LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ “VĂN CHƯƠNG ĐỈNH CAO”?


(NGUYỄN HOÀNG ĐỨC trả lời phỏng vấn của SƯƠNG NGUYỆT MINH)

Sương Nguyệt Minh

Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Sương Nguyệt MinhThưa nhà LLPB Nguyễn Hoàng Đức! Theo ông như thế nào là tác phẩm văn chương đỉnh cao?
Nguyễn Hoàng Đức: Theo tôi tác phẩm văn chương đỉnh cao luôn bao hàm tư tưởng. Ở đây tôi muốn lý giải tư tưởng một cách dễ hiểu để nó không trở thành nơi ẩn nấp cho nhưng cái gì hàm hồ, à uôm, áng chừng, bất khả lý giải dẫn đến hòa cả làng. Trong cơ thể, bộ não là bộ tham mưu cao nhất lãnh đạo toàn bộ các chi thể. Một tác phẩm văn học (hoặc các tác phẩm của các môn nghệ thuật khác cũng vây) giống như một cơ thể và tư tưởng chính là bộ não của nó. Tư tưởng còn có thể được gọi là tính đề tài, tính chủ đề… Người ta không thể hy vọng vào tác phẩm có nhiều tư tưởng mới như mốt thời trang hay như bút phát, hay như phong cách viết. Tư tưởng thường là cao hay thấp nhiều hơn là cũ hay mới. Chẳng hạn như tự do, bình đẳng bác ái, chân lý là những chủ đề luôn luôn cũ hoặc chẳng bao giờ mới, nhưng được lịch sử văn học luôn luôn bám riết hoặc theo đuổi. Có thể minh họa thế này: Có rất nhiều cô gái chân cao chân thấp, vòng một khác vòng hai… đấy là tính đa dạng của cơ thể, nhưng về tư tưởng, trình độ tư tưởng của các cô ấy rất ít khác nhau. Người ta thường phân biệt người có nhu cầu vật chất hoặc người có nhu cầu văn hóa, người có nhu cầu tinh thần, người có nhu cầu tôn giáo, người có nhu cầu từ thiện đạo đức, hoặc người có tất cả nhu cầu đó.

Sương Nguyệt Minh: Chả lẽ tác phẩm đỉnh cao chỉ có tiêu chí là tư tưởng lớn? Còn bút bút pháp, nghệ thuật vứt đi à?
Nguyễn Hoàng Đức: Chắc chắn là vậy. Chẳng hạn ta lấy một ví dụ điển hình chắc chắn nhất: Đó là tác phẩm của Đôn ki hô tê của Xéc văng téc được thế giới văn học bầu chọn là tác phẩm hay nhất mọi thời đại. Vậy tác tác phẩm đó hay ở cái gì? Nó hay bởi chính chủ đề của nó. Đôn ki hô tê không kể khi mình đã già yếu hay ảo tưởng đã xông vào đấu với một hiệp sĩ chuyên nghiệp bất kể đến kết quả bại trận chắc chắn thuộc về mình. Điều đó nói lên hai điều chính: Một là, anh ta quý danh dự hơn cuộc đời của mình. Hai là, anh ta buộc phải làm bổn phận của người đàn ông để bảo vệ phái yếu.

Có thể nói danh dự vẫn là tiêu chí hàng đầu, đỉnh cao cuả các tác phẩm. Với văn học hậu phục hưng từ Pháp đến Nga với các cuộc đấu súng và đấu kiếm bảo vệ danh dự đã tạo ra tác phẩm đỉnh cao.

