CHUNG QUANH QUAN NIỆM MÔ THỨC CỦA NORTHROP FRYE


PHẠM QUANG TRUNG

Trong tay tôi có 4 tư liệu liên quan đến chủ đề, gồm:

(1) Mục II – Lý luận phê bình văn học “cổ mẫu thần thoại”, trong Chương 11 – Tâm phân học, Tập Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX, Phương Lựu, Nxb Văn học, H. 2001.

(2) Northrop Frye, Thi Nguyên – 100 nhà lý luận phê bình văn học thế kỷ XX – Viện Thông tin Khoa học Xã hội, H. 2002. 

(3) Giải phẫu phê bình, Tôn Quang Cường và Trần Minh Tâm dịch (nguyên bản tiếng Nga) – Tạp chí Văn học Nước ngoài (Hội Nhà văn Việt Nam), Số 4/2002.

(4) Về lý thuyết tự sự của Northrop Frye, Phan Thu Hiền – Tự sự học – một số vấn đề lý luận và lịch sử (Chủ biên Trần Đình Sử) – Nxb Đại học Sư phạm, 2007.

I

N. Frye là nhà lý luận phê bình văn chương Canada, sinh năm 1912, giáo sư của nhiều trường đại học danh tiếng ở Canada, Anh và Mỹ. Ông là tác giả của 23 công trình lý luận phê bình văn chương, chủ biên 11 công trình khoa học tập thể và 4 công trình văn hóa, văn học khác, trong đó nổi tiếng nhất là tác phẩm Giải phẫu phê bình, công bố năm 1957 (Có tài liệu ghi năm 1956 – 1).

Cuốn Giải phẫu phê bình gồm 4 phần: 1. Phê bình lịch sử hay Lý thuyết về mô thức (mode); 2. Phê bình luân lý hay Lý thuyết về biểu tượng (symbol); 3. Phê bình nguyên mẫu hay Lý thuyết về huyền thoại (myth); 4. Phê bình tu từ học hay Lý thuyết về thể loại (genre). Chỉ nhìn vào đó cũng thấy, với N. Frye, không một lý thuyết nào không có điểm khả thủ giúp ta kế thừa những hạt nhân hợp lý nhằm xây dựng nên lý thuyết độc đáo của riêng mình. Ông khẳng định rằng do “một trong những kết luận chúng ta có thể đưa ra trên cơ sở tổng thuật nói trên là rất nhiều khái niệm phê bình hiện nay được xây dựng trên cơ sở của các từ bị giới hạn về lịch sử”, nên chúng ta cần “xuất phát từ quan điểm cho rằng không một hệ phê bình văn học khái quát thực tiễn nghệ thuật trong một mô thức tách bạch nào đó lại có thể gói gọn toàn bộ chân lý về thi ca” (3, tr.174). Một cái nhìn khoáng đạt, cởi mở lại thực tế như vậy đem lại cách thức tiếp cận hiệu quả đối với bất cứ trào lưu lý luận, phê bình văn chương nào đến từ những chân trời khác nhau.

