CHÙM THƠ PHẠM ĐƯƠNG


Nhà thơ Phạm Đương

Nhà thơ Phạm Đương

NTT: Có người tiếc cho Phạm Đương đã “cóp” tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Giờ thứ 25” (The 25th hour) của nhà văn Roumanie Constantin Virgil Gheorghiu để đặt tên cho tập thơ đoạt giải thưởng Hội Nhà Văn 2012 vừa được công bố. Tôi cũng nghĩ thế, vì đó là một ý tưởng độc đáo của… người khác.

Còn nhớ đầu năm 1991 khi làm tạp chí Cửa Việt, tôi có giới thiệu 2 bài thơ của Phạm Đương trên số 7, đây là lần đầu anh được giới thiệu 1 chùm thơ (chỉ có 2 bài), và tôi vẫn nhớ bài “Mãn tính” đầy chua chát về sự dối trá: Nói dối một lần/ Một lần đỏ mặt/ Nói dối hai lần/ Hai lần đỏ mặt/ Nói dối trăm lần/ Mặt như quả gấc/ Nói dối suốt đời/ Mặt không đổi sắc.

Nhiều người chưa đọc thơ Phạm Đương. NTT thấy trên mạng và xin giới thiệu cùng bạn một chùm thơ của anh.

THƠ PHẠM ĐƯƠNG

NHÀ THƠ

bỏ lại mọi toan tính phía sau lưng
anh có giờ thứ hai lăm khuya khoắt
giờ thứ hai lăm ngọt nhạt
giờ thứ hai lăm bồn chồn
hai mươi bốn giờ qua nhìn anh bằng đôi mắt khác
một tên khùng trong bóng đêm
một gã rồ trước nến

rời mặt đất
anh bơi trong khoảng lặng trước mặt
không thời gian
trắng không gian
mở hết tầng sóng để bắt tín hiệu
từ cõi âm cõi dương
từ nơi xa chỗ gần lúc mờ khi tỏ
những tiếng va đập vô nghĩa
cũng khiến anh thành người mắc nợ
cô đơn đi biển một mình

gọi chữ về như gọi đàn chim mải chơi quên tối
đôi khi
chữ bỏ đi và chim về núi
nhà thơ gặp lại bóng mình
có lúc
chữ ở lại
gặp một lặng thinh
bóng biến mất khi ngọn đèn phụt tắt
ấy là lúc
những dòng nham thạch
dâng lên

ấy là khi
thơ đã trả anh trở về mặt đất
để bắt đầu chuyện áo cơm từ giờ thứ nhất …

Ở PHỐ KHÂM THIÊN

từng khối người lao về phía trước
như thể có sóng thần đang đuổi sau lưng
bịt mũi bịt mặt không bịt tai bịt mắt
chửi rủa văng tục quạu quọ đủ các kiểu
khói bụi khói xe khói búa xua loại khói
táp vào mặt những ngôi nhà giả cổ
nhuộm đen hai cây đại ở số nhà 95

những khối người vẫn lao về phía trước
mỗi ngày đen đặc mưu toan
đếch cần biết có trận bom rải thảm
từ ba mươi ba năm trước
đếch cần biết có hai cây đại
sần sùi trong nỗi ấm ức

những khối người vẫn lao về phía trước
phía mù mờ phía không có đích
chẳng một ai ngoái lại
nhìn hai cây đại ở số nhà 95…

BIỆN HỘ CHO NHỮNG GIẤC MƠ KHÔNG CÓ THẬT

1.
Có chiếc răng trắng khác thường trên hàm răng
là chiếc răng giả
mơ một hàm răng thật trắng
nhưng không phải răng giả
kem đánh răng Hynos quảng cáo cả trong giấc mơ
răng trắng-không giả-kem Hynos
vừa đánh răng vừa huýt sáo
đó không phải là giấc mơ của những anh chàng Sơn Đông mãi võ
đánh răng giả vừa huýt sáo thật
lẩn thẩn với những chiếc răng
tôi tự làm nghèo giấc mơ của mình