Không chỉ văn học, tất cả mọi loại hình nghệ thuật đều không cách gì ra khỏi nguyên lý Chân – Thiện – Mỹ. Chữ Chân đó là sự thật và chân lý. Chữ Thiện đó là hướng về lòng tốt. Còn chữ Mỹ là hướng về văn chương và nghệ thuật. Với những tác phẩm tư tưởng lớn thì mỹ học, hành văn, bút pháp chỉ là thứ tập tàng, điệu bộ, dẫn dụ, có vai trò rất thấp bé của kẻ làm trò… Thường các nhà văn không có tư tưởng thì  mới làm trò đó. Một ví dụ điển hình: Văn hào Đốt xtôi ép xki, mở đầu ông viết rất điệu bộ như “Năm đêm trắng”, nhưng ông càng viết càng ẩu. Tất cả các tác phẩm về sau đồ sộ hơn. Chắc hẳn ông đã bỏ rơi sự điệu đàng bút pháp để đổi lấy sự vạm vỡ về tư tưởng. Ông ta đánh rơi : viết thế nào để đổi lấy viết cái gì. Đối với ông thông điệp của tinh thần là mạnh hơn cách bày tỏ.

Sương Nguyệt Minh: Vậy thì ở Việt Nam theo ông đã có tác phẩm văn chương đỉnh cao chưa? Nếu có thì là tác phẩm nào?

Nhà phê bình gHoàng Đức

Nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức

Nguyễn Hoàng Đức: Ở Việt Nam tác phẩm đỉnh cao lại là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhưng, đáng tiếc thay đây là phó sản của văn học Tầu, mà có Hội nghị văn học Trung Quốc đã xác định: Truyện Kiều của Nguyễn Du được phái sinh từ “Đoạn trường tân thanh” của Thanh Tâm Tài Nhân, chỉ là tác phẩm hạng hai của Tầu. Và họ còn khẳng định: Truyện Kiều không thể hay hơn bản chính về mọi góc độ.
Về thơ hiện đại chúng ta được chính thức khai sinh vào khoảng 1932 – 1945, nhưng mỗi bài thơ là việc của một tờ giấy (hai mặt), nó không bao giờ có tầm của một tác phẩm lớn mang tư tưởng lớn. Nhiều nhặn lắm thì nó chỉ mang một cảm xúc vừa phải, cho nên tôi gạt nó qua 1 bên.
Về văn xuôi, chúng ta có rất ít ỏi áng văn xuôi bất hủ như “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, một tiểu thuyết lịch sử “Hoàng Lê Nhất thống chí” của Ngô văn Gia phái. Cùng thời gian đó, hình như văn xuôi Việt Nam mới chính thức chào đời theo chân thơ. Việt Nam đã có những tác phẩm văn xuôi khá ấn tượng như “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Số đỏ” của Vũ Trụng Phụng, “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng, “Chí Phèo” của Nam Cao; nhưng cái để lại ấn tượng trong đầu tôi nhất lại là tác phẩm mà ít người để ý là “Sống mòn” của Nam Cao. Lần đầu tiên vai trò của một người trí thức – một nhà giáo, dường như nó rất mờ nhạt không mang những tính cách đặc sắc của truyền thống hay thay đổi thời đại như nông dân và công nhân, đã bước vào trong tác phẩm. Tôi đã từng viết: đấy là ánh sáng đô thị đầu tiên đã manh nha thắp lên thay thế ngọn đèn dầu của cuộc sống truyền thống. Trong văn học nghệ thuật thường những đề tài bình dị nhất lại trở thành thách thức mỹ học lớn nhất. Tôi cho rằng chính Nam Cao đã tiến hành bước đi đầu tiên vào thử thách này. Ông đã viết về truyện mà không có chuyện. Còn các tác phẩm trên như Tắt đèn, Số đỏ, Chí Phèo, đều là những tác phẩm có chuyện gay cấn. Nhưng, chúng ta đã có tác giả lớn và tác phẩm đỉnh cao chưa? Tôi cho rằng các nhà văn mới “khai sinh” của chúng ta chưa đủ sự chín muồi toàn diện từ tri thức, văn hóa, tôn giáo, triết học, thần học, sinh hoạt mỹ học để làm nên tầm vóc văn hào có đại tác phẩm. Một lần ở nhà họa sĩ Lê Thiết Cương tôi đã bảo nhà văn Nguyễn Huy Thiệp rằng: “Việt Nam chúng ta có nhiều nhà văn nổi tiếng, nhưng cái cần hơn của chúng ta là đại văn hào, các ông có dám đề cử mình ở tầm vóc đại văn hào không?” Nguyễn Huy Thiệp im lặng.

