BÀI THƠ “LÍNH MÀ EM” CỦA PHẠM TIẾN DUẬT HAY CỦA LÝ THỤY Ý?


TRẦN MẠNH HẢO

Lý Thụy Ý

Chúng tôi (TMH) vừa nhận được email của nhà thơ, nhà văn Lý Thụy Ý nói về bài thơ “Lính mà em” của bà đã từng in trên báo “Văn nghệ tiền phong” tại Sài Gòn năm 1967, sau đó in vào tập thơ “Khói lửa” của bà in năm 1972 tại Sài Gòn. Bài thơ này còn in trong tuyển tập: “Thơ tình nam 1975” của miền Nam.

Nhưng, lạ lùng thay, bài thơ “Lính mà em” của nhà thơ Lý Thụy Ý lại thấy nằm trong tuyển tập thơ Phạm Tiến Duật do nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam xuất bản năm 2007, tất nhiên là bài thơ mang tên Phạm Tiến Duật (có sửa một số chữ màu xanh) dưới đây .

Còn đây là lá thư điện tử của nhà thơ Lý Thụy Ý gửi chúng tôi (TMH) :

Kính gởi nhà thơ Trần Mạnh Hảo

Tôi tình cờ đọc được trên trang mạng của Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Khắc Phục những luồng ý kiến về bài thơ “LÍNH MÀ EM” mà tôi là tác giả. Tôi, Lý Thụy ý, viết báo và làm thơ tại Sài gòn trước 1975, đã viết “Lính mà em” khoảng năm 1967-1968. Bài thơ sau đó đăng lên tuần báo Văn nghệ Tiền phong của Sài gòn, tạo được tiếng vang cho tên tuổi Lý Thụy Ý, và được đưa vào thi phẩm “Khói lửa 20″…
Đó là tâm tư của một người con gái thời chiến yêu lính, “đặc sệt” chất “Em gái hậu phương”, nói với người tình lính chiến hay dùng “Lính mà em” để biện hộ cho những lần thất hứa…Tôi tin rằng nhiều người Sài gòn vẫn còn nhớ “Lính mà em” của Lý thụy Ý, vì bài thơ được hai nhạc sĩ Y Vân và Anh Thy phổ nhạc, Hùng Cường hát và phát đi phát lại trên đài phát thanh nhiều lần…
Tôi gởi kèm cho ông 2 bài thơ, 1 được cho là của nhà thơ Phạm Tiến Duật (Ông Nguyễn Khắc Phục gần như khẳng định ). Bài thơ có lẽ được chép qua những người không “thuộc” cho lắm nên lôm côm và mất ý, tôi tin nếu Phạm Tiến Duật làm, chắc chắn sẽ hay hơn nhiều! Và một “Lính mà Em” của chính tác giả, Lý Thụy Ý, để ông thấy rõ sự khác biệt giữa “thật” và “tam sao thất bổn”…Thật ra, tôi đã đọc nhiều “Lính mà em”…và thất vọng khi thấy câu chữ hầu như…chẳng còn gì ngoài ba từ “Lính mà em!”
Hy vọng với sự khách quan, ông cho vài ý kiến, và tôi cũng chỉ biết ngậm ngùi khi mà bài thơ nầy giờ đây cũng đã nằm chễm chệ trong tập thơ cuối cùng của nhà thơ Phạm Tiến Duật với những câu cú…đáng buồn!
Cũng xin nói thêm rằng, chỉ có “người ngoài cuộc” là nói Lính mà Em của Phạm Tiến Duật, còn bản thân ông thì không thừa nhận. Trên báo TUỔI TRẺ số ra ngày Chủ nhật- 4-11-2007, trong bài “Một người lính đặc biệt trên đường mòn huyền thoại” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết về Phạm Tiến Duật có đoạn:( xin trích nguyên văn )”…Khi tôi đến, ông lấy tập thơ tặng tôi và mở tập  thơ ra chỉ cho tôi xem một bài thơ và nói đó không phải là thơ của ông, nhưng vì yêu quí mà những người làm sách đã đưa bài thơ đó vào. Đó là bài “Lính mà Em”. Phạm Tiến Duật nói đây là bài thơ của một nhà thơ nào đó của Sài gòn viết trước 1975…”(Nguyễn Quang Thiều).
Thật ra, những dư luận cũng đã qua khá lâu, nhưng gần đây tôi mới tình cờ biết được nên nghĩ tác giả Lính Mà Em lên tiếng cũng không thừa, trước hết để tránh sự ngộ nhận không đáng có, thứ hai là đưa ra nguyên bản bài thơ để những người yêu Lính mà em có một bài thơ đúng nghĩa.
Hy vọng không làm phiền nhà thơ.
Chân thành cám ơn.
Lý Thụy Ý
Sài gòn 22- 12- 2012

***

Phạm Tiến Duật

Lính mà em!

