ĐẰNG SAU THƠ LÀ MỘT NỖI NIỀM TRẮC ẨN


YẾN NHI

logovietÔng là một trong số các tác giả trẻ thành danh sớm, có  những năm viết ít đi nhưng chưa bao giờ vắng bóng  trên văn đàn. Trong dòng chảy của thơ đương đại Việt, ông vẫn là một trong những nhà thơ được nhiều độc giả đón đợi . Hồn thơ Vũ là một hồn thơ ưa suy lý, chiêm nghiệm. Thơ ông đứng được theo thời gian nhờ kết nối được những điều mà ở nơi khác tưởng như đối lập, nghịch dị! Mới nhưng không cầu kỳ, “rối rắm”, dân dã nhưng không thô mộc, rất suy tư nhưng cũng rất trữ tình, tinh tế . Thế sự, đạo lý, tình yêu, minh triết, các mảng chủ đề chòng chéo tạo bề sâu trong thơ ông, nói cái này mà lồng sang cái kia, nhiều hình tượng thơ gợi nhiều suy cảm ở người đọc. Một vốn văn hoá sâu rộng, một vốn sống phong phú tạo một trường liên tưởng tự nhiên thích hợp làm nền cho những tìm tòi tưởng đơn giản nhưng càng đọc càng thấm thía.

Kể từ thời ấy đến giờ  thơ ông trải rộng trên nhiều mảng đề tài: lịch sử, quê kiểng, tình yêu, nghệ thuật…, nhưng mảng thơ để lại nhiều dấu ấn  trong lòng công chúng theo chúng tôi nghĩ đó là mảng thơ về thế sự. Những bài thơ ông viết về sự “mơ hồ” của lịch sử (Ậm à), về sự suy thoái đạo lý (Xiếc Trung Hoa), về sự giả dối cũng như những nghịch cảnh trong cuộc sống (Phật cười, Cửa hàng gốm sứ…), về thú ẩm thực (Trà đạo), về sinh hoạt gia đình (Thơ tặng cháu, Đón giao thừa…), dưới bề sâu của những tình tiết nho nhỏ đời thường là những triết lý nhân sinh sâu sắc.

Ông nói về sự “mơ hồ” của lịch sử nhưng chính là nói về sự mơ hồ “nhẹ dạ” vụ lợi của người đời: Thăng Long đang tiến về nghìn tuổi / Dưới trăng lớp lớp nhà cao ngất/  Vốn của người xây trên đất ta. Chiến địa hay không là chiến địa./ Bé em lem luôc tối không nhà?…Lịch sử cái ông già lẩm cẩm/ Hỏi suốt nghìn năm vẫn ậm à...( Ậm à). Chỉ một việc uống trà, nhấc chén trà trong đêm mà“ngộ” ra biết bao điều: Giọt. Từng giọt/ như người đánh thức/ ngoài trời đang còn đêm/ người đang ngủ, đang mơ, đang nói mơ./ Ngón tay nâng trà lên/ thanh khiết /biển xa, núi biếc/ chén trà nâng/ Nghe!/ Biết !( Trà đạo). Từ việc uống trà, tác giả nói đến  nhân tình thế thái về sự thật- giả ở đời, không những thế ông còn lồng vào đó tấm lòng lo lắng vì dân vì nước: Đừng nói chuyện uống trà/ hãy đi khoan giếng/…ừ thì thử hoá chất/ ừ thì tin môi trường/ cứu nước thời nay như cứu cháy/ cũng cứ phải lặn vào tận đáy/ nỗi khát người/ may ra…( Phản trà đạo). Nhiều ý thơ như là lời bóng gió, cách nói mở rộng tầm suy nghĩ người đọc hơn là nói thẳng cả ra, âu cũng là mượn lối ví von của người xưa. Bài “Bỗng dưng” như là nói về tình yêu, về sự nhớ nhung: Bỗng dưng thương vội nhớ dồn,/ Một câu thơ mỏng hai hồn song song. Nhưng rồi các câu tiếp theo lại phảng phất  những minh triết về lẽ đời:

…Ta mang nỗi mộng vào trong cõi đời

Chân đi đã rạc xứ người

Thì mang mộng ảo lên trời mà ru.

Những mơ ước một thời, tác giả vẫn nuôi giữ nó đầy đặn trong lòng, nhưng đi vào “cõi đời” thực “nỗi mộng”đó lạc lõng, đành gửi vào xứ mộng “lên trời” mà ru với lòng. Phát triển hình tượng thơ, tác giả lý giải về cái thực và cái ảo, tính nghịch lý  trong cuộc đời cũng như trong nghệ thuật, trong thơ ca Bỗng dưng lòng hoá sa mù/ Cõi yêu cùng với cõi tù chung thân/ Bao giờ thơ hoá vô tâm/ Nửa ôm nhân thế nửa cầm chiêm bao.

