CHÍNH SỬ TRIỀU NGHI CHÉP VỀ LÊ ĐẠI CƯƠNG (CANG)


PGS.TS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG CHI
(Viện Sử học)

Lê Đại Cương sinh năm 1771 tại thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông là người văn, võ song toàn. Cuộc đời và sự nghiệp của ông đã được một số tác giả đề cập, trong bài viết này, tôi muốn cung cấp những tư liệu gốc, tức là những tư liệu được Quốc sử quan triều Nguyễn ghi chép về Lê Đại Cương (Cang). Đó là bộ Đại Nam thực lục

            1. Thời gian làm việc ở Bắc Thành (1810 – 1823)

            Lê Đại Cương được Đại Nam thực lục, chép sớm nhất vào năm 1811: “Lê Chất tâu cử Lê Đại Cương theo làm việc ở thành. Cương trước làm Tri huyện Tuy Viễn, vì tham tang phải mất chức, Chất thấy Cương là người có tài làm việc, mới tâu xin. Vua y cho”[1]. Lê Chất đã từng ở Bình Định cùng với một số tướng lĩnh của vua Gia Long và là người thân tín của nhà vua[2]. Sau đó, vào năm 1810, Lê Chất được vua Gia Long cử ra Bắc Thành làm Tổng hiệp trấn[3]. Vốn là một tướng tài nên Ông nhìn người khá tinh tường và sớm phát hiện Lê Đại Cương. Nên, một năm sau khi Lê Chất nhận chức Tổng hiệp trấn, Ông đã tâu xin vua cho Lê Đại Cương ra Bắc cùng làm việc với mình. Lê Đại Cương được thăng chức Thiêm sự Bộ binh, giữ việc từ chương. Đại Nam thực lục chép: Năm 1819, “Lấy Câu kê Thị hàn viện là Trần Chính Đức làm Thiêm sự Hộ bộ, cựu Tri huyện Lê Đại Cương làm Thiêm sự Binh bộ, sung biện Hộ tào và Binh tào Bắc Thành. Lại sai Chính Đức kiêm quản cục Bảo tuyền, Đại Cương kiêm làm giấy tờ ở thành[4].

            2. Thời gian làm việc ở Quảng Nam (Tháng Giêng / 1823 đến tháng 9/1826)

Năm 1823, sau 12 năm làm việc ở Bắc Thành, Lê Đại Cương được triều đình điều vào Quảng Nam lãnh chức Cai bạ, “Lấy Thiêm sự Binh bộ chuyên biện việc từ chương ở Bắc Thành là Lê Đại Cương làm Cai bạ Quảng Nam”[5].

Tháng Giêng, năm 1824, triều đình tiến hành duyệt tuyển[6] ở Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Ngãi. Ở Quảng Nam, địa bàn do Lê Đại Cương phụ trách, số đinh hơn trước 1 phần 10. Do làm tốt công việc được giao nên một số quan chức được triều đình ban thưởng, trong đó có Lê Đại Cang. “Duyệt tuyển là để biết rõ số dân nhiều ít, chẳng phải lấy tăng lên hay kém đi làm tốt xấu ; duy Trấn thần Quảng Nam vỗ về chăn nuôi đúng đắn, hộ khẩu ngày đông, mà tuyển quan thì phép cũng vừa phải, không có thiên khinh thiên trọng, vậy nên xét công. Tuyển quan Nguyễn Văn Quế, Trần Minh Nghĩa, dinh thần Phạm Văn Tín, Trần Lợi Trinh, Lê Đại Cương đều thưởng 1 thứ kỷ lục. Từ sau phàm những người vâng mệnh đi làm duyệt đều nên đem lòng công bằng tin chắc, chớ có cầu công càn bậy mà hư trương số hộ làm hại dân”[7].

Tháng 3 năm 1924, triều đình cho khơi rộng sông Vĩnh Điện ở Quảng Nam. Đây là con sông quan trọng lại dài 1.640 trượng, nhưng đường nước nông, hẹp, nên việc khơi đào cần huy động số người đông tới 3.000 người và Lê Đại Cương được cử đảm trách việc này. Sau khi hoàn thành, Lê Đại Cương được thưởng 80 quan tiền, 2 tấm sa, 1 thứ kỷ lục. Đại Nam thực lục chép: “Đào sông Vĩnh Điện ở Quảng Nam. Xứ ấy có con sông nhỏ, từ xã Cẩm Sa (dài hơn 1.640 trượng), đường nước nông hẹp, sai Cai bạ Lê Đại Cương đốc suất 3.000 dân trong hạt để đào cho rộng ra. Người làm việc được cấp hậu tiền gạo (mỗi người mỗi tháng cấp tiền 3 quan gạo 1 phương). Đào hơn 2 tháng thì xong. Cho tên là sông Vĩnh Điện. Cầu sông ấy cũng gọi là cầu Vĩnh Điện. Thưởng cho Đại Cương 80 quan tiền, 2 tấm sa, 1 thứ kỷ lục, từ chuyên biện trở xuống thưởng tiền theo thứ bậc…”[8].

Sau đó, tháng 9 năm 1824, triều đình lại điều Lê Đại Cương làm cai bạ Vĩnh Thanh. “Lấy Cai bạ Quảng Nam là Lê Đại Cương làm Cai bạ Vĩnh Thanh, Thiêm sự Binh bộ là Bùi Phổ làm Thiêm sự Hình bộ sung biện Hình tào Gia Định, Tham hiệp Nam Định là Nguyễn Hữu Thị làm thự Ký lục Phú Yên”[9].

Tháng 5 năm 1825, do sông Vĩnh Điện bị sụt lở nhiều, Lê Đại Cương bị vua quở trách. Sử chép: “Đào lại sông Vĩnh Điện. Trước vua đi tuần Quảng Nam, trải qua sông ấy, thấy đường sông nông hẹp, bảo bầy tôi rằng : “Trước kia đào khai sông ấy, hạn bề ngang trên bờ là 5 trượng, dòng nước rộng 3 trượng 4 thước, nay mới hơn một năm mà đã sụt lở, chỗ rộng chẳng quá 2 trượng, chỗ hẹp chỉ hơn 10 thước; lại hai bờ cao quá, đứng dựng như vách thì thế nước chảy mau sụt lở càng nhiều, của nhà nước và công của dân, cả hai đều uổng phí, cái tội của Đổng lý Lê Đại Cương nói sao cho xiết. Bọn giám tu và chuyên biện đều giao xuống hai bộ Lại Binh bàn xử”[10]. Vì thế, tháng 7 năm 1825, Lê Đại Cương bị cách chức. “Cai bạ Vĩnh Thanh là Lê Đại Cương vì trước kia trông coi đào sông Vĩnh Điện ở Quảng Nam, bờ sông vỡ lở bị xử tội đồ. Vua đặc cách gia ơn đổi làm án cách lưu. Bộ Lại tâu rằng án cách lưu trước đây chưa có làm qua, xin nên truy thu hết bằng sắc từ lúc xuất thân đến nay, rồi làm bằng cấp của đình thần phát cho giữ lấy, đợi sau được khai phục sẽ xét phẩm trật mà cấp trả lại. Vua theo. Sau lấy đó làm lệ[11].

3. Trở về Kinh đô làm Hữu Thị lang Hình bộ (11/1826) và Thự Hữu Tham tri Hình bộ (Tháng 5 nhuận năm 1827)

Tháng 9 năm 1826, Lê Đại Cương được triều về Kinh đô: “Triệu Cai bạ Vĩnh Thanh là Lê Đại Cương về Kinh. Lấy Lang trung Công bộ thự Thiêm sự hiệp lý trấn vụ Phú Yên là Vũ Huy Đạt làm Thiêm sự Công bộ thự Cai bạ Vĩnh Thanh. Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt tâu xin cho Cương ở lại làm Tuyên phủ sứ phủ Lạc Hoá. Vua không cho, dụ rằng : “Đặt quan chia chức là việc lớn của triều đình ; tuỳ tài bổ dụng là phép công của vương giả. Cương đã có mệnh lệnh rồi mà còn xin lưu lại là sao? Nếu bảo rằng người ấy hợp với đất ấy thì sao không tâu xin từ trước khi chưa có lệnh triệu ?”. Duyệt sợ hãi, dâng biểu xin nhận tội. Vua tha cho[12].

Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, vào tháng 11- 1826, triều đình đã bổ nhiệm Lê Đại Cương giữ chức Hữu Thị lang Hình bộ, “lấy Ký lục Bình Thuận là Đoàn Viết Nguyên làm thự Hữu Tham tri Hộ bộ, nguyên Cai bạ Vĩnh Thanh là Lê Đại Cương đổi bổ Hữu Thị lang Hình bộ[13].

Đến tháng 5 Nhuận năm 1827, Lê Đại Cương được giữ chức thự Hữu Tham tri Hình bộ, “Cho Hữu Thị lang Hình bộ là Lê Đại Cương làm thự Hữu Tham tri Hình bộ, Hữu Thị lang Binh bộ là Lê Văn Đức làm Tả Thị lang Binh bộ[14].

4. Lê Đại Cương trở lại Bắc Thành (7-1827 đến Tháng 10 năm 1832)

(Trong thời gian này, Lê Đại Cương phụ trách việc xét án, quản lý đê chính, rồi kiêm Hình tào Bắc Thành. Chức vụ thăng từ thự Hữu Tham tri Hình bộ lên Hữu Tham tri Hình bộ, được quyền giữ ấn triện Tổng trấn Bắc Thành. Sau đó, thăng từ Hữu Tham tri Hình bộ lên thự Binh bộ Thượng thư, làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên lĩnh Tuần phủ Sơn Tây, rồi, quyền kiêm lĩnh cả ấn quan phòng Tổng đốc Hà – Ninh. Tuy nhiên, do phụ trách đê chính do sửa đắp đê không đúng quy định nên bị giáng cấp nhưng sau đó lại được phục hồi.)

Tháng 7 năm 1827, do án ở Bắc Thành nhiều nên việc xử việc xử án chậm trễ, nên vua Minh mạng sai Lê Đại Cương ra Bắc Thành giải quyết: “Sai thự Hữu Tham tri Hình bộ là Lê Đại Cương, mang cờ bài và đem hai người liêu thuộc đi Bắc Thành xem xử hình ngục. Dụ rằng: “Bắc Thành gần đây bị vỡ đê, bọn tào trưởng Vũ Xuân Cẩn phải đi phát chẩn, việc án để đọng, không thể chóng làm xong được. Để đọng một ngày thì dân chịu khổ một ngày, ngươi nên thanh lý cho chóng. Hết thảy các án kiện giao cho, cùng án mạng án cướp trong hạt, đến tháng 11 phải xét xử xong. Còn như tạp án tầm thường thì do thành xét xử, đến cuối năm phải xong cả, khiến tào không có án để đọng, ngục không có tù giam lâu, để đáp ý trẫm cẩn thận việc ngục thương xót việc hình[15].

Tháng 11 năm 1827, Lê Đại Cương hoàn thành nhiệm vụ, từ Bắc Thành trở về Kinh sư bẩm với nhà vua về việc hình án: “Thự Hữu Tham tri Hình bộ Khâm phái thanh lý hình ngục là Lê Đại Cương tự Bắc Thành về phục mệnh. Vua triệu vào yết kiến. Cương nhân tâu rằng : “Viên dịch Hình tào nhiều người tham nhũng, thần xét ra được hơn mười người, có đủ thực trạng, còn người ngày đêm cần cù có ích cho Hình tào thì chỉ có Đoàn Khiêm Quang, Trương Hảo Hợp và Bạch Xuân Nguyên vài ba người thôi[16].

Tháng Giêng năm 1828, Lê Đại Cương được giữ chức Hữu Tham tri Hình bộ, “Cho Lê Đăng Doanh làm Tả Tham tri Lại bộ, Đoàn Viết Nguyên làm Tả Tham tri Lễ bộ, Lê Đại Cương làm Hữu Tham tri Hình bộ, Hồ Hữu Thẩm làm Tả Thị lang Lễ bộ[17].

Tháng 9 năm 1828, Lê Đại Cương lại được vua Minh Mạng điều sang quản lý Đê chính: “Sai Hữu Tham tri Hình bộ là Lê Đại Cương sung chức quản lý Đê chính, Vệ uý vệ Cường võ Ngô Tiến Đức sung chức Tham biện, Tri phủ Thiên Trường là Nguyễn Lý Nhân làm Viên ngoại lang ty Thận cần Đê chính[18]. Ông lại từ Kinh đô ra Bắc Thành thực thi nhiệm vụ mới.

Tháng 11 năm 1828, triều đình ra lệnh đắp đê công ở Bắc Thành: “Đê chính thần là bon Lê Đại Cương đi các trấn xem xét đê cũ đê mới, thấy có chỗ nên đắp đê mới, coc hỗ nhân đê cũ mà bồi đắp thêm, phàm 18 sở, đều là đại công trình cả, duy một sở mới Kim Quan thuộc Bắc Ninh dài hơn 890 trượng, đất ấy ruộng chiêm thấp ướt, thi công rất khó, xin đến thượng tuần tháng 12 năm nay khởi công, ngoài ra như 10 sở đê mới Hải Bối, Phụng Nghĩa thuộc Sơn Tây, Phú Thị, Nho Lâm, Viên Nội, hào Châu, Lam Điền, thuộc Sơn Nam, Tiên Lạt, Đỗng Phấn thuộc Bắc Ninh, Thanh Nga thuộc Nam Định cộng dài hơn 3.060 trượng; 7 sở đê cũ Thụ Ích, Hát Môn, Mạch Lũng, Đại Độ, Thạch Thán thuộc Sơn Tây, Đại Yên Trường, Thuần Lễ thuộc Sơn Nam cộng dài hơn 3.590 trượng, đều xin đến hạ tuần tháng giêng sang năm khởi công. Vua y cho. Chi phí cả thảy hết hơn 175.500 quan…[19].

Tháng 12 năm 1828, Lê Đại Cương được vua thưởng cho 100 quan tiền do có nhiều nỗ lực trong việc đắp đê: “Thưởng quản lý đê chính là Lê Đại Cương 100 quan tiền. Nhà vua thấy việc đê điều bận nhiều mà Tham biện là Ngô Tiến Đức lại ốm chết, duy một mình Cương làm, kể cũng khó nhọc, nên thưởng cho Cương…”[20].

Công việc đắp đê ở Bắc Thành ngày càng bận rộn, triều đình cho dựng công đường Đê chính ở Bắc Thành (ở cửa Nam trong thành) vào tháng Giêng năm 1829. Rồi sai Chưởng cơ Lê Thuận Tĩnh và nguyên thự Hiệp trấn Nam Định là Hoàng Quýnh giúp việc Đê chính Bắc Thành.

Vua bảo bộ Công rằng : “Việc sông bận nhiều, một mình Lê Đại Cương khó làm xong được. Trước sai Nguyễn Văn Khoa làm Tham biện, lại là tay mới, nên không phái thêm các viên giỏi việc cùng làm thì sợ được việc này hỏng việc kia. Nay mưa xuân bắt đầu việc đê chính là khẩn yếu, dẫu đã có người chuyên trách, nhưng việc nước thì sao”. Bèn sai bọn Thuận Tĩnh đi. Nhân cho Đại Cương 50 lạng bạc, Thuận Tĩnh và Quýnh, Khoa đều 40 lạng[21].

