LÊ THÁI SƠN – CON CHIM SƠN CA XỨ ĐÔNG THÀNH VẪN HÓT


NGUYỄN THẾ QUANG

Lê Thái Sơn

Lê Thái Sơn

Gần ba năm phát bệnh hiểm nghèo, mười hai lần hóa trị, con người râu hùm, hàm én với mái tóc dày bồng bềnh như sóng biển giờ đây nhà thơ Lê Thái Sơn trở nên nhỏ lại, đầu tóc lưa thưa, mệt nhọc nhắc chân bước từng bước trong căn nhà nhỏ của mình. Cái mệnh đề quái ác ‘sinh ,lão ,bệnh ,tử’ với Lê Thái Sơn đã đi đến chặng cuối cùng của nó. Ngày 15 tháng 7 năm 2013, sau khi tuyển tập “LÊ THÁI SƠN Thơ và Văn chọn lọc” (Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết lời giới thiệu), anh viết bài thơ Với các Con: Gom lời thơ một đời/Cuốn sách thành ngôi mộ/Các con ơi từng trang/Gói gém hồn của Bố”. Anh quyết định chấm dứt cuộc đời thơ của mình ở đây. Quyết định ấy với anh, với mọi người là điều tất yếu và dễ hiểu.

    Thế nhưng… thật không ngờ: trong con người anh tế bào tử đã trội hẳn tế bào sinh, cái lạnh lẽo của tử thần đang áp đảo sự sống thì hồn thơ Lê Thái Sơn lại trổi dậy nồng ấm, thiết tha tình yêu cuộc đời. Gần tháng nay, thỉnh thoảng vào sáng sớm, qua điện thoại tôi lại nhận được tiếng gọi mệt nhọc xen niềm vui của Lê Thái Sơn: “Anh Quang ơi .Đưa cháu đến trường rồi thì ra đây .Sơn đọc thơ vừa làm cho anh nghe”.Hiểu được nỗi lòng bạn, dù bận việc gì tôi cũng ra ngồi với anh để được cùng chia sẻ.Và giờ đây ,chưa tròn một tháng ,trong tay tôi đã có mười lăm bài thơ đầy xúc động của anh –một kỷ lục mà những ngày trai tráng Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An Lê Thái Sơn chưa bao giờ lập được.

    Đầu tháng 7/2013 sau đợt hóa trị lần thứ mười hai ,các Bác sỹ trả anh về! Bạn thơ xứ Nghệ ra đón anh .Hành trình về xứ Nghệ lúc này có thể là chuyến hành trình cuối cùng –anh biết thế, bạn anh cũng biết thế. Vì vậy, qua Diễn Châu xe đi chậm lại để anh “được thêm một lần được thăm ngắm quê hương”. Anh bùi ngùi gặp lại bà con và bè bạn, nhận quả na quả chuối chín cây “các chị các em đưa tôi mừng mừng tủi tủi.” Ông bác họ tuổi chín mươi”ngửa mặt lên trời/Trời đừng bắt cháu tôi như thế, trời ơi”, anh cố nén nỗi xúc động trong lòng. Xe đi trên đường quê: bên này phố xá là sự sống ,bên kia đường là nghĩa trang Cồn Vang “nơi hồn cốt tổ tiên mình ở đó” anh bình thản “Có thể ở bên này hay chợt sang bên đó/Có sao đâu/Quê hương mình luôn ấm áp vòng tay”(Một thoáng quê nhà). Anh lên chùa Thiên Sơn ở làng Phượng Lịch. Nhiều người cứ nghĩ: anh lên đó tìm miền an ủi, tìm sự giải thoát hay nguyện ước được lên cõi Niết Bàn. Nhưng không, trước cửa Thiền, tấm lòng anh lại hướng về ngày xưa “từng gặp người ta/nhường nhau quả thị…thế là nhìn theo”… Rồi sau đó là bao “vu vơ” cùng “ấm ức” chia xa để giờ đây trong lòng người sắp đi vào cõi tịch diệt lại ăm ắp tình người:

                           Trời cho tôi chút dại khờ

                  Chưa chi mà đến bây giờ -còn thương! (Ghi vội ở chùa Thiên Sơn)

Nhìn người chị ”đã ngoại sáu mươi” “vẫn ngược đồi tìm sim” cho mình như ngày nào, anh xúc động:

                          Bao kỷ niệm chị em tôi

                    Lại tươi trên dấu môi người màu sim (Màu sim )

Là con người ân tình ,thủy chung Lê Thái Sơn yêu người và được người yêu. Những lần thăm nhà anh, bao giờ tôi cũng gặp những người bà con , những người bạn ,những người yêu thơ anh đến thăm. Có khi là ông già đạp xe hơn hai chục cây số đến ,có khi là bạn bè ngoài Bắc ,trong Nam tách cuộc hành trình dài dừng lại Vinh thăm anh .Anh sung sướng .Anh băn khoăn .Mới đây ,nhà giáo dạy văn giỏi nổi tiếng Nguyễn Trọng Hùng từ Anh Sơn ghé nhà tôi chơi. Đàm đạo về thơ Việt hiện nay ,anh nói:

      -Thơ hay phải như ‘Một thoáng Cửa Tiền” của Lê Thái Sơn. Đó mới thật là thơ.

Thế rồi anh say sưa đọc cả bài ,rồi bình những câu chữ anh tâm đắc nhất .Đã quen với phong cách sôi nổi tài hoa của anh ,để anh nói hết ,tôi mỉm cười hỏi:

     – Anh thân Lê Thái Sơn à?

      -Tớ có biết Lê Thái Sơn đầu cua tai nheo thế nào đâu ,Thơ hay thì tớ thuộc rồi nhấm nháp cho vui.

