừa làm thợ mộc – cái nghề truyền thống do cụ thân sinh ra anh để lại, vừa tham gia công tác xã hội ở phường, thỉnh thoảng lại viết bài cho Phát thanh Quân đội. Bốn khóa liên tục anh làm Bí thư chi bộ của cụm dân cư, ba khóa tham gia Đảng ủy của phường, trong đó có một khóa là Thường vụ Đảng ủy. Với phong cách giản dị, chân thành, cởi mở, gần gũi chòm xóm, anh đã để lại hình ảnh của một quân nhân cách mạng, một nhà báo quân đội rất có trách nhiệm với vợ, con, gia đình, xóm phố và quê hương Hoằng Hà, Hoằng Hóa, Thanh Hóa, nơi sinh thành ra anh.

Đưa tiễn anh về với Tổ tiên trên hương – nơi “Chôn nhau, cắt rốn” của anh ở xứ Thanh, nơi anh đầu quân vào Đại đoàn 304 sáu mươi ba năm trước, chúng tôi vẫn giữ mãi trong mình hình ảnh một đồng chí, đồng nghiệp, một người anh của thế hệ đầu tiên đã góp phần xứng đáng để tạo dựng nên Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân.

                                                                                    Ngày 2 tháng 3 năm 2014

                                                                                                KT

Bình luận về bài viết này