Sương Nguyệt MinhThế còn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, hoặc các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu? 
Nguyễn Hoàng Đức: Nguyễn Minh Châu thì tôi chưa đọc. Hoặc có thể đọc lúc trẻ nay thì tôi không nhớ nữa. Tôi đoán ông ấy cũng “rưa rứa”. Còn Bảo Ninh tôi cũng đọc mấy chục trang đầu…tôi xin nợ một bình luận trực tiếp. Tôi có xem một tạp chí của Mỹ hình như là “Book Review” họ có tôn vinh tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh là: “Sự phản tỉnh đầu tiên về chiến tranh ở Việt Nam.” Tôi cho rằng đây là một lời khen quá thẳng thắn và tôi hoàn toàn đồng ý với họ. Nhưng, tôi có một cách nhìn khác. Người ta bảo: nhìn quả biết cây, và cũng nói nhìn cây biết quả. Tôi đã gặp Bảo Ninh nhiều lần, tôi có thể đong đo được tầm vóc văn hóa, tri thức và cách sống của ông. Theo tôi thì riêng con người tác giả của Bảo Ninh cũng chưa thể có sự chín muồi hơn lớp trước (thậm chí còn thua kém lớp tác giả thời chống Pháp rất nhiều). Để trở thành một tác giả lớn. Chúng ta đã và đang chứng kiến một Nguyễn Huy Thiệp hết vốn ở truyện ngắn định leo vài nấc thang lên tiểu thuyết mi ni mà không gượng được. Một Bảo Ninh thì chỉ có vốn “một cuốn cho tất cả” đến mức tiểu thuyết đầu tiên không thể là đầu tầu để kéo theo phía sau là dăm ba toa tầu tác phẩm. Thành thực công bằng mà nhìn nhận học vấn, tri thức và văn hóa là những thách thức chưa “chín muồi” của lớp nhà văn chúng ta cả quá khứ đến hiện tại. Nhưng, ở quá khứ thì có khá hơn.

Sương Nguyệt MinhThế còn truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp – một tác giả đỉnh cao thời kỳ đổi mới?

Nguyễn Hoàng Đức: Nguyễn Huy Thiệp nổi tiếng nhất ở ngoài nước là truyện ngắn “Tướng về hưu”. Đây là tác phẩm có tính chất tố cáo một hiện thực dữ dằn. Khi ra đời nó tạo ra được một bước ngoặt đó là so với những tác phẩm đang mang nặng tính tuyên truyền thì nó rẽ ngoặt để phản ánh sự thật. Ba tác phẩm về lịch sử khá vạm vỡn của Nguyễn Huy Thiệp là “Phẩm tiết”, “Kiếm sắc”, “Vàng lửa” được nhiều nhà văn, nhà giáo, và độc giả trong nước ca tụng, nhưng đối với người nước ngoài họ lại thấy rất bình thường. Tại sao? Lý luận mỹ học cho rằng: Chủ đề tác phẩm lớn mà dựa vào sử tính, chẳng hạn như nói về sự nổi tiếng của Hoàng đế Na pô lê ông hoặc vua Quang Trung, thì sự hệ trọng của đề tài sử tính ấy là vay mượn của lịch sử, chứ không thuộc về tác giả. Chẳng hạn nước mắt của cô thôn nữ chẳng khác gì nước mắt của hoàng hậu, nhưng bao giờ nước mắt của hoàng hậu cũng nổi tiếng hơn – bởi vì nó dựa vào tầm vóc của sử tính.

