TỪ HÀ NỘI, THƯƠNG NHỚ NHẠC SĨ “NHỚ VỀ HÀ NỘI”


NGUYỄN TRỌNG TẠO

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp

Sáng nay mở máy, bỗng gặp bài hát “Nhớ về Hà Nội” của Hoàng Hiệp. Lời ca mộc mạc nhưng âm nhạc thì mênh mang sâu nặng: “Dù có đi bốn phương trời/ Lòng vẫn nhớ về Hà Nội/ Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu/ Một thời đạn bom, một thời hòa bình…” Vâng, 20 năm sống với Hà Nội từ ngày tập kết ra bắc (1954), Hoàng Hiệp đã sống với thủ đô suốt tuổi thanh xuân để thành một người nhạc sĩ viết những bài hát nổi tiếng gắn với cuộc đấu tranh thống nhất đất nước: Câu hò bên bến Hiền Lương, Lá đỏ, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác… Âm nhạc của ông bao giờ giai điệu cũng đẹp, cũng da diết nỗi nhớ quê hương phương nam của ông. Và ông đã về nam ngay sau ngày đất nước thống nhất, để rồi lại không nguôi nhớ về đất bắc với Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội…

Còn bây giờ, tôi vừa nghe tin ông đã khởi hành chuyến đi vào cõi vĩnh hằng vào sáng 9/1/2013. Đời người mà, ai chả phải có một chuyến đi cuối cùng như thế. Từ Hà Nội, tôi nhớ về ông.

Ông tên thật là Lưu Trần Nghiệp, tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi (1945), gia nhập vào đoàn Tuyên truyền lưu động Long Xuyên, sau chuyển về đoàn văn công và phân hội Văn nghệ Long Châu Hà và bắt đầu sáng tác nhạc từ năm 1948. Nhưng phải đến khi tập kết ra bắc công chúng mới biết đến ông với bài hát Câu hò bên bến Hiền Lương (lời phỏng thơ Đằng Giao). Rồi ông vào học khóa sáng tác âm nhạc đầu tiên ở Hà Nội cùng với Hoàng Việt, Lưu Cầu, Trần Kiết Tường… là những nhạc sĩ từ miền nam ra bắc. Học xong, ông về làm việc tại nhà xuất bản Mỹ thuật – Âm nhạc. Là một biên tập viên nhưng ông tham gia dịch sách viết về lý luận và hướng dẫn tìm hiểu âm nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha vẫn còn nhớ là hồi nhỏ đã đọc say mê cuốn “Các thể tài âm nhạc” do Hoàng Hiệp dịch, và giữ suốt gần nửa thế kỷ qua.

Hoàng Hiệp và Xuân Hồng (phải)

Hoàng Hiệp và Xuân Hồng (phải)

Khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước xảy ra, Hoàng Hiệp lấy thêm bút danh Lưu Nguyễn để ký dưới những bài hát viết cho miền nam (Hành khúc giải phóng của Lưu Nguyễn và Long Hưng…). Còn những bài hát viết cho miền bắc ông vẫn ký bút danh Hoàng Hiệp. Nhiều bài hát của ông gây ấn tượng mạnh mẽ trong công chúng yêu nhạc như Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn đông – Trường Sơn Tây, Lá đỏ. Tôi nhớ giọng hát cao chót vót của nghệ sĩ Tường Vy bắt chước tiếng chim đầy khát vọng khi hát Cô gái vót chông rung động lòng người. Tôi nhớ giọng hát của cặp song ca không chuyên Ngọc Bé – Huy Túc hát Trường Sơn đông – Trường Sơn Tây sưởi ấm tình cảm những đoàn quân ra trận. Tôi nhớ giọng hát Quý Dương hát Lá đỏ như tạc vào trùng điệp núi rừng hình ảnh người em gái tiền phương cùng đoàn quân giải phóng… Có thể nói, đó là những “bài ca không quên” mà nhạc sĩ Hoàng Hiệp tài hoa đã để lại cho đời.