Tháng 4 năm 1829, trong Kinh kỳ mưa mãi. Vua lo việc đê phòng ở Bắc Thành, sắc cho quan Đê chính đem tình trạng đê điều và nước mưa tâu lên. “Bọn Lê Đại Cương tâu rằng : “Việc đê phòng, công trình lớn có 18 sở, trong tháng có thể xong, sở công trình nhỏ thì hiện đương thực đắp. Vả tự cuối xuân đến nay, mưa không liên miên, xem xét thuỷ chí (1), cũng chưa tràn quá bờ sông”. Vừa mới vài ngày thì nước sông lên hơn 10 thước, thành thần Phan Văn Thuý đem việc phi báo. Vua xem tờ tâu bảo bộ Hộ rằng : “Mới qua tiết Tiểu mãn (2) chưa đến kỳ nước lớn tam phục (3) mà nước sông đã lên mau như thế, lòng ta rất lấy làm lo. Phải phi dụ ngay cho bọn Lê Đại Cương xem việc đê có chỗ nào quan yếu chưa đắp xong, thì báo gấp cho Phan Văn Thuý lập tức phái biền binh ngày đêm sửa đắp, để khỏi chậm trễ không kịp việc[22]. Khúc đê mới ở Kim Quan đầu đuôi và đoạn giữa, tất cả hơn 140 trượng, thường thường sụt lún,thường hay sụt lún nên, Lê Đại Cương được phân công chuyên phụ trách đoạn đê này, “Lê Đại Cương và Lê Thuận Tĩnh thì chuyên đóng công trường Kim Quan[23].

Tuy nhiên, ngay sau đó, Lê Đại Cương bị giáng chức xuống 3 cấp do sửa đắp đê không đúng quy định. Tháng 4 năm 1829: “Đê mới ở làng Đa Hòa thuộc huyện Đông An[24], Sơn Nam, Bắc Thành sửa đắp chưa xong, người đắp thuê phần nhiều lười bỏ. Đê chính là bọn Lê Đại Cương báo thành trù làm. Thành thần phái ngay Phó thống Thập cơ là Phạm Đình Bảo đem biền binh 1.400 người đến đắp hộ, và đem việc tâu lên. Vua bảo bộ Công rằng : “Việc đắp đê, lợi hại rất quan trọng. Trẫm trông về miền bắc, lòng bối rối không khuây giờ phút nào. Thế mà bọn Đại Cương, mình có trọng trách lại làm việc không chu đáo, tức như việc đê nguy hiểm ở Kim Quan, đã không biết trù liệu trước, nay đê này lại sửa đắp không đúng thức để thiếu đến 5, 6, 7 thước, coi thường nhỡ việc như thế há lại theo phép khoan hồng được sao ? Đại Cương trước hết giáng 3 cấp, Nguyễn Văn Khoa, Lê Thuận Tĩnh, Hoàng Quýnh đều giáng 2 cấp, trấn, phủ, huyện sở tại cũng đều giáng 1 cấp[25].

Tháng 6 năm 1829, “Quan Đê chính là bọn Lê Đại Cương tâu : “Đê Kim Quan từ đầu mùa hạ trở đi trải 4, 5 lần ngập lụt, tuy nhiều chỗ sụt lở, nhưng suốt đê không có thấm lâu, ví thử đến kỳ nước mùa thu có bình dân hết sức sang hộ thì có thể giữ được không lo”. Vua phê bảo : “Không nên vội nói là không lo. Duy còn mong nhờ thần giúp để trẫm cùng bọn ngươi được ngủ yên thì may”. Thành thần Phan Văn Thuý lại tâu : “Tháng này nước sông lên đến hơn 13 thước, rồi lại giảm xuống, hơn lúc thường chỉ trên 9 thước”. Vua lại phê bảo : “Xem lời tâu, hơi đỡ được lo phiền. Nhưng sợ mưa ít, hoặc đến vụ thu có hại chăng[26].

Tháng 8 năm 1829, công việc đắp đê ở Bắc Thành đã hoàn tất, đoạn đê Kim Quan do Lê Đại Cương phụ trách cũng được gia cố vững chắc. Trong tờ sớ tâu lên vua Minh Mạng viết: “Việc đắp đê năm nay công trình lớn 18 sở, công trình nhỏ hơn 1.000 sở, tuy chín lần nước lên to, mà đều giữ vững, không có nạn tràn ngập. Nay kỳ trước mùa thu đã qua, nước lụt sắp hết, nước sông hơi trong, thật là nhờ Hoàng thượng chăm lo nghĩ cho dân, trù tính chu đáo. Cho nên lòng trời thuận giúp, sông ngòi linh thiêng mà có sự mừng nước yên lặng này”.

Vua phê bảo : “Mở xem sớ chưa hết, mà vui vẻ xiết bao, sâu cảm ơn trời, lại nhờ phúc của thần kỳ giúp đỡ, nên nước lụt vụ hạ lên vọt khác thường mà giữ được dòng sông thuận nẻo, việc giữ đê nguy hiểm ở Kim Quan thường xảy ra và cuối cùng đã giữ được vững chắc không lo. Việc yên sông này công lao các khanh cũng đáng thưởng đó[27]. Phần thưởng vua ban lần này, Lê Đại Cương được phục chức như trước: “Lê Đại Cương, Lê Thuận Tĩnh và Hoàng Quýnh trước bị giáng cấp đều cho khai phục[28].

Để giữ được đê điều phát huy hiệu quả thì việc nạo vét sông, thông dòng chảy là hết sức quan trọng, Lê Đại Cương và Hoàng Quýnh đã dâng sớ lên vua. Sớ viết:  “Việc đắp đê do lai xa lắm. Vài năm gần đây, nước sông làm hại, Hoàng thượng đã nhiều lần sắc bảo kinh dinh công việc đê phòng, không điều gì là không rõ ràng đầy đủ. Bọn thần trước đi hội làm, thường hỏi thăm kỳ mục các địa phương về chỗ hưng lợi trừ hại, thì đều nói rằng ngoài việc đê phòng không còn cách khác. Thứ nữa thì đến bỏ đê và khai đào dòng sông mà thôi. Thiết nghĩ từ đời Đinh Lý về trước, chưa có đê phòng, dân địa phương đào giếng cày ruộng, có hại về nước lụt hay không thì chưa được rõ. Từ đầu đời Trần sai các lộ đắp đê để chống lụt, dân gian từ đấy đến những nơi thấp trũng mà nhóm ở làm ăn, cho nên các đời theo đó mà sửa đắp, xem là điều cốt yếu trong việc giữ dân và vệ nông, người ta mới nói rằng sau khi đã có đê không thể bỏ đê được nữa. Cho nên lời bàn bỏ đê, bọn thần chưa dám chắc là định luận. Duy việc đào sông thì từ xưa đã có. Nay xem đầu nguồn của các đường sông ở Bắc Thành, ở Hưng Hóa thì có sông Thao, sông Đà, ở Tuyên Quang thì có sông Lô, sông Đáy, đến hai huyện Tiên Phong, Bạch Hạc thuộc Sơn Tây thì bốn sông hợp lưu vào sông Nhị, rồi sau chia chảy ra biển. Khoảng đó, dòng sông quanh co khúc khuỷu đến lúc thình lình mưa lụt, thế nước chảy mạnh, qua gò tràn đống rất mau, không thể ngăn được. Đê giữ hai bên bờ, khúc nọ ôm khúc kia, thế nước ngoằn ngoèo như chứa trong ống vậy. Nếu đê không giữ nổi thì tràn vỡ ngay, vì cớ nước chảy không thông vậy. Vả lại sông Nhị là sông xung yếu của Bắc Thành : bên hữu có sông Hát chia nhánh đổ về hai sông Châu Cầu và Thanh Quyết ; bên tả có sông Nguyệt Đức ở huyện Yên Lạc, sông Thiên Đức ở huyện Đông Ngàn, đều chảy xuống Bắc Ninh, Hải Dương, rót vào sông Lục Đầu, không sông nào là không chia thế nước của sông Nhị mà chảy ra biển. Nay hai sông Hát Môn và Nguyệt Đức có nhiều cát bồi, sông Thiên Đức lại cong queo, nông hẹp, tắc mà không thông, mỗi lần nước lụt chảy mạnh thì các sông Lô, Thao, Đà, Đáy đổ thẳng sông Nhị, hai sông Hát Môn, Nguyệt Đức đến kỳ nước lụt còn có thể đầy tràn mà chảy được duy sông Thiên Đức gần thượng lưu của bờ phía bắc của thành, cửa sông từng đã cạn lấp, lại thêm bờ phía nam cồn cát nhô ra, thế nước chảy mạnh xói vào phía Bắc Thành, làm cho bờ sông sụt lở. Nơi ấy trước có kè đá, đến nay hầu đã lở mất rồi. Thế mà sông Thiên Đức thông hay tắc, hình như có quan hệ đến thế nước có xói vào phía Bắc Thành hay không. Năm trước thấy có xin vét sông ấy, bọn thần còn chưa rõ ra sao. Đến nay thân hành đến nơi mà xét rõ mới biết lời nói của người ta không phải là không có sở kiến. Nhân nghĩ một đoạn cửa sông ấy lại đâm ngang ra, thế nước không thuận nên bồi lấp đã lâu mà lòng sông ở hạ lưu thì hãy còn. Như muốn vét đào thì nên dời cửa sông lên trên để hút nước sông, mé dưới thì tuỳ thế mở rộng ra, chỗ quanh co thì nắn cho thẳng lại. Ấy là kiến thức hẹp hòi của bọn thần, như có dùng được xin sắc xuống cho đo đạc để trù tính mà làm”.

Vua phê bảo : “Trẫm cũng có ý ấy, nhưng chưa dám cho là phải, nay ý kiến bọn ngươi cũng thế. Nhưng công trình không phải là nhỏ, nên phải được trí mọi người như một, mới mong được thật tốt !”[29].

Trong thời gian phụ trách việc đê điều ở Bắc Thành, Lê Đại Cương còn biên soạn cuốn sách thống kê các đê công tư. “Đê chính thần Lê Đại Cương dâng sách tổng kê các đê công tư ở Bắc Thành: Đê điều các trấn Sơn Tây, Sơn Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương và phủ Hoài Đức thuộc hạt thành, đoạn nào đắp tự năm nào, đời nào, đoạn nào ở địa phận xã thôn nào, cùng dạng thức cao rộng bao nhiêu, sổ sách không rõ, từ trước đến nay người lãnh chức Đê chính phàm có sửa đắp, chỉ cứ theo sở tại khai báo mà giao làm, đến khi làm xong, cũng chỉ tới chỗ đê mới mà khám biện thôi. Từ khi Lê Đại Cương chuyên coi việc đê mới đi khắp xem xét. Những chỗ đê gần sát bờ sông, thân đê sụt nứt, chiếu lệ đại công trình mà đắp đê mới, tất cả 18 sở, ngoài ra các đê mới cũ đắp từ đời trước và từ năm Gia Long thứ 2 trở lại, nhiều lần sửa đắp, phàm chỗ thế nước chảy xói nên quý làm đê công, thì theo lệ tiểu công trình mà sửa đắp, chỗ nào thế nước tầm thường nên làm đê tư thì cho dân coi giữ, chỗ nào nên bỏ thì san đi. Đến bấy giờ cứ các đê điều cho đến cống nước ở đê, họp làm sách tổng kê để phòng xem đến. (Trấn Sơn Tây : 8 huyện Tiên Phong, Phúc Lộc, Đan Phượng, Yên Sơn, Từ Liêm, Bạch Hạc, Yên Lạc, Yên Lãng, 212 xã thôn, trang trại, đê công cũ mới ở các sông lớn, sông vừa, sông nhỏ cộng 248 đoạn, dài suốt hơn 59.093 trượng, đời trước đắp 45.136 trượng, năm Gia Long thứ 2 đến nay đắp hơn 13.957 trượng, và cống công 16 cửa. Đệ tư sông nhỏ ở đầu nguồn và dòng khe, dài suốt hơn 10.393 trượng và cống tư 16 cửa. Hai huyện Vĩnh Thuận, Thọ Xương phủ Hoài Đức, 8 phường thôn, 2 đê công cũ ở sông lớn, dài suốt 1.272 trượng, đắp từ đời trước, lại 1 con đê bỏ, dài 102 trượng. Trấn Sơn Nam : 16 huyện Thanh Trì, Thượng Phúc, Phú Xuyên, Đông An, Kim Động, Nam Xang, Tiên Lữ, Phù Dung, Thanh Oai, Chương Đức, Sơn Minh, Hoài An, Kim Bảng, Duy Tiên, Bình Lục, Thanh Liêm, 287 xã thôn, trang, đê công cũ mới ở sông lớn, sông vừa 368 đoạn, dài suốt hơn 88.363 trượng, đời trước đắp 73.683 trượng, năm Gia Long thứ 2 đến nay đắp hơn 14.679 trượng, và cống công 3 cửa. Trấn Bắc Ninh : 11 huyện Đông Ngàn, Gia Lâm, Văn Giang, Tiên Du, Yên Phong, Thiên Phúc, Việt Yên, Bảo Lộc, Phượng Nhỡn, Yên Thế, Yên Dũng, 154 xã, đê công cũ mới ở các sông lớn, vừa, nhỏ 164 đoạn, dài suốt hơn 65.318 trượng, đời trước đắp hơn 53.358 trượng, năm Gia Long thứ 2 đến nay đắp hơn 1.959 trượng, và cống công 31 cửa. Đê tư sông nhỏ ở đầu nguồn và dòng khe, dài suốt hơn 45.705 trượng. Trấn Nam Định : 12 huyện Thượng Nguyên, Mỹ Lộc, Thiên Bản, Hưng Nhân, Duyên Hà, Thư Trì, Ý Yên, Vũ Tiên, Chân Định, Thanh Quan, Đông Quan, Thuỵ Anh, 78 xã thôn trang tại, đê công cũ mới ở sông lớn, sông vừa dài suốt hơn 24.861 trượng, đê ngăn nước mặn hơn 9.804 trượng, đời trước đắp hơn 19.132 trượng, năm Gia Long thứ 2 đến nay đắp hơn 5.532 trượng. Đê tư sông nhỏ và dòng khe cùng là đê ngăn nước mặn, dài suốt hơn  42.971 trượng. Trấn Hải Dương : huyện Vĩnh Lại[30]3 xã, đê công cũ ở sông vừa ngăn nước mặn dài suốt hơn 1.221 trượng đời trước đắp. Đê tư ngăn nước mặn dài suốt hơn 75.432 trượng[31].

Tháng 4 năm 1830, “Quan Đê chính Bắc Thành là bọn Lê Đại Cương, Nguyễn Văn Khoa tâu rằng năm nay nước sông lên sớm, tự tháng 2 đến nay (tháng 4) lên xuống đã 3 lần. Nay cây đo nước ở bờ sông so với mức nước đầu xuân cao hơn trên một thước, những đoạn đê mới đắp thêm, đều được vững vàng, liệu đến vụ nước mùa thu sẽ không lo ngại.

