PHI NGA VANG BÓNG MỘT THỜI


THIÊN SƠN 

Phi Nga (phải) trong phim Chung một dòng sông

Phi Nga (phải) trong phim Chung một dòng sông

Tôi muốn viết một chút gì về diễn viên Phi Nga. Với vai chính Hoài trong phim “Chung một dòng sông”, bà đã đi vào lịch sử điện ảnh nước nhà như một trong những dấu ấn không thể phai nhoà. Và mai sau, dù điện ảnh có phát triển lên đến những đỉnh cao mới, thì ấn tượng buổi đầu, thuở khai sinh ra phim truyện của nền điện ảnh cách mạng cũng sẽ còn lại như một mốc son  trong lòng công chúng yêu điện ảnh.

Phi Nga sinh năm 1935 tại Sài Gòn. Bà sớm tham gia cuộc kháng chiến chống pháp và tập kết ra miền Bắc năm 1954. Xuất thân là một diễn viên sân khấu, bà trở thành diễn viên điện ảnh một cách khá bất ngờ.

Diễn viên Kim Chi kể lại: Hồi làm phim Chung một dòng sông, các đạo diễn đã tìm kiếm khắp cả miền Bắc để chọn người vào vai Hoài. Rất nhiều diễn viên sân khấu lúc ấy đã được chọn để thử vai, nhưng tất cả đều không đạt yêu cầu. Diễn xuất của họ hầu hết đều rơi vào cường điệu, thiếu tự nhiên. Đạo diễn (Nguyễn Hồng Nghi, Hiếu Dân) và các nhà làm phim vô cùng trăn trở. Sự khó khăn ấy là tất nhiên vì trong làng diễn viên của nước ta hồi ấy không hề có ai được đào tạo về điện ảnh. Diễn xuất trong sân khấu và điện ảnh lại có những đặc trưng khác nhau. Nếu như sân khấu chấp nhận tính ước lệ, sự cường điệu như một đặc trưng thì diễn xuất điện ảnh phải tự nhiên. Người diễn viễn phải nhập vai làm sao để khán giả thấy nhân vật giản dị như trong đời thường, như chính con người thật đang hiện hữu trong xã hội. Phi Nga hiểu rất sâu sắc những nguyên tắc đó. Bà lặng lẽ suy nghĩ và âm thầm ôm ấp khát vọng được thể hiện vai Hoài.

Giữa lúc kế hoạch làm phim trở nên gấp gáp, việc tìm kiếm diễn viên càng trở nên khó khăn thì Ban giám đốc hãng phim truyện Việt Nam và các đạo diễn nhận được đơn xin thử vai của Phi Nga. Ai cũng ngạc nhiên vì lời đề nghị của Phi Nga. Bởi lúc ấy, Phi Nga hầu như chưa phải là một diễn viên có thành công nào đặc biệt, và trong đời thường Phi Nga thuộc loại quá giản dị, thậm chí tuềnh toàng. Nhưng có một điều khiến các nhà làm phim chú ý: Nhân vật Hoài trong phim là một cô gái miền Nam sông Bến Hải, hạnh phúc tình yêu của cô bị cắt chia do đất nước tạm thời bị chia cắt. Phi Nga cũng là một cô gái miền Nam tập kết ra Bắc, trong lòng bà cũng chất chứa nỗi đau chia ly… Chính vì lý do đó mà cuối cùng thì Phi Nga được chấp nhận thử vai.

Khi các chuyên gia Trung Quốc hoá trang cho Phi Nga xong, bà nhập vai một cách thuần thục và có hồn. Cả đoàn làm phim ngạc nhiên, vui sướng vì hiểu rằng, chẳng ai lúc ấy có thể vào vai Hoài tốt hơn Phi Nga. Thế là bà trở thành diễn viên đảm nhận vai nữ chính đầu tiên của phim truyện Việt Nam, một vai diễn định mệnh đã đưa bà trở thành bất tử.

Đạo diễn Hải Ninh cho rằng: “Từ trước cách mạng, nước ta cũng đã có người đóng phim, chẳng hạn như Nguyễn Tuân trong phim Cánh đồng ma, nhưng phải đến Phi Nga trong Chung một dòng sông thì lần đầu tiên công chúng rộng rãi mới biết đến một diễn viên điện ảnh đích thực. Diễn xuất của Phi Nga ngay từ vai diễn đầu tiên đã rất “điện ảnh”, nghĩa là rất tự nhiên, giản dị, sống động. Một người chưa qua bất kỳ lớp đào tạo diễn xuất nào trong điện ảnh, làm được thế thực là rất đáng quý”.

Khi bộ phim Chung một dòng sông ra đời, được công chiếu và khán giả đón nhận vô cùng nồng nhiệt. Phi Nga, cùng với Mạnh Linh (vai Vận) trở thành những ngôi sao đầu tiên sáng trên bầu trời điện ảnh nước nhà. Ngay sau đó, lớp diễn viên khoá 1 của trường Điện ảnh Việt Nam khai giảng. Phi Nga trở thành diễn viên cao tuổi nhất lớp, một người đàn chị có kinh nghiệm diễn xuất và chăm chỉ học tập nên có kết quả xuất sắc.

