NƯỚC NON NGÀN DẶM


NGUYỄN ĐẶNG MỪNG

Anh Hồng Vũ, chủ doanh nghiệp Hồng Hương dùng xuồng máy chở chúng tôi đi vòng quanh cù lao An Bình. Hàng trăm  bè cá dọc bờ tả ngạn sông Cổ Chiên, nhìn từ xa như một làng nhà nổi. Hồng Vũ bảo trời cho dân An Bình nguồn sống mới. Mỗi bè cá được làm thật đơn giản với những dụng cụ rẻ tiền, khoảng vài chục triệu một bè. Mỗi bè thu được hàng trăm triệu một vụ cá. Ngạc nhiên nhất là nhờ những bè cá làm thành một “đê chắn sóng” mà những năm gần đây đất không bị sạt lở. Chợt nghĩ, cù lao An Bình như  được trời cho nguồn lợi kép. Diện tích đất mất đi được bù lại mặt nước, mà tính ra nguồn lợi từ mặt nước gấp hàng chục lần mặt đất. Nghe nói vợ chồng  anh Tám Lê, chủ khách sạn Ngũ Long định dựng một tượng Phật gần bờ sông, nơi hay bị sạt lở với hy vọng sự hiển linh sẽ  giúp dân An Bình được sống yên bình bền vững.

Một vòng quanh cù lao, chúng tôi được tham quan những vườn cam, vườn bưởi trĩu quả núp dưới những tán lá, màu xanh mượt như tứa ra mật ngọt.   Nhà thơ nữ Thái Hồng đi bên thỏ thẻ.

giữa vườn xanh 

mùa trái chín đồng bằng thơm lựng

con gái miệt vườn đẫm hương của đất

nụ cười gợn mặt sông yên                                                         

Má Thái Hồng như hồng lên, cười giòn tan trong nắng sớm.

Sau khi thăm  làng nghề bánh tráng ở cù lao Mây, chúng tôi được mời dùng cơm trưa tại khu du lịch Thanh Hồng. Chủ nhân đẹp trai và…điệu nghệ. Ngoài những món ăn dân dã, điều làm tôi ấn tượng nhất là nhóm đờn ca tài tử.

Tài tử, cụm từ này thật đa nghĩa. Dập dìu tài tử giai nhân, chỉ những tao nhân mặc khách trong truyện Kiều. Ngày trước có khi dân Nam bộ gọi nam diễn viên điện ảnh là tài tử, nữ là minh tinh. Lại gọi những việc làm chơi là tài tử, không chuyên nghiệp, như các nhóm đờn ca tài tử hiện nay.  Giọng ca thao thiết đến nao lòng của nữ tài tử đờn ca Thanh Thúy như chuyển cả tấm tình người Nam bộ vào lòng chúng tôi. Chiếc áo bà ba ôm sát, đôi mắt tình tứ buồn thương quyện vào giọng ca đam mê mà khắc khoải.

Áo em, hai vạt sông Tiền

Dang tay ôm trọn Cổ Chiên, An Bình!

Ai thương ai nhớ lục bình 

Mà câu vọng cổ giáng sinh đất này… 

                                (Phan Trung Thành)

Hình như người Nam bộ nào cũng yêu đờn ca tài tử, từ cán bộ cấp tỉnh như chị Tuyết Loan đến cô phục vụ bàn đều biết hát vọng cổ.

Chạnh nghĩ về quê nhà miền Trung. Có lần về quê, tôi đi dọc làng xóm vào buổi chiều,nơi ngày xưa  bên chiếc nôi mẹ ru tôi ngủ. Giọng mẹ buồn, dài như không dứt, mênh mang da diết:  “Kim may vô áo đứt rồi, tiếc công thầy mẹ đứng ngồi chọn kim”. Đứt hết thật rồi  ư, mà làng xóm không còn nghe một giọng hò ru con, thay vào đó là những bản nhạc rock, rap… và những người mẹ trẻ “đổi đời” trong chiếc quấn jean bó sát, hỏi ra thì chẳng ai biết hò ru con. Tâm hồn trẻ thơ cần câu hát ru xưa biết bao, để từ đó hồn Việt sẽ ẩn sâu trong tiềm thức cho đến một ngày thăng hoa thành tình yêu đất nước.