Tuy nhiên, như đã thấy, ông tập trung vào lý thuyết nguyên mẫu biểu hiện qua dạng thức phổ biến và tiêu biểu nhất là huyền thoại. Từ đó, trên cơ sở tư duy hệ thống mang tính hình thức phổ quát theo “một cấu trúc tưởng tưởng”, ông đã đề ra 5 mô thức (mode) làm tiền đề cho thứ “phê bình, như một toàn thể” của ông. Dựa trên ý kiến của Aristote bàn về sự đa dạng của thể loại trong Chương 2 của cuốn Thi pháp học, ông chủ động triển khai ý tưởng lý thuyết của mình. Nhà mỹ học cổ Hy Lạp giải thích sự phong phú của thể loại văn chương là do sự khác biệt về “phẩm chất các nhân vật” trong tác phẩm đa dạng tạo ra. Do vậy, Aristote đã khái quát thành 3 dạng thức văn chương cơ bản: 1. Loại tác phẩm “các nhân vật tốt hơn chúng ta”; 2. Loại tác phẩm “các nhân vật xấu hơn chúng ta”; 3. Loại tác phẩm “các nhân vật giống như chúng ta”. Có một gợi ý quan trọng từ bậc tiền bối giúp N. Frye tiếp tục suy ngẫm, để rồi đẩy xa theo ý tưởng tìm tòi của mình. Ở đây, tác giả Thi pháp học dùng khái niệm “tốt”, “xấu” không theo nghĩa thông thường mà theo nghĩa bóng để chỉ “bản tính nặng” và “bản tính nhẹ” một cách đầy dụng ý. Tính khái quát và trừu tượng do đó cao hơn nhiều. Từ gợi ý này, N. Frye triệt để đẩy mạnh theo ý hướng khoa học nghiêng hẳn về phía cấu trúc hình thức chung của tự sự, trong đó cốt truyện được ông đặc biệt coi trọng. Mà cốt truyện của tác phẩm văn chương “bao giờ cũng là câu chuyện kể về ai làm một điều gì đó”. Logic ấy dẫn N. Frye tìm đến một tiêu chí đặc thù là “khả năng thực hiện hành động của các nhân vật”. Bởi ông cho rằng “ai đó”, “nếu là con người, thì đấy là nhân vật”, còn “điều gì đó” là “do ý đồ nghệ thuật (của tác giả) xác lập nên”. Do vậy, ông nghĩ tới các khả năng hành động trong so sánh với người đọc bình thường – PQT lưu ý, “có thể hơn chúng ta, kém chúng ta hay bằng chúng ta”, coi đó là điểm tựa cho hệ thống các mô thức tự sự cơ bản của mình. Có điều, trong tư duy của ông, không hề có sự tách rời hành động với phẩm chất, biểu hiện ở chỗ phẩm chất càng cao thì hành động càng siêu việt, phẩm chất càng thấp thì hành động càng tầm thường. Cụ thể 5 mô thức đó được diễn tả như sau:

Mô thức 1: “Nhân vật có phẩm chất siêu việt hơn con người và hoàn cảnh chung quanh thì đó là thần thánh, và câu chuyện kể về nhân vật sẽ là một huyền thoại…, nghĩa là kể về thần thánh”. “Những câu chuyện như vậy có vị trí quan trọng trong văn học, nhưng theo quy tắc, chúng không nằm trong bảng phân loại văn học hiện đại”.

Mô thức 2: “Nhân vật có đẳng cấp cao hơn con người và hoàn cảnh chung quanh”. (Phương Lựu dịch khá hay và phù hợp là Truyền kỳ) có một số đặc trưng cần nhận biết: “Nhân vật có hành vi kỳ diệu, nhưng bộ dạng được miêu tả giống như người thường”. “Khí phách, lòng can đảm với độc giả là kỳ diệu, thì với nhân vật lại là điều bình thường”. “Ở đây chúng ta không còn nói đến nghĩa thông thường của huyền thoại nữa… cùng với những dị bản và chuyển thể của chúng”.

Mô thức 3: “Nhân vật có đẳng cấp cao hơn những người khác, nhưng lệ thuộc vào thực tại trần gian”. “Đấy là loại nhân vật cai trị”. “Nhân vật vượt trội nhờ quyền lực, ham muốn và uy vũ thể hiện bản thân – những nhân vật siêu việt hơn chúng ta, nhưng mọi hành vi của nhân vật vẫn phải tuân thủ các chế định của xã hội và quy luật tự nhiên”. “Loại nhân vật Aristote xếp vào bậc 1”.

Mô thức 4: “Nhân vật không có gì vượt trội hơn mọi người và hoàn cảnh chung quanh”. “Nhân vật thuộc về mô thức bậc thấp. Mà trước hết là nhân vật của hài kịch và các tác phẩm văn học hiện thực”. “Chúng ta thấy nhân vật là một người bình thường, và đòi hỏi nhà văn phải thể hiện nhân vật đó theo quy tắc đảm bảo tính chân thực, đúng như chúng ta cảm nhận được theo kinh nghiệm sống”.