Sau vai diễn đầu tiên, Phi Nga có một loạt vai mới trong các phim như: Vật kỷ niệm (1960); Trên vĩ tuyến 17 (1965); Biển gọi (1967); Rừng O Thắm (1967); Vợ chồng Anh Lực (1971); Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1973)… Qua mỗi phim, Phi Nga đều gây được những ấn tượng đẹp. Đúng như một đồng nghiệp đã từng nhận xét: “Không lên gân, không nhiều động tác, diễn xuất của Phi Nga theo cách riêng, nhẹ nhàng mà truyền cảm, thể hiện được phẩm chất, tâm hồn và sức mạnh bên trong của những nhân vật phụ nữ Việt Nam này”.

Ngoài việc diễn xuất, Phi Nga còn tham gia giảng dạy tại trường Điện ảnh Việt Nam. Bà là cô giáo chủ nhiệm lớp diễn viên điện ảnh khóa II (1973 – 1977) đào tạo các diễn viên như : Đặng Việt Bảo, Bùi Bài Bình, Minh Châu, Bùi Cường, Thanh Hiền, Đăng Khoa, Hữu Mười, Bích Ngọc, Thanh Quý, Đào Bá Sơn, Phương Thanh, Vũ Đình Thân, Ngọc Thu, Diệu Thuần, Trần Quốc Trọng… Sinh thời, diễn viên Phương Thanh từng tâm sự chị vào nghề diễn viên là do sự giới thiệu của người bạn thân Phan Việt Nga, con gái của diễn viên Phi Nga. Chính Phi Nga với tất cả sự nhiệt thành, tận tuỵ đã truyền cho Phương Thanh kỹ năng diễn xuất và lòng yêu nghề. Chỉ mấy năm sau khi ra trường Phương Thanh đã gây được tiếng vang lớn trong phim Tội lỗi cuối cùng qua vai diễn Hiền Cá Sấu.

Chồng Phi Nga là nhà thơ, kiêm đạo diễn Phan Vũ. Chuyện tình của họ bắt nguồn từ khi cùng dựng vở kịch Bạch Mao Nữ. Lúc đó Phan Vũ là đạo diễn, Phi Nga vào vai Bạch Mao Nữ. Khi diễn viên vào vai Hoàng Thế Nhân đóng sai, đạo diễn Phan Vũ đã hét lên và xây xẩm mặt mày. Phi Nga xúc động trước sự tâm huyết của người đạo diễn, và từ đó nảy sinh tình cảm. Mối tình đẹp buổi đầu ấy giữa hai người đã sinh ra cho họ hai người con là đạo diễn Phan Điền và nhà báo Phan Việt Nga.

Năm 1977, Phi Nga bị đột quỵ và suốt 8 năm sau đó, bà mất ở Thành phố Hồ Chí Minh khi mới 50 tuổi. Nghệ sỹ kim Chi, người em về tuổi tác và nghề nghiệp, người bạn cùng lớp diễn viên khoá 1 Trường điện ảnh Việt Nam và là người đồng hương miền Nam cùng tập kết vẫn thường đến thăm Phi Nga những năm cuối đời. Thời kỳ đầu mới bị đột quỵ Phi Nga vẫn còn nhớ được bạn bè và rất vui khi đồng nghiệp đến thăm. Những năm sau này, dù bị rất nặng không đi lại được, mỗi lần Kim Chi đến, Phi Nga vẫn biểu lộ một tình cảm đằm thắm, dẫu nỗi buồn trĩu nặng trong lòng bà.

Cuộc đời Phi Nga đã đi qua, ngắn ngủi, lung linh, đẹp và buồn như một huyền thoại. Và lúc này đây, những đồng nghiệp của bà, cả những bậc hậu sinh vẫn nhớ đến bà hơn bao giờ hết…                                                                                                                               

                                                                                T.S


2 bình luận

  1. Xin cảm ơn Nhà văn – Nhà phê bình điện ảnh Thiên Sơn. Bài viết “ngược dòng” của Anh rất cảm động – như một hồi chuông gợi nhớ và nhắc nhở thế hệ này một bậc tài hoa của ký ức. “Cuộc đời Phi Nga đã đi qua, ngắn ngủi, lung linh, đẹp và buồn như một huyền thoại. Và lúc này đây, những đồng nghiệp của bà, cả những bậc hậu sinh vẫn nhớ đến bà hơn bao giờ hết…”
    Xin cảm ơn Nhà thơ – Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã giới thiệu bài viết rất trang trọng và hữu ích.

  2. Cám ở nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã có bài viết về mẹ em. Ba em ngồi đây và rất xúc động

Bình luận về bài viết này