2.
Sáng nay nghe một chuyện không vui không buồn
người đàn bà sáu mươi tuổi bất ngờ gặp lại người tình cũ
trong trại an dưỡng thương binh nặng
một gã du kích cách đây đã bốn mươi mốt năm
bà thì nhận ra ngay còn ông thì lơ đễnh như kẻ xa lạ
theo ký ức mù sương của bà thì họ đã một lần hôn nhau
nhưng không dám bước qua lằn ranh ám ảnh về những cuộc kiểm điểm liên miên thời chiến
quan hệ bất chính là cụm từ đã giết chết bao giấc mơ thiếu nữ
trong đáy thẳm gã du kích năm xưa
người ấy luôn luôn mười chín tuổi
trinh trắng hơn mọi sự trinh trắng nếu như nụ hôn không bị khép vào tội bất chính
làm sao quay ngược được kim đồng hồ thời gian
để xé tan tành những cuộc họp vô bổ
nhưng biết làm sao được
những giọt nước mắt lặng lẽ chảy dọc theo chiều dài bốn mươi mốt năm
giấc mơ được thoải mái ôm nhau ngày hòa bình
đã vĩnh viễn gửi lại cánh rừng mười chín tuổi
đó là giấc mơ nặng nhọc nhất mà cả hai phải gồng gánh suốt chặng đường còn lại

3.
Con được vào đại học là giấc mơ của tất cả các bậc cha mẹ
dù chúng vẫn thích chơi điện tử hơn là học chữ
“mày không đỗ thì mày chết với tao
còn tao sẽ chết nếu như mày đỗ!”
chín mươi phần trăm dân số là nông dân
luôn luôn đọc câu kinh trên đây trước ngày tiễn con ra trận
con thi đỗ thì cha sẽ chết
nhưng thà chết như thế may ra còn được sống
nuôi giấc mơ được cày ải trên cánh đồng chữ
vẫn dễ chịu hơn là cày trên mảnh ruộng đầy hóa chất và thuốc trừ sâu
cày trên đất cằn khô được bón phân đểu
hàng triệu đứa trẻ nông thôn luôn nuôi giấc mơ không có thật
bằng những phép màu rạ rơm
tôi từng mơ như các em
bằng giấc mơ bo bo mì lát
nào hãy mơ đi các bạn
đừng sợ
không ai đánh thuế giấc mơ bao giờ!

4.
Ngày lập hạ
ba mươi chín độ năm chưa phải là con số cuối cùng mùa nắng nóng
tôi nuôi giấc mơ Đà Lạt, Sa pa chạy dọc miền Trung
bất ngờ điện cúp không báo trước
mồ hôi trộn với cơn mơ
mang hình chiếc tủ kem ngày không có điện
lập hạ 2007

BUỔI SÁNG

buổi sáng
mở trang báo ra là gặp rác
ập đến từ mọi phía
cả cái phía từng được coi là sạch nhất

mong manh yêu thương nào sót lại
sau ngút ngàn tiếng súng khói bom
rác lấp luôn chút le lói cuối cùng
nơi ánh ngày sắp tắt

biết bắt đầu từ đâu
buổi sáng tinh khiết còn lại trong mơ
mê mệt cuồng nộ phẫn uất
anh bị xích vào công việc
tù chung thân không ân xá một ngày

lau muội đèn
tìm thêm ánh sáng
để hy vọng một ngày không có rác
tìm khuôn mặt sạch
mà không được

bây giờ anh mới thấy
đôi khi mình cũng là một thứ rác
vô cảm lặp lại mỗi ngày
mãn tính

BIÊN TẬP

hình như là thừa một câu
“anh yêu em”
anh nghĩ, chiếc gối ngủ chiếc mền ngủ chiếc đèn thức
đã mòn nhẵn mồ hôi sau hai mươi năm giường chiếu
thì nói câu ấy làm gì
và anh đọc lại
rồi cắt!

hình như là thừa bó hoa
nhân ngày sinh nhật
em đợi mòn mắt
anh nghĩ, hai mươi năm mặt tối mày tắt
gạo đong từng bữa mắm tính từng hào
anh quen mua rau chứ mấy khi mua hoa
hoa chi cho thừa
và anh tự cắt!

hình như là thừa một điều gì đó
một chút quan tâm
ánh nhìn âu yếm
một lời hỏi han
nửa câu thề hẹn
anh nghĩ, những điều ấy thuở hai mươi năm trước thì được
còn bây giờ tất tật đều thừa
cắt!

rồi một ngày em gom hết lại
hoa tươi với yêu thương
mắm muối và chiếu giường
hỏi han và thề hẹn
những gì anh cắt
những gì anh vất vào sọt rác
em restore
lập tức
anh bị đuổi khỏi chân biên tập!