Mô thức 5: “Nhân vật có trí tuệ và sức mạnh thấp kém hơn chúng ta”. “Bởi chúng ta luôn có cảm giác đứng từ trên cao mà quan sát họ với lối sống nô lệ, đầy bất cập và thất bại, thì đó là nhân vật của châm biếm, mỉa mai”. “Điều này cũng hợp lý ngay cả khi độc giả hiểu rằng bản thân mình đang, hoặc có thể đang ở vào hoàn cảnh giống như nhân vật, nhưng mặt khác lại có thể độc lập phê phán nhân vật”.

Xin đặc biệt lưu ý rằng, với N. Frye, cao hay thấp là để chỉ thứ tự “không bao hàm nghĩa so sánh giá trị tác phẩm, mà chỉ mang tính sắp xếp giống như người ta phân biệt dòng ‘cao’ hay dòng ‘thấp’ trong đạo Tin lành một cách ước lệ – PQT lưu ý” (3, tr.156). Ông đồng thời cho rằng, với hệ thống được xác lập thì “trong một thời gian dài, mô thức cảm hứng bậc cao (thứ 3) vẫn giữ lại những đồ đệ cố chấp – PQT nhấn mạnh” (3, tr.174), còn “cảm hứng bậc thấp (hay còn gọi là nỗ lực hướng tới… thực và tả thực, thứ 4) chính là khuynh hướng tột đỉnh của văn học – PQT lưu ý”  (3, tr.163). Cũng cần nhấn mạnh thêm, trên thực tế, quan niệm về loại “cổ mẫu” thứ năm Self theo quan niệm của K. Jung có giá trị gợi ý khá tương hợp và thú vị với hệ thống mô thức kể trên. Nó chiếm vị trí trung tâm trong các loại “cổ mẫu”. Nếu ý thức tự ngã là “người phàm” thì nó (tức vô thức tự ngã) là “thần thánh”. Có sự giao lưu và chuyển hóa giữa chúng làm thành cơ sở chính cho việc tạo dựng mô thức của N. Frye.

II

Theo ý tôi, so với các nhà nghiên cứu khác,  Phan Thu Hiền đã tìm hiểu khá sâu và đưa ra sự giải thích khá sáng tỏ, và cơ bản là hợp lý về quan niệm mô thức tự sự, chỉ riêng mô thức tự sự – xin nhấn mạnh, của N. Frye. Dựa vào “năng lực hành động” chứ “không phải đạo đức” của nhân vật, theo tính chất “có thể vĩ đại hơn, ngang bằng hoặc ít hơn năng lực của chúng ta như những con người bình thường”, chắc theo một tài liệu nào đó, chị đã khái quát và đặt tên 5 mô thức đó như sau:

1. Nếu năng lực hành động ấy siêu tuyệt hơn về loại đối với cả con người lẫn môi trường của con người, ta có nhân vật là thần linh, và câu chuyện về nhân vật đó là một thần thoại (Có lẽ dịch myth huyền thoại thì hợp hơn).

2. Nếu năng lực hành động ấy siêu tuyệt hơn về mức độ đối với cả con người lẫn môi trường của con người, ta có nhân vật của romance (nên dịch và hiểu là truyền kỳ như Phương Lựu thì rõ hơn), với hành động phi thường, kỳ diệu nhưng được nhận diện như con người. Romance có thể bao gồm huyền thoại, truyện dân gian, những thể loại văn chương bắt nguồn hoặc mang đặc tình cơ bản của chúng.

3. Nếu năng lực hành động ấy siêu tuyệt hơn về trình độ đối với người đồng loại nhưng không siêu tuyệt đối với môi trường tự nhiên của nhân vật, ta có nhân vật của thức bắt chước cao – thức này bao gồm phần lớn các sử thi và bi kịch.

4. Nếu năng lực hành động ấy không siêu tuyệt đối cả với môi trường lẫn người đồng loại, ta có nhân vật của thức bắt chước thấp – thức này bao gồm phần lớn hài kịch tự sự hiện thực chủ nghĩa.