Sương Nguyệt Minh: Theo ông nhà văn Việt Nam cần phải làm gì để có tác phẩm đỉnh cao?
Nguyễn Hoàng Đức: Nhà văn Việt Nam hiện nay đơn giản như chúng ta thấy nhìn vào Hội Nhà Văn, có một ông Nguyễn Trung Đức biết tiếng Tây Ban Nha thì đã mất lâu rồi. Cứ tiếng Anh thì người ta lại nhìn Nguyễn Quang Thiều, Hồ Anh Thái, có vài vị biết tiếng Pháp thì đã nghỉ hưu lâu rồi. Nhiều nhà văn Việt Nam còn biện hộ rằng: Tiếng mẹ đẻ còn chưa biết hết, biết tiếng Tây làm gì?! Đây là việc cụ thể để chúng ta hãy tự nhìn nhận tầm vóc trí thức của nhà văn chúng ta. Chẳng hạn có bao nhiêu nhà văn chúng ta thích nghe nhạc thính phòng giao hưởng, bao nhiêu nhà văn yêu hội họa… trong đó văn chương và nghệ thuật có tính liên thông, mà ta thấp ở bộ môn này thì khó mà cao ở bộ môn kia.

Sương Nguyệt MinhThế còn vốn sống, sự dấn thân và trải nghiệm của nhà văn không cần ư?
Nguyễn Hoàng Đức: Dấn thân là gì? Chính là hành động! Mà tư tưởng thì dẫn đến hành động. Tư tưởng sinh ra từ đâu? Sinh ra từ tri thức. Còn vốn sống và trải nghiệm chỉ là hình thức của kinh nghiệm, nhiều khi chủ nghĩa kinh nghiệm lại giết chết sáng tạo.

Sương Nguyệt Minh: Tôi thì cho rằng: Nhà văn phải có bản sắc nhưng lại phải bắt gặp tính nhân loại. Qua cuộc truyện trò này, tôi cảm nhận được cứ như ông thì bao giờ cũng đặt tính nhân loại lên trên hết.

Nguyễn Hoàng Đức: Mời ông hãy nhìn ra đại dương, ở đó có rất nhiều con tầu có nhiều dáng nhiều vẻ khác nhau, nhìn dáng vẻ của mỗi con tàu người ta biết được nơi xuất xứ của nó đó chính là bản sắc. Còn đại dương chính là giá trị phổ quát cũng thuộc về nhân loại. Tôi cho rằng: nhà văn phải biết tôn vinh ngôn ngữ bản địa của mình trên bàn tiệc của nhân loại.

Anh muốn nói gì viết gì là của anh, của bản địa nơi anh muốn thuộc về (mà anh cũng không cách nào che được xuất xứ của anh đâu) nhưng hãy làm chói sáng ngôn ngữ đó trên bàn tiệc phổ quát của nhân loại. Thì cả dân tộc anh và nhân loại sẽ biết ơn anh.

Sương Nguyệt Minh: Xin cảm ơn ông về những lời ngay thẳng chân thành.

7 bình luận

  1. Cả hỏi lẫn trả lời cứ thấy loay hoay làm sao í? Nếu đặt dấu hỏi cho trả lời của Nguyễn Hoàng Đức và coi SNM như đang trả lời cũng được. Nhưng phải thừa nhận SNM quá khôn ngoan để gợi ý cho NHĐ bộc lộ hết cái “sở học” vô tích sự của mình. NHĐ đang đi vào vết bánh xe đổ của việc tách nội dung tư tưởng với hình thức của tác phẩm nghệ thuật? Cái bánh xe ấy đã nghiền nát không ít thế hệ văn tài của nước ta.

  2. 1 bài PV hay, ông Đức cứ phát huy cho ” chúng sinh” tè tè được nâng dần, dù lúc đầu khối kẻ khó chịu. Nhưng biết làm sao, thầy thuốc nghiêm túc phải cho uống đắng, phải lách dao, làm đau, nhà critik đích thực cũng vậy. Chúng ta xuê xoa, vái tụng nhau quá lâu rồi, đến mức” khen cho nó chết”. Nó lại không chết mà nó tưởng thật lộng giả thành chân, mặt cứ câng câng khi là nhà văn, nhà thơ, nhà phim, nhà họa, nhạc….Nhan nhản danh nhân, và văn, thi nhân…. Thực ra, chỉ là ảo là lớp son sơn phết gặp mưa gió bụi đường là bay trơ còn lại quá tiêu điều, lều lán Mà văn đàn cứ kêu gào mong có tác phẩm ngang tầm thời đại, nhớn…Bên phim, nếu mặt không nhàu nhĩ vì đau đời như chân dung đạo diễn A. Tarcovski ( Nga ) thì cũng đừng mong. ND hay Ưu tú cũng chỉ là cái hình thức xếp loại thi đua như chấm học sinh giỏi các cấp