                  Thơ Vũ, bên dưới những cảnh đời, những tình người, nói về lịch sử cũng như nghệ thuật là một ám dụ về đời sống hiện tại, lãng đãng màn sương triết lý tâm linh. Nói về Nguyễn Trãi, Chu Văn An hay Gia Long, nói về tranh Bùi Xuân Phái hay chữ nghĩa trong Thơ, ông có những tâm sự, những ký thác: Bạc đầu, lại vỡ lòng bỡ ngỡ/ đâu bây giờ?/ đâu ngày xưa? ( Trường tôi trăm tuổi). Câu thơ hoài cổ, gợi về một ngôi trường một thời có bao người con ưu tú, bao tâm hồn khao khát, bây giờ…vời xa, đổ vỡ một hoài vọng. Mảng thơ về nghệ thuật, là chiêm nghiệm của bao năm trăn trở với nghiệp “chữ” : Đừng tưởng làm thơ không có tội/ trắc bằng lắm lối/ không đưa ai qua sông/ mà người chết đuối (Thơ tặng bạn thơ). Có những câu thơ sắc như lưỡi hái,  có những câu thơ là chiếc phao bơi, nhưng cũng có những câu thơ xanh đỏ tím vàng mê hoặc con người ta đi vào lối lạc, những câu thơ “nước chảy xuôi dòng”(!?)… Bạn bè cho Vũ là người thâm trầm, thơ ông cũng vậy, nói vừa đủ. “Bài thơ không thành” là lời “tự ngộ” của tác giả.

“ Bài thơ không thành” hay nói một cách khác “dở”, là “cái gương con” soi cho biết chủ thể không hoàn hảo. Chiếc- gương- thơ không phản chiếu cái thế giới ngoại tại, mà soi cái thế giới nội tâm tác giả. Bài thơ không thành là cái sự  thiếu sót của thơ  để cho chữ nghĩa lạc lối trong những lối mòn, xa cách trước những vấn nạn cuộc đời, tác giả xấu hổ cúi mặt nghe lòng mình giếng cạn trong khi ngoài kia cuộc sống đang dâng đầy!.

                Thơ viết về Bùi Xuân Phái  thật cảm động, sâu sắc, người hoạ sĩ đi khắp gầm trời, ngắm nghía trăm nơi/ nhưng chính bàn chân mình ông chưa kịp tới, đó là  bàn chân trần vuông vức cần lao/ những ngón xoè bấm trên mặt đất/ đôi gót dày rỗ vết chông gai –  bàn chân Con Người, chủ thể sáng tạo trên mặt đất; mong ước của người hoạ sĩ cũng là mong ước của nhà thơ , xin độ lượng của đời: được ở lại bàn chân/ cho lòng ông ấm mãi với đường trần ( Bức tranh cuối của Bùi Xuân Phái). Trong suy cảm của Vũ, đi hết cuộc đời nhà danh hoạ muốn hiểu mình, muốn hiểu cuộc sống mình thêm, cái chấm nhỏ mong manh trong đường trần vô hạn mà lúc bình sinh ông chưa hiểu hết, chưa kịp tới! Cái triết lý tự ngã của người hoạ sĩ rất gần với lời dặn trong Kinh Thánh Xin cho con hiểu Chuá, xin cho con hiểu mình! Hiểu Chúa đã khó, nhưng hiểu mình cũng không dễ! Triết lý tâm linh của một hồn thơ ưa suy nghiệm ( suy nghiệm chứ không là siêu nghiệm), phải chăng là cái cốt lõi tạo nên phong cách thơ Vũ.

Tình cảm gia đình là một đề tài hay gặp trong thơ ông sau này. Đó là tình cha con, ông cháu, tình cảm người con xa quê ( Đón giao thừa, Đêm nghe tiếng cháu, Thơ tặng cháu). Những bài thơ chân thành tha thiết, nhưng ông còn gửi vào đó cả những suy tư về thế sự , về nỗi đời, nỗi người nên có sức nặng, sự ám ảnh nhất định:

…Ừ vui, vui chứ! vui cay mắt/ Đời người, năm tháng… như chiêm bao

…Một năm gom lại bao thương nhớ/ Một đời đồng bãi, luỹ tre xanh…

( Đón giao thừa)

Hay:

Cong cong là cái đường đời/ Chân lem cát bụi lệ ngời long lanh

Cháu mơ …rồi ngủ êm lành/ Ông nghe thức cả đời mình ô… ê

(Đêm nghe tiếng cháu )

Đêm cháu ngủ vô tư, ông trăn trở và chợt ngộ ra cả sự ô…ê của đời mình. Ngộ ra rồi thiếp đi đó là cái trạng thái ô..ê…đầy minh triết của ông, của Con Người thấm nhuần chữ “vô” an nhiên trôi theo dòng đời theo cách nói của tác giả Đạo đức kinh. Triết lý này ta cũng gặp ở hai bài Thôi kệ:

Ta đã sống cái thời không dễ sống/ Những đêm đen nhuộm trắng tóc trên đầu/ Không kệ được, thì cũng thôi…/Thôi kệ gió. Thôi kệ mưa. Mưa gió/

(Thôi kệ 1)

Cái đời này/ Thôi kệ/ Chúng mình đi. (Thôi kệ 2)

Không lặp lại phép“xuất- xử” của người xưa, ông chỉ lưu ý con người hiện đại phải minh triết mà bước qua những lối hẹp, những tầm thường để đi lên mục tiêu lớn.