5. Nếu năng lực hành động đó kém hơn so với chúng ta, chúng ta có cảm giác khinh thị và nhân vật thuộc mô thức châm biếm, mỉa mai.

Trong 5 mô thức kể trên, theo Phan Thu Hiền, huyền thoại là một mô thức quan trọng đặc biệt, thuộc loại khác, “tách khỏi 4 thức còn lại”, vì nó “ở bên trên, bên ngoài” những mô hình còn lại được tác giả gọi là “những đẳng cấp tự sự thông thường” (4, tr.61).

Ở bài viết công phu của mình, nhà nghiên cứu Phan Thu Hiền có nhắc tới thuật ngữ “nguyên mẫu” dịch từ archetype trong quan niệm của K. Jung xem như là “hình ảnh nguyên thủy” thể hiện “vô thức tập thể” của giống người. Đúng hơn ở đây nên dịch là “cổ mẫu” vì thời gian đầu, K. Jung sử dụng khái niệm prototype nghĩa là “nguyên mẫu”(1, tr.314). Chị ngầm ý không tán thành với những nhà nghiên cứu quy một cách giản đơn cho lối phê bình của N. Frye vào xu hướng “cổ mẫu” khởi đi từ nhà tâm phân học danh tiếng người Thụy Sỹ. Không phải vô cớ khi chị viết: “Đến Frye, ông cho rằng lý thuyết ‘vô thức tập thể’ là một ‘giả thuyết’ không cần thiết”. Rồi, chị còn không quên nhắc tới câu nói của tác giả Giải phẫu phê bình: “Phê bình, như một toàn thể – PQT lưu ý, bắt đầu với và bao gồm sự hệ thống hóa các biểu tượng” (4, tr.63). Khi tìm hiểu thêm về N. Frye, tôi cũng thấy ông tỏ ra không mấy tán thành với các nhà nghiên cứu khi có ý định liệt ông vào xu hướng “cổ mẫu” khởi ra từ K. Jung. Chẳng hạn, một lần nhà nghiên cứu Canada lên tiếng cảnh báo, việc sử dụng các từ “huyền thoại” và “cổ mẫu” trong công trình không nên được xem như những bằng chứng để quy kết ông là một người theo K. Jung (2, tr.144). Theo tôi, khó có thể phủ nhận ý kiến của các nhà nghiên cứu, như Phương Lựu, khi nhất mực xem N. Frye là điển hình cho phương pháp phê bình “cổ mẫu”. Nên nhớ, khi đi sâu vào huyền thoại, N. Frye có lúc đã xem thế giới đó như là minh chứng cho 5 mô thức đã nêu trong Phần 1 – Phê bình lịch sử hay Lý thuyết về các mô thức. Chẳng hạn, tương tự như hệ thống mô thức tự sự là từ hình ảnh con cừu trong thế giới mặc khải (mô thức 1), đến ngựa chim ưng gắn với người hiệp sỹ (mô thức 2) đến đại bàng, sư tử thể hiện sự cao quý hoàng gia (mô thức 3), hổ, vượn, khỉ trong thề giới của lối bắt chước thấp (mô thức 4), và cuối cùng là con rắn trong thế giới yêu quỷ (mô thức 5) – (4, tr.65). Những trang phân tích thú vị về huyền thoại trong cuốn sách có ý nghĩa gợi nên sự vận động, chuyển hóa và kết hợp giữa các mô thức. Ý nghĩa khơi gợi này là rất đáng kể.