   Tôi kể chuyện này cho Lê Thái Sơn nghe. Anh xúc động lắm ,rưng rưng nói “Thật ư anh? Sướng quá”.Tôi nối liên lạc với anh Hùng .Hai anh chuyện trò với nhau .Hình như điều đó thức dậy hồn thơ của anh .Đêm ấy -20/7/2013 Lê Thái Sơn thức trắng đêm và run rấy làm thơ. Vào lúc 0 giờ anh viết xong bài: Ghi trên đường phố Trần Hữu Thung và đến 5h30 sáng anh hoàn thành bài: Gửi các anh tôi (Tặng anh Nguyễn Trọng Hùng ,anh Nguyễn Quang Tuyên). Anh coi nhà thơ Trần Hữu Thung là cây đại thụ sừng sững tỏa bóng mát trên đường thơ ,để anh miên man đi trong hành trình thơ nhọc nhằn của mình .Anh ước làm căn nhà nhỏ dưới tán cây ấy “để bạn Văn bốn phương tìm đến” rồi lại tự nhủ rằng “đó là điều không thể có”. Trong tình cảnh :

                       Em bây giờ 24 giờ trên 24 giờ đau

                       Thuốc giảm đau đã mất dần tác dụng

                       Tay cứng khớp

                                            Em không cầm được bút

                        Thơ cứ theo nước mắt ứa ra thôi

biết được “Anh đã đọc thơ em/Và anh đã thuộc” Lê thái Sơn cho rằng :”Ấy là món quà sang trọng nhất” và “Em tự nghĩ mình đang Hạnh phúc”. Hạnh phúc của thi nhân chính là sự đón nhận của người đọc.Từ trong sự chết, hồn thơ Lê Thái Sơn vẫn vút lên vì sự sống ,vì cái đẹp của cuộc đời. Anh đã vượt qua cái quy luật hạn hữu nghiệt ngã của hóa công mà vươn lên cái vĩnh hằng của cái Đẹp.

    Ở thời điểm “Sự sống chỉ tính ngày” hồn thơ Lê Thái Sơn không chỉ là những cảm xúc với bà con ,với bạn bè mà vẫn mở rộng với cuộc sống đầy biến động.Ngày xe đón anh từ Hà nội về đi qua sông Hiếu, quên nỗi đau đang dày vò thân thể mình, anh nghĩ về bao số phận của bao người trong dòng đời trôi chảy đầy biến động dữ dội .Bài thơ “Sông Hiếu” mở đầu bằng bốn chữ  “Sông Hiếu thân trần” và tiếp đó là hình ảnh tiếp hình ảnh ,ý tiếp ý dồn đập về “những người đào vàng man dại/qua đêm/mưa trắng núi” rồi với “chuyến đò ngang định mệnh” “hắt tôi vào lỗi lầm sông” để từ đó “tôi bắt đầu cuộc đời lấm láp” theo sông ngược ngàn. Rồi sau đó là những đêm “những người đào vàng nghiêng ngả men/trống cồng chiêng nghiêng ngã núi” và:

                         Chuyện tình tôi và em

                         Sông Hiếu thả về xuôi-ngầu đỏ

Tình yêu lứa đôi tan vỡ cùng với sự tan nát của thiên nhiên và núi rừng bị xả thịt trôi cùng dòng đời dữ dội. Bài thơ là câu hỏi lớn đầy đau thương và phẫn nộ của một con người đang quên nỗi đau của thân mình mà nghĩ về nỗi đau của Đất nước.

   Hồn thơ củaThi nhân thường gắn liền với tuổi tré và những rung động trước muôn vẻ đẹp của cuộc sống mơn mởm non tơ. Lê Thái Sơn đã vào tuổi sáu mươi đầy mình bệnh tật vẫn bình thản đợi cái chết “Vua mà chẳng thoát mệnh trời nữa ta” thế mà:

                           Sáng nay đang tỉa, tưới hoa

                     Ngang trời một tiếng chim ca…

                                                                     sững sờ (Không đề 9)

       Tâm hồn anh vẫn còn rung động với bao vẻ đẹp của sự sống. Không gặm nhắm nỗi đau của riêng mình ,không than thở để vợ con đỡ buồn, bạn ồe đến luôn gặp nét cười đầy nỗ lực trên môi anh ,trong mắt anh nhưng trên từng thớ thịt rung nhẹ trên gương mặt anh biết anh đang đau lắm lắm, tôi càng cảm phục sự sáng tạo nghệ thuật mạnh mẽ, cứng cỏi của anh đã tạo nên những bài thơ xúc động lòng người. Đọc câu thơ trên của anh ,tôi bỗng nhớ đến những câu thơ của Xuân Diệu vào tập “Gửi hương cho gió’. Nhà thơ coi mình là “Con chim đến từ núi lạ/ngứa cổ hót chơi…” Đó cũng là hình ảnh hay nói về những kiếp thi nhân. Lê Thái Sơn là con chim Sơn ca của xứ Đông Thành xứ Nghệ, cả cuộc đời mình đã hót về quê hương ,về con người, về cái Đẹp. Giờ con chim ấy đã rã cánh, thanh quản đã rạn vỡ, thanh âm đã đứt quãng thế mà anh vẫn cất lên được những âm thanh trong trẻo ,mặn mà, ấm áp vì tình yêu sự sống.Tôi bỗng nhớ đến những câu thơ trước phút từ giã cõi người của nhà thơ lớn Xuân Diệu;

                    Hãy để cho tôi được giã từ

                    Vẫy chào cõi thực để vào hư

                    Trong giây phút chót dâng trời đất

                    Vẫn cứ say tình đến ngất ngư…

    Thì ra những thi nhân đích thực đều có cái cốt cách ấy.

24/7/2013

Bình luận về bài viết này