Em trách Anh gửi thư sao chậm trễ
Em đợi hoài em sẽ giận cho xem
Thư Anh viết bao giờ Anh muốn thế
Hành quân hoài đấy chứ,
Lính mà em!
Anh gửi cho Em mấy nhành hoa dại
Để làm quà không về được em ơi
Không dự lễ Nô-En cùng em được
Thôi đừng buồn em nhé,
Lính mà em!
Ngày nghỉ phép Anh cùng Em dạo phố
Tay chiến binh đan năm ngón tay mềm
Em xót xa đời anh nhiều gian khổ
Anh mỉm cười rồi nói,
Lính mà em!
Qua xóm nhỏ anh ghi dòng lưu niệm
Trời mưa to, hai đứa nép bên thềm
Anh che em khỏi ướt tà áo tím
Anh quen rồi không lạnh,
Lính mà em!
Anh kể em nghe chuyện trong này
Trăng đầu mùa không đủ viết thư đâu
Thư Anh viết chữ mờ nét vụng
Hãy hiểu dùm Anh nhé,
Lính mà em!
Ghét Anh ghê chỉ được tài biện hộ
Làm cho người ta thêm nhớ thương
Em xa lánh những ngày vui trên phố
Để nhớ người hay nói,
Lính mà em!

***Phạm Tiến Duật, sinh năm 1941 tại Phú Thọ.

Ông đóng góp chủ yếu là tác phẩm thơ, phần lớn thơ được sáng tác trong thời kỳ ông tham gia quân ngũ. Thơ của ông được các nhà văn khác đánh giá cao và có nét riêng như: giọng điệu sôi nổi, trẻ trung và có cái “tinh nghịch” nhưng cũng rất sâu sắc. Nhiều bài thơ của ông đã được phổ nhạc thành bài hát trong đó tiêu biểu nhất là “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây”.

Những tập thơ chính:

  • Vầng trăng quầng lửa (thơ, 1970), nổi tiếng nhất với tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính
  • Ở hai đầu núi (thơ, 1981)
  • Vầng trăng và những quầng lửa (thơ, 1983)
  • Thơ một chặng đường (tập tuyển, 1994)
  • Nhóm lửa (thơ, 1996)
  • Tiếng bom và tiếng chuông chùa (trường ca, 1997)
  • Tuyển tập Phạm Tiến Duật (in xong đợt đầu ngày 17-11-2007, khi Phạm Tiến Duật đang ốm nặng)

Ông được ca tụng là “con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại”, “cây săng lẻ của rừng già”, “nhà thơ lớn nhất thời chống Mỹ”. Thơ ông thời chống Mỹ từng được đánh giá là “có sức mạnh của một sư đoàn”[3].
Lý Thụy Ý

Lính Mà Em

Mình trách anh hay hồi âm thư trễ
-Em đợi hoài! Em sẽ giận cho xem
Thư anh viết:- Bao giờ anh muốn thế
Hành quân hoài đấy chứ- Lính mà Em!

Anh gởi về em mấy cành hoa dại:
-Để làm quà không về được Noel
Không đi lễ nửa đêm cùng em gái
Thôi đừng buồn anh nhé- Lính mà em!

Anh kể chuyện hành quân nằm sương gối súng
Trăng tiền đồn không đủ viết thư đêm
Nên thư cho em nét mờ, chữ vụng
-Hãy hiểu dùm anh nhé- Lính mà Em!

