LÊ THÁI SƠN – CUỐN SÁCH THÀNH NẤM MỘ


THANH HẢI

Thanh Hải

Thanh Hải

Dẫu biết là không thể khác. Bạn bè, người thân vẫn hướng về anh và bên anh từng ngày từng giờ để chờ đón cái phút giây cuối cùng đó. Vậy mà tôi vẫn lặng người đi khi nhận dòng tin nhắn của Phước lúc 11 giờ đêm “Anh Sơn đi rồi anh ạ, em ra trước đây…” Tôi soạn tin nhắn gửi đi cho bè bạn khắp nơi. Cũng như tôi, không ai tin. Vài ba ngày trước họ vẫn nhận được từ anh những câu thơ mới, những lời nhắn gửi thật thương. Suốt cả ngày hôm sau điện thoại của tôi phải vừa cắm xạc vừa nghe, vừa đọc tin nhắn . Ai cũng muốn ra với anh ! Tôi và Cao Xuân Thưởng rủ thêm mấy bạn văn ở Vinh chạy thẳng ra Hà nội cả đêm, mong được nhìn anh lần cuối .

Hà nội mưa. Giờ cao điểm của ngày đầu tuần, đường tắc nghẽn. Căn nhà trong hẻm nhỏ ở khu Trương Định của nhà thơ Cao Bá Trang như chật lại. Bạn bè văn chương xứ Nghệ ngoài đó lấy nhà anh làm điểm hẹn , họ đang chia nhau những chén rượu buồn, chờ đến giờ xuống nhà tang lễ Bệnh viện Bạch mai. Anh Tạo đêm qua đang gọi cho tôi từ Tam Đảo, giờ đã thấy ngồi đó, buồn thiu.

… Hàng trăm đoàn đến viếng anh đứng kín cả sân nhà tang lễ. Tiếng nhạc buồn chìm trong mưa! Những cặp mắt cứ nhìn nhau nhòe đi, những cái nắm tay chia sẻ . Có đến “cả nửa Nghệ an” ra với anh – Tỉnh, huyện, làng, xã, anh em văn nghệ quê nhà. Chủ trì tang lễ là Uỷ ban toàn quốc liên hiệp các Hội VHNT Việt nam, Chủ tịch hội Nhà văn và Hội VHNT Nghệ an. Thắp nén hương viếng và nhìn anh lần cuối qua ô kính nhỏ, khuôn mặt thân quen ngày nào vẫn đầy đặn tươi tắn. Anh đang chìm trong giấc ngủ ngàn thu! Từng cặp mắt đỏ hoe, những bàn tay úp mặt nức nở… Bài điếu văn của nhà thơ Hữu Thỉnh cho tôi và nhiều người biết thêm về sự nghiệp lớn lao và cuộc đời bình dị của Lê Thái Sơn , về tình đời tình người anh cho và nhận . Gấp lại tờ giấy trên tay, nhà thơ Hữu Thỉnh nhìn lên khung ảnh chân dung anh Sơn, chắp tay rồi nói lời tâm sự: “ Sơn ơi ! Tuần trước Thỉnh đến thăm Sơn ở nhà thằng con út . Giữa thủ đô, trong căn nhà đầy đủ tiện nghi mà Sơn vẫn giữ được cốt cách của người nhà quê. Sơn trải chiếc chiếu cói giữa nhà dọn cơm mời Thỉnh ăn, không ngờ đó là lần cuối cùng của Thỉnh và Sơn…”. Ông xúc động nghẹn ngào !