Mà oái oăm thay, đờn ca tài tử lại bắt nguồn từ cái nôi nhã nhạc cung đình Huế, được người Nam bộ sáng tạo mà thành.  Một thế kỷ, từ nhạc cụ ban đầu như đàn tranh, đàn cò, đàn kìm,  đờn ca tài tử hiện nay chủ yếu dùng chiếc đàn ghi ta phím lõm được tăng âm. Đàn phím lõm được cải tạo từ đàn ghi ta của Tây Ban Nha cũng là một sáng tạo độc đáo mà theo tôi là độc nhất trên thế giới.

Ít có nơi nào mà quá khứ  hiện tại và tương lai quyện vào nhau, được nhào nặn qua chiến tranh và thiên nhiên khắc nghiệt, để cho cuộc sống phơi nắng phơi sương,  cuộn chảy theo dòng Cửu Long ra biển như miền Tây Nam bộ này. Người và đất nhân hậu,  mộc mạc mà tài hoa sáng tạo, luôn tựa lưng vào nền văn hóa cha ông để tồn tại và phát triễn.

Chị Thái Hồng thuộc Hội LHVHNT Vĩnh Long  dẫn chúng tôi đi ăn cháo đêm. Anh Hồ Tĩnh Tâm, Phan Trung Thành và anh Ngọc Khương đến quán trước, kêu một lúc hai dĩa phá lấu. Thái Hồng bảo kêu vậy sao ăn hết. Chị bảo cháu phục vụ bớt đi một dĩa. Cháu vui vẻ bớt và đổi món khác. Chúng tôi đến đâu cũng được chào mời rất lịch sự. Anh bán vé số đẹp trai, áo vô thùng, sẵn sàng chụp hình lưu niệm. Người bán hàng rong chỉ cần thấy khách lắc đầu là lịch sự cười, cám ơn, không chèo kéo như một số nơi khác.

Có người hay phê phán mà không chịu tìm hiểu ngọn ngành. Người Nam bộ mua bán giỏi là tất nhiên. Từ thời Nam kỳ thuộc Pháp họ đã sống với “kinh tế thị trường”. Làm ra cái gì, bán cho ai, bán thế nào để giữ khách là bài học thuộc lòng của họ. Còn miền Trung của tôi, cuộc sống tự cung tự cấp, lấy gia đình làm nền tảng nên ít giao thiệp, mua bán một cách bài bản. Trồng được giàn bầu giàn bí chỉ hái nấu canh, thừa thì mang biếu hàng xóm. Tôi còn nhớ mẹ tôi có khi cắt nửa trái bầu nấu canh, nửa trái còn lại treo trên giàn, ruột ứa nước như khóc. Ngày hôm sau màu trắng ruột bầu ngà đi, teo lại tội nghiệp. Trong lúc người Nam bộ họ trồng bầu cả mẫu, bán hàng chục xe tải cho một vụ mùa. Họ còn bán chục mười hai mười bốn để lấy lòng khách. Còn miền Bắc thì qua mấy thế hệ có biết mua bán đâu, chỉ đến cửa hàng thương nghiệp mua theo tem phiếu. Khi vào kinh tế thị trường thì “phở quát”, “bia chờ’ phải tồn tại một thời gian nhất định thôi. Nhanh hay chậm còn tùy vào sự hòa nhập của từng con người, ngành nghề nữa.

Xin chào Vĩnh Long, một vùng đất hiền như đất, sôi nổi như sông nước, nhiệt thành như đờn ca tài tử, một vùng đất luôn tựa lưng vào quá khứ để vươn tới tương lai.  Trên chuyến xe về lại Sài Gòn, mệt thiếp đi, chập chờn ngủ, tôi nghe như từ sông nước vẵng lại câu vọng cổ của bà Châu Vĩnh Tế cũng tiếng cười sang sảng của Bà Công Nữ Ngọc Vạn ”Nước Non ngàn dặm ra đi…”, để đổi lấy nơi này.

Bình luận về bài viết này