Từ ngày trở lại miền nam, Hoàng Hiệp như trẻ lại. Âm nhạc của ông gắn bó với đời sống tình cảm của tuổi trẻ. Những bài tình ca ra đời trong sự tiếp đón nồng nhiệt của công chúng: Con đường có lá me bayMùa chim én bayEm vẫn đợi anh vềNơi anh gặp em… và đặc biệt là bài Trở về dòng sông tuổi thơ, như một bài “hát tủ” của nhiều ca sĩ, liên tục được hát từ khi nó ra đời, và chắc chắn còn vượt thời gian để đến với các thế hệ sau: “Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình/ Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ/ Con sông tôi tắm mát/ Con sông tôi đã hát/ Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà…”. Có lẽ đây là bài hát chất chứa thật nhiều kỷ niệm, tình cảm của đời ông với miền quê nhà An Giáng mà ông đã phải biệt ly từ thuở thiếu thời.

Và không chỉ viết ca khúc, Hoàng Hiệp còn thể hiện tài năng của mình qua nhiều tác phẩm viết cho sân khấu và phim. Đó là âm nhạc cho các vở kịch nói Người ven đô, Màu giấy mới, Xa thành phố yêu dấu… Đó là âm nhạc cho các vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga, Tiền và Nghĩa… Và nhiều tác phẩm âm nhạc viết cho phim truyện và phim tài liệu: Cánh đồng mơ ước, Bản nhạc người tù, Mùa gió chướng, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Biệt động Sài Gòn… Ở thể loại nào, Hoàng Hiệp cũng gửi gắm tình cảm sâu đậm của ông vào tác phẩm. Với khoảng 300 ca khúc và nhạc không lời, Hoàng Hiệp đã để lại một gia tài âm nhạc chưa khai thác hết. Với những tác phẩm đã được giới thiệu, ông đã để lại nhiều ấn tượng đẹp đẽ về một người nhạc sĩ tầm cỡ suốt đời vì công chúng.

Ông cũng là một nhạc sĩ phổ thơ thành công mà có người đã gọi là “ông hoàng phổ thơ”. Và tôi chợt nhớ tâm sự của ông lúc sinh thời về những bài hát mà ông đã phổ thơ: “Như ca khúc Nhớ về Hà Nội đến giờ vẫn làm tôi xúc động. Bởi đó là những cảm xúc thật, sâu và mãnh liệt. Phổ thơ là “phá” thơ nhiều lắm. Nhưng các nhà thơ không trách gì nên tôi cứ việc phổ. Dẫu sao, phần nhạc vẫn quyết định, nhưng không có lời thơ hay thì bài hát cũng không thể hay được”. Một tâm sự khiêm nhường như ông vậy.

Năm 2000, Nhà nước đã trao cho nhạc sĩ Hoàng Hiệp Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Đó là một sự ghi nhận xứng đáng. Còn bây giờ ông ra đi, những giai điệu của ông vẫn vang lên đây đó. Để chia sẻ, vỗ về. Để nhớ lại kỷ niệm xưa. Để vĩnh biệt người nhạc sĩ tài hoa.

Và tôi vẫn nghe “Nhớ về Hà Nội” của ông giữa lúc tôi đang ở giữa lòng Hà Nội và gửi thương nhớ về ông.

9/1/1013

NTT

9 bình luận

  1. …”Người đi ừ nhỉ người đi thật…”
    Bát ngát còn đây những khúc ca
    Nhiều kẻ đã chết khi đang sống
    Riêng anh trẻ mãi tuổi ngọc hoa!

  2. Xin một phút im lặng tưởng nhớ Nhạc Sĩ !

  3. Thay lời chia buồn cùng gia đình nhạc sĩ Hoàng hiệp và tiễn biệt NS Hoàng Hiệp về chốn vĩnh hằng

    Nhớ về nhạc sĩ Hoàng Hiệp
    (1.10.1931/9.1.2013)

    Thế rồi người cũng đi xa
    Trọn đời dâng hiến tình ca dâng đời
    “Nhớ về Hà Nội” ai ơi
    Dẫu đi khắp nẻo phương trời chẳng quên.

