ĐỌC THƠ LÊ THÁI SƠN


NGUYỄN TRỌNG TẠO

Nhà thơ Lê Thái Sơn

Nhà thơ Lê Thái Sơn

Lâu lắm rồi tôi mới được đọc một câu thơ thật thú vị viết về làng quê đầy hồn vía với những cảm xúc vô cùng tinh vi và tế nhị như thế này:

Những con bò lang thang trong chiều vắng
Tiếng mõ thưa như muốn giãn ngày ra

Làng quê ở đây không phải là làng quê miền xuôi, bởi chỉ có những chú bò ở mạn ngược mới đeo mõ để khỏi lạc vào um tùm cây lá. Nhưng cái sự gợi cảm xâm chiếm hồn ta lại chính là những thi ảnh giàu liên tưởng nối tiếp nhau vẽ nên bức tranh chiều lấp lóa sắc vàng của “những con bò” như những mảng nắng cuối ngày thấp thoáng trên nền xanh của làng quê chốn sơn lâm với lốc cốc “tiếng mõ thưa” điểm nhịp thời gian.

Tiếng mõ thưa trên cổ mỗi con bò như biết cảm thông với sự bận rộn của con người, và vì thế mà cái câu thơ tài hoa “Tiếng mõ thưa như muốn giãn ngày ra” đã mang đến cho ta một tâm trạng lạ, xốn xang và trễ nải đến khó lòng quên được. Câu thơ khiến tôi nhớ về Êxinhin, thi sĩ của đồng quê Nga với những hình ảnh độc đáo lạ lùng “Có cụ già gác đồng buồn ngủ/ Gõ cầm canh và chiếc mõ đã già”.

Lê Thái Sơn là đứa con của đồng quê, nhưng không phải là chốn sơn lâm cùng cốc mà ở miền đồng bằng bờ xôi bãi mật. Làng Đông Phái quê anh xưa nổi tiếng với nghề trồng bông quay sợi. Những đêm sáng trăng kẽo kẹt tiếng xa cán bông, quay sợi cùng những cuộc hát ví đối đáp thâu đêm suốt sáng với những cô gái dệt vải của làng Phượng Lịch lân cận. Vì thế mà có câu “Trai Đông Phái, gái Phượng Lịch” nổi tiếng một thời.

Có thể nói, làng quê anh là một làng quê văn hiến, tấp nập trai thanh gái lịch trong những ngày hội tết. Tôi ở gần làng anh, lớn lên biết nhiều người con của làng nổi tiếng trong văn nghệ. Diễn viên có. Đạo diễn có. Nhạc sĩ có. Nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch cũng đều có cả. Có lẽ cái máu văn nghệ đã nhập vào Lê Thái Sơn từ nhỏ, và vì thế anh trở thành sinh viên văn khoa của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Và không phải  tình cờ mà sau khi tốt nghiệp Đại học, Lê Thái Sơn chọn về công tác ở quê hương xứ Nghệ, đi sâu vào nghiên cứu văn học dân gian xứ này. Sự lựa chọn có ý thức của anh giống như cánh đồng biết chọn dòng sông để nhận về phù sa nuôi xanh cây trái bốn mùa, giống như chiếc gàu biết chọn giếng thơi để quanh năm múc lên đầy tràn trong mát:

Bao xa nay tôi về đây
Một đời múc giếng vẫn đầy giếng ơi!

Tôi đã đi nhiều nơi, đã sống hơn nửa đời người ở phố phường đô hội, không thấy ở đâu con người dễ thương, dễ cảm như người nhà quê. Đọc thơ Lê Thái Sơn, tôi thấy con người nhà quê trong anh thật dồi dào, tươi tốt. Hầu như mọi dây rợ tình cảm của anh đều buộc dính với quê làng, và chỉ chạm khẽ vào sợi dây nào đấy là cây đàn thơ của anh lại rung lên những cung bậc đầy thương cảm. Anh chia sẻ tình cảm với người thu phí ở chợ quê nghèo: “Liêu xiêu mang túi thu về/ Mở ra điểm mặt người quê, chợ làng”. Anh xót thương trước cậu bé phải bỏ học đi bán kem: “Thằng kem có cái giọng khàn/ Nó đi khắp xóm khắp làng mà rao”. Anh cảm thương trước người mẹ quê trao con cho mẹ chồng mà đi bước nữa: “Đã bao lần qua nhà/ Mẹ mình nghiêng nón khóc”… Ngay ở giữa thành phố đô hội, ăng-ten rung cảm của Lê Thái Sơn cũng hướng tới những người quê lam lũ: “Người kiếm tiền ở Cửa Tiền/ Cúi đầu cho sỏi cát lên đè đầu”. Đến cảnh đạp xích lô ở phố, dưới mắt anh cũng toát lên cái mùi quê không lẫn được: “Lên xe nào cậu, nào bà/ Va-li trẻ, thúng mủng già như nhau/ Áo đủ mốt, mũ đủ màu/ Nước hoa, nước mắm xăng dầu đều quen”.