  3. Tác phẩm đỉnh cao là bao nhuyễn được nhiều thứ

  4. There are human problems which arise because of the presence within society of an actively operating system of morality and other problems which arise because of the absence of any such system. Only the former can be the basis of a great spiritual literature. Denunciation, betrayals, deception and falsehood, for example, do not engender problems worthy of great art in a society where morality does not function as a significant social mechanism. Great art is the creation of a moral civilisation, and one of its means of existence. That is why we do not have, and cannot have, any great spiritual art. We can force the entire country to dance folk dances, take up figure skating or sing in choirs. But we will not allow great writers like Dostoievsky or Tolstoy to exist. Do I need to say any more?

    Có những vấn đề phát sinh từ sự hiện diện của một hệ thống đạo đức đang hoạt động tích cực trong xã hội và những vấn đề khác nảy sinh từ sự thiếu vắng hệ thống này . Chỉ loại xã hội trước mới có thể làm nền tảng cho những tác phẩm văn học tinh thần vĩ đại . Đấu tố, lật lọng, lừa đảo và dối trá, lấy ví dụ, không tạo ra những vấn đề đáng cho nghệ thuật lớn trong một xã hội mà đạo đức không hoạt động như là một bộ phận xã hội quan trọng . Nghệ thuật lớn là kết quả của một nền văn minh đạo đức, và một trong những lý do [nền văn minh đạo đức] tồn tại . Đây là tại sao chúng ta không có, và không thể có, bất cứ [tác phẩm] nghệ thuật lớn nào . Chúng ta có thể bắt cả nước nhảy các vũ điệu dân gian, và đi học trượt băng nghệ thuật hoặc hát đồng ca. Nhưng chúng ta không cho phép sự tồn tại của những nhà văn lớn như Dostoyevski hoặc Tolstoy . Có cần tôi nói thêm không ?

    Sakharov -qua lời kể của một trí thức Nga khác- đang bàn về tại sao Liên Xô (cũ) không thể có tác phẩm lớn .

    Rất nhiều nhà văn LX (cũ) được giới văn học vn xem là đại văn hào, và lòng ngưỡng mộ đó được đóng dấu chứng thực bởi nhà nước LX (cũ), nhưng đối với giới trí thức LX (cũ), ngay cả Yevtushenko cũng không được đánh giá cao .