Qua hành lang Eden ghi kỷ niệm
Buổi chiều mưa hai đứa đứng bên thềm
Anh che cho em khỏi ướt tà áo tím
-Anh quen rồi, không lạnh- Lính mà em

Ngày về phép anh hẹn mình dạo phố
Tay chinh nhân đan năm ngón tay mềm
Mình xót xa đời anh nhiều gian khổ
Anh cười buồn khẽ nói:- Lính mà em!

Ghét anh ghê! Chỉ được tài biện hộ
Làm “người ta” càng thương mến nhiều thêm
Nên xa lánh những cuộc vui thành phố
Để nhớ một người hay nói LÍNH MÀ EM !

(Khói Lửa 20-1967) 

(Lính Mà Em, thơ Lý Thụy Ý, trong tập THƠ TÌNH NAM 1975 do gio-o.com tuyển chọn và giới thiệu. http://www.gio-o.com/ThoTinhNam1975.html )

Qua những bằng chứng trên đây, rõ ràng bài thơ “Lính mà em” là thơ của nhà thơ Lý Thụy Ý chứ không phải thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Chỉ cần nghe hơi thơ biết đây là thơ của một người phụ nữ, càng không phải phong cách thơ tinh nghịch, hóm hỉnh, nghiêng về bút pháp hiện thực của Phạm Tiến Duật.

Chắc là người chủ biên tuyển tập Phạm Tiến Duật (tập 1)  là nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã có sự nhầm lẫn đáng tiếc khi thực hiện tuyển tập thơ này. Mong nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho công luận biết vì sao một bài thơ của nữ thi sĩ Việt Nam Cộng hòa làm cho lính miền Nam lại biến thành bài thơ của nhà văn cộng sản miền Bắc làm cho lính miền Bắc trong khi hai bên đang ở hai chiến tuyến giao tranh?

Bài thơ “Lính mà em” của nhà thơ Lý Thụy Ý viết năm 1967, khi Phạm Tiến Duật chưa nổi tiếng ngoài miền Bắc. Trong cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ năm 1969, chùm thơ của Phạm Tiến Duật được giải nhất, bạn đọc mới biết tên tác giả này.

Chúng tôi xin giới thiệu thêm hai bài thơ của chị Lý Thụy Ý để thấy hơi thơ cùng hơi thơ của ‘Lính mà em” là do một người viết:

 

Những Bài Thơ Viết Trước 1975

Mang ý tưởng về những người lính chiến
Từng đêm buồn gác bên súng vào Thơ
Phương trời xa – theo ánh hỏa châu mờ
Nghe chiến trận về gần miền đô thị

1968

Vì…
Viết trong mùa hè đỏ lửa

Vì tất cả những người trong cuộc chiến
Đều mỉm cười chấp nhận chuyện chia ly
Vì chúng mình là người trong cuộc chiến
Em không buồn khi tiễn bước anh đi
Vì hai tiếng Việt Nam trìu mến quá
Nên hàng hàng lớp lớp tiếp chân nhau
Vì mãnh đất quê hương kiều diễm quá
Nên hoa ngụy trang áo chiến chóng phai màu!
Vì Trường Sơn còn kiêu hùng ngạo nghễ
Nên từng đoàn chim sắt lướt tung mây
Vì Cửu Long còn từng cơn sóng vỗ
Nên tàu đi những chuyến hải trình dài
Vì thương người bên kia bờ vĩ tuyến
Nên vạn bàn tay chung sức đắp con đường
Còn ngăn cách bởi dòng sông Bến Hải
Và nhịp cầu mang hai chữ Hiền Lương!
Vì dưới bóng quân kỳ bay phất phới
Còn những người lính trẻ đứng hiên ngang
Nên như ngày xưa tiễn Người ra quan ải
Em hai tay nâng rượu tiển đưa Chàng…

1972

LÝ THỤY Ý

– Tên thật Nguyễn Thị Phước Lý, Sinh nhật vào ngày : 02-04-1947

– Quê nội: Quảng Nam – Quê ngoại: Thừa Thiên – Huế

– Làm thơ, viết văn, viết báo ở đất Sài Gòn từ giữa thập niên 60 thế kỷ XX.