CHỊ THÙY TRÂM

chắc chị không nghĩ
sau những hiệp chính
dài đến ba mươi lăm năm
mình vẫn còn kịp cứu một bàn thua
cho những cầu thủ từng mặc áo đội tuyển
nhiều người trong số họ
giờ không muốn đá bóng
chỉ thích bán độ
và nhận huy chương

khó mà tin được
đám cháy ngày ấy
ba mươi lăm năm sau
vẫn còn ngút khói

trước nấm đất bị chìm khuất dưới ngàn cây
từng rơi vào quên lãng
tất cả những cao dày
đều thấy mình nhỏ lại

ĐÁM ĐÔNG CÓ LÚC

có lúc
anh giơ tay theo đám đông
mà không cần hiểu
nhất trí trăm phần trăm
sau cú giật mình
không giống một hai ba dzô trăm phần trăm

đám đông ồn ào đám đông to tiếng
đám đông lờ đờ đám đông chết lặng
lúc nào cũng được nhân danh
anh thành kẻ a dua
anh thành kẻ té nước theo mưa
anh thành người khác

có ai ý kiến gì không?
không!
nhất trí trăm phần trăm
cạn ly nhất trí

bao năm anh lẫn vào đám đông
lúc nào cũng sợ mà không biết mình sợ điều gì
sợ cả sự lặng thinh lẫn những nơi to tiếng

rồi một ngày
anh thành đám đông lúc nào không hay
một cánh tay chai sần một cánh tay tê liệt
sau bao lần nhất trí

nhất trí thứ gì
không biết!

MỘT PHẦN TƯ NGÀY

luộc chín những ý nghĩ trong anh
bằng nửa chiều sót lại

ba phần tư ngày
ba phần tư thời gian xoay vần trong tù mù cơm áo
hy vọng nửa chiều sót lại
cứu rỗi những hố đen trên sao hỏa
khỏi bị khỏa lấp bằng sắt thép

em là phần nước ngầm đã đóng băng
từ hàng triệu năm trước
anh như con tàu thăm dò sắp hết nhiên liệu
một phần tư ngày chẳng cứu được gì
ngoài vòm đen ngòm của họng súng

em có biết
anh đang chờ một tiếng nổ

TRONG XÓ BẾP

chỉ có lũ dán và chuột ngự trị
trong xó bếp
lúc tăm tối

chợt một ngọn lửa ấm
thắp lên
cái dáng lui cui nhóm bếp
không lẫn vào đâu được
mẹ ta đâu đó đang về…

bây giờ là bếp gas và điện
mọi trật tự đã thay đổi
chỉ bóng tối còn nguyên
còn nguyên lũ chuột và dán

dẫn mẹ ta đi đâu
hỡi ngọn lửa ấm?

NHÀN NHẠT

một ngày nhàn nhạt trôi qua
nhiều ngày nhàn nhạt trôi qua
anh đang gắng gượng
để khỏi nhàn nhạt
anh đang nêm muối vào anh
hàng ngày

mở nhạc thật to
để khỏi nghe những lời nói dối
cố xua mọi điều không tốt
như xua muỗi

cố quên chuyện cũ
như quên một bài báo đặt hàng
tình cờ nhặt ra từ đống giấy lộn
bài báo đã giúp anh qua cơn khát

lục trong ký ức
còn một chút gì để nhớ thương
mấy dòng chữ đã nhòe mực
từ một lá thư đã lâu
hình như năm em hai mươi tuổi?

lá thư với những dòng chữ yêu thương
được anh đọc trong một ngày nhàn nhạt
bây giờ có ngâm toàn thân trong muối
cũng không thể nào mặn được

9 bình luận

  1. Toi chua doc nhieu tho Pham Duong, nhung qua may bai tho nay, toi thay Pham Duong xung dang nhan giai cua HNV, con cai ten tap tho giong ten cuoc sach cua nha van Rymani thi khong he trong lam. Do co the la mot su vo tinh trung lap thoi.