Điệu thơ Lê Thái Sơn tưng tửng mà không bàng quan, có khi ngang ngang, gàn gàn mà lại xoáy sâu những nỗi đau xa xót thương tâm về những số phận hẩm hiu, những lẽ đời ngang trái, những vui buồn khát khao hạnh phúc nho nhỏ của kiếp người. Có lẽ nhờ thế mà thơ anh thỉnh thoảng lại găm vào người đọc một vết thương ngọt ngào, không chủ định.

Vỏ chai lăn lóc cả rồi
Chỉ còn mấy đứa bạn ngồi uống nhau

Đã có người đọc cho tôi nghe câu thơ trên, họ không nhớ tác giả của nó, nhưng họ thích, họ thương những người bạn trong thơ như là câu chuyện của chính họ. Thì ra đấy là thơ của Lê Thái Sơn. Không ồn ào, không điệu đàng, không trổ tài kỹ thuật để che dấu sự thiếu hụt vốn sống và cảm xúc, thơ anh dung dị, thành thật và trầm tích một mối duyên ngầm. Nhưng trên tất cả là một trái tim dễ tổn thương trước những số phận éo le, khắc nghiệt dọc dòng chảy trôi nổi cuộc đời.

Những người làm thơ ở ta, nói cho cùng đều xuất thân từ gốc gác nhà quê. Đề tài nhà quê vốn là đề tài quá quen thuộc trong thơ ca. Vậy mà thơ hay về nhà quê không nhiều, bởi vì không ít người làm thơ thời nay thích đua đòi thanh danh, muốn mượn điều làm thơ để tỏ ra học rộng mà quên mất cái cảnh thật, cái tình thật của lối sống nhà quê vốn tốt đẹp truyền đời. Hầu như người ta quên mất lời răn của các bậc tiền bối khi hạ bút làm thơ: “Đối với thơ, trước hết phải lấy ý chân thực như trẻ con rủ đôi bím tóc mà chào, tự nhiên thấy đẹp. Nếu mang mặt nạ, đeo râu vào, làm bộ lom khom thì sẽ làm cho người ta đâm ghét” (Vương Thủ Nhàn). Thơ Lê Thái Sơn đang đi dần tới ngôn ngữ tự nhiên hàm chứa cái tình ý vị của nhà quê, không chỉ khi anh biết dùng những thành ngữ có sẵn mà cả khi anh bất thần sáng tạo nên những thành ngữ mới. Nói cách khác, thơ Lê Thái Sơn đang hình thành một bản sắc riêng.

Tôi không dám đòi hỏi nhiều ở Lê Thái Sơn bởi chính anh khi bước vào tuổi năm mươi vẫn còn tự hỏi mình: “Mình vẫn chưa thật rõ mình là ai/ Nhạt nhạt nắng, mù mù mây vần vũ”. Tôi chỉ là người hưởng thụ những cái hay cái đẹp mà thơ anh mang tới, tuy không nhiều, nhưng quý. Đặc biệt có lúc, thơ anh khiến tôi sống lại với vẻ đẹp đầy thương cảm của chốn đồng quê thanh bình và lam lũ một thời. Vâng, đúng như thế, có khi chỉ là một cọng rơm trên mái phố cũng đủ cho ta nhớ về một mùa màng ríu rít tiếng chim xây tổ phía đồng quê…

Hà Nội, tháng 7/2000

(Báo Văn Nghệ, 2001)

NHÀ THƠ LÊ THÁI SƠN QUA TRUYỀN HÌNH NGHỆ AN (phần 1)

Một bình luận

  1. Đã thấy:

    “Những mùa hoa đại trắng
    tiếng mõ chừng cũng thơm”

    Nay lại thấy:

    “Tiếng mõ thưa như muốn giãn ngày ra”.

    Đủ biết rằng tiếng mõ trong thơ Lê Thái Sơn tuyệt tác mọi thời đại.

    Ghi nhận: Lê Thái Sơn, nhà thơ về tiếng mõ. Sẽ không ai có thể viết về tiếng mõ hay hơn Lê Thái Sơn nữa.

Bình luận về bài viết này