Lý Thụy Ý, một nữ văn, thi sĩ nổi danh từ trước 1975, khởi sự viết  cho tuần báo ‘Văn Nghệ Tiền Phong’, thư ký tòa soạn tờ báo này trông coi mục Văn nghệ Kaki  (Văn nghệ lính)

Sau 1975, Lý Thụy Ý, bạn cải tạo của các nhà văn, báo Thanh Thương, Lý Đại Nguyên, Doãn Quốc Sỹ, v.v… sau về tp. HCM  lấy chồng, viết văn, sáng tác.

http://thang-phai.blogspot.com/2012/02/tho-tinh-ly-thuy-y-phong-gioi-thieu.html

Những tác phẩm chính:

Thơ: – Khói lửa 20 (1972) – Thơ tình Lý Thụy Ý (1995) – Kinh tình yêu (2003)

Văn: – Theo triền nắng đổ (1970) – Người sau tuyến lửa (1972) – Bông hồng không tỏa hương (1992) – Ngọc lai (1993) – Khuya hoang (1994) – Những mùa xuân chín (1999)

360o văn nghệ

http://nguyenlequan.blogspot.com

25 bình luận

  1. Qua bài viết này của nhà văn Trần Mạnh Hảo, bài thơ “Lính mà em” do Phước Lý ( Lý Thụy Ý) sáng táctừ năm 1967 là của Lý Thụy Ý !Bài của PTD không phải của PTD, chính ông cũng nói vậy ! 1 + 1 = 2 !

  2. Hồi chiến tranh khoảng năm 1972 chúng tôi là lính phòng không đóng trên đất Bắc nhưng đã biết đến bài thơ Lính mà em (bản đầu), tuy không biết tác giả chị Lý thụy Ý, nhưng cũng biết là bài thơ bên kia chiến tuyến.Chúng tôi thích và thường khen chất điệu lãng mạn của bài thơ.
    Trong thời gian ấy có bài thơ về lính của lính bắc cay đắng hơn nhiều, nhưng cũng được lính ưa chuộng.Chúng tôi cũng không rõ tác giả là ai?Tôi chỉ còn nhớ vài đoạn,nếu bác Tạo biết thì hay lắm:
    Nước ngoài tôi cũng đã từng đi
    Cam bot,Ai lao có lạ gì
    Nhưng em cứ làm như không biết
    Bởi lẽ tôi về chẳng có chi…
    Rồi một hôm nào bế con ai
    Khi nghe tin về một chàng trai
    Xưa đã yêu em giờ ngã xuống
    Tôi chắc rằng em chỉ thở dài…
    Nếu bác Tạo có, mong bác cho anh em lính cựu cảm giác lại thời xưa bác nhé.

    • Dó là bài thơ “Lính 5 đồng” bác ạ!

    • Bài này hình như bắt đầu thế này :
      Em bỏ tôi là phải lắm rồi
      Lính quèn quân phục lại lôi thôi
      Gia tài gói trọn ba lô cóc…

      • Lính 5 đồng
        (Không rõ tác giả)
        Em bỏ tôi ư? phải lắm rồi
        Lính nghèo quân phục lại lôi thôi
        Gia tài vẻn vẹn ba lô cóc
        Nó ở tây về hẳn hơn tôi
        Tôi biết thân tôi lính 5 đồng
        Làm gì mua nổi tấm áo lông
        Làm chi có những chiều thứ 7
        Để đến tặng em những đóa hồng.
        Nó ở tây về có máy khâu
        Đi đâu lại diện đúng mốt âu
        Chiều chiều xe cúp bay dạt phố
        Thiên hạ nhìn theo bảo nó giầu.
        Nó ở tây về nó rất giầu
        Ra đường ăn mặc đúng mốt Âu
        Cho dù nó có hơn nhiều tuôỉ
        Mà em vẫn yêu bởi nó giầu

        Nước ngoài tôi cũng đã từng đi
        Campot, Ailao có lạ gì
        Mà em vẫn thờ ơ không thiết
        Bởi lẽ tôi về chẳng có chi…

        Em có nhớ không buổi chia ly
        Lời thề hẹn ước vẫn còn đây
        Anh đi, em sẽ chờ anh mãi
        Thế mà giờ đây đã lạt phai

        Tôi nhớ khi xưa học cùng trường
        Tôi là cậu bé thật dễ thương
        Có lẽ em yêu từ dạo đó
        Mơ ước tương lai sẽ cùng đường

        Em có nhớ chăng buổi ra trường
        Chia tay hai đứa thật vấn vương
        Em vào đại học tôi đi lính
        Hai đứa hai đường phương mỗi phương
        Ngày xưa 2 đứa khắc tên nhau
        Bên cây liễu rủ ở bến tàu
        Nếu ai có dịp ngang qua đấy
        Xin xoá dùm tôi cái tên đầu

        Và gạch làm đôi 2 nét chữ
        Bởi vì 2 đứa mãi xa nhau
        Rồi mai trong lúc bế con ai
        Em có nghe tin một chàng trai
        Ngày trước em yêu, giờ ngã xuống
        Tôi chắc rằng em chỉ thở dài.