  2. Đọc bài các bài thơ trên, đi đọc lại bài “Nhà Thơ” của tác giả Phạm Đương, không thấy có gì vô lí khi Tác giả đặt tên tập thơ là “Giờ thứ 25”; Thơ của Tác giả có chật tự thời gian rõ ràng. Cuộc sống chật vật bận rộn, tại sao Nhà Thơ lại không nghĩ tới “Giờ thứ 25” được chứ.

    Tôi cũng đã đọc ở đâu đó những (Đạo..) những (Vay mượn…) nhưng ở đây tôi thấy “Giờ thứ 25” là của Phạm Đương – mặc dù bây giờ vào đây đọc tôi mới được biết Nhà Thơ qua bài giới thiệu này.

    Tôi cũng tập tành làm thơ, rung cảm trước mùa Thu, tôi vừa post xong “Mùa Thu”, lướt wb tôi lại bắt gặp vô số – Mùa Thu khác, đôi lúc giật mình vì những cái tên giống nhau…, trùng danh, trùng hiệu cũng thường khi…Tôi chưa biết tên sách có phải là Thương hiệu không, và Tác giả có vi phạm bản quyền không…xin được học hỏi

    Trăng Vàng

    • Bạn Trăng vàng ơi, bạn yên tâm đi, những xuân, hạ, thu, đông… những quê hương, làng xóm… những danh từ đã có sẵn không ai độc quyền được. Còn “Giờ thứ 25” (với ý nghĩa là ngày có giờ thứ 25) là sáng tạo riêng, vì làm gì có giờ thứ 25 trước khi tên sách ấy ra đời? Phạm Đương dùng lại nó tức là cóp hoặc “mượn” của người đã nghĩ ra trước anh ấy, thế thôi. Không thể bào chữa được.
      Làm văn chương, nên tránh những cái tựa đã quá nổi tiếng là tốt nhất, để người ta khỏi nhầm lẫn, hoặc bị ám ảnh cái đã có (nếu không phải là chủ ý).
      Còn tập thơ “Mùa thu” hay “Mùa xuân” của bạn thì chẳng sao, cứ yên tâm đi…

  3. Tôi thấy “nhà thơ” Phạm Đương trả lời trên báo rất ngụy biện, bảo Giang Nam và Đỗ Trung Quân đều có bài Quê hương, sao không nói. Phạm Đương lí luận kiểu này, chắc dọn đường cho việc đặt các tập tiếp theo của PĐ là “Chiến tranh và hòa bình”;”Những người khốn khổ”…hoặc “Thương lượng với thời gian”;”Chất vấn thói quen”;”Dấu về gió xóa”;”Cánh đồng bất tận”;”Thế kỷ bị mất”…Nhắc nhỏ cùng “nhà thơ”, nếu muốn dựa hơi, chỉ cần chẻ đôi ra thì được, ví dụ một tập đặt tên”Thương lượng”, tập sau đặt “Với thời gian”, tập nữa đặt “Chất vấn”, tập nữa đặt “Thói quen” thì xóa dấu vết. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã mượn tứ thơ “dối trá” của Phạm Đương để nhắc khéo “nhà thơ” PĐ đó. Nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức hơi ác bảo phải thu hồi. Có lẽ nên cho “nhà thơ đạo từ ngữ, ý tưởng” này nhận tiền để kiếm chút chi phí vì chắc “nhà thơ” cũng nghèo. Nhưng trước khi phát tiền xương máu của nhân dân, phải phê bình thẳng thắn để làm trong sạch “nhà thơ”.

    • ở đâu ra cái dân trí thức đi khinh người khác zậy,

  4. Nói thế nào nhỉ. Phải chăng có sự cố chấp trong này không khi dựa vào cái tên để phán chùm thơ. Chỉ xin hỏi một điều thôi: Những bài thơ đó có xứng đáng được giải hay không? Tôi tin là XỨNG ĐÁNG!
    VÌ vậy cũng mong các bạn đừng suy diễn nhiều. Bạn NewStar nói là ông Hoàng Đức j đó hơi ác, nhưng tôi thấy bạn cũng “ác khẩu” không kém khi nói đến chuyện tiền nong – chuyện nghèo. Tôi dám chắc rằng là khi nhà thơ làm thơ – sáng tác là tự đáy lòng mình. Bởi nếu làm thơ mà nghĩ đến tiền thì chắc không thể sáng tác nổi. Cũng xin nói cho bạn hay Nhà báo Trần Đăng (hay Nhà thơ Phạm Đương) từng làm cho Báo Lao Động và nay làm cho Báo Thanh niên. Anh không nghèo đâu (vì lương cũng mấy chục triệu đồng/tháng đó). Mong rằng khi tranh luận thì hãy tranh luận trên tinh thần thiện chí và xây dựng; còn điều j biết thì hãy nói, không biết thì không nên võ đoán, suy diễn. Biết đâu trong đời ta sẽ có ngày gặp nhau, khi đó mới hiểu lòng nhau – khi đó ta không phải hối tiếc mình đã lỡ lời với một người mà có thể trân trọng được!