Vua phê rằng : “Xem tờ tâu hơi yên lòng Trẫm, mong sao cho công việc bền, vật liệu chắc, đê được vững, nước yên dòng, để Trẫm cùng thần dân vui mừng với nhau[32].

Tháng 5 năm 1830, “Hữu tham tri Hình bộ là Lê Đại Cương lĩnh Hình tào và kiêm Đê chính. Gia chưa lên đường về Kinh, thì vì việc đê rất khẩn lại giữ lại quyền làm Hình tào cho Đại Cương được nghỉ việc tào mà chuyên biện Đê chính[33].

Tháng 6 năm 1830, do vỡ đê ở Sơn Nam, nên Lê Đại Cương bị cách chức, “Đê Sơn Nam ở Bắc Thành vỡ. Đê cũ ở xã Lưu Khê (thuộc huyện Thượng Phúc) có phó tổng Đặng Văn Mai đào Trẫm để bắt cá, nước chảy xuôi, đê bị vỡ. Việc ấy đến tai vua. Vua dụ rằng : “Việc đê Bắc Thành đối với đời sống nhân dân lợi hại không nhỏ. Trước đã giao cho Đê chính chuyên biện, đinh ninh dạy bảo đến hai ba lần. Lúc đầu mùa hạ cứ lời tâu thì các đoạn đê lớn nhỏ đã hoàn thành, tin có thể giữ vững được. Nhưng Trẫm vẫn chưa dám chắc. Nay đê lại vỡ, sơ phòng đến hại, như thế tội ấy khó chối được. Đê chính Lê Đại Cương và Nguyễn Văn Khoa các viên trấn phủ huyện sở tại cùng với Phó tổng trấn Phan Văn Thuý đều giáng cách theo bậc khác nhau[34].

Tháng 8 năm 1830, đê được sửa đắp, nước sông đã yên, Lê Đại Cương lại được thưởng và phục chức như trước: “Bắc Thành tâu báo nước sông đã yên. Vua dụ rằng năm nay việc sửa đê lần lượt hoàn thành. Đầu mùa thu, đoạn đê Lưu Khê, nhân tên dân mọn đào trộm, đến nỗi bị vỡ, may chỗ ấy là hạ lưu, tổn hại không mấy, sang hộ có thể giữ chắc được ngay. Nay mừng sông nước thuận dòng, các sở công trình lớn nhỏ đều được yên hà. Nghĩ rằng ngăn nước giữ đê thực nhờ phúc thần phù hộ. Vậy phát hương lụa ở Nội thảng giao cho Đê chính là Lê Đại Cương biện lễ tam sinh, đến tế ở miếu Hà thần để tạ. Lại một nghìn lạng bạc treo thưởng trước thì dụ chỉ chia cho binh dân làm đê. Những người bị giáng cách theo án trước, đều cho khởi phục. Những người không dự án trước thì nhân viên đốc công đều thưởng cấp kỷ theo thứ bậc. Rồi nước sông lại lên to, bốn ngày mới xuống, đê phòng đều không ngại gì. Sớ tâu lên vua mừng lắm. Phê rằng : “Sau khi thôi không phòng đê, lại có nước sông lên to, mà đê phòng đều được vững chắc, thực nhờ phúc thần nhiều lắm…”[35].

Mấy tháng trước, Lê Đại Cương được giao chỉ chuyên việc đê chính, nay, ông được giao thêm Hình tào Bắc Thành: “Lại lấy Hữu tham tri Hình bộ là Lê Đại Cương lĩnh Hình tào Bắc Thành vẫn kiêm lĩnh Đê chính, thự Hữu thị lang Hộ bộ quyền biện Hình tào là Nguyễn Hữu Gia đổi làm thự Hữu thị lang Binh bộ Bình tào Bắc Thành”[36]

Tháng 4 năm 1831, “Quan coi việc đê ở Bắc Thành là bọn Lê Đại Cương tâu nói : “Các nơi sửa chữa đê đều đã xong cả, từ tiết tiểu mãn đầu mùa hạ, thường có những trận mưa lớn, nước sông dâng mau, to hơn nước mùa xuân đến hơn 13 thước, nay mới xuống dần, nhưng các đê điều không quan ngại gì”.

Vua phê bảo : “Nay đê điều đã nhất luật làm xong, nước sông tuy dâng mau, mà đê điều đều được vững chắc, xem tờ tâu, ta rất yên lòng. Các ngươi đã cẩn thận lại nên cẩn thận thêm, sao cho sông lặng sóng êm, dân yên, vật thịnh. Đó là điều mong mỏi thiết tha của ta đấy[37].

Tháng 6 năm 1831, Vua dụ Nội các : “Nay sắp đến kỳ nước lên to, chính là lúc cần phải săn sóc đê điều. Gần đây nghe nói Sơn Nam mưa to luôn mãi, tuy mừng lúa được nước cấy, nhưng lại lo nước sông lên to. Vậy sai bộ Công truyền chỉ cho các viên Đê chính Lê Đại Cương xét xem nước sông có lên to hay không, và mức nước ở cột đo ven sông lên xuống thế nào, kíp phi tâu vua biết.

Lũ Lê Đại Cương tâu : “Nước sông nay đã rút xuống hơn lúc thường, mực nước ở cột đo nước cao hơn mực thường ngoại 10 thước. Vả, nghiệm ra trước giờ nước sông dẫy to, phần nhiều vì nước ở trên nguồn đổ về. Còn như các trấn đông, tây, nam, bắc thành hạt, dẫu mưa nhiều, cũng không đến nỗi làm nước sông lên to lắm. Lại, hằng năm nước to hay vào tuần mạt phục[38] hiện đã phân phái ty thuộc đến các phần đê tuần tra xem xét và dự bị vật liệu hộ đê”. Vua phê bảo : “Xem tờ tâu, ta hơi yên lòng[39].

Tháng 9 năm 1831, triều đình mở khoa thi Hương ở Thanh Hoa, Bắc Thành và Nam Định, Lê Đại Cương được cử làm chủ khảo trường Bắc Thành: “Sai thự Hộ bộ Hữu tham tri Bùi Phổ làm chủ khảo trường Thanh Hoa, thự Hiệp trấn Hải Dương Hoàng Tế Mỹ làm phó chủ khảo ; Hình bộ Hữu tham tri lĩnh Bắc Thành Hình tào Lê Đại Cương làm chủ khảo trường Bắc Thành, thự Hiệp trấn Nam Định là Nguyễn Khắc Hài làm phó chủ khảo, Hiệp trấn Nghệ An là Hồ Hựu làm chủ khảo trường Nam Định, Hiệp trấn Ninh Bình là Nguyễn Khắc Biểu sung làm phó chủ khảo. Lấy 61 người đỗ cử nhân”[40].

Tháng 10 năm 1831, Lê Đại Cương được quyền giữ ấn triện Tổng trấn Bắc Thành: “Triệu Đô thống thự Hậu quân ấn vụ, lĩnh Phó tổng trấn Bắc Thành Phan Văn Thuý về Kinh sung chức. Sai bọn Chưởng cơ Lê Văn Quý, Hình tào Tham tri Lê Đại Cương, Hộ tào Tham tri Đặng Văn Thiêm và kiêm biện Binh tào Nguyễn Văn Mưu cùng nhau quyền giữ ấn triện Tổng trấn Bắc Thành. Khi có việc tâu báo chuẩn cho đều hội hàm cùng ký tên vào tờ tâu”[41]. Cũng trong tháng này, Lê Đại Cương được thăng chức thự Binh Bộ Thượng thư, Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, Tuần phủ Sơn Tây: “Cho Tham tri lĩnh Hình tào Bắc Thành Lê Đại Cương thăng thự Binh bộ Thượng thư, làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên lĩnh Tuần phủ Sơn Tây[42].

Tháng 11 năm 1831, Lê Đại Cương do tự mình ra lệnh chém đầu kẻ phóng hỏa đốt nhà người khác, bị vua phạt một năm bổng: “Nguyên quyền giữ ấn triện Bắc Thành là bọn Lê Đại Cương, bắt được kẻ phóng hoả đốt nhà cửa người ta, lập tức sai chém rồi mới tâu lên.

Vua bảo bộ Hình: “Đối với quyền lớn sinh sát, bề tôi Bắc Thành khinh suất như thế, đáng lẽ giao bộ nghiêm ngặt bàn xử, nhưng nghĩ hiện nay đương chia phái biền binh đi đóng giữ các nơi, hoặc giả những kẻ côn đồ vô lại, nhân dịp gây sự đó cũng là tuỳ tiện tạm làm chứ không phải là tự tiện chuyên quyền. Vậy gia ơn, chỉ phạt mỗi người một năm bổng”[43].

Lê Đại Cương, Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên tâu với vua cho biền binh 5 đội Tùng Thiện ở Bắc Thành cho lệ vào Sơn Tây: “Biền binh ở 5 đội Tùng thiện nhất, nhị, tam, tứ, ngũ thuộc Bắc Thành trước đều là tù phạm dồn lại và bổ sung. Nay chia đặt tỉnh hạt, chưa có lệ thuộc vào đâu. Vả, bọn ấy chỉ để dùng ở nơi ven biên giới là phải, xin đổi cho lệ thuộc về Sơn Tây, để phòng sai khiến”. Vua chuẩn y. Lại cho rằng quân đội phần nhiều không đủ số ngạch, bèn sai dồn làm 4 đội nhất, nhị, tam, tứ”[44].

Lê Đại Cương, Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên tâu nói: “Số binh 2 cơ kiêm hạt Tuyên Quang chỉ có hơn 200 người, không đủ phân phái. Trước kia đã bàn định lấy 1 cơ Bắc Thành ở Sơn Tây, chia đi phòng giữ Hưng Hoá. Nay xin trích lấy 500 biền binh ở cơ Hậu dũng Hữu quân, chia 300 người lệ thuộc Hưng Hoá, 200 người lệ thuộc Tuyên Quang; đợi sau khi Tuyên Quang mộ đủ cơ binh, sẽ lại rút về Hưng Hoá cho đủ số 1 cơ”.

Lại số người coi kho ở Sơn Tây theo lệ thì phái một suất đội 50 biền binh cứ 3 năm tới kỳ thanh tra thì thay đổi một lần. Nay chia đặt tỉnh hạt sự trưng thu thuế khoá ở 7 huyện thuộc thành cũ đều gộp cả vào tỉnh, thì số tiền và thóc thu vào, phát ra nhiều bội hơn trước. Vậy xin tới kỳ thanh tra sang năm, phái 2 suất đội và 100 biền binh ở Hữu quân sẽ cùng với những người giám phủ cũ, giao nhận với nhau. Từ nay về sau, tới kỳ thanh tra, cũng theo lệ ấy.

Vua đều ưng thuận[45].

Lê Đại Cương, Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, tâu nói : “Thuộc hạt có phủ Quốc Oai, nguyên coi 5 huyện. Trước kia, định đặt phủ thành ở xã Trung Thuỵ, thuộc huyện Đan Phượng là hạt kiêm lý ; tới lúc chia đặt ra tỉnh hạt, lại trích lấy huyện Từ Liêm cho thuộc về Hà Nội, thế là thuộc hạt chỉ còn có 4 huyện. Thần đã đi xem địa thế, thì các huyện An Sơn, Mỹ Lương và Thạch Thất đều ở phía đông sông Hát mà huyện Đan Phưng riêng ở phía tây, địa thế Đan Phượng chưa phải là trung độ. Vậy xin dời đặt phủ thành ở địa phận xã Hoàng Xá, huyện An Sơn, và lấy An Sơn làm phủ nha, kiêm lý phủ cũ và vẫn dùng là huyện lỵ Đan Phượng, nhưng thôi việc xây đắp thành huyện thành”. Vua chuẩn y[46].

Tháng 3 năm 1832, vua “truyền dụ các Tổng đốc, Tuần phủ các tỉnh lớn từ Hà Tĩnh ra Bắc : gần đây đã mưa hay chưa, lập tức tâu lên. Gặp ngay sớ ở Sơn Tây tâu báo có mưa, vua cả mừng, bèn sai lấy hương lụa ở kho Nội phủ giao cho đốc thần Lê Đại Cương đem làm lễ tạ ở đền thần núi Tản Viên. Rồi đó, các tỉnh lại kế tiếp báo tin có mưa[47].

Tháng 5 năm 1832, “Lê Đại Cương Tổng đốc Sơn – Hưng – Tuyên tâu nói : “Thuế mỏ và thuế sơn ở tỉnh hạt, nguyên chưa có thợ để xét màu sắc, xin tư đòi các thợ sơn và các thợ nấu vàng, bạc, đồng ở hạt bên là Hà Nội và Bắc Ninh cho lệ thuộc dưới quyền để phân phái”.

Vua bảo bộ Công rằng: “Kể một tỉnh đã rộng, nhân dân đã nhiều, há không có người sung vào làm thợ, nay lại muốn lấy người hạt khác đến, chỉ là thêm việc, sao không nghĩ các đồ vật nhà dân thường dùng từ trước đến nay tìm kiếm ở đâu, mà vẫn không thiếu ?”. Vậy truyền dụ : “Từ nay về sau, các hạt ở Bắc Kỳ, hễ hạt nào không có ngạch thợ vàng, bạc, đồng, sắt, sơn, thì cho chiểu theo công việc nhiều ít mà chiêu mộ thợ để có thường số, miễn trừ cho họ không phải đi lính và dao dịch. Lúc có việc thì cấp cho tiền, gạo, để chi dùng ; lúc không việc thì thôi, cốt cho không thiếu người làm việc, kỹ nghệ đều tinh, không được lấy nên không có mà cầu xin (lấy thợ)”[48].

Tháng 7 năm 1832, triều đình triệu Nguyễn Văn Hiến, Tổng đốc Hà Ninh về Kinh nên giao cho Lê Đại Cương kiêm lĩnh tổng đốc Hà – Ninh: “Chuẩn cho Lê Đại Cương, Tổng đốc Sơn – Hưng – Tuyên, quyền kiêm lĩnh cả ấn quan phòng Tổng đốc Hà – Ninh. Ninh Bình đã có Tuần phủ Hồ Hựu chuyên làm việc trong hạt, duy có việc trọng đại mới phải hội bàn. Bố chính, Án sát Hà Nội, đều chiếu theo chức vụ làm việc, nếu có việc trọng yếu, tức thì bẩm lên để Đại Cương điều khiển[49].

Tháng 9 năm 1832, triều đình lại “Đổi bổ Tổng đốc Hải – Yên là Nguyễn Kim Bảng làm Tổng đốc Hà – Ninh, Lê Đại Cương lại về Sung chức ở Sơn – Hưng – Tuyên[50]. Rồi, “sai bộ Binh mật tư cho Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên là Lê Đại Cương, thăm dò tình trạng gần đây của người Thanh ở động Phong Thu thuộc Hưng Hoá, rồi cứ thực tâu lên”[51].

Tháng 10 năm 1832, triều đình “triệu Tổng đốc Sơn – Hưng – Tuyên là Lê Đại Cương, Tổng đốc Thanh Hoa là Đoàn Văn Trường về Kinh đợi chỉ”[52].

