SÔNG KHÁT CỦA TRỊNH XUÂN THU VÀ THƠ… PHỔ NHẠC


NGUYỄN TRỌNG TẠO

Bìa: Nguyễn Trọng Tạo

Bìa: Nguyễn Trọng Tạo

(Nghe ca khúc SÔNG KHÁT, thơ Trịnh Xuân Thu – nhạc Lê Minh – ca sĩ Ngọc Kỳ tại đây)

Người xưa cho rằng, sự chân tình là điều kiện tiên quyết để làm nên thơ. Tức là thơ do tình cảm mà sinh ra. “Phải có cái tình không thể lý giải trước đã, rồi sau mới có thơ bất hủ được”, Viên Mai, một nhà bình thơ nổi tiếng cũng nói thế.

Vẫn biết, tình cảm của mỗi người được dung dưỡng từ cuộc sống mà nên, nhưng đối với người thơ, dường như nó cũng có từ năng khiếu bẩm sinh, không thể vay mượn nhau được. Trịnh Xuân Thu cũng có ít nhiều năng khiếu thơ, và anh viết thơ chính từ năng khiếu đó.

Nếu quan niệm “thơ phải xuất phát từ khung cửi nhà mình, không nên gởi nhờ dưới phên giậu của người khác”, thì Trịnh Xuân Thu cũng có lúc làm được như vậy khi anh viết: “Xoài trổ mấy chùm thơm líu ríu/ Chim gù lạc giọng, chén trà khan”. Thơ ấy đọc lên thấy người, đó là người đa tình, đa cảm lại đa sầu. Tôi thích cái tình chân thật này của anh khi nói về gia cảnh đầy khó khăn một thuở, nhưng vẫn có chút lạc quan, hy vọng:

Xe đạp đường xa bon cọc cạch

Đèo vợ đón con muộn hết ngày

Thương cái kiếp nghèo danh với phận

Nhuốt tiếng thở dài, xuân gió bay.

Đó là thái độ của người dám chấp nhận thua thiệt để sống thanh thản.

Theo anh nói thì thời trẻ anh thích làm thơ, nhưng không dám đọc cho ai nghe; có lúc lặng lẽ gửi thơ đến báo này báo nọ hầu mong một lời chỉ giáo, nhưng đều bặt vô âm tín. Vì thế, anh tự cho rằng, có lẽ mình đã chọn nhầm thơ. Rồi anh từ bỏ nàng thơ cho đến một ngày gặp ông chú họ là nhà thơ, anh đọc liều cho chú nghe vài bài. Được chú khuyến khích “thích thì mày cứ làm, làm thơ có khi giải tỏa được vui buồn của mình đó”. Thì ra thế. Quả là lời chú nói không sai.

Những bài thơ cứ gom đầy dần mấy cuốn sổ tay. Rồi cũng có bài được in báo này báo nọ. Đó là sự khích lệ lớn đối với anh.

Giờ thì anh chọn mấy chục bài để in thành sách làm kỷ niệm. Tôi đọc tập thơ “Sông khát” của Trịnh Xuân Thu, thấy một tâm hồn chân thật với nhiều mộng mơ và ngẫm ngợi về tình yêu, cuộc sống, một tâm hồn có phần thủ phận, nhưng lại biết tự hóa giải. Với một tâm hồn như thế, thơ anh có lúc trào dâng một tình yêu không lời ngỏ:

Chưa một lần, hôn bờ môi xinh

Nhưng trong mơ anh thường hay gặp

Để rồi:

Ngẩn ngơ đứng trước hiên nhà

Trông trăng “đôi tám” nõn nà trắng trong.

Nhưng có lúc anh đã “yêu nhầm” như bao người từng nhầm lẫn vì tình mê đắm:

Ngỡ tưởng em nàng Bạch Tuyết

Nào ngờ Phù Thủy trong gương.

Đam mê và chua xót cũng không là chuyện lạ trong tình yêu. Trịnh Xuân Thu đã có lúc tìm được cho mình một cách nhìn thấu đáo vào bản chất của tình yêu với một giọng điệu chiêm nghiệm, triết lý nghe là lạ:

Đàn ông thích trăng hoa

Đàn bà thích bếp lửa

Đàn bà sinh ra ghen

Đàn ông sinh ra sợ

Nhà thiếu người đàn ông

như ngày đông thiếu nắng

Nhà vắng người đàn bà

như đêm rằm vắng trăng.

Hoặc có những thi ảnh khá độc đáo:

Xuân lộng lẫy như người đàn bà tái giá

Chợt thấy mình xuân qua!

Thơ Trịnh Xuân Thu cũng viết nhiều về quê, về Mẹ, về bạn… Anh cũng dành tình cảm cho nhiều nhà thơ mà anh tâm đắc với một tấm lòng trân trọng. Hình như anh cũng học được ít nhiều từ các nhà thơ đàn anh. Nếu nói làm thơ phải hội đủ ba điều kiện là tài năng, học vấn và vốn sống thì Thu mạnh về vốn sống cùng với môt kiến thức thơ tự học. Anh thú nhận là mình còn nhiều non kém, và làm thơ chỉ là sự yêu thích tự nhiên mà thôi. Tuy vậy, tâm hồn trẻ thơ vẫn còn ẩn náu trong anh, đôi khi nó mang tới cho anh sự ngơ ngác dễ thương trong cách nhìn sự vật, lại đôi khi nó khiến anh ngỡ ngàng, thiếu sự già dặn, chín chắn của nghệ thuật ngôn từ. Có những con chữ cần phải đứng thẳng trên trang giấy thì anh lại làm cho nó nằm xoài… Nhưng điều đó với anh cũng tất nhiên thôi, anh biết mình đâu phải nhà thơ!

Gạt đi những lời sáo cũ, những lời kể lể thừa thãi, thỉnh thoảng ta gặp ở thơ anh những niềm vui chia sẻ:

Bạn cũ ghé thăm, mừng sinh nhật

Mang cả mùa  Xuân đến với ta.

Cuối cùng, tôi muốn nhắc lại cái điều tôi đã nói ở trên: thơ gốc ở tình, ở tính tình. Thiếu đi điều đó thì dù có tài đến mấy, thơ cũng bỏ anh mà đi. Với Trịnh Xuân Thu, cái tình chính là cứu cánh cho thơ anh. Chính vì thế mà anh nhìn thấy được dòng sông đang khát. Vâng, “sông khát” chính là dòng sông đời người khao khát yêu thương, hạnh phúc, yên bình… Dòng sông ấy cũng chính là anh với những lời tự thú chân thành:

Ai cũng có dòng sông ký ức

sông như mê, sông chảy bên đời

Tôi cũng có một thời  trai trẻ

với yêu thương, sầu muộn, khóc cười…

Hà Nội, 4.2012

Bình luận về bài viết này