    • Xin thư, chùm thơ trên đây quá dở bạn Phạm Xuân ạ, tôi thấy so với mặt bằng thơ Việt thì nó chìm lỉm, có dán thêm mác giải thưởng HNV sẽ càng bị nguyền rủa hơn…
      Tôi không cãi với Phạm Xuân vì bạn không phải là nhà thơ Phạm Đương mà dọa dẫm tôi rằng nhà thơ Phạm Đương mấy chục triệu/tháng… Ôi, xin vãi mấy chục triệu của nhà thơ! Giá như bạn xây ngôi nhà sang mà thó cái cửa của hàng xóm về ráp vào, bạn cứ bảo nhà tôi mấy chục triệu, cái cửa vài trăm bạc nghĩa lý gì, người ta đánh giá bạn ra sao. Còn Giờ thứ 25 là là nhan đề quá nổi tiếng. bạn ạ, ví như trên thế giới không thể có 2 nước tên Việt Nam, 2 nước tên Hoa Kỳ, 2 nước tên Pháp…Bạn có thể đặt tên tập thơ bạn là Đồng dao cho người lớn thì chỉ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo la, nhưng nếu đoạt giải HNV, sẽ bị cả nước la.Trên thế giới này, không có Ban Giám khảo nào kỳ quặc và bất chấp dư luận như Hội NVVN. Còn có thể có Hà Đông Trung Quốc và Hà Đông Việt Nam, không bị kiện cáo gì, cùng lắm Trung Quốc nói Việt Nam chúng mày bị ảnh hưởng văn hóa của tao, nô dịch của tao! Chỉ nói vậy gì là đã nhục nhã rồi, bạn ạ.

  5. Người ta vẫn hay nói rằng: giá mà một ngày có hơn 24 tiếng, tôi sẽ dành thêm vài tiếng để ngủ. Thật ra, giờ thứ 25 cũng không phải là một nhan đề độc nhất vô nhị. Bạn tin không? Một tác phẩm Việt Nam khi chuyển ngữ tựa đề qua một cụm từ tương đương ở tiếng Anh và search ra những tác phẩm có cùng tựa đề tưng tự( trừ những cái đậm chất Việt). Ví dụ “thế kỷ bị mất”- ” the lost century” thì tựa đề đó có độc nhất vô nhị không?
    Tôi thấy rất nhiều người đã đánh giá tác phẩm qua cái tựa đề của nó và phán xét nhân cách khi chuyện đạo tên hay không vẫn chưa rõ ràng. Ai đó đã nói rằng người ta thường thường thức vì họ nghe bảo nó hay/ nó dở chứ không thực sự nếm, ngửi được cái hay dở đó. Ví dụ ông nào đó PR bài thơ của bạn hoành tráng thì người đọc sẽ nghĩ là hay nhưng mình chưa hiểu, còn khi có vết đen thì thừa cơ hội để ném đá hơn là thưởng thức.
    Bên blog Dohoang còn có người bình luận là thơ không có vần, “Thơ ở các nước tây tàu mà tôi đọc được thấy luôn có vần…”. với trình độ hiểu biết thơ ca như này cộng với định kiến thì làm sao tiếp nhận tác phẩm được.
    Bây giờ các bạn thử lên google và search ” giờ thứ 25″ hoặc “25 giờ” xem có bao nhiêu tác phẩm có cùng tựa đề.