5. Thời gian làm Tổng đốc An – Hà[53] kiêm lĩnh ấn “Bảo hộ Chân Lạp quốc” (từ 11- 1832 đến tháng 7 năm 1841).

Đại Nam thực lục chép: Tháng 11 năm 1832, “Dùng nguyên Tổng đốc Sơn – Hưng – Tuyên là Lê Đại Cương làm Tổng đốc An – Hà kiêm lĩnh ấn “Bảo hộ Chân Lạp quốc”. Trước đây, Đại Cương được triệu về Kinh, bấy giờ có dân hạt Sơn Tây đem việc tham tang đưa đơn kiện. Vua giao cho hộ đốc là Hồ Hựu xét, không có tang chứng gì. Vua liền vời Lê Đại Cương vào ra mắt và dụ rằng: “Ngươi làm việc nhanh nhẹn giỏi giang, đã hiểu biết rõ. Trước đây, có đơn tiểu dân kiện bậy, ta cũng tin rằng chắc ngươi không có việc ấy ; nhưng pháp luật là phép công, chẳng tư vị ai, nên sai Hồ Hựu xét ngay. Nay đã xét ra đơn ấy là vu khống, tâm tích của ngươi đã tỏ rõ. Đại thần vì nước, nên hết sức làm việc nên làm, chớ vì cớ điêu toa, ngang ngạnh của kẻ xấu, mà cho rằng đường làm quan, lắm chỗ gập ghềnh, rồi đem lòng chán ngán chùn lại, một mực dựa dẫm hùn theo thì chẳng hoá ra phụ ơn nhà nước lắm sao?”. Vua bèn sai bộ Hình truyền chỉ rửa oan việc đó cho được rõ ràng. Sau đó bổ Cương làm chức ấy. Lại cho rằng Hựu xét rõ được vụ án ấy, không có cong queo dung túng, rất khen và dụ rằng : “Việc này ta khen ở chỗ là chỉ giữ pháp luật cho được công bằng chứ không vì cớ cốt để cứu gỡ cho quan lại. Từ nay, nên một niềm trung trực, giữ phép công phá bỏ tình diện, chớ thấy lần này được khen rồi có khi lại giữ ý kiến quan lại bênh nhau, thì phụ lòng ta uỷ thác và cũng không thể trốn khỏi sự soi xét của ta được”. Đại Cương đến trước bệ, bái biệt. Vua gọi đến trước mặt dụ rằng: “An Giang là tỉnh mới đặt, trong thì trấn thủ, vỗ về nước Phiên (1), ngoài thì khống chế nước Xiêm, sự thể rất quan trọng. Ngươi nay cai trị đất ấy, phàm những việc quân, dân, trọng đại cùng thành trì và kho tàng đều nên hết sức lo liệu để phu phỉ ý ta mong ngươi làm được thành công[54].

Tháng 12 năm 1832, An Phủ Ốc Nha là Sô Đột Lục Cố, ở phủ Phủ Lật, nước Chân Lạp, nhân vua Phiên[55] gọi về Nam Vang và uỷ người khác đến thay chức ấy, Lục Cố trong lòng ngờ vực, đem bộ thuộc hơn 100 người trốn sang Xiêm, vua Minh Mạng tỏ ra không hài lòng, mật dụ rằng: “Địa đầu nước Chân Lạp liền với đất Xiêm, một khi nó đã phản bội trốn đi chỉ nhấc chân là đến Xiêm ngay. Trước đây cứ theo Nguyễn Văn Quế tâu báo, ta đã biết rõ đuổi cũng không kịp ; nay lại nghe báo quả nhiên chẳng bắt được. Ngươi Ngô Bá Nhân, việc này làm không hợp cơ nghi và khiến cho lũ nhãi nhép có thể nhòm thấy tình hình hư thực của ta ! Năm trước nước Phiên đã có Ốc Nha Chiết Ma trốn đi, nay lại có việc này. Vua tôi nó đã không hoà hợp, thì việc nước ấy không hỏi cũng đủ biết. Tổng đốc Lê Đại Cương có trách nhiệm kiêm việc bảo hộ, càng nên thông thạo hết cả tình hình biên giới. Ngày từ biệt trước bệ, ta đã đem tình hình ấy bảo rõ tận mặt, chắc ngươi đã lĩnh ý cả rồi. Nay lũ ngươi Lê Đại Cương và Ngô Bá Nhân phàm những việc có quan hệ đến mềm dẻo để lấy lòng thuộc quốc, đề phòng chế ngự nước láng giềng thì nên cùng lòng bàn bạc làm cho đúng sự cơ, không nên khinh suất như trước. Nếu có điều gì nên làm, thì đừng chậm trễ lỡ việc. Lại nữa, trước kia, Nguyễn Văn Thuỵ và Bùi Đức Minh rông rỡ làm liều, không giữ thể diện, đến nỗi tự chuốc lấy tội lỗi. Gương cũ còn sờ sờ đấy. Hai ngươi càng nên tỉnh táo và đề phòng hơn nữa. Lại nên ngăn cấm thuộc viên, thân thích lính tráng, chớ để cho họ tạ sự, sách nhiễu dân man. Nếu các ngươi chỉ biết giữ mình mà không biết ngăn cấm người dưới, thì cũng như chính mình đã làm, sau hối sao kịp. Các ngươi đều nên kính cẩn tuân theo ! Thềm vua dù xa muôn dặm nhưng ánh sáng mặt trời ở ngay gang tấc, khó che đậy được[56].

Tháng Giêng năm 1833, tên phản thần nước Chân Lạp là Ốc Nha Cố ở Bắc Tầm Bôn, cầu viện quân Xiêm sang khuấy rối cướp bóc phủ Phủ Lật. Vua Chân Lạp là Nặc Chân sai quân đi bắt. Ốc Nha Cố lại trốn đi. Nặc Chân đem việc đó báo cho Tổng đốc An Giang kiêm lĩnh bảo hộ là Lê Đại Cương. Ngô Bá Nhân cho rằng việc ấy có quan hệ đến biên giới, chưa nên vội động binh đao, hãy nên sai đưa thư nhờ nước Xiêm bắt trị cho và trách hỏi viên phủ mục phủ Bắc Tầm Bôn về cớ chứa chấp kẻ phản thần ; đợi xem hắn xử trí ra sao, rồi sau sẽ làm cho thỏa đáng. Sớ tâu lên, Vua phê bảo : “Việc ấy quyết không phải tự ý vua Xiêm, chẳng qua do lũ quan ở biên giới tham của, gây vạ, nghe theo phạm nhân đang trốn, những mong cướp bắt nhân khẩu mà thôi. Lũ ngươi làm thế, phải lắm !”[57].

Để giữ gìn an ninh tốt hơn, Lê Đại Cương cùng Nguyễn Văn Quế xin triều đình cho thêm Kinh binh, nhưng vua không cho. “Tổng đốc An – Biên Nguyễn Văn Quế, Tổng đốc An – Hà Lê Đại Cương cùng ký tâu lên nói : “Hai tỉnh Phiên An, An Giang, nơi thì xe thuyền tụ họp, nơi thì địa thế xung yếu, cần phải có nhiều quân để đóng giữ. Thế mà cơ binh thuộc tỉnh phần nhiều chưa tập luyện thành thạo ! Vậy xin lượng cấp cho mỗi tỉnh 1 vệ Kinh binh đến thú, mỗi năm một lần thay đổi, để lúc hoãn lúc cấp có quân nanh vuốt giúp đỡ”[58]. Vua dụ bảo: “…Các ngươi đều là người do ta kén chọn cử ra chính mình gánh vác trách nhiệm nặng nề. Các ngươi phải nên chấn chỉnh quân đội, huấn luyện quân sĩ và nghiêm chấp quan võ dưới quyền không được làm một chút gì khó chịu phiền lụy để cho sức quân có thừa, thao diễn thành thục, chuẩn bị để dùng trong lúc có việc. Sau này, nếu cần phái thêm quân đến thì ta sẽ ban chỉ điều khiển ngay, nào có muộn gì !”[59].

Tháng 3 năm 1833, Lê Đại Cương đề nghị vua cho Hồ Công Chỉ lĩnh chức Chủ sự Bộ Binh: “Cho Tư vụ thự Chủ sự là Hồ Công Chỉ làm Chủ sự bộ Binh, theo Tổng đốc và Tuần phủ An – Hà kiêm lĩnh Bảo hộ là Lê Đại Cương và Ngô Bá Nhân làm việc công thành Nam Vang. Hồ Công Chỉ, trước đây do chức thự Tư vụ làm việc ở Binh tào thành Gia Định cũ, nhân việc đưa người Xiêm gặp nạn về nước, do thám được tình hình nước ấy, biên chép rõ ràng. Vua sai vời về Kinh, hỏi lại. Chỉ tấu đối rất tường tận. Vua khen, liền cho thực thụ Tư vụ, thự Chủ sự và thưởng 15 lạng bạc. Đến bấy giờ lũ Lê Đại Cương cho Chỉ là người lanh lẹn, được việc lại am hiểu tình hình biên giới, xin bổ chức ấy. Vua y cho”[60].

“Tổng đốc An – Hà, kiêm lĩnh Bảo hộ là Lê Đại Cương và Ngô Bá Nhân tâu nói: “Bọn Thiều Ma là bộ thuộc của bọn thần Ốc Nha Cố ở nước Chân Lạp từ Bắc Tầm Bôn trốn về, bị người xét hỏi bắt được, nó nói : “Nghe nói tướng Xiêm là Phi Nhã Chất Tri, đem 3.000 quân ra Sốc Châm Nặc gần địa giới Bắc Tầm Bôn”. Bây giờ nhân dịp Chân Lạp có tiết thưởng xuân, thần đã phái quân thuyền đi trấn áp rồi”. Vua nói : “Lời nói đó hoặc là do người Xiêm vô cố hoảng sợ mà tìm cách phòng bị, hay là vì tên Ốc Nha Cố sai nó lẻn về, đến lúc bị bắt nó bèn đặt ra những lời ấy để phô trương thanh thế, cũng chưa biết chừng. Nói tóm lại chẳng qua chỉ là những lời nói nghe đầu đường xó chợ cũng như những chuyện đồn nhảm năm trước mà thôi. Vậy nên lấy bình tĩnh mà trấn áp, chớ nên rối rít hoang mang để kẻ địch dòm biết tình hình nông sâu của mình. Còn toán biền binh đi đàn áp, sau một tuần, không có việc gì, nên rút về ngay[61].

Tháng 3 -1833, Xây dựng tỉnh thành An Giang. Tổng đốc An – Hà là Lê Đại Cương, Tuần phủ An Giang là Ngô Bá Nhân tâu nói: “Chỗ đất thành mới, bên tả gần sông dài, đằng trước, đằng sau và bên hữu đều là rừng rậm. Trước phải chặt cây phát rừng, rồi mới có thể khởi công. Vả lại đằng trước và bên hữu nên đào thủy đạo để lấy đất đắp thành quách, nền hành cung, nhà kho, dinh thự và làm chỗ cho sau này nhân dân dựng nhà ở chung quanh. Nhưng công trình này khó khăn to lớn, xin mướn một phần ba dân ở 4 huyện Vĩnh An, Vĩnh Định, Đông Xuyên, Tây Xuyên thuộc bản hạt, và một phần hai dân 2 huyện Vĩnh Bình thuộc Vĩnh Long và Kiến Đăng thuộc Định Tường góp sức cùng làm. Vua cho rằng : “Thời tiết đã muộn, nên xuống dụ bảo phải gia tâm đốc thúc làm nhanh, cho khỏi đến kỳ mưa lụt khó làm”. Lũ Lê Đại Cương lại bàn khai thủy đạo từ sông Tiền Giang ở Tân Thành thẳng đến sông Hậu Giang ở Châu Đốc hơn 3.800 trượng ; xin mướn thêm một phần hai dân 5 huyện Vĩnh Trị, Tân Minh, Bảo An thuộc Vĩnh Long và Kiến Hưng, Kiên Hòa thuộc Định Tường đến làm việc”. Vua chuẩn y[62].

Tổng đốc An – Hà là Lê Đại Cương, Tuần phủ An Giang là Ngô Bá Nhân tâu nói : “Ốc Nha Bồ Nô Sơn Liêm Mộc ở phủ Chân Niêm, chiêu mộ được 10 đội quân Phiên, xin đặt cho tên cơ binh, ban chức hàm và họ tên, đợi sau khi tỉnh thành dời đi nơi khác, sẽ cho cứ đóng giữ ở đồn Châu Đốc. Vua ưng cho và đặt tên là cơ An Biên…”[63].

Tháng 3 – 1833, “Tổng đốc An – Hà là Lê Đại Cương tâu nói : “Quốc vương Chân Lạp là Nặc Chân báo rằng thám thấy tướng Xiêm là Phi Nhã Chất Tri đóng quân ở sóc Tà Nặc, đưa hịch hiệu triệu dân phủ Bắc Tầm Bôn, cùng với Ốc Nha Cố phân phái việc quân. Hắn lại sai đắp đồn ở phủ Lô Khu Vật. Thần lấy làm ngờ lắm, đã phái 300 biền binh đến thành Nam Vang trấn áp, để cho yên lòng thần dân nước Phiên. Vua phê bảo rằng : “Tình hình Chân Lạp do thám được đó chưa chắc đã thực. Ngươi chịu trọng trách ở biên khổn, phải xem xét cho kỹ, tùy cơ điều khiển thế nào, cốt cho trúng khớp. Nếu có thực trạng, lập tức tâu lên[64].

Tháng 4 -1833, “Thự Tuần phủ Hà Tiên là Phạm Xuân Bích tâu nói : “Trong dịp điểm binh đầu xuân, số binh các cơ trong tỉnh trốn đến hơn 800 người. Thành khẩn xin để tra rõ, rồi tâu tiếp”. Vua dụ : “Ngươi nên hội đồng với Tổng đốc Lê Đại Cương, liệu khéo xử trí, cốt sao vừa khoan dung vừa nghiêm ngặt khiến binh lính vui vẻ để cho ta dùng mới phải[65].

Tổng đốc An – Hà là Lê Đại Cương, Tuần phủ An Giang là Ngô Bá Nhân tâu xin dồn bổ các lính ở đồn điền cũ vào 4 cơ thuộc tỉnh là An nghị tả, An nghị hữu, An nghị tiền và An nghị hậu, đặt mỗi cơ 1 Phó quản cơ, lấy các nguyên Chánh phó trưởng chi bổ làm Cai đội thí sai, Phó quản cơ. Vua y cho’[66].

