VỀ CA KHÚC MỚI “TRỐNG HỘI CỔNG LÀNG”


HÀ THANH HUYỀN (thực hiện)

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo - Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo – Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

LĐ&XH: Nguyễn Trọng Tạo từ lâu được công chúng biết đến không chỉ với tư cách là một nhà thơ, nhà văn, hoạ sĩ với nhiều tác phẩm gây được tiếng vang trong giới nghệ thuật, mà người ta còn biết đến ông với tư cách một nhạc sĩ với các ca khúc mang âm hưởng dân gian nổi tiếng như: Làng quan họ quê tôi (lời thơ: Nguyễn Phan Hách), Khúc hát sông quê (thơ: Lê Huy Mậu), Đôi mắt đò ngang… Gần đây, sau ca khúc“Trường Sa Làng ta” (thơ Nguyễn Thành Phong) mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc, Nguyễn Trọng Tạo vừa hoàn thành ca khúc “Trống hội Cổng làng”- thơ Trường Vũ. Chia sẻ với LĐ&XH, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho biết, ông đã viết ca khúc này từ sự gợi ý của một người bạn, vì cổng làng là nơi vừa gần gũi, vừa thiêng liêng, không chỉ chứng kiến những thăng trầm của chính ngôi làng đó cũng như cuộc đời của mỗi con người… 

Cổng làng – miền ký ức thiêng liêng

* “Trống hội Cổng làng” ra đời trong hoàn cảnh nào, thưa nhạc sĩ?

Nguyễn Trọng Tao: – Tôi là người ở quê, sinh ra và lớn lên ở quê, giờ dù đã sống ở thành phố nhưng tôi không thích kiểu cách, không thích làm ra vẻ ta là người thành thị. Quê với tôi là sự gắn bó, tự hào và luôn coi quê là dòng dõi, sang trọng, và có lẽ vì đó mà trong mỗi sáng tác của mình tôi luôn hướng đến nỗi lòng của người quê. Ví dụ như ca khúc “Trường Sa Làng ta” là sự đồng cảm sâu sắc với nhà thơ Nguyễn Thành Phong nhưng đó cũng là sự đồng cảm về Làng. Thú thực, những bài hát viết về Làng với tôi bao giờ cũng mang một tình cảm đặc biệt, có những nét riêng, sáng tạo, độc đáo và tôi coi đó là sự trân trọng của mình đối với tác phẩm cũng như với công chúng. Cách đây không lâu, tôi có dịp về quê một người bạn ở Nam Định để dự lễ khánh thành cổng làng, đây là cổng làng bằng đá rất độc đáo, được chạm trổ hoa văn, tranh dân gian, hình ảnh hội hè, câu đối… Chắc chiếc cổng làng này đắt tiền lắm, không bạc tỉ cũng phải tiền trăm. Tôi thích và nhớ lại cổng làng của làng mình ngày xưa, những kỷ niệm một thời thơ ấu cứ ùa về, mang đến cho tôi những cảm xúc kỳ lạ. Và người bạn ấy đã gợi ý tôi nên viết một ca khúc về cổng làng. Về nhà tôi nghĩ mãi, càng nghĩ càng thấm nhưng vẫn chưa tìm ra được tứ của bài hát, lúc ấy tôi mới gọi cho nhà văn Phạm Lưu Vũ và “đặt” anh viết một bài thơ về Cổng làng, và chỉ mấy ngày sau, Vũ có gửi cho tôi một bài thơ mang tên “Cổng làng”, cái hay của bài thơ này là nó phát hiện ra một cặp phạm trù có tĩnh và có động, cái cổng làng là tĩnh và người đi ra, người đi về như dòng nước chảy…

(Xem bản nhạc lớn hơn tại đây)

* Khi sáng tác ca khúc này, điều gì khiến anh trăn trở nhất?

Nguyễn Trọng Tao: – Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, cổng làng là biểu tượng của làng quê Việt Nam. Mỗi cổng làng đều có một nét văn hóa riêng tuỳ theo đặc điểm của làng đó. Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng. Kiến trúc cổng làng xưa không cầu kỳ, phô trương mà chỉ nhằm khẳng định chỗ đứng của mình trong khoảng không gian của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ. Vẻ đẹp của cổng làng gắn với nền văn minh lúa nước, mang tính phác họa và gợi nên những ước vọng của cộng đồng từ đời này qua đời khác. Tôi cho rằng, phía sau mỗi cánh cổng làng Việt ấy, xưa nay vẫn là sự kết nối cộng đồng gia tộc, là những nét chung về phong tục, tập quán, những nét văn hoá riêng biệt. Cánh cổng làng dù hiện hữu hay vô hình vẫn là nỗi nhớ, là hình ảnh quê hương của những người con xa xứ. Cổng làng không chỉ tạo nên hồn quê đất Việt mà qua dáng vẻ kiến trúc còn thể hiện chiều sâu văn hóa mỗi ngôi làng. Chính vì thế, khi sáng tác “Trống hội Cổng làng”, tôi cố gắng truyền tải hết ý nghĩa của Cổng làng trong ca khúc, khẳng định văn minh làng xã trong từng câu hát, bởi trong mỗi người dân Việt, tôi tin ai cũng có một miền ký ức tuyệt vời về chiếc cổng làng và những kỷ niệm quý giá thời thơ ấu, ngay từ việc xây dựng cổng làng, ông cha ta đã có ý nhắn nhủ thế hệ mai sau qua kiến trúc, kiểu dáng, nét chữ, hình ảnh, ý tứ ở mỗi dòng câu đối.