  5. Ý kiến ngắn về „Tác giả và Tác phẩm“

    Dẫn:
    Thưa bác Trang chủ và quý vị,
    Như có lần đã „phi lộ“: Là người đọc, tôi rất muốn theo dõi một topic nào đó đến lúc có thể thỏa mãn tính tò mò và rút ra điều gì đó lợi lạc cho mình. Độc một người thì có cái nhìn cơ bản về tác giả là điều cần thiết, cho nên hay có topic mang tựa đề „Tác giả và tác phẩm“. Tôi đã có lần tán thán cách giới thiệu tác giả của bác Tạo là khá công phu với các ảnh lịch sử và „cập nhật“; Đọc ai đó mà có bức hình của „người ta“ để thỉnh thoảng „chiêm ngưỡng“ thì có khi cũng giải đáp phần nào câu hỏi: „
    Ý ông này viết ở đây là gì?
    Tôi đã có 12 bài của anh Nguyễn Hoàng Đức bên Trang nhà của bác Nguyễn Tường Thụy với phần „Tác giả giới thiệu về mình.
    Tôi đã tìm hiểu tác giả Sương Nguyệt Minh qua Google và tạm thỏa mãn với bài của
    Văn Công Hùng: „
    Trưa nay online thì gặp ngay thư Sương Nguyệt Minh. Lão đại tá nhà văn này là người rất lười thư từ (nghe nói lười cả… chức vụ, nghe nói y từ chối một chức rất quan trọng ở một tờ báo to lắm),…
    Trong bài của Phong điệp có câu kết khá hay:
    Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Thời đại. Thời đại có nhiều biến cố, có cái để cho nhà văn viết. Thời đại cộng hưởng với độ rung ngân xúc cảm nhà văn, cần nhà văn cất tiếng nói cùng tiếng nói nhân văn thời đại và tạo điều kiện cho nhà văn viết. Sau đó là tự ý thức nhà văn dấn thân chuẩn bị văn hóa nền, tự nhà văn thấy mình cần phải viết cái gì, viết như thế nào.
    – “Cộng hưởng rung động với thời đại”, “kỹ năng văn chương” và “văn hóa nền” có lẽ là 3 yếu tố làm nên tác phẩm có giá trị, trước hết, trong lòng người đọc. Đó cũng là lý do tôi post lại nhận xét đã chia sẻ cùng thân hữu sau đây.
    Thân mến

    Tôn giáo là thành tố của Văn hóa
    [Dưới một entry tán thán công đức Thày Thích Tâm Mẫn hoàn thành hành trình “nhất bộ, nhất bái” từ Sài Gòn về Yên Tử chiêm bái Phật Hoàng Trần Nhân Tông; Một bác đã đặt câu hỏi: Theo tôi nghị lực của đại đức Thích Tâm Mẫn là do sức mạnh của lòng tin. Nhưng tôi thật sự không hiểu vì sao tôn giáo lại có thể tạo nên đức tin như thế? Ý kiến này là tóm lược trao đổi bên đó.]


    Xin hiểu việc „bàn góp“ của tôi là chân thành và … bạo phổi.

    *
    Đọc bài viết của Thày Thích Tâm Mẫn nói về con đường dẫn tới quyết định „xuất gia“ của Thày, ta thấy rất chân thật và rất „người“: Từ mưu lợi cho bản thân đến mưu hạnh (phúc) cho những người gần để cuối cùng tìm ra giải pháp „giải thoát“ theo ý nghĩa Phật giáo cho bản thân và chúng sinh. – Đó là quá trình hợp logic tâm lý học.
    Vướng mắc trong ý kiến bác là chỉ nhìn „LÒNG TIN“ theo cách hiểu bình thường mà chưa tới ý nghĩa của HẠNH NGUYỆN là điều quan trọng nhất của người tu. HẠNH NGUYỆN hiểu đơn giản là mục đích của người tu đặt ra sau quá trình tư duy gian khổ và nghiêm túc vì nó quyết định cả cuộc đời một con người.
    Thế là gắn TÔN GIÁO chỉ với ĐỨC TIN, ta chưa tới được chỗ nhìn thấu cội rễ của TÔN GIÁO.

    *
    Thành tựu tư duy và tri thức của con người có thể được tóm trong khái niệm VĂN HÓA. Tôi xếp các thành tố của văn hóa theo sơ đồ tương liên sau:
    ĐẠO LÝ => ĐẠO ĐỨC => ĐẠO LUẬT
    Đạo lý là tất cả tri thức con người có được về tự nhiên và xã hội được các vĩ nhân thâu tóm trong các học thuyết, giáo thuyết. Đạo Phật, đạo Jesus, đạo Nho, … là những kinh điển như thế. Vì là những tri thức về tự nhiên và xã hội con người nên nó trở thành những quy phạm phải theo và những quy phạm đó khi được cộng đồng người chấp nhận thì nó mang tên là ĐẠO ĐỨC. Đối với từng hình thái xã hội cụ thể (thể chế), những điều cơ bản của đạo lý và đạo đức được văn bản hóa thành các đìều luật quy định cách hành xử của các thành viên cộng đồng với nhau. Công việc hình thành, xây dựng và thực thi các ĐẠO LUẬT / Điều luật gọi là CHÍNH TRỊ là chức năng của chính quyền trong một thể chế xác định.
    Gắn kết hài hòa 3 thành tố của văn hóa trên đây thì xã hội thuần, thiện; Ngược lại thì bạo ngược và tội ác hoành hành.