Tháng 5- 1833, Sứ bộ Nguyễn Hữu Thức sang Xiêm và dò biết được quan nước Phiên là Ốc Nha Xô Ca Lộc làm phản Chân Lạp, theo về nước Xiêm, xin quân tiếp hộ. Người Xiêm đã nhiều lần có phái binh, voi, thuyền đi sang các xứ Bắc Tầm Bôn và Đại Đồng Chân Bôn. Khi sứ bộ về đến An Giang, nói với Tổng đốc Lê Đại Cương. Đại Cương đem việc đó tâu lên và nói : “Xô Ca Lộc trước làm An phủ ở Phủ Lật, theo em vua Phiên là Nặc Giun ở lâu bên Xiêm, hoặc giả y vẫn thông mưu với Ốc Nha để phản Chân Lạp“. Vua dụ rằng : “Việc này phần nhiều là do nghe đồn, ở đầu đường xó chợ, đem so với lý thế, chửa chắc đã đúng. Duy việc đề phòng biên giới mà có chuẩn bị thì không lo ngại. Thành tỉnh An Giang hiện đương xây đắp, lính tỉnh phần nhiều làm ở công sở ; nếu có sai phái có lẽ cũng không đủ[67]. “Lê Đại Cương, Tổng đốc An – Hà, tâu nói: Việc sửa đắp thành mới An Giang đã dần dần xong. Duy còn đường thủy đạo hiện đương khai đào một đoạn giáp Hậu Giang dài hơn 1.050 trượng. Nay đương mưa luôn, việc làm ruộng đang cần, vậy những dân các huyện hiện đương làm việc ở đó, hễ ngày nào xong thì xin cho họ về ngay để làm ăn. Đến như cái hào dưới chân thành và các đoạn sông đào chưa khai, xin chờ đến chính mùa đông khô ráo, hãy theo thứ tự mà làm. Vả lại, nay công việc làm thành tuy mới tạm ổn, nhưng thế cục đã thành, cơ chỉ đã định. Phàm đường lối trong ngoài ra vào cùng với chợ búa phố xá đều đã dự vạch ra trước, để cho người ta biết đến đấy ở, sớm thành nơi vui vẻ. Nếu lại trở về Châu Đốc, sợ rằng dân mới tụ họp sẽ lại tản mát nơi khác. Thần đã đem số tre chặt rồi rào giậu 4 mặt, tạm làm cái thành bằng tre, và tạm thời dựng nhà kho, công đường và nhà làm việc để tiện việc dọn đến ở. Còn tòa hành cung dựng ở Châu Đốc trước, thì gỗ lim còn dùng được, nên dỡ mang về Tân Thành để xây dựng. Lại nữa, huyện Tây Xuyên là kiêm lý của phủ Tuy Biên, chính Châu Đốc ở trong địa hạt ấy. Vậy, xin lấy đồn ấy dùng làm phủ lỵ để cho sự ở được hùng tráng. Vua đều nghe theo[68].

Tháng 6 – 1833, nhà vua ra lệnh cho Lê Đại Cương hợp sức đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi: “Truyền dụ Tổng đốc An – Hà là Lê Đại Cương lập tức xét theo số binh và dân hiện đang làm việc xây thành, cấp cho khí giới, tiền, lương, vát lấy nhiều thuyền, đốc thúc quan quân, hương dõng thuận dòng xuôi xuống, hội với quan quân Long – Tường cùng đi đánh dẹp[69]. Rồi, nhà vua còn cấp cho Lê Đại Cương kính thiên lý: “Sai thị vệ mang cấp cho Phan Văn Thúy, Trương Minh Giảng, Lê Đại Cương và Lê Phúc Bảo mỗi người 1 chiếc thiên lý kính[70].

Việc đánh dẹp Lê Văn Khôi đối với triều đình là hết sức khẩn thiết lúc này. Kinh đô đã phái đại đội quan quân thủy lục cùng với quân, voi và thuyền của 6 tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận điều động trước, chia đường cùng tiến để đánh dẹp Lê Văn Khôi. Nhà vua truyền dụ: “cho Lê Phúc Bảo, Tô Trân và Tổng đốc An – Hà là Lê Đại Cương trước hãy đem chém đầu một loạt lũ lính Hồi lương để dứt mối lo bên trong. Còn tù phạm nào có tình trạng hung ác, cũng tức khắc đem chính pháp, chớ có cẩu thả xuê xoa. Đó là việc cần làm”, “Lê Đại Cương nên đem ngay binh thuyền đến hội với Lê Phúc Bảo nếu có cơ hội đưa đến, có thể trước khi Kinh binh chưa tới, đốc thúc binh, dõng, sớm bắt hoặc chém đầu tướng giặc Lê Văn Khôi, thu phục được tỉnh thành, giữ yên dân chúng, thế là lũ ngươi lập được công to đời chưa từng có, thì ta sẽ ban cho phần thưởng vượt bậc. Nếu xem xét đo đắn hình thế, có nên dừng lại chờ đại binh, thì lập tức nên giữ vững cương giới, chiêu tập nhân dân để trước hết nắm lấy cái thế tất thắng[71].

Tổng đốc An – Hà Lê Đại Cương, tâu nói : “Khi mới nghe tin Phiên An có giặc gây biến, thần đã phái Lãnh binh Lê Văn Thường đem binh thuyền hội với quan quân 2 tỉnh Vĩnh Long, Định Tường tiến đánh. Sau đó hỏi ra biết rằng tướng giặc là Lê Văn Khôi tụ họp bè đảng, chiếm giữ tỉnh thành, giết hại Nguyễn Văn Quế và Bạch Xuân Nguyên, thần trước đã phi tư cho thự Tổng đốc Long – Tường là Lê Phúc Bảo gấp đi ngay. Lại nghĩ : bọn ấy nhân khi sơ hở, lén lút nổi dậy, một khi có quân đến đánh, thế tất phải do đường rừng tìm về đất cũ, hoặc nhân Phiên An có nhiều thuyền, sẽ do đường biển lủi trốn. Thần lại phi tư cho 2 tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, tỉnh nào cũng ngăn chặn các đường thủy bộ hiểm yếu. Lại sợ phía đầu rừng đạo Quang Hóa, cả Nam lẫn Bắc đều đi qua được, nên nghĩ cũng phi sức cho viên quản đạo Quang Hóa nghiêm chặn lối ấy. Rồi liệu gọi các biền binh ở hạt lân cận đang hạ ban nghỉ ngơi, ủy cho đóng giữ Tân Thành và theo 2 ty Bố, Án, giữ đồn Châu Đốc. Lại phi sức cho Hà Tiên cũng phòng bị sẵn. Rồi chính mình đem Phó lãnh binh Vũ Văn Thường dẫn đại đội binh thuyền đến gần tiếp ứng. Vua phê bảo rằng : “Nhận được sớ tâu, ta biết ngươi đã có chuẩn bị trước và đem quân đi đánh dẹp, cơ hội chính là hay. Ta ngày ngày mong tin thắng trận”[72]. “Đạo quân Tổng đốc An – Hà Lê Đại Cương tiến đóng Định Tường. Họ đều đệ tập tấu lên vua[73].

Lê Đại Cương cùng quan quân triều đình tiến đánh thành Phiên An do Lê Văn Khôi chiếm giữ: “Vua dụ đình thần rằng : “Nhiều lần điều bát quan quân các tỉnh và thủy quân ở Kinh xuất phát, chắc rằng hiện nay đã đến địa hạt Bình Thuận, Biên Hòa. Còn quan quân do Tổng đốc Long – Tường là Lê Phúc Bảo, Tổng đốc An – Hà là Lê Đại Cương tâu nói đã đốc thúc đó cũng đã đến đủ. Vậy truyền dụ cho bọn Lãnh binh Nguyễn Văn Hòa, Mai Công Ngôn, Lê Sách, Lê Văn Nghĩa và Nguyễn Văn Thị một mặt thông tin cho Lê Phúc Bảo và Lê Đại Cương tiến đánh, một mặt tức khắc đốc suất quan quân, voi chiến và thuyền các tỉnh, chia đường thủy, bộ, đến thẳng tỉnh thành Phiên An, cốt phải bắt hoặc chém được lũ tướng giặc Lê Văn Khôi để làm cho ra án. Nếu có kẻ nào rụt rè, thì lập tức đem chém để rao ở trước quân. Mọi người đều nên đồng lòng gắng sức, gấp diệt giặc này rồi hãy ăn sáng để lập công danh, giành lấy hậu thưởng, chính là cơ hội này. Đã cố gắng lại cố gắng thêm”. Lại truyền dụ cho Lê Phúc Bảo và Lê Đại Cương đều biết việc này[74].

Quan quân triều đình bị hỏa công của Lê văn khôi đánh trả nên thua. Lê Đại Cương biết tin, tâu lên vua: “Súng ống, hỏa dược của thành Gia Định trước đều còn ở Phiên An chưa từng chia cấp. Lại nữa, Lê Văn Duyệt trước kia làm nhiều hỏa khí để dùng hỏa công dự bị cho việc biên phòng, nay bị lũ giặc chiếm lấy, dùng để phản công, cho nên biền binh không đủ sức địch lại“. Vua bảo Nội các rằng : “Hai đạo quan quân của Lê Đại Cương là Lê Phúc Bảo không phải không nhiều, sao lại không hợp sức cùng lòng đều tiến đánh giặc, mà lại trùng trình nghe ngóng đề phòng không chu đáo, để đến nỗi có sự thua trận nhỏ này ! Đáng lý ra phải trị tội nặng, nhưng nghĩ trong khi đang có việc nên chuẩn cho bọn Lê Đại Cương, Lê Phúc Bảo và các Lãnh binh đều phải đới tội lập công, để chờ xem gắng sức sau này[75].

Cũng trong tháng 6 -1833, quan quân triều đình đánh phá đồn do Lê văn Khối chiếm giữ, thu phục được tỉnh lỵ, vua dụ: “Tổng đốc Long – Tường là Lê Phúc Bảo và Tổng đốc An Giang là Lê Đại Cương rằng : “Quan quân Biên Hòa nay đã giết tan đảng giặc, lấy lại được tỉnh lỵ, mũi nhọn của quân lính chính đương mạnh mẽ sắc bén, đang mưu đồ tiến đánh. Binh, voi và chiến thuyền do các tỉnh và Kinh đô phái đi có thể hẹn ngày đến được Biên Hòa. Bọn ngươi nên chỉnh đốn chiến thuyền, đốc thúc quân lính đến thẳng Phiên An hội tiễu. Lại truyền dụ cho bọn vua, quan nước Chân Lạp đều biết để họ được yên tâm đừng nghe tin đồn trước mà trong lòng hoang mang sợ hãi[76].

Quân của Lê Văn Khôi chiếm được Tỉnh thành  Định Tường. “Tổng đốc An – Hà Lê Đại Cương ở Định Tường nghe tin, lập tức dẫn đại đội binh thuyền lui về phía sông Ba Lầy (thuộc huyện Kiến Đăng, giáp đầu tỉnh An Giang). Binh và dân giữ Định Tường, đều xao xuyến, chạy trốn đến hết[77]. Lê Đại Cương, Lê Phúc Bảo đều làm sớ tâu xin chịu tội.

Vua dụ rằng : “Cứ theo tin tức dò thám lần lượt báo đến, thì việc giặc Khôi làm loạn chẳng qua là bọn tù tội vô loại, tụ họp lại thành bè đảng, chắc tụi giặc quèn ấy chẳng có khí lực gì đâu ! Bọn ngươi, Lê Đại Cương, Lê Phúc Bảo đều là quan to thống trị cả kiêm hạt, thân đốc binh thuyền đến hội tiễu, vậy mà sai phái ủy thác phần nhiều không được người giỏi, điều khiển lại lỡ cơ hội. Trước đó, ở Tra Giang thua một trận nhỏ, nên giặc mới hư trương thanh thế làm cho lòng dân nao núng sợ hãi. Lại không biết góp sức hợp mưu, cùng lo giết giặc, mà lại nửa kế không nghĩ ra, mới thoạt giao chiến với giặc, đã vội lui quân, làm hỏng việc, thế mà còn làm biểu chương đổ lỗi cho nhau, đáng lý ra phải trị tội nặng, nhưng nghĩ bây giờ đương lúc cần phải đánh dẹp, nên hãy khoan thứ cho Lê Đại Cương và Lê Phúc Bảo: đều được cách lưu. Còn Tô Trân và Ngô Bá Tuấn lập tức phải cách chức làm binh, chuẩn cho được ở trong quân gắng sức chuộc tội… Bọn ngươi, Lê Đại Cương, Lê Phúc Bảo, nên liệu tùy thế lực, trù tính cho chín. Nếu tình thế có thể tiến đánh thì nên tập hợp binh, dõng, chỉnh đốn khí giới, hăng hái, can đảm, tiến lên giết giặc, thu phục Định Tường để chuộc tội trước[78].

Quân tướng của lê Văn Khôi là Thái Công Triều đã lấy Định Tường, thẳng đường tiến lên. Các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên đều thất thủ. Lê Văn Khôi đặt quan chức ở các phủ huyện. Trước tình hình đó, vua Minh Mạng đã tập trung binh lực để đánh dẹp quân của Lê Văn Khôi. Đồng thời, vua ra lệnh ban thưởng hậu hỹ cho những ai lập công làm tiêu hao sinh lực[79].

Tháng 7 -1833, Lê Văn Khôi “đã lấy được Định Tường, đốc suất thuyền quân tiến đến đậu ở sông Đồi Giang (thuộc tỉnh Vĩnh Long, giáp đầu địa giới An Giang), Tổng đốc Lê Đại Cương đánh nhau, bị thua, lui về An Giang[80]. Lê Văn Khôi chiếm cứ tỉnh thành.

Án sát tỉnh An Giang là Bùi Văn Lý lấy lại được hai tỉnh An Giang, Hà Tiên. Trước đây, Tổng đốc Lê Đại Cương đánh nhau với giặc bị thua, rút về tỉnh lỵ (tức là đồn bảo Châu Đốc), quân đều tan tác cả, bèn thương lượng giao cho Bố chính Nguyễn Văn Bỉnh cùng với Lý vẫn cứ ở lại phòng hộ, còn mình thì đi Nam Vang, điều động lính Phiên đến cứu”[81]. Thái Công Triều (tướng quân thuộc quyền Lê Văn Khôi còn ở An Giang, mưu toan việc quy thuận nên đã mật báo cho Lê Đại Cương chóng đem quân về tiếp ứng Bùi Văn Lý ẩn ở đồn Vĩnh Hùng…Lê Đại Cương cũng từ Chế Lăng quay về, trước hết đem chém Trần Hiệu Trung và các tên phạm là đầu mục giặc mà sau đó tiếp tục bắt được. Rồi quyền phái Binh bộ Chủ sự thừa biện Nam Vang thành biên vụ là Hồ Công Chỉ và Phó quản cơ cơ An Giang là Nguyễn Văn Tây đến tỉnh Hà Tiên làm công việc ở tỉnh. Lại cho rằng Mạc Công Du vốn được nhân dân xứ ấy mến phục, bèn tạm quyền lưu lại ở tỉnh lỵ để trấn tĩnh [nhân tâm]”[82].

Tháng 8 – 1833, Lê Đại Cương bị vua cách chức, từ Tổng đốc An Hà xuống làm lính: “Đến như Lê Đại Cương là một quan to, có nhiệm vụ giữ bờ cõi, trước đây, trận đánh ở Lật Giang, không tức thì đến cứu, lại dẫn quân về trước, đã là nhút nhát rồi. Đến khi quân giặc tới nơi, lại không cố chết giữ lấy thành trì, chỉ lo trốn xa, đến lúc nghe thấy người ta lấy lại được tỉnh lỵ, bấy giờ mới ló đầu ra ! Xét dấu vết của hắn đã làm rất là ươn hèn đớn kém ! Chuẩn cho lập tức cách chức, bắt làm lính ở nơi quân ngũ đua sức làm việc để chuộc tội ; đợi khi việc yên rồi, sẽ xuống chỉ dụ quyết định. Còn ấn quan phòng Tổng đốc An Giang, Hà Tiên giao cho Bố chính Đặng Văn Bằng, Án sát Bùi Văn Lý và Lãnh binh Nguyễn Đăng Huyên hợp đồng hộ lý làm việc[83].