Thơ Vũ, các bài sau này theo dòng chảy của thơ đương đại, tuy mới ở thể thơ tự do, ở lối vắt dòng tân kỳ, ở ngôn ngữ mộc, nhưng cái nét riêng dễ nhận ra lại ở một thủ pháp truyền thống: sự dụng công lập tứ. Ông chú ý nhiều đến cái hình tượng tổng thể cùa bài hơn là trau chuốt từng câu, từng chữ. Thơ ông dễ nhớ chính nhờ sự nổi trội về tứ này. Lập tứ là một thủ pháp nghệ thuật quen thuộc cuả thơ Á Đông, đó là sự phối sinh giữa chủ thể nhà thơ và khách thể đời sống, do cá tính và bối cảnh sống cũng như sự từng trải riêng mà các nhà thơ  khi nhập thân vào sáng tác có những tứ thơ độc đáo cá biệt tuy cùng một loại đề tài. VQP lập tứ bằng nhiều cách, nhiều dạng. Có khi chỉ bằng vài nét chấm phá có tính đối lập. Ngoài chùa giông bão, trong chùa Phật cười, vì baõ dông chẳng bao giờ ướt được chỗ ông Phật ngồi, vị trí ưu tiên mà người đời dành cho ông: – Ô hay!/ Ông Phật bật cười/ – Đừng nhầm gỗ mít với tôi trong chùa ( Phật cười ). Phật cười vì cái nguỵ tín cuả người đời đối với ông. Thực ra cũng là gỗ mít cả mà! Các chi tiết mái tam quan, ông Phật cười, gỗ mít, lời đối đáp…, xen quyện trong câu thơ lục bát vắt dòng, bài thơ như một hoạt cảnh nhỏ dân dã trào lộng nhẹ nhàng mà cũng rất mới mẻ sâu kín! Ở bài thơ Cửa hàng gốm sứ, ông lập tứ bằng lối nói bóng gió, lấy vật nói người, lấy xưa nói nay, sự so sánh ngược (nghịch dụ) tương phản bên ngoài bên trong, hình thức và nội dung…Từ chiếc khánh đất, cái lọ men kiêu sa, từ cô gái quan họ Kinh Bắc lưng thon, tóc đuôi gà, từ con cọp đang gầm, chú hề cười đại đao sáng quắc, từ vua quan sĩ tử rầm rập ngựa voi đến tổng thống, công nương oai vệ, phong lưu, kiêu hùng, tất cả trong cửa hàng gốm sứ đều  Từ đất / Bàn tay thô trau chuốt mà thành. Thời gian trôi đi, lịch sử qua đi, tất cả chỉ là Mảnh sành ngoài bụi tre. ( Cửa hàng gốm sứ ).

Bài thơ trên cũng như hầu hết các bài thơ khác, ông ưa xử dụng lối kết cấu “điểm đọng”- sự dồn nén ý tưởng vào câu cuối. Mâu thuẩn, sự hồi hộp được dắt dẫn  để rồi vỡ oà ở cái kết thúc, cái thông điệp lặn chìm qua các câu thơ, khổ thơ hiện lên ở câu cuối đi vào tâm thức ngừơi đọc một cách đột ngột mà dai dẳng, sâu sắc.

Thơ VQP cho đến nay vẫn theo dòng truyền thống Chủ nghĩa hiện thực bám sát đời sống, nhưng có đổi mới. Đổi mới ở cách nhìn thế giới, đa dạng hơn, minh triết hơn, biên độ tình cảm, cái vui, cái buồn cũng phong phú hơn. Những thủ pháp nghệ thuật cũng thay đổi theo các suy cảm có tầm kích mới một cách tự nhiên! Nhớ lại mấy lời tâm sự của ông  Là nghề mà cũng chẳng phải là nghề/ Vì nó nhưng cũng đừng vì nó ( Kỷ yếu HNV 2010, tr775).  Với Thơ, ông không lấy nó làm mục đích tự thân mà đặt nó sau cuộc đời, có lẽ vì vậy Thơ ông nói nhiều về thế sự, vui buồn cùng thế sự! Sau bao nỗi thăng trầm của Thơ, trong cái mơ hồ đa nghiệm của thơ đương đại, ta càng thấy rõ cái điều giản dị đáng quí mà ông tâm sự ./.

Bình luận về bài viết này