Dân gian có câu “ở hiền gặp lành”, lại có câu “ở lành gặp dữ” và chuyện dữ đã đến với anh . Khi biết mình bạo bệnh, anh không lo cho mình mà lại lo cho vợ con, bè bạn buồn về anh. Anh thường an ủi mọi người: “Sinh-Lão-Bệnh-Tử mà . Biết đâu mình là trường hợp ngoại lệ ? Bệnh tật như mình mà sống được chừng ấy năm, làm được từng ấy việc cũng là lãi lắm rồi .” Người ta đến và chỉ thấy ở anh một sự lạc quan đến hồn nhiên . Ngồi với anh như quên hết bệnh tật, chỉ được nghe anh nói nhiều về chuyện thơ chuyện hội hè chuyện bạn văn . Có lần đi chuyền hóa chất và điều trị từ Hà nội, trên đường về quê, anh điện cho anh em văn nghệ Nghĩa Đàn rồi dừng xe gặp gỡ trò chuyện vài chục phút ở ngã ba Đông hiếu. Về đến Diễn Châu nghỉ trưa anh lại bảo tôi gọi anh em đến chỗ mô đó ngồi với nhau một tí . Lại nhớ năm ngoái Chi hội VHNT Diễn Châu tổ chức kỷ niệm mười năm ra Tạp chí. Đang nghỉ và điều trị ở Hà nội, không biết anh phỉnh thế nào mà chị Hồng và các con phải đồng ý đưa anh về, vì biết đây cũng là liếu thuốc an thần cho anh .

Lần tôi gặp anh gần đây nhất cũng là một ngày mưa tầm tã . Hôm đó là ngày giỗ bố anh . Qùy thắp hương trước bàn thờ cha, anh khóc ! Hẳn không phải chỉ nhớ thương cha, mà anh khóc vì biết sắp có sự chia xa…sắp có ngày được gần bố . Anh biết rõ tình trạng sức khỏe của mình hơn ai hết mà . Mọi người nhìn anh mà khóc. Tôi ôm mặt ngoảnh đi cố dấu cảm xúc đang dồn nén trong lồng ngực…! Ngồi với anh trong căn phòng riêng , hình như anh quá mệt mỏi rồi, da dẻ đã xuống sắc, dọng anh như hụt đi trong từng nhịp thở . Tôi nhìn anh mà không nói được điều gì. Anh hỏi về trại sáng tác sắp tới của Chi hội. Rồi dặn tôi giúp đỡ thêm người này người khác , ở cương vị mới em phải chững chạc và bản lĩnh hơn…Mân mê cuốn sổ trên tay, anh chậm rãi nói : “ Không biết răng mấy bữa ni khó ngủ mà lại viết được nhiều hơn ” rồi lần dở mấy trang mới viết những ngày qua , nét chữ liêu xiêu , ken dày. Tôi nhận ra một sự vội vã như những dòng nhật ký…thơ : Ngày 15/7, 1g20p…Ghi vội ở chùa Tiên sơn , 3g50p…Một thoáng quê nhà . Ngày 17/7, 2g10p sáng… Màu sim , 4g25p…Chút ấm tàn tro . Chao ôi ! Thì ra anh đang gấp gáp, đang nhận ra mình sắp không thể viết , đang cố từng ngày từng giờ để vắt những cảm xúc cuối đời , những giọt sữa tinh nguyên cuối cùng cho con chữ mà cả đời anh dành cho nó ! Hình như anh cố quên đi những cơn đau đang dày vò thân xác, cố quên những gì đang tới…không cần biết , để viết , viết để giảm đau !

Chính những bài thơ trong những ngày cuối cùng của cuộc đời anh càng đạt tới độ chiêm nghiệm đến vô thường . Anh như trải hết lòng mình , như một lời cảm tạ văn chương , cảm tạ bạn bè, cảm tạ người thân :

                       … “ Cảm ơn những câu thơ

                    Đã cho ta thêm một lần may mắn

                                 Được hiện ra

                                Cùng chớp sáng

                                  Và tan ! ”

 

                       … “ Bây giờ tôi sắp xa rồi

                         Những lời bạn viết về tôi mãi còn

                               Mỗi lời một cọng cỏ non

                        Cho tươi xanh cõi vuông tròn hồn tôi ! ”

 

                          … “ Gom lại một đời thơ

                             Cuốn sách thành nấm mộ

                                 Các con ơi từng trang

                                 Gói ghém hồn cốt bố ! ”

Anh Sơn ơi ! Anh hãy thanh thản ra đi . Anh đang còn tất cả chung quanh , còn có thơ có văn, còn bao người vẫn đọc anh và viết về anh như một sự nối dài cuộc đời , sư nghiệp văn chương của Lê Thái Sơn . Cầu chúc cho linh hồn anh siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng. Vĩnh biệt Anh !

27-8-2013

Bình luận về bài viết này