Tháng 9 -1833, Bình khấu đạo Tướng quân là Trần Văn Năng, Tham tán là Lê Đăng Doanh ở quân thứ Gia Định tâu xin: “Tạm quyền cấp cho viên quan bị cách là Lê Đại Cương vẫn quản lĩnh binh dõng dưới quyền được ở trong quân để đua sức làm việc”. Vua ưng cho”[84].

Tháng 10 -1833, Lê Đại Cương tiếp tục bị vua quở trách do: “Khâm phái Hộ bộ Tả thị lang Đặng Chương từ quân thứ Gia Định về Kinh tâu : “Đồ đảng giặc trong thành, ngày nọ, có họp thành đến hơn 100 tên, đi ra ngoài thành, tìm kiếm vật liệu. Binh dõng do Lê Đại Cương đốc suất ở địa phận tấn sở chỉ chém được 1 đầu và đâm bị thương 5, 6 đứa mà thôi[85]. Vua “Truyền chỉ ban quở cả các Tướng quân và các Tham tán. Lại truyền chỉ nghiêm quở Lê Đại Cương : Từ nay, bọn giặc còn dám đi ra, tất nên nghiêm sức cho các tướng, biền binh, đang ở các đồn tấn sở tại phải hết sức đón đánh, dẫu dưới làn tên đạn tơi bời cũng không quản ngại. Cốt sao giặc phải đến một đứa thì giết chết một đứa, không cho trốn thoát, tất có hậu thưởng. Nếu cứ bất lực mãi, dung túng cho giặc muốn đi đâu tuỳ ý thì khó trốn được lỗi đấy!”[86].

Quân lính của Lê Văn Khôi liều chết ra khỏi thành chiến đấu, quan quân triều đình bắt và chém không được nhiều, nhưng linh triều đình bị thương và chết đến hơn trăm, nên “Lê Đại Cương, Vũ Phi Giám có nhiệm vụ chia giữ đồn tấn đều bị giáng 2 cấp[87].

Tháng 12 năm 1833, lời Dụ của vua Minh Mạng đề cập đến việc dẹp đánh dẹp Lê Văn Khôi, trong đó cho biết, Lê Đại Cương đã được gia ơn và phục chức: “Thái Công Triều và Lê Đại Cương đã được gia ơn khai phục và nhiệm dụng rồi[88].

Tháng 3 -1834, tiếp tục đánh dẹp Lê Văn Khôi. Lê Đại Cương và quan tướng của triều đình và nhà vua thường xuyên báo cáo tình hình, theo dõi sát cuộc chiến. Vua phê: “Giặc đã khốn cùng như thế sao không đánh gấp? Đã có Chỉ đốc thúc rồi đấy”. Quan quân triều đình do Nguyễn Xuân, Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương ở quân thứ Nam Vang tâu: “Quan Phiên tham chính báo rằng tướng Xiêm là Phi Nhã Chất Tri từ Chân Lạp rút về Bắc Tầm Bôn, có độ 3000 quân, chia làm 4 nơi đóng giữ. Và em vua Xiêm là Thôn Kha Long Danh Hòa từ Vọng Các đem 2000 quân đến đóng Bàn Khương (tên đất) truyền hịch giục Chất Tri về. Chất Tri không chịu về, nói rằng quân của ta không đến thì nó cũng đến lấy Chân Lạp, thề chẳng về nước Xiêm. Người Xiêm đã nhiều lần bị thua đau, trốn chạy, sợ quân ta đuổi cùng, hỏi tội, cho nên huênh hoang đóng quân ở Bàn Khương và Bắc Tầm Bôn cũng là có lý. Còn như Chất Tri nói thề lấy Chân Lạp, chẳng chịu về Xiêm, chẳng qua nó sợ bại trận trở về, chẳng được người nước đếm xỉa đến nữa, nên thả lời để lừa bịp mọi người đó thôi. Tuy vậy, việc phòng ngự địa đầu biên giới, thực không nên trễ nải. Bọn thần đã sức cho quan Phiên lính Phiên đóng giữ Phủ Lật và Bông Xui để phòng bị nghiêm cẩn”. Vua phê: “Liệu đoán kẻ địch như vậy thực đúng khớp, rất hợp ý ta. Phía ta chỉ nên cứ im hơi lặng tiếng, mà chuẩn bị sẵn sàng, lâu ngày chúng mỏi mệt, tự khắc quay về sào huyệt”. Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương lại tâu: “Tỉnh An Giang mới lập, đất rộng, người ít, lại ở vào nơi xung yếu giữa hai ngả đường Hà Tiên – Nam Vang, binh lửa mới yên, thành trì chưa vững, công việc chính là lúc đương bận rộn. Vậy mà các cơ binh thuộc tỉnh, phần nhiều bỏ trốn, hiện số không còn được bao nhiêu, sợ khi động đụng không đủ người. Những lính đồn điền khi trước, dồn lại thành đội ngũ, cho lệ thuộc hạt khác như hai cơ Định thắng Tả, Hữu và Thủy cơ Biên Hòa, đều là người thổ trước trong hạt [An Giang]. Nay xin rút về cho theo tỉnh sai phái để tự phòng thủ lấy”. Vua phê: “Đó cũng là việc cần kíp trước mắt. Cho làm theo điều thỉnh cầu[89].

Tháng 4- 1834, quân Xiêm động binh, uy hiếp Chân Lạp, Lê Đại Cương tâu xin vua cho đem quân đánh giữ: “Tổng đốc Trương Minh Giảng, Thự phủ Lê Đại Cương ở quân thứ Nam Vang, tâu nói : “Dân ta có người từ nước Xiêm trốn về, khi qua Biển Hồ, nghe tiếng súng gần Phủ Lật. Cứ theo chúng nói, thì người Xiêm quả đã động binh, muốn uy hiếp Chân Lạp. Bọn thần hiện đã chỉnh đốn binh thuyền tiến lên để tùy cơ đánh, giữ[90].

Tháng 5 -1834, “Tổng đốc Trương Minh Giảng và Thự phủ Lê Đại Cương ở quân thứ Nam Vang tiến quân đến bến sông thuộc phủ Long Tôn. Giặc Xiêm, các đường thủy, bộ ở Mật Vi Xà và Trúc Đồn (đầu đất Xiêm, tiếp giáp cuối địa giới Chân Lạp) nghe quân ta đến, đều bắn súng ra hiệu cho nhau rút lui. Bọn Giảng bèn liệu để lại 300 biền binh đóng ở vụng Xà Năng để làm thanh thế cho đồn Tịch Biên. Lại sai người Phiên lập ở đấy một tấn sở lớn để phòng thủ. Rồi trở về Nam Vang, đem việc tâu lên[91].

Tháng 6 -1834, Lê Đại Cương được thăng chức lên Tham tri bộ Binh, Tuần phủ An Giang: “Thăng Bố chính, thự lý Tuần phủ An Giang là Lê Đại Cương, lên Tham tri bộ Binh, làm Tuần phủ An Giang”[92].

Tháng 7 – 1834, Đốc, phủ quân thứ Nam Vang, Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương, tâu với vua kế hoạch giữ đất Phiên:

“1. Chia đặt quan Phiên coi giữ những nơi trọng yếu. Chọn lấy người trội trong các quan Phiên : Chưởng cơ tên Vu, tên Long, Vệ uý tên Kê và Ốc Nha Bông Sa Tiệp Bà Đê (bát phẩm) tên Đáp, Ốc Nha Y Trách (thập phẩm) tên Sô, Ốc Nha Đô Tha (cửu phẩm) tên Liêm, Ốc Nha Di Đô Tha (lục phẩm) tên Triết. Thứ đến tên Lạp, tên Úc, tên Tiên, tên Miệt, tên Mộc, tên Sâm, tên Phúc và bọn Mục Mân Tri (lục phẩm) tên Nộn, bàn cùng vua Phiên, phái uỷ tên Vu lấy nguyên hàm, quản lý việc phủ Bông Xui, tên Liêm làm Đê đô (tức An phủ, thập phẩm) phủ Bông Xui, tên Long lấy nguyên hàm, quản lý công việc Phủ Lật, tên Kê làm Sô Đột Lục (tức An phủ, thập phẩm) phủ Phủ Lật. Lại dùng Ốc Nha Bông Sa Tiệp Bà Đê, tên là Đáp, giúp việc; tên Sô làm Điểu Đôn (tức An phủ, thập phẩm) phủ Kha Lăng; tên Lạp làm Ốc Nha Thi Na Ân Dặc (tức An phủ, lục phẩm) phủ Quảng Biên; tên Đô làm Ốc Nha Trà Biệt Sơn Lam (tức An phủ, lục phẩm) phủ Khai Biên; tên Tiên làm Ốc Nha Na Chiền (thập phẩm) đóng giữ đồn phủ Sơn phủ, kiêm coi quản các phủ Sơn Bốc, Sơn Trung; tên Miệt làm Ốc Nha Tham My Tiệp Bà Đê (tức An phủ, bát phẩm) phủ Sơn Phủ; tên Sâm làm Ốc Nha Bồ Đề (lục phẩm) sung làm Quản thủ tấn sở Xà Năng ; tên Mộc làm Ân Vi Di (lục phẩm) tuần tiễu các đường thuỷ Biển Hồ; tên Phúc làm Trì Sơn Liêm (tứ phẩm) để giúp việc; tên Nộn làm tấn thủ ở tấn sở Lô An. Thảy đều đốc suất những kẻ thuộc hạ, đem quân vào đồn, theo từng địa hạt mà phòng ngự. Lại nữa, phủ Chân Chiêm lệ thuộc tỉnh An Giang sai phái, chọn tên Triết làm Việt Lục (tức An phủ, thập phẩm) coi giữ.

2 – Xem xét đất Phiên, thiết lập đồn trại. (Xét đất nước Phiên có 4 chỗ rất quan trọng: phủ Phủ Lật là xung yếu nhất, thứ đến Bông Xui, lại thứ nữa đến Khai Biên, Quang Biên, lại thứ nữa đến Sơn Phủ.  Trong đó có phủ Bông Xui địa thế rộng lớn. Hiện đã thiết lập ở chỗ đồn cũ Phủ Lật và 2 xứ Sa Tôn, Bông Tham thuộc phủ Bông Xui, mỗi nơi 1 đồn. Đồn ở Phủ Lật, xin đặt tên là đồn Tịch Biên thứ nhất, đồn ở Sa Tôn đặt là đồn Tịch Biên thứ nhì, đồn ở Bông Tham đặt là đồn Tịch Biên thứ ba. Khai Biên, Quảng Biên, Sơn Phủ cũng đều chọn đất đặt đồn. Duy có đất phủ Khai Biên rất rộng và xa, dân số ít lắm. Dân gian làm tổ mà ở, hễ thấy người xứ khác đến, thì chạy ẩn vào trong rừng, gần giống như loài vượn. Thuỷ thổ lại nhiều lam chướng. Chỉ nên lấy những dân ở gần đấy để theo An phủ đóng giữ. Lại nữa, đường thuỷ Xà Năng là lối từ hai phủ Phủ Lật và Bông Xui đến Nam Vang tất phải qua lại cũng đặt 1 tấn sở ở bờ sông).

3 – Lựa lấy lính Phiên. (Tuỳ theo số dân các phủ nhiều hay ít, liệu trích lấy 1 phần 3 hoặc 1 phần lấy 2, phân phái đóng giữ : ở Phủ Lật 1700 người, ở Bông Xui 2000 người, ở Quảng Biên 700 người, ở Sơn Phủ 600 người, ở Khai Biên và Xà Năng mỗi nơi 300 người ; còn thì để ở lại Nam Vang, dùng 2000 người xây đắp thành trì cho vua Phiên).

4 – Lựa lấy thổ binh người Chàm (dòng dõi người Thuận Hoá), người Chà (dòng giống Chà Và cư trú đất Phiên). (Tạm sắp xếp những dân này làm 2 cơ An Man Nhất và Nhị. Mỗi cơ 10 đội, mỗi đội 50 người. Dùng người đầu mục, là Hu Khiêm, quyền sai làm Suất cơ cơ An Man Nhất ; Đỗ Cố làm Phó suất cơ ; Tôn Ly làm Suất cơ cơ An Man Nhị, Hàn Ông làm Phó suất cơ. Sai họ chiêu tập cho đủ số, để phòng khi có việc sẽ trưng dụng. Còn việc chia cấp ruộng đất bỏ không cho mọi người để ở và trồng cấy sẽ tiếp tục làm sau).

5 – Chỉnh đốn sửa sang đồ quân dụng cho nước Phiên. (Sai kiếm sào tre và sắt sống để làm trường thương, đóng thuyền và luyện thuốc súng).

6 – Chiêu tập cơ binh An Biên. (Cơ An Biên lệ thuộc tỉnh An Giang, điều động lấy 500 dân Phiên phủ Chân Chiêm sung vào. Trước kia vì có giặc, họ lẩn trốn tản mát, chỉ còn vài mươi người. Nay cho Việt Lục tên là Triết, làm Ngoại uỷ suất cơ vẫn kiêm lĩnh chức An phủ, hiệp cùng nguyên Phó suất cơ là Liêm và Mộc, chiêu tập cơ binh, cốt được đủ số).

7 – Khám xét các thuyền buôn ở Quảng Biên. (Cửa biển Cần Bột thuộc phủ Quảng Biên, nếu có thuyền buôn của người nhà Thanh chở hàng hoá vào cảng thì nên báo cho tỉnh Hà Tiên xét thực tình hình, tuỳ việc mà làm, nếu người nhiều hàng ít, thì đuổi đi).

8 – Kinh lý biên phòng tỉnh Hà Tiên. (Luỹ dài Phù Dung ở Hà Tiên và pháo đài Kim Dữ hiện đã sửa sang thêm, lại đem cấp cho dầu mỡ để dùng vào việc tu bổ thuyền mành. Về số biền binh đi thú, xin do quân thứ Gia Định trích lấy 1, 2 vệ, 500 người, để giúp toàn lực vào việc đó).

Vua đều cho làm đúng như lời đã kiến nghị. Và dụ cho Tướng quân, Tham tán ở Gia Định liệu phái lính Kinh, hay lính các tỉnh từ Bình Thuận trở ra Bắc, cho đủ 1 vệ 500 người để đi thú Hà Tiên. Sau đó, lại điều 500 binh dõng 2 tỉnh Long – Tường đến đóng giữ”[93].