Thấm đẫm chất dân gian hiện đại

* Anh có thể chia sẻ đôi chút về tiết tấu, giai điệu âm nhạc trong ca khúc “Trống hội Cổng làng” không?

Nguyễn Trọng Tao: – Tôi rất thích tiết tấu âm nhạc trong chầu văn, hầu đồng, là âm nhạc dân gian nhưng tiết tấu rất rất hiện đại, có chất tâm linh trong đó. Tôi cho rằng, trong âm nhạc, quan trọng là ngôn ngữ âm nhạc. Người nhạc sĩ phải tạo cho tác phẩm của mình một ngôn ngữ âm nhạc riêng. Bài hát có phần lời và phần nhạc, nhưng nếu không chú ý đến ngôn ngữ âm nhạc, cuối cùng người ta chỉ nhớ đến lời ca mà không nhớ đến bài hát. Tôi nghĩ, dùng chất liệu âm nhạc của Việt Nam để tạo nên những tác phẩm âm nhạc Việt Nam là rất quan trọng. Nếu hay, nó sẽ khó lẫn với tác phẩm âm nhạc nước ngoài vì âm nhạc Việt Nam mang những nét đặc trưng của Việt Nam, của các vùng miền ở Việt Nam. Có thể nói, ca khúc này thấm đẫm chất dân gian hiện đại, có chút gì đó thân quen, gần gũi nhưng cũng có sự ma mị, linh thiêng trong đó. Cổng làng chứng kiến bao thăng trầm và dường như nó biểu trưng cho sự uy nghi, nền nếp riêng của làng mình. Chưa cần bước sâu vào làng, chưa đặt chân tới sân đình, đứng trước cổng làng, người xa lạ cũng có thể cảm được phần nào cốt cách của làng, tư chất của mỗi người dân, để người của làng khi  trở về mới chỉ khẽ chạm tay vào cổng cũng biết mình đã về tới mái nhà thân yêu.

* Sau khi hoàn thành ca khúc này, điều gì khiến anh hài lòng nhất?

Nguyễn Trọng Tao: – Đó là hình ảnh cổng làng đứng lặng lẽ mà uy nghi, chứng kiến bao thăng trầm của cuộc đời. Trong ca khúc này có sự cân bằng giữa âm – dương, trong – ngoài, trên- dưới, bên trong cổng làng có cây đa, giếng nước, có hội hè chiêng trống, bên ngoài cánh cổng làng là cả một chân trời mơ ước, là ký ức cha ông trong từng mạch đất, của những bước chân tha phương mong đổi đời nhưng trong tiềm thức luôn nhớ về làng quê của mình. Tuy nhiên tôi thích nhất hình ảnh “Nổi chìm trong gân đá, ghim vào từng kiếp cây”, đến gạch đá, cây cỏ cũng có hồn, có kiếp như con người. Hoặc như hình ảnh “Cổng làng neo ở giữa. Trong ngoài là thế gian…” cũng vậy, dòng đời như nước chảy, cả thế gian xoay vần, chỉ có cổng làng vẫn đứng ở đó, thủy chung, âm thầm chờ đón những người con xa quê trở về và tiễn biệt những bước chân xa xứ, gần gũi mà linh thiêng vô cùng.

  * Anh dự định sẽ mời ca sĩ nào thể hiện “Trống hội Cổng làng”

Nguyễn Trọng Tao: – Có một điều kỳ lạ là khi tôi hát ca khúc này cho bất kỳ người bạn nào nghe, họ cũng đều nghĩ ngay đến Tùng Dương và Ngọc Khuê là người thể hiện ca khúc này. Tôi cũng đang tính đến việc sẽ mời ai thể hiện, có thể là Tùng Dương và cũng có thể là Ngọc Khuê, nhưng không ít người cho rằng Tùng Dương sẽ thể hiện sẽ rất hợp, vì ở ca sĩ này có sự ma mị, lên đồng trong khi hát cũng như độ phiêu tuyệt vời.

* Anh có thể chia sẻ cổng làng trong ký ức tuổi thơ không?

Nguyễn Trọng Tao: – Làng tôi là làng Trường Khê ở miền Trung, một ngôi làng rất rộng và dài, đặc biệt có hai cổng ở hai đầu làng, được xây dựng theo kiến trúc kiểu Tam quan rất đẹp. Đây là nơi chúng tôi thường vui chơi, leo trèo nghịch ngợm thời thơ ấu, thậm chí trèo lên mái còn có thể nằm ngủ được. Có hôm bố mẹ phải ra tận cổng làng để tìm về vì… ngủ quên. Nhưng rất tiếc trong chiến tranh, cổng làng đã bị bom Mỹ phá hủy, đến nay vẫn chưa được xây dựng lại nhưng trong ký ức của mỗi người làng quê tôi, cổng làng vẫn là hình ảnh đẹp nhất, thiêng liêng và ý nghĩa nhất. Vì vậy, khi viết “Trống hội Cổng làng”, tôi không chỉ viết về cổng làng bằng đá ở Nam Định của bạn tôi, mà viết từ tâm thức cổng làng của làng quê Việt mà tôi đã đi qua…

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Nguồn: Báo Lao đông và Xã hội.

Bình luận về bài viết này