    “Thành phố tôi yêu” nhắc tên
    “Mùa chim én bay” ngân lên ngọt ngào
    “Ngọn đèn đứng gác” xôn xao
    “Nơi anh gặp em” thuở nào còn đây

    “Con đường có lá me bay”
    “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” hát hoài
    “Lá đỏ” “Hoa hồng” nhớ ai
    “Sao anh không kể” đêm dài trở trăn,

    “Em vẫn đợi anh về” thăm
    “Đất quê mênh mông” (1) thì thầm lời thương
    “Câu hò bên bờ Hiền Lương”
    “Phía ấy tình yêu” (2) vấn vương bồn chồn

    Hoàng Hiệp sống mãi muôn lòng!

    9.1.2013/Trần Kim Lan

    Ghi chú: Những câu trong ngoặc kép, tên các bài hát trong số những bài hát do Nhạc sĩ Hoàng Hiệp sáng tác
    – (1): Đất quê ta mênh mông
    – (2): Về phía ấy tình yêu

    @nsnguyentrongtao
    Cảm ơn bài viết của NSNTT. Chúc NS vui khỏe!

  4. Có những bài ca làm mây chòng chành
    Và hoa khoe sắc, hong vàng nắng hanh
    Có những bài ca làm tôi rợn mình
    Sông ngầu máu đỏ, hoàng hôn tím bầm

  5. Xin gửi lời chia buồn tới gia đình và cầu chúc cho hương hồn Nhạc sĩ thanh thản ở cõi vĩnh hằng.

  6. Thế hệ tôi và chắc chắn còn nhiều thế hệ sau nữa sẽ tiếp tục kính cẩn nghiêng mình trước tài năng và những đóng góp to lớn của nhạc sĩ Hoàng Hiệp cho nền âm nhạc nghệ thuật của Quê Hương.
    Xin được gửi lời cảm ơn cũng như một lời từ giã muộn màng chia tay ông sau ngày ông đã ra đi.

  7. ” Dù có đi bốn phương trời,lòng luôn hướng về Hà Nội, Hà Nội của ta một thời đạn bom, một thời hoà bình…”,một câu hát mà khi ở những nơi xa tổ quốc,xa bạn bè và những người thân, mỗi lần cất lên,lạ thay nỗi nhớ trong tôi như được vơi đi.Theo quy luật khắc nghiệt của thời gian thì đó là” Bến đỗ vĩnh hằng ” cho một đời người. Có thể nói NS Hoàng Hiệp đã sống một cuộc đời trọn vẹn, đẹp đủ nghĩa, và đầy ý nghĩa của một người nghệ sĩ tài hoa. Xin thắp một nén tâm hương vĩnh biệt ông. Hôm nay cũng là ngày mùng 1 đầu tháng 12 âm lịch. Tháng cuối của năm cũ,tôi cũng xin chúc mọi điều an lành, may mắn,hạnh phúc cho tất cả mọi người.
    Trân trọng cảm ơn NV NTT.

  8. Anh Tạo ạ. Năm 1980. em cùng đội văn nghệ “ty thương nghiệp tỉnh Bình trị Thiên vào hội diễn ngành nội thương toàn quốc Phia nam. . Bữa đó em hát bài ” Viếng lăng Bác Hồ” Nhạc Hoàng Việt, thơ Viễn Phương. Danh sách ban giám khảo có Hoàng Hiệp. Em thực sự hồi hộp, …lo ngại, không biết mình hát hò ra sao đây trước một tác phẩm của một nhạc sĩ nổi tiếng Hoàng Hiệp. Hôm đó Hoàng Hiệp mặc áo hoa , màu vàng sặc sỡ, làm em từ Huế vào cứ thấy là lạ, kì kì. Và em nhớ nhất là khi hát xong , NS Hoàng Hiệp đón em bằng cái bắt tay nồng ấm, NS vui nói rằng: em hát có sáng tạo đấy. Khi tổng kết em được trao giải Vàng. Giờ vào SG , chưa có dịp nào được gặp lại người NS tài danh, người giám khảo đã từng trao giải vàng cho mình…thì được tin Hoàng Hiệp ra đi. Em buồn và tiếc nuối và ân hận anh Tạo ạ.

  9. Xin chân thành cám ơn tấm lòng mọi người!
    Xin mời tham quan trang http://www.facebook.com/hoanghiep.nhacsi do con trai nhạc sĩ lập ra để tưởng nhớ người cha thân yêu.
    Hà Xuyên

Bình luận về bài viết này