Tháng 8 -1834, tiếp tục công việc ở  Nam Vang: “Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương, đốc, phủ quân thứ Nam Vang, tâu nói : “Nước Phiên mới bắt đầu sửa sang, công việc còn bề bộn. Hai phủ Quảng Biên, Khai Biên đã đặt án phủ sứ, nhưng chưa có lại dịch. Vậy xin đặt ty thừa biện ở thành Nam Vang, 1 chánh cửu phẩm thư lại và 10 vị nhập lưu thư lại, hợp 2 phủ Quảng Biên, Khai Biên làm 1 nha, đặt 1 lại mục và 6 thông lại. Lại xin kế tiếp cấp lương tháng cho những hương dõng đóng giữ thành Nam Vang, đợi các tỉnh Vĩnh Long, Định Tường và An Giang xong việc tuyển lính, sẽ tư đi lấy người thay đổi”. Vua đều y theo[94].

Tháng 9 -1834, “Người Chân Lạp, có tên Sâm và 2 người đàn bà Man dùng tà thuật làm mê hoặc vua Phiên. Vua này sinh ra dâm dật, bán quan buôn ngục. Nhiều người oán. Tổng đốc Trương Minh Giảng và Tuần phủ Lê Đại Cương ở An – Hà dò thám được tình trạng, bắt chúng đem chém và rao cho mọi người biết ; còn tài sản của phạm nhân thì đưa hết cho Phiên vương. Việc đến tai vua. Vua cho là phải[95].

Dân Chân Lạp bị đói, đến nỗi có những người phải ăn tấm cám. Vua hay tin, dụ bọn Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương rằng : “Chân Lạp dẫu là dân Man, nhưng cũng thuộc vào bản đồ và dân tịch của triều đình. Trong tình vỗ về thương xót, ta coi cũng như dân ta vậy. Trước đây, giặc Xiêm xâm lấn tàn bạo, ta đã vì người Chân Lạp mà giữ đánh dẹp khu trừ, lại phái trọng binh đến giữ bờ cõi nước ấy, để nhân dân họ không phải ly tán, đệm chiếu nằm yên. Nay họ gặp lúc đói kém này, cũng nên giấn chân, vén xiêm, hối hả cứu giúp, chứ đâu nỡ ngồi trông họ chết đói mà không thương ? Được tin này, lòng ta không nỡ, huống chi lũ ngươi lại làm ngơ được ư ? Nếu quả có sự ấy thì việc phát chẩn không thể trì hoãn được. Chuẩn cho một mặt tâu lên, một mặt tư ngay cho 2 tỉnh Vĩnh Long và Định Tường đều chở 10000 phương gạo đến để phân phát, chớ để họ mất nơi ăn chốn ở, thì mới phu phỉ lòng ta vun trồng cho dân ở nơi biên giới[96].

Tháng 11- 1834, Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương, đốc phủ quân thứ Nam Vang, xin lập nhạc hộ ở nhà Nhu viễn. Vua cho việc ấy có quan hệ đến sự vỗ yên nước Phiên, chuẩn y lời xin. Bọn Giảng lại tâu nói : “Nước Chân Lạp trước đây, vì giặc Xiêm lấn cướp quấy nhiễu, nên kho tàng hết sạch. Bọn thần đã từng khuyên chăm cày cấy và tùy đất khai khẩn, trồng đậu và lúa mạch, hiện đã lục tục được thu hoạch, có thể đỡ được sự khẩn cấp trước mắt. Duy thành Nam Vang trở về phía tây, rất điêu tàn. Bọn thần đã tư cho các tỉnh Vĩnh Long, Định Tường chở cho 10.000 hộc thóc để phân phát”. Vua dụ rằng : “Làm thế cũng phải. Lũ ngươi nên để tâm trù liệu cốt cho ngoài êm thì mới có thể trong ấm được[97].

Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương, đốc, phủ ở quân thứ Nam Vang, tâu xin trích lấy những biền binh ở quân thứ Gia Định để đi đóng giữ An Giang và cho xuống thuyền, diễn tập thủy chiến ; những cơ binh mới tuyển được lưu lại, đều cho kế tiếp cấp lương tháng. Lại xin trả thêm giá thoả thuận mua thóc gạo để sung vào kho tích trữ. Vua dụ bảo : “Về biền binh trú phòng, quân thứ Gia Định đã phái đi rồi ; còn việc tập thủy chiến và việc giản binh lưu lại, đều chuẩn cho làm như lời đã xin, cốt nên để tâm xếp đặt cho được chỉnh đốn, để vững mạnh việc biên phòng, xứng đáng với trách nhiệm đã giao cho[98].

Tháng 12- 1834, “Vua nước Chân Lạp là Nặc Chăn chết. Bọn Tổng đốc Trương Minh Giảng, Tuần phủ Lê Đại Cương ở quân thứ Nam Vang đem việc tâu lên.

Vua dụ bộ Lễ: “Vua Phiên là Chăn, đời đời làm phiên thuộc triều đình, một lòng kính thuận, trước sau không thay đổi, nay được tin Chăn mất, ta rất  ngậm ngùi. Vả lại, vua Phiên không có người kế tự mà tục nước lại không có lễ nghi tang tế gì. Vậy chuẩn cho bọn Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương chuyển sức cho các quan Phiên hãy quàn linh cữu vua Phiên ở nhà trong, đừng cho đồn đại gì, chờ sang đầu năm, ta sẽ giáng chỉ ân thưởng phẩm vật và ban dụ tế. Nghi thức sẽ do bộ Lễ gửi đến để theo đó tuân hành. Ấn triện của vua Phiên, chuẩn giao cho quan Phiên là lũ Chưởng cơ Trà Long và Vệ uý La Kiên theo [sự điều khiển của] Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương quyền làm việc nước Chân Lạp. Phàm những việc lớn như tổ chức binh phòng, cất đặt quan lại, đều phải bẩm rõ để xử trí, không được trái lệnh vượt quyền. Còn những việc nhỏ nhặt tầm thường, cho được hội bàn cùng các quan Phiên mà làm[99].

Tháng Giêng năm 1835, quân thứ Nam Vang của Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương được vua bổ sung thêm 20 viên chức, lại dịch: “Vua thấy thành Trấn Tây buổi đầu mới thiết lập, công việc bề bộn, sai bộ Lại chọn những viên chức, lại dịch ở các nha trong Lục bộ và Tự, Viện, từ Chủ sự đến Vị nhập lưu thư lại lấy 20 người, đều cho thăng lên một trật, rồi cho đi theo Tổng đốc Trương Minh Giảng và Tuần phủ Lê Đại Cương để sai phái công việc[100].

Lê Đại Cương cùng Trương Minh Giảng được lĩnh ấn bảo hộ nước Chân Lạp: “Sai Tuần phủ An Giang Lê Đại Cương hiệp cùng Tổng đốc Trương Minh Giảng, kiêm lĩnh ấn bảo hộ nước Chân Lạp[101].

Lê Đại Cương được vua ban khen do làm tốt chức trách: “Lĩnh bảo hộ ở thành Trấn Tây là Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương tâu nói: “Địa hạt Chân Lạp, lúa mới đương chín, lương thực của dân có thể tiếp tế được đủ; duy việc biên phòng đương khẩn. Về số quân Phiên đóng giữ, hiện đã tuân theo dụ, trích 5.000 phương gạo phân phát rồi. Lại nữa, nước Phiên từ khi chọn lựa sắp xếp quân ngũ đến giờ, đội ngũ đã dần dần được chỉnh đốn. Bọn đầu mục cũng biết cảm kích mà hăng hái lên”. Vua ban khen[102].

Tháng 4- 1835, Lĩnh chức bảo hộ là Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương ở thành Trấn Tây nhân việc mật báo, phúc tư cho viện Cơ mật. Quan ở viện đem việc ấy tâu lên. Hai ông bị vua “truyền chỉ ban quở” là “không thông suốt” nguyên tắc[103]. Sau đó, vua ra lệnh: “Sai chế tín bài và cờ lệnh cho thành Trấn Tây, đem giao Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương thu giữ để phòng sai phái về việc quân (10 cái bài ngà, mỗi cái ở phía trên mặt trước, khắc ngang 2 chữ “Trấn Tây”, dưới khắc dọc 2 chữ “Quân lệnh”. Mặt sau khắc dọc những chữ : “Tín bài số thứ mấy”, ở bên chua rõ : “Minh Mệnh thập lục niên quan cấp”, 10 lá cờ 5 sắc, mỗi sắc 2 lá, đều trình bày 4 chữ “Trấn Tây quân lệnh[104]

Tháng 6 -1835, “Lãnh chức bảo hộ là Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương ở thành Trấn Tây tuân Chỉ dụ, xét hạch tài năng phẩm cách các quan Phiên, làm thành danh sách tâu lên. Vua chuẩn cho…”[105].

Tháng 6 Nhuận năm 1835, “Lãnh chức bảo hộ là bọn Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương ở thành Trấn Tây đem địa đồ thuộc thành và ngoài biên cương thành ấy dâng lên. Vua mở xem, thấy vẽ đường sá, hình thế, rõ ràng dễ coi, ban khen. Chuẩn cho xét viên quan Phiên nào đã chỉ dẫn để vẽ thì thưởng cho đồ dùng quần áo…”[106].

Tháng 7 -1835, Quan tỉnh Hà Tiên tâu nói : “Trong tỉnh có 1 đoạn ven biển, đông từ Dương Đà, tây đến sông Trà Diên thuộc phủ Chân Chiêm tỉnh An Giang, xen vào khoảng giữa hai huyện Hà Châu và Kiên Giang. Vậy xin đổi thuộc về Kiên Giang cho địa thế được liền nhau”. Vua sai Tổng đốc Trương Minh Giảng và Tuần phủ Lê Đại Cương bàn cho ổn thoả. Họ cho rằng hạt phủ Chân Chiêm ở vào khoảng giữa đông tây sông Vĩnh Tế, bắc giáp huyện Tây Xuyên tỉnh An Giang, nam giáp tỉnh Biên Hoà, kéo dài đến bãi biển. Công việc quan tuy theo về An Giang, nhưng binh, dân, thuế khoá và những việc đốc suất, vỗ về, vẫn đều còn do Chân Lạp phân phát điều khiển. Vả, triều đình sửa sang bờ cõi, cốt nhằm vào những điều rộng lớn sâu xa. Nay giặc ngoài biên mới yên, nhân tâm vừa được ổn định. Các việc lớn, hãy tính xếp đặt dần dần. Chỗ đất nhỏ mọn kia không quan trọng lắm, chưa nên vội vàng sắn lấy. Huống chi, đất Phiên đã thuộc bản đồ của ta, tuy đường có cách biệt, nhưng thực vẫn liền nhau. Tỉnh Biên Hoà có Chân Chiêm cũng như tỉnh An Giang có Ba Thắc. Vậy, dải đất ấy hãy cứ để cho quan Phiên vỗ yên cai quản như cũ, đợi khi có dịp bàn công việc thiện hậu, bấy giờ sẽ làm một thể”. Vua phê bảo rằng : “Những lời bàn luận chính đại quang minh rất biết đại thể, nên theo lời nghị đó mà làm[107].

Tháng 12 – 1835, Lê Đại Cương và Trương Minh Giảng xin vua cho được đặt chức Án phủ ở 3 phủ là  Hải Tây, Hải Đông và Sơn Phủ, được vua chấp thuận: “Tướng quân Trương Minh Giảng và Tham tán Lê Đại Cương ở Trấn Tây cho rằng 3 phủ Hải Tây, Hải Đông và Sơn Phủ đều là địa đầu quan trọng xung yếu , xin đặt mỗi nơi một chức Án phủ. Vua dụ sai chọn trong thuộc hạ ai làm nổi việc, thì tâu xin bổ. Và răn dạy rằng : “Những phủ ấy mới thiết lập, chọn được người là khó. Người được đề cử ra đó, không những phải cẩn thận giữ mình, mà đến cả những người nhà và đầy tớ theo hầu, nếu không giữ gìn để làm mất lòng người, thì còn tội nào to hơn nữa. Phải cẩn thận đó !”[108].

Trong suốt năm 1836, Lê Đại Cương tiếp tục trấn trị ở thành Trấn Tây. Ông không chỉ lo việc quân mà còn lo cả việc dân, tích trữ lương thực nuôi quân, đảm bảo an ninh ở vùng đất này.

Tháng 3- 1837, vua Minh Mạng mật dụ cho Tham tán Lê Đại Cương và Tướng quân Trương Minh Giảng về việc thu phục, cảm hóa dân Chân Lạp. Lời dụ viết: “Thành Trấn Tây là nơi trọng yếu ở biên cương, trẫm thương dân như một, muốn khiến dân phiên sớm nhiễm phong tục người Kinh, đều thấm nhuần đức hóa nhà vua, lũ ngươi mình đảm đương gánh nặng, từ trước đến nay tuyên dương đức ý, người phiên đã vui theo giáo hóa chưa ? Tình trạng thế nào ? Xét xem súc man các phủ, đã nên đổi đặt danh hiệu xã thôn ? Cùng các sự việc, việc gì đổi định mà lòng dân phiên đều thỏa thuận, nên cứ thực tâu lên, việc nào còn quen tục cũ chưa tiện đổi ngay, không hại gì tạm để theo cũ, nên làm thế nào yên ủi dạy dỗ, khiến cho chúng chịu ảnh hưởng ngày càng cảm hóa mà không tự biết, mới là cách tốt dùng thói Kinh biến hóa thói man rợ, nên khéo xét mà làm[109].

Tháng 7 -1835, Lê Đại Cương được “quyền lĩnh ấn Tổng đốc quan phòng tỉnh An –Hà”[110].

Tháng Giêng năm 1838, “Án phủ là Phạm Ngọc Oánh, Hiệp lý là Đoàn Đức Giảng ở đạo Hải Đông phái vận lương thực, đạn dược đến quân thứ, khi đi đến đường rừng Ca Thi bị giặc cướp mất, biền binh gián hoặc có người bị thương, bị chết, quan thành ấy là bọn Đoàn Văn Phú đem việc tâu lên”. Vua truyền Chỉ quở mắng Lê Đại Cương và Trương Minh Giảng[111].

Cũng trong thời gian này, Lê Đại Cương bị cách hoàn toàn quan chức cho làm thuộc viên thành Trấn Tây. ĐNTL chép: “Tuần phủ An Giang sung làm Tham tán Trấn Tây là Lê Đại Cương có tội bị miễn chức, cho quyền hộ Tổng đốc Long Tường là Dương Văn Phong đổi lĩnh Tuần phủ An Giang, sung làm Tham tán đại thần ở thành Trấn Tây. Vua dụ rằng : “Lê Đại Cương trước làm Tổng đốc An Hà, có tội bị cách nhiều lần, được khởi phục đến chức Tuần phủ An Giang, lại uỷ cho giữ chức Tham tán ở Trấn Tây, long trọng biết là chừng nào ? Chính phải trình bày mưu mô để chuộc lỗi trước. Thế mà từ trước đến nay, ở thành đã lâu ngày, mà công việc ở ngoài biên, nên chăng chỉ theo người. Nay dân Man không yên, quấy rối ở biên giới, lại sợ việc, sợ khó nhọc, rụt cổ ở trong thành, nhiều lần tâu báo, chỉ cốt bàn suông, không từng đánh bắt một lần nào, ốm yếu không tài như thế, hầu dùng hắn làm gì, nếu cho dời khỏi chức về Kinh thì là để mình ra ngoài việc, lại là đắc sách, chuẩn cho cách chức, cho làm thuộc viên thành Trấn Tây, phái đi theo quân thứ ở Hải Đông làm việc chuộc tội[112].