        PS: “Tôi tưởng em yêu tôi suốt đời
        Nào ngờ đời lính cản đường tôi
        Lính nghèo em bỏ theo người khác
        Tình nặng nghĩa sâu đã hết rồi”
        ………

        DÁM CHÊ LÍNH HẢ?
        Em bỏ tôi là chẳng đúng đâu
        Lính thời Tổ quốc để trên đầu
        Cho dù quân phục, ba lô bạc
        Đi ở Tây về chẳng có đâu

        Thân tôi ai dám bảo “năm đồng”
        Mặc thời trong túi chỉ số “không”
        Nhưng tôi vẫn có chiều thứ bảy
        Nhật ký – hành trang vẫn ấm lòng !

        “Nó ở Tây về” nó giống Tây…
        Tôi thời lính Việt vẫn cứ hay
        Để có xe “siêu”, ăn mặc mốt
        Chắc ở trời Âu nó chẳng “cày” ?

        Nếu phải chia tay bởi “chữ giàu”
        Tôi mừng chứ có tiếc chi đâu
        Mừng vì em có nơi chu cấp
        Liệu nó già nua…..có được lâu

        “Là lính mà em” tôi quản chi
        Nghĩa vụ quốc tế đã từng đi
        Tất nhiên với nó tôi thì khác
        Đã bạc….thì thôi chấp làm gì !

        “Hai đứa đã từng khắc tên nhau”
        Ta còn nhìn thấy sẽ thêm đau ?
        Mong em để đấy không nên xoá
        Để nhớ… để đau….cái chữ GIÀU !
        …..

        MẤY CHÁU GÁI NGHE CŨNG BỨC XÚC
        Đau khổ làm chi các chú ơi
        Vui vẻ lên đi đời thảnh thơi
        Không được em này yêu em khác
        Sao còn ở đó đứng than trời

        Mấy ai biết được cái sự đời
        Giả sử các chú bỗng gặp thời
        Trúng vài con Lô cùng xổ số
        Khối em bu đầy chứ chẳng chơi

        Lúc đó thà hồ đứng hưởng thôi
        Con em lúc đó sẽ nhớ lời
        Biết đâu nó tìm về chốn cũ
        Các chú cứ mắng chẳng tiếc lời

        Ai bảo ngày xưa cô bỏ tôi
        Chẳng qua lúc đó chửa đến thời
        Vội chi cô đã theo thằng đó
        Bây giờ cô thành dĩ vãng rồi

        Đời tôi bây giờ đã lên ngôi
        Không còn cái cảnh ngồi than ôi
        Chân dài váy ngắn dăng đầy lối
        Còn cô mãi chỉ kỷ niệm thôi !
        Phải ko mấy chú?

  3. Chính PTD cũng nói bài này không phải của anh. Còn dẫn chứng của Lý Thụy Ý nói chị là tác giả bài thơ thì rất thuyết phục. Mong những người biên tập đính chính và xin lỗi 2 nhà thơ.

  4. Tôi tin người viết bài này, và tôi đã từng hát “lính mà em”

    Posted by 171.226.69.200 via http://webwarper.net, created by AlgART: http://algart.net/
    This is added while posting a message to avoid misusing the service

  5. Bai này của bất cứ ai cũng có lý hơn là của Pham Tiến Duật. Sao lại có sự hoang đường đến như vây. Người làm sách mơ ngủ chăng.

  6. Tui còn nhớ hồi trước75 thường nghe Hùng Cường hát bài” Lính mà em” có lời tương tự như bài thơ trên, nhưng không biết tác giả bài thơ cũng như người phổ nhạc. Nay mới biết, mà biết thêm 1 chuyện lạ.Tui không tin đây là thơ của PTD. Cám ơn anh Tạo đã có sư đính chính.