  6. Hôm qua mơ gặp Nguyễn Du, dại miệng hỏi cụ sao lại đi lấy Đoạn trường tân thanh của Thanh Tâm Tài Nhân để viết thành Kiều. Phải như thời bây giờ thì bị mấy nhà triết học với phê bình xúm vào hè nhau nói cụ ăn cắp rồi. Cụ xem, như Phạm Đương lấy mỗi tên Giờ thứ 25 cho tập thơ thôi mà bị họ văng cho đủ thứ vào mặt, con cháu cụ bây giờ ghê lắm chứ chẳng vừa. Cụ cau mày chửi cho một trận: “Mày ngu như bò.Trẻ ranh biết gì mà ngó chuyện người lớn. Đoạn trường tân thanh cái gì, đứt thanh thì có. Mày không biết Hồ Xuân Hương ngày xưa chửi mấy thằng ăn theo nói leo, tát nước theo mưa ấy thế nào à. Bà ấy chửi thế này này “Một đàn thằng ngọng chỉ vào chuông – Chúng bảo nhau rằng ấy ái ô” . Mình nghệt mặt ra, quái, ông già này lẩm cẩm đọc sai bố cả thơ của bà chúa mất rồi “ấy ái uông” chứ. Ngoác miệng định cãi thì ông cụ trừng mắt nhìn, thế là không dám mở miệng. Hóa ra ông cụ cũng thâm ý thật. Rồi ông cụ khề khà nói tiếp ” Mày xem, chúng nó chỉ dám lôi Phạm Đương ra cãi nhau với tay Rumani đã ngỏm từ đời tám hoánh nào đó thôi. Chứ lên đây có dám lôi cỡ bự như giắc lân dân ra đâu. Nghe đâu cũng bị tay làm phim nào đó ăn cắp mất tên tiếng gọi nơi hoang dã đấy. Bảo nó ăn cắp có khi nó phang cho không có quan tài mà chui ấy chứ”. (ông này cũng cập nhật thông tin ghê) “huống hồ đòi động đến Kiều, không cần ta lên tiếng thì cũng có một nước người vặn từng cái ngón tay của nó ra chứ chẳng chơi. Mày có thấy không, ngày xưa Nam Cao viết ra Chí Phèo cũng là ăn cắp từ tên thằng hàng xóm nhà tao ra cả đấy” (Ông già này bịa cứ như thật) “Nam Cao tài thật, đến giờ mà vẫn còn nhiều Chí Phèo như thế”. (Cũng phải, chúng nó cũng lớn lên từ cái thời mậu dịch ấy mà. Con nào chả là con, tuy có thằng ngoan ngoãn nhưng cũng khối thằng mất dạy). ” Mà ở dưới này cũng có Internet đấy, sao tao hỏi thằng gô gờ thì chả thấy cái gì ra hồn của mấy thằng trí sỹ mới này nhỉ. Hài, bây giờ chúng nó cũng chỉ biết nhai lại mấy cái phúc âm phúc dương gì đó thôi, chứ cũng có xuất ra được cái gì nên thân đâu, bất lực rồi”. Đang uống ngụm nước suýt nữa thì sặc cả vào cụ. Ông già này quả là sành điệu, không hiểu nếu còn tới giờ có cho ra Kiều phẩy không, mà có thì không khéo lại soán mất ngôi của Thanh Thảo, cũng thành chuyên gia nước ốc mất, ai bảo có mỗi Kiều cứ tua đi tua lại. “Bây giờ mà sống lại, ông phải đi Rôn roy, giày da cá sấu, quần áo hiệu cạc-đi, chứ chân đất áo vải người ta khinh cho”. “Tao mà ngồi chung mâm với mấy cái thằng Chí phèo đấy thì sống lại làm gì. Nghĩ đi nghĩ lại, tao vẫn thấy tội Nam Cao, đã rặn ra được thằng Chí Phèo, còn cẩn thận cấp cho nhân gian thêm Đôi mắt. Ấy thế mà giờ không ai biết dùng đôi mắt ấy để làm gì”. “Thì có cả mắt ti hí mà cụ”. Ông cụ ngồi thừ ra một lúc, ủ dột nói “Hôm trước, tao gặp Vũ Trọng Phụng, nó bảo còn sống kiểu gì nó cũng cho ra một thằng Xuân hiện đại”. Rồi cụ hấp háy sang mình “Mày ở đây với tao…”. Mình tá hỏa, khẩn khoản nói “Dạ thôi, con xin. Con vẫn thích xem hề”. Rồi tỉnh mất

Bình luận về bài viết này