Tháng 3 năm 1838, Lê Đại Cương còn bị vua ra lệnh bắt xích ngay giải về Kinh, giao cho bộ Hình nghiêm nghị. “Trấn Tây tướng quân là Trương Minh Giảng, Tham tán là Dương Văn Phong tâu báo tình hình đánh dẹp và nói viên quan bị cách là Lê Đại Cương ở đạo Trà Di, ở đồn canh giữ, chia sai quân lính tìm đường tiến đi. Vua xem tờ tâu, không hài lòng, bảo rằng : “Lê Đại Cương xuất thân hèn mọn, không có công lao, đã từng cất làm Tổng đốc An – Hà, ơn nước sâu nặng biết bao, thế mà trước đây Nam Kỳ có việc biến động, cùng với Lê Phúc Bảo cùng đem đại binh tiến đánh, chưa thấy giặc mà chạy, toàn quân chết hết, bèn bỏ thành trốn, không lấy bờ cõi làm lo nghĩ, tội ấy đã không tha giết, tạm nghĩ trong lúc dùng quân, nên cho tự sửa đổi, đặc ân cho giáng cách, chưa bao lâu lại được khôi phục, làm đến chức Trấn Tây tham tán đại thần, lại kiêm Tuần phủ An Giang, thế mà không biết tuyên dương đức hoá, để đến nỗi người Thổ nổi lên như ong quấy rối, điềm nhiên không biết xét làm việc để lo cho vua cha, pháp luật không thể tha được, bèn cách chức, phát đến trại quân gắng sức chuộc tội, chính phải cầm khí giới đi trước, hăng hái xông lên giết giặc, vẫn chưa thể báo được mảy may, lại nghiễm nhiên theo địa vị đại tướng, tuỳ ý phóng túng chỉ bảo. Kìa như triều đình thưởng người có công, phạt kẻ có tội, pháp kỷ rõ ràng, đã phải cách chức làm lính thì thân mình còn có quan chức gì, sao được bừa bãi như thế. Không ngờ một kẻ già yếu không có tài, lại dám trên không sợ phép nước, dưới không nghĩ công luận, quá đến như thế, nếu không trị tội sao tỏ được hình pháp. Lê Đại Cương phải bắt xích ngay giải về Kinh, giao cho bộ Hình nghiêm nghị[113]. Lê Đại Cương sau phải tội chém giam hậu.

Trong suốt mấy năm liền, từ tháng 3 năm 1838 đến tháng 7 -1841, tên tuổi của Lê Đại Cương không thấy được chép trong chính sử. Đến tháng 7 năm 1841, Lê Đại Cương mới được vua Thiệu Trị cho làm Lang trung bộ Binh, biện lý công việc của bộ[114].

6. Lê Đại Cương trở lại Bắc Thành (từ tháng 10 /1841 đến 10/1842)

Tháng 10 năm 1841, Lê Đại Cương thực thi nhiệm vụ ở Bắc Thành. Vua “sai Lang trung bộ Binh biện lý công việc của bộ là Lê Đại Cương phụng mạng mang cờ biển đi đến các nơi hành cung, sứ quán ở Hà Nội, Bắc Ninh và Lạng Sơn xem xét công việc đã làm. Phàm công trình gì cũng phải mộc mạc, chất phác, không được đua làm xa xỉ, hoa lệ. Vì Cương trước ở Bắc thành, hiểu rõ điển lệ cũ, cho nên có việc sai đi này”[115].

Tháng 12- 1841, Lê Đại Cương được đổi làm thự Bố chính sứ Hà Nội[116].

Tháng 10 -1842, “Thự Bố chính sứ Hà Nội Lê Đại Cương tuổi già, về hưu trí[117]. Năm 1847, ông trút hơi thở cuối cùng.

Một cuộc đời 76 tuổi, trong đó 40 năm cống hiến cho đất nước và triều đình nhà Nguyễn, trải qua 3 đời vua: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Lê Đại Cương được chính sử triều Nguyễn – Bộ Đại Nam thực lục ghi chép trong 6 tập: từ tập một đến tập sáu với dung lượng số trang rất lớn. Trong bài viết này, chúng tôi dù đã lược bớt và hạn chế lời bình nhưng sự phong phú tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp với những thăng trầm khó tưởng đã nói lên tầm vóc của Lê Đại Cương trong lịch sử VN thời Nguyễn..

 


[1] Đại Nam thực lục (ĐNTL), Tập Một, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.820.

[2] Năm 1802, “Lê Văn Duyệt, Lê Chất, Nguyễn Hoàng Đức, Phạm Văn Nhân từ Bình Định về, vào yết kiến. Vua yên ủi hồi lâu, ban cho áo mũ…” (Đại Nam thực lục, Tập Một, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.488).

[3] Năm 1810, “Lấy Nguyễn Hoàng Đức làm Tổng trấn Bắc Thành. Lê Chất làm Hiệp tổng trấn, Phạm Như Đăng làm Tham hiệp tổng trấn. Chiếu dụ rằng: “Cõi Bắc là nơi trọng trấn, hết thảy ủy cho các ngươi. Các ngươi nên gia tâm vỗ về, dẹp trộm cướp để yên dân, cho vừa lòng trẫm. Về việc quân lữ thì từ phó tướng trở xuống, có ai trái luật thì đều được tiện nghi làm việc, rồi sau tâu lên” (Đại Nam thực lục, Tập Một, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.780). Ông còn được vua Minh Mang ban cho một thanh gươm mạ vàng, một khẩu súng dát vàng, năm 1821, “Cho Tổng trấn Bắc Thành Lê Chất một thanh gươm Tây chạm mạ vàng, một khẩu súng Tây dát vàng, cho Phó tổng trấn Lê Văn Phong một thanh gươm Tây chạm mạ vàng, một khẩu súng Tây dát bạc ; các liêu thuộc ở thành tất cả 125 người, từ Tòng nhị phẩm đến Tứ phẩm, mỗi người đều thưởng gươm mạ bạc và súng chữ vàng theo thứ bậc khác nhau” (Đại Nam thực lục, Tập Hai, Nxb. Giáo dục, 2004, tr.163).

[4] ĐNTL, Tập Một, sđd, tr.992.

[5] ĐNTL, Tập Hai, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.275.

[6] Duyệt tuyển: Kê khai nhân khẩu, trong đó chủ yếu là số đinh.

[7] ĐNTL, Tập Hai, sđd, tr.335.

[8] ĐNTL, Tập Hai, sđd, tr.338.

[9] ĐNTL, Tập Hai, sđd, tr.376.

[10] ĐNTL, Tập Hai, sđd, tr.429.

[11] ĐNTL, Tập Hai, sđd, tr.446.

[12] ĐNTL, Tập Hai, sđd, tr.540.

[13] ĐNTL, Tập Hai, sđd, tr.553.

[14] ĐNTL, Tập Hai, sđd, tr.632.

[15] Đại Nam thực lục, Tập Hai, sđd, tr.662.

[16] Đại Nam thực lục, Tập Hai, sđd, tr.680.

[17] Đại Nam thực lục, Tập Hai, sđd, tr.706.

[18] Đại Nam thực lục chép tiếp: “Cương vào bệ từ. Vua dụ rằng : “Việc chống lụt quan hệ rất lớn. Ngươi là người biết lẽ, trước kia việc hình ngục ở Bắc Thành, ngươi đến nơi là làm xong ngay. Nay trách nhiệm về Đê chính càng nặng nề. Lần này đi, nên hết lòng xếp đặt để cho nước chảy thuận dòng, cho dân càng mừng êm sóng thì công ấy chẳng nhỏ đâu”. Vua lại nói : “Ngày trước Văn thư phòng là Trần Văn Trung xin theo Đê chính làm việc, trẫm đã y cho, nhưng chưa biết y làm việc thế nào. Ngươi xét kỹ xem, nếu quả là người siêng năng được việc thì lập tức tâu lên, không được như thế thì nên xét hoặc trị tội. Phàm việc biết người, từ xưa vẫn cho là việc khó. Trẫm thường dặn rằng vì không biết rõ người nên dùng thường lầm. Như Trương Văn Minh cũng là người siêng năng cẩn thận. Năm trước Thanh Nghệ nhiều giặc, cho đi xét bắt cả cõi được yên. Lại phải đi đào sông Vĩnh Điện ở Quảng Nam, cũng làm xong việc. Đến lúc uỷ cho trọng trấn Bắc Thành thì sinh lòng tự mãn, kiêu căng, công việc làm sai lầm. Là một Trương Văn Minh mà trước sau hai người khác nhau. Thế thì biết người cũng chẳng khó lắm ư ?” (Tập Hai, tr.774)

[18] Huyện Đông

[19] Đại Nam thực lục, Tập Hai, sđd, tr.793.

[20] Đại Nam thực lục, Tập Hai, sđd, tr.804.

[21] Đại Nam thực lục, Tập Hai, sđd, tr.829.

(1) Thuỷ chí : cái mấp đo nước sông.

(2) Tiểu mãn : khí tiết, cứ 21, 22 tháng 5 dương lịch là Tiểu mãn.

(3) Tam phục : sau tiết Hạ chí, ngày canh thứ ba là sơ phục, ngày canh thứ tư là trung phục, ngày canh sau lập thu là mạt phục.

[22] Đại Nam thực lục, Tập Hai, sđd, tr.847.

[23] Đại Nam thực lục, Tập Hai, sđd, tr.848.

[24] Huyện Đông An : nay là huyện Khoái Châu, Hưng Yên.

[25] Đại Nam thực lục, Tập Hai, sđd, tr.856.

[26] Đại Nam thực lục, Tập Hai, sđd, tr.864.

[27] Đại Nam thực lục, Tập Hai, sđd, tr.887.

[28] Đại Nam thực lục, Tập Hai, sđd, tr.887.

[29] Đại Nam thực lục, Tập Hai, sđd, tr. 892-893.

[30] Vĩnh Lại : nay là Vĩnh Bảo (Hải Phòng).

[31] Đại Nam thực lục, Tập Hai, sđd, tr. 899-900.

[32] Đại Nam thực lục, Tập Ba, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.31.

[33] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.61.

[34] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.84.

[35] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr. 102.

[36] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.103.

[37] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.171.

[38] Mạt phục : có 3 ngày phục là sơ phục, trung phục và mạt phục. Mạt phục là ngày canh đầu, sau lập thu thường vào thượng tuần tháng 7.

[39] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.182.

[40] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.211.

[41] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.220.

[42] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.242.

[43] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.254.

[44] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.257.

[45] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.258.

[46] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.263.

[47] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.307.

[48] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.315.

[49] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.348.

[50] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.365.

[51] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.366.

[52] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.391.

[53] An – Hà: An Giang và Hà Tiên.

[54] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.426-427.

[55] Vua Phiên : đây chỉ vua Chân Lạp.

[56] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.446.

[57] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.461-462.

[58] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.466.

[59] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.466.

[60] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.487.

[61] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr. 490-491.

[62] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.503.

[63] Ban tên cho Ốc Nha Bồ Nô Sơn Liêm Mộc là Liêm Mộc, cho làm  Phó quản cơ ; còn những người thuộc hạ như Ốc Nha Bồ Nô Mô cho tên là Phiên Mô, Ốc Nha Tốt cho tên là Phiên Tốt, Bồn Nha Biện cho tên là Phiên Biện, Bồn Nha Sốc cho tên là Phiên Dục, Bồn Nha Lục cho tên là Phiên Lục, Bồn Nha Mịch cho tên là Phiên Mịch. Người nào đáng đốc suất đội nào, do quan tỉnh sắp xếp thứ tự tâu lên sẽ chuẩn cho thực thụ. Còn tên họ cơ binh thì lấy mười chữ : Hán, Đường, Triệu, Ngụy, Yên, Hàn, Tề, Lương, Trần, Tùy đặt cho. Sau đó cho Liêm Mộc chiểu theo phẩm hàm mà chi lương. Quân chia làm 5 ban. Những người đương ở ban, hàng tháng cấp gạo 1 phương (Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.504).

[64] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.516.

[65] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.529.

[66] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.532.

[67] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.564.

[68] Đại Nam thực lục, Tập Ba, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.583-584.

[69] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.601.

[70] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.603.

[71] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.605.

[72] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.606-607.

[73] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.612.

[74] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.617.

[75] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.618-619.

[76] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr. 622.

[77] Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.625.

[78] ĐNTL, Tập Ba, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr. 626.

[79] Vua chuẩn cho thi hành theo cách thức ban thưởng đã định. Nay, truyền chỉ cho quan quân các đạo: Nếu ai ở ngay trước trận, giết chết được 1 voi của giặc sẽ thưởng cho 20 lạng bạc, bắn què voi của giặc khiến voi không chạy, không cử động được, thưởng cho 10 lạng bạc, nổ súng bắn vỡ thuyền to của giặc, thưởng 30 lạng bạc, thuyền vừa thưởng 20 lạng, hiệu nhỏ, 10 lạng. Ai có thể bắn súng vào giữa đám giặc đông, và giữa đoàn thuyền giặc khiến quân giặc tan vỡ tả tơi và trong thuyền giặc bị bắn phá nhiều kẻ thương vong, cũng đều được theo lệ, trọng thưởng. Ngoài ra, hết thảy người có công trạng đều chuẩn cho châm chước nặng nhẹ mà phân biệt khen thưởng” (ĐNTL, Tập Ba, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.631).

[80] ĐNTL, Tập Ba, sđd, tr.700.

[81] ĐNTL, Tập Ba, sđd, tr.707.

[82] ĐNTL, Tập Ba, sđd, tr.708.

[83] ĐNTL, Tập Ba, sđd, tr.708.

[84] ĐNTL, Tập Ba, sđd, tr.755.

[85] ĐNTL, Tập Ba, sđd, tr.845.

[86] ĐNTL, Tập Ba, sđd, tr.845.

[87] ĐNTL, Tập Ba, sđd, tr.852.

[88] ĐNTL, Tập Ba, sđd, tr.945.

[89] ĐNTL, Tập Bốn, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.134.

[90] ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.172.

[91] ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.182.

[92] ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.253.

[93] ĐNTL, Tập Bốn, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.297-299.

[94] ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.336.

[95] ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr. 374.

[96] ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.382.

[97] ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.415.

[98] ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.420.

[99] ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.475.

[100] ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.490.

[101] ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.493.

[102] ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.502.

[103] ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.604.

[104] ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.605.

[105] ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.654.

[106] ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.701.

[107] ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.708-709.

[108] ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.844.

[109] ĐNTL, Tập Năm, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.58.

[110] ĐNTL, Tập Năm, sđd, tr. 141.

[111] ĐNTL, Tập Năm, sđd, tr.238-239.

[112] ĐNTL, Tập Năm, sđd, tr. 259.

[113] ĐNTL, Tập Năm, sđd, tr.298.

[114] ĐNTL, Tập Sáu, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.197.

[115] ĐNTL, Tập Sáu, sđd, tr. 234-235.

[116] ĐNTL, Tập Sáu, sđd, tr.264.

[117] ĐNTL, Tập Sáu, sđd, tr.427.

Bình luận về bài viết này