Ngoài ra, bài viết hội tụ nhiều trí tuệ của nhà nghiên cứu Phan Thu Hiền vẫn lộ ra một số chỗ cần được suy xét, bàn luận thêm. Xin không bàn về các từ mức độ hay tính chất khá là mơ hồ, mà chỉ đề cập tới những vấn đề cốt lõi nhất. Chủ yếu là sự mâu thuẫn trong một đôi ý tưởng, rất tiếc lại là những ý tưởng quan trọng. Ở Mục 2 của tiểu luận, chị chú tâm nhấn mạnh “cấu trúc tự trị” của thế giới văn chương trong quan niệm của N. Frye, hoàn toàn trái hẳn với lý thuyết truyền thống bắt đầu từ Aristote coi văn chương như là “sự bắt chước cuộc sống”, coi tính “giống như thật” là tiêu chí giá trị chủ yếu đối với văn chương. Nói khác đi, dưới cái nhìn của chị, trong quan niệm của nhà nghiên cứu Canada, “bất cứ ở đâu thiếu cái cấu trúc tự trị đó, ta có, không phải văn chương mà chỉ là ngôn ngữ bình thường – PQT lưu ý, trong đó từ ngữ được sử dụng một cách công cụ để giúp con người nhận biết, hiểu, làm một cái gì khác” (4, tr.58). Trong khi, ngay trước đó, chính tác giả lại đưa ra nhận xét: “Theo Frye, tính tưởng tượng trong tác phẩm văn chương nghĩa là một quan hệ giả thiết của nó đối với thế giới bên ngoài – PQT nhấn mạnh”. Rồi: “Vấn đề thực tại hay chân lý mang tính phụ thuộc, thứ yếu (Có nghĩa vẫn đóng vai trò nào đó – PQT lưu ý) so với mục tiêu chủ yếu (Có nghĩa vẫn tồn tại mục tiêu khác – PQT) của văn chương ở trong việc tạo lập một cấu trúc diễn ngôn phục vụ lợi ích của chính nó” (4, tr.58).

Ở Mục 3, có thể xem là phần kết luận, tác giả cũng tự mâu thuẫn với chính mình. Một mặt, chị khẳng định: “Ở Northrop Frye, có thể nhận ra một quan điểm chung cho các nhà tự sự học hiện đại, quan điểm không xem xét tác phẩm tự sự trong cách thức truyền thống như một sự thể hiện hư cấu thực tế cuộc sống mà xem nó như một cấu trúc hình thức có tính hệ thống – PQT lưu ý”. Có điều, khi nhắc tới chính ý kiến của N. Frye để xác minh cho nhận định vừa nêu, thì tiếc thay, nội dung lại theo chiều ngược lại với ý định của người viết: “Văn chương hóa ra có vai trò bản chất là tái tạo hình ảnh thế giới vật chất vào trong một vũ trụ lời nói – PQT nhấn mạnh, vũ trụ này có thể tồn tại và có thể hiểu được một cách nhân bản vì nó được làm cho phù hợp với những nhu cầu và những quan tâm của nhân loại – PQT lưu ý” (4, tr.69). Phải nói ngay rằng, đây lại chính là quan niệm của N. Frye. Với ông, văn chương tạo dựng một mô thức riêng, có những nét đặc thù không thể phủ nhận, nhưng mô thức ấy lại được gợi ý, hay nói quá đi, là “bắt nguồn” từ mô thức đời sống. Nó khác nhưng không hoàn toàn khác mà có nhiều tương đồng với đời sống, nhưng chỉ ở dạng mô thức mà thôi. Toàn bộ sự phân tích, giải thích của ông về  5 mô thức (mode) đã chứng minh đầy sức thuyết phục về điều đó. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ông đã viết: “Mỗi mô thức văn học đều chiết xuất ra một phép chiếu hiện sinh của riêng mình” (3, tr.176). Mặt khác, ông lại viết: “Chúng ta chờ đợi một kiểu đặc trưng nhất định của cấu trúc và thức điệu, chứ không nhất thiết chờ đợi một thể loại xác định”. Nói một cách khác, đó “là những đẳng cấp cấu trúc của tự sự rộng lớn hơn và có trước đối với những thể loại văn chương thông thường” (4, tr.61).