  7. Có lần nhà văn Đặng Văn Sinh cũng ngộ nhận mà khẳng định là thơ của PTD.và tôi đã góp ý phản đối ĐVS.trên VT.
    Một trong những lý do tôi nêu ra là lính miền Bắc phải gọi là Bộ Đội,
    chứ không ai gọi lính vì miền Bắc có mặc cảm “tự tôn” mình là cách mạng thì phải khác nên không muốn dùng ngôn từ của chế độ cũ là lính tẩy,lính khố xanh,lính khố đỏ v.v.

  8. Chính nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng khẳng định không phải là thơ của mình mà người biên tập vẫn để bài thơ đó vào tập thơ của nhà thơ thì là chuyện lạ! Một khiếm khuyết lớn! TKL cũng không tin đó là bài thơ của NT PTD, bởi lẽ cái tình tiết “không dự lễ Noel cùng em được” hơi lạ đối với NT PTD!

  9. Nếu người nào ở miền Bắc viết bài “Lính mà em” trước năm 1975, chắc chắn bị cạo, bài thơ sẽ bị cấm chứ đừng nói hát với hò. Thậm chí tác giả có thể bị bắt!?

  10. Tôi thì thích ” Lính mà em ” từ bé tí, khi nghe ca sĩ Tuấn Vũ hát, sau này Thanh Tuyền hát cũng mê ly luôn.
    Cảm ơn cả ” hai ” nhà thơ, về ” Lính mà em “. Nhà thơ PTD đã nói rõ như vậy, tôi thấy ông lại càng đúng chất của nhà thơ ” Lính mà em ” hơn. Một năm mới với niềm hy vọng và khát khao mới và những hoạch định mới, tinh thần tươi mới mãi là lời cầu chúc của tôi dành cho tất cả mọi người. Cầu mong một năm mới với nhiều may mắn và sung túc sẽ đến với NV NTT.
    Trân trọng.

  11. Em cũng biết chắc chắn bài này không phải của anh Duật. Thời ấy sinh viên Huế đều biết bài này và đều biết nó không phải của anh Duật mà là của 1 tác giả ở phía Nam nhưng không rõ tên, giờ mới biết nó là của chị Lý Thụy Ý. Sổ tay của em vẫn còn chép bài này…

  12. Nhân đây các bác cho tôi hỏi thêm một bài thơ chỉ có 4 câu mà cánh lính trẻ chúng tôi trang những năm 67,68…thường đọc sau những trân đánh, không rõ tác giả:

    Mai mốt em ơi tàn chinh chiến
    Vó ngựa xin dùng dưới mái tranh
    Để ngắm ai kia ngồi dệt lụa
    Má đào còn thắm, tóc đương xanh.

    Không biết bài thơ đã đúng chưa hay còn khác nữa, nhờ anh Tao và các bác biết chỉ hộ. Cảm ơn

  13. Bài thơ này có sư nhầm lẫn là do lính láu cá. Những người lính yêu thơ chép những bài thơ của phía bên kia mà họ cho là hay ,mà lại hợp với khẩu vị và hoàn cảnh của họ. Do chép đi chép lại thành “bách sao thất bổn” , Họ không thể viết tên thật tác giả được, Chính trị viên biết là chết, nên họ phải ghi tên những nhà thơ mà cán bộ chính trị biết ở cuối bài và nghiễm nhiên ông này trở thành tác giả. Rất nhiều bộ đội thuộc lòng phần đầu bài thơ : “Từ ngày ấy con lên đường xa mẹ ” trong truyền đơn kêu gọi “hồi chánh” vì nó nói đúng hoàn cảnh của lính quá, nhưng đố ai dám ngâm nga đoạn cuối, nguy ngay.
    Rất lạ là “thủ đoạn” này đã bịt mắt được mấy ông cán bộ chính trị lớp ba, lớp bốn bổ túc lại gạt được cả những vị có chuyên môn sâu, trình độ học vấn cao .

  14. Sau năm 1975 tôi đọc được bài “Lính mà em”(cũng không nhớ rõ là đọc ở đâu).Tôi vẫn nghi ngờ cách gọi bộ đội là lính.Giờ thì rõ rồi.Tôi tin bài viết trên.