    *
    Hành vi thực hành HẠNH NGUYỆN GIẢI THOÁT theo tinh thần đạo Phật của Thày Tâm Mẫn là kết quả tự nhiên theo đúng tính chất nhân văn của con người mà nhà Phật gọi là TÍNH THIỆN.
    Đạo Phật không bài bác hay chống đối các hình thái thế gian; Nhưng đạo Phật giúp cho xã hội và mỗi con người gìn giữ và củng cố TÍNH NGƯỜI trong lời khuyên HỒI ĐẦU (về lại với bản chất nhân văn).

    Mạnh dạn trình bày kiến giải thô thiển; Mong hiểu cho THIỆN Ý.
    Kính bút.

  6. Đức tin (tín) mới chỉ là 1 trong 3 món “hành trang” cần thiết trên con đường chứng ngộ Phật pháp. Hai món kia là Nguyện, Hạnh.

    LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ “VĂN CHƯƠNG ĐỈNH CAO”?

    Đừng a dua theo bọn chuyên “viết sách thế tục ca ngâm” (kinh Pháp Hoa) thì (may ra) mới có được đỉnh cao.

  7. Nghe nói cho vui

    Nghe hai người nói chuyện, mình cũng thấy vui vui, chẳng có lý luận gì cả, nói cho sướng miệng thôi, vì ngay cái định nghĩa tư tưởng là gì cũng chưa xác lập được, thì còn bàn luận gì nữa!

    Nếu chỉ là tư tưởng và tư tưởng, không bút pháp nghệ thuật thì đâu còn lả văn chương, mà có thể là tác phẩm triết học.

    Cốt lõi của tác phẩm văn chương là hình tượng thẩm mỹ-tư tưởng. Shakespears , hay V.Hugo vĩ đại vì xây dựng dược những hình tượng thẩm mỹ chứa đựng những tư tưởng lớn, mang tầm vóc nhân loại.Và điều quan trọng là tư tưởng trong tác phẩm phải là tư tưởng tiến bộ. nếu tác phẩm chứa đựng những tư tưởng suy đồi, thì nó trở thành tai họa. Tư tưởng của Nietzsche đã từng gây tai họa cho châu Âu đó.

    Nói tư tưởng thì văn chương nhân loại đã khai thác hết rồi. Tư tưởng Thiền, tư tưởng của Khổng Tử, Lão Tử, hay chủ nghĩa Nhân Văn hay chủ nghĩa Hiện Sinh , chủ nghĩa Marx và bây giờ là Hậu Hiện Đại. Nhà văn Việt Nam sẽ khai thác nguồn tư tưởng nào? Nguyễn Huy Thiệp đã thử bút từ Hiện Sinh sang Thiền, nhưng không thành công. Nguyễn Quang Thiều đã thử bút về Hiện Sinh Thiên Chúa Giáo, kết hợp Kafka và Tagore, tuy có mới song chưa thể khẳng định thành công hay không. Và dù có thành công thì cũng chỉ là học trò của Kafka và R.Tagore thôi, không thể là nhà thơ lớn được.

    Để xác định thế nào là tác phẩm lớn, nhà văn là đại văn hào thì cần xét ở nhiều yếu tố của tác phẩm và nhiều phẩm chất của nhà văn, không chỉ có tư tưởng.

    Vâng, bải viết chỉ để đọc cho vui. Mở đầu khẳng định tư tưởng là yếu tố duy nhất làm nên tác phẩm đỉnh cao, kết thúc lại hô hào làm chói sáng ngôn ngữ bản địa, câu chuyện sẽ còn lan man bất tận…

    Comment by Bùi Công Thuấn

Bình luận về bài viết này