III

Tuy nhiên, theo tôi, quan trọng hơn cả là ý nghĩa phương pháp luận ẩn tàng trong toàn bộ quan niệm mô thức của N. Frye chưa được các nhà nghiên cứu khai thác triệt để. Như những trước tác giá trị của các học giả lớn xưa nay, chính sự gợi mở về phương pháp nghiên cứu mới thật sự là báu vật họ trao lại cho người đương thời và truyền lại cho hậu bối. Không còn nghi ngờ gì nữa, lý thuyết của N. Frye được phát triển từ lý thuyết của Aristote, nghĩa là có khác biệt nhưng không hoàn toàn cách biệt với lý thuyết của nhà mỹ học Hy Lạp cổ đại. Do vậy nên chăng, ta cần trở về với công trình Thi pháp học để triển khai theo ý tưởng khoa học của mỗi người mà thời đại mới đã mở ra. Ở trên, tôi có nhắc lại 3 dạng thức văn chương cơ bản được Aristote nói tới tùy thuộc ở sự “tốt”, “xấu” của nhân vật so với chúng ta. Tôi đồng thời chú tâm tới một gợi ý quan trọng của nhà mỹ học vĩ đại người Hy Lạp, ở chỗ tác giả Thi pháp học sử dụng khái niệm “tốt”, “xấu” theo nghĩa bóng chứ không theo nghĩa thông thường, nhằm để chỉ “bản tính nặng” (có thể biểu hiện bằng biểu trưng Dương)  và “bản tính nhẹ” (có thể biểu hiện bằng biểu trưng Âm) một cách đầy dụng ý. Từ đó, ta hoàn toàn có thể tạo lập nên một hệ thống mô thức bao quát hơn nhiều, không chỉ giới hạn trong cấu trúc tự sự, mà còn mở rộng ra toàn bộ văn chương thuộc bất cứ loại hình và thể tài nào của dân tộc cũng như của nhân loại xưa nay. Cơ sở của hệ thống đó nằm ngay trong quan niệm của K. Jung về “cổ mẫu” thứ 5 được nhà tâm phân học người Thụy Sỹ đặt tên là Self (Vô thức tự ngã) – (1, tr.316) . Theo K. Jung nó chiếm vị trí trung tâm trong các loại “cổ mẫu”, với chức năng tập trung những biểu hiện rời rạc của vô thức tập thể, nhất là có vai trò điều hòa nội tâm và nội giới, tức là mọi hoạt động tâm lý bề mặt và bề sâu của con người. Có thể hình dung ý thức tự ngã là người phàm thì vô thức tư ngã là thần thánh. Rõ ràng, có sự giao lưu và chuyển hóa giữa “thánh nhân” và “phàm nhân” – cơ sở chính cho sự phân loại mô thức của tôi theo hệ hình mới.

Từ đấy, theo tôi, có thể xây dựng mô thức mới cũng gồm 5 yếu tố với những tính chất Self khác nhau trong phẩm chất của nhân vật, cả nhân vật tự sự, nhân vật trữ tìnhnhân vật kịch. Hình dung một cách cụ thể như sau:

1. Mô thức “Thánh thần”: Nhân vật hoàn toàn siêu phàm.

2. Mô thức “Thánh Nhân thái dương”: Nhân vật là Người nhưng phẩm chất Thánh vượt trội hẳn lên.

3. Mô thức“Thánh Nhân thiếu dương”: Nhân vật là Người nhưng lẫn với phẩm chất Thánh.

4. Mô thức “Phàm Nhân thái âm”: Nhân vật là Người nhưng ít phẩm chất Thánh.

5. Mô thức “Phàm Nhân thiếu âm”. Nhân vật là Người nhưng rất ít phẩm chất Thánh.

Như đã thấy, từ gợi ý của N. Frye, tôi chủ động lấy triết học phương Đông làm nền tảng cho tư duy của bản thân. Đó là lý thuyết của các Âm Dương gia khởi nguồn từ thời Thượng cổ của Trung Quốc và từng được nhiều bậc Nho học thâm thúy của nước ta ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, nhất là đời sống tinh thần của con người một cách hữu hiệu. Nguyên lý căn bản này nằm ở chỗ, vạn vật chỉ được cấu trúc từ hai yếu tố nguyên sinh Âm – Dương đối lập mà thống nhất trong bản thể muôn hình vạn dạng và chúng luôn chuyển hóa qua lại tạo nên sự vận động viên miễn của thế giới. Trạng thái nguyên sơ khi Âm Dương chưa hình thành nên vạn vật được gọi là Thái cực. Trong hệ thống cấu trúc vừa nêu Thái cực tương ứng với mô thức thứ nhất. Nó thuộc hệ khác, vô hình, tạm gọi là hệ thánh thần, không nằm trong thế giới thực tại trong đó có thực tại văn chương, nhưng lại là nguồn cội của thế giới thực tại. Nói theo N. Frye, “thần thoại là sự bắt chước những hành động gần giới hạn của ao ước”, và “thần thoại vận hành ở đỉnh cao cùng cực của ao ước con người” (4, tr.61). Nên, trong khi ông vẫn coi “những câu chuyện như vậy có vị trí quan trọng trong văn học”, nhưng “theo quy tắc, chúng không nằm trong bảng phân loại văn học hiện đại” (3, tr.146). Bốn mô thức còn lại “nằm trong bảng phân loại văn học hiện đại” vận hành theo quy luật của thế giới thực tại ở đó chất Người và chất Thánh quyện hòa, lúc yếu tố này tăng thì yếu tố kia giảm, nhưng không bao giờ thiếu một trong hai căn tố làm nên phẩm chất của nhân vật trong văn chương. Và, cũng như N. Frye từng lưu ý, thứ tự trong hệ thống cấu trúc trên “không bao hàm nghĩa so sánh giá trị tác phẩm” mà chỉ giúp ta nhận diện một cách ước lệ các tác phẩm văn chương muôn hình muôn vẻ qua việc nhận dạng các nhân vật mà thôi!

Vĩ thanh

Có thể một ai đó chưa thật hài lòng với ý tưởng của tôi trong bài viết này bằng cách nhắc lại đầy ý nhị yêu cầu quen thuộc của T.S Eliot khi nhà thơ danh tiếng chú tâm phân biệt các nhà thơ tự đề ra triết lý riêng của mình với các nhà thơ mượn triết lý của người khác để giãi bầy tư tưởng, và như vậy họ sẽ an toàn hơn (3, tr.176). Tôi không có ý phản bác. Có thể những ý tưởng lý luận của tôi được khơi gợi từ người khác, nhưng chắc chắn không phải là sản phẩm của đầu óc lệ thuộc. Tôi muốn tâm sự rằng, không ít nhà nghiên cứu ở ta hay nệ vào tư tưởng của các học giả nước ngoài vì hình như trong tâm tưởng của họ những tên tuổi lừng lững kia thuộc loại người khác với ta. Thượng đế sinh ra họ với những cấu tạo gene vượt trội, nên họ là bậc thượng đẳng, ta không thể tơ tưởng mà sánh ngang với họ được. Tôi hoàn toàn không nghĩ vậy. Thực ra, họ cũng là người như ta thôi! Có chăng họ từng sống và hoạt động trong môi trường tri thức ưu việt hơn nên có điều kiện suy nghĩ khoáng đạt, bay bổng hơn chúng ta. Giờ đây, khi mạng internet biến toàn cầu thành cái làng bé xíu thì họ không còn toàn quyền sở hữu ưu thế về tư tưởng và học thuật đó nữa. Tất cả chỉ còn tùy thuộc vào tính chủ động, tích cực của mỗi người! Vả chăng, nước ta hiện đại hóa, giao lưu hội nhập với thế giới có phần chậm trễ. Lẽ nào ta chỉ biết hàm ơn người mà không nghĩ tới trách nhiệm đóng góp của mình cho nhân loại. Không tự mãn cũng không ỷ lại, nên xem là thái độ cần có nhất đối với các nhà nghiên cứu văn chương Việt Nam giữa lúc này. Đó là động lực khiến tôi có thêm can đảm thực hiện ý tưởng của bài viết. Rất mong nhận được sự cảm thông và chia sẻ từ phía bạn đọc, nhất là các bạn viết.

Đà Lạt, 10/5/2013

PQT.

Bình luận về bài viết này