  15. Theo đúng tinh thần hòa hợp hòa giải, tôi nghĩ Lý Thụy Ý nên nhường tác quyền của bài này cho Phạm Tiến Duật, vì PTD ở bên có chánh nghĩa sáng ngời, còn LTY ở bên “không có quyền lựa chọn” nên phải nhìn ra cái sai trái của con đường mình đi, và phải tự cải tạo tư tưởng aka tự phủ định mình .

    Một lý do nữa PTD phải được xem là tác giả vì truyền thống “Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”. PTD nhận là tác giả bài thơ, LTY có hân hạnh biết được “tên” nhà thơ vĩ đại Phạm Tiến Duật, và Lý Thụy Ý phải xem như đó là một vinh dự cao quý .

    • Đừng nói xách mé thế, có tội với ông PTD đó ! PTD giỏi không phải là vì ở phía bên này hay bên kia. Không cần “lính mà em” thì ông cũng quá tuyệt vời rồi .

      • Nói đúng chủ trương đường lối thì sao gọi là xách mé ?

        Ông PTD chỉ là hạt cát, có ánh sáng của chủ trương đường lối mới được sáng lấp ló, lộn, lánh . Càng theo chủ trương đường lối, Phạm Tiến Duật càng sáng lấp ló, lại lộn, lánh . Như vậy là tôn vinh Phạm Tiến Duật đấy chứ .

  16. Bài thơ “Lính mà em” của chị Lý Thụy Ý hay quá và nó dễ thương quá! Và những từ Eden, Noel thì chỉ có Sài Gòn mới có, hiển nhiên rồi. Lấy bài này nói của PTD, thực ra là đã xúc phạm ông ấy, và đúng, những nhà thơ lớn họ có phong cách riêng, dù có lú lẫn, họ cũng nhận ra không phải của mình ngay.

    Đọc bài thơ “Lính mà em” tôi thấy thương những người lính trong bài thơ này quá vì họ rất Người. Và tôi trân trọng bài thơ của chị Lý Thụy Ý quá vì vì nó rất thơ.

    Ôi còn đâu nữa một thời “Lính mà em”. Cám ơn nhà thơ Trần Mạnh Hảo và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã cho tôi được biết đến một nhà thơ lãng mạn của một thời đạn lửa và rất yêu nước, nhà thơ Lý Thụy Ý.

  17. Hơi thơ đọc lên đã thấy bài “Lính mà em” ( tác giả Lý Thụy Ý) rõ ràng không phải chất của Phạm Tiến Duật. Lời lẽ câu từ của văn chương miền Nam hơn là miền Bắc. Còn bài mà ai đó(?) đã mạo danh của Phạm Tiến Duật, đọc lên nghe khô khan lủng củng, rõ ràng là bản copi một cách vụng về. Thiết nghĩ “cái gì của Xêda hãy trả lại cho Xêda!”

  18. Xl cac nha tho lon cua dat nuoc nhe.toi cung tung doc bai tho linh ma em roi va khong thay giong voi hay bai tho tren tuy rang cung giong vay nhung co nhung tu ngu khong voi 2bai tren.dum la tho cua ai di nua nhung ai viet bai nay cung co mot tam hon tho va manh liet.va toi tin chac do cung khong phai tho cua PTD

  19. Bài thơ rất hây…xin nhà thơ Lý Thụy Ý..được phép khai thác biên đạo lại thành bài vộng cổ theo lối người Nam Bộ được chứ…!

  20. Hôm nay tôi mới được đọc bài này. Những năm 70, 71, 72,…75 tôi là lính của sư đoàn 9 (công trường 9, lính từ Bắc vào tác chiến ở Campuchia và Đông Nam Bộ) thường nghe bài hát “Lính mà em”, nó hay nên chúng tôi cũng thuộc và nay cũng mới biết bài thơ gốc để phổ nhạc là của Lý Thụy Ý. Tôi cũng khẳng định bài này không phải là của PTD (chính PTD cũng nói bài thơ này không phải của ông). Vậy hãy trả lại bản quyền cho tác giả của nó. Xin cảm ơn. 7.4.2